Monday, December 19, 2011

vì những cái hàng rào là điều có thật

Photo by Trinh Nguyen on 03.12.2013


buổi chiều ngủ vùi
giấc mơ biến thành cây đậu nành
chỉ vì suốt ngày ăn cơm với chao và tàu hủ
cho đến đoạn người nông dân bón phân thì thức dậy

vẫn chưa quyết định mộng ước cho kiếp sau
nếu kiếp sau là điều có thật
nên là cái cây
hay là người trồng cây?

vì cái hàng rào là có thật
sự tồn tại vô hình lẫn hữu hình của nó là có thật

nên loài người chiều nay chán không di chuyển bằng cách đi
mà chuyển qua bơi tự do
từ đầm lầy ký ức này qua sông hồ nỗi nhớ khác
lững lờ
hững hờ
lơ tơ mơ
ra tới biển lúc nào chẳng biết

bạn bè hôm nay vắng nhau những cơn ho khan
bạn bè hôm nay vắng nhau những băn khoăn những khát vọng
bạn bè hôm nay đắn đo rất nhiều trước khi thò tay vào bàn phím
dù chỉ để gõ một câu đùa
bạn bè hôm nay...
thôi chẳng gì là quan trọng nữa
quan trọng là ly sữa đậu nành nóng trong đêm mưa

tuổi trẻ còn lại vài dấu chấm cảm!
đặt cạnh nhau thành các loại hàng rào
!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!
hàng rào kẽm sắt gai nhọn
hàng rào gỗ sơn trắng
hàng rào có trồng cỏ hoa quanh quanh
và những hàng rào tưởng tượng

khu vườn luôn có giới hạn
và không có cánh đồng nào thật sự bất tận
tuổi trẻ đã ra đi theo những cơn ho khan và những đêm đi hoang có nhau

buổi chiều lần nữa ngủ vùi
để giải quyết vấn đề triết học
cái cây hay người trồng cây
trên hệ trục nhiều chiều của hàng rào

chiều đã không gặp chiều
vì những cái hàng rào là điều có thật
một loại sự thật rốt ráo

Tú Trinh
12.2011

Monday, October 31, 2011

bay theo những cánh jacaranda

... và muốn rủ theo Hoàng Ngọc Trâm


Jacaranda in early season - Phượng tím đầu mùa
Photo by Tú Trinh 10.2012


người đàn bà đẹp hơn khi nàng cầm kim đơm lại một chiếc nút áo
người đàn bà đẹp hơn khi nàng cầm que đan một cái khăn choàng
người đàn bà đẹp hơn khi nàng thỉnh thoảng cũng đi hoang
và đẹp nhất là khi nàng nổi loạn
à, có kế hoạch và thời khoá biểu hẳn hoi
(chỉ riêng nàng biết và bất ngờ cho kẻ khác)
chứ phút giây nào, ngày tháng nào cũng vậy thì ai mà chịu nổi!

ngồi bên bàn ăn
khăn trải bàn sọc carô xanh
vài bông hoa dại cắm trong chiếc ly nhỏ
nàng thấy một cơn hư vô dễ sợ dâng lên như sóng biển
từ tiếng ca của người đi đường
và từ những cọng len

mùi địa ngục trong gió thành thị thơm ngát
ôi đống phân chó và những trang thơ
đồng loạt vẫy tay chào hơi thở

buổi chiều sẽ bắt đầu bằng một cơn mưa

đã tan rã như những cánh bèo
mùa xuân rơi nhanh hơn giọt café filtre
nàng muốn sống một ngày không kỷ niệm
không cả tương lai, không cả hiện tại

vừa bực vừa thương những muỗng đường không chịu thoả hiệp

tình cờ một lần trong cơn mưa
người đàn bà nhận ra
đã lâu lắm nàng không xài đến băng vệ sinh
và tất nhiên lâu rồi không có lịch nổi loạn

vứt que đan, vứt kim chỉ, xốc rối những cuộn len

ôi những trang thơ để mở và đống phân chó
buổi chiều thật ra đã bắt đầu bằng một cơn gió

Tú Trinh
10.2011

Tuesday, August 30, 2011

Xám

thực hành sự lặng im
những bào thai chết
những bài thơ là màn hình xám

lưỡi dao thức giấc từ cái trở mình của lá
cứa một đường trong dạ con

sự lặng im thực hành
loài người nhìn nhau nghi ngại và cay đắng
chỉ trỏ
ú ớ
ra dấu
rủ nhau đi viện bảo tàng xem triển lãm chữ viết và thanh âm

không cần thực hành sự lặng im
cơ thể loài động vật bật cao nhất huyên thuyên bằng máu
về sự chuyển hoá từ đa bào sang đơn bào
sớm mai thức dậy thấy mình đã là cây dương xỉ
xanh rì giữa tháng tám buốt giá

nước mắt mẹ rơi dài bên kia biển
sự lặng im xoè tay hứng
đóng gói, dán nhãn và cất trong phòng tối
rồi dằn vặt chính mình

Tú Trinh
08.2011

Monday, August 29, 2011

Những mảnh vụn ý nghĩ về một khu vườn âm thanh


1.
Từ xa xưa, vườn là một nơi chốn của tâm linh. Phật Thích Ca đã sinh ra từ vườn Lumbini, giác ngộ dưới gốc cây bồ đề, thuyết pháp lần đầu tại vườn Saranath (Lộc Uyển), và nhập niết-bàn trong vườn ở Kusinara. Chúa Jesus, trước ngày bị đóng đinh trên thập tự giá, đã vào vườn Gethsemane để cầu nguyện một mình trước Thượng Đế. Người Hồi giáo xem khu vườn là tượng trưng cho hình ảnh của thiên đường, và đó là nơi để trầm tưởng, vì thế, hình dáng của khu vườn Islam phải tuyệt đối cân phương, cây cối phải luôn luôn xanh tươi – màu xanh lá cây là màu của Islam – và trong vườn luôn luôn có một hồ nước, theo như lời trong kinh Qur’an: “Jannat tajri min tahtiha al-anhar” (“dưới những vườn cây, có những dòng sông chảy”)...

2.
Trong đời sống thường nhật của chúng ta hôm nay, vườn là một vũ trụ của thiên nhiên nằm gọn trên một mảnh đất nhỏ. Vườn là một tiểu vũ trụ của chúng ta. Bước vào vườn, chúng ta cảm thấy mình đang trở về với thiên nhiên...
Trải qua bao nhiêu thế kỷ, từ đông sang tây, chúng ta đã ứng dụng khoa học và óc thẩm mỹ vào việc xây dựng những khu vườn. Chúng ta đã đem những chất liệu từ thiên nhiên về mảnh đất của mình và uốn nắn, sắp xếp, chăm bón cho chúng phát triển theo một trật tự nào đó phù hợp với óc thẩm mỹ của mình nhưng đồng thời không đánh mất tính nguyên sơ của thiên nhiên. Vườn, do đó, biểu hiện một hoà điệu giữa thiên nhiên (nature) và văn hoá (culture).

3.
Những người không hiểu trọn vẹn cái hoà điệu thiên-nhiên/văn-hoá của vườn vẫn thường tưởng rằng vườn chỉ là một cái gì đó để nhìn ngắm. Nói đến vườn, họ thường nói đến vẻ đẹp của hoa lá, cây trái, và nghệ thuật cắt tỉa, bài trí. Hầu hết khách thưởng ngoạn đều cảm thấy thoả mãn khi chụp ảnh những khu vườn đẹp. Hàng ngàn khu vườn đẹp trên thế giới đã được tái hiện trên những tấm bưu thiếp (postcard). Chúng chỉ còn là một cái gì để nhìn.

4.
Có lẽ rất ít người đến một khu vườn để thực sự lắng nghe và thưởng thức âm thanh của nó. Có lẽ càng ít người hơn nữa đến một khu vườn để thu âm thanh (thay vì chụp ảnh).

5.
Đa số người quên rằng mỗi khu vườn — ngay cả một khu vườn chỉ có cát và sỏi — vẫn có một thứ âm thanh — một thứ âm nhạc — của riêng nó.

6.
Đi qua những khu vườn khác nhau, chúng ta có thể nghe những âm thanh — âm nhạc — khác nhau. Tiếng côn trùng. Tiếng nước chảy. Tiếng lá reo. Tiếng gió thổi. Tiếng người nói. Tiếng xe cộ từ bên ngoài vẳng lại. Tiếng chim hót. Tiếng gà gáy. Tiếng những chiếc phong linh kêu trong gió... Và muôn vàn âm thanh khác.
Từng giờ phút trong ngày và đêm, âm thanh — âm nhạc — của mỗi khu vườn luôn luôn thay đổi. Mỗi khu vườn có một bản nhạc bất tận của riêng nó.

7.
Một người mù vẫn thưởng thức được những vẻ đẹp khác nhau của những khu vườn vì có thể nghe những vẻ đẹp.
Có lần, bạn tôi kể cho tôi một câu chuyện như thế này:
Anh chở một người bạn đi chơi. Dọc đường, thấy một khu vườn rất đẹp, anh ghé vào xem. Đến khi đang tản bộ trong khu vườn ấy, anh mới giật mình và hối hận vì đã quên rằng người đồng hành của mình bị mù. Thế nhưng, trong lúc anh đang loay hoay tìm lời để xin lỗi, thì người đồng hành nở một nụ cười rất tươi và nói: “Ôi, vườn này đẹp quá!”
Người mù ấy đã nghe được vẻ đẹp của khu vườn.

8.
Trong đêm tối, hầu hết những khu vườn lớn nhỏ đều đóng cổng, không ai đến viếng, vì người ta tưởng không còn gì để thưởng thức nữa. Kỳ thực, đêm tối lại chính là lúc chúng ta có thể thanh thản lắng nghe thứ âm nhạc tuyệt diệu của thiên nhiên trong vườn.
Dưới mưa, cũng thế, mọi khu vườn lớn nhỏ đều không còn ai. Thế nhưng, đó cũng chính là lúc chúng ta có thể nghe một giai điệu khác, một tiết tấu khác, của vườn.

9.
Manuel de Falla, một nhạc sĩ lừng danh của Tây-ban-nha, đã lắng nghe âm nhạc của vườn đêm, và đã viết nên nhạc phẩm bất hủ Noches en los Jardines de España (Những đêm tối trong những khu vườn ở Tây-ban-nha) cho đàn piano độc tấu (1909), và sau đó ông khai triển thành một hoà khúc cho đàn piano và dàn giao hưởng (1915).
Trước đó không lâu, Claude Debussy, một nhạc sĩ lừng danh của Pháp, đã lắng nghe âm nhạc của khu vườn dưới mưa, và đã viết nên bài Jardin sous la pluie (Vườn dưới mưa), một nhạc phẩm ngoại hạng cho đàn piano độc tấu (1894).
Trong hậu bán thế kỷ 20, Takemitsu Toru, một nhạc sĩ lừng danh của Nhật Bản, đã sáng tác những nhạc phẩm kiệt xuất sau những giờ tản bộ trong những khu vườn. Vườn là nền tảng mỹ học và cảm hứng âm nhạc của ông. Những nhạc phẩm của Takemitsu để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong ký ức tôi là In an Autumn Garden (1973, Trong vườn mùa thu), Garden Rain (1974, Mưa trong vườn), A Flock Descends into the Pentagonal Garden (1977, Một bầy chim đậu xuống vườn ngũ giác), và Spirit Garden (1996, Vườn linh hồn), nhạc phẩm cuối cùng trước khi ông nhắm mắt.

10.
Takemitsu kể chuyện một lần ông tản bộ qua khu vườn Islam của đền Alhambra ở Granada, Tây-ban-nha. Cấu trúc quá cân phương và không khí lặng ngắt trang nghiêm của khu vườn ấy không cho ông một cảm hứng nào. Thình lình, có tiếng bước chân một người đàn bà đi nhanh qua vườn và một cơn gió thổi làm mặt nước trong hồ rung rinh. “Chỉ đến lúc ấy, âm nhạc mới nẩy sinh.” Takemitsu nói.

11.
Ban ngày, bạn hãy lắng thử nghe những nhạc phẩm ấy của Manuel de Falla, Claude Debussy, và Takemitsu Toru, rồi ban đêm, hay khi trời mưa, bạn hãy thử vào trong một khu vườn để lắng nghe âm nhạc của thiên nhiên. Sau đó, bạn hãy ghi lại những cảm tưởng của mình.

12.
Ban ngày, nếu bạn không lắng nghe khu vườn của bạn, thì nó chỉ là một khu vườn của màu sắc và đường nét. Ban đêm, hay khi trời mưa, bạn không còn nhìn thấy điều gì rõ ràng trong khu vườn của bạn nữa, thì nó có thể trở thành một khu vườn âm thanh cho bạn thưởng thức.

13.
Một khu vườn âm thanh thì hoàn toàn khác với một không gian dành cho tác phẩm sắp đặt âm thanh (sound installation), nơi người ta chiếm một khoảng không gian và gắn vào đó một hệ thống phát ra những âm thanh thu sẵn.
Nhạc phẩm Soniferous Garden (1998, Vườn âm thanh) của Hildegard Westerkamp không phải là một vườn âm thanh, mà chỉ là một tác phẩm sắp đặt âm thanh hết sức kỳ công. Bà đã thu sẵn vào băng nhựa những âm thanh từ những ngôi đền ở Ấn Độ, gồm tiếng chuông, tiếng tụng kinh, tiếng cầu nguyện, tiếng OM... Bà pha trộn chúng vào tiếng nước chảy ở Goa và Canada, tiếng phong linh, tiếng thở nhẹ, trên nền âm trì tục (drone) kéo dài, lúc thì lớn lên, khi thì tan vào sự im lặng. Thỉnh thoảng lại có giọng của Swami Brahmananda nói “Thượng Đế là gì?”, giọng vài người Ấn Độ đọc tên các thần linh của đạo Hindu, giọng của chính Westerkamp nói chữ “im lặng” và đọc một câu của Kirpal Singh: “Khi không có âm thanh, thính giác trở nên tinh nhạy nhất”. Thỉnh thoảng có những đoạn hoàn toàn im lặng, và khán giả được mời đọc đồng thanh tiếng OM... Và tất cả những âm thanh này được phát ra bên trong toà nhà Indira Gandhi National Centre for the Arts ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 25 tháng 12 năm 1998.
Nhạc phẩm A Soniferous Garden (1999, Một vườn âm thanh) của Richard Windeyer lại càng không phải là một vườn âm thanh! Đó chỉ là một tác phẩm được viết sẵn dưới dạng tổng phổ hoàn chỉnh. Các nhạc công vừa thổi các loại kèn, sáo, tiêu, vừa bước đi quanh hoa viên Victoria Park ở Kitchener, Ontario, Canada, trong kỳ đại hội Open Ears Festival of Music & Sound, tháng 5 năm 1999. Khán giả vừa lắng nghe vừa bước theo các nhạc công. Tất nhiên người ta có thể nghe những âm thanh thiên nhiên và tiếng người nói, tiếng bước chân... xen vào dòng nhạc hoà tấu, nhưng tựu trung đó vẫn chỉ là một nhạc phẩm được viết theo lối cổ điển và được trình diễn di động.
Một khu vườn âm thanh thì khác. Nó vẫn là một khu vườn bình thường, với những âm thanh tự nó phát ra. Những âm thanh ấy đến từ thiên nhiên và không bao giờ ngừng nghỉ, cho đến khi khu vườn biến mất. Chúng ta có thể treo thêm trong vườn những chiếc phong linh, những cái chuông, những cái lục lạc, hay những chiếc đàn aeolian... Nhưng chúng ta đừng điều khiển chúng. Hãy để cho thiên nhiên điều khiển. Chúng sẽ tạo nên âm nhạc mỗi khi gió thổi qua, mưa rơi xuống, một con chim hay một con chuồn chuồn ngẫu nhiên chạm vào...

14.
Để có một khu vườn âm thanh phong phú, hãy chăm bón cho cây lá, hoa trái tươi tốt để chim chóc và côn trùng có nơi vui sống và sinh sản; hãy nuôi những con cá, những con ếch nhái no đủ, sung sướng trong những hồ nước; hãy chừa ra những khoảng trống cho gió luồn qua, cho nắng soi vào, cho mưa tưới xuống...

15.
Tất nhiên chúng ta có thể, và nên, thưởng thức vẻ đẹp của vườn bằng cả năm giác quan. Chúng ta nhìn ngắm các sự vật trong vườn, ngửi mùi hương, sờ vào hoa lá, nếm một trái cây, và lắng nghe âm thanh chung quanh mình. Thế nhưng, trong năm giác quan, sự nhìn ngắm và lắng nghe gắn liền với hai nghệ thuật lớn của văn hoá nhân loại: mỹ thuật và âm nhạc.

16.
Trước hết là âm nhạc. Vũ trụ đã khởi đầu bằng một âm thanh.

 Lê Liễu Chi

 tienve.org

Monday, August 15, 2011

Những mảnh ý nghĩ về sự im lặng


1.
Sự im lặng là gì? Hãy thử giở một cuốn từ điển. Sự im lặng (danh từ): 1/ Trạng thái bất động và không có âm thanh. 2/ Sự không hiện hữu của âm thanh. 3/ Khoảng thời gian không có tiếng nói hay tiếng động. 4/ Sự từ chối hay bất khả phát ngôn.

2.
Lỗ tai của con người bình thường chỉ có thể nghe những âm thanh trong khoảng 20Hz đến 20.000 Hz. Tất cả những âm thanh có tần số thấp hơn và cao hơn khoảng ấy đều được xem là không hiện hữu trước lỗ tai của con người, vì mặc dù chúng có âm lượng lớn đến đâu, chúng cũng không thể làm rung động màng nhĩ của con người. Lỗ tai của con người cũng không thể nghe những âm thanh nhẹ hơn 0 decibel. Như thế, phải chăng bất kỳ âm thanh gì không làm màng nhĩ chúng ta rung động thì đều là sự im lặng?

3.
Ngày 29 tháng Tám năm 1952, tại Woodstock, New York, nhạc sĩ David Tudor trình diễn bản 4'33” của John Cage bằng cách ngồi trước chiếc đàn piano đúng 4 phút 33 giây, hoàn toàn không chơi một nốt nhạc nào. Tất nhiên, trong khoảng thời gian đó, nếu thật sự lắng nghe, khán giả có thể nhận ra rất nhiều âm thanh ngẫu sinh phát ra từ mọi chuyển động chung quanh mình. Tuy nhiên, mọi người đều cho rằng 4 phút 33 giây ấy là sự im lặng. Thế nhưng, 4 phút 33 giây im lặng ấy nói lên điều gì?

4.
Trang Tử: “Thuyên giả sở dĩ tại ngư, đắc ngư nhi vong thuyên; đế giả sở dĩ tại thố, đắc thố nhi vong đế; ngôn giả sở dĩ tại ý, đắc ý nhi vong ngôn. Ngô an đắc phù vong ngôn chi nhân nhi dữ nhi ngôn tai.” Có lời là vì ý, được ý hãy quên lời. Trang Tử muốn tìm được kẻ biết quên lời để cùng nhau đàm luận. Đàm luận trong sự im lặng? Nhưng, phải chăng “ý” thì im lặng? Hay “ý” lại chính là điều ồn ào nhất?

5.
Mặc như lôi. “Im lặng như sấm sét” của Mañjuśrī (Văn Thù Sư Lợi) là gì? Phải chăng đó chỉ là sự chấm dứt hoàn toàn của ngôn từ? Hay đó cũng là sự chấm dứt hoàn toàn của tư tưởng?

6.
Bức ảnh chụp — bất động và im lặng — cảnh một cô bé bị cháy phỏng vì bom napalm, chạy trần truồng trên một con đường ở Việt Nam, là một trong những bức ảnh ồn ào nhất về chiến tranh Việt Nam. Bức ảnh chụp — bất động và im lặng — cảnh một ông tướng, mặc quân phục, đang lạnh lùng bắn một viên đạn súng lục xuyên qua màng tang một kẻ thù, mặc thường phục, đang co rúm vì sợ hãi, là một trong những bức ảnh ồn ào nhất về chiến tranh Việt Nam.

7.
Trong Blue Octavo Notebooks, cuốn 3, trong đoạn văn ghi ngày 24 tháng 10 năm 1917, Franz Kafka kể một chuyện hư cấu về sự im lặng của bầy Nhân Ngư. Ông kể rằng Odysseus đã nhét sáp vào hai lỗ tai và tự trói mình vào cột buồm khi tiến đến gần bầy Nhân Ngư, hy vọng không nghe giọng hát cám dỗ của họ, và nếu lỡ nghe thì không thể thoát khỏi dây trói để lao về phía họ và bị ăn thịt. Odysseus không ngờ rằng giọng hát của bầy Nhân Ngư có thể đi xuyên qua bất kỳ thứ gì, và sức cám dỗ của họ có thể làm gãy đổ mọi thứ. Thế nhưng, rốt cuộc Odysseus vẫn đến gần được bầy Nhân Ngư, và chàng tin rằng chàng đã chiến thắng vì chất sáp đã ngăn cản được giọng hát của họ lọt vào tai chàng. Thế nhưng, sự thật thì ngược lại: bầy Nhân Ngư cảm thấy kinh ngạc khi thấy vẻ mặt sung sướng và ánh mắt khải thắng của Odysseus — lần đầu tiên họ thấy một vẻ mặt và một ánh mắt như thế của một con mồi — vì thế họ đã quên cất lên tiếng hát.

8.
Trong “Reflections on Sin, Suffering, Hope and the True Way”, Franz Kafka đã viết đoạn văn sau đây, rồi gạch bỏ đi:
Bạn không cần rời khỏi ngôi nhà này. Hãy ngồi lại tại cái bàn ấy và lắng nghe. Thậm chí đừng lắng nghe, mà chỉ chờ đợi. Thậm chí đừng chờ đợi, mà hãy giữ hoàn toàn im lặng và cô đơn. Thế giới sẽ tự trao nó cho bạn để được tháo gỡ chiếc mặt nạ; nó không thể làm cách nào khác; trong cơn cực khoái xuất thần nó sẽ quằn quại trước mắt bạn.
Đoạn văn này viết về sự im lặng trước khi một con người chứng ngộ một điều gì đó về thế giới. Nhưng Kafka đã gạch bỏ đoạn văn này, và không hề viết lại. Phải chăng sự gạch bỏ này diễn tả một sự im lặng khác, triệt để hơn? Một sự im lặng phủ định một sự im lặng? Và cái gì còn lại?

9.
Sự im lặng có thể là khoảnh khắc để lấy lại hơi thở. Chẳng hạn, trong một bài hát, những khoảng im lặng chính là lúc hơi thở của người hát được phục hồi. Sự im lặng là khoảng lấy sức để tiếp tục sống và phát ra âm thanh. Và, như thế, sự im lặng chứa đựng hạt mầm của sự sinh động. Hãy nghĩ đến sự im lặng trước một cơn bão.
Nhưng, sự im lặng cũng có thể là khoảnh khắc kiệt sức sau khi hơi thở đã cạn. Hãy nghĩ đến sự im lặng sau một cơn bão.

10.
Sự im lặng có phải là sự trống rỗng? Hay sự im lặng cũng có thể là sự đầy ắp? Sau một cuộc làm tình cuồng nhiệt, hai người nằm bên nhau trong sự im lặng. Sau khi thốt lên những lời tuyệt tình tàn nhẫn và cay đắng nhất, hai người đi về hai chốn khác nhau và nằm xuống, nhắm mắt lại trong sự im lặng. Sự im lặng nào là sự trống rỗng? Sự im lặng nào là sự tràn đầy?

11.
Có vô số sự im lặng khác nhau. Có sự im lặng trước khi lảy cò súng, và sự im lặng sau khi viên đạn đã thoát khỏi nòng và đâm xuyên qua thân xác của kẻ thù. Có sự im lặng trong lúc rình rập tấn công kẻ thù, và sự im lặng sau khi hoà bình đã được tái lập. Có sự im lặng trước khi một tác phẩm được viết ra, và sự im lặng sau khi một tác phẩm đã hoàn tất. Có sự im lặng trước một ngày lễ hội, và sự im lặng sau một ngày lễ hội. Có sự im lặng trước khi một núi lửa bùng nổ, và sự im lặng sau khi một một núi lửa đã tắt...

12.
Nếu trước mọi hiện hữu đã có sự im lặng, thì sự im lặng đó đã dài bao lâu? Nếu sau mọi hiện hữu sẽ có sự im lặng, thì sự im lặng đó sẽ dài bao lâu? Nếu cả vũ trụ này nằm trong một chu trình tái điệp “im lặng — hiện hữu — im lặng — hiện hữu ...” thì những khoảng im lặng ấy và những khoảng hiện hữu ấy có phải là một sự lặp lại nguyên thể không? Hay chúng hoàn toàn khác nhau? Và bây giờ hãy nhìn lại chính mình, và tự hỏi: Trước khi tôi được sinh ra, phải chăng tôi đã ở trong sự im lặng? Sau khi tôi chết, phải chăng tôi sẽ trở về trong sự im lặng? Hai sự im lặng đó — cái trước khi tôi được sinh ra và cái sau khi tôi chết — chỉ là một, hay là hai cái khác nhau? Có phải thật sự cả hai đều là sự im lặng? Hay cả hai đều không phải là sự im lặng?

Lê Liễu Chi


------------------------
ghép lại từ những mảnh ý nghĩ ngẫu nhiên và rời rạc trong nhật ký của những năm qua

Monday, August 1, 2011

Những mảnh ý nghĩ về thời gian


1.
Thời gian. Tôi nghĩ về thời gian khi tôi đang chờ đợi một điều gì — tôi muốn nó bay vụt đến với tôi. Tôi nghĩ về thời gian khi tôi đang thưởng thức một điều gì — tôi muốn nó dừng lại với tôi. Tôi nghĩ về thời gian khi tôi đã mất mát một điều gì — tôi muốn nó trôi ngược lại cho tôi. Tôi cũng nghĩ về thời gian khi tôi không muốn một điều gì xảy đến, không muốn một điều gì trôi đi, hay không muốn một điều gì trở lại.
 
2.
Nhưng, thời gian là gì? Có người cho rằng thời gian là chiều thứ tư của sự vật. Có người cho rằng thời gian chính là sự chuyển dịch của sự vật. Có người cho rằng thời gian là thước đo của sự thay đổi. Có người lại cho rằng mọi sự vật không ngừng thay đổi, nhưng thời gian thì bất biến. Và, cũng có người cho rằng thời gian là một dòng chảy bất tận, và trên dòng chảy đó, mọi sự vật trôi nổi từ một nơi nào chẳng rõ, đến một nơi nào chẳng rõ.
 
3.
Thời gian là một dòng chảy ư? Có lẽ thế, hay ít ra tôi vẫn thường có cảm giác như thế. Tôi thường nói: “Dòng thời gian...”, “Dòng đời...”, “Dòng lịch sử...” Và thỉnh thoảng tôi vẫn phát hiện mình “nhìn ngắm” thời gian như nhìn ngắm một dòng nước đang chảy. Tôi vẫn thường gọi những gì đã trôi qua là quá khứ, những gì chưa đến là tương lai, và những gì đang bồng bềnh trước mắt tôi là hiện tại.
 
4.
Tôi đứng trước hiện tại, và tôi thấy quá khứ càng lúc càng dày thêm, dày đến vô hạn, vì mọi thứ đều không ngừng trôi vào quá khứ. Tôi thấy tương lai vẫn mãi mãi là một bí mật, vì tôi không biết những gì sẽ đến với tôi. Tôi chỉ biết tôi đang đứng trước hiện tại. Nhưng hiện tại là gì khi nó không ngừng tuôn vào quá khứ? Tôi nói: “Tôi đứng trước hiện tại.” Và từng chữ tôi vừa thốt ra đã trôi vào quá khứ. Từng chữ trong câu nói tôi vừa thốt ra đã lập tức biến thành ký ức của tôi.
 
5.
Ôi, như thế, tôi không ngừng trôi vào quá khứ! Tôi đang sống với những ký ức, những ký ức về những ký ức, những ký ức về những ký ức về những ký ức, những ký ức về những ký ức về những ký ức về những ký ức... Ôi, có lẽ toàn thể hiện hữu của tôi thực sự chỉ có trong ký ức! Tôi không ngừng chạm khẽ vào hiện tại và lập tức nhận ra rằng mỗi cái chạm khẽ ấy đã biến thành ký ức của tôi.
 
6.
Tôi không thể sống bên ngoài thời gian. Tôi không thể thoát ra khỏi thời gian. Tôi không thể không suy nghĩ về thời gian. Nhưng, càng suy nghĩ về thời gian, tôi càng không ngừng nhận ra rằng tôi — chính tôi — chỉ hiện hữu trong ký ức của tôi.

Lê Liễu Chi
 
 
------------------------
ghép lại từ những mảnh ý nghĩ ngẫu nhiên và rời rạc trong nhật ký của những năm qua

Saturday, July 30, 2011

Mây

thơ cất lên từ những buổi chiều chập chùng mây
từ chân trời của sự sợ hãi
tôi đi về đâu giữa cơn mưa đông

ngày tháng bảy với gió
bụng chơi điệu trống cồn cào không cưỡng nổi
nhớ nụ cười chết trẻ từ đầu thu

tôi van xin nhiều quá
chúa trời điếc tai không
tôi nguyện cầu nhiều quá
phật trời phiền lòng không
tôi càm ràm nhiều quá
tổ tiên tha thứ không
tôi chỉ còn chút tinh thần xa xôi đó
diễn suy và thẽ thọt vài điều

không leo núi
không đi dạo bãi biển
tôi đang đi trên một vũng mây
chi chít thành phố những đám mây hình hamburger và đùi gà
chằng chịt thành phố những đám mây hình bánh mì baguette và tách cappuccino
rồi đột ngột tôi chìm giữa những đám mây hình dạng cơn đau và mỏi mệt
con sâu ngủ vùi trong một khóm mây đen

tôi ra đi trồng mây trong một khu vườn
bón phân, bắt sâu, cắt tỉa
ngón tay tím tái thu hoạch nỗi buồn
loại nỗi buồn có khả năng gây nghiện
cất trong cloud storage
chờ sớm mai rao bán

không có bài thơ nào cất lên trong buổi chiều chập chùng mây
từ chân trời của sự sợ hãi
tôi về đâu giữa cơn mưa đông

Tú Trinh
07.2011

Wednesday, June 22, 2011

Những dòng chảy âm thanh

Những dòng chảy âm thanh, chảy đi, chảy đi
Như dòng suối mùa xuân mơn man có tác dụng xoa bóp tâm hồn tôi đang co rút vật vã
Một cuộc điện thoại thì có giá trị là mấy
Nếu dòng chảy âm thanh trong đó không phải là điều diệu kì
Là câu chuyện kể về cuộc sống từng ngày chúng ta sống
Một cuộc điện thoại giá trị sống ít nhất một ngày

Những luống khoai lang vùng Revesby trưa nay
Được anh T. đào lên vì đã nằm quá lâu trong lòng đất
Trong từng củ khoai có hình ảnh vệ nữ thời kỳ đầu kiến tạo
Tay chân đầu bụng chắc nịch cục mịch
Bảo đảm chức năng quy định di truyền nòi giống
Vậy mà vẫn bị mấy con sâu tấn công
Nhưng vẫn thơm ngon trong lò hấp sáng mai
V. ăn rồi học bài.

Những dãy rau thơm, húng lủi, húng lang, húng hoang, húng đất
Mùa này úa vàng và cao lêu khêu
Cứ để đó
Những trái bí ngô bí đỏ
Tròn vo như khoanh cắt cột nhà
Chuẩn bị hân hoan biến thành soup
Thương những con bướm nhỏ
Bay phất phơ từng đàn sưởi nắng mùa đông
Bướm trắng bay từ ngôi làng quê miền Nam xứ Tây-ban-nha
Bướm nhớ gì cái giếng nước và gác chuông nhà thờ văng vẳng tiếng mỗi chiều
Chỉ có chị T. biết, hôm nào, qua dòng chảy âm thanh, lại kể tôi nghe.

Những dòng chảy âm thanh, chảy đi, chảy đi
Như dòng nắng ấm mùa đông hân hoan sau cả tuần mưa buốt giá
Len qua người tôi và giục tôi ngồi dậy
Đi tìm con bướm trắng nhỏ
Đi tìm củ khoai lang ú
Đi tìm chị T. anh T.
Đi tìm âm thanh của câu chuyện cuộc sống
Đi tìm những trang viết trên giường bệnh, dẫu đeo kiếng vào vẫn nhập nhoè
Nhưng âm thanh kia giữa chúng tôi vẫn trong veo
Chảy đi, những dòng âm thanh, chảy đi, chảy đi

Tú Trinh
21.06.2011

Sunday, May 1, 2011

Mùa thu — merde à la la la

o

Ngâm bột, tôi nghe từng hạt bụi bột gạo, bột đậu xanh, bột nghệ li ti kia hoà lẫn vào nhau rồi reo vui trong nước mát. Xả đông tôm và thịt, tôi nghe tôm và thịt nói chuyện với nhau về những những phút giây ngắn ngủi khoe mình trên chiếc giường đá cục trong tủ kiếng quầy thịt và quầy hải sản phố Bankstown. Lặt rau, rau đắng có vẻ thích chí khi phát hiện là mình chứ không phải người bạn giông giống mình (rau ngò ôm) đang nằm bò lăn bò toài chung với tía tô, dắp cá, húng lủi, xà lách và cải bẹ xanh; rồi cả bọn lại thầm thì tâm sự những chuyện bí mật trong những tháng ngày sống hoà thuận với nhau nơi khu vườn nho nhỏ vùng Revesby bình yên. Dầm nước mắm, trái cà chua luộc chín lăn quay cam cam, mùi tinh dầu từ vỏ chanh thơm xộc vào mũi, vị đường ngọt ngào trấn áp, nước mắm cá cơm mằn mặn dịu dàng, tô nước mắm tự thân nó hôm nay đây quyết định đẫm hương một nền văn minh sông ngòi, biển cả. Dọn chén đũa, ồ, cái chén này, hoa văn này, quen quen, hình như ở nhà ông già mình cũng có một lố y hệt như vậy thì phải, chắc bữa ăn sẽ ngon hơn vì cái hoa văn trên chén bao bọc mình ấm áp trong một trường không gian quen thuộc mang tên “ông già mình”. Đổ bánh xèo, xèo, xèo, xèo, xèo.

Ăn.

Sao không phải là đúc bánh căn nhỉ?

Cơ bản đó là sự lựa chọn của B.

Cơ bản đó là sự lựa chọn.

Xứ kangaroo nhảy lưng tưng xuống đường làm kẹt cả đám mỗi dịp holiday, mùi vị của bánh xèo home-made ngon với người không hề có thu nhập, và chắc có lẽ là cũng ngon tương tự với người có thu nhập hơn trăm ngàn. Rau đắng sau vườn mùa này ngọt ngào như giai điệu còn thương... thương gì, thương ai, thương như thế nào, thương chừng nào thôi... có gì đâu mà phải quan trọng và phiền phức vậy em? Chỉ có mấy cọng giá định khóc vì lỡ chuyến đò hoá kiếp đậu xanh, rồi nghĩ lại, lại hí hửng vì đến lúc biến mất vẫn đang trong tình trạng mọng nước, nõn nà.



oo

Khi mùa thu đến, con sâu chán chê tấn công giàn ớt chuông và giàn dưa leo nhà Q. thì nó chuyển qua trạng thái chết vì béo phì hay vì ớt chuông cũng cay như bao nhiêu loại ớt khác mà con sâu không có trà đá để chữa cay, Q. không biết và Q. không bao giờ biết hoặc Q. chẳng thèm biết.

Khi mùa thu đến, ban đêm tôi nghĩ về những con sâu đã chết, những con sâu đã đi qua cuộc đời tôi, những con sâu đã làm phiền muộn ông già tôi và sau cùng, tôi nghĩ về những con sâu còn ẩn nấp rình rập đâu đó trong cái vườn cây xinh xinh trên một cái ban-công tầng một của con đường Lansdowne mà chúng tôi đã có lần ngồi quây quần để nghe ngài Bách Khoa Toàn Thư nói về sự an lạc trong đạo Phật và về Paulo Neruda trong khi nhâm nhi rượu đỏ.

Một đêm trong chuỗi đêm hôm khuya khoắc đó, quả là tôi có lần thấy một người đang đứng chỏng chơ, cô độc giữa một con đường (không tên đường, không postcode, không thuộc bất cứ quận hay vùng nào) lặng lẽ, vắng ngắt, buồn hiu hắt, không có những chiếc xe nôi, xe đẩy trẻ con quen thuộc và bãi cát không bị quần nát bởi những trò chạy nhảy, rượt đuổi của bọn trẻ đang độ tuổi ăn tuổi lớn. Trong thùng rác bên lề đường, không có dấu vết của những bao giấy bao bì mấy loại kẹo thơm lừng và nhiều màu sắc mà trẻ con hay vòi vĩnh để được ăn, không có cả những nùi khăn giấy dơ nhầy và ẩm ướt nước mũi của trẻ con. Người đứng đó, mồ hôi lạnh túa ra. Nhưng tôi có quen người không, hở người?

Quen hay không, người ơi, quen nhau không, người ơi? Người ơi, người ơi! Sao nỡ bỏ nhau mà đi! Người cũng đã bỏ nhau mà ra đi, không còn đứa trẻ nào trên đường, không còn đứa trẻ nào trong dạ con, không còn đứa trẻ nào trên hành tinh trái đất, không còn đứa trẻ nào, ngay phút giây dấu yêu và nghiệt ngã này của đời sống.

Đó, à không, bây giờ là một chiều thu quạnh quẽ, có lẽ rồi sẽ như mọi chiều thu khác. Và buồn...



ooo

Trên đường đi về chiều nay, trên tay cầm quyển tuyển thơ của Anna Akhmatova vừa mượn của ngài Bách Khoa Toàn Thư, sách đang mở đúng trang 18, lưng chừng câu chuyện không đốt đèn cầy, không đóng cửa một đêm xứ lạnh lẽo và tăm tối nọ; trong cơn trống bụng vỗ bì bùm và kèn ruột réo ót ét, trong đầu khi ấy đang nghĩ đến Anna Akhmatova rằng “liệu nàng có chút phức cảm lesbian nào trong người không”; thì tôi thấy Rimbaud tóc dài ngồi thẫn thờ nhưng đầy kiêu hãnh nơi một góc công viên. Dưới chân chàng là nét phấn còn mới, còn ướt.

“Merde à Dieu”.

Tôi lục khắp người tìm vài đồng tiền cắc, tiền vàng chứ không phải tiền trắng nhé, dù gì thì cũng phải tôn trọng (dù mình cũng nghèo đói) cái gã cô độc tài hoa, khốn khổ khốn nạn và là ông chủ của một cái địa ngục có những mùa hoa thơm lừng địa cầu như chàng, lộn tung cái lớp vải lót hai túi trước đùi không có, hai túi sau mông cũng không có. Nghi hoặc. Thinh lặng. Và tất nhiên là đứng im. Một lát sau thì tôi mới sực nhớ mình có đeo một cái giỏ be bé trên vai. Và tôi lục được tờ giấy thanh mảnh, mộc mạc polymer, tím yêu kiều trị giá 5 đô la Úc kim. Không biết là chàng biết xài tiền Úc không.

Tôi đưa cho Rimbaud. Biết rõ chàng như biết cái bụng mập của mình chính xác size nào mỗi lần phải mua quần áo may sẵn để che thân. Mà đúng y chang, Rimbaud cầm tiền chạy đi mua thuốc hút. Tôi cầm ngay viên phấn, viết bên cạnh dòng chữ:

“Merde à Trinh”.

Tôi viết, viết, viết, lặp đi lặp lại đúng câu đó thôi, trong hoan hỷ sướng vui, kín cả một khoảng sân không bị cỏ và lá vàng của cây phong phủ lấy. Trong đầu mơ màng nhớ rằng, à, bây giờ cũng là tháng tư, tháng tư này gọi tháng tư kia, vùng trời này gọi vùng trời kia, người yêu này gọi người yêu kia, cơn điên loạn này gọi cơn điên loạn kia. Và, đã, một vùng trời tháng tư Paris, Thiện (thói quen buộc tôi chú thích rằng ông là Phạm Công Thiện, nhưng với tôi, Thiện thôi là đủ, đủ cho tất cả tháng tư và tháng mười trong phần đời tôi được sống) cũng thấy Rimbaud trong công viên, trong một buổi chiều chới với.[1]

Tôi ở Sydney, không phải Paris. Tôi là tôi, Thiện là Thiện, và hai chúng tôi không là một. Tháng tư năm 2011 và tháng tư năm 1966 không ăn nhập gì nhau, vậy thì tại sao tôi và Thiện cùng thấy Rimbaud trong công viên và làm chuyện giông giống nhau. Tôi chắc ăn mình bị ảnh hưởng bởi Thiện, nhiều lắm, và chuyện này dài dòng không kể được ngay bây giờ. Chỉ khác là Rimbaud của tôi và Rimbaud của Thiện không thực là giống nhau, và Thiện khi ấy viết “Merde à Rimbaud”. Còn tôi thì... tự nguyền rủa mình. Tôi xứng đáng mà, mùa thu và những chiếc lá vàng và màu trời ảm đạm cũng xứng đáng mà.

Tôi đứng đó. Không chờ đợi và cũng không thấy Rimbaud quay lại. Vũ trụ của tôi câm lặng để cho tôi lên tiếng. Tôi thì thào, những tiếng gì không ai rõ, có lẽ tôi đang hát “soft kitty, warm kitty, little ball of fur, happy kitty, sleepy kitty, purr, purr, purr...”[2]

Đêm cũng lâu rồi. Thì cứ đêm, chứ sao!

Tú Trinh
Sydney, 04.2011


_________________________

[1]Một chi tiết trong truyện “Trời tháng tư” của tác giả Phạm Công Thiện.


[2]Một bài hát trong series phim hài truyền hình “The Big Bang Theory”.

Thursday, March 24, 2011

Chuyện tình

anh hát chi Hallelujah và nhìn em bằng ánh mắt rất đỗi dịu dàng đó
khi anh không tin điều thánh thiện
trong chúng ta

suốt một mùa dài
chúng ta
nắm tay nhau tung tăng chốn công cộng
đặt tay lên hông nhau và rảo bước dọc con đường có hàng cây xanh ngát
đó gọi là tự nhiên
không phải phô trương hay khoe mẽ

suốt một mùa dài
chúng ta
chia nhau cây kẹo bông gòn và trét mặt nhau tèm lem mỗi dịp ăn bánh kem
giành nhau cái remote và quyền chọn tivi channel
chơi trò tù xì để quyết định rất nhiều việc
đó gọi là tự nhiên
không phải là thiếu tế nhị hay thiếu lãng mạn

suốt một mùa dài
chúng ta hôn nhau và cảm nhận sức nặng cơ thể nhau
mỗi khi chỉ có hai ta
tránh đi ánh mắt thiên hạ có công thức trộn lẫn giữa tò mò và ganh tị
đó gọi là sự tao nhã
không phải sợ hãi hay giấu giếm

chúng ta
đã bận rộn suốt một mùa dài
để thoả thuận
để lấp đầy
để mất mát

không còn đứa trẻ nào trên đường
chúng đã lớn và đã đi rất xa
không còn dấu vết
Hallelujah nghe nơi đâu cũng thế

Tú Trinh
West Ryde 23.03.2011

Tuesday, February 1, 2011

thời điểm nàng đang sống

1.

thuốc tỏi mùi bạc hà
bao cao su mùi dâu, cam, chuối
chocolate vị ớt
cá vị cua
trứng gà và gạo làm bằng nhựa
và vũ khí hạt nhân có mùi vị nhân ái.

2.

đứa chị 4 tuổi rưỡi giấu mặt sau bàn tay còn thơm mùi bánh
peekaboo
trả lại khuôn mặt còn tèm lem chocolate từ bữa ăn xế
hai chị em tổng cộng 5 tuổi 3 tháng cùng cười khanh khách
người lớn cũng chơi peekaboo
với chính mình
nhưng quên trả lại khuôn mặt thật.

3.

quảng cáo nọ [*] kể chuyện ông đẹp trai tuổi trung niên vừa mua cà phê thương hiệu N
bước ra khỏi tiệm thì được hân hạnh... chết
hên (hay xui chẳng biết) là vì đến thánh Peter cũng dùng đúng loại đó
đành có chuyện hối lộ ở cổng thiên đàng
chàng vẫn không trữ cà phê hiệu N trong người
vì chắc ăn lỡ có chết
chàng đi xuống
hoặc đi vô trong luôn cho nó lành!

Tú Trinh
West Ryde 01.2011

_________________________
[*] http://www.youtube.com/watch?v=ODB9xXLZ2oE