Thursday, November 16, 2006

Gọi tháng thầm thì

-

Tháng cuối cùng của năm rồi, gọi tháng thầm thì, tháng của sinh nhật một cô bé mà em yêu thương hơn 20 năm nay, thương nhất là những đêm em mệt lả người chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay biết trong khi cô bé vẫn cứ nói, cứ kể hồn nhiên như tin là trong em có năng lực sẻ chia ngay cả khi em không còn tỉnh thức về một vài ngày đã qua bằng tất cả những buồn vui, hào hứng, chán nản của tuổi 20 thơ dại, tháng của một tuổi 20 thơ dại khác đang cô độc ở chút xíu xa em, em và cô bé đó nối nhau bằng sợi dây gì lạ lắm được làm bằng tình yêu giữa con mực hồng và con cá măng nơi hai vùng biển xa tít, chẳng bản đồ nào can đảm vẽ dòng hải lưu nối lại vậy mà em chạm được vào bé ấy mỗi 4g30 sớm mai, tháng của những chuyện chưa kịp là ký ức cứ trỗi dậy và thật mãnh liệt trong em, em cứ lang thang bằng chiếc xe máy cổ điển của mình, đi và nhìn và thở như thân quen để rồi lạc giữa những định vị, phương hướng rất cụ thể rõ ràng, chán phố và bụi và những lần đi lạc như em vốn hay thế em về ngồi lại với chiếc laptop mới vừa quen hơi, ừm, cảm ơn chiếc máy nhỏ nói dùm em mọi điều thầm thì, em có vẻ như đang im lặng, em thôi cái trò gào lên rồi, em đang muốn hòa hoãn với mùa, với chình mình mà, dạo này thấy em hay mặc áo trắng không, đúng ra là em sẽ mặc áo vàng hoa cúc suốt tháng 10 đến cuối năm như em vẫn hay làm đó chứ, thì thôi xin một lần khác đi những nhớ thương và thói quen ngày cũ, tạm thời em muốn hông thương hông nhớ chi cả, em mệt lắm, trí nhớ em suy tàn rồi, sao em lại cứ nhớ, vô thức nhớ mà, đừng chấp chi vô thức 23 năm trong em, vô thức, hihi, vô thức ngoan nhé, thêm một lần gọi tháng thầm thì nữa thôi, vô thức sẽ lên 24 tuổi rồi, ồn ào hơn hay mãnh liệt hơn hả em, em cũng không rõ nữa, cũng có thể dấn thân về phía trước cũng có thể lùi dần và khuất một nẻo riêng em giữa lơ lửng ngàn sau ngàn xưa.

Tháng đang là tháng của tất bật âu lo, hở anh, mình cùng gọi tháng thầm thì, đừng giận hờn em nếu em sao cứ mãi hoang vu cho anh thấy và anh cũng đừng phiền lòng vì những động tác em rất nhỏ cố níu tay anh, dẫu em biết anh bận trăm công ngàn việc, dẫu em biết anh cần nghỉ ngơi và anh cũng cần khép mi và ngủ, dẫu khoảng cách chúng mình luôn được tính bằng những con số rất to và những đơn vị rất to, em có thèm khát vẫn sẽ chẳng thể đo được, hihi, em muốn đo đoạn đường ấy, khoản cách địa lý ấy bằng cái chiều dài ngăn ngắn cơ thể mình anh à, bao nhiêu lần em trải người anh nhỉ, anh làm toán chia đi, và cho em kết quả nhé, em ghét phải đụng đến toán với những con số khổng lồ như thế lắm, nhé nhé anh, em sẽ làm cho giúp anh những bài toán nho nhỏ khác, ví dụ như vòng tay cho một số đo nào đó trên áo quần anh vậy, mình nói lại chuyện níu tay xíu nhé anh, níu tay bằng những giao thức số mà, hihi, để thấy yêu thương còn gần, tháng gió quá với nắng lạ và mưa không quen, em sợ rồi bỗng một hôm mình thấy nhau như chẳng hề quen biết, bài học mang tên bắt đầu giờ em chẳng còn đủ sức học lại, thì em sẽ đi cho hết một cuộc hành trình không bận tâm cửa sông hay rừng thưa hay sa mạc, như chú cá cơm lạc sóng, như dòng chảy không ngần ngại băng mình, như loài xương rồng dấu bí mật yên ả cát, có lẽ em thích sa mạc, viễn tượng về nó làm em thanh thản nhất, và sẽ những lúc mỏi mệt em lại thầm thì với tháng, như em đang loay hoay thầm thì giữa chiều hôm nay nhiều gió, sa mạc rồi mai, sẽ lại sẽ, dành cho em những ốc đảo biếc xanh và trong veo.

Tháng đang làm trọng tài cho một trò chơi cuộc đời, nên đừng ồn ào, chỉ mình em gọi tháng thầm thì, ước gì em có thể loay hoay như tot_to_chan năm ấy, trò chơi giản đơn cứ đóng mở hộc bàn để lấy ra từng thứ một của tiết học ngày thơ bé, quyển sách chân phương chữ to, que tính, bút chì, thước kẻ, tập kẻ ô thẳng hàng và ngàn thứ xinh xắn khác, nhớ quá trong nỗi thầm thì, em không đi học như thế bao lâu rồi nhỉ, mà em vẫn cố mà tìm đến việc học đấy thôi, không còn cái hộc bàn nắp đóng mở với cái bản lề vui tính, em giờ tự tìm nơi trú ẩn cho tất cả những chi tiết thuộc và không thuộc về mình, bên này khung cửa sổ em học mãi để không nhớ và không quên những con chữ, chữ xếp hàng như chiều nay chắc chắn sẽ không giống mọi chiều khác, điều đó như chút dịu dàng sót lại xoa dịu những cơn đau căng người trầm tích từ phía bên kia khung cửa sổ em, chính em chứ không phải ai khác luôn phải rướn người, mà sức rướn của em hình như cũng hanh hao theo trí nhớ suy tàn thì phải, em nhớ cái hồi mình rướn đến đau căng người sau đó chỉ để chạm tay vào thành hồ bơi trước người cùng chơi trò ấy chỉ một tích tắc, rướn người để chạm tay chính em của khoảnh khắc ấy, giờ em cố rướn mà chẳng biết mình sẽ chạm tay vào đâu, vỗ về mình có một hành trình, tháng ạ, chạm tay vào tháng thì em sẽ làm lấm lem và ưu phiền lây mấy nhành hoa cúc đất răng sún, mấy nhành cẩm chướng trắng ngần, mấy vạt nắng hươm lòng người góc phố, thì thôi, cho em nhé, chờ em nhé, những khoảnh khắc buông mình rơi, như hạt mưa rơi trên mi em trưa nay giữa phố vậy.

Tháng vẫn đang trong những tờ lịch và trên góc phải tờ giấy em làm bài báo cáo chiều nay, gọi tháng thầm thì, tháng hãy cứ an nhiên làm trọng tài cho trò chơi cuộc đời không chỉ riêng em góp mặt, gọi tháng thầm thì để tháng hay em và anh và các cô bé của em nhẹ nhàng hơn, thầm thì như khúc kinh cầu ban trưa giữa ngàn hoa thanh âm lạ, thầm thì học như mẹ khi bàn tay cất tiếng mõ vô thức dịu dàng phía bình minh…

Hương Yên
2006 chaos

Friday, November 3, 2006

một lần ra đi và về lại, mùa thu


những ngón tay
loay hoay tìm những ngón tay
dùng dằng vĩnh biệt một sợi dây trói kim loại — hiện thân của gắn bó
con đường dài hơn trong nắng quái

anh không thể đi cùng
kí ức thật đẹp được kể bằng một giọng điệu là lạ
như không thuộc về chính nó
và mùa thu cụp mắt khi liếc nhìn mình qua cửa kính một siêu thị
mùa thu không nhận ra mình
mùa thu biến thành tấm vải
trải ra rất nhanh rồi quấn quanh vòng eo như chiếc xà rông của cô gái chưa chồng
đường chỉ thêu sắc màu không vàng mơ không xanh mướt

giữa
vô thức những gọi không thành tên: immortality, eternity, endless
những tiếng thở dài không buồn không vui
những nỗi niềm không mới không cũ
hiện thân của gắn bó bắt đầu một cuộc hành trình mới
rào rạt nhát chổi người quét đường hoá bàn tay định mệnh đẩy đưa
nắng quái nhớ mưa ma
saigon nhớ saigon
khi con đường tạm dừng trò chơi dài ra dài dài ra

đâu đó
trước sau
trên dưới
xà rông mùa thu
những ngón tay
loay hoay làm một chuyện khác

Tú Trinh
11.2006


Tuesday, October 17, 2006

Trò chuyện cùng Anne


Ngày 27/3/05

Tối hôm nay, khi từ ngoài phố về, tôi đã gần như gào toáng lên với Anne về chuyện tôi nhìn thấy một người đàn ông đi xe ngoài phố, tay phải lái xe còn tay trái bế một đứa trẻ sơ sinh. Điều kỳ lạ là đứa trẻ đó không hề ngủ, mắt nó mở to và khi tôi lướt qua họ, tôi vẫn còn thấy mắt nó chớp nhẹ mấy cái. Một đôi mắt đen ơi là đen. Tôi có cảm giác họ như đang làm xiếc vậy. Cái bàn tay gân guốc kia, một mặt thì lái mình đi trên hai bánh xe, mặt còn lại thì nâng niu một bông hoa nhỏ xíu xiu. Nghĩ đến hai mặt đối lập đó thôi cũng làm tôi thấy gần như nghẹt thở. Cái đó có phải là sự hai mặt trong cuộc sống này chăng. Vậy thì đôi mắt người đàn ông sẽ để ánh nhìn xuống đứa trẻ hay nhìn lên mặt phố? Anh ta sẽ lựa chọn thế nào. Tôi có cảm giác là dĩ nhiên người ta sẽ nói khi lái xe thì phải nhìn đường, nhưng nếu chỉ nhìn đường chăm chú như vậy thì tôi cảm thấy nhẫn tâm với cô em bé bỏng trên tay anh ta. Cũng không thể phủ nhận được rằng bàn tay bế trẻ của anh ta nhìn rất điêu luyện. Nó giống như là đang nâng niu một thứ gì rất quý vậy. Và việc anh ta phải lái xe trong tình trạng như vậy khiến tôi bắt đầu tưởng tượng ra xem người phụ nữ của anh ta đâu, cái người mà lẽ ra phải có mặt để bế đứa trẻ này trong lúc anh ta cầm tay lái. Tôi trình bày hết những chuyện đó với Anne bằng một giọng hào hứng và tôi nói một thôi dài mới dứt chuyện. Anne đang khâu nốt những cái cúc lên mặt một cái gối. Thực tình tôi cũng không hiểu Anne làm như vậy để làm gì, vì theo thiển ý của tôi, làm vậy chỉ tổ đau đầu và dứt hết tóc khi ngủ; thêm một điều nữa, Anne không biết khâu vá gì cả nên việc ngồi xỏ kim vào gối gần như một trò hề vậy, nhưng tôi sẽ không nói gì về ý kiến của tôi với Anne, tôi biết nếu làm vậy, Anne giận là chắc. Anne hay giận. Khi tôi nói một hơi dài như vậy, Anne vẫn ngồi chọc chọc mấy cây kim vào cái gối. Anne không nói gì cả cho đến tận khi tôi kết thúc câu chuyện. Điều đó làm tôi hơi ngạc nhiên bởi tôi biết Anne không phải là kẻ ít chuyện. Nó nói với tôi suốt cả ngày, không bao giờ biết chán là gì. Vì vậy mà tôi bắt đầu thấy lúng túng và ngượng ngập. Tôi cúi xuống bên mấy cái gối đầy cúc của Anne và nói khẽ cho qua chuyện “Vậy rồi đó, xong rồi thì họ rẽ sang ngã khác, còn mình thì tiếp tục đi đến chỗ dạy học.” Thật là một kết thúc vô duyên, tôi biết như vậy, nhưng tôi cũng chẳng biết nói gì hơn. Mặt Anne vẫn còn đăm chiêu nhìn vào mấy cái kim. Cuối cùng, khi tôi bắt đầu đâm ra tò mò và sốt ruột quá mức, Anne mới quay ra nói với tôi như vầy:
– Thật ra mình đang nghĩ về chuyện người mẹ trẻ.
– Người mẹ nào? – tôi hỏi lại
– Một người mẹ, đơn giản như vậy thôi. Chỉ là một người mẹ thì như thế nào. Và mình nghĩ về cậu. Có hai hình ảnh hiện ra thế này:
1. Cậu sẽ là một người mẹ rất tốt. Mình tưởng tượng ra cậu trong mười hai năm tới nữa, lúc đó cậu sẽ có một cậu con trai ba tuổi. Cậu khoác một cái tạp dề trắng và dịu dàng đút cho nó ăn. Trông cậu lúc đó có vẻ như là một người phụ nữ đáng yêu, hiền hậu, dịu dàng và vị tha. Ừ, cậu đã biết cách tha thứ cho tất cả những gì trong quá khứ và cho cả chính cậu. Cậu có vẻ hài lòng với cuộc sống và cậu rút ra được kinh nghiệm sống từ cuộc đời những người trước đây để làm cho đời cậu tốt đẹp hơn. Lúc đó cậu trông như một thiếu phụ trẻ gần như tràn đầy hạnh phúc, mình nói là gần như bởi trong lúc phải cúi xuống đút cho thằng con trai nhỏ ăn thì cậu thấy mỏi lưng hết sức. Điều này có thể hiểu được bởi vì cậu đang mang thai đứa trẻ thứ hai. Coi như là gần hạnh phúc đi.
2. Cậu sẽ là một bà mẹ tồi tệ, rất tồi tệ nữa là khác. Mình nhắm mắt lại và thấy cậu như vầy: cậu ngồi tựa lưng vào tường, ngồi duỗi dài hai chân một cái uể oải. Đồ ăn trên bếp vẫn chưa được nấu, rau củ chất thành một đống bừa bãi, lẫn lộn với vỏ khoai tây vừa gọt từ bữa ăn trưa. Cậu không nhìn ra cửa sổ nhà bếp, bởi thực ra cũng chẳng có gì ngoài đó đáng để nhìn, cây cỏ ngoài đó chết khô chết héo, loe ngoe vài cọng cỏ cũng úa vàng. Cậu nhìn vào chai rượu trước mặt. Không hiểu sao mình nghĩ là cậu là một mụ nghiện ngập. Chắc là vì trước giờ mình đọc sách thấy họ miêu tả tất cả những bà mẹ bê tha đều nghiện rượu cả. Quần áo cậu thì nhàu nát và bẩn thỉu, tóc rối tinh lên. Trên cái ghế ở bàn ăn là một đứa con gái nhỏ đang dỗi hờn khóc ré lên. Nó không ăn nổi tô bột khét lẹt cậu nấu. Cậu không chú ý gì đến tiếng khóc đó cả. Cậu chán và cậu lầm bầm chửi rủa một mình. Cậu chẳng có gì để vui hết. Cậu cũng chẳng ngạc nhiên với tình trạng hiện giờ, đối với cậu nó là tất yếu.
Và mình thì không thể nào không băn khoăn nghĩ xem liệu cậu sẽ thành người phụ nữ nào trong hai người phụ nữ trên đây?
Tôi cũng bối rối và cuối cùng tôi nói khẽ:
– Chẳng người nào hết. Nhưng đúng thật là mình không bao giờ chú ý đến tiếng trẻ con khóc. Trong một cơn chán đời, mình sẵn sàng quăng hết tất cả để chỉ được thoải mái chỉ nghĩ về bản thân thôi. Tất nhiên như vậy là ích kỷ nhưng mình chẳng biết phải làm sao cả.
Anne lại chọc chọc kim vào cái gối và một lần nữa ngước lên nhìn tôi:
– Nhưng rồi cậu sẽ vẫn phải lựa chọn thôi. Đó là điều đã được quy ước sẵn. Sách vở đều viết như vậy cả.
– Tất cả... ừ tất cả đều nói vậy, nhưng... có lẽ con mình sẽ không hạnh phúc đâu, mình không nghĩ rằng mình sẽ là một người mẹ tốt. Con mình... Nhiều lúc khi nghĩ đến những đứa trẻ con và những người lớn mình ngạc nhiên vô cùng là vì sao, tại sao Thượng đế lại cho ra đời những thứ đáng yêu đến vậy, mềm mại đến vậy rồi bắt nó lớn lên thành những đống hỗn độn rất đáng tởm.
– Mình cũng không hiểu. Sách vở và truyện đọc, chẳng có cái nào trả lời cho mình cả.
– Có lẽ biết đâu mình sẽ là người mẹ gương mẫu trước tiên, sau đó rồi biến thành người thứ hai thì sao?
– Mình cũng không biết. Rắc rối quá, chẳng có gì bảo đảm được cho mọi chuyện này cả. Thôi, được rồi, có lẽ mình chấm dứt ở đây. Cậu đi ăn tối đi còn mình đi thu xếp lại những điều còn chưa nghĩ ra.
Anne đứng dậy và đi khuất vào dưới gầm cầu thang. Tôi biết, như vậy cuộc trò chuyện đã xong, và phải đến sáng mai tôi mới có thể nhìn thấy lại Anne. Có lẽ cô ấy vẫn tiếp tục nghĩ về hai hình ảnh người mẹ trẻ tương lai cả đêm. Và cũng có thể là không. Anne ít khi nào thao thức, cô nàng là một người luôn ngủ ngon trong mọi trường hợp.

SG, 27/3/05 12h30am

Nói về Anne

Dĩ nhiên cũng hãy biết Anne là ai, bởi vì tôi tin tôi sẽ còn nhắc rất nhiều về cái tên này. Tôi cũng không biết nhiều lắm về nó. Nó chẳng bao giờ nói cho tôi biết nó bao nhiêu tuổi cả. Có lúc tôi nghĩ tôi lớn hơn nó, có lúc tôi lại thấy mình nhỏ hơn nó, nhưng cứ căn cứ vào vóc dáng của nó so với tôi thì chắc chúng tôi suýt soát tuổi nhau.
Tôi cũng không nhớ nổi rằng chúng tôi biết nhau từ hồi nào nữa. Chắc là lâu lắm rồi, từ rất lâu khi tôi còn nhỏ lắm bởi tôi chỉ nhớ có một đêm, khi tôi nằm một mình trên giường, hoảng sợ vì bóng tối và khóc thút thít thì Anne tới. Thực ra mà nói, Anne cũng sợ bóng tối không kém gì tôi, nhưng không hiểu sao trong tín ngưỡng của tuổi thơ, chúng tôi tin rằng khi có hai người, con ma sẽ không dám làm gì cả, chắc là vì nó sẽ phải phân vân xem nên doạ đứa nào trong hai đứa. Vì thế khi có Anne ngồi bên cạnh, tôi thấy an tâm hẳn. Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh của mình khi đó, nằm nép vào một góc giường, hai bàn tay nắm chặt lấy gấu áo của Anne và thiếp ngủ đi, tôi cứ sợ nếu lơi tay ra cô nàng sẽ bỏ tôi mà đi mất lúc nào đó.
Cảnh tượng này thú thật tôi hồ nghi là tôi đã nhớ lầm sang một cảnh trên sân khấu. Vâng, đó là một cảnh trong vở Camelia. Đáng buồn cười cho cả tôi và Anne là chúng tôi rất dễ lầm cảnh trong sách vở với chuyện thật bên ngoài. Trên đây thực ra là một bằng chứng cho thấy sự xâm nhập nặng nề của cảnh đầu trong vở kịch này. Cũng một cái giường trong bóng tối được đặt giữa sân khấu, một em bé thức dậy giữa đêm khuya và khóc oà lên. Đó là Maria hồi còn nhỏ. Sau đó Camelia bước vào, tay cầm một ngọn nến nhỏ, nâng cằm Maria lên và khẽ hôn lên trán. Vâng, cảnh tượng thú thật là quá tuyệt trừ một điều Camelia là một con quỷ hút máu.
Không dĩ nhiên không chỉ tôi bị ảnh hưởng từ câu chuyện này. Anne cũng bị nó chinh phục. Cả hai chúng tôi quả quyết rằng cái ấn tượng của nụ hôn lên trán vào ban đêm như vậy có cái gì rất thần bí và quyến rũ. Tuy nhiên theo Anne thì tôi còn bị ảnh hưởng của Đồi gió húnữa, đoạn bóng ma Catherine nhìn qua cửa sổ phòng và đòi vào sau một đêm dạo chơi dưới sương mù ướt át của nước Anh.
Vậy đó, vậy là chúng tôi không xác định được chính xác bọn tôi đã gặp nhau từ khi nào nữa. Có lẽ mình kể đơn giản thôi nếu không càng cố nhớ lại tôi e rằng sẽ có lúc tôi thấy Anne là cô bé bán diêm hay tôi thành Robin Hood cho xem. Ngắn gọn thế này: Anne dọn về sống trong nhà tôi, ngay trong phòng tôi. Nhưng thế giới của tôi là góc phòng có cửa sổ và cái bàn học trông ra dòng sông rộng, còn Anne thì chọn góc khuất ngay dưới chân cầu thang. Anne không thích nhìn ra ngoài.
Cách đây không lâu, khi tôi bảo với Anne tôi viết xong một truyện ngắn nữa rồi, Anne có muốn đọc không, Anne chỉ lặng lẽ nhìn tôi và thở dài: “Cậu chẳng bao giờ nhắc đến mình trong truyện của cậu cả. Trong khi cậu viết, cậu đưa vào đó đủ thứ, từ con chim sẻ trên đầu hồi nhà, từ cậu bạn hay trò chuyện với cậu mà cậu chưa từng biết mặt đến cái cây dọc đường cậu đi học, nhưng chẳng bao giờ tớ xuất hiện trong đó hết.” Và vì thế, tôi quyết định sẽ nói về Anne. Chẳng phải vì không muốn nó buồn mà chỉ vì tôi cũng nhận ra một chuyện: tôi hay quên. Nếu không ghi lại, tôi sẽ quên đi rất nhiều những điều Anne và tôi đã cùng nói. Ngay cả bây giờ tôi cũng phân vân bởi khối lượng những câu chuyện càng lúc càng nặng thêm mà nếu tôi kể lại từ quá khứ thì đúng là những chuyện xảy ra gần đây sẽ làm tôi điên lên mất vì tôi vốn là một đứa tham, tôi muốn viết hết cả hai.
Bây giờ là về tên gọi. Tôi gọi cô bạn của tôi là Anne. Điều này cũng làm tôi phân vân một chút. Chúng tôi đã thảo luận từ rất lâu để tìm ra tên gọi cho cô bạn nhỏ. Cả hai đứa tôi đều không thích tên của mình cho lắm. Dĩ nhiên tôi được người lớn dạy rằng tên của mình bao giờ cũng rất đẹp và rất quý. Nhưng tôi thích có nhiều cái tên, chẳng phải để lừa lọc ai hết, mà tôi thích nghe chúng vang lên, vậy thôi. Và thật tình tôi cũng đã làm giống y như lời được dạy. Tôi yêu tất cả các tên của tôi. Trước đây, tôi gọi Anne bằng một cái tên khác, nhưng rồi theo thời gian chúng tôi đều thấy ngượng ngập khi gọi lại cái tên này. Và tôi nghĩ đến chữ Anne. Cái tên Anne này làm tôi nhớ ra hai người: Anne Frank, và Anne Shirley. Thật ra cả hai người này cũng tựa tựa như nhau cả, thậm chí bảo họ giống Anna Karenina cũng không sai. Và cả Maria Antonia nữa. Tính chất câu chuyện của họ cũng giống nhau. Vì thế, không thắc mắc nữa, tôi sẽ gọi nó là Anne. Đó là một cái tên nước ngoài, nhưng biết sao được, tôi đã từng quá hâm mộ Anne Shirley tóc đỏ lẫn cái âm “an” đó. “An” trong yên lành. Và tôi biết Anne cũng thích điều này. Cả hai, Anne và những câu chuyện, đều bình yên như nhau cả. Mỗi tối tôi cố gắng hình dung và viết lại một ít, mặc dù tôi đã bảo với Anne nhiều lần rằng bây giờ tôi viết dở lắm rồi, tôi không còn nhận ra được truyện tôi nữa, và rằng tôi bắt đầu sai các lỗi chính tả và ngữ pháp một cách trầm trọng.

SG, 28/3/05 11h24pm

Lật mặt

Tôi ngồi chơi cờ với Anne. Đó là một tối sau cả ngày mệt nhoài. Tôi đã làm hư hết tất cả mọi thứ tôi dự định làm. Tất nhiên là không sao cả, tôi quá quen với việc những tưởng tượng của mình lấn át hiện thực có thể xảy ra. Chuyện bình thường đến nỗi tôi hết cả ngạc nhiên hay thất vọng và đôi lúc Anne cười khúc khích bảo rằng trong đầu tôi tưởng tượng mọc tràn lan như cỏ dại. Đúng thật là thế, tôi chẳng bao giờ chú ý dọn chúng gọn gàng cả, chúng thoả sức mọc lên và chết đi.
Trở lại vấn đề cờ. Đó là ván cờ lật, một loại cờ có 64 quân cờ hình tròn chơi trên một bàn cờ kẻ ô. Một quân bao gồm hai mặt, một mặt trắng và một mặt đen. Dĩ nhiên là tôi quá mệt. Tôi nằm nhoài ra giường drap chơi tuỳ hứng không suy nghĩ đắn đo nữa, Tôi đánh ào ào cho xong. Anne nhận ra ngay điều này, và như cố tình trêu tức tôi, nó làm ra bộ suy nghĩ thật lâu trước khi hạ tay đặt cờ xuống. hai chúng tôi đã lệch khỏi quy ước chung, theo một cách hiểu nào đó.
Tự nhiên, việc lật như quân cờ bé xíu xếp lớp trên chiếc bàn xanh làm tôi hình dung ra một bầy kiến. Người ta dễ nhìn lầm như thế khi hai mắt đã nhíu vào. Và tôi nhớ ra một chuyện cũ.
Hồi lâu rồi, tôi phát hiện ra một sở thích kỳ quái của cô bạn. Nàng thích nhìn những con kiến bò. Lúc đó, tôi còn nhớ trong buồng tắm của nhà có một cái tổ kiến. Đó là một cái khe hẹp mà mấy con kiến cứ cố lách mình qua để tha thức ăn về. Trong thâm tâm, tôi không hiểu tại sao chúng nó lại chọn một chỗ sống bấp bênh như vậy. Mỗi khi có người tắm ở trong, thể nào nước cũng bắn tung toé lên và làm thành cả một cơn lũ với cái bầy đàn bé nhỏ đó. Chúng nó chết vô vàn. Vậy mà hết tháng này sang tháng khác vẫn thấy đàn kiến sống nơi đấy. Tính cố chấp về nơi sinh sống đã bám rễ quá lâu trong chúng. Chúng không đành lòng rời bỏ nơi ở. Và tôi lúc đó vốn là một đứa trẻ thích nghịch ác. Bao giờ cũng vậy, khi bước chân vào nhà tắm, tôi cũng lấy nước dội vào bầy kiến. Anne thích nhìn kiến bò, còn tôi thích nhiều kiến bơi trong cơn chết đuối tuyệt vọng. Anne chẳng bao giờ tranh cãi với tôi về sở thích khác nhau này của chúng tôi. Nhưng mỗi lần tôi bước ra khỏi nhà tắm, Anne bước vào và tôi thấy giống như thể nó đang cố gắng trò chuyện với những con kiến còn bám lại trên tường, nó tìm trên đất xem còn sót lại con kiến nào đang bơi không là lấy ngón tay nhấc con vật bé nhỏ đó ra khỏi nước, đặt lên mặt tường. Rồi, nó thì thầm với mấy con kiến như thế xin lỗi hộ tôi và an ủi chúng nó vậy. Và còn lọ đường nữa, Anne lấy đường bôi vào tổ kiến. Đó là việc làm mà tôi phản đối dữ dội nhất vì tôi thích ăn đường và việc phung phí đường cho lũ kiến làm tôi cảm thấy tức giận. Chúng tôi cãi nhau kịch liệt về vấn đề này. Cuối cùng, tôi hứa không dội nước bọn kiến nữa còn Anne sẽ không đem đường cho kiến. Tuy nhiên, có đôi lúc, tôi đã lén lén lấy nước đổ vào tổ kiến khi Anne không có ở đó và cũng đôi khi tò mò đến gần sát cái tổ, tôi vẫn thấy một vài hạt đường còn bám trên tường. Cả hai đứa chúng tôi đều thất hứa.
Vâng, cái việc thất hứa bây giờ là một chuyện quá bình thường với chúng tôi. Chúng tôi thất hứa với nhau gần như mỗi ngày. Sáng sáng tôi hứa sẽ làm một vài điều như dọn gọn gàng bàn học, thay nước cho bình hoa hay chà cho sạch đôi dép của chính mình nhưng rồi đến tối tôi vẫn không làm. Anne cũng vậy. Cả hai cười khi đến cuối ngày nhìn tất cả mọi thứ vẫn còn ngổn ngang như sáng sớm. Nhưng có một thời gian, dường như đó là một giai đoạn quá khó khăn để giữ lời hứa cho những việc quan trọng. Việc quan trọng, thực ra mà nói trên đời chả có gì quan trọng với Anne hết. Tôi chả thấy nó chú tâm vào bất kỳ việc gì. Nó làm mọi thứ nhẹ như không, rất hờ hững mà làm cho xong. Chính vì thế Anne không giận khi tôi thất hứa với nó. Con người thất hứa với nhau nhiều và quá phổ biến đến nỗi tôi và Anne kết luận rằng tốt nhất là thế này:
1. Đừng hứa gì cả, điều đó bảo đảm cho bạn không thất hứa, nhưng theo tôi, tôi hoài nghi việc này vì đó là một điều con người không làm được.
2. Cứ hứa tràn lan vì cũng chả có ý nghĩa gì cả, ai cũng biết là bạn sẽ thất hứa. Như vậy thì một câu bắt đầu bằng cụm từ “tôi hứa... ” cũng sẽ mang ý nghĩa giống như mọi câu nói khác. Và như vậy bạn vừa không áy náy về việc thất hứa mà người ta cũng không bực về chuyện bạn quên mất mình đã hứa làm gì.
Nhưng trong một quãng thời gian, nó có vẻ khó chiu, nó không nói chuyện với tôi. Tôi gần như phát điên lên. Một mặt tôi cảm thấy ăn năn vì biết mình gây ra chuyện, mặt khác tôi lại cô đơn vô cùng vì không còn ai trò chuyện với mình. Thêm vào đó, tôi càng lúc càng nhận ra mình đang mâu thuẫn một cách kinh khủng với bản thân. Giống như thể một tay tôi tát vào mặt mình còn tay kia cố mà ngăn lại vậy.
Cho đến một tối, khi tôi ngồi im lặng bên cửa sổ, ngó ra mảnh đất cằn phía sau nhà, Anne bỗng nhiên đến gần và hỏi:
– Ngoài đó cỏ cũng không mọc được. Cậu định như thế này đến bao giờ nữa?
Tôi không trả lời. Và khi đó, Anne ngồi xuống bên cạnh tôi:
– Cậu biết chuyện của con thỏ không? Đó là một truyện cổ Phương Đông. Ngày xưa có một con thỏ sống trong một gốc cây. Con thỏ đêm nào cũng bò ra ngoài và nhìn lên mặt trăng. Nó biết ở trên đó cũng có một con thỏ nữa. Nó từng nghe kể nhiều về con thỏ đó. Một con thỏ trắng xinh đẹp và dịu hiền như ánh trăng. Nó nhìn mãi, nhìn mãi, cuối cùng đâm ra say mê vầng trăng quá. Một ngày nọ, nó đã chạy đến đập đầu vào một gốc cây để tự sát. Nó tin rằng làm vậy có thể lên được trên cung trăng với người nó mơ tưởng.
Anne im lặng một lúc lâu và bảo tôi:
– Mình vẫn chỉ thấy trên mặt trăng có một con thỏ thôi.
– Có thể là vậy. Nhưng cũng có thể là con thỏ cũ trên mặt trăng cũng đã chết rồi. Bây giờ trên ấy là một con thỏ mới, một con thỏ hoàn toàn mới và không dính dáng gì đến chuyện này cả.
Chúng tôi đứng lên và vào nhà. Chấm dứt cả chuyện hứa hẹn lẫn chuyện vầng trăng. Dẫu sao, trong mọi chuyện, trong mọi trường hợp và mọi khả năng vẫn chỉ có một con thỏ, chỉ một mà thôi.
Ban đêm, tôi chong đèn sáng và bắt đầu đặt bút xuống viết những câu đầu tiên của một tuỳ bút, “Nói mấy dòng dừng lại rượu say...”

SG, 1/4/05 12h11am

Bụi

Chiều, vắng vẻ. Nhà vắng từ sáng ngày đến giờ. Tôi đã bỏ buổi học hôm nay. Bỏ cả buổi sáng và cả buổi chiều. Đơn giản chỉ vì hôm nay ngày 5/4. Chẳng ai biết tại sao, chỉ mình Anne biết.
Một buổi sáng mệt mỏi. Khi tôi thức dậy, Anne vẫn chưa dậy. Anne nằm đó bé nhỏ và ngủ trông buồn thảm. Không hiểu vì sao trước đây tôi luôn thức dậy sau. Khi đó Anne đã ngồi đâu đó trong phòng và khe khẽ hát. Chỉ có sáng nay, sáng duy nhất tôi nhìn thấy Anne còn ngủ. Nhìn thấy nàng im lặng, những lúc im lặng hiếm hoi. Nhà cửa không một tiếng động khiến cho tôi thấy hoảng sợ, tôi sợ nàng đã chết luôn rồi sao? Tôi muốn oà lên khóc, muốn chạy đến lay nàng dậy, tôi sợ nàng cứ nằm đó ngủ và ngủ vĩnh viễn.
Và tôi đứng chôn chân nhìn Anne nằm ngủ. Một bàn tay bé con chìa ra ngoài giường. Bàn tay Anne nhỏ quá, nhìn những ngón tay tròn trịa như ngón tay của một đứa trẻ, và trên vành môi kia hình như vẫn còn hờn một giấc mơ.
Rồi rất lâu sau Anne dậy. Anne ngồi dậy, nhìn tôi đứng hoang mang giữa phòng.
– Sáng nay mình nghe thấy trong đầu một đoạn nhạc, cậu có biết nó là bài nào không nhỉ? Tự nhiên thèm nghe nhạc. Một sự ngẫu nhiên, tình cờ.
Chúng tôi cùng lục lại những bài nhạc. Không có bài nào Anne đã nghe thấy trong giấc ngủ cả. Và vì thế tôi quyết định thay thế vào đó một bài nhạc khác. Đó là bài hát một người bạn chuyển cho tôi từ ba ngày trước. Trong lúc tôi bật máy tính lên và chờ load nó xuống, Anne mở ngăn kéo và nhìn lịch, thở dài. "Ngày 5/4. Hôm nay 5/4. Gió vẫn còn lạnh lắm và chưa có cành cây nào ra hoa cả. Nhưng bão cát ở sa mạc thì bắt đầu rồi."
Bất ngờ bản nhạc bắt đầu vang lên. Đó là một đoạn violin kéo dài. Anne đứng quay lưng lại với tôi. Tôi nhìn thấy bờ vai ấy bắt đầu run run và khi Anne chầm chậm xoay lại, tôi thấy mắt nàng đầy nước. "Chính là nó, bài hát tôi đã từng nghe trong giấc ngủ."
"Ta chỉ là hạt bụi trong cơn gió. Có gì hơn nữa đâu, phải không Anne? Ta chỉ là một hạt bụi thôi. Một hạt bụi quá nhỏ. Bụi bay ngang rồi bụi bay qua. Chìm vào quên lãng, không ai còn đoái hoài cả. Người ta quên nó đi thật nhanh chóng, hoặc ngay cả chưa từng biết nó vừa đi qua"
"Tôi đã đứng một mình trong bóng tối. Không còn quan tâm đến người khác nghĩ gì về ta nữa. Ai mà chẳng là một hạt bụi trong mắt một kẻ nào đó trên đời này. Điều đó không có gì mới mẻ nhưng vì nó lập đi lập lại mà giờ đây ... Đời người sao mà phù du quá thể."
Mắt tôi cũng nhoà đi. Buổi sáng, ngày thứ ba, Sài Gòn, một ngày không mưa.
Chúng tôi khóc cùng nhau.
Chúng tôi chỉ là hạt bụi trong cơn gió.

SG, 5/4/05 5h15pm

Phố Tu Viện

Anne đi vắng hai ngày. Cả nhà chìm trong im lặng. Đó là một buổi chiều, khi tôi đi học về và chỉ nhìn thấy một mẩu giấy cắm trên chiếc gối đầy cúc trứ danh của Anne “Mình đi ra ngoài. Đừng lo !
Dĩ nhiên là không thể không lo, mặc dù rằng tôi tin những gì Anne nói, nhưng từ trước giờ Anne chưa bao giờ bước chân ra ngoài hết, ngay cả việc thò đầu qua cửa sổ để gọi tôi khi tôi đang ở ngoài vườn, nó cũng tránh. Nó không thích bên ngoài. Tôi chưa từng hỏi lý do tại sao nhưng hình như theo tôi, có lẽ nó cho rằng bên ngoài quá nhiều bụi bặm.
Ngày thứ ba, Anne trở về nhà từ lúc rất sớm, tôi mơ hồ thấy một bóng người lách nhẹ qua cửa phòng và ngồi xuống nền đất ngay cạnh chiếc giường của mình. Khi dụi mắt cho tỉnh táo, tôi thấy Anne. Anne ngồi tựa lưng vào thành giường đầy mệt mỏi và ngay khi tôi vừa định hỏi xem nó từ đâu về nó chỉ khe khẽ xua tay và bảo “Đừng hỏi gì lúc này, đang mệt!”
Rồi Anne thiếp ngủ đi.
Buổi tối, chúng tôi lại ngồi đối diện với nhau. Tôi chờ đơi một cuộc trò chuyện như mọi tối theo thói quen. Anne im lặng mãi rồi mới kể.
Hai hôm trước trong vườn có một con sẻ nhỏ. Cả hai chúng tôi, tôi và Anne không hiểu sao đều rất thích chim sẻ. Chúng chẳng đẹp cho lắm với cái bộ lông xám xám nâu nâu kia nhưng bù lại chúng nhỏ như một trái bóng nhỏ cứ nảy lên nảy xuống liên hồi. Anne đã ngồi bên bệ cửa sổ và trò chuyện với con chim sẻ đó. Cuối cùng hai đưa quyết định đi ra khỏi sân và ra ngoài phố chơi. Anne đánh bạo bước chân lần đầu tiên ra phố. Nó theo con sẻ nhỏ đến một tu viện.Tu viện nằm trên phố Tu Viện. Phố Tu Viện có ba cái tu viện, Tu Viện 1, Tu Viện 2, và Tu Viện 3. Cả 3 Tu Viện đều giống nhau y hệt. Và tên gọi của chúng cũng khá khó nhớ, lằng ngoằng mấy ký tự La-tinh lung tung. Con sẻ đậu vào sân của một trong ba cái tu viện đó và nói với Anne:
– Đây là chỗ đẹp nhất mà tớ từng biết. Ở đây tớ thấy rất yên bình. Thỉnh thoảng các bà sơ cũng hay ra cho tớ một ít cơm thừa. Ăn cơm thừa và sưởi nắng, đó là hai thứ tuyệt nhất trên đời. Một cảm giác lười biếng lan toả khắp người tớ.
Nó rúc rúc lên mấy hồi làm đám lông trên cổ xù lên hết. Anne im lặng tì đầu lên một cái bệ cửa sổ và nghe nó nói. Đó là một con chim nhiều chuyện nhất mà Anne từng biết. Nó lách chách như vậy suốt hai tiếng đồng hồ. Cuối cùng, nó dừng lại bảo:
– Mệt quá, thôi không nói nữa. Tớ đi ngủ. Đằng ấy cũng đi kiếm chút gì bỏ vào mỏ đi nhé.
Dĩ nhiên cái câu “mệt quá, thôi không nói nữa, tớ đi ngủ”, chúng tôi, Anne và tôi đã nghe hàng trăm lần rồi. Chúng tôi nói với nhau như vậy vào gần như mỗi tối khi mệt phờ ra, mắt díu lại và buồn ngủ đến sái quai hàm vì ngáp. Chúng tôi đã nói quá nhiều. Hình như từ thuở con người khám phá ra họ biết nói, họ đã nói không ngừng, nói bằng mọi hình thức. Từ “nói” từ lâu không còn là một hành động trao đổi thông qua ngôn ngữ trực tiếp giữa hai người nữa. Nói khi giáp mặt, nói qua điện thoại, nói qua thư từ, nói qua những thứ công cụ mới khám phá ra của loài người, đặc biệt là các kỹ sư và những nhà khoa học. Tôi đồ rằng loại nói nhiều nhất trên đời chắc là con người. Đó là loài gây ra nhiều tiếng động nhất trên vũ trụ này. Ầm ầm.
May cho tôi, giọng của Anne không quá tệ. Nếu nó mà the thé chắc là tôi đến chết mất. Nhưng mà xét đi xét lại, tôi và Anne lại là những đứa nói quá nhiều. Vì thế, dù gì thì chúng tôi cũng trở thành một phần tử nhỏ bé trong cái tập hợp tự tra tấn lẫn nhau của loài người thông qua công cụ là ngôn ngữ.
Cho nên cái câu “mệt quá, thôi không nói nữa, tớ đi ngủ” thực chất không phải là một câu tuyên bố kết thúc mà đúng ra là hoàn chỉnh về ý nghĩa lẫn hình thức: “Mệt quá, thôi (hôm nay/bây giờ) tớ không (thể) nói nữa (mặc dù tớ vẫn còn muốn nói lắm), tớ (đành phải) đi ngủ (để lấy sức cho lúc dậy sẽ nói tiếp).” Tôi thấy đáng buồn rằng con người là một loài động vật quá khao khát có thông tin và giao tiếp. Đúng thật là như thế.
Trở lại với con sẻ. Tôi không thể ngờ được là mình đã dẫn chệch hẳn vấn đề sang một chỗ khác. Hãy trở về với vấn đề chim sẻ. Con sẻ nói xong và bay mất. Anne ngồi yên được một lúc rồi cũng đứng dậy và đi loanh quanh cái sân. Gần tối, con sẻ quay lại và nó lại tiếp tục kể lể. Nói thêm một chút. Một chút nữa. Ban đầu là nói, nói dài thì thành kể, kể dài thì thành kể lể. Mẹ tôi ngày xưa cũng từng hay nhắc tôi phân biệt hai chữ kể và kể lể. Anne cũng hay nhắc tôi về hai chữ đó. Nó khác nhau nhiều quá. Khi kể, may ra có chút gì hấp dẫn sẽ níu bạn lại mà ngồi đó, cố gắng nghe, nhưng khi thành kể lể thì thật tình cả người nói lẫn người nghe đều chán. Nhưng tôi không phân biệt được hai từ này. Vì thế, rất nhiều người đã ngáp dài khi tôi nói hoặc viết (một hình thức của nói). Kể lể đi đôi với lê thê như một cặp trời sinh. Tội nghiệp Anne! Đó chính xác là công việc mà con chim sẻ đang làm. Nó kể lể. Ở nhà thì tôi kể lể, ra ngoài phố thì con sẻ lê thê. Tôi bắt đầu thấy hoài nghi về con sẻ. Hay tôi lại bịa ra một chuyện vớ vẩn nào đó, một truyện ngụ ngôn trong đó tôi là con sẻ? Không, có lẽ là không, hy vọng là không, chắc là không. Nhưng ngộ nhỡ có? Thôi, hãy tạm gác sang một bên. Nếu là vậy thì lát nữa tôi sẽ xử lý vấn đề này sau. Đó là vấn đề “hậu văn bản”.
Con sẻ nói một thôi một hồi dài đến tận chiều ngày hôm sau. Trong suốt thời gian đó Anne im lặng lắng nghe. Tôi không dám nói là nó nghe chăm chú hay không, nhưng tôi biết chắc là nó đã tỏ ra chăm chú. Anne được dạy là phải lịch sự như vậy khi người khác nói. Cuối cùng, khi con sẻ nói đến hết cạn luôn mọi chuyện, nó ngơ ngác quay sang nhìn Anne. May quá, nó chỉ là một con sẻ nên vốn chuyện của nó chỉ gói gọn trong gần hai ngày, chứ nếu như là một con người - nhất là một người trưởng thành thì e rằng quãng thời gian đó sẽ dài gấp mười lần là ít. Con sẻ ừm ưm trong miệng một lát rồi theo phép lịch sự, nó quay ra hỏi Anne:
– Rồi, vậy đó. Ờ, ờ hết rồi. Thế còn cậu, có gì kể cho tớ nghe không nào. Tớ muốn chia sẻ tâm tình với cậu, một ít.
Ừm, cái dấu phẩy trước chữ "một ít" chính xác là để đánh dấu cho sự ngắt giọng, ngưng nghỉ. Tôi nhớ tôi đã được học như vậy từ năm lớp 1. May cho tôi là tôi còn nhớ, một ít.
Anne ừm ừm một lát rồi bắt đầu thẽ thọt:
– Thực ra cũng không có gì nhiều để kể. Mình là một người hơi hời hợt và nông cạn, cho nên chuyện của mình sẽ rất chán.
– Không sao cả. Cậu cứ kể đi.
– Ờ, chẳng có gì quan trọng cả, chỉ là hôm trước nữa mình đã ăn thịt gà. Ừm ừm..
– Thịt gà? – con sẻ giương mắt lên nhìn Anne đầy nghi ngờ.
– Ờ, thịt của một con gà. Và hôm qua tới giờ mình chưa được ăn gì cả nên mình đói kinh khủng. Khi đói thì mình bắt đầu nhớ đến bữa ăn cuối cùng của mình, tức là nhớ đến con gà. Nó là món gà rán. Da nó vàng, phồng rộp lên, và ngân ngấn nước mỡ. Một ít hành cháy sém rắc đều lên đó, màu thịt hơi ửng vàng làm cho mình tưởng rằng nó ăn hơi khô nhưng thực ra khi ngập răng vào thịt rồi mới biết nó khá mềm.
– Ừm ừm – con sẻ nhìn chăm chú vào mắt Anne
– Rồi cậu biết đó, cánh của nó, mềm và dễ ăn vô cùng. Nó toả ra một mùi thơm thật là quyến rũ. Một đĩa thịt gà đầy ắp hương vị của gia vị dầu ăn.
– Ừm ừm.- con sẻ đứng ra xa một chút.
– Mình đã thấy khi mẹ của bạn mình dọn nó lên bàn. Nó được chặt thành từng miếng nhỏ, xếp lên đĩa. Trông đẹp mắt.
– Ừm ừm – con sẻ nhảy ra xa thêm một bước nữa.
– Mình cũng đã thấy khi mẹ bỏ từng miếng vào chảo và chiên. Mùi dầu rán xèo xèo lên reo nghe vui tai.
– Ừm – nó nhảy tách ra hẳn một đoạn khá dài.
– Rồi cả khi mẹ mới mua con gà từ ngoài chợ về mình cũng thấy. Nó nằm ngửa, trụi lủi, da trắng ệch ra...
Đến lúc này thì con sẻ hết chịu nổi. Nó phun phì phì và nhìn Anne đầy ghê tởm. Nó bay vút đi không thèm ngoái đầu nhìn lại.
“Nó bay vút đi không thèm ngoái đầu nhìn lại” – đó là câu kết thúc của Anne. Tự nhiên cả hai chúng tôi im lặng. Tôi thấy bối rối không biết nên nói gì. Cuối cùng tôi thấy im lặng mãi thì cũng kỳ, nên tôi mới rụt rè nhận xét:
– Ừ thì... dĩ nhiên nó là một con chim sẻ nên cậu kể chuyện ăn thịt gà trước mặt nó... có lẽ là không tế nhị lắm.
– Dĩ nhiên tớ biết vậy là không tế nhị, nhưng tớ muốn thử xem nó sẽ chịu đựng tớ ra sao. Và kết quả là vậy đó. Mà xét cho cùng tớ thấy việc ăn thịt một con gà cũng chả có gì xấu. Vậy mà ngay khi tớ mới bắt đầu bộc lộ một chút ít về bản chất của tớ, nó đã te tái bỏ đi mất và nhìn tớ đầy kinh tởm. Chả ai chịu nổi tớ hết.
– Ừ thì... dĩ nhiên cậu làm vậy nó sẽ thấy khó chấp nhận lắm. Cậu với nó không cùng một hệ tư duy. Cái cậu cho và đẹp và hấp dẫn đối với nó là kinh dị và ghê tởm. Cậu nhìn thấy một con gà rán vàng ruộm nhưng thật ra quá trình đó đối với con chim sẻ là một quá trình... ờ... ờ ... giết và ăn thịt đồng loại của nó. Nó chỉ thấy vầy: một đồng loại của nó bị người ta lột trần như nhộng, nhúng vào nước sôi rồi lại đem mổ bụng, cứa cổ máu me be bét, rồi bị chặt đầu, xẻ nhỏ ra thành từng miếng, xương chặt ra rôm rốp, rồi lại bị nhúng và một hợp chất mặn chát hôi rình mà người ta gọi là nước mắm, rồi còn rau củ cải linh tinh gì đó, rồi bỏ vào cả một chảo dầu sôi và bị làm cho phỏng rộp khắp người và tuột hết cả da ra.
– Ờ, tớ có nghĩ vậy nên tớ mới kể cho nó nghe. Cậu biết không, nghe nó ừm ừm trong miệng là biết nó cảm giác sao rồi. Nhưng rất xấu hổ thú nhận rằng tớ cực kỳ hăng say trong việc muốn biết coi rốt cuộc đỉnh cao trào nó sẽ cư xử ra sao. Một sự tò mò gần như là độc ác vậy.
– Ừm, giống như là Polyphème kể cho Odyssée nghe xem hắn đã ăn mấy người bạn của anh ta ra sao vậy. Xiên suốt người bằng một cái que, rồi bỏ lên quay trên lửa. Tưởng tượng ra thấy không đẹp chút nào hết Anne à. Cho dù là bạn bè thì cũng nên tế nhị một chút, đó là cách người ta dạy cho tớ ở trường và ở trường thì tớ cư xử rất hoà nhã tế nhị với bạn bè. Mà nói cho cùng, con sẻ đó cư xử cũng lịch lãm lắm, y như một quý ông thực sự vậy. Rất đúng phép tắc.
– Ờ, tớ biết, tớ biết hết. Vì thế nên tớ mới kể. Tớ muốn xem con chim sẻ kia sau đó có chấp nhận nổi tớ không thôi. Và nó bay rồi. Đó là cái quan trọng nhất, và tớ biết kết cuộc rồi. Hôm qua tớ đã đi loanh quanh mãi trong cái sân ấy và đến sáng sớm mới trèo được qua cổng để tìm đường về nhà.
– Ừm.
– À, quên không hỏi, thực ra theo cậu tớ là vậy có quá đáng không?
– Đúng theo phép lịch sự cư xử của những người bình thường thì tớ sẽ nói là có.
– Còn không theo phép tắc của họ, chỉ theo ý kiến của mình cậu thôi thì sao?
Tôi mỉm cười. Anne cũng nhìn tôi và cười.
SG, 29/4/05, 9h30pm

Hồi quang

Đi tìm Ecclesiastes thông thái trong Thánh Kinh lại bắt gặp một đoạn văn khác. Tôi cầm lên và đọc cho Anne nghe: “Lúc sắp qua đời nạn nhân thoi thóp nói “ Quý hoá thay, nhân loại sát hại mình, cầu mong Thiên Chúa lại cho mình được phục sinh. Bạo chúa ơi, chắc ngươi không được sống lại đâu!”(Mcb,7,14). Tôi cười và bảo rằng:
– Đó coi như là một niềm đắc thắng cuối cùng của người sắp chết vậy.
Anne lại cho rằng:
– Không, đúng là một lời nguyền rủa chính bản thân. Phục sinh là một sự nguyền rủa. Phục sinh tồi tệ không kém gì bất tử. Trong câu nói ngắn ngủi đó chứa đựng một lúc cả bất tử và phục sinh. Đối chọi cùng bất tử là gì đây? Chẳng có gì cả. Anh ta biết mình không bất tử cũng chẳng được phục sinh. Nên lời kia là lời nguyền cho chính thân phận làm người thôi. Thực ra trong giây phút cuối cùng này anh ta đã làm hoà luôn cả với kẻ thù, anh ta muốn nêu lên rằng anh ta và hắn thực chất cùng có chung một kết cuộc thôi.
Khi đóng sách lại rồi tôi bất chợt nhớ lại câu nói của một người đã khuất từ hơn ba trăm năm trước “Sau ta là Đại Hồng thuỷ”. Thật là kỳ lạ cái câu nói đó, bây giờ mới thấy có gì rất chênh vênh chứ chẳng phải là một cảm giác tận hưởng sung sướng và khoái lạc. Tôi hình dung ra trước mắt hình ảnh của một đôi tình nhân đang ôm lấy nhau và phía sau lưng họ là một cơn sóng lớn đang đổ ập xuống. Cái hình ảnh này tạo thành chắc hẳn cũng một phần bởi Pompadour quả là một quý bà của những chuyện tình tứ.
Đêm qua tôi mơ thấy Phượng thành. Phượng thành có đôi mái ngói nghiêng nghiêng và rêu xanh xanh lẫn với màu vàng óng của nước sơn cũ dưới nắng. Một bà già bán dạo đi ngang qua và chỉ cho tôi thấy lối đi ngoắt ngoéo lên tầng trên. Vài người hối hả treo những chiếc đèn lồng đỏ lên trước hiên nhà và tôi lần ra phía lan can tầng thượng. Một nhành phượng xanh thắm chìa ngang trước mặt. Tự nhiên thấy xung quanh im lặng quá, tĩnh mịch quá. Tôi thấy bóng người đi dưới con đường nhỏ phía dưới. Tôi cố nhoài tay gọi mà không được, đến khi tôi bước xuống đến mặt đường thì người đã đi khuất đâu rồi. Và từ trên lan can phía cao, cửa sổ mở tung, có chiếc thuyền xinh xắn lướt trên không trung đi vào. Imagina vẫn còn mặc chiếc áo ngủ nhoẻn miệng cười rồi leo lên thuyền đi về xứ mộng.
Tất cả không đầu và không cuối. Tất cả đúng thực là một giấc mơ. Khi tỉnh dậy dạo này tôi không còn nhớ được giấc mơ của mình ngay nữa mà phải đến một lúc lâu sau, khi tôi hoàn toàn không phòng bị gì cả, những ký ức của cơn mơ đêm trước mới từ từ hiện về. Và tôi chợt nhận ra một điều trong vài ngày gần đây tôi hay mơ về hoa phượng. Thật là lạ vì chưa bao giờ tôi thích hoa phượng cả. Cái ngày tôi mơ mình bị tấn công bởi một con chó lớn có màu lông đen và trắng, tôi cũng thấy có rất nhiều hoa phượng tan tác rơi trên đất như thể trời vừa mưa.
Tôi nói tất cả với Anne một cách bâng quơ, cũng không đầu và không cuối, về cảm giác của tôi, về nỗi bất an của tôi với những giấc mơ. Một tháng tôi đã lần lượt trở về rất nhiều nơi tôi đã từng đến. Không tốt mà cũng không xấu. Ở một vài nơi, tôi mơ mình khóc. Có lẽ như vậy cũng được vì hình như lâu quá rồi tôi chưa khóc lại nữa. Nước mắt không cần thiết trong trường hợp của tôi. Có lẽ tôi cần một cơn Đại Hồng Thuỷ cho chính mình để sáng sớm khi thức dậy tôi thấy mình hoà tan vào trong sóng nước và thân mình trở nên có vị mặn của nước biển. Khi đó sẽ không thể nào biết được nước mắt là khái niệm gì nữa. Những con cá có bao giờ khóc đâu. Và tôi cũng chợt hiểu tại sao mỹ nhân ngư không bao giờ khóc, hoặc giả lúc nào nàng cũng khóc mà không ai biết cả. Những cái đó không phải là một sự vô nghĩa lớn sao, rất vô nghĩa là khác.
Chúng tôi có bốn con cá trong xô đựng nước ở nhà tắm. Hôm trước ba tôi câu cá ở sông gần cảng và bắt được chúng. Anne đặt tên cho từng con một: con Mít, con Vằn đen, con Bụng trắng, con Râu dài. Chúng nó quẫy tung lên trong đêm đầu tiên. Chúng nó bất bình với cái xô nhỏ hẹp và nước máy thì quá ngọt, quá ngọt cho những giọt nước mắt mặn. Đến hôm nay, khi tôi lại gần thì Bụng trắng, Râu dài, Vằn đen đều chết cả, nằm trương bụng lên. Mùi xác cá khó chịu khủng khiếp. Tôi không có ý niệm thương xót đối với cái chết của chúng. Tôi xách ba con cá chết bỏ vào bịch đựng rác và quăng vào thùng. Còn Mít, tôi đặt nó lên thớt và chặt đầu. Trước sau cũng là một cái chết. Đôi khi tôi không hiểu, chết trong xô nước và chết trên thớt có gì khác nhau. Một loại hình mang những nội dung đa dạng bên trong chăng? Bị ăn hoặc là không bị ăn. Bị ăn mở ra một khả năng: nhìn những con kia chết trước và khoan khoái thấy rõ ràng mình là kẻ mạnh nhất, mình trụ lại đến giây phút cuối cùng. Không bị ăn mở ra một khả năng khác: nằm trong bọc rác và có thân hình nguyên vẹn không mất đầu, không bị moi ruột, hay chảy máu đầm đìa, và ít ra cũng nằm trong trí óc của kẻ ăn trong một thời gian dài hơn là trong trường hợp được sẵn sàng nằm lên bàn ăn. Vậy thì cái nào là vinh quang hơn? Tôi thấy buồn cười. Một người bảo tôi, đó là sự sắp đặt sẵn tất cả, an bài cho số phận. Vâng, những con cá đã có sự an bài của những con cá. Chúng nó không có sự chọn lựa nào khác, bị ăn hoặc không bị ăn. Nhưng kết cuộc chung vẫn chỉ là một ý nghĩa khái quát: chết và chết và chết. Hết. Chết hết.
Anne đứng nhìn tất cả rồi quay lên nhà. Trong khi đó tôi chờ đợi Anne sẽ mở miệng nói về sự sống, cái chết, bất tử, thiên đàng hay địa ngục như mọi khi. Mãi một lúc lâu khi tôi đã ngâm tay vào nước trà nóng để khử cho hết mùi tanh của cá, Anne vẫn không đả động gì đên chuyện đó cả. Đến tối, tựa lưng vào giường và đọc kinh thánh cho Anne nghe, tôi mới hỏi tại sao nó không nhắc gì đến những con cá. Anne trả lời uể oải “Thứ nhất vì chúng chỉ là cá, thứ hai vì cậu đã nói quá nhiều nên cũng chẳng còn nên nói gì hết, thứ ba là mình chán. Hết rồi.”
Thực ra mà nói tôi chả thấy gì để chán cả. Mọi thứ với tôi hoàn toàn tốt đẹp. Mấy năm trước có một người viết thư và kể cho tôi về chuyện chiều nào anh ta cũng đẩy xe lăn của bà mình lên tầng thượng của bệnh viện để ngắm mặt trời lặn. Thật là một cảnh lãng mạn đầy chất nhân văn như trong phim và tôi đồ rằng anh ta cũng bắt chước cảnh đó trong phim. Anh ta khen rằng cảnh hoàng hôn sẽ đọng lại trong ký ức của bà như là những giờ phút đẹp nhất, dịu dàng nhất và thơ mộng nhất, ít ra là cho những ngày cuối đời. Tôi không công nhận điều đó. Tôi coi đó là một sự hành hạ bà già khốn khổ ấy. Có thể là tôi lầm vì tôi suy nghĩ theo kiểu của tôi và tôi chưa hề có đủ thời gian sống để nghĩ tiếp về cảm giác đó. Tuy nhiên tôi nghĩ nếu tôi sắp chết và ai đó ngày nào cũng bắt tôi lên tầng thượng để ngắm mặt trời thì hẳn tôi sẽ uất lên mà chết sớm hơn bởi như vậy giống như bắt tôi đối diện với một sự thật: mặt trời rồi sẽ mọc hoài mà tôi rồi thì sẽ chết. Tôi ganh tỵ với mặt trời. Mà vậy thì cũng là một sự vô ích và vô nghĩa, bởi sớm muộn gì tôi cũng chết. Có thể trong hồi quang cuối cùng của mình, tôi sẽ vả vào mặt thằng cháu đáng ghét kia.
Tôi kể tất cả với Anne và nó quay lại nhìn thẳng vào mặt tôi, hét lên “Đồ ngu xuẩn!”

SG, 1h18’ am 30/5/05

Adieu, Anne!

Trưa nay khi ngoái đầu vọng về phía cuối cánh đồng cỏ xa xa, tôi chợt trông thấy bóng dáng Anne bé nhỏ, Anne áo trắng đứng im lặng và thu mình lại dưới một gốc cây lớn. Không, tôi không muốn đặt vào đầu mình một khung cảnh nào hết. Tôi khước từ mọi khung cảnh quanh tôi. Tôi khước từ những bố cục đã có sẵn đâu đó quanh mình. Tôi không muốn đặt Anne trên đồng cỏ, trên lối đi, dưới rặng thông già hay bên bãi cát trắng. Những cái đó quá bình thường và tẻ nhạt. Tôi căm ghét sự tẻ nhạt. Và vì thế bây giờ tôi vô cùng bối rối. Người ta bối rối vì cả tình yêu lẫn sự thù hằn trong mình. Tôi không biết phải làm sao khi nhìn chung quanh bất kỳ cái gì cũng gợi lại một niềm quen thuộc đau đớn của một đời sống quá bình yên và ảm đạm. Ngay cả việc bây giờ tôi sắp nói rằng tôi đành để Anne vào chỗ-không-đâu-cả, tôi cũng không dám nữa vì trong óc tôi cứ mang máng nhớ rằng hình như dạo trước có lần mình đã nhìn thấy cái chốn–không–đâu-cả ấy rồi thì phải. Vậy là tôi cũng không biết được rằng chung quanh mình là gì, chung quanh Anne là gì. Tôi đành xếp xó khung cảnh lại. Mặc kệ, đâu cũng được nếu như biết tất cả đều nhàm chán như nhau. Tôi chạy đến, nước mắt nhạt nhoà, lắc lắc tay Anne và hỏi:
– Sao lại bỏ đi, sao lại bỏ tôi mà đi?
Anne mỉm cười, thật rụt rè rút tay ra khỏi tay tôi. Chỉ cười, cười thật hiền lành, nụ cười vô hại không giết chết một cái gì, không sỉ vả một cái nhìn, không gieo vào lòng bất kỳ một con người nào một hy vọng, một não nề hay một ảo tưởng nào. Anne chỉ cười, vậy thôi. Rồi nó bước ra đi.
Tôi đã không hiểu gì cả. Tôi đứng sững trên cánh đồng cỏ và không thể nào dỗ cho hai vai mình không run lên bần bật. Rồi tôi thấy mình choàng tỉnh. Một giấc mơ.
Có thể nào tìm lại Anne nhỏ bé của tôi không? Anne bảo dường như Anne chỉ sống được bên tôi khi tôi còn ở phố Chim Sẻ. Rồi thì tôi dời lại về đây, bên cội mai già cũ kỹ. Nó bảo nó không chịu đựng nổi tiếng trẻ con cười nói ở đây, không chịu được tiếng người bán cháo rao lảnh lót một chất giọng ngân ở cung bậc cao, không chịu nổi cảnh mỗi sớm thức dậy lại nhìn thấy những cánh mai rủ khắp sân nhà và cảnh bóng người chậm chậm quét nhặt từng lượm chổi mai. Thậm chí nó cũng không ưa nổi ánh sáng nơi đây; không phải như ánh nắng ở phố Chim Sẻ, từ từ một dòng nắng lan dần từ ô cửa mãi trên cao, loang qua chiếc giường và cuối cùng mất hút nơi cửa chính. Ở đây nắng sỗ sàng ùa ập thẳng vào phòng vì có đến hai cánh cửa sổ ngay sát giường nằm. Anne bảo tất cả những cái đó quá sức nó. Tôi làm mọi cách để trấn an Anne. Tôi treo lên những bức rèm lớn che phủ đi những khoảng nắng lùa, tôi đóng kín các cánh cửa để nó không phải nghe bất kỳ âm thanh nào hay nhìn thấy bất kỳ một cánh mai nào rụng xuống nữa. Nhưng hình như vẫn chưa đủ. Anne vẫn run rẩy nhìn ra ngoài khoảng trắng lờ mờ sau tấm rèm và nấc lên “Trời ơi, ánh sáng kìa!”
Sáng sớm một ngày đẹp trời, Anne dậy trước tôi. Trời vừa mưa xong. Lần đầu sau cả một quãng thời gian dài, nó bước chân xuống giường rất sớm và nhanh nhẹn lướt đến bên cửa sổ, mở toang nó ra và tần ngần đứng ngóng mãi bên đó. Khi tôi tỉnh dậy, Anne vẫn đứng yên đó, hai tay run run nắm lấy một vạt áo. Anne quay lại nhìn tôi thì thầm:
– Có tiếng chim kêu, có nghe không, có tiếng chim kêu.
Và rồi sáng yên lặng trôi qua. Chậm rãi và từ tốn, nhỏ nhẹ và yên bình. Một sáng không có tiếng nấc, không có thảng thốt, không giật mình, không choàng tỉnh, không day dứt. Một sáng êm đềm như mùa đông vẫn còn ngủ mơ.
Ngày hôm sau, Anne biến mất. Không còn vết tích gì cả. Không thư từ, không tin nhắn, không từ biệt. Tôi cũng không chờ đợi những cái đó vì tôi nhớ hồi xưa có lần Anne bảo rằng những trò thư từ chào hỏi chia ly thật là vớ vẩn vì khi người ta muốn vĩnh biệt nhau thật sự thì chẳng cần phải nói năng viết lách chi cả. Cứ êm êm mà rảo bước đi thôi. Còn thư vĩnh biệt viết lần một thì sẽ có lần hai, lần ba, lần bốn. Cứ thế mà như một dòng tái bút dai dẳng chẳng hết được bao giờ... Tôi cũng không đi tìm Anne vì ngày xưa Anne cũng từng bảo rằng một người khi muốn vĩnh biệt thật sự thì tìm kiếm là vô ích, một trò phí thời gian và tuyệt vọng. Những người đi không bao giờ quay đầu trở lại.
Có một cái gì thật là khác biệt giữa vĩnh biệt và tạm biệt. Tiếng chào vĩnh biệt giống như tiếng thốt lên giữa lúc sắp hạ huyệt nấm mồ. Vì vậy, trước đây khi có một người bạn trong cơn phấn khích đã quay lại và hét lên với tôi bằng một giọng bét nhè rằng vĩnh biệt, tôi đã thấy toát lạnh hết xương sống vì cảm thấy một nỗi sợ không nhìn lại được đôi mắt ấy bao giờ. Hắn không bao giờ phân biệt được sự khác nhau giữa Adieu và Aurevoir. Hắn chào tôi với nụ cười duyên dáng “Adieu, ma petite soeur!” và rồi hắn ra đi. Có đôi lần hắn hứa trở lại, nhưng tôi không tốn công ngồi chờ hoài chờ huỷ ở chốn này vì tôi biết ý nghĩa của Adieu.
Ngày và ngày trôi qua... ngày và ngày...
Hôm nay khi thức dậy từ giấc mơ, đột nhiên tôi nhớ ra mình đã biết Anne từ dạo nào. Không phải khi còn nhỏ như tôi tưởng trước giờ. Nó không phải người sinh cùng ngày với tôi, không phải người lau nước mắt khi tôi khóc hờn ngày bé thơ. Không, Anne không phải là chính tôi. Nó chỉ đột nhiên xuất hiện vào buổi sáng tháng chín năm 2003. Tôi ngồi đợi nắng trên dòng sông, tôi chờ nắng đỏ. Và tôi đi tìm một ngôi nhà đỏ, một cánh cửa đỏ, một cô gái mặc áo đỏ bước ra từ trong đó. Khi ấy, tôi vừa dọn về phố Chim Sẻ và tôi hoang mang trước một màu đỏ cứ lấp la lấp lánh nơi cánh cổng nhà hàng xóm. Vào ngày tháng chín năm ấy, tôi đã đánh bạo đẩy cánh cửa ngôi nhà đỏ ra và tôi tìm thấy Anne đứng ngay ở đó, cũng đang cố sức mở cánh cổng ra. Hai mặt giáp nhau, hay tay chạm nhau, hai mắt nhìn nhau. Chúng tôi vui sướng.
Những tháng ngày ở Phố Chim Sẻ nghĩ lại bây giờ mới thấy tràn ngập đau khổ và hạnh phúc. Bất kỳ quá khứ nào nào cũng xinh xẻo như thế sao? Những ngày tôi thấy mình sống dưới đáy, đời cạn đến giọt cuối cùng là những ngày tôi tỉnh táo nhất, bình tĩnh nhất. Lang thang trên phố Tu Viện nghe chim sẻ ríu ran, thức qua đêm thâu nghe gió thổi ngoài hiên và nằm chong chong hết sáng chờ nắng dìu dặt từng bước lướt qua mặt. Ngày đó tôi làm mọi cách giết thời gian để thời gian đừng giết tôi.
Một người cố tri phương xa của tôi khi nhớ về những ngày quá khứ từng đọc hai câu thơ như thế này “Ơn em thơ dại từ trời, Theo ta xuống biển vớt đời ta trôi”. Không, tôi không dám nói là Anne đã vớt tôi lên trên dòng lềnh bềnh trôi đó. Không, Anne không bao giờ là một thánh nữ như vậy cả. Anne không bao giờ an ủi, không bao giờ dịu dàng hay bao dung với tôi cả. Trái lại Anne lúc nào cũng nhỏ nhen, gằn hắt tôi, và mỗi khi tôi buồn, Anne càng ra sức dìm tôi xuống sâu, thật sâu hơn nữa. Một niềm đam mê không phải là độc ác mà cũng chẳng mấy là lương thiện cho cam. Vậy mà, tôi đã sống qua hết những ngày ấy được. Phố Chim Sẻ của tôi.
Anne nhỏ bé của tôi, chẳng bao giờ tôi tha thứ được cho Anne vì sự độc ác mà Anne đã giành dụm lại và trút cả vào tôi mỗi khi tôi tuyệt vọng nhìn Anne. Tôi có thể hờn khóc, có thể lăn ra đất mà dẫm chân bực bội như một đứa trẻ thơ những khi ấy. Anne không phải là một người tế nhị với nỗi buồn và Anne cũng chưa bao giờ từng có ý định sẽ tế nhị với nỗi buồn. Khi tôi khóc, tôi đau, tôi u uất, Anne hào phóng hể hả nói với tôi rằng Anne sung sướng, Anne hạnh phúc. Và Anne nâng khuôn mặt tôi lên, nhìn vào mắt tôi và nói “Sao đằng ấy không hỏi gì về niềm sung sướng của tớ? Đằng ấy hỏi đi, xem tớ đã cảm giác hạnh phúc suốt thời gian qua ra sao? Ôi cô bạn nhỏ, hãy hỏi đi chứ!” Không, tôi sẽ không bao giờ tha thứ được cho những lời ấy và Anne biết điều đó. Anne cũng chẳng cần sự tha thứ của tôi làm gì. Nói đúng theo giọng Anne thì đó là một sự ảo vọng vô ích. Không để làm chi hết.
Vậy thì nhiều lúc và nhất là ngay chính lúc này, khi Anne đã đi rồi, tôi ngồi nghĩ lại xem cuối cùng là cái gì đã khiến tôi da diết với hình ảnh của Anne trong đời đến vậy? Tôi không đi tìm một thánh nữ cho đời mình. Tôi không đi tìm bàn tay mẹ Maria dịu hiền. Tôi cần bàn tay của quỷ sứ tát cho mình tỉnh. Tôi không cần vuốt ve âu yếm, tôi cần ai đó dội cho một xô nước lạnh để tôi thức dậy khỏi giấc mơ. Tôi cần ai đó hét vào mặt rằng: dậy đi, những cái đó không có thực đâu và cả những cái này cũng thế; tất cả là vô vọng hết thẩy, nghe chưa, nghe chưa, nghe rõ chưa?
Vì vậy thì giờ đây, tôi đã biết được hết những gì đã xảy ra nghĩa là sao. Hoặc cứ tạm thời tạo một niềm tin ngộ nhận trong phút này là tôi đã hiểu chúng. Cũng chẳng còn gì quan trọng nữa. Anne đi rồi.
Hôm trước nữa, tôi nghe có người đọc một vài lời hát vu vơ “Written in the stars”. Tôi nhớ Anne. Nhớ lắm. Nhưng cũng không biết làm gì với nỗi nhớ của mình đây. Đêm về mơ thấy phố, mái trăng nhạt màu úa tạ cỏ cây... Khó mà không tự hỏi rằng Anne đang ở đâu, đang tan biến ở đâu. Dạo trước, có lần Anne bảo Anne muốn về Vịnh Cánh Cung. Tôi cười hỏi rằng về chốn lãng quên ấy mà làm gì? Có chi chờ đợi mình nơi ấy đâu. Anne trả lời: có sự lãng quên. Cái duy nhất sẵn lòng chờ mình sau ngần ấy năm sống làm người, cái duy nhất không phản bội, không quay lưng lại với mình, không tráo trở ra đi chỉ là sự lãng quên thôi. Tôi lại chỉ cười: nếu muốn đi thì hãy ra đi, tôi không muốn giữ lại vạt áo người muốn ra đi, không có Anne hằng tối tôi vẫn còn Apollinaire, cũng là một chữ A bắt đầu, không sao cả đâu. Ừ thì có thể giờ này, vào ngày tôi tròn 20 tuổi, Anne đang ngồi bên Vịnh Cánh Cung, uống vong khước thảo và lãng quên...
Mọi câu chuyện đều có sự kết thúc của nó. Tôi đã tưởng mình sẽ viết dài hơn vào lúc tôi bắt đầu kể về Anne. Nhưng cũng chẳng ích gì mà chống lại những thứ đã xếp sẵn cho mình. Từ dạo Anne đi, chim sẻ về bên phố Hoa Mai nhiều lắm, sáng nào cũng nghe líu ríu gọi nhau trên những tán lá nho xanh. Anne à, Anne ơi! Adieu, Anne!
 
SG, Mon, 17/10/2005 14g10’pm
Mạn Vũ 

Friday, August 18, 2006

Lời tựa của mùa thu (0)


Thay mặt thượng đế, tôi là thượng đế của chính mình, cho mình cái quyền được lựa chọn, quyền được có quyền.

Cho mình được quyền viết, kể từ phút giây khá muộn của hôm nay, sau một buổi chiều cứ cắm đầu chạy mãi theo một tia nắng cuối ngày, giữa sự đông đúc, ồn ào vật chất giờ cao điểm của Saigon-không-thuộc-về-mình. Sao không phải là một cơn gió nhỉ? Chắc sẽ để dành gió lúc khác. Tia nắng cuối ngày ấy, có thật không, hay chỉ hư ảo như làn khói mỡ trâu Yak trong cung Potala phía uyên nghiêm huyền bí Tây Tạng. Tia nắng cuối ngày ấy có mùi không? Mùi khói xe động cơ hai bánh hăng hắc trên khắp nẻo đường, có lẽ là mùi khoai tây nghiền của tiệm KFC góc phố Duy Tân cũ, hay mùi hoa sứ trắng ngát hương vòng con dốc ngôi trường không bình thường trong kí ức? Tia nắng cuối ngày ấy có vị không? Nồng nồng như một hôm bỗng nổi cơn dữ tợn ăn thịt hoa cúc xanh, hay khăm khẳm như mùi biển Cà Ná đêm mùa hạ vội vàng lướt qua, hoặc vị ấy sẽ phức tạp như món Pooh ướp mồ hôi chan soup chocolate? Chẳng biết nữa, hình như tia nắng cuối ngày của hôm nay bị đột biến, nó to bất thường, như một tấm chăn đổ trùm lên cơ thể mình theo phương thẳng đứng. Ờ há, chưa thử trùm cái chăn tia nắng cuối ngày ấy theo phương nằm ngang, có lẽ mình vẫn chưa hào hứng lắm với cái việc nằm sấp giữa cái nơi không thuộc về mình đó. Đừng hỏi tại sao lại là nằm sấp nhé, đơn giản là vì 23 năm qua chưa thích nằm ngửa, thế thôi.

Sẽ bắt đầu một dãy những kết quả của sự lảm nhảm không tuyến tính, không phi tuyến tính nhưng tự hứa là đầy nghiêm túc với cảm xúc của mình, đến đây lại phải xét lại xem có bao giờ mình nghiêm túc với cảm xúc của mình chưa? Có lẽ có, có lẽ không, chẳng biết nữa, tại sao cứ phải biết nhiều việc quá vậy, nhưng ít nhất câu trả lời là… đã từng, có nên mừng vì điều đó không nhỉ? Bỗng nhớ một câu của anh T.: “Cuộc đời, có gì mà quan trọng hoá vậy em!”, ừ, lại mô tả mình bằng câu của người khác, bác S.: “thân nhẹ nhàng như mây”…
Chẳng thèm loay hoay với sự nghiêm túc, đến lúc phải đi mua tủ thôi, tủ có nhiều hộc, nhiều ngăn kéo để nhốt chúng lại, những dòng ý nghĩ hay cảm xúc chi đó bỗng đến và đi trong não mình, về những chuyện đã xảy ra trên trái đất này, trong cuộc đời mình hay ít nhất là đã từng xảy ra trong trí tưởng tượng của mình. Mà, có lẽ trí tưởng tượng của mình mạnh quá, nó uy hiếp cả sự-diễn-ra-vật-chất làm mình nhầm lẫn, kệ nó, vật chất hay phi vật chất, cũng nhốt vào những ngăn tủ, không cần phải khoá bằng mấy ống khoá kỹ thuật cao nặng trịch hay bấm bấm dãy số, khép nhẹ lại cho gọn gàng một chút thôi, cho ai đó nếu tình cờ ghé ngang hay cố ý tìm kiếm có thể bắt gặp chúng với sự sống riêng chúng kể từ ngày định cư nơi hộc tủ ấy. Có lẽ cũng cần mua thêm một cái giường, một cái kệ sách, ừm, mình đang sống ở nước nhiệt đới, thôi thì đi mua cả một cái tủ lạnh, sẵn tiện mua thêm một cái lò sưởi nữa, chắc chẳng cần tiết kiệm quá làm gì, gom góp lại chắc vẫn còn dư một ít mà, những cảm xúc từ xứ sở nhễ nhại mồ hôi hay là những câu chuyện của mùa đông lạnh cóng cũng cần có nơi trú ngụ.

Cái giường sẽ dành cho những cô nàng kí ức đỏng đảnh, cứ một hai chọn tướng ngồi xoè váy, hay là dành cho một vài câu chuyện đến hồi kiệt sức cần nằm sấp vì muốn từ chối cái trần nhà, bầu trời hay ánh đèn một thời gian, các cô gái của G.G. Marquez chắc cũng cần nằm nghỉ ngơi một chút nơi này. Cái kệ sách bằng gỗ nâu cũ kĩ nhé, cho những triết lí mắc bệnh nghiêm trọng có liên quan đến F. Nietzsche, S. Freud, hay những chi tiết ngông cuồng hiện sinh của P.C. Thiện, chót vót tượng trưng của A. Rimbaud, rồi hoa hồng của U. Eco hay di chúc của M. Kundera cũng sẽ ở đây cho xứng cái tầm vừa là thuốc độc vừa là thuốc chữa bệnh của chúng. Nếu bé Tốt-tô-chan hay Pi-pi Lăng-stơ-rum hay Đô-rê-mon thích cũng có thể thu mình sắp xếp vào đây, nhưng mình nghĩ chúng thích chạy nhảy loanh quanh từ nơi này qua nơi khác hơn là ở yên một chỗ, ừ, cứ thoải mái mà tung tăng đi các bé, khi mệt thì ngồi bệt xuống đất, ngại gì. Còn cái tủ lạnh, chắc nhiều mảnh rời trí nhớ muốn tìm đến nó lắm, Việt Nam nóng quá mà, tươi mát ai mà chẳng thích, sao cũng được, nhưng mình sẽ ưu tiên dành chỗ cho mấy con chim của P. Gallico kẻo tội nghiệp chúng. Cái lò sưởi ư, chắc L.M. Silko cần đến cho cái lễ hội mặt trời xuyên suốt, ừm, dành cho cả ngôi làng có chàng thi sĩ và con Platero của J.R. Jimenez nữa, chẳng hiểu sao mình muốn cái làng đó ấm áp quanh năm. Nói đến đây thì chẳng biết phải cất mấy đại lộ (boulevard), vỉa hè Paris, lề đường Tự Do, ngôi trường Tô-mô-e, cul-de-sac 47 ở đâu nữa. Từ từ, mình tin là trước sau gì mình cũng sắp xếp được một chỗ cho chúng thôi, còn như mình bất lực, chúng sẽ biết tự thân vận động mà. Lo gì! Mọi sự quy hoạch, sắp xếp, phân chia trên cũng chỉ là ví dụ, nếu mà kể được hết ra đây hay đúng y chang như dự định thì… viết làm cái quái gì nữa, và cuộc đời giống như một game-online phiên bản cuối với các khả năng được dự đoán và lập trình hoàn hảo.

Tóm lại thì cũng nên xin lỗi những cái tên riêng bị và chưa bị nhắc đến từ nãy đến giờ, đã bảo là không cố ý mà, tên hiện ra trong não thì tay lọc cọc gõ phím lại thôi. Nhắc đến tay, lại thèm. Phải chi có ai đó, cho mình mượn một cánh tay, một chút lực nữa, làm ơn đẩy mình xuống một cái đi, hành động phải dứt khoát nhé, cám ơn mà. Mình đang cheo leo lắm nè, ngoài kia là một hốc đêm đen ngòm có mưa, một trạng thái môi trường lý tưởng cho sự rơi, nếu được rơi, mình sẽ ước gì trước khi rơi mình hoá thành cái gì đó tròn tròn, nhỏ nhỏ, trái banh chẳng hạn, banh ping-pong hay banh tennis ấy, khi tiếp đất lại tưng lên, lại rơi, lại tưng lên. Đúng là lòng tham của con người, muốn rơi lại muốn rơi. Mình không quan tâm lắm đến cảm giác tưng lên đâu, mặc nó, mình chỉ thích rơi. Lúc chưa kịp rơi, trái banh, ping-pong, khi đó thì ai đó có ý định ôm mình sẽ không còn nỗi e dè bị sốc xương nữa rồi, như vậy thì có ôm không và có quyết định rơi tiếp không nhỉ? Chắc là vẫn có, mình thích rơi mà. Mà cũng không chắc chắn lắm.

Tóm lại lần nữa, quay trở lại với chuyện mua sắm và sắp xếp, tủ hộc, giường, tủ lạnh, lò sưởi sẽ được yên vị trong một gian phòng lơ lửng đâu đó, có thể không có cửa ra vào nhưng chắc chắn một điều, đó là gian phòng có cửa sổ. Mấy thứ được cất trong gian phòng này chắc cũng giống mình, thích đi lại, chạy nhảy, bò trườn, ra vào, tung tăng hay trầm tư gì đó bằng lối cửa sổ. Lúc này thì thích nhất và nhìn quanh một cái thì thấy nhiều nhất là những thứ không bắt đầu, không kết thúc. Những chuyện ấm ớ thế này cũng hợp với cửa sổ.

Trí nhớ lúc này ư?

Những mảnh rời không rõ hình dạng, nhưng một điều chắc chắn là nó có hình dạng, đã gọi là mảnh mà, có khi nào nó giống như một chiếc răng không nhỉ, mà ngay cả khi đó là một chiếc răng thì đó là răng sữa, răng sún, răng thỏ, răng hạt bắp, răng khểnh, biết được chính xác là loại nào thì cũng còn xa lắm mới xác định được hình dạng mà. Những âm thanh ư, rất rõ nhưng chịu, chẳng biết là tiếng gì, tiếng thét xé lòng từ chối một sự sống nhu nhú của đứa con gái trên bàn mổ hay lời thầm thì của một đôi tình nhân nào đó dưới bóng cây ngọc lan, cũng hệt như nhau, cũng từ rất xa vẳng lại nhưng rõ ràng rành mạch thế nào ấy. Tự dưng, như nghe được, như cảm được thê thiết tiếng kêu phá vỡ sự im lặng một đêm mưa tháng 4 của nhân vật Naoko, nghe bằng lỗ tai của H. Murakami thì đó là “âm thanh cực cảm buồn thảm nhất” mà ông đã từng nghe. Không biết Chí Phèo và Thị Nở, cái đêm trăng ấy có cái thanh âm nào đáng nhớ không, dù gì thì cũng là lần đầu tiên mà. Thôi đi, cố làm gì chuyện đó, xác định rõ ràng mọi thứ chưa hẳn là một điều tốt, ít nhất là vào lúc này.

Vụt hiện lúc nào trong đêm mưa sẽ cố gắng ghi lại lúc ấy, theo một cách mà lúc ấy tự nhiên có, sẽ chăm chỉ ghi trong mùa mưa này, vì sợ mai thôi, trí nhớ suy tàn.

Sao mà mình vẫn thèm rơi.

Tú Trinh
10.08.2006

Sunday, April 30, 2006

1, 2, 3 và 4 và…

… cho n & hoa cúc


Thấy không daisy, cái bụi cây len lén um tùm đang cố vươn mình ra khoe những bông hoa bé xíu xiu kia đấy, theo hướng tay chỉ đấy, góc vuông phía trước đấy, ừm, mắt em cận mấy độ nhỉ, lại gần hơn một chút nữa nhé em, rồi, em đã thấy chưa, thân gầy gầy thanh thanh, hoa be bé mảnh mai, cánh mong mỏng trăng trắng, vây quanh một đài hoa vàng vàng chẳng lấy gì làm tươi xinh lắm, có lẽ nhờ vậy em nhỉ, cánh hoa kia tinh khiết trắng nhuần hơn giữa cái nắng chia ly hanh hao này, hihi, hihi, hai chúng ta cùng cười hihi, hihi với cái bụi cây len lén um tùm.

Sao loay hoay mãi hai đứa mình cũng chẳng biết có tất cả bao nhiêu cánh hoa trên một bông hoa, hai đứa làm sao biết hết có bao nhiêu cánh mong mỏng trăng trắng trên thân cái bụi cây này được nhỉ, ôi, một ước muốn cũng dễ thương cũng len lén như cái bụi cây len lén um tùm này vậy, hihi, chợt nhớ đã hơn một lần nghe anh chàng trẻ măng cứ thích xưng thầy trong phòng thí nghiệm thực vật bảo mỗi cánh hoa mới thực sự là một bông hoa, còn khái niệm bông hoa như hai đứa mình hiểu là một bó hoa mất rồi, thôi kệ anh chàng ấy nhé, sao cũng được, mỗi người được quyền có khái niệm “một bông hoa” cho riêng mình, phải không em.

Mà em này, em đếm đến số mấy rồi, hihi, em quên mất rồi phải không, mình đếm lại từ đầu nhé, ôi, những cánh hoa mong mỏng trăng trắng đang thích thú được xếp hàng, định danh bằng số lần nữa kìa, một, hai, ba, bốn, năm, sao em dừng lại mất rồi, một, hai, ba, bốn, năm, sao em lại dừng lại nữa vậy, một, ha, ba, bốn, năm, hihi, em thích số năm à, để suy đoán xem sao lại là số năm nhé, ừm, sắp hiểu rồi nè, xòe bàn tay phải cũng chừng ấy số, một, hai, ba, bốn, năm, xòe bàn tay trái cũng chừng ấy số, một, hai, ba, bốn, năm, em định nói đến chân phải và chân trái nữa phải không, hihi, không xòe ra được ở đây đâu, ngón chân em đang khem khép trong đôi vớ khát khao được chạm mặt mặt đất kia rồi, hihi, số năm, sắp hiểu rồi em, mỗi lần em ngẩn ngơ bóc tờ lịch cuối cùng cũng thầm thì chi đó có “năm”, năm, năm, năm năm.

Ờ, năm, hình như nếu được vẹn toàn thì mỗi bông hoa trong khái niệm chúng ta có năm cánh mong mỏng trăng trắng, có bao nhiêu bông hoa có đủ năm cánh mong mỏng trăng trắng nơi bụi cây len lén um tùm này em nhỉ, hihi, sao chúng ta cứ phải hỏi nhau có bao nhiêu, bao nhiêu là bao nhiêu nhỉ, lần này thì không hiểu thật đó em, hihi, không chống chế hay chạy trốn cái không hiểu của mình đâu, tụi mình chuyển đề tài nhé, em biết tên bông hoa kia chưa, chưa phải không, mà thôi cũng chẳng cần biết làm gì cho mệt, hai đứa mình không thích viết hoa chữ cái đầu câu, hai đứa mình không thích cong lưỡi quá nhiều để phát âm một chữ la tinh là lạ, lạ lẫm, thôi mình lại cười hihi hihi đi em, hihi, hihi, đúng rồi em, lần này không cần viết hoa, không cần uốn lưỡi mà tên hoa vẫn chuẩn mực và dễ thương như em, như khoảnh khắc nụ cười em vừa rồi vậy, hoa răng sún.

Tụi mình vẫn đang ở cạnh cái bụi cây cây len lén um tùm đang cố vươn mình ra khoe những bông hoa bé xíu xiu vừa được tụi mình yêu dấu gọi là hoa răng sún, phải vậy không em, ừm, hết đứng rồi lại ngồi, hết ngồi kiểu này rồi lại ngồi kiểu khác, ngồi chán lại đi lẩn thẩn, rồi lại tung tăng và nhảy chân sáo, vẫn là cái bụi cây len lén um tùm đính trên mình nó yêu dấu những bông hoa răng sún, mượn nắng làm thước kẻ đường vuông góc gió xuống đôi vai ẩn trong chiếc áo tay phồng li ti hoa em mặc, hihi, bông hoa có khoảng cách gần em nhất có đủ năm cánh mong mỏng trăng trắng kìa, hihi, năm, năm…

Yêu dấu daisy ơi, sao hai đứa mình lại có bốn, bốn chỏng chơ, bốn bơ vơ, bốn không có một, hai, ba, và năm đi cùng như lúc chúng ta đếm cánh hoa nữa, à không, có một chút xíu nhầm lẫn, bốn đi cùng với năm, bốn năm, nên hoa chưa kịp thay răng, chưa kịp rụng hết răng sữa, chưa kịp mọc răng vĩnh viễn, hoa chưa kịp có một tên mới khác hơn dễ thương em trong niêm luật thời gian, hoa chưa kịp có tên mới dài hơn khoảnh khắc nụ cười em lúc hai đứa ở gần nhau, bốn năm và dừng lại ở đó, hoa vẫn là hoa răng sún.

Bốn năm và dừng lại ở đó, hoa vẫn là hoa răng sún, daisy ơi
hoa vẫn là hoa răng sún, daisy ơi
daisy ơi
daisy ơi
hoa vẫn là hoa răng sún, daisy ơi
bốn năm và dừng lại ở đó, hoa vẫn là hoa răng sún, daisy ơi
bốn năm và dừng lại ở đó, hoa vẫn là hoa răng sún
bốn năm và dừng lại ở đó
bốn năm và dừng lại ở đó
bốn năm và dừng lại ở đó, hoa vẫn là hoa răng sún
bốn năm và dừng lại ở đó, hoa vẫn là hoa răng sún, daisy ơi
hoa vẫn là hoa răng sún, daisy ơi
daisy ơi
daisy ơi
daisy ơi
daisy ơi
daisy ơi
daisy ơi
daisy ơi
daisy ơi…

Gọi mãi…
Và sau đây là hồi âm của hoa cúc, cũng là một câu với nhiều dấu phẩy.
Không ai đo đếm được thời gian, không ai đo đếm được thương yêu, nhưng cánh hoa thì được, nhưng những quyết định chua xót thì được, ừ, thì bốn hay năm cũng cũng là tâm cả, tâm yêu thương thì sẽ nở được một cái hoa răng sún xinh xinh sáng mai này.
Sau số bốn chỏng chơ, số bốn bơ vơ, sau khi gọi daisy ơi khàn tuổi, sau hồi âm hoa cúc…

Tú Trinh
04/2006

Wednesday, April 5, 2006

Liệt kê không thứ tự mưa

mưa bất ngờ
giữa ngày chủ nhật đầu tháng tư rát bỏng
mưa tác động
những con người chờ mưa và không chờ mưa hốt nhiên ảo ảnh xoay chong chóng
mưa khi
con đường trước nhà đầy những vệt bụi mang hình hài thai nhi mỏi mệt
mưa vắng
cái nhìn giương mắt lồi của tướng con ếch
mưa xiên ngang
những nỗi không bình yên không vì bất kỳ nguyên cớ nào hết
mưa nghe ra
một chỗ ngồi, một cái máy tính và những công việc không tên tuổi
mưa giả bộ khóc
ri ri ri ri ri ri thành chuỗi nhưng vĩ thanh không âm xa lạ
mưa vờ vui
hi hi hi hi hi hi hi hi trên những quanh quất đọt non rũ rượi
mưa khoanh tròn
trong sự khoanh tròn một vùng khá bằng phẳng trên bản đồ hình đòn gánh
mưa che giấu
dòng nước từ gã đàn ông đứng đưa lưng ra với phố
mưa tô màu
chiếc áo trắng con bé 2 bím tóc cọc cạch xe đạp sau chiếc @ kém từ tốn
mưa nhớ
một ngõ nhỏ đầy hoa mận trắng, hoàng anh vàng, tigôn hồng, dâm bụt đỏ
mưa loay hoay
tìm những chiếc áo mưa đôi ngoe nguẩy hai mái đầu năm cũ
mưa lọt ghế
lại ì ạch leo lên mái nhà có và không có ăng-ten lêu nghêu lỏi chỏi
mưa khùng
í ới gọi mưa (gọi nhau chứ nhỉ) bằng cái chớp đì đùng xoèn xoẹt
mưa lăng nhăng
trên từng phím dương cầm đang vào giai điệu không kim không cổ
mưa chụp hình
một cái rùng vai đứa trẻ vô thường như mọi đứa trẻ bất thường và bình thường khác
mưa học
chịu đựng (hay thưởng thức) mùi đất phả vào cơ thể mưa sau một mùa tình tự
mưa ghẹo
mưa hát
mưa nói
mưa la làng
mưa càm ràm
mưa ca cẩm
mưa nhõng nhẽo
mưa hôn



mưa mệt rồi
mưa nghỉ.


Khinh Ca
biên bản ngày 02.04.06 giữa chiều Sài Gòn

Wednesday, March 29, 2006

Ghen | Con đường không ngã rẽ | Đẹp

Ghen
cho M

Gương mặt buồn một vết dao lam
Tay siết chặt thứ tình yêu gai tủa
Ngộ độc những lời nói

Bóng tối lần bàn tay trong tâm hồn mặt trời
Cơn mưa không rửa nổi chất nhầy lầm lẫn

Chúng ta đi trong luân vũ bất tận mê cung mạng nhện
Chạm mặt nhau như chạm cuối cùng

Chạm mặt nhau như chạm phải chính mình
Những hố sâu hát to hằn thù ta dấu
Những hằn thù lấp đầy giếng yêu thương
Chúng Bống cổ tích khóc mạch ngầm rỉ nước
Chúng ta hoang vu đỉnh thập giá nhà thờ

Không ai chịu là người gãy đổ
Không ai chịu là trang kinh mọt nhấm
Không ai chịu là tiếng chuông rè
Chúng ta kiên trì đứng thẳng, xưng tụng, thánh thót

Không con dao nào đâm cho vừa vết thương

Nên đêm nay tôi mở giáo đường lòng mình
Rửa tội trước một vết sẹo dài
Để thấy em thanh thản hơn nước mắt.






Con đường không ngã rẽ
thơ cho M, Thủ Đức, những ngày học quân sự, mùa hạ 2002


“thiên đường địa ngục hai bên hai dãy thì khôn” 
đồng dao

Khi ranh giới mỏng manh là nước mắt
Con đường hát lên lời dại khôn được mất
Mây trắng bay chậm hơn cả đời người

Những chông chênh kéo tôi về hai phía
Tôi đánh đu với mình trên cây cột lương tâm
Tôi xuống thấp, lên cao em cũng vẫn trăng rằm

Cột mình trên ngọn tre số phận
Gió thổi tre cúi đầu trước mặt trời
Mọi thiên đường xa vời và nóng bỏng
Nhưng mặt đất bình yên có ngại đón chào tôi?

“Hai dãy hai bên” tôi phải đi ở giữa
Mỗi bước chệch chân là vết thương tâm hồn
Tôi yêu hoa tươi nhưng cũng yêu cỏ dại
Chỗ nào cho tôi trú ngụ ở bên đường?

Em rụng về một nhành hoa lan trắng
Cả thiên đường địa ngục đứng kề nhau




Đẹp

Rất chậm rãi
Hướng về biển
Những mũi lao tự chuốt nhọn mình
Chờ cú phi không đích

Anh sẽ lại sẽ
Và anh tự bốc hơi
Không di chỉ muối

Và em hãy yêu anh

Như yêu
Chú cá cơm lạc cửa sông
Yêu
Chú cá bống chìm lòng giếng cạn

Yêu những nỗi quẩn quanh rất đời thường
       
Vì tất cả đều thô mộc và hoang sơ
Như chiếc lưỡi anh vậy em!

Những mũi lao bằng đầu
Vẫn hướng về phía biển
Nổi niềm tin cơn sóng.


THỤC LINH

Không bao giờ là sự phải chăng! | Ngã ba | Nhận lại | Những bốn câu về thơ

Không bao giờ là sự phải chăng!
Tặng T.M.Q

Có gì tuyệt vọng hơn tình yêu
Tuyệt vọng như đường chì lỡ tay kéo dài quá đuôi mắt
                                                       như môi son tô quá đậm
người đàn ông khoả thân nằm
Bóng tối không nói điều gì

Có gì phù phiếm hơn tình yêu
Phù phiếm như hàm răng cắn nhẹ vào ngón chân cái
                                               như bàn tay đặt trên vú trái
Người đàn bà bó gối nhìn ánh đèn neon
Tiếng thở gấp trong đêm dội về

Không nói về tuyệt vọng đỏ lửa
Không nói về phù phiếm sương mù
Tình yêu đong đưa khoảng cách lá lìa cành – mùa thu

Đóng sập cửa
Không gian rộng bằng nửa bầu trời
Người đàn bà đổ vấy ánh sáng ra sàn
Rón rén bước chân thuỷ tinh
Người đàn ông bất lực lau khô trí tưởng tượng của mình
Nỗi mất mát sũng nước

Vết nhàu ra đệm đâu phải là minh chứng

Chỉ có thể quay lại bằng cách trượt trên những đường cong
Cảm giác mù rừng rậm
Cảm giác hòa tan một viễn tượng khởi đầu

Những quả táo cắn dở
Họ đâu lưng lại với nhau
Và không bao giờ bước đi nữa

Tình yêu
Hơn cả sự hân hoan
Mãi mãi là một thất bại
Vĩ đại hơn mọi chiến thắng.





Ngã ba

Lại đến cái ngã ba nỗi buồn
Nơi tôi ngồi uống cùng chiếc bóng kí ức
Nơi tôi và đêm kéo cưa số phận

Cũng ngã ba này ta nhặt được nhau
Khi tiếng hát mộng du tượng hình khuôn mặt
Chiếc xe bò kéo lê những ám ảnh bạc đầu
Nơi này chúng ta bạc nhau
Những đêm khóc không nước mắt
Ngồi ơ thờ đếm dấu chân lùi mãi

Những ngã ba không đi đến đâu
Trái hay phải cũng không là quan trọng
Phía sau lưng nỗi đau đã trổ nhành mướp đắng
Đôi khi muốn gào lên lạc giọng người
Nhưng xấu hổ tiếng vó ngựa gõ qua hốc mắt

Nơi ngã ba này, bằng máu mình tôi cố lau sạch
                                    những tháng năm
Ngây thơ đánh đổi bằng nhát dao bén ngót
Em đừng buồn! nếu nắm tay nhau ta sẽ bắt
                                   mặt trời lên từ huyết quản

Ngã ba không là nơi lựa chọn
Và hôm nay tôi hát thánh ca đưa tiễn chiếc bóng mình
Một ngã rẽ tự nó là đích đến

Tôi dang tay trước một ngã ba
Và trở thành một ngã ba khác nữa





Nhận lại

Tôi lưu kho cả mười năm cổ tích
Có thể ngày mai em ghé lại lục tìm
Gã thủ kho bị kết tội biển thủ đã chết vào ngày em không thật
Gã trả lại cho em tất cả kỉ niệm chỉ tiêu hoang mất một trái tim

Em nhớ đừng đi lại bờ đê cũ
Tôi sợ ngọn gió mười năm làm sống một thây ma
Con sông cạn như tôi giờ mất bóng
Van em cứ để ngày xưa còn nở muộn bông hoa

Dốc nhỏ chiều nay về chân nặng
Lỡ gánh quá nhiều tiếng chuông tiễn biệt ngày
Chính tôi cuối cùng về ngồi với mốc meo kỉ niệm
Chiêm bao trưa nay chợt biết tôi cách em đa mang một đám mây





Những bốn câu về thơ

Trần Tử Ngang với bốn câu gom cả càn khôn
Walt Whitman một đời vật chữ chưa đi đến ngọn nguồn “lá cỏ”
Anh đâu thể chọn đề tài lớn hay nhỏ
Đề tài chọn anh làm số phận cho mình

Bao triệu người làm thơ khuất vào vô minh rồi nhỉ?
Tôi chỉ là phần tử nhỏ nhoi trong triệu ánh nắng đó thôi
Có gì đâu khi tôi đã được đi rong với thơ qua vạn điều quá vãng
Tôi khuất đêm đen nhưng triệu người đến sau tôi
                                                                 vẫn còn thấy mặt trời

Nghe gieo gió gặt bão
Tôi gieo sông sao chỉ gặt ao hồ
Giá gặt được vũng nước mưa đục ngầu tuổi nhỏ
Người soi hồn nhiên mình may ra khỏi thờ ơ.

Tôi làm ảo thuật với ngôn từ mà không hoá nổi câu thơ
Tôi gian lận mãi trong chiếu bạc mà thân phận cũ mèm viên xúc xắc
Tôi lừa phỉnh cuộc đời tôi mà nát nhàu khuôn mặt
Chỉ thật lòng với mùa thu nên em nở rực một chân trời

Chỉ có tôi con đường trắng lầm lũi
Không một tiếng nói, không một bạn đường
Tuyên ngôn lớ tiếng làm gì khi không thanh âm nào khả dĩ
Làm thơ? Cứ phải đi tới thôi gã bộ hành đáng thương


THỤC LINH