Friday, January 18, 2008

Nón bảo hiểm abc

A. Hồi còn nhỏ, ba cưng lắm, mua cho con gái nhỏ mấy cái nón rộng vành che nắng, đội vào như cái nấm di động, ba chở đi khắp nơi bằng chiếc xe đạp mini, bánh xe nhỏ như xe đạp điện bây giờ, loại xe này gần như biến mất trên đường phố rồi. Cứ đi mãi đi mãi như thế chẳng biết qua bao nhiêu phố chợ, bao nhiêu năm tháng, bao nhiêu câu chuyện để con gái nhỏ thôi ngồi sau yên xe ba và tự mình phóng xe máy vù vù trên đường. Mọi thứ đi qua, chỉ những điều ba dạy khi những bánh xe lăn lăn ngày cũ là còn lại. Dù vội vã cách mấy, khi gặp đám tang, cô gái sẽ đi chậm lại, tháo nón ra cúi đầu chào người nằm trong kia một cách thành kính. Việc nhỏ xíu bao nhiêu năm đã thành quán tính, giờ khó khăn và lúng túng vì chẳng làm được, không hỏi ba, vì chắc ba cũng đang bối rối thế.

B. Cách đây 3 năm, mùa xuân cuối cùng của đời sinh viên, ba cô bạn thân mất. Dự án đang vào đoạn cuối, có xa xôi chi đâu nhưng chịu thua, không cách gì đi viếng được, cố sắp xếp để ngày đưa tang kịp chạy về. Sáng đó vừa buông máy tính ra là phóng lên xe máy, anh chở, chỉ kịp vơ đại cái áo trắng khoác vô người, không đủ tỉnh táo để nhớ ra nhà cô bạn thân vừa đủ xa… Xe đến cầu Bình Triệu thì giật mình vì dọc đường bày bán nhiều nón bảo hiểm quá, nhưng đang vội. Qua ngã 4 Bình Phước thì gặp rất đông cảnh sát, không cách gì tránh được. Biết mình lỗi, trình bày câu chuyện, năn nỉ xin được nộp phạt tại chỗ để đi tiếp. Không có sự thông cảm, bỏ xe lại cũng chẳng được, phải đợi đủ xe vi phạm rồi mới đồng loạt về Trạm 2 ghi biên bản phạt. Cô bạn thì gọi khóc nấc từng chặng: “Mày nhanh lên, xe đến rồi!”, “Mày ơi, xe đưa ba tao đi rồi!”… Xuống đến nghĩa trang Bình Dương thì đất đã lấp xong, nghẹn lời, chỉ biết ôm cô bạn khóc òa…

C. Anna, cô bạn nhà báo Phần Lan, email bảo sẽ thu xếp du lịch Việt Nam sớm vì thích thú với chuyện toàn dân phải đội nón bảo hiểm, cô nghĩ những tấm ảnh chụp ở Việt Nam sẽ làm độc giả nước cô thú vị. Anh bạn ở Hà Nội đang chùng chằng việc đi ở bỗng quyết tâm ra đi cao độ vì bức bối với chuyện mất tự do đầu cổ, giải quyết tạm thời bằng cách đi xe đạp điện. Một anh bạn nữa thì vừa đội nón bảo hiểm vừa đưa tay gãi đầu, anh bảo hơn 20 năm để đầu trần nắng gió lên rừng xuống biển chẳng sao, mới đội nón bảo hiểm được tháng nay thì đầu bị nấm ngứa và rụng tóc. Ông bạn già lại triết lý đầy lạc quan: “Ở xứ này chẳng có sự tự giác đâu, cô gái nhỏ à, tội ông nhà nước, đành buộc dân làm cho yên tâm. Biết đâu vài năm nữa, khi dân quen, lúc đó ổng bèn thôi bắt đội nón bảo hiểm nội thành, tóc lại tha hồ bay!”, tôi chỉ cười cười. Viết tiếp chắc sẽ đến xyz luôn, nhưng thèm café rồi, quán bên kia phố, lại quần short, dép kẹp, nón bảo hiểm vi vút đây…

Chiêu Nguyễn

Friday, January 11, 2008

Quấn mình vào yêu thương

Sài Gòn mùa này đẹp lạ, phố như mặc chiếc áo của cao nguyên xa nên mới non tháng chạp đã nghe se se gió mỗi sớm mai thức giấc. Ngày cuối tuần không có chuông báo thức, được dịp co mình biếng lười trong ngôi nhà nhỏ đến khi chiếc điện thoại rung rinh một điệu nhạc quen và dòng chữ: “thức dậy đi cún con, ra khỏi cái-mền-cổ-lỗ và xuống phố nào” xuất hiện. Hồi âm bằng một nụ cười tin nhắn, rồi thế nào cũng sẽ lăn thêm vài vòng nữa trong chiếc mền ấm, lan man nghĩ đủ thứ chuyện thêm một hồi mới chịu thò chân xuống đất. Chẳng biết từ nào lúc nào anh bắt đầu đặt tên cho những đồ vật quanh em. Cái-mền-cổ-lỗ, nghe cứ trúc trắc thế nào ấy, nhưng vui vui.

Em năm tuổi, còn nhỏ xíu đã làm bạn với cái mền to đùng này, cha mua cho hai chị em, mỗi đứa một cái. Những năm đó, người lớn đắp cái mền chỉ của Nga đã là sang vô cùng, nói gì một đứa trẻ lên năm. Mãi sau mới biết, hai cái mền là nửa tháng lương công nhân viên ngày ấy, nhưng cha tin con gái sẽ lớn nhanh, cha thương và lo lắng từng chút một, sợ con lạnh, giật mình giữa đêm. Em lớn một chút thì cái mền phát huy tác dụng nhiều hơn, không chỉ là ủ ấm khi ngủ, nó biến thành xà rông, áo choàng đẹp nhất của công chúa lúc chơi đánh trận giả. Ấu thơ của em còn là những ngày, đêm quấn mền đọc sách dù thời tiết ngoài kia thế nào. Ngồi trùm mền ở một hốc nhà, đem cả đèn vào, tưởng tượng mình đang ở thế giới riêng (nơi đó trẻ con có thể đọc sách thoải mái mà không bị người lớn bắt đi ngủ hoặc hù dọa về tật cận thị), say sưa quên mất thời gian cho đến khi cha phát hiện và bắt đi ngủ. Cái mền còn là đồng minh của trò giận dỗi trẻ con, cứ nằm trùm mền kín mít là mẹ biết đang dỗi hờn ai đó trong nhà, mẹ kéo cái mền xuống cổ cho dễ thở, em lại kéo lên kín đầu, mẹ lại kéo xuống… cứ như vậy cả đêm, trò chơi cút hà. Theo tháng năm, em lớn lên và dài ra, cái mền ngắn lại, tưa chỉ và bắt đầu vá chằng chịt.

Nhớ có lần anh cười ngất khi thấy em quấn cái mền rách hai đường đúng vị trí, vừa đủ để thò cái đầu và hai mũi chân ra ngoài. Cái-mền-cổ-lỗ có tên từ đó, “cổ” vì hai mươi năm rồi, “lỗ” thì… anh bảo phải thêm “s” vì đó là số nhiều! Nhớ những ngày anh phụ mẹ, năn nỉ, dụ dỗ chuyển sang hăm dọa mọi cách để em thay mền mới, em vẫn cương quyết ôm khư khư cái-mền-cổ-lỗ, đến mức mẹ đành tìm mọi cách vá cái mền lại cho cô con gái cứng đầu. Dễ hiểu mà, em muốn giữ cái cảm giác đắp lên người không chỉ là cái mền, mà là chăm sóc của mẹ, lo lắng của cha, ấu thơ của chính mình… Phố nắng nhạt dịu dàng gọi mời, hứa hẹn một ngày vui. Ừ, vui, vì em biết khi đêm về trong mùa gió, điện thoại sẽ rung rinh một điệu nhạc quen: “cún con kéo mền lên cao, ngủ ngoan, nghe giấc mơ ấm”, và em hạnh phúc, vì em còn một cái-mền-cổ-lỗ để quấn mình vào yêu thương.

Hương Yên