1
Viết là đâm nổ mặt trời. Nhìn lên trời tháng tư tại Paris, tôi tìm không ra mặt trời: mặt trời đã chạy trốn.
Bây giờ là năm giờ rưỡi chiều.
Chiều Paris, những trời chiều Paris.
Phương trời.
Hai ngày trước khi đưa tiễn Nguyên tại ga Lyon, Phương cùng tôi đã đi bộ trở về Jussieu, Phương đã kể cho tôi nghe về mối tình của Phương và Nguyên; hai người đã gặp nhau, đã yêu nhau và cưới nhau. Lúc Phương và Nguyên hôn nhau tại sân ga một giây trước khi tàu đi, tôi khoanh tay đứng nhìn và mỉm cười.
— Giống như nàng và chàng hôn nhau trong tiểu thuyết, chỉ là không có mưa.
Tôi thấy ngay là mình vừa nói xong một câu vô duyên; tôi vội nói tiếp một câu khác để đuổi mây bay đi.
— Khi tới Rome, Nguyên nhớ đến thăm mộ của K. Việc thăm mộ của K. còn quan trọng hơn việc dự hội nghị nữa.
Tàu bắt đầu chuyển bánh.
— Ráng ngủ cho nhiều nhé. Phải ngủ nhiều mới được.
Tôi không nghĩ đúng như tôi đã nói; tôi chỉ muốn nói lên một cử chỉ chăm sóc, mà tôi có bao giờ biết chăm sóc ai đâu. Tôi chỉ biết chăm sóc những bóng ma nhảy múa trong tiềm thức. Tàu chạy mất. Phương và tôi cùng nhau đi về.
Chúng tôi đi về, không phải dưới cơn mưa, mà là dưới bầu trời đen tối; thế rồi nhẹ nhàng như bóng chim bồ câu trên cát, tôi sực nghe ý thức tôi nổ tung và chợt biết mặt trời đã chạy trốn vĩnh viễn trong không gian cỏ xanh.
Tôi khoanh tay đứng nhìn và mỉm cười.
Mười năm rồi, từ ấy đến mấy ngày hôm nay, tôi đã đánh giặc với mặt trời, tôi đã quỳ lạy xin van mặt trời hãy để tôi yên, tôi đói khát thanh bình, tôi đói khát, quá đói khát.
Mới hôm qua, ngồi uống một cốc bia ngoài sân một quán cà-phê gần Notre Dame bên cạnh dòng sông Seine lờ đờ ngu xuẩn, tôi bước nhón nhén trên cánh đồng cỏ xanh của dĩ vãng, tôi đá một chân vào đám lá mắc cỡ, những cái lá bé li ti bỗng rún mình lại, tôi khoanh tay đứng nhìn và mỉm cười; những chiếc lá con thu nhỏ lại, rún mình nhỏ bé lại lần hồi chỉ còn là một hạt bụi; hạt bụi xanh lại thu nhỏ lại quá nhỏ, nhỏ hơn hạt nhân; tôi vội rút bút máy trong túi áo ra và đá ngòi bút vào hạt nhân màu xanh ấy; đùng một thoáng kinh hoàng, hạt nhân lá mắc cỡ nổ tung lên thành mặt trời, tôi liền phóng cả cái bút thẳng vào tim mặt trời và nó nổ bùng lên rùng rợn một cách im lặng, thứ im lặng lẻ loi của ngày vũ trụ được sáng tạo dưới rún người đàn bà ở không gian cỏ xanh; tôi bàng hoàng nhìn thẳng vào cốc bia trên bàn và sực ý thức rằng mặt trời vừa đầu thai thành muôn triệu cái bọt bồng bềnh trong nước bia; tôi cúi đầu xuống thổi những cái bọt cô liêu ấy và đôi mắt tôi bắt đầu ướt, không phải ướt nước mắt, mà là ướt nước biển xanh vào lúc 12 giờ khuya khi tôi tắm biển ở New Haven tại Huê Kỳ sau lúc nhảy hát với một vũ nữ người Nga dưới căn gác sặc mùi rượu bia. Tôi trả tiền người bồi bàn và bước qua đường De la Huchette, khu phố beatniks của Paris. Bước vào quán Popoff, tôi gọi một cốc rượu đỏ, ực vào một nhúm, đi thẳng vào cầu tiêu của quán cà-phê, đóng chặt cửa lại, đuổi đi hết những bầy ong của tiềm thức.
Đi vào cầu tiêu là đi vào cõi chết; chỉ khi nào đi vào cõi chết mới có được nỗi cô đơn khôn cùng của lúc đi trong cầu tiêu. Đi vào cõi chết là cởi truồng ra, duỗi hai chân ra và ngồi trên địa cầu, để hồn bay lênh đênh trên không trung đóng chặt, tư tưởng loãng ra và biến mất theo tư tưởng loài người; ngoài cánh cửa cầu tiêu là nói chuyện, lựa lời nói chuyện cho có duyên dáng, thanh lịch và quý phái, hoặc lựa lời nói chuyện cho vũ bão, tục tĩu, hoang đàng cộc lốc, ngang tàng hoặc la hét lên hoặc nói khe khẽ thủ thỉ như đôi nhân tình đầu thu chớm lạnh; ngoài cánh cửa cầu là phải nói chuyện, nói chuyện để cho mặt trời vẫn mọc, để đi, đứng, ngủ thức, thở, ăn, đợi, yêu, ghét, và nhìn những chiếc tàu đi mất.
Khi tới Rome, nhớ đến thăm mộ K...
K. đã đi vào cầu tiêu ở Rome và đã đóng cửa lại và đã không còn nghe bên ngoài nói chuyện nữa.
Paris, ngày 9 tháng 4 năm 1966
K. thân quí,
Mặt trời đã nổ tung rồi, mặt trời đã lủi chạy mất rồi, mỗi hơi thở của tôi đưa mặt trời chạy xa thêm một triệu dặm. K. có cảm động sung sướng mà nghe được tin mừng này?
Rome còn đó, tôi ngồi đây tại Paris và một tháng nữa tôi sẽ qua Luân Đôn nơi K. chào đời. Bây giờ tôi phải nói chuyện thay K. tôi không nói khe khẽ như người say đắm, tôi không nói nhỏ nhẹ phơi phới như K. đã nói với chim hoạ mi, với bình sứ Hy Lạp và với mùa thu.
Tôi nói bằng tiếng Phạn, không phải tiếng Phạn của kinh Vệ Đà, mà là tiếng Phạn của kinh Đà Lạt. Tôi đã học ngôn ngữ này tại suối Cam Ly, tại quán cà-phê Tùng gần chợ Hoà Bình và tại những chân đồi cỏ tơ ở Đà Lạt.
Thăm K. mạnh.
Thân yêu,
Tôi = ? XXX
Tái bút: Tôi có bảo Nguyên qua Rome thăm K. nhưng không biết K. có chịu cho thăm không? Nguyên đi qua để dự Hội nghị Quốc tế về Bất Bạo Động; sẵn dịp Nguyên đi Rome, tôi có nhờ Nguyên đến thăm mộ K. hộ tôi: mười năm rồi, trên những nẻo đường lênh đênh, tôi đã bỏ quên, bỏ rơi K.; mấy ngày trước khi Nguyên lên đường, tình cờ như tiếng gọi từ thế giới vô hình tôi đọc lại vài bài thơ K., tôi gọi tôi từ địa cầu vô hình, tôi gọi tôi trở về với tôi.
Bị bỏ rơi, bị bỏ rơi, tiếng run lên như tiếng chuông, run lên như tiếng nấc của Hư vô, run lên như K. giữa những cơn đau điếng hồn trong vũ trụ đìu hiu.
Tôi vừa nghe Belafonte ca bản Jamaia Farewell.
Tiếng chuông cõi chết đã đưa tôi xa nàng và gọi tôi trở về tôi.
Tôi trở về tôi. Trở về tôi của tôi cô liêu, của tôi hiu quạnh, của tôi đơn độc, của tôi duy nhất.
Ai bỏ rơi tôi?
Bỏ rơi, bỏ hoang, bỏ trống, bỏ hiu hắt, bỏ cô liêu.
Tôi bỏ rơi tôi.
K. than thở, K. chấm một dấu than.
K. ơi!
Mai nầy tôi chết, hãy chôn tôi với.
Còn uống rượu?
Hãy chôn tôi với.
Chôn tôi với cây đàn, hở F.G.L.?[*]
Hãy chôn tôi với.
! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! !
Với cây đàn. Những con chim bay tung trời. Sao tôi không còn khóc được?
Chim. Chim.
Tôi không còn biết yêu. Tôi không còn biết nói.
Mai này tôi chết đi, hãy chôn tôi với.
Tôi gọi tên em Tên em là.
Tôi còn gì nữa để nhìn lên trời, phương trời tháng tư? Tôi còn gì nữa để nhìn lên phương trời? Chỉ còn lòng kiêu ngạo vô biên.
K. ơi, tôi là R.!
Chỉ còn lòng kiêu hãnh mênh mông như phương trời. Phương trời tháng tư.
Tôi không còn biết ca hát. Tôi chỉ biết nói ồn ào trên vực thẳm đìu hiu.
! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! !
Mưa rơi trên cánh chim.
Nói ồn ào trên cánh chim non những ngày lửa mất.
K. Nguyên thăm mộ K. chưa?
K. ơi, K. ơi, K. ơi!
F.G.L.
L. đã nói, L. đã không nói, đã không bao giờ muốn nói.
Tôi đã không bao giờ muốn nói.
Không bao giờ muốn nói điều ấy với em.
Tại sao vậy hỡi L.?
Nếu tôi chết
Xin em hãy để ban-công mở rộng.[**]
L.L.
Hãy để bao lơn mở rộng để tôi nhìn lên phương trời
Phương trời tháng tư
Hãy để bao lơn mở rộng
Tôi muốn nhìn lên phương trời
Tôi còn gì nữa để nhìn lên phương trời
Chỉ còn lòng kiêu ngạo như đại dương bao la vỗ sóng.
Còn gì? Còn gì?...
Mai nầy khi tôi chết đi
F.G.L.
Mai nầy khi tôi chết đi
Mai nầy khi tôi chết đi
Hãy chôn tôi với cây đàn guitare, hỡi F.G.L.
Cây đàn tháng tư
Phương trời, hãy chôn tôi với phương trời tháng tư.
Thân ái chào K.
Tôi = R. – xxx
Tái tái bút:
Tôi có bảo Nguyên qua Rome thăm K, nhưng không biết K. có chịu cho không? Nguyên đi qua để dự Hội nghị Quốc tế về Bất Bạo Động.
K. có chịu cho thăm không?
Tôi cố gắng tưởng tượng K. đang ở Rome để dự Hội nghị Quốc tế về Bất Bạo Động!!!
! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! ! !
K. đã chết đi vì lý do nào?
K. đã chết đi.
Không phải vì tình yêu.
K. đã chết đi vì lý do nào?
K. đã chết đi và không thể sống nổi trên cuộc đời này vì K. biết rằng thế giới này sẽ tổ chức những cuộc Hội nghị Quốc tế về Bất Bạo Động! Đó là lý do quan trọng nhất đã khiến K. không sống nổi trên cuộc đời này!
Những Hội nghị Quốc tế về Bất Bạo Động đã giết K.! Tôi gục đầu ràn rụa những giọt sóng biển. Tôi gục đầu, tôi ôm đầu mà không thể khóc được. Tôi để cho tên K. trôi theo sóng nước. Tôi gục đầu và chỉ còn lòng kiêu ngạo vô hạn mới có thể để yên cho những con chim bay rợp trời.
Trời tháng tư.
Tôi chỉ còn biết nói ồn ào vô vọng trên hố thẳm bơ vơ. Mặt trời chạy trốn, mặt trời chạy trốn.
Thân yêu chào K.
Tôi = kẻ khác – R.
nghĩa là xxxxxx
Tôi vừa thức giấc sau một đêm dài triền miên trên thế giới khác; tôi đã viết một bức thư cho K. trong mộng, (một con bồ câu mái) chuyển thư tôi cho K.; bây giờ tôi không còn ngủ nữa, tôi đã thức rồi.
Khi tôi vừa thức thì chắc K. đã nhận được thư rồi. Chừng nào K. trả lời thư tôi? Không biết. Có lẽ lúc nào tôi chết rồi mới nhận được thư của K. Mai nầy tôi chết đi...
2
Viết là gọi phù phép cho mặt trời sống lại.
Làm mặt trời sống lại gọi là HỒI DƯƠNG. Trong ngôn ngữ thường nhật, làm người chết sống lại cũng là hồi dương (không viết hoa). Tôi đã hồi dương?
Hôm nay, vừa tắm xong, bỗng nhiên tôi nhớ thèm một mùi thuốc lá. Phương trời tháng tư không lạnh, chỉ heo hắt những đợt gió nhẹ chớm xuân. Tiếng chim kêu ban mai khiến tôi nhớ một mùi thuốc lá quen quen. Mưa Paris phơi phới phương trời bao la, phơi phới những vòng khói thuốc bâng quơ của dĩ vãng nhiều buồn. Tôi nhớ thèm một mùi thuốc lá; tôi nhớ mùi thơm của lá tràm mà tôi chưa bao giờ thấy (hay đã thấy trong tuổi nhỏ và không biết tên; những gì chưa có tên sẽ không bao giờ mất và sẽ còn lại đời đời, dù vũ trụ có tan tành như bọt), tôi nhớ mùi lá tràm, nhớ những hoa trắng của cây tràm, xin cho tôi dùng củi tràm nhúm lửa để đốt lên một điếu thuốc gauloises xanh, xin cho tôi vỏ cây tràm để trám ghe và chèo vào hư vô.
Nhưng cây tràm không mọc ở Paris.
Tôi xin đi vào vào vườn bách thảo ở giữa đường Linné và đường Lacépède hay ở giữa con đường không tên trong tiềm thức. K. đã chết vì cây tràm không mọc ở Rome và K. đã chết tại Rome.
Tôi nhớ mùi thuốc lá hay tôi nhớ mùi lá tràm bị đốt?
Tôi mang vào đôi giày cũ, đôi giày mà Vĩnh đã gọi là đôi giày của V.G., V.G. cũng đã chết, chết theo Pr.. Tôi nhè nhẹ bước xuống thang lầu, những chiếc thang lầu gỗ của những nhà trọ cũ ở Paris. Tiếng gỗ kêu thành những bước chân xuống lầu; những bước chân bước xuống niềm câm lặng nặng nề của dòng ý thức bảo vệ rụt rè.
Một cánh cửa mở, một người bước ra đường. Một người hay bóng ma? Tôi là một con ma nhớ khói nhà, bước ra đường để tìm một bao thuốc gauloises xanh, bước ra phố để đốt lên một nhúm lửa cho ấm hồn phiêu dạt. Paris phơi phới đầu xuân, những mùa xuân không bao giờ nở trọn. Tôi ca hát một mình. Ma có ca hát không? Mặt trời đã nổ hôm qua.
Tôi băng qua đường Monge, ngày chúa nhật, quán thuốc đầu phố đã đóng, một mùi khói đã tan. Vòng qua đầu phố ngang vườn bách thảo, quán thuốc thứ hai đã đóng rồi. Quán thuốc thứ ba cũng đóng. Hai vòng khói đã bay về không gian cỏ xanh. Tôi bước về đường Puits-de-l’Ermite, đứng lại ngó vào đền thờ Hồi giáo. Một người da đen đứng nơi cửa phát báo, hai người khách du lịch rụt rè muốn bước vào trong thánh đường. Tôi bước qua đường Quatrefages: một điệu nhạc ru khơi vơi bồng bềnh trong đôi mắt của người con gái tôi không gặp. Tôi nhìn lên trời.
Bước vào một quán rượu gần bến taxi ở đường Monge, hỏi mua một bao thuốc, người quầy rượu chỉ qua quán thuốc bên đường kế cận, tôi đánh diêm đốt lên điếu thuốc đầu tiên trong đời (tôi vừa mới ra đời): khi tôi đánh diêm, tôi nhìn lửa bừng lên đốt cây diêm thành khói, lửa đã đốt hình hài tôi và nó sẽ làm khói bay vút lên những bầu trời thần thoại. Tôi buồn vô hạn. Nhân loại đã phản bội tôi. Tôi đã đánh lửa lên cho con người. Tôi đã thổi khói ra để con người được nhìn cõi mông lung của lửa, khói và nước (nước trong miệng tôi đã ôm lửa để run lên khói điên). Những cây tràm đã bị bới tung để được thay vào đó những nhà máy, những xưởng, những chợ búa, những thành phố. Con người hút thuốc để chạy trốn sự chạy trốn của mặt trời. Hút thuốc lúc đi tiêu, hút thuốc lúc đi đái, hút thuốc lúc ngồi nhà đĩ, hút thuốc trước khi bắn loạt súng đầu tiên vào những cây tràm, hút thuốc lúc chán chường, hút thuốc để giữ lập trường, hút thuốc để che giấu sự trống rỗng không đáy của đôi mắt, hút thuốc vì không dám làm sống lại mặt trời.
Hút thuốc vì sợ chết.
Và sợ sống – – – xxxxx
Hút thuốc là đánh đĩ tư tưởng mình để có thể sống ngày qua ngày, đêm qua đêm.
Đừng nói đến cách mạng, đừng nói đến cộng sản hay tư bản, công bình hay bác ái, đừng nói đến vô minh hay giác ngộ, thiên đàng hay địa ngục, bạo động hay bất bạo động. Hút thuốc đi.
Có người đang hấp hối, rụt rè, sợ hãi, lo lắng, ngột ngạt, nhứt đầu, đau buồn, ỉa không ra, ngủ để được ru vào những hình ảnh đẹp hay rợn người, đi đứng trên những buổi chiều của những ngày hôm qua. Con người đưa tay ra nắm ghì, ôm giữ, chụp lấy những làn khói thuốc mong manh của tình yêu, của tình người, của những điệu nhạc ru hồn, của những chùm lá xanh đầu xuân. Không có phức cảm tự ty, không có phức cảm tự tôn, không có phức cảm Oe., chỉ có phức cảm Pr., phức cảm thừa hưởng niềm kiêu hãnh điêu đứng của một kẻ ăn cắp lửa để đem cho con người. Con người hút thuốc không phải để có niềm linh cảm bi tráng của Pr. mà để gợi lại một phức cảm trong bóng đêm tiềm thức; con người đã đóng đi Pr. giữa hai diêm quẹt bắt tréo; con người đã giết và phản bội Pr. trong từng điếu thuốc họ hút. Tất cả linh cảm của buổi ban đầu đã rơi xuống thành phức cảm và cảm giác. Người con trai và người con gái ôm nhau trần truồng trên giường và bị trói chặt trong phức cảm và cảm giác, vì linh cảm đã biến mất trong lòng đời. Con người không còn nhảy múa trên lửa, trên hố thẳm đìu hiu của đêm điên; con người chỉ còn nhảy múa trong khói thuốc. Thế là cây tràm không còn mọc được trong ngôn ngữ con người. Hai người nói chuyện nhau bằng những tiếng ú ớ của kẻ câm điếc. Bắn cho nổ tròng con mắt, bắn cho nổ lỗ tai để mà nghe và nói bằng tiếng Phạn. Các người hút thuốc, đốt lửa hút thuốc, vì các người không còn đủ niềm linh cầu để đốt lên một cơn lửa điên trong đời sống của các người.
Đứng lại, khoanh tay và quì gối xuống mà nhìn tôi hút thuốc. Tôi đánh diêm đốt lửa và hai triệu vũ trụ đang được tượng hình theo hai ngón tay tôi. Tôi bước chậm rãi qua một con đường ngược chiều; cơn say của mùa xuân Paris đang chếnh choáng theo hai bước chân tôi. Mặt trời chuyển động theo hơi thở tôi. Mặt trời đang HỒI DƯƠNG khi tôi bước qua đường Tournefort ở Quartier Latin, tôi đảo lộn con đường ngược lên lối Jules Chaplain và đứng lại nghe người nghệ sĩ nghèo đứng đờn vĩ cầm giữa phố; mặt trời quay mòng và nhập dòng ý thức tôi; ý thức tôi đưa nhẹ vào tim và kéo ra một điệu vĩ cầm tuyệt vời mà chỉ những con người tội lỗi mới nghe được. Tôi trở lại vườn bách thảo, bước xuống ngang viện Thực vật học, đi thơ thẩn trên những lối cỏ công viên, chới với theo những cánh hoa đong mình rơi rụng trên đất. Tôi nhìn mấy cái ghế dài ở công viên và thấy Rimbaud lấy phấn viết “Merde à Dieu”! Người đi đường thấy tóc của Rimbaud mọc dài đến vai, móc túi lấy ra 4 xu và bảo Rimbaud đi hớt tóc. Rimbaud lấy 4 xu và chạy đi mua thuốc hút! Tôi lại gần ghế dài ấy, bôi chữ “Merde à Dieu” và cầm phấn viết lại “Merde à Rimbaud”!
Tôi bước thật chậm về đường Guy de la Brosse, ném trọn bao gauloises vào giỏ rác. Bước lên phòng, nằm dài xuống sàn, trùm mền kín cả đầu, ngủ một giấc dài đến tối.
Thức dậy, tôi bò quanh tìm thuốc hút, nhưng chẳng còn điếu nào rớt lại. Tôi lại nằm xuống sàn, đắp mền kín đầu, hơi thở ngột ngạt hâm nóng cả người, câu thơ của Bob Kaufman ru tôi vào giấc ngủ đìu hiu; “Tôi nhớ Chaplin và vấn lên một điếu thuốc tâm tư”... Người thi sĩ da đen của nhóm Beat ru tôi vào giấc ngủ tháng tư: “Mặt trời ra đời và Thượng đế đã ngủ với một điếu thuốc cháy, hừ, thượng đế đã vỡ chết do một đêm dài phán xét”...
3
Đẩy cánh cửa sổ lên, tôi đứng nhìn ra sông Hudson thấp thoáng đằng xa phía bên mặt, công viên trước mặt đã thay lá. Phòng bên, Chang đang thổi bản paloma, tôi vỗ mạnh vào vách và hét bảo Chang thổi lại một lần nữa. Chang là một người bạn Trung Hoa, anh học tại trường cơ khí Brooklyn. Chang là một trong năm người bạn thân nhất của tôi tại ngôi nhà quốc tế nầy.
Khoảng năm trăm người ở “ngôi nhà quốc tế” (International House) đều là sinh viên của Đại học đường Columbia, khoảng hai chục người học tại trường âm nhạc Julliard, vài ba người học ở N.Y.U. chỉ có hai người học ở trường cơ khí Brooklyn. Chang là một trong hai người ấy; trường Brooklyn rất xa ngôi nhà chúng tôi ở: do đó Chang đi học và ăn trưa tại trường, mãi đến chiều tối anh mới về nhà. Phòng tôi ở số 358, ở khít bên phòng Chang, mỗi lần, nằm trên giường, nghe tiếng nước róc rách bên cạnh hoặc nghe tiếng kèn là tôi biết Chang có ở nhà; lúc đó, chỉ cần vỗ vào vách ba bốn lần thì Chang biết tôi đòi anh thổi bản Paloma. Khi nào hứng, anh liền thổi ngay, khi nào không hứng, anh nhảy ra ngoài đập cửa phòng tôi. Khi nào hứng, tôi quấn khăn vào người; chạy ra mở cửa; khi nào không hứng, tôi hét lên cho Chang biết tôi muốn nằm yên để ngủ.
Trời New York tháng mười đã lạnh cóng người, thế mà lúc nào leo lên giường nằm ngủ, tôi cũng cởi hết quần áo, cởi cả quần áo lót, đắp chăn vào thân thể trần truồng và để da thịt mình ướp vào những tấm mền nỉ mịn như cỏ non. Nơi gần đầu giường, tôi dán một bức tranh nhỏ của Le Douanier Rousseau, hình một con sông chảy bình thản giữa hai bờ hoàng hôn. Trước khi ngủ, tôi thường nhìn con sông ấy và nhắm mắt lại để hồn tôi bềnh bồng trôi theo dòng sông buồn. Chỉ có cách tượng hình bình thản như vậy mới có thể đưa tôi vào giấc ngủ; còn không thì tôi sẽ thức suốt đêm nhìn trần nhà, để rồi ngóc đầu ngồi dậy mặc quần áo, lấy subway đi xuống Washington Square, trốn vào một hầm cà-phê ở Greenwich Village, uống liên tiếp gần mười tách cà-phê đen, hút liên miên hai ba chục điếu thuốc, đi từ quán cà-phê này đến quán cà-phê khác, sau cùng đến ngồi thừ ra trong hầm quán cà-phê Figaro ở giữa đường Bleecker và đường Mac Dougall, ngồi thừ ra trong một góc thật tối, đến gần bảy giờ sáng, khi quán sắp đóng cửa thì thì lủi thủi bước xuống hầm subway mà đi trở về nhà, rồi nằm ngủ nửa tỉnh nửa mê đến trưa mới ngồi dậy rửa mặt, để rồi tiếp tục sống lại chuỗi ngày đêm vô vị, đánh nhịp đây đó bằng những cuốn sách bơ vơ của S.W., của H.M., của M.H. hoặc bằng những câu chuyện nhảm với mấy đứa con gái đủ màu da của ngôi nhà quốc tế này.
Tôi đang thiêm thiếp mê man giữa tỉnh và thức, tôi sực giựt mình vì tiếng đập cửa đánh mạnh vào thái dương như tiếng sét rớt vào phòng. Tôi chụp lấy đồng hồ, 11 giờ trưa rồi. Hồi 7 giờ sáng, trước khi đi ngủ, tôi đã cẩn thận treo bảng “Please do not disturb” (bảng do nhà I.H. in sẵn cho mọi người ở trong nhà); bảng ấy rất ích lợi, vì khi nào mình muốn tự tử mà treo bảng ấy nơi cửa thì không ai đến phá cửa để phiền rầy cái xác thối của mình (“xin vui lòng đừng làm phiền rầy”). Vậy mà chú Chang nầy lại cứ đập cửa phiền rầy tôi, nhất là mỗi khi anh đi ngang qua thấy tôi treo bảng ấy nơi cửa.
— Thức dậy mầy, ngủ gì ngủ suốt ngày.
— Đêm qua tao không ngủ.
— Vậy mầy làm gì đêm qua?
— Tao thức đọc sách...
— Đêm qua mầy đi hoang suốt đêm, tao không biết sao mà còn nói láo.
— Ừ, mầy ăn sáng chưa?
— Thay đồ mau xuống ăn với tao. Gần hết giờ rồi.
— Vô đây mầy, ngồi chờ tao một phút.
— Mở cửa sổ ra mầy, bước vào phòng mầy sặc mùi thuốc, mầy lại đẩy giường đi chỗ khác nữa, mầy không bao giờ nằm im một chỗ, hôm qua mầy để ghế bành vào giữa, hôm nay mầy đẩy nó qua bên hông, mầy đẩy giường vào cửa sổ, sát bên lò sưởi điện, coi chừng nó nóng quá độ đốt cháy hết cả giường, đốt luôn cả mày thì hết đi hoang cả đêm. Ừ, đêm qua mầy đi hoang ở Greenwich Village? Bữa nào dẫn tao đi với...
— Mầy rủ con Patricia đi luôn...
— Ừ, Pat nó lo lắng cho mầy đó.
— Lo lằng cái gì?
— Nó nói với tao dạo nầy mầy đâm ra bấn loạn tinh thần gì đó, hôm qua Pat lên phòng tao bảo tao qua gõ cửa phòng mầy để rủ mầy đi viếng hội chợ quốc tết với tụi tao, tao đập cửa mầy mà mầy cũng chẳng lên tiếng, ngủ gì mà ngủ hoài, không chịu làm gì cả.
— Tao ghét tất cả hội chợ, tao ghét cái thành phố New York này, hội chợ quốc tế ở đây chỉ là một thứ New York thu nhỏ lại, tao chán, tao chán cái đời sống Mỹ quốc này. Ờ, tụi mình lên gõ cửa phòng con Pat, rủ nó đi xuống ăn sáng với tụi mình, con Pat nó nói với mầy thế nào? Tao cứ đùa phá nó hoài, hôm qua tao văng tục với cô nàng, tao nói rằng chỉ có sex là quan trọng đối với cuộc đời tao, tao nói rằng tao bị ứ dục tình, tao muốn...
— Mầy cứ phá Pat hoài, mầy phải tội nghiệp cô nàng, Pat nó rất hiền thùy đoan trang, mầy đụng con nào mầy cũng phá rầy, thằng Alberto nói mầy Don Juan là đúng...
— Mẹ kiếp thằng Alberto, tao còn nợ nó 10 dollars...
— Mầy xài tiền vừa vừa thôi, mầy tiêu tiền quá đáng, tháng nào mầy cũng xài hết tiền, xài hết ngay mấy ngày đầu tháng, rồi nhịn đói cuối tháng, cứ thế thì có ngày bệnh nằm xuống thì nguy...
— Tao sẽ bỏ học bổng trong một ngày gần đây, tao chán cái đời sống U.S.A. nầy, tao gần điên lên rồi... Hôm qua, viện I.I.E. cử tao làm đại diện sinh viên quốc tế ở N.Y. này để tiếp tân, tao viết một bức thư cho I.I.E. và bảo rằng tao không đi, bảo rằng tao chán Mỹ quốc, rằng tao chỉ thấy sự trống rỗng của thực tại Hiệp Chủng Quốc...
— Mầy điên rồi, mầy đừng gửi bức thư ấy, nguy hiểm lắm.
— Tao gửi rồi. Hồi sáng này tao nghe điện thoại ré vang phòng tao mà tao không trả lời, tao chắc I.I.E. gọi tao... Thôi mầy chạy ra trước bầm thang máy sẵn chờ tao ra sau, chừng một phút nữa... Mẹ kiếp, tao đi thang máy hoài cũng phát điên lên... Tao chán New York, chán những cái thang máy, chán những ngôi nhà hộp quẹt khổng lồ (như ngôi nhà này), chán những chai coca-cola mười lăm xu, chán mấy cái hamburgers, chán những subways, chán những đại lộ không cây, chán những supermarkets, chán những kỹ thuật đọc nhanh tại mấy đại học đường, chán những phòng lò sưởi điện nóng quá sức, chán những cái hotdogs, chán những nhà hàng Mỹ, chán những cái ô tô buýt, chán những điếu thuốc Mỹ, chán cái đại lộ Thứ Năm, chán tất cả những đứa con gái Mỹ, tất cả bọn con gái Mỹ đều nứng mà không dám thoát ra... Mẹ kiếp tao chán chán muốn điên lên, bất cứ thằng Mỹ nào gặp tao cũng hỏi tao nghĩ thế nào về tình hình Việt Nam, tao bảo chúng chuyện ấy không can hệ gì tới chúng, tao bảo chúng hãy để tao yên, tao bảo với chúng rằng thằng Mỹ nào cũng hỏi tao như vậy. Hôm qua con Elisabeth ngạc nhiên lúc nó biết tao là người Việt Nam, nó có vẻ thích nghe tao nói về Việt Nam, nó có vẻ thương người Việt Nam — nó thương Việt Nam lắm, thằng Ba Tư, thằng Ali đó, mầy quen không, thằng cao cao ở lầu mười, thằng quỷ Ba Tư này bảo tao hãy fuck con Elisabeth một cái để trả thù cho Việt Nam, tao nói tao chán con gái Mỹ như chán hotdogs... Ừ, xong rồi, thang máy xuống kìa, mầy hãy chạy ra nhanh bấm nút giữ lại để tụi mình đi nhanh cho kịp giờ điểm tâm...
— Bây giờ 11 giờ 10 phút rồi, còn nửa giờ nửa mới hết điểm tâm.
— Được rồi, mầy giữ nút đỏ ấy đi để tụi mình lên thẳng tầng mười.
— Mầy gõ phòng Pat đi, tao đứng đợi nơi hành lang nầy.
— Ai đó?
— Ta
— Ta là ai?
— Ta chứ ai? Ta là Thượng đế...
— Ồ, anh có chuyện gì lạ không anh?
— Thằng Chang bệnh gần chết, xuống mau thăm nó, nó đang bệnh gần chết... Nó bị xe đụng tét háng...
— Anh quỷ này đừng rộn chuyện...
— Ừ Pat đang làm gì đấy?
— Đang viết thư.
— Cho anh chàng ở Paris?
— Ồ, anh đừng nói nữa, chuyện riêng của em, em đã quên anh chàng ấy rồi, em viết thư cho Air France để xin mấy tấm hình quảng cáo Paris để dán trong phòng cho đỡ buồn, em sẽ xin thêm cho anh một tấm nhé...
— Ừ, Chang ơi, Pat gọi mầy kìa.
— Ủa, có anh Chang lên nữa à, thôi mời hai anh vào phòng.
— Pat, mạnh chứ? Chưa ăn sáng hử, thôi đi xuống ăn chung với tụi này.
— Thôi hai anh đi ăn đi, em còn kẹt giờ học tại Columbia vào hai giờ, em phải viết xong mấy bức thư và dọn bài sẵn...
— Pat xuống ăn ngay lập tức, không nói lôi thôi. Ê Chang, mầy thấy rõ chưa cô nàng sợ mập không dám ăn sáng.
— Thôi em đi ngay đây, anh chỉ có tài nói xấu thiên hạ... Ừ hôm qua, Catherine nói anh đi chơi với Anna mấy tuần nay phải không? Lãng mạn ghê!
— Cái con Catherine lẩn thẩn này. Anh chỉ đi với Anna có một lần thôi, lần nào nó gặp anh, nó cũng thấy anh ngồi ăn cơm chung bàn với Anna, nó tưởng anh và Anna đang lãng mạn với nhau gì đấy, thực ra thì anh đâu có ưa con Anna...
— Thôi đừng giải thích dài dòng, đi xuống ăn sáng cho rồi kẻo trễ giờ...
— Ừ, có sẵn thang máy đây, may quá...
— Bấm nút B đi mầy.
— Này, này, anh hút bớt lại một chút, em thấy anh hút thuốc liên miên không dứt.
— Con gái đừng đá động đến việc con trai.
— Ừ, anh Chang, hôm nay, anh có xem phim Hawaii ở phòng dưới không, em nhớ Hawaii quá, nhưng không hiểu sao em lại nhớ luôn cả Paris, vì một lần nọ lúc còn học ở Paris em cũng có xem một phim Hawaii cũng đẹp như vậy, lễ Thanksgiving, có lẽ em sẽ về Hawaii thăm ba má em, hay hoặc có lẽ em sẽ qua Paris chơi cho đỡ nhớ... Em là người Mỹ, nhưng không hiểu tại sao em thích sống ở Pháp hơn Mỹ...
— Hừ, cái nước Mỹ này...
— Ừ, ừ lại mầy nữa, đúng đề tài muôn đời của mầy rồi, mầy cứ chửi Mỹ hoài, tao cũng đâm nhức óc...
— Không chừng tao cũng bay qua Paris vào lễ Thanksgiving... nhưng tao cứ tiêu hết tiền hoài, khó để dành lại để mua vé máy bay.
— Đáng kiếp mày.
— Anh nên thực tế một chút, anh sống bất chấp... Em thấy anh không nên sống như vậy... Rồi cũng không đi đến đâu, anh phải thực tế, đừng quá viển vông... ở đời sống này, chúng ta cần phải...
— Này, Chang... mày đưa Pat xuống ăn trước, tao cần trở về phòng...
Tôi bấm nút ngừng lại từng 3, bước về phòng, đứng nơi cửa một phút, nhìn lên tên mình dán nơi cửa như nhìn một tên lạc loài, tôi không mở cửa phòng mà bước lui hành lang để vào phòng W.C. Tôi đóng kín cửa lại hai vòng khoá, cởi quần ra như một đứa con nít, ngồi trên bệ trắng, đánh diêm hút thuốc, phà khói vào thành cửa; những cuộn khói bay mạnh vào cửa, rồi dội lại vào mắt tôi; khói thuốc làm xốn cả mắt, tôi thấy cay cay và nước mắt ứa ra. Tôi ngồi luôn gần một giờ rưỡi đồng hồ, không xuống phòng ăn.
4
Những ngày đầu ở New York, tôi đã chạy lục gần hết những nhà sách của thành phố để tìm F.G.L.
Tôi đã không bao giờ muốn nói
Không bao giờ muốn nói điều ấy với em
Tôi đã đọc hai câu thơ ấy của F.G.L. ở nơi đâu tôi cũng không còn nhớ rõ. Tôi gặp Laura. Xanh lá cây, chao ôi, xanh lá cây...
Hồi còn ở tại old campus của đại học đường Yale tôi đã gặp Laura. Trong đám sinh viên ở old campus của Yale hè năm ấy, chỉ có tôi và Bích là người Việt, còn tất cả còn lại đều là sinh viên đủ mọi quốc tịch. Bích mặc áo dài Việt, trông rất nhu mì đoan trang, Bích rất hiền lành và rụt rè. Tôi lạnh nhạt với Bích và ít nói chuyện với nàng, chỉ thỉnh thoảng nàng nhờ tôi làm dàn bài cho luận đề của nàng, tôi mới chỉ sơ qua vài ý quan trọng, chỉ thế rồi tôi tìm cách lánh mặt để đi theo đám con gái nhí nhảnh ở phòng nhạc cuối sân campus. Đám con gái nhí nhảnh nhất là đám sinh viên người Á Căn Đình và Ba Tây, vừa nhí nhảnh, vừa lãng mạn và yêu đời, khác hẳn đám con gái Na Uy, Đan Mạch và Thuỵ Điển; hầu hết bọn con gái những xứ Bắc Âu này đều to béo và trắng một cách vô duyên.
Laura có lẽ là cô gái trẻ tuổi nhất trong đám sinh viên ở old campus; Laura vừa tốt nghiệp văn khoa tại một đại học đường ở Á Căn Đình; Laura nói với tôi đây là lần đầu tiên nàng xa nhà và tuy mới chỉ qua nước Mỹ, nhưng nàng đã bắt đầu thấy nhớ Á Căn Đình một cách lạ thường. Quê nàng ở Cordoba, một thành phố lớn của Á Căn Đình, dọc theo một con sông, một con sông điên, xanh lá cây, xanh lá cây, ta muốn ngươi xanh lá cây. Verde, Verde...[***]
5
Nguyên vừa ở Rome về, anh đã thành công rực rỡ tại hội nghị. Nguyên cũng đã đi thăm mộ K., anh kể lại rằng anh đã đi tìm mộ K. suốt buổi mà người ở trong nghĩa địa cứ chỉ anh đi xuống, rồi lại đi lên, cứ khiến anh đi sai đường; mãi đến lúc nghĩa địa gần đóng cửa anh mới tìm ra mộ K. và anh chỉ đứng nhìn mộ chừng một chốc thời gian rất ngắn, trong một tâm trạng thiếu chuẩn bị vì bị những công việc của hội nghị rầt là ám ảnh. Anh nói rằng anh rất tiếc là không được đủ khung cảnh tâm tư để mà gặp mộ K., anh chỉ nói là mộ K. rất đẹp. Anh cũng có đến thăm nhà K. ở với Sh.; hộp thư còn mang tên K. và Sh.; anh lại nói thêm: “K. ở một ngôi nhà như thế mà làm thơ không hay sao được?”
Tôi rất buồn nghe anh nói câu ấy, nó nói lên tất cả con người của Nguyên. Tôi muốn ngôi nhà ấy sụp đổ ngay lập tức.
6
Tôi vừa ngồi dịch xong tin tức tại toà soạn báo D.T. ở đường Phạm Ngũ Lão. Đêm qua tôi thức suốt đêm không ngủ, con đường buổi sáng tinh mơ của Sàigòn hãy còn động đậy lại những dư âm của những bước chân rã rời đêm khuya. Tôi nhét một búng thuốc lá thơm Half and Half vào cái pipe nặng nề, thực ra đúng hơn: tôi nhét một búng ý tưởng vào cái pipe và đánh diêm thổi lên một cuộn trầm tư phiêu bồng về đời sống mình, về đời sống những thằng bạn, về đời sống tất cả con người trên mặt đất, về đời sống một loại cỏ tơ, về đời sống một loại cá bạc má màu xanh, về đời sống những con ma chàm, về đời sống vô hình của cõi chết trong những hốc đá Tây tạng, về đời sống ban đêm của Nga, một vũ nữ của phòng trà Tự Do ở đường Catinat mà tôi đã muốn yêu đương vớ vẩn và tôi đã ôm Nga, ghì ôm thực chặt, thực nóng vào đêm qua, sau khi uống sặc rượu whisky cùng Tuấn qua một chuỗi nhìn câm câm xoáy vào bóng tối chờn vờn của tiếng ca vất vưởng, tiếng ca rớt từ hơi thở, run lên từ thanh huyền của một nàng ca sĩ mong manh, mong manh như một con tinh trùng ba giờ khuya.
Nga ơi, Nga ơi, anh yêu em, anh nói rằng anh yêu em, nhưng trọn người anh không nghĩ thế, trọn cả đám cá bạc má dưới dòng nước đỏ của anh không nghĩ thế. Nhưng có cần gì hỡi em? Nga, Nga, anh buồn ngủ. Anh không hề yêu em.
7
Hai chân tôi lạnh lạnh, tôi trùm lên ba tấm mền, tôi muốn ngủ, nhưng ngủ thì thua cuộc, tôi muốn hét lên cho Nguyên biết rằng tôi chịu thua cuộc, vì tôi quá buồn ngủ. Hồi chiều, trong một cơn say máu, tôi đánh cuộc với Nguyên là tôi sẽ viết xong quyển “Trời tháng Tư” nội trong đêm nay. Nguyên nói rằng anh cũng sẽ viết xong quyển tiểu thuyết của anh. Chúng tôi đã đánh cuộc với nhau. Tôi sắp thua cuộc, vì tôi quá mệt, tôi muốn ngủ, tôi muốn ngủ, tôi muốn hét lớn. Tôi không sợ thua cuộc, vì tôi đã thua rồi, thua ngay từ lúc có ý định đánh cuộc với Nguyên. Tôi bắt đầu viết “Trời tháng Tư” lúc Nguyên đi Rome. Nguyên đã trở về Paris; hôm nay tôi đã viết tới 47 trang rồi. Bây giờ gần 3 giờ khuya, tôi và Nguyên vừa mới đi đêm trở về. Tối đêm qua, tôi đã ngủ một giấc thực ngon. Khoảng 7 giờ sáng hôm nay, tôi đã thức giấc. Tôi vẫn nằm dài trên sàn, đắp mền kín cổ.
Nguyên và Phương còn nằm ngủ ở phòng bên. Tất cả còn nằm trong im lặng: đâu đó vài tiếng chim hàng xóm kêu ríu rít.
8
Nguyên vừa bước vào gần nơi tôi nằm, anh đem đến cho tôi một điếu xì gà, tôi rủ anh vào ngồi ghế kế bên tôi cho vui, tôi bảo anh ngồi viết tiểu thuyết bên cạnh tôi. Ừ, tôi cần một sự có mặt nào đó. Nguyên ngồi tư lự; mỗi khi tư lự, anh thường nhổ mấy chân râu sót lại trên càm. Anh đang suy nghĩ tìm ý tưởng. Tôi không suy nghĩ, tôi không tìm ý tưởng; tất cả ý tưởng đều như nhau. Tôi viết như tôi nói, tôi viết theo dòng máu chảy, máu tôi chảy quá nhanh, ngòi bút tôi chạy theo không kịp. Tôi vừa đánh số tám ở trên, đó là một chi tiết vô nghĩa, nó chỉ có sự hợp lý của ý nghĩa tưởng tượng.
9
Tôi vừa đánh xong số chín, thế là “Trời tháng tư” đã đến chương chín, việc ấy khó hiểu cũng như tại sao tôi nằm dài trên sàn nhà này, đắp ba tấm mền, mặc một áo pullover (Nguyên cho mượn), ngậm điếu xì gà (Nguyên vừa cho), thở mấy vòng khói, năm ngón tay giữ lấy cuốn giấy trắng (mua từ lúc còn ở Greenwich Village tại New York), vừa gãi lòng bàn tay ấy (bỗng nhiên thấy ngứa), vừa bảo Nguyên cho đọc mấy trang viết của Nguyên, vừa mới thổi thêm một vòng thuốc vừa nhìn lên đồng hồ chỉ ba giờ rưỡi khuya, vừa cầm bút và đang cầm bút viết chữ “chữ” nơi trang giấy này. Tôi vừa gạt xong tàn thuốc và tôi nghĩ rằng tôi phải viết theo điệu thông thường, có viết thông thuờng người đọc tôi mới hiểu tôi. Nhiều khi tôi cũng cần được hiểu. Ai cũng cần như thế. Đó là ngộ nhận lớn nhứt trong cuộc đời này. Nguyên đang ngồi rờ mũi và tư lự tìm ý tưởng để viết tiếp cái tiểu thuyết mà anh đánh cuộc với tôi. Tôi đang viết cuốn tiểu thuyết của tôi. Tôi cũng đánh cuộc, tôi sắp bỏ cuộc và bây giờ tôi viết, tiếp tục viết để giải thích tại sao tôi muốn bỏ cuộc.
Có lẽ tại tôi buồn ngủ, có lẽ tại tôi mệt cò lẽ tại tôi hút hết mấy bao thuốc, có lẽ tại tôi uống cà-phê quá nhiều, có lẽ tôi làm biếng, chán làm văn nghệ, có lẽ tôi muốn ôm một đứa con gái và hôn nó đắm đuối để đừng nghĩ lôi thôi, có lẽ rằng nếu tôi muốn tìm hết đủ lý do để cắt nghĩa tại sao tôi muốn bỏ cuộc thì tôi phải viết ít nhứt một ngàn trang mói nói sơ sơ được một phần trăm lý do khác, mà một lý do khác lại gợi một lý do khác, cứ đi lòng vòng như thế thì biết đến khi nào mời nói hết được. Đó là bi kịch hay hài kịch hay không kịch gì hết. Tôi không biết.
Thôi bây giờ, các ngài hãy cố gắng đọc tiếp. Tôi sẽ viết một cách dễ dàng, thông thường, cổ điển, nhất trí, liên tục. Có thế, các ngài mới hiểu tôi muốn nói gì. Tôi chỉ muốn nói: “Hồi chiều, Nguyên và tôi đã đánh cuộc với nhau rằng chúng tôi sẽ thức suốt đêm để viết văn: tôi đánh cuộc sẽ viết xong quyển tiểu thuyết của tôi vào trọn đêm nay, còn Nguyên đánh cuộc sẽ viết xong quyển tiểu thuyết của anh cũng vào trong đêm nay.” Các ngài hãy nghe tiếp, tôi sẽ ung dung kể tiếp những lý do của sự đánh cuộc trên. Trước khi Nguyên đi Rome, tôi có hứa với Nguyên là sẽ viết xong một quyển tiểu thuyết để đăng trong một tạp chí do Nguyên chủ trương biên tập. Khi Nguyên đi Rome trở về rồi mà tôi chỉ viết xong mười mấy trang thôi. Tôi thường nói với Nguyên rằng tôi sẽ viết ào ào như thác chảy, nhưng hơi buồn đối với Nguyên là cái thác nước của tôi chỉ chảy bằng miệng hay bằng óc bằng tim chứ nó không chịu chảy bằng ngòi bút. Một buổi chiều vào khoảng hai ngày khi Nguyên đi Rome rồi thì tôi mới bắt đầu có ý định viết một quyển tiểu thuyết; buổi chiều hôm ấy tôi đưa Phương xuống métro ở Jussieu, rồi ôm tập giấy trắng đi lang thang tìm một quán cà-phê để viết tiểu thuyết. Tôi còn nhớ khoảng trưa hôm ấy, Phương có hỏi tôi có định viết về đề tài nào chưa; lúc đó Phương đang gọt cà-rốt, tôi vội nói ngay rằng tôi không bao gờ định một đề tào nào để viết vì việc ấy quá tầm thường, rằng tôi có thể viết bất cứ một đề tài nào, chẳng hạn như của cà-rốt (tôi lặp lại; Phương đang ngồi gọt cà-rốt), tôi nói rằng tôi có thể viết một cuốn tiểu thuyết một ngàn trang về củ cà-rốt mà Phương đang gọt; tôi sợ Phương không hiểu, tôi liền nói tiếp: “viết về củ cà-rốt, viết về những gì chung quanh củ cà-rốt, chẳng hạn như người gọt cà-rốt, thế giới, trần gian, vũ trụ chung quanh của cà-rốt, cả một địa cầu, cả những địa cầu xoay quanh của cà-rốt, vân vân.” Phương mỉm cười thông cảm: Tôi cũng mỉm cười và muốn trùm mền kín đầu để ngủ một giấc. Buổi chiều hôm ấy, sau khi Phương đã đi hút dạng dưới hầm métro ở Jussieu, tôi tiếp tục bước lững thững đến chợ Maubert vừa đi vừa nghĩ từng thoáng ý tưởng rời rạc; tôi đi ngang qua nhà sách Shakespeare and Company ở đường Bûcherie; nhằm ngày lễ Pâques, hiệu sách đóng cửa; tôi đứng trước cửa kính hiệu sách và ngó vào mấy cuốn sách chưng bày, tôi để ý nhìn cuốn thư từ giữa Henry Miller và Anaïs Nin; tôi bước qua đường và nhìn lên hàng cây xanh đầu xuân, rồi nhìn lên trời chiều Paris, mây trắng bay loạn trời, một nỗi buồn vu vơ thoáng chụp nghẹn hơi thở, tôi đứng bên cầu, nhìn qua nhà thờ Notre-Dame, nhìn xuống dòng sông Seine, không thấy gì cả, chỉ thấy quá khứ; tôi nổi giận, bước qua bên lề đường cũ, tìm một góc bàn tại một quán cà-phê, nhưng chẳng tìm thấy một góc nào cả, khách quá đông. Tôi băng qua đường Huchette và nhìn vào một hộp đêm mà cách đây hai tháng tôi đã nằm ngủ trước cửa để chờ sáng. Ừ, cách đây hai tháng, tôi không có một chỗ để ngủ, đến nỗi phải đi long bong gần khắp Paris suốt trọn cả đêm, lạnh cóng người, đói cào bụng, mà vẫn phải đi mãi, đi để cho người nóng lên mà khỏi lạnh, đi vì không tìm ra một chỗ kí gió để ngủ, đi vì sinh ra đã có hai chân lại không phải là hai cánh, hai chân chỉ là hai chân, nghĩa là gồm mười ngón, mười ngón gồm có mười móng và khi mòng mọc dài thì phải cắt, nếu không thì vấp dễ chảy máu, nếu không thì nó mọc dài, thực dài như móng gà hay móng ó, khi nó mọc dài ra như vậy thì không thể mang giày được, thì đi chân không trên đường Paris, thì sẽ bị đạp miểng chai, mà đạp miểng chai thì dễ bị làm độc, và khi ngộ độc thì phải nằm nhà thương. Tôi không muốn nằm nhà thương. Tôi chỉ muốn đi, thở, nhìn đám đông, nhìn những đôi mắt mất hồn, rồi đi, đi cho đến lúc nào chết. Lúc chết tôi sẽ không còn đi, tôi sẽ bay, bay bằng gì, tôi cũng quên mất rồi. Bây giờ tôi chưa muốn bay, tôi chỉ muốn đi, đi bằng đôi giày ống mà tôi đã mua ở Harlem cách đây tám tháng. Tôi đi vào trong đường Huchette, bước vào quán Popoff, nuốt một cốc rượu đỏ, trả ba mươi xu, vào cầu tiêu, ỉa một phút, lại góc bàn ngồi chơi ba phút, nhìn mấy bọn beatniks chung quanh, gặp một thằng bạn da đen, nó mỉm cười, chìa cho nửa khúc bánh mì, tôi vội nhai ngốn ngấu, nhìn mấy đứa con gái beatniks ngủ gà ngủ gật, liếc nhìn xem thằng tóc dài râu hoe kia đang đọc cuốn sách gì, tôi ngồi thừ ra thở dài, ôm kè tập giấy trắng, bước ra đường, băng qua quán Rotonde, ngồi ngoài terrasse gọi một cốc bia, hút ba điếu thuốc gauloises, nhìn những cặp đùi của những con đầm, ngước nhìn lên bầu trời tháng tư của Paris, rút bút máy ra và dí vào trang đầu tập giấy bốn chữ “Phương trời tháng tư”, rồi đề ở dưới “tiểu thuyết” và đề thêm “Bắt đầu viết tại Paris ngày 8 tháng 4, 1966”. Thế là cuốn tiểu thuyết đầu tiên vừa được đặt tên xong. Tại sao lại đặt là “phương trời” mà không đặt là “bầu trời”? Đó lại là một lý do đòi hỏi phải cắt nghĩa thành một cuốn tiểu thuyết nữa. Ít ngày sau, tôi bôi xoá chữ “phương” trong “phương trời” vì một đời sống tâm tư biến chuyển đột ngột. Sự biến chuyển này đòi hỏi phải cắt nghĩa thành một cuốn tiểu thuyết khác. Không lẽ tôi sinh ra đời để viết tiểu thuyết hoài hay sao?
Đó, xong rồi, cuốn tiểu thuyết có tên là “Trời tháng tư”. Tôi đặt “trời tháng tư”, vì tôi đang ở vào tháng tư, mà tháng tư ở Paris là đầu mùa xuân; hơn nữa, tôi thích con số 4, vì một lý do dễ hiểu là cô gái tôi yêu đầu tiên là đứa con gái thứ tư (tôi nghe mấy đứa em nàng gọi nàng là “chị tư”).
Nói tới đứa con gái đầu tiên này, tôi buồn muốn nghẹn thở. Tôi chẳng muốn làm gì nữa, tôi chỉ muốn trùm mền kín đầu và ngủ một giấc. Nguyên ơi, tôi xin đầu hàng. Tôi xin thua cuộc, buồn ngủ quá rồi. Thưa các ngài, xin hãy cho tôi ngủ, mai tôi sẽ kể tiếp vì sao tôi phải đánh cuộc với một người tên là Nguyên và vì sao tôi lại chịu thua cuộc.
10
Tôi bắt đầu quyển tiểu thuyết của tôi bằng câu: “Viết là đâm nổ mặt trời”. Vừa viết xong câu ấy, tôi có linh cảm như là đang mở thác nước trong đầu tôi và cho nó chảy ào ạt tràn ngập mấy ngàn trang giấy. Tôi vội viết như chạy tung vào con đường vắng vô tận. Bữa chiều hôm ấy, sau khi đưa Phương đến métro ở Jussieu, tôi vội đi vòng tìm đường Saint Honoré, tôi đi phất phơ ngược đường xuống Pont Neuf, đứng ngó xuống dòng nước sông Seine, chỉ thấy dĩ vãng, tôi nổi giận và lấy métro xuống đường Saint Honoré, tôi tìm toà đại sứ Anh để xin visa đi qua Anh quốc; Nguyên đã đi qua Rome dự Hội nghị về Bất Bạo Động trong một tuần lễ, Nguyên để vợ ở nhà (Phương và Nguyên mới cưới nhau được khoảng chừng sáu tháng); gian phòng Nguyên mướn gồm có ba phòng (phòng ngủ, phòng sách và phòng ăn), gần hai tháng nay, Nguyên đem tôi về nuôi ở nhà Nguyên, tôi đã qua Pháp được gần sáu tháng rồi, mấy tháng sống long đong, không tiền không nhà, không nơi trú ẩn. Tình cờ tôi gặp Nguyên, Nguyên mời khéo về sống với Nguyên; hai vợ chồng ở phòng ngủ, còn tôi thì nằm nơi phòng sách, Nguyên và Phương tế nhị và muốn giúp đỡ tôi một cách kín đáo: Nguyên bày ra việc làm báo và nhờ tôi viết tiểu thuyết. Chỉ có cách giúp đỡ kín đáo như vậy, tôi mới được yên tâm trùm mền nằm suốt ngày. Lúc Nguyên đi Rome, Phương ở nhà, tôi cũng tiếp tục ở đó để chờ Nguyên về. Tôi được một người cho vừa đủ số tiền để đi Anh quốc. Tôi muốn lên đường, nhưng Nguyên nói khéo bảo tôi hãy ở lại viết cho xong cuốn tiểu thuyết rồi đi. Tôi lưỡng lự vừa muốn đi vừa muốn ở lại. Paris đang ở vào tháng tư, tôi muốn ở lại với mùa xuân Paris. Khi Nguyên đi rồi, chỉ còn Phương độc nhất ở nhà, tôi ngại ngùng, buồn quá không biết làm gì, lại muốn đi Anh, tôi đến đường Saint Honoré để xin một cái visa nhưng nhằm ngày lễ Pâques toà đại sứ Anh đóng cửa. Tôi lại lủi thủi trở về, bỗng muốn viết một cuốn tiểu thuyết dài và muốn bắt đầu bằng câu “viết là đâm nổ mặt trời”.
Bây giờ Nguyên đã đi Rome về, mà quyển tiểu thuyết chỉ mới được viết xong có 47 trang. Bởi thế, chiều qua, chúng tôi đánh cuộc là sẽ viết xong tối nay. Bây giờ chuông đồng hồ vừa rung đúng 6 giờ sáng, mà tôi chỉ viết tới trang 60. Thôi thì tôi xin thua cuộc, cũng như tôi đã thua cuộc một lần trong mối tình đầu.
Em ơi, anh đã mất trọn phương trời tháng tư.
11
Sáng này trong W.C., tôi đọc xong tập thơ vào năm 1873 của Rimbaud, tập thơ ấy chấm dứt như vầy:
“Thực là sướng vô cùng, vì tôi chỉ còn có thể cười nhạo những mối tình cũ rích lường dối và bĩ báng đập phá những cặp nhân tình giả dối này — ừ, tôi đã thấy hoả ngục của đàn bà ở đó — vâng, tôi sẽ được quyền ôm lấy chân lý trong hồn và xác.”
Tập thơ của Rimbaud cũng bắt đầu viết vào tháng tư.
Giữa mùi thơm cây dẻ đầu xuân, tôi cười ầm lên:
— Em ơi, trọn phương trời tháng tư đã mất.
Paris, 18 IV 1966
Những chữ viết tắt dùng trong truyện “Trời Tháng Tư”:
K.: Keats
L.: Lorca
F.G.L.: Federico Garcia Lorca
V.G.: Van Gogh
R.: Rimbaud
OE.: Oedipe
Pr.: Prométhée
N.Y.U.: New York University
I.H.: International House
S.W.: Simone Weil
H.M.: Henry Miller
M.H.: Martin Heidegger
N.Y.: New York
I.I.E.: Institute of International Education
Sh.: Shelley
------------------------------------------------------------------------------
Trong cuốn Bay đi những cơn mưa phùn của Phạm Công Thiện
(Sài Gòn: nxb Phạm Hoàng, 1970)
Phạm Công Thiện
_____________________________________
Phụ chú của Hoàng Ngọc-Tuấn (07.05.2011):
[*]Từ những câu thơ “Cuando yo me muera, / enterradme con mi guitarra / bajo la arena [Khi tôi chết, / hãy chôn tôi với cây đàn guitar của tôi / dưới cát] trong bài thơ “Memento” [Ghi nhớ]. Nguồn: Federico García Lorca, Poema del cante jondo (viết năm 1921, xuất bản lần đầu tiên năm 1931).
[**]Từ hai câu thơ “Si muero, / dejad el balcón abierto” [Nếu tôi chết, / hãy để ban-công mở rộng] trong bài thơ “Despedida” [Giã từ]. Nguồn: Federico García Lorca, Canciones (viết năm 1921-1924, xuất bản lần đầu tiên năm 1927).
[***]Từ câu thơ “Verde que te quiero verde” trong bài thơ “Romance Sonámbulo” [Tình ca mộng du]. Nguồn: Federico García Lorca, Romancero gitano(viết năm 1924-1927, xuất bản lần đầu tiên năm 1928).
No comments:
Post a Comment