MÙA HẠ có mấy con chim lội qua biển, vài ba đám mây, bên kia là trời, màu xanh, màu trắng.
Cửa sổ mở ra, mấy tấm vải phơi dưới mái nhà ở đây, mái nhà ở đó. Hai giờ sáng, đi qua bước lại, mở cửa ngó xuống chiếc cầu đen. Thang lầu này tròng véo qua thang lầu kia, sân xi-măng có gió, trời gần sáng, tiếng động. Đẹp, đẹp. Yêu đời, yêu đời quá. Hai chân kéo lôi ra ngoài đường, tiếng đàn hàng xóm, bên đây là im lặng, không có người nói.
Đúng 7 giờ, quán mở cửa. Cái quán đóng suốt đêm qua, từ 11 giờ khuya đến 7 giờ sáng. Ngực khô ran, hút thuốc nhiều, khi nào bỏ hút thuốc? Lúc nào không mở mắt, lúc nào không bước đi. Nằm kề chân lên vách tường. Cho đến khi nào gặp lại. Cái chết vẫn được gặp lại ở quán cà-phê đầy nắng với hoa phong lữ thảo.
Một tách cà-phê, hai tách cà-phê, vỏ đất bị xáo trộn kinh thiên. Bỏ uống cà-phê, bỏ hút thuốc, bỏ uống bia 33. Tập sống giả đạo đức cho đỡ buồn, lâu lâu giựt mùng cho rớt xuống để bố thí máu cho muỗi đói. Cười con chó chạy cong đuôi ở ngoài sân, mở vòi nước lavabo, ực năm lần cho đầy bao tử, tập uống nước bẩn cho đỡ sạch đỡ chán.
Tiếng con nít khóc, người mẹ ru con giọng xa, dài, buồn.
Quán mở, bàn ghế kéo ra. Cuối quán, ngồi tận đằng cuối. Âm nhạc kéo lè nhè, con nhện, mùa thu. Hôm qua, bà cụ nói: “Cậu hai con trước kia chết vì bệnh lao, thằng René, con của cậu hai chết trước, René nó nghiêm nghị như cậu hai con, lúc mẹ có thai con thì René nó chết, mẹ khóc dữ lắm. Lúc cậu hai con nằm bệnh hấp hối thì ở dưới lầu người ta đóng quan tài của René. Cậu con nghe tiếng động dưới lầu, hỏi ai làm gì ồn thế. Người nhà phải nói láo là…”
— Thôi mẹ đừng kể tiếp nữa, con biết rồi, con đã nghe mẹ kể nhiều lần rồi…
Buổi sáng, ngoài đường, xe cộ chạy vù vù qua cầu. Quên hết ngày hôm qua, quên hết ngày hôm nay, quên hết vỏ trái đất bị xáo trộn.
— Xin cho tôi tách cà-phê như thường lệ.
Như thường lệ, mỗi sáng, thức, đi xuống sân trường, đứng lại ngó lồng bóng rổ, không có bóng. Cỏ héo nhiều, thiên hạ trét xi-măng trên đó. Mỗi ngày, người mình cứng như xi-măng, cứng, cứng.
— Xin cho một tách Arabica…
Sa mạc Sahara, ôi, nắng, nóng, lửa, Rimbaud làm cái giống gì ở đó? Giở tự điển ra tìm chữ, café là bởi tiếng Ả-rập “qahwah”. Không ngờ văn minh Ả-rập cai trị thành phố Sài-gòn. Mỗi sáng, ít người biết rằng có gần một triệu người uống cà-phê tại Sài-gòn và những thành phố vây quanh Sài-gòn. Mỗi sáng, ít nhất tại Sài-gòn có gần một triệu người phải chịu đoạ đày mở mắt ra và làm những việc khả kính.
MÙA ĐÔNG có mấy chiếc xe đạp bị nổ bánh. Vài ba đám mây, đó đây, đá và chỉ là đá. Tiếng hàng xóm chửi nhau, ông say rượu bắt đầu chửi thề. Cuộc đời vẫn đẹp như cái tên của cái hotel đối mặt với quán cà-phê. Quán cà-phê này độc nhất ở Việt Nam là có món pousse-café.
— Xin cho tôi một cái poussse-café…
Nhiều lúc tôi muốn nói với người giữ quán hiền lành:
— Xin cho tôi một cái pousse-pousse, một cái cyclo-pousse, một cái pousse-cofard, một cái pousse-ennui, một cái pousse-néant…
Nhưng tôi phải trấn đê Nhị Hà lại. vì làm sao pousse-rien được? Phải tập ăn nói khả kính, đứng đắn, đàng hoàng. Đài khí tượng đã báo động năm trước là vỏ trái đất bị xáo trộn dữ dội.
— Xin kính mời đại đức khoa trưởng lên nhắn nhủ cùng anh em sinh viên đôi lời trong dịp họp mặt tất niên này.
Cái micro phải gió bắt đầu réo lên. Merde, đại đức, thất đức, khoa trưởng, thôn trưởng, ấp trưởng, xã trưởng, lấy sách công dân giáo dục ra học lại cho khả kính.
— Mi đã làm gì cho đời mi?
Nhan đề một vở kịch của Sartre, chưa đọc “La Putain respectueuse”,[*] sẽ đọc đêm nay, nếu không ngủ quên, không lười, không rầu, không mệt.
— Chúng ta phải tìm lại một căn nguyên gốc rễ cho chúng ta. Tìm lại tinh thần văn hoá dân tộc… (tiếng micro lại xè xè như muốn réo réopisse-pisse…)
MÙA THU có hai con chó con mà một bà nhà quê đứng bán ở toà đô sảnh. Hai con chó quá nhỏ, một con đen, một con vàng. Tôi đang bước qua đường Nguyễn Huệ, đứng lại, hỏi rất lễ độ:
— Thưa bà, bà bán hai con chó này bao nhiêu?
— Sáu trăm đồng, thầy ạ…
— Thôi được.
Ông thầy chùa phải gió ôm hai con chó con băng qua đường, gọi ta-xi trở về nhà bà cụ. Thiên hạ hai bên đường ngó nhìn…
— Thưa mẹ, con vừa mua hai con chó này, để đem về cho em Bích nuôi.
— Thôi con, cho ai thì cho phứt cho rồi. Nuôi chúng, chúng ỉa ra dơ nhà, không ai dọn hết…
— Con dọn cho.
— Thôi con…
— Bích, anh mua cho mày hai con chó nè…
— A, a, sướng quá…
Hai ngày sau, mẹ tôi đem hai con chó cho người ta. Mẹ tôi nói rằng chúng làm dơ cả nhà. Có Bích nó khóc ầm cả lên. Tôi nghe nó khóc mà có cảm giác như nghe cả một dân tộc Do-thái đang khóc ở đền Jerusalem. Tôi giàu tưởng tượng, từ ngày mẹ tôi đem chó cho người ta đến nay thì đã gần 4 tháng và tôi cũng chẳng nghe con Bích nhắc đến chó lần nào nữa. Ồ, con nít mau quên lắm.
— Không biết giờ đây hai con chó ấy đã làm gì cho đời chúng?
MÙA XUÂN có bông cúc vàng và bông anh đào Đà Lạt. Tôi nằm ngủ suốt ngày mùng một, đến ngày mồng hai ngủ luôn cho đến mồng ba. Thức dậy thì đèn đường đã tắt.
------------------------------------------------------------------------------
Trong cuốn Bay đi những cơn mưa phùn của Phạm Công Thiện
(Sài Gòn: nxb Phạm Hoàng, 1970)
Phạm Công Thiện
_________________________
Phụ chú của Hoàng Ngọc-Tuấn:
[*]La Putain respectueuse [Cô gái điếm nghiêm trang] là một kịch bản do Jean-Paul Sartre viết vào năm 1946, và được công diễn lần đầu vào tháng 11 năm 1946 tại Nhà hát Antoine-Simone Berriau. Kịch bản này nói về sự bất công và mất tự do mà người da đen phải chịu đựng dưới một hệ thống luật pháp kỳ thị, chỉ nhằm bảo vệ cho người da trắng.
No comments:
Post a Comment