Wednesday, July 9, 2008

Con bướm băng qua đại dương


“... Nhưng đại dương có phải là một thực tại?
— Không, đại dương là một giấc mộng.” [*]
Thiền là một giấc mộng, một giấc mộng đặt trên một giấc mộng, một cơn sóng biển trào bọt đặt trên một cơn sóng biển trào bọt, một đại dương đặt trên một đại dương.
“... Nhưng đại dương có phải là một thực tại? Không, đại dương là một giấc mộng.”
Câu nói trên của Gottfried Benn, thi sĩ nước Đức; Gottfried Benn là Nguyễn Du của nước Đức ở thế kỷ XX.
“... Nhưng đại dương có phải là một thực tế không? Không, đại dương là một giấc mộng; một giấc chiêm bao.”
Tôi xin kể một giấc chiêm bao. Tôi nằm chiêm bao, tôi thấy tôi đứng trên một giảng đường và nói về Thiền học và Thiền tông, tôi thấy mọi người đều bỏ ra về. Tôi nằm chiêm bao thấy mình đứng trước một giảng đường trống người. Cả một giảng đường hoang trống như một nhà xác. Mọi người đều bỏ ra về. Tôi vẫn đứng và tiếp tục nói. Mấy chục hàng ghế trống đang nghe tôi nói. Không, có một người nào đó bỗng hiện lên và ngồi cuối giảng đường. Chỉ một người. Người ấy là ai, có phải người ấy là một con ma? Hai con mắt của người ấy đỏ hừng như hai cục than. Tóc bỏ dài đến mang tai. Người con trai ấy có phải là một con ma? Mọi người đều bỏ ra về. Chỉ còn có một con ma đang ngồi cuối giảng đường và nghe tôi nói. Rồi tôi cũng bỏ ra về và chỉ còn tiếng nói ở lại với hồn ma.
Tôi có quen thân với một thanh niên khoảng mười tám tuổi, tôi gặp anh ta tại Đà Lạt năm 1959. Tôi ở chung phòng trọ với anh tại một ngọn đồi thơ mộng tại Đà Lạt; hai năm sau, vào năm 1962, anh chết trước mắt tôi tại một tu viện trên một ngọn đồi Nha Trang. Anh có tên thơ mộng là Hoàng Đại Dương. Năm 1962, anh chết trước mắt tôi, một đại dương đi vào một đại dương.
“... Một dúm thời giờ lặng câm
trong cơn gió vèo ở vùng Sils-Maria” [**]
Thi sĩ Gottfried Benn gợi đến tên Sils-Maria, nơi mà Nietzsche đã sống cô liêu.
“... Một dúm thời giờ lặng câm
trong cơn gió vèo ở vùng Sils-Maria”
Tiếp theo câu trên, Gottfried Benn viết tiếp:
“... Sự thành tựu đều nặng nề những vết thương...” [***]
Hoàng Đại Dương chết trước mắt tôi, nặng nề với những thương tích. Anh đã thành tựu chưa? Anh không trả lời, vì anh chết đi mang theo:
“... Một dúm thời giờ câm lặng
trong cơn gió vèo ở vùng Sils-Maria”
Giống như Nguyễn Du chết đi mang theo “một dúm thời giờ câm lặng trong cơn gió vèo ở vùng Trường Sơn”.
Anh đã chết trước mắt tôi vào năm 1962 tại một thiền viện trên ngọn đồi ở Nha Trang. Chết trước mắt tôi, nhưng tại sao bây giờ anh lại ngồi trước mắt tôi ở cuối giảng đường? Có phải hồn ma của anh đang ngồi dưới đó? Chính hai tay tôi đã cầm xẻng để đào đất, để chôn quan tài anh ở dưới ngọn đồi gần biển... Chính tay tôi đã ném những cục đất cuối cùng vào quan tài anh, nhưng ngay giờ phút này, anh lại ngồi dưới cuối giảng đường như là còn sống? Hay tôi bị quáng mắt, bị hoa mắt? Tại sao tất cả đã bỏ ra về và không thấy anh, mà chỉ có tôi là nhìn thấy anh?
Tôi gặp anh tại Đà Lạt vào năm 1959. Dạo ấy, anh là giáo sư Anh văn tại trường Trung học Việt Anh ở Đà Lạt. Nét mặt anh xanh xao, gầy, hốc hác, vì dường như anh không bao giờ ngủ. Tôi ở phòng trọ chung với anh trong một biệt thự cho thuê. Tôi vẫn thấy đèn phòng anh sáng suốt đêm. Thỉnh thoảng, đêm khuya, tôi có nghe anh ho khan, một thứ ho khan của những người câm lặng, sống âm thầm bí mật. Phòng anh thường đóng kín cửa, có lẽ ban ngày anh không chịu được ánh sáng mặt trời. Có một lần anh bảo tôi rằng anh ghét thù mặt trời. Tôi cười và thú thực là không hiểu anh muốn nói gì. Nhưng có một lần tôi chợt hiểu câu nói của anh. Một hôm chiều, đi dạy học trở về, bỗng thấy từ trên đỉnh đồi đỏ sẫm, mặt trời lặn ngay trên đỉnh đồi, có một bóng đen từ trong mặt trời trên đồi nhô ra và đi xuống dưới đồi. Anh từ mặt trời bước ra và đi xuống, khi mình mờ mắt thì dễ thấy như thế.
Có một lần tôi hỏi anh:
— Anh là một kẻ đi ra mặt trời, từ mặt trời đi ra.
Anh ngạc nhiên trả lời:
— Chính mặt trời đã đi vào tôi, đi vào tim tôi. Lồng ngực tôi nóng ran, tôi chịu không nổi. Mặt trời là kẻ thù của tôi.
Sau này được dịp đọc sách về Thiền học, tôi mới hiểu rằng người tham thiền có khi suy tưởng về mặt trời và tưởng tượng rằng mặt trời đằng xa thu hình lại bé nhỏ và tiến rồi nhập một với trái tim; sự tưởng tượng ấy quá mạnh đến nỗi người tham thiền cảm thấy nóng ran, ấm nóng cả lồng ngực, ấm cả thân người.
Chẳng hạn như ở Hy Mã Lạp Sơn, có những đạo sĩ cởi truồng, không mặc áo quần, và vẫn ngồi trên tuyết lạnh. Nói theo danh từ nhà Phật thì họ chuyển lửa Tam muội. Nói theo danh từ thông thường thì đó là sức mạnh suy tưởng (những vị nào học triết Tây phương chắc còn nhớ Socrate đã đi hai chân không và đứng trọn đêm ngay ngoài trời tuyết, vì lúc đó Socrate đang suy tưởng và quên hết mọi sự, có người thức cả đêm để rình ông và ngạc nhiên khi thấy Socrate đứng sững trên tuyết như đinh đóng vào gỗ. Sức mạnh của tư tưởng đã cột dính Socrate, giống như con ruồi lằn bị dính vào keo. Dân ở thành phố Athènes thường gọi Socrate là “một con ruồi nhặng” vì ông hay quấy phá sự tự mãn tinh thần của dân chúng. Con ruồi ấy bị dính keo mà chết, chứ không phải bị chết vì uống thuốc độc như lịch sử truyền lại).
Dạo đó, tôi gặp anh Hoàng Đại Dương và chỉ biết mang máng về anh, nghe những người khác kể lại. Hình như anh có tham thiền gì đó. Sau này, anh chết trước mặt tôi. Cuộc đời anh, tôi được biết đại khái như sau đây, do bạn bè và người nhà anh kể lại (mặc dù anh thường nói với tôi rằng anh không có gia đình và không có bạn bè, đôi lúc khôi hài tịch mịch, anh nói: “Bạn bè của tôi là những con ruồi. Cha mẹ tôi ư? Anh có thấy những con chuột đẻ con không?” Anh nói rồi cười sặc lên như điên. Tôi, người bình thường không chịu được ngôn ngữ bất thường của anh. Cho nên, tôi bỏ anh đứng giữa đường khuya Đà Lạt. Dường như sáng hôm sau, anh vẫn còn đứng ở đó, lúc ấy Đà Lạt chưa có giới nghiêm).
Theo người ta kể lại thì anh là con một gia đình giàu có ở miền Nam. Cha mẹ anh triệu phú, rồi sau bị phá sản, trở nên nghèo khó hơn bất cứ người nghèo nào ở Việt Nam. Ngay lúc gia đình còn giàu, anh đã sống bất thường rồi, dường như anh khinh bỉ tiền bạc, không chịu sống đời sống giàu sang phú quí của công tử nhà giàu. Nghe nói lúc nhỏ, 13-14 tuổi, anh đã say mê Marxisme, đọc sách Marxisme suốt ngày đêm, và muốn làm cách mạng, đi vào bưng biền để đánh Pháp. Năm 16 tuổi, anh bị công an bắt nhốt vào xà lim và tra tấn. Mặc dù anh không phải là một người cộng sản, nhưng đầu óc anh nhiễm đầy tư tưởng Marx và Lénine, anh rất ái quốc và muốn làm một cái gì đó để chuyển hoá xã hội, anh không chịu nổi bất công, không chịu nổi sự đau khổ của con người Việt Nam. Dường như, theo người nhà kể lại, thì anh bị một người cán bộ khai tên chỉ điểm. Tất nhiên đó chỉ là khai gian thôi, vì anh không có tham gia một tổ chức chính trị gì cả. Sau một thời gian bị đánh đập, bị tra khảo đủ điều, thì anh bỗng được thả ra nhờ người nhà quyền thế can thiệp. Sau khi ra tù thì hình như anh không còn để tâm tới chính trị nữa, có lẽ không phải vì anh sợ bị tra tấn nữa, mà có lẽ vì anh nghĩ anh đã chết hụt một lần và anh không muốn chết hụt theo lối cũ, mà có lẽ chết hụt bằng lối khác. (Anh nghĩ rằng có một loại người sinh ra để làm Quang Trung hay Trần Hưng Đạo thì cũng có một loại người sinh ra để làm Nguyễn Du hay Hàn Mặc Tử. Không phải chỉ làm tướng là ái quốc thôi, mà sống với hồn thơ tuyệt đỉnh cũng là một cách ái quốc khác).
Thầm lặng hơn, Anh đã chọn con đường đi của Nguyễn Du. Và để cho những người khác làm Quang Trung. Thật ra không có sự chọn lựa, vì mọi việc xảy ra đều như cây mọc lá, tự nhiên như máu chảy trong cơ thể. Giòng máu anh là giòng máu thi sĩ, nghệ sĩ, chứ không phải máu của người hành động.
Hồi nhỏ, anh học trường thầy dòng, nhưng sau anh bỏ đạo và bỏ đi nhà thờ. Anh bắt đầu say mê ngất ngưởng với tiếng hét thịnh nộ của Nietzsche. Giống như phần đông thanh niên ở khắp thế giới, tuổi trẻ của anh đã bị ngấm độc, nhiễm nặng thuốc độc của Nietzsche. Tất nhiên, một người nào đã nhiễm bệnh Nietzsche thì chính trị, dấn thân, hành động, ái quốc, xây dựng lý tưởng, tôn giáo, vân vân, đều trở thành khói thuốc. Nietzsche dạy anh cõng tuổi trẻ của anh trên hai vai của chính anh. Từ một người gương mẫu, lạc quan, tin tưởng, đầy tinh thần vị tha, ái quốc, đầy tinh thần xây dựng, anh bỗng trở thành con người lạc lõng, bơ vơ, ích kỷ, buông rơi, kiêu ngạo, ngang tàng, khinh bỉ tất cả mọi sự, khinh bỉ cả những gì nhỏ nhoi trong người anh; anh luôn luôn đen tối, mắt đầy ngờ vực, lấy đêm làm ngày, “đêm bốc lửa, thế giới bốc lửa”. Anh sống như con thú dữ với cơn hoả hoạn bắn lửa trong đầu, trong tim và trong cuộc đời. Đã qua rồi ái quốc, đã qua rồi lý tưởng cao đẹp, đã qua rồi niềm tin sắt đá của tuổi thơ. Trong phòng anh, có kẻ chỉ thấy những hình ảnh của Nietzsche, Van Gogh, Rimbaud, Henry Miller và Dostoievsky. Nhưng một sớm đẹp trời nào đó, bỗng nhiên anh xé bỏ hết Nietzsche, Van Gogh, Rimbaud, Dostoievsky và Henry Miller. Anh tự cho rằng mình đã lớn, đã mạnh, đã đủ sức, thừa sức để đi một mình, đứng một mình, ngồi một mình và nằm một mình. Chỉ có một mình và một mình, anh sống một mình với một mình của anh. Đối với anh, tất cả giá trị đều sụp đổ, anh thấy rằng anh không còn hiểu gì nữa, anh bước đi trong bóng tối không thấy gì cả và chỉ bước đi trong bóng tối. Mọi người đều bỏ xa anh, bạn bè bỏ anh, gia đình bỏ anh, chính anh rồi cũng bỏ cả anh, anh chỉ còn là cái xác đi trong tối. Trong một đêm tuyệt vọng, anh lảo đảo như một người lên đồng. Tình cờ, anh dở quyển sách bỏ quên dưới đất. Quyển sách ấy là quyển Zen Buddhismcủa D.T. Suzuki. Anh không hề biết Zen là cái gì cả. Nhưng khi đọc tình cờ một câu trong quyển sách ấy:
— Làm sao tôi có thể nhập đạo?
Một môn đệ hỏi Thiền Sư, Thiền Sư trả lời:
— Con có nghe tiếng suối reo?
Thế thì đùng một cái, anh mới sực nhớ rằng anh đã sống cái đạo gọi là đạo Thiền trước khi anh đọc sách về Thiền. Toàn thân anh run rẩy, anh có cảm tưởng đi hỏng chân trên một đại dương.
Giai đoạn ấy là giai đoạn tôi gặp anh tại Đà Lạt. Bây giờ nhắc lại tôi vẫn còn được cái cảm giác đố kỵ với anh. Dạo ấy, tôi đố kỵ với điệu sống của anh, tôi thấy anh sống tràn lan như ống nước bể vòi, anh sống vô tâm như cỏ cây, chim chóc, anh yêu đời một cách khó giải thích, tôi cho rằng anh là một thằng điên, một tên gàn, một kẻ lập dị. Đôi lúc anh nói với tôi rằng anh chán đời, anh buồn, anh muốn tự tử, vân vân, nhưng trong cách nói của anh và cử chỉ của anh tôi hiểu rằng anh muốn nói: “tôi quá yêu đời, quá vui, quá sống, sống, sống...” Chữ “buồn” trong miệng của anh cũng vui lây nữa. Nếu lúc ấy anh có tự tử đi nữa thì tôi vẫn cho anh tự tử vì quá sướng, quá vui, quá đẹp. Khó thấy một người nào sống đã đời như anh, đôi lúc tôi ghen với những ý tưởng trong cái đầu bồng bềnh tóc của anh.
Tôi chắc những ý tưởng trong đầu anh chỉ là hoa vàng, hoa mai, hoa mận, bông cúc, bông hồng, cánh đồng xanh, chim bướm. Có một đêm anh hỏi tôi:
— Tôi là ai?
Tôi trả lời bằng lý luận:
— Anh là những gì tôi nghĩ về anh.
Anh vụt trả lời như một nhát gươm đập vào nước:
— Tôi trả lời cho câu hỏi anh rồi.
Tôi không hiểu, hỏi lại:
— Tôi đã hỏi gì đâu?
Anh lặp lại:
— Tôi là ai?
Tôi vụt lặp lại:
— Tôi là ai?
Vừa nói xong thì tôi vụt thấy rằng con chim vỗ cánh bên ngoài là con chim vỗ cánh trong đầu tôi. Cắt cái đầu tôi liệng đi thì con chim cũng mất theo. Lúc ấy, tôi cũng học đòi về Thiền Tông trong năm sáu cuốn sách của D.T. Suzuki, Alan Watts, Chang Chen-Chi, Hubert Benoit; tôi cũng có đọc quyển Pháp bảo đàn kinh và Vô môn quan và Truyền đăng lục. Có một lần tôi hỏi anh về D.T. Suzuki, anh trả lời:
— Chính nhờ D.T. Suzuki tôi mới biết đến Thiền, lần đầu tiên đọc D.T. Suzuki tôi có cảm giác leo lên núi Hy Mã Lạp Sơn, tôi lạnh cả người, nhưng bây giờ tôi coi D.T. Suzuki như con gà mở cửa mả...
Tôi hỏi lại:
— Nghĩa là thế nào?
Anh hỏi lại tôi:
— Anh có tin rằng người chết trở lại?
Tôi trả lời:
— Tôi tin có.
Anh nói lại:
— Tôi chỉ học được D.T. Suzuki rằng người chết không có trở lại và cũng không không có trở lại.
— Nghĩa là làm sao?
— Nghĩa là anh phải chết.
— Nghĩa là làm sao?
— D.T. Suzuki chỉ lặp lại những kinh điển một cách dễ hiểu theo ngôn ngữ thời đại, còn kinh điển chỉ lặp lại một cách dễ hiểu những gì không thể lặp lại.
— Như những gì?
— Như giấc mộng, như cái chết.
— Đạo Thiền là đạo sống.
Anh vội nói lại:
— Sống là chết, bắt chước D.T. Suzuki, bắt chước những Thiền sư thì chúng ta có thể nói như vậy, nói rằng sống là chết, Niết bàn là Luân hồi, khổ là vui, vân vân, không có mà cũng không không, vừa có được sự im lặng cũng là vừa nói, vân vân, nhưng tôi đang chết.
— Biết rằng mình đang chết là sống.
Anh nói lại:
— Nếu anh có thích lý luận thì cứ lý luận.
Tôi hỏi anh:
— Tại sao có một Thiền sư nói rằng gặp Phật thì giết Phật, gặp Tổ thì giết Tổ?
Anh trả lời:
— Gặp Phật thì Phật chết, gặp Tổ thì Tổ chết.
— Nghĩa là làm sao?
— Nghĩa là cái chết gặp cái chết.
— Cái chết gặp cái chết thì làm sao?
— Thì anh không hỏi “làm sao” nữa...
— Heidegger có nhắc lại câu của Abraham a Sancta Clara: “Kẻ nào chết trước khi chết thì không chết lúc hắn chết”. Phải chăng anh muốn nói rằng cái chết gặp cái chết thì sống mới bùng dậy lại?
— Tôi không hiểu.
Tôi đã thuật lại câu chuyện giữa tôi và anh. Nhưng tôi không thể diễn tả lại ấn tượng lạ lùng trong tâm thức tôi, tôi vừa nghe anh nói: “tôi không hiểu” thì tôi có cảm giác bất chợt rằng một trái sung chín vàng rụng vào cái miệng hả rộng của anh khờ.
Sau này, tôi có nghe anh cạo đầu đi tu. Tôi rất lấy làm lạ, vì theo tôi nghĩ thì anh không cần tu cũng là tu rồi. Đối với tâm hồn như anh,tu hay không tu cũng thế thôi. Nhưng đôi lúc tôi cũng nghĩ rằng tu cũng là một chuyến đi chơi dài của anh vào những đồng cỏ bát ngát tịch mịch. Lúc tôi gặp anh tại một tu viện ở Nha Trang, tôi có hỏi anh:
— Thiền học là gì?
Anh trả lời:
— Là học về Thiền.
Tôi hỏi lại:
— Học cái gì, học làm sao?
— Học thở.
— Phải học thở thế nào?
Anh hỏi lại:
— Không phải anh đang thở đó sao?
Tôi hỏi:
— Thiền Tông là gì?
— Là một Tông phái đề cao hơi thở.
— Tại sao phải ngồi để thở?
— Vì ngồi thẳng lưng dễ thở, nhưng đối với một người có nội công, nội lực thì đi cũng thở, đứng cũng thở, làm gì cũng dễ thở. Chỉ chán đời thất vọng u sầu khi nào hơi thở bị nghẽn.
— Tại sao những Thiền sư đốt tượng Phật, chặt đầu mèo, phá giới, coi kinh điển như giấy bẩn?
— Vì họ muốn giải thoát hơi thở.
— Không, họ chỉ phá hoại?
— Phá hoại thiếu hơi thở (gọi là phá hoại hụt hơi) khác hẳn với phá hoại qua hơi thở.
— Anh chỉ ngụy biện!
— Như thế không còn vấn đề gì nữa đáng nói.
Tôi im lặng. Anh cũng im lặng và mỉm cười thoải mái. Đến năm 1962, tôi nghe người ta báo tin anh chết một cách đột ngột. Tôi vội leo lên Thiền viện ở đồi Nha Trang, tôi nhìn anh nằm dài thản nhiên, mắt anh nhắm lại như nằm mộng, tôi chợt nhìn thấy một con bướm nhỏ đủ màu đậu ngay giữa trán anh. Tôi vừa đọc xong câu chú chữ Phạn: “Gate, gate, paragaté, parasamgaté, bodhi, svaha!” thì con bướm vụt bay đi, băng qua đồi, tôi nhìn theo và thấy con bướm bay sang biển.
“Nhưng đại dương có phải là một thực tại? Không, đại dương là một giấc mộng.”
Anh chết đi và để lại niềm bí ẩn cho tôi, câu hỏi trước kia mà tôi đã từng hỏi anh:
— Thiền học là gì? Thiền tông là gì?
Anh vẫn chưa trả lời cho tôi, tất cả còn lại cuộn giấy nhàu tôi lượm ở dưới giường anh nằm. Đó là một cuộn giấy dơ mà anh viết chằng chịt, giữa những giòng chữ đen, anh thường hay vẽ những vòng tròn, tôi không hiểu tại sao anh thích vẽ những vòng tròn như thế. Giữa những giòng chữ bôi đen, tôi còn đọc được những đoạn mà anh viết về Bồ Đề Đạt Ma, tổ sư đệ nhất của Thiền Tông.
Anh chết đi và không trả lời cho câu hỏi mà tôi thắc mắc bao nhiêu năm nay.
Đứng trước thân xác anh nằm dài, nhắm mắt chết nhẹ nhàng như giấc mộng, tại ngọn đồi ở Nha Trang năm 1962, tôi muốn hỏi thầm:
— Thiền học và Thiền Tông là gì?
Vừa hỏi thầm thế, rồi khi vừa tụng xong một câu thần chú chữ Phạn: “Gate, gate, paragaté, parasamgaté, bodhi, svaha...”, khi tôi vừa dứt chữ “bodhi svaha!” thì bỗng con bướm đủ màu giữa vầng trán anh vụt bay ra khỏi phòng, bay khỏi đồi, bay lượn băng qua biển xanh, “biển xanh trộn lẫn với mặt trời.”
— Thiền học và Thiền Tông là gì?
Câu hỏi không được trả lời. Tất cả còn lại chỉ là một câu thần chú chữ Phạn và một con bướm màu băng qua đại dương.


------------------------------------------------------------------------------
Trong cuốn Bay đi những cơn mưa phùn của Phạm Công Thiện
(Sài Gòn: nxb Phạm Hoàng, 1970)
Phạm Công Thiện 


_________________________
Phụ chú của Hoàng Ngọc-Tuấn:
[*]Nguyên văn tiếng Đức của câu này là “aber ist das Meer eine Wahrheit - nein, es ist ein Traum”, trong Epilog und lyrisches Ich (1927) của Gottfried Benn, in lại ở phần II: Prosa und Autobiographie, trong Gottfried Benn, Gesammelte Werke in der Fassung der Erstdrucke, hg. von Bruno Hillebrand, 4 Bände [I: Gedichte, II: Prosa und Autobiographie, III: Essays und Reden, IV: Szenen und Schriften] (Frankfurt/M.: Fischer 1982–1990), trang 242.
[**]Nguyên văn tiếng Đức của hai câu thơ này là “Heißt: ein paar schweigende Stunden / in Sils-Maria-Wind”, trong bài thơ “Dennoch die Schwerter halten” (1933) của Gottfried Benn, đăng lần đầu trong Deutschen Allgemeinen Zeitung Nr. 368/369, ngày 27.08.1933.
[***]Nguyên văn tiếng Đức của câu thơ này là “Erfüllung ist schwer von Wunden”, trong bài thơ “Dennoch die Schwerter halten” (1933) của Gottfried Benn, xuất xứ như trên.

No comments:

Post a Comment