Friday, October 17, 2008

Thiếu quê hương


Long Thành
Tôi rời Sài Gòn vào lúc 8h45 sáng chủ nhật. Đường đi không nắng mấy và trời có một màu tro đáng yêu. Một chuyến đi suôn sẻ, không mấy gập ghềnh. Từ Sài Gòn về đến Long Thành mất chỉ độ gần 1h đồng hồ lái xe. Tôi đang về đến nơi không ai chờ chào đón mình.
Thím vẫn vậy và chú vẫn vậy, chỉ có bà nội hình như trông gầy và già hơn dạo tết nhiều. Nhưng tôi không thấy xúc động mấy khi nghĩ đến chuyện so sánh này. Mấy đứa bé con chạy ra chào đón bằng nụ cười. Chỉ có vậy. Và hết.
Nhiều giờ đồng hồ liền tôi nằm dài hoặc ngồi vật vờ trên ghế sô fa chờ đến giờ ăn. Về Long Thành lần nào cũng vậy. Chẳng có việc gì làm ngoài việc chờ đến giờ ăn, ăn xong thì dọn dẹp và tiếp tục chờ đến một bữa khác. Nhiều khi tôi hết hiểu tại sao thím thấy hạnh phúc khi sống một cuộc đời như thế. Bất kỳ một người khách nào đến cũng không làm thay đổi thói quen và nếp sống ở đây. Bất kỳ lúc nào xuống đây tôi cũng thấy mình giống một con heo nằm bên máng chờ ăn cho hết ngày. Có lẽ tôi và bầy gà chú thím nuôi trong trại cũng không khác nhau mấy.
Nhà chú đã khác nhiều so với lần cuối cùng tôi đến. Nhiều đồ đạc hơn. Một cái sập gụ cẩn xà cừ, một cái tủ kính cùng loại phô trương quá mức. Những thứ đó phối màu một cách buồn cười với nền tường quét sơn cam nhạt và một bức tranh rất to nhưng vẽ ẩu tả và xấu xí một đoạn đường quốc lộ có cột cây số báo còn 20km nữa đến Long Thành. Vẫn là một cảm giác như trước đây, cảm giác hệt như lần đầu tôi nhìn thấy sự bài trí đồ đạc trong ngôi nhà này. Sự phô bày của một trưởng giả miền tỉnh lẻ.
Thím có vẻ lạnh nhạt với tôi. Chú cũng vậy. Tôi cũng chẳng chờ đợi gì. Sau khi biết rõ tại sao bà nội có mặt tại miền Nam này vào đúng thời điểm này, tôi mất hết cả khả năng ngạc nhiên của mình. Tôi chẳng phải là đứa cháu duy nhất mà người ta có và người ta cần. Nghĩ cho cùng chẳng có lý do gì phải ngọt nhạt với tôi cả. Tôi, người đã quá thừa và là dấu tích cũ rành rành của một câu chuyện gây bực mình và khó chịu với dòng họ.
Thời giờ trôi qua chậm chạp. 3h mới được về. Tôi đã leo lên lầu trên và ngủ thiếp đi để giết thời gian. Tôi mừng vì dạo này mình đã lấy lại được thói quen dễ ngủ sau quá nhiều đêm trằn trọc. Tôi ngủ như một cái đồng hồ báo thức. Đúng 3h kém 5 tôi thức dậy và bước xuống lầu.
Tôi tránh nói chuyện với mọi người nhưng thực ra tôi đã không cần phải làm như thế vì mọi người cũng chẳng còn gì nhiều để nói với nhau ngoài chuyện bàn cãi món gà nên rán hay nên nướng. Bà vẫn thỉnh thoảng nhắc lại y hệt câu nói trước giờ, làm tôi thấy nản và buồn cười như thể nghe lại cuộn băng quay quá nhoè : “Ráng học nghe con.” Tôi không thấy cảm động như trong các truyện thường hay tả. Tôi thấy buồn cười, nhưng tôi đã không cười.

Mộc Nhạc
Thực ra tôi đã hình dung chuyến đi vào sáng chủ nhật một cách tồi tệ hơn. Tôi đã nghĩ đến những điều phải nghe và nhận xét về chuyện quá khứ, đến những lời tôi chắc rằng mình sẽ phải gào lên để chống lại. Vì thế tối thứ bảy tôi mới tìm đến Mộc Nhạc như một liều thuốc an thần. Nhưng rủi thay lần này có lẽ tôi uống nhiều thuốc quá nên thuốc đâm nhờn và vô tác dụng, thậm chí nếu không muốn nói là có những phản ứng phụ gây khó chịu.
Thứ bảy là một ngày nhiều việc nhưng an nhàn. Hiếm khi có được trạng thái này. Thường với một ngày làm việc và quay cuồng với chữ xong tôi hay chóng mặt và lên cơn nhức đầu khủng khiếp nhưng lần này thì không. Có lẽ là nhờ bài thơ vào giờ học buổi chiều. Bài thơ iambic nhẹ nhàng và buồn như những nụ hoa tuyết lả tả trời đông.
Thy nói có thể Thy đến cùng tôi trong tối này nếu được. Nhưng tôi biết Thy sẽ không đến. Tự dưng tôi cảm nhận thấy rõ ràng là rồi sẽ chỉ có tôi ở Mộc Nhạc. Tôi bảo với Thy rằng chúng mình không đi tìm hạnh phúc nữa vì chúng mình chán rồi, bao giờ hạnh phúc thấy buồn nó sẽ tìm đến mình vậy. Thy cần ở một mình để có thời gian buồn. Tôi cũng vậy.
Tôi đã nghĩ những điều này khi bước từ trên cầu thang xuống nhà để chuẩn bị đến Mộc Nhạc. Tất cả những con người suy tư trong lịch sử tồn tại đều bị lên án. Tôi không biết tại sao. Mọi con người suy tư đều làm nhân loại với cái giọng kêu gọi nhân bản và nhân văn lên án một cách dữ dội. Con người suy tư hàm chứa niềm độc ác và quay cuồng. Con người suy tư tự kiến tạo niềm cô độc và cách biệt. Con người suy tư, sự phức tạp mà ngay cả Thượng đế cũng không tha thứ ngay từ thời ở Eden và sau này, mãi đến tận sau này ở thời điểm này cũng vậy, khi Thượng Đế đã lùi vào dĩ vãng và thiếp ngủ sau những tháng năm nhọc nhằn với tín ngưỡng và tôn giáo, tinh thần. Con người được quyền suy nghĩ, nhưng không được quyền suy tư. Những giá trị do suy tư đem lại bị cảnh báo ở mức cao nhất về sự huỷ diệt nhiều ràng buộc và niềm tin thần thánh của loài người.
Mộc Nhạc vẫn ngần ấy khách, vẫn ngần ấy nụ cười của những chị phục vụ. Tôi bước vào trong một trạng thái mệt mỏi gần như muốn ngã. Có lẽ vì thế chị phục vụ hỏi xem tôi đang say có phải không, Tôi cười trừ, chẳng lẽ lại bảo rằng tôi không có khả năng say, tôi chỉ có thể mệt trước những cuộc say thôi. Tôi tháo cái chụp đèn và lấy một cuốn sổ ra, nhìn trân trối vào mấy con chữ ngoằn nghoèo mình viết cách đây không lâu. Lạc lõng quá thể với cảnh vật và với ký ức của mình vào thời điểm khác, nơi chốn khác. Ánh sáng nến vốn mù mờ giờ trở nên gay gắt trong khung cảnh này. Tôi không biết gương mặt mình trong ánh nến nhìn ra sao. Chắc là một vẻ tiều tuỵ và uể oải bởi bất giác tôi có cảm giác quanh tôi vang nhè nhẹ lạo xạo một âm thở dài. Tiếng thở của chính tôi.
Tôi ngồi sát một góc hẹp cuối dãy. Tư duy về góc hẹp của loài người. Vào thời điểm mệt và buồn, người ta hay có xu hướng cần sự an toàn tuyệt đối. Tôi thấy một người tôi không muốn thấy vào lúc này nhưng tôi mặc kệ. Có lẽ họ cũng không muốn nhìn thấy tôi. Đăng bắt đầu chơi nhạc vào lúc 8h hơn. Đăng kéo violin trước. Hình như tôi thấy trong người trào dâng lên một cơn khó chịu quá thể. Vì thế tiếng đàn Đăng nghe rất tệ. Tôi cầm bút và viết một tràng vào sổ tay. Tôi viết về Dung và tiếng đàn như những nụ hoa hồng ban sớm. Còn tiếng đàn của Đăng lúc này là bầy chiên đang được lùa về trên đồng cỏ. Đăng chuyển sang chơi tiêu và guitare. Tôi cũng vẫn không ưng. Tiếng nhạc lúc này khá vụng về như một đường khâu run tay. Và đến khi Đăng bắt đầu hát thì tôi đứng dậy đi về.
Tôi đi tìm một quê hương nhưng tôi sớm nhận ra không có nơi nào giành cho mình cả. Tôi như một cây lông chông gió thổi hướng nào giạt vào hướng đó. Tôi không gốc rễ và cứ lăn mình theo những vòng xoay của gió. Cây cỏ lông chông khi bắt đầu cuộc hành trình của mình tức là nó đã chết và xác đã khô lại ở độ cần thiết để có thể nhẹ nhàng lăn đi khi gió chạm nhẹ. Quê hương của tôi ở đâu? Không nơi chốn nào cả. Không có một ràng buộc nào giành cho tôi về những người sống quanh tôi. Dù cùng ngôn ngữ, dù cùng màu da và thậm chí cùng mối liên hệ về dòng máu. Tôi gọi thế hệ sống như tôi là thế hệ giun dế và mặc dù không muốn nhưng đôi khi tôi không ngăn nổi mình cười gằn và phất tay ra ý bất cần trước tất cả. Có nhiều lúc như trong buổi tối nay, tôi hết hiểu nổi tại sao mình mệt mỏi đến vậy, chực muốn ngã khuỵu ra nhưng tôi vẫn có thể cười dịu dàng và tươi tắn với những người xung quanh xa lạ.
Tôi cầm lấy áo khoác và bước ra về. Không có cơn gió nào mặc dù trời lạnh tê tê người. Tôi không rõ cảm giác này có thuộc về ấn cảm chung của mọi người không. Nhiệt độ cơ thể tôi thất thường và không đo được bằng những dự báo bình thường.
Thật ra điều tôi muốn ở đây là gì, tôi cũng không biết và tôi chẳng có chút tò mò nào muốn biết. Tôi về, vậy thôi. Và khi nằm xuống giường, tôi nhận ra một cơn đau đầu khủng khiếp đang ập đến.

Hà Nội
Buổi chiều thứ bảy, khi tôi về đến nhà, mẹ hỏi ngay tôi có muốn ra Bắc vào những ngày tết sắp tới không, Tôi không trả lời được. Hà Nội, người đẹp của tôi, người thương của tôi, tôi không chắc là tôi có còn yêu nàng như trước đây nữa không. Sau tất cả những mỉa mai nàng giành cho tôi, tôi băn khoăn tự hỏi mình có còn đủ tự tin đối diện với nàng.
Hà Nội xinh đẹp, làm sao tôi đủ dũng cảm để đi lại trên những con đường tôi đã qua vào mùa đông trước. Ít người biết thực ra tôi đã như thế nào vào thời điểm đó. Tôi cách biệt hẳn so với thế giới thân quen bình thường và mặt nạ trên da tôi dầy hơn bao giờ hết. Tôi khóc và cười một cách bất thường hơn mọi khi. Tôi thấy mình chập chờn sống, vật vờ đi lại trên những phố phường và tự kiến tạo cho mình niềm vui và say mê bằng tất cả những gì nhỏ nhặt tôi bấu víu được. Tôi cố nghĩ rằng mình có thể mỉm cười và mình nên mỉm cười với những cuốn sách trên gác Đinh Lễ, với người đàn bà bán nước rong quát tôi khi tôi cố chụp ảnh bà ta, với con chó mặt đầy nếp nhăn nằm buồn hiu canh cửa nhà xuất bản Đông Tây, với cậu bé con đeo khẩu trang chống lạnh rồi mà vẫn hát líu lo, với những con chuồn gỗ lơ lửng trên phố Đinh Liệt. Mặt khác, mặt nạ cho phép tôi phô ra một gương mặt dịu dàng và tươi cười hạnh phúc khi quanh tôi là những người có liên hệ về dòng máu. Còn khi tôi một mình đi bộ trên những phố dài, nhất là vào cái đêm tôi đứng tần ngần trước bưu điện trung tâm, tôi thấy mình mất hết luôn cả hình hài và suy nghĩ. Tôi thấy gần như mình và nước Hồ gần đó có thể hoà làm một. Khi tôi gửi thư cho Hà từ nơi đó, tôi cũng không hiểu mình đã làm gì nữa. Tôi chỉ nhớ mình đã cười với một người xa lạ khi người ấy hỏi một câu xã giao thường tình.
Tôi cũng sẽ không trở lại được phố Lý Quốc Sư với Régina thân mến của tôi vì Régina đã được gả chồng hồi chớm thu rồi. Régina đã thay đổi tính tình và tâm tư biết bao. Ở trong xứ nóng này, tôi ngửa mặt lên cười khi biết Régina đồn với người ta rằng tôi yêu một anh chàng theo đạo và ngày nào về Hà thành tôi cũng đến nhà nguyện để ngẩn ngơ nhớ nhung vạt áo chùng. Tôi cũng cười khi nghe tiếp Régina rỉ tai bạn bè rằng có lẽ hình như tôi bị bệnh nặng lắm vì tôi hay sợ lạnh quá và tôi hình như thần kinh không bình thường. Biết sao được. Vậy mà trong lần cuối cùng, Régina liên lạc với tôi, nàng bảo rằng trời mùa thu ở nơi nàng ở quá đẹp và hỏi tôi có muốn đặt cho thời điểm này một cái tên nào không, rằng nàng sẵn sàng mất cả cuộc đời để ở lại vĩnh viễn cùng khoảnh khắc này. Vậy mà ngày đầu tiên về đến Hà thành khi đó, tôi đã đi bộ từ nơi ở đến Lý Quốc Sư để gõ cánh cửa gỗ nhà Régina mà gục đầu thổn thức. Régina không ngộ nhận về tôi chút nào hết. Régina biết rõ những lời nàng nói là không thật nhưng nàng cố tình gây ra một ngộ nhận cho chính mình. Để làm gì, tôi không hiểu. Có lẽ là để ngăn tôi bước sâu tiếp vào những con đường phố dài xao xác heo may.
Tôi không chờ đợi sự chuyển tâm của người bạn cũ. Nhưng tôi hơi buồn một chút bởi tôi nghiệm ra rằng dường như mình là một rắc rối và phiền muộn cho nhiều người. Quá nhiều người khi chấm dứt mối quan hệ với tôi, tôi nhận ra rõ ràng rằng nhìn họ có vẻ thanh thản và hạnh phúc hơn. Họ ăn ngon miệng hơn, cười nói nhiều hơn và tôi nhận ra rằng dường như họ còn béo lên và trẻ ra nữa. Không có sự hiện diện của tôi, không khí trở nên rất thanh thảnh và ngọt ngào. Mọi điều cứ trong veo đi và mát dịu. Điều đó có lúc cũng khiến tôi phải đặt ngược lại suy nghĩ phải chăng mình đã sống và yêu thương tất cả bằng một tình cảm tội lỗi, lầm lạc và muộn phiền.
Hà Nội của tôi, tôi đã đổ thuốc đầu độc Hà Nội rồi. Tôi xin lỗi. Lẽ ra tôi không nên đến với Hà Nội vào thời điểm như thế. Khi ấy, những tuần trăng cứ đỏ như máu và tròn đến phát sợ. Nhưng nếu tôi không ra Hà Nội khi ấy, tôi biết tôi sẽ đầu độc chính Sài Gòn. Mà Sài Gòn, tôi biết nàng sẽ còn ràng buộc với tôi ít nhất là 5 năm nữa. Nếu tôi đổ thuốc cho Sài Gòn, tôi sẽ chẳng biết phải làm gì với một xác chết tới 5 năm. Hà Nội đừng giận và đừng nghĩ tôi đã mang vạ về cho Hà Nội. Tôi là kẻ ác, Hà Nội ạ. Và tôi không làm gì ngoài việc xây cho mình những thành phố bằng cát. Một ngày gió thổi, tất cả trở thành hoang mạc.
Mẹ vẫn chờ tôi trả lời. Tôi không biết nói ra sao cả. Tự trong chính tâm mình, tôi biết Hà Nội vẫn quyến rũ tôi quá chừng. Nhưng tôi đã đánh mất Hà Nội rồi. Chính xác là tôi đã mất sự bình yên ở Hà thành. Chính tôi chứ không ai khác làm mất nó. Tôi nhớ lần đầu khi biết động từ rêver. Tôi mường tượng ra có sự liên hệ với river. Sau này tôi mới biết mình nhầm, nhưng chỉ là nhầm về mặt lý tính còn linh cảm thì không nhầm. Mơ mộng và những con sông có bao giờ tách rời. Ngay lập tức tôi nghĩ về sông Hồng. Sự liên hệ này chỉ có thể là sông Hồng, nơi tôi muốn nhấn xoáy rơi chứ không phải là bất kỳ một con sông nào khác mà tôi từng biết. Sông Hồng có đầy đủ cạm bẫy cần thiết để kết thúc tất cả cho mọi người và mọi chuyện. Người người lớp lớp. Sau này khi biết về những làng hoa và những xe đạp rong chở hoa đi bán trên những mẹt tre ven đó, tôi càng khẳng định rõ suy nghĩ của mình. Đúng thật sự đó là nơi tôi muốn về để nằm mơ giấc mơ cuối cùng.
Bất kỳ giọt nước nào từ bao nhiêu hồ khác nhau của Hà thành bây giờ cũng có thể gây ra một cơn tê liệt và co giật đến chết. Một cái chết không đẹp đẽ gì cho cam. Nước hồ còn khủng khiếp hơn thuốc độc vì mỗi giọt nước hồ chứa đựng trong nó là tất cả những chữ nghĩa và ngôn thanh vọng lại từ hơn mấy ngàn mùa trước. Chất chồng hết ngần ấy lớp mùa thu, một giọt nước thôi cũng đủ làm kết tinh lại độc tố để đầu độc và tàn hại đời người.
Nhiều khi tôi nghĩ đến tự do và buồn cười. Nếu tôi không có thứ tự do nửa vời này, có lẽ tôi sẽ không thấy khó chịu trong người đến như vậy. Thứ tự do nửa vời làm cho người ta thấy rõ ràng là không có gì trói buộc nhưng cũng lại không thể vùng vẫy theo ý muốn. Tôi thà như có một mệnh lệnh bắt buộc phải ra Hà Nội. Chắc chắn tôi sẽ ra trong nỗi ấm ức nhưng lòng thoả thuê sung sướng vì không phải lựa chọn gì. Hoặc một mệnh lệnh khác yêu cầu không được ra Hà Nội. Một mệnh lệnh rõ ràng chứ không thoảng hoặc sương khói như chính tôi đề ra vào lúc này. Chắc là tôi sẽ len lén chuồn ra ga để bắt tàu về với Hà Nội với cảm giác chiến thắng được luật lệ và phá tung xiềng xích. Người ta thà hoặc làm nô lệ để nổi loạn hoăc thà làm kẻ sống ngoài vào cương toả hoàn toàn để phóng túng chứ thật là bứt rứt và cuồng người khi phải vào vai một người có thứ tự do trong khuôn khổ.
Một mặt khác, Hà Nội quá quyến rũ, quá thu hút tôi. Hà Nội nằm trong tiềm thức tôi, ý niệm tôi. Tôi không rời bỏ Hà Nội nổi. Nỗi ám ảnh không biết bao nhiêu lần tôi nằm mơ mình trở về Hà Nội. Và lần nào cũng vẫn, tôi lại mơ thấy mình đứng giữa Hà Nội, nhận ra mình đang buồn lại những chuyện cũ. Hà Nội thúc giục tôi một khát vọng ngang tàng. Hà Nội không phải là vẻ đẹp nhu mì của nàng thu hút tôi. Tôi biết quá rõ tính khô cằn, bảo thủ và đôi khi ác nghiệt của nàng. Nàng không phải con gái nhà khuê tú như người ta thường bảo. Nàng không e ấp như bao người lầm tưởng lần đầu mới tiếp xúc. Hà Nội có vẻ đẹp tưởng như mơ màng và bảng lảng nhưng đó là cái bảng lảng đầy nghi hoặc. Vẻ đẹp đó quá mơ hồ, quá lý tưởng để tồn tại được. Hà Nội gieo ngộ nhận vào lòng khách phương xa. Hà Nội cổ kính nhưng không phải là thứ cổ kính nghiêm trang mà là vẻ chán đời bất cần của rêu xanh và nhịp cô đầu say thuốc. Hà Nội dẹp sự dịu dàng sang bên, Hà Nội mời gọi sự phá phách trong tôi, sự phá phách mà hết sức cố gắng tôi mới giữ cho nó ngủ yên gần mười mấy năm. Một lúc nào đó tôi biết mình sẽ bùng nổ. Tôi có dám sống bất cần tất cả những mặt nạ và buồn đau để về với Hà Nội tôi thương quý vô ngần không? Tôi có dám cảm thấy hạnh phúc sau khi đạp đổ thẳng tay những gì mình khó chịu và căm ghét không? Và tôi có dám thưởng thức hạnh phúc đó không, thứ hạnh phúc bị nhân loại quy chụp cho cái mũ tội lỗi không tha thứ được. Tôi đặt ra câu hỏi đó, và tự trong tôi, một khát vọng khủng khiếp muốn thực hiện. Một thách thức ngay trước mặt và tôi băn khoăn giữa những ngả đường.
Tôi đã chất quá nhiều thứ lên vai Hà Nội. Ảo vọng, mơ mộng, suy tư, buồn bã. Và Hà Nội khuỵu chân xuống, ngước nhìn tôi bằng một đôi mắt tuyệt vọng. Muốn đổ lỗi cho một ai đó, một người nào đó về tội lỗi này. Nhưng vô ích. Hà Nội, tôi đã tự mình làm mất thành phố ven sông rồi. Tôi đã mở mắt khi sống và tôi đã nhìn quá lâu vào những lời nói hư ảo xung quanh. Ừ, tôi đã không nghe mà chiêm nghiệm chúng bằng mắt. Tôi trả giá bằng việc mất đi một niềm yêu. Một lúc nào đó, chỉ khi tôi mù loà và câm điếc, khi tôi lãng quên và điên rồ, có lẽ Hà Nội xinh đẹp sẽ trở về cùng tôi?

Thái Nguyên
Mặc dù bây giờ không còn là thời đại của những vó ngựa lộc cộc gõ khan trên mặt đường nữa nhưng tôi vẫn thảng hoặc nghe tiếng lắc bờm của bầy ngựa non kéo xe khi nghĩ về miền trung du này. Lẽ dĩ nhiên khi mẹ bảo về Bắc, tâm tư mẹ hoàn toàn chỉ có ý niệm hướng về Thái Nguyên. Hà Nội là một cái chấm nhỏ xíu, một luồng sáng bé xiu trong tâm trí mẹ. Nó nhạt nhoè.
Tôi khác. Thái Nguyên lại là một phần ký ức mà tôi muốn cuộn lại và cất trong ngăn kéo như cất một cái hộp con tuổi thơ. Bên trong có thể là bụi, có thể vẫn ngăn nắp nhưng ngàn đời người ta chẳng bao giờ muốn giở lại, dẫu cho hàng đêm giấc mơ về chiếc hộp thần bí yêu thương vẫn quẩn quanh và gợi nhắc thì thầm bên tai về những ngày tha thiết cũ.
Những ngày tha thiết cũ. Bao giờ chúng cũng có màu xanh. Màu xanh bình lặng và đẹp. Có thể ấn tượng này tạo thành do những búp lá non trong vườn ông ngoại. Tôi không biết. Mưa xuống và hoa hải đường còn ngậm mưa. Dì tôi gần bốn mươi tuổi, ưu tư gánh thật nhiều lên từng sợi tóc dày và nặng nhưng vẫn vui tươi đọc một câu Kiều có hình ảnh hoa hải đường. Tôi không tưởng lại được những tháng ngày trầy trật mưa ướt ấy nữa. Tư dưng thấy buồn vơ vẩn như thể mình đang dầm mưa thật.
Mùa xuân, gió buốt đến tận vành tai. Tay lúc nào cũng co ro thu trong áo ấm. Tôi lù xù chiếc áo dạ đỏ, đi khắp nhà này sang nhà kia trên những triền đồi như một chấm lửa nhỏ nhoi di động trên cả một khung cảnh ảm đạm. Cả vườn hoa, chỉ có tôi áo đỏ, hải đường áo đỏ. Ngoài ra, cả trời và đất là một gam màu u uất quá nỗi. Bà áo len nâu, bác áo len nâu, ông ngoại cũng sù sụ một cái áo bông màu xanh không xanh, màu xám không xám.
Thái Nguyên mùa này còn những người bán hàng rong đi gõ cửa từng nhà quen. Bà ngoại ưa chọn những món đồ bán dạo như thế. Chân bà yếu và lưng gù lên thành một khối cong có đỉnh. Chập tối, bà lại chậm chậm xuống từng bậc thang đá về nhà cậu, nằm đắp chăn xem chăm chú xem ti vi. Dường như lúc đó nhìn bà mơ màng như thể mọi lạc thú trần gian hội được về đây,
Tôi ngưng viết về Thái Nguyên ở đây vì thực ra tôi cũng chẳng muốn viết tiếp nữa. Mọi thứ an ủi cuối cùng đã tan nát trên phố huyện này. Dòng họ Phạm như cánh chuồn lúc sắp mưa…Tôi mang họ Phạm.

Sài Gòn
Biết viết gì cho Sài Gòn khi phải thú nhận một điều với Sài Gòn rằng tôi hết yêu nổi nàng rồi. Nói thật là bây giờ tôi nghĩ về Sài Gòn với những ô cửa sổ. Tôi mất quá nhiều thời gian bên những ô cửa.
Một ngày xưa lộng gió, tôi nhớ mình bảo rằng tôi sợ những ô cửa mở rộng bởi tôi e không biết lúc nào dù là sơ sẩy hay cố tình tôi sẽ ngã nhào từ đó xuống. Cuộc đời trong vòng 20 năm của tôi vi vút với chỉ hai ô cửa mà thôi. Một ô cửa ở tầng 10 căn chung cư ngay trên Đồng Khởi, phố đẹp nhất của Sài Gòn. Người đàn bà tóc bồng những lọn xoắn đã tự tử nơi đó và vĩnh viễn trong tôi in lại hình ảnh ô cửa mở với áo ngủ bồng bềnh. Ô cửa thứ hai tôi nhận ra năm tôi 16 tuổi. Ô cửa sổ ngay phòng. Một ô cửa sang trọng có những viền gỗ hoa văn và loang loáng bóng kính. Tôi đã mở rộng cửa và ngồi lên thành bệ cửa sổ, gục đầu xuống nhìn mấy cây cỏ may chết xuôi chết ngược vào một đêm buồn vô tận. Ở dưới thảng hoặc có bài ca của người gác cổng say mèm những chén nếp nưa. Cỏ may và bài hát say giữ cho chân tôi ở lại trên thềm cửa. Bây giờ tôi sắp tìm ra ô cửa thứ ba. Biết đâu ô cửa này bàn chân tôi sẽ được đặt lên vĩnh viễn.
Tôi biết người đàn bà tự gọi mình là Le petit soleil cũng yêu những ô cửa. Tôi không dám hỏi xem vào cái tuổi 50, liệu bà ấy có thấy mọi ô cửa sổ đều là quá chán nản không. Chúng tôi bất đồng về ngôn ngữ. Không phải vì tôi viết cho bà bằng tiếng Anh còn bà trả lời tôi bằng tiếng Pháp mà vì ngôn ngữ của hai thế hệ chúng tôi đã cách biệt nhau quá nhiều. L.P.S. an ủi tôi rằng :”Dầu sao thì hãy ở lại với thành phố của em. Em 20 tuổi và đáng thương rằng em chẳng bao giờ cảm thấy nét đẹp của cái tuổi ấy ngay thời điểm nó tồn tại.” Tôi không trả lời thư cho bà. Tôi không thể phũ phàng mà trả lời rằng :”Vâng thưa bà, nhưng tuổi 20 của bà khác của tôi. Thế nhưng tuổi 50 hiện giờ của bà có những khoảnh khắc y hệt tuổi 20 hiện giờ của tôi. Thành phố tôi đang ở chỉ toàn chuột chết thôi vì tôi lỡ tay rắc bả chuột hơi nhiều. Tôi ưa mang theo bả chuột mỗi khi ra khỏi nhà lắm.” Tôi đành tự lẩm bẩm với chính mình câu nói đó. L.P.S. sẽ chẳng bao giờ biết được người du mục đi ngang qua những trang viết bằng bài ca buồn ấy là ai cả. Gió sẽ đẩy xa những phiền muộn nơi cổ bầy chim sẻ nhỏ. Chỉ có thể giản dị, như vào một sớm mai, tôi và L.P.S. cùng mở cửa sổ và thốt lên: “Tôi thương những con chim sẻ vô tận.”
Thiện cũng cũng yêu chim sẻ. Tôi biết vậy. Nhưng Thiện còn thương cả những con cú gào khóc vào ban đêm. Thiện đã muốn sụp lạy và khóc khi nghe tiếng kêu đó. Tôi tha thứ cho Thiện vì thật là may, đó chỉ là Thiện muốn chứ Thiện chưa làm. Tiếng chim hót trong đêm thời Thiện và tôi khác nhau xa quá. Hồi đó chắc là sơn ca hay hoạ mi chi đó, còn giờ thì chỉ có cú lợn thôi, mà tôi thì kinh tiếng cú.
Tôi muốn có một trang viết của Thiện bây giờ để phủ lên mặt và nằm yên nhấm nhấm góc giấy. Nói buồn cười, tôi muốn ăn chữ. Sài Gòn dạo này lại đổ lạnh và những con chữ co lại thành một vắt tin hin trong tận cùng đầu tôi. Nó chỉ ùa về và vỡ tung như bánh lương khô gặp nước mỗi khi tôi nhớ về Hà Nội hoặc tôi nghĩ về hai bàn chân của mình. Chiều nay khi đi trong hiệu sách, suýt chút nữa tôi đã trào nước mắt khi nhìn thấy cả một hàng sách dài về Hà thành. Và dĩ nhiên phải bước đi thật thẳng, đầu ngẩng hơi cao một chút để nước mắt không rơi khỏi ô mắt, đừng nhìn xuống hai bàn chân lúc này mặc dù trong những lúc buồn, tôi thèm khát được ngồi xuống ngay giữa phố và nắm lấy hai gót chân mình. Tôi không còn bé bỏng nữa để được Sài Gòn hay Hà Nội chở che ôm vào lòng. Hà Nội thì hấp hối còn Sài thành thì cô độc. Lỗi tại tôi đã đi mòn đi mẩy hết những con đường. Tôi đã mang xe lu càn qua hết cả chục phố để vĩnh viễn ký ức về những con đường ấy không ám ảnh tôi nữa. Tôi không chấp nhận làm kẻ thua cuộc trong cuộc đấu với trí nhớ. Và tới tận lúc này, khi đường phố vỡ vụn, tôi buồn là mình cũng chưa biết là thắng thua ra sao nữa.
Trên những con phố ấy ngày xưa, tôi đi với niềm ngấy chán dâng tột đỉnh vì hốt nhiên biết mình ngộ nhận. Bây giờ nghĩ lại, không lúc nào là tôi không lăn ra cười. Khi đó tôi tưởng tôi yêu, lại còn tưởng tôi say nữa, lại nữa thêm cả chuyện tưởng tôi bị lạnh nữa. Giờ nghĩ lại mới buồn cười, mình chả cảm thấy gì sất. Mình chỉ ngộ nhận thôi.
Hắn biết tôi có niềm ám ảnh với những ô cửa, rằng tốt nhất với tôi là những cửa sổ phải có chấn song. Nhưng hắn lại bảo tôi rằng “Mở cửa ra đi bé, nhìn xuống kìa, vui biết bao nhiêu.”
Ừ thì vui, đương nhiên rồi. Bay mà, không vui thì chết đi cho rảnh chứ đứng hoài trên cửa sổ chi? Hai đứa mình nắm tay nhau cùng bay qua cửa sổ Sài Gòn, nha bé yêu của em!

28.12.05
Mạn Vũ 

Friday, September 5, 2008

Nhớ những tựu trường

Bọn nhóc ở nhà đang làm lễ tựu trường, nhỉ! Năm nào ngày này cũng bâng khuâng, cũng thầm thì đọc lại cái không khí bàng bạc mùa thu trong văn Thanh Tịnh, cũng thèm trở về cái thời đi học còn mặc đồng phục. Bây giờ đi học mặc đồ ngủ cũng không ai nói gì, xứ này nó vậy.

Thời học Văn Khoa, đã có người hò hẹn tôi thức dậy và xuống phố cùng nhau ngày này, chỉ để cùng nhau lâng lâng một nỗi nhớ tuổi thơ, vậy mà lần đó, hai con ma thức đêm ấy ngủ khò khò đến trưa, đành chở nhau đi xem tan trường của khai trường vậy. Cũng là một kỉ niệm vui vui. Tháng chín những ngày yêu dấu ấy, rung rinh đóa hoa cúc bên đường.

Thời sinh viên thì việc in thơ đúng vào một dịp nào đó cũng là chuyện thú vị lắm (vốn có gì in đã thú vị rồi, có in nghĩa là có nhuận bút và có cơm ăn, cafe uống), nhất là khi cả bọn gom thơ in cùng trang trang báo, cứ hay nói đùa là “ngồi cùng mâm” ấy mà. Tựu trường, đã có một năm như thế. Không còn nhớ mình đã viết gì, bạn đã viết gì, bản thảo cũng không còn nữa, chỉ biết rằng, đã cùng nhau với những nắng trong, trời xanh, tiếng trống, tà áo trắng… vậy thôi.

Cũng có năm tựu trường mà đám bạn mỗi đứa một nơi, tựu trường của trẻ con thôi mà, vậy mà cũng bày đặt hò hẹn, dậy sớm nào, xuống phố nào, cũng nên cho lòng mình những phút giây dịu dàng, lang thang thầm lặng với những khuôn mặt thanh tú không điểm trang, mái tóc dài để xõa, hay cột nhong nhỏng cao, tà áo trắng vừa thướt tha vừa tung tẩy, những chiếc cặp da sậm màu và những vòng quay xe đạp. Khi ấy thì ở khu trung tâm Sài Gòn, hình ảnh mộc mạc dễ thương vậy đã bắt đầu khó kiếm rồi. Tuổi mới lớn bây giờ làm đẹp bằng son phấn sớm quá, tóc chẳng còn tự nhiên và xe máy xịn phóng vi vút chẳng chút e dè. Chắc mình già rồi nên chạnh lòng.

Ngoài trời đang mưa, lạnh buốt những tháng ngày xa nhà.

Tú Trinh

Wednesday, July 9, 2008

Con bướm băng qua đại dương


“... Nhưng đại dương có phải là một thực tại?
— Không, đại dương là một giấc mộng.” [*]
Thiền là một giấc mộng, một giấc mộng đặt trên một giấc mộng, một cơn sóng biển trào bọt đặt trên một cơn sóng biển trào bọt, một đại dương đặt trên một đại dương.
“... Nhưng đại dương có phải là một thực tại? Không, đại dương là một giấc mộng.”
Câu nói trên của Gottfried Benn, thi sĩ nước Đức; Gottfried Benn là Nguyễn Du của nước Đức ở thế kỷ XX.
“... Nhưng đại dương có phải là một thực tế không? Không, đại dương là một giấc mộng; một giấc chiêm bao.”
Tôi xin kể một giấc chiêm bao. Tôi nằm chiêm bao, tôi thấy tôi đứng trên một giảng đường và nói về Thiền học và Thiền tông, tôi thấy mọi người đều bỏ ra về. Tôi nằm chiêm bao thấy mình đứng trước một giảng đường trống người. Cả một giảng đường hoang trống như một nhà xác. Mọi người đều bỏ ra về. Tôi vẫn đứng và tiếp tục nói. Mấy chục hàng ghế trống đang nghe tôi nói. Không, có một người nào đó bỗng hiện lên và ngồi cuối giảng đường. Chỉ một người. Người ấy là ai, có phải người ấy là một con ma? Hai con mắt của người ấy đỏ hừng như hai cục than. Tóc bỏ dài đến mang tai. Người con trai ấy có phải là một con ma? Mọi người đều bỏ ra về. Chỉ còn có một con ma đang ngồi cuối giảng đường và nghe tôi nói. Rồi tôi cũng bỏ ra về và chỉ còn tiếng nói ở lại với hồn ma.
Tôi có quen thân với một thanh niên khoảng mười tám tuổi, tôi gặp anh ta tại Đà Lạt năm 1959. Tôi ở chung phòng trọ với anh tại một ngọn đồi thơ mộng tại Đà Lạt; hai năm sau, vào năm 1962, anh chết trước mắt tôi tại một tu viện trên một ngọn đồi Nha Trang. Anh có tên thơ mộng là Hoàng Đại Dương. Năm 1962, anh chết trước mắt tôi, một đại dương đi vào một đại dương.
“... Một dúm thời giờ lặng câm
trong cơn gió vèo ở vùng Sils-Maria” [**]
Thi sĩ Gottfried Benn gợi đến tên Sils-Maria, nơi mà Nietzsche đã sống cô liêu.
“... Một dúm thời giờ lặng câm
trong cơn gió vèo ở vùng Sils-Maria”
Tiếp theo câu trên, Gottfried Benn viết tiếp:
“... Sự thành tựu đều nặng nề những vết thương...” [***]
Hoàng Đại Dương chết trước mắt tôi, nặng nề với những thương tích. Anh đã thành tựu chưa? Anh không trả lời, vì anh chết đi mang theo:
“... Một dúm thời giờ câm lặng
trong cơn gió vèo ở vùng Sils-Maria”
Giống như Nguyễn Du chết đi mang theo “một dúm thời giờ câm lặng trong cơn gió vèo ở vùng Trường Sơn”.
Anh đã chết trước mắt tôi vào năm 1962 tại một thiền viện trên ngọn đồi ở Nha Trang. Chết trước mắt tôi, nhưng tại sao bây giờ anh lại ngồi trước mắt tôi ở cuối giảng đường? Có phải hồn ma của anh đang ngồi dưới đó? Chính hai tay tôi đã cầm xẻng để đào đất, để chôn quan tài anh ở dưới ngọn đồi gần biển... Chính tay tôi đã ném những cục đất cuối cùng vào quan tài anh, nhưng ngay giờ phút này, anh lại ngồi dưới cuối giảng đường như là còn sống? Hay tôi bị quáng mắt, bị hoa mắt? Tại sao tất cả đã bỏ ra về và không thấy anh, mà chỉ có tôi là nhìn thấy anh?
Tôi gặp anh tại Đà Lạt vào năm 1959. Dạo ấy, anh là giáo sư Anh văn tại trường Trung học Việt Anh ở Đà Lạt. Nét mặt anh xanh xao, gầy, hốc hác, vì dường như anh không bao giờ ngủ. Tôi ở phòng trọ chung với anh trong một biệt thự cho thuê. Tôi vẫn thấy đèn phòng anh sáng suốt đêm. Thỉnh thoảng, đêm khuya, tôi có nghe anh ho khan, một thứ ho khan của những người câm lặng, sống âm thầm bí mật. Phòng anh thường đóng kín cửa, có lẽ ban ngày anh không chịu được ánh sáng mặt trời. Có một lần anh bảo tôi rằng anh ghét thù mặt trời. Tôi cười và thú thực là không hiểu anh muốn nói gì. Nhưng có một lần tôi chợt hiểu câu nói của anh. Một hôm chiều, đi dạy học trở về, bỗng thấy từ trên đỉnh đồi đỏ sẫm, mặt trời lặn ngay trên đỉnh đồi, có một bóng đen từ trong mặt trời trên đồi nhô ra và đi xuống dưới đồi. Anh từ mặt trời bước ra và đi xuống, khi mình mờ mắt thì dễ thấy như thế.
Có một lần tôi hỏi anh:
— Anh là một kẻ đi ra mặt trời, từ mặt trời đi ra.
Anh ngạc nhiên trả lời:
— Chính mặt trời đã đi vào tôi, đi vào tim tôi. Lồng ngực tôi nóng ran, tôi chịu không nổi. Mặt trời là kẻ thù của tôi.
Sau này được dịp đọc sách về Thiền học, tôi mới hiểu rằng người tham thiền có khi suy tưởng về mặt trời và tưởng tượng rằng mặt trời đằng xa thu hình lại bé nhỏ và tiến rồi nhập một với trái tim; sự tưởng tượng ấy quá mạnh đến nỗi người tham thiền cảm thấy nóng ran, ấm nóng cả lồng ngực, ấm cả thân người.
Chẳng hạn như ở Hy Mã Lạp Sơn, có những đạo sĩ cởi truồng, không mặc áo quần, và vẫn ngồi trên tuyết lạnh. Nói theo danh từ nhà Phật thì họ chuyển lửa Tam muội. Nói theo danh từ thông thường thì đó là sức mạnh suy tưởng (những vị nào học triết Tây phương chắc còn nhớ Socrate đã đi hai chân không và đứng trọn đêm ngay ngoài trời tuyết, vì lúc đó Socrate đang suy tưởng và quên hết mọi sự, có người thức cả đêm để rình ông và ngạc nhiên khi thấy Socrate đứng sững trên tuyết như đinh đóng vào gỗ. Sức mạnh của tư tưởng đã cột dính Socrate, giống như con ruồi lằn bị dính vào keo. Dân ở thành phố Athènes thường gọi Socrate là “một con ruồi nhặng” vì ông hay quấy phá sự tự mãn tinh thần của dân chúng. Con ruồi ấy bị dính keo mà chết, chứ không phải bị chết vì uống thuốc độc như lịch sử truyền lại).
Dạo đó, tôi gặp anh Hoàng Đại Dương và chỉ biết mang máng về anh, nghe những người khác kể lại. Hình như anh có tham thiền gì đó. Sau này, anh chết trước mặt tôi. Cuộc đời anh, tôi được biết đại khái như sau đây, do bạn bè và người nhà anh kể lại (mặc dù anh thường nói với tôi rằng anh không có gia đình và không có bạn bè, đôi lúc khôi hài tịch mịch, anh nói: “Bạn bè của tôi là những con ruồi. Cha mẹ tôi ư? Anh có thấy những con chuột đẻ con không?” Anh nói rồi cười sặc lên như điên. Tôi, người bình thường không chịu được ngôn ngữ bất thường của anh. Cho nên, tôi bỏ anh đứng giữa đường khuya Đà Lạt. Dường như sáng hôm sau, anh vẫn còn đứng ở đó, lúc ấy Đà Lạt chưa có giới nghiêm).
Theo người ta kể lại thì anh là con một gia đình giàu có ở miền Nam. Cha mẹ anh triệu phú, rồi sau bị phá sản, trở nên nghèo khó hơn bất cứ người nghèo nào ở Việt Nam. Ngay lúc gia đình còn giàu, anh đã sống bất thường rồi, dường như anh khinh bỉ tiền bạc, không chịu sống đời sống giàu sang phú quí của công tử nhà giàu. Nghe nói lúc nhỏ, 13-14 tuổi, anh đã say mê Marxisme, đọc sách Marxisme suốt ngày đêm, và muốn làm cách mạng, đi vào bưng biền để đánh Pháp. Năm 16 tuổi, anh bị công an bắt nhốt vào xà lim và tra tấn. Mặc dù anh không phải là một người cộng sản, nhưng đầu óc anh nhiễm đầy tư tưởng Marx và Lénine, anh rất ái quốc và muốn làm một cái gì đó để chuyển hoá xã hội, anh không chịu nổi bất công, không chịu nổi sự đau khổ của con người Việt Nam. Dường như, theo người nhà kể lại, thì anh bị một người cán bộ khai tên chỉ điểm. Tất nhiên đó chỉ là khai gian thôi, vì anh không có tham gia một tổ chức chính trị gì cả. Sau một thời gian bị đánh đập, bị tra khảo đủ điều, thì anh bỗng được thả ra nhờ người nhà quyền thế can thiệp. Sau khi ra tù thì hình như anh không còn để tâm tới chính trị nữa, có lẽ không phải vì anh sợ bị tra tấn nữa, mà có lẽ vì anh nghĩ anh đã chết hụt một lần và anh không muốn chết hụt theo lối cũ, mà có lẽ chết hụt bằng lối khác. (Anh nghĩ rằng có một loại người sinh ra để làm Quang Trung hay Trần Hưng Đạo thì cũng có một loại người sinh ra để làm Nguyễn Du hay Hàn Mặc Tử. Không phải chỉ làm tướng là ái quốc thôi, mà sống với hồn thơ tuyệt đỉnh cũng là một cách ái quốc khác).
Thầm lặng hơn, Anh đã chọn con đường đi của Nguyễn Du. Và để cho những người khác làm Quang Trung. Thật ra không có sự chọn lựa, vì mọi việc xảy ra đều như cây mọc lá, tự nhiên như máu chảy trong cơ thể. Giòng máu anh là giòng máu thi sĩ, nghệ sĩ, chứ không phải máu của người hành động.
Hồi nhỏ, anh học trường thầy dòng, nhưng sau anh bỏ đạo và bỏ đi nhà thờ. Anh bắt đầu say mê ngất ngưởng với tiếng hét thịnh nộ của Nietzsche. Giống như phần đông thanh niên ở khắp thế giới, tuổi trẻ của anh đã bị ngấm độc, nhiễm nặng thuốc độc của Nietzsche. Tất nhiên, một người nào đã nhiễm bệnh Nietzsche thì chính trị, dấn thân, hành động, ái quốc, xây dựng lý tưởng, tôn giáo, vân vân, đều trở thành khói thuốc. Nietzsche dạy anh cõng tuổi trẻ của anh trên hai vai của chính anh. Từ một người gương mẫu, lạc quan, tin tưởng, đầy tinh thần vị tha, ái quốc, đầy tinh thần xây dựng, anh bỗng trở thành con người lạc lõng, bơ vơ, ích kỷ, buông rơi, kiêu ngạo, ngang tàng, khinh bỉ tất cả mọi sự, khinh bỉ cả những gì nhỏ nhoi trong người anh; anh luôn luôn đen tối, mắt đầy ngờ vực, lấy đêm làm ngày, “đêm bốc lửa, thế giới bốc lửa”. Anh sống như con thú dữ với cơn hoả hoạn bắn lửa trong đầu, trong tim và trong cuộc đời. Đã qua rồi ái quốc, đã qua rồi lý tưởng cao đẹp, đã qua rồi niềm tin sắt đá của tuổi thơ. Trong phòng anh, có kẻ chỉ thấy những hình ảnh của Nietzsche, Van Gogh, Rimbaud, Henry Miller và Dostoievsky. Nhưng một sớm đẹp trời nào đó, bỗng nhiên anh xé bỏ hết Nietzsche, Van Gogh, Rimbaud, Dostoievsky và Henry Miller. Anh tự cho rằng mình đã lớn, đã mạnh, đã đủ sức, thừa sức để đi một mình, đứng một mình, ngồi một mình và nằm một mình. Chỉ có một mình và một mình, anh sống một mình với một mình của anh. Đối với anh, tất cả giá trị đều sụp đổ, anh thấy rằng anh không còn hiểu gì nữa, anh bước đi trong bóng tối không thấy gì cả và chỉ bước đi trong bóng tối. Mọi người đều bỏ xa anh, bạn bè bỏ anh, gia đình bỏ anh, chính anh rồi cũng bỏ cả anh, anh chỉ còn là cái xác đi trong tối. Trong một đêm tuyệt vọng, anh lảo đảo như một người lên đồng. Tình cờ, anh dở quyển sách bỏ quên dưới đất. Quyển sách ấy là quyển Zen Buddhismcủa D.T. Suzuki. Anh không hề biết Zen là cái gì cả. Nhưng khi đọc tình cờ một câu trong quyển sách ấy:
— Làm sao tôi có thể nhập đạo?
Một môn đệ hỏi Thiền Sư, Thiền Sư trả lời:
— Con có nghe tiếng suối reo?
Thế thì đùng một cái, anh mới sực nhớ rằng anh đã sống cái đạo gọi là đạo Thiền trước khi anh đọc sách về Thiền. Toàn thân anh run rẩy, anh có cảm tưởng đi hỏng chân trên một đại dương.
Giai đoạn ấy là giai đoạn tôi gặp anh tại Đà Lạt. Bây giờ nhắc lại tôi vẫn còn được cái cảm giác đố kỵ với anh. Dạo ấy, tôi đố kỵ với điệu sống của anh, tôi thấy anh sống tràn lan như ống nước bể vòi, anh sống vô tâm như cỏ cây, chim chóc, anh yêu đời một cách khó giải thích, tôi cho rằng anh là một thằng điên, một tên gàn, một kẻ lập dị. Đôi lúc anh nói với tôi rằng anh chán đời, anh buồn, anh muốn tự tử, vân vân, nhưng trong cách nói của anh và cử chỉ của anh tôi hiểu rằng anh muốn nói: “tôi quá yêu đời, quá vui, quá sống, sống, sống...” Chữ “buồn” trong miệng của anh cũng vui lây nữa. Nếu lúc ấy anh có tự tử đi nữa thì tôi vẫn cho anh tự tử vì quá sướng, quá vui, quá đẹp. Khó thấy một người nào sống đã đời như anh, đôi lúc tôi ghen với những ý tưởng trong cái đầu bồng bềnh tóc của anh.
Tôi chắc những ý tưởng trong đầu anh chỉ là hoa vàng, hoa mai, hoa mận, bông cúc, bông hồng, cánh đồng xanh, chim bướm. Có một đêm anh hỏi tôi:
— Tôi là ai?
Tôi trả lời bằng lý luận:
— Anh là những gì tôi nghĩ về anh.
Anh vụt trả lời như một nhát gươm đập vào nước:
— Tôi trả lời cho câu hỏi anh rồi.
Tôi không hiểu, hỏi lại:
— Tôi đã hỏi gì đâu?
Anh lặp lại:
— Tôi là ai?
Tôi vụt lặp lại:
— Tôi là ai?
Vừa nói xong thì tôi vụt thấy rằng con chim vỗ cánh bên ngoài là con chim vỗ cánh trong đầu tôi. Cắt cái đầu tôi liệng đi thì con chim cũng mất theo. Lúc ấy, tôi cũng học đòi về Thiền Tông trong năm sáu cuốn sách của D.T. Suzuki, Alan Watts, Chang Chen-Chi, Hubert Benoit; tôi cũng có đọc quyển Pháp bảo đàn kinh và Vô môn quan và Truyền đăng lục. Có một lần tôi hỏi anh về D.T. Suzuki, anh trả lời:
— Chính nhờ D.T. Suzuki tôi mới biết đến Thiền, lần đầu tiên đọc D.T. Suzuki tôi có cảm giác leo lên núi Hy Mã Lạp Sơn, tôi lạnh cả người, nhưng bây giờ tôi coi D.T. Suzuki như con gà mở cửa mả...
Tôi hỏi lại:
— Nghĩa là thế nào?
Anh hỏi lại tôi:
— Anh có tin rằng người chết trở lại?
Tôi trả lời:
— Tôi tin có.
Anh nói lại:
— Tôi chỉ học được D.T. Suzuki rằng người chết không có trở lại và cũng không không có trở lại.
— Nghĩa là làm sao?
— Nghĩa là anh phải chết.
— Nghĩa là làm sao?
— D.T. Suzuki chỉ lặp lại những kinh điển một cách dễ hiểu theo ngôn ngữ thời đại, còn kinh điển chỉ lặp lại một cách dễ hiểu những gì không thể lặp lại.
— Như những gì?
— Như giấc mộng, như cái chết.
— Đạo Thiền là đạo sống.
Anh vội nói lại:
— Sống là chết, bắt chước D.T. Suzuki, bắt chước những Thiền sư thì chúng ta có thể nói như vậy, nói rằng sống là chết, Niết bàn là Luân hồi, khổ là vui, vân vân, không có mà cũng không không, vừa có được sự im lặng cũng là vừa nói, vân vân, nhưng tôi đang chết.
— Biết rằng mình đang chết là sống.
Anh nói lại:
— Nếu anh có thích lý luận thì cứ lý luận.
Tôi hỏi anh:
— Tại sao có một Thiền sư nói rằng gặp Phật thì giết Phật, gặp Tổ thì giết Tổ?
Anh trả lời:
— Gặp Phật thì Phật chết, gặp Tổ thì Tổ chết.
— Nghĩa là làm sao?
— Nghĩa là cái chết gặp cái chết.
— Cái chết gặp cái chết thì làm sao?
— Thì anh không hỏi “làm sao” nữa...
— Heidegger có nhắc lại câu của Abraham a Sancta Clara: “Kẻ nào chết trước khi chết thì không chết lúc hắn chết”. Phải chăng anh muốn nói rằng cái chết gặp cái chết thì sống mới bùng dậy lại?
— Tôi không hiểu.
Tôi đã thuật lại câu chuyện giữa tôi và anh. Nhưng tôi không thể diễn tả lại ấn tượng lạ lùng trong tâm thức tôi, tôi vừa nghe anh nói: “tôi không hiểu” thì tôi có cảm giác bất chợt rằng một trái sung chín vàng rụng vào cái miệng hả rộng của anh khờ.
Sau này, tôi có nghe anh cạo đầu đi tu. Tôi rất lấy làm lạ, vì theo tôi nghĩ thì anh không cần tu cũng là tu rồi. Đối với tâm hồn như anh,tu hay không tu cũng thế thôi. Nhưng đôi lúc tôi cũng nghĩ rằng tu cũng là một chuyến đi chơi dài của anh vào những đồng cỏ bát ngát tịch mịch. Lúc tôi gặp anh tại một tu viện ở Nha Trang, tôi có hỏi anh:
— Thiền học là gì?
Anh trả lời:
— Là học về Thiền.
Tôi hỏi lại:
— Học cái gì, học làm sao?
— Học thở.
— Phải học thở thế nào?
Anh hỏi lại:
— Không phải anh đang thở đó sao?
Tôi hỏi:
— Thiền Tông là gì?
— Là một Tông phái đề cao hơi thở.
— Tại sao phải ngồi để thở?
— Vì ngồi thẳng lưng dễ thở, nhưng đối với một người có nội công, nội lực thì đi cũng thở, đứng cũng thở, làm gì cũng dễ thở. Chỉ chán đời thất vọng u sầu khi nào hơi thở bị nghẽn.
— Tại sao những Thiền sư đốt tượng Phật, chặt đầu mèo, phá giới, coi kinh điển như giấy bẩn?
— Vì họ muốn giải thoát hơi thở.
— Không, họ chỉ phá hoại?
— Phá hoại thiếu hơi thở (gọi là phá hoại hụt hơi) khác hẳn với phá hoại qua hơi thở.
— Anh chỉ ngụy biện!
— Như thế không còn vấn đề gì nữa đáng nói.
Tôi im lặng. Anh cũng im lặng và mỉm cười thoải mái. Đến năm 1962, tôi nghe người ta báo tin anh chết một cách đột ngột. Tôi vội leo lên Thiền viện ở đồi Nha Trang, tôi nhìn anh nằm dài thản nhiên, mắt anh nhắm lại như nằm mộng, tôi chợt nhìn thấy một con bướm nhỏ đủ màu đậu ngay giữa trán anh. Tôi vừa đọc xong câu chú chữ Phạn: “Gate, gate, paragaté, parasamgaté, bodhi, svaha!” thì con bướm vụt bay đi, băng qua đồi, tôi nhìn theo và thấy con bướm bay sang biển.
“Nhưng đại dương có phải là một thực tại? Không, đại dương là một giấc mộng.”
Anh chết đi và để lại niềm bí ẩn cho tôi, câu hỏi trước kia mà tôi đã từng hỏi anh:
— Thiền học là gì? Thiền tông là gì?
Anh vẫn chưa trả lời cho tôi, tất cả còn lại cuộn giấy nhàu tôi lượm ở dưới giường anh nằm. Đó là một cuộn giấy dơ mà anh viết chằng chịt, giữa những giòng chữ đen, anh thường hay vẽ những vòng tròn, tôi không hiểu tại sao anh thích vẽ những vòng tròn như thế. Giữa những giòng chữ bôi đen, tôi còn đọc được những đoạn mà anh viết về Bồ Đề Đạt Ma, tổ sư đệ nhất của Thiền Tông.
Anh chết đi và không trả lời cho câu hỏi mà tôi thắc mắc bao nhiêu năm nay.
Đứng trước thân xác anh nằm dài, nhắm mắt chết nhẹ nhàng như giấc mộng, tại ngọn đồi ở Nha Trang năm 1962, tôi muốn hỏi thầm:
— Thiền học và Thiền Tông là gì?
Vừa hỏi thầm thế, rồi khi vừa tụng xong một câu thần chú chữ Phạn: “Gate, gate, paragaté, parasamgaté, bodhi, svaha...”, khi tôi vừa dứt chữ “bodhi svaha!” thì bỗng con bướm đủ màu giữa vầng trán anh vụt bay ra khỏi phòng, bay khỏi đồi, bay lượn băng qua biển xanh, “biển xanh trộn lẫn với mặt trời.”
— Thiền học và Thiền Tông là gì?
Câu hỏi không được trả lời. Tất cả còn lại chỉ là một câu thần chú chữ Phạn và một con bướm màu băng qua đại dương.


------------------------------------------------------------------------------
Trong cuốn Bay đi những cơn mưa phùn của Phạm Công Thiện
(Sài Gòn: nxb Phạm Hoàng, 1970)
Phạm Công Thiện 


_________________________
Phụ chú của Hoàng Ngọc-Tuấn:
[*]Nguyên văn tiếng Đức của câu này là “aber ist das Meer eine Wahrheit - nein, es ist ein Traum”, trong Epilog und lyrisches Ich (1927) của Gottfried Benn, in lại ở phần II: Prosa und Autobiographie, trong Gottfried Benn, Gesammelte Werke in der Fassung der Erstdrucke, hg. von Bruno Hillebrand, 4 Bände [I: Gedichte, II: Prosa und Autobiographie, III: Essays und Reden, IV: Szenen und Schriften] (Frankfurt/M.: Fischer 1982–1990), trang 242.
[**]Nguyên văn tiếng Đức của hai câu thơ này là “Heißt: ein paar schweigende Stunden / in Sils-Maria-Wind”, trong bài thơ “Dennoch die Schwerter halten” (1933) của Gottfried Benn, đăng lần đầu trong Deutschen Allgemeinen Zeitung Nr. 368/369, ngày 27.08.1933.
[***]Nguyên văn tiếng Đức của câu thơ này là “Erfüllung ist schwer von Wunden”, trong bài thơ “Dennoch die Schwerter halten” (1933) của Gottfried Benn, xuất xứ như trên.

Còn tuổi dại


Một người bước. Đường Tự Do. Buổi chiều. Đông người. Nó bước. Đôi mắt chết. Quá khứ. Buồn. Một điệu nhạc. Nó đi trên buổi chiều. Ai?
Tôi tên là gì?
Có cha?
Có mẹ?
Và người thân quyến thuộc?
Ai đang bước đi đây?
Nó bước qua xa lộ. Một chiếc taxi chạy tới. Xe vụt qua sát nó.
Tại sao mình còn sống?
Một chiếc xe khác vụt qua. Nhẹ nhàng.
Mình thử lao đầu vào xe xem sao?
Chết?
Nhẹ quá. Nó bước qua đường.
Ai đang bước qua đường?
Hai người Mỹ đang nói chuyện. Nó chợt thấy nó đang đứng trong một tiệm sách. Lật vài trang. Không tiền. Bước ra. Nó nhìn lên trời. Đen. Nó đứng lại nhìn mười ngón tay. Của ai?
Bước qua đường. Không xe. Bến tàu Saigon. Hoàng hôn. Nó ngồi thòng chân xuống nước. Chân ai? Gió. Nhẹ nhàng quá. Nước chảy đen. Nhảy xuống xem sao.
Dễ dàng quá. Không. Không. Đứng dậy. Nó bước ven bờ sông. Nó lại ngồi xuống. Nhìn xuống đất. Nhìn xuống dòng nước đen. Nhảy xuống xem sao? Không. Thôi đứng dậy. Nó đi ven bờ sông. Nó lại ngồi xuống. Nhìn xuống đất. Trời tối. Một chiếc lá khô. Nó cầm lên xem. Chiếc lá dễ thương. Nó ngửi mùi thơm chiếc lá. Gây gây. Nó làm bạn với chiếc lá. Nó nói chuyện. Chiếc lá lắng tai nghe. Hoàng hôn thiu thiu ngủ trên dòng sông. Thành phố đang ngủ. Chỉ có một người còn thức với một chiếc lá.

*

Chiều hôm nay, tôi đến Nha Trang. Còn đúng năm đồng. Hành lý của tôi là một cuốn tự điển. Thành phố này dễ ghét. Cũng mấy cái nhà khô khan chán đời ấy. Cũng mấy con đường nhăn nhó khó chịu. Tôi chỉ muốn cả thành phố này tiêu tan hết đi. Chỉ còn lại vùng bãi biển thôi. Thành phố này làm dơ bẩn biển xanh. Hai năm trước tôi đã sống ở đây và dạy học. Tôi là giáo sư? Tôi muốn mửa máu. Cái nghề ấy không khác gì nghề bordel. Mửa. Tôi sợ mấy trường học như mấy nhà tù. Ừ, nhà tù còn tự do hơn.
Buổi chiều, tôi bước đi ven theo bãi biển, sóng vỗ ầm lên. Mi im lặng không? Chán quá. Ta mệt lắm rồi. Sóng vẫn vỗ ầm lên.
Tôi bực tức. Tôi ngồi xuống bãi cát và hồi hộp nhìn về phía sóng vỗ. Sóng vẫn cứ vỗ ầm lên. Tôi thấy một cơn hư vô dễ sợ từ từ xuất hiện nơi mặt đen đen kia. Gió thổi lạnh. Tôi áp cuốn tự điển vào ngực cho ấm. Tôi ôm chặt quyển tự điển như ghì ôm một người.
Nó nằm ngủ quên bãi cát: đến khuya, chợt thức giấc, nó bàng hoàng nhìn lên trời. Trời đen quá. Biển cũng đen. Gió buốt lạnh. Sóng vẫn ầm ầm. Sự im lặng cũng đen. Nó thấy hết cô độc. Tay nó bồng quyển tự điển như bồng một người bé bỏng. Nó ôm chặt quyển sách vào tim. Mặt trăng lên quá cao. Màu trắng ám ánh đen. Nó đứng dậy bước về phố chợ và tìm chỗ ngồi, chờ sáng.

*

Đêm nào cũng thức đến hai ba giờ sáng.
Không làm gì chỉ ngồi nghe lá cây mọc trên mười ngón tay
Tôi ngửi mùi địa ngục trên gió rừng thơm ngát
Tiếng ca của người con gái sống trọn đời ở nghĩa trang
Tiếng ca của người đi đường hai chân bước xuống hải đảo lá cây đem về ướp giữa hai trang giấy thành thị
Tôi cười trong bóng đèn ma dại
Anh trở về hôn những phiến mùa hè hôi mùi rong
Anh lên đường tiếp đón hai con chó dại nằm giữa đống phân bò
Anh ca hát
Ôi thung lũng
Ôi khăn tay
Ôi đôi mắt cận thị
Xin cúi chào hơi thở

*

— Con về nhà ở với cha mẹ đi con.
— Con không về được.
— Tại sao?
— Con không biết?
— Dù sao thì Tết đến, con cũng phải về ở chung với cha mẹ và mấy em cho vui. Chứ con cái gì mà Tết đến lại cứ đâu mất.
— Con không thể về được.
— Tại sao?
— Con ghét thành phố Mỹ Tho.
— Tại sao?
— Con thù ghét thành phố ấy.
— Dù sao đó cũng là quê hương nơi con sinh đẻ.
— Con không có quê hương.
— Thôi đừng nói bậy. Con phải vâng lời cha mẹ đi con. Anh em mầy khó dạy quá. Chúng bây làm tao buồn khổ. Tao sẽ chết sớm.
— Con lớn khôn. Ba má cứ để mặc con.
— Mới chừng hai mươi mà tưởng như khôn lắm rồi, con còn dại lắm, con ạ. Con chưa biết lo đến thân con.
— Ba má đừng bận tâm. Con có đủ trí khôn để lo thân con.
— Thế sao con cứ lông bông mãi? Sao con không làm việc gì hết? Phải lo cho tương lai chứ. Không lẽ suốt đời con cứ viết báo lăng nhăng hoài?
— Vâng, con thích lông bông. Và việc viết lăng nhăng ấy chỉ để lấy tiền trả cơm.
— Con hãy nghe lời cha mẹ.
— Dạ.
— Con hãy về sống với cha mẹ. Mấy em hỏi con luôn. Cha mẹ có tuổi rồi. Con phải nghĩ đến mấy em con.
— Còn anh hai đấy. Anh ấy lo cho chúng nó được.
— Không biết bao giờ anh mầy nó mới về? Lâu quá ư, tại sao bấy lâu không thấy nó viết thư về nhà.
— Chắc anh ấy bận học. Anh ấy hiện đang ở đâu?
— Anh mầy nó đã dọn chỗ ở. Bây giờ nó lên ở tại Nantes.
— Chứ không phải ở Redon nữa sao?
— Nó dời chỗ rồi. Thằng đó cũng kỳ. Anh em mầy cũng hệt như nhau. Tại sao nó không gửi thư về cho ba má. Lâu quá, má mầy cũng sợ không biết nó có đau bệnh gì không? Con hãy viết thư cho anh con đi; Tết đến rồi, nó ở một mình nơi đất lạ quê người.
— Anh ấy… Có gì đâu tội nghiệp?
— Tại sao anh em mầy không thương yêu nhau?
— Con thù anh ấy!
— Đừng nói bậy con ạ. Nó viết thư về ba ám, trách rằng đã ba năm rồi mà nó chẳng bao giờ nhận được thư con. Nó thương con lắm.
— Con làm biếng viết thư.
— Không phải tại anh con đâu. Con không hiểu hoàn cảnh gia đình.
— Con hiểu. Tại số mạng. Nếu bây giờ con đang ở Pháp thì…
— Thôi, con đừng nhắc đến chuyện ấy nữa. Đừng đổ lỗi cho anh con.
— Nhiều khi, con đi xem ciné thấy những đường phố Paris thì nước mắt muốn chảy dài.
— Thôi con đừng nhắc đến chuyện ấy nữa. Con hãy nghe lời cha mẹ mà trở về sống với cha mẹ; nhiều khi má mầy đọc báo mà mỗi lần thấy có tai nạn chi, má mầy sợ cuống cả lên, má mầy cứ sự mầy đi bậy bạ đâu đó rồi bị nạn… Con đừng nên làm cha mẹ đau khổ.
— Thưa ba má, con thương ba má lắm.
— Sao con không về?
— Con ghét thành phố Mỹ Tho. Con ghét ngôi nhà của mình. Con ghét những người ở thành phố ấy.
— Đừng nói bậy con ạ, dù sao ngôi nhà ấy cũng là nơi con lớn khôn.
— Tại sao ba má không bỏ Mỹ Tho mà đi nơi khác?
— Đi đâu bây giờ, hở con. Bây giờ thì cứ tạm sống lây lắt chờ ngày anh con nó đi du học về thì nó gầy dựng lại. Vả lại, cha mẹ phải ở lại Mỹ Tho cho mấy đứa em của con nó đi học. Thằng Cang nó học giỏi lắm, cứ đứng nhất mãi. Thế mà cứ đổi trường hoài, sợ nó học không được thì tội nghiệp nó.
— Còn mấy em khác vẫn mạnh?
— Vẫn mạnh. Mấy em nhắc con luôn. Con về đi con, cho chúng nó mừng.
— Con không thể về được. Mấy em chắc lớn?
— Ừ, tội nghiệp chúng lắm con ạ. Ngày nào giàu sang, chúng nó ăn uống sung sướng mà bây giờ chúng nó phải ăn uống khổ cực, ba má phải rướm lệ. Mỗi lần, ba má dọn cơm lên là chúng nó ăn ngốn ngấu thật là dễ thương, chúng nó thèm quá con à. Mấy năm trước, chúng nó có bao giờ chịu ăn cơm, chỉ ăn hàng bậy bạ, mà bây giờ nghèo thì chúng nó ăn cơm trông dễ thương lắm. Còn thằng Hùng nó cũng giống con.
— Năm nay nó học lớp mấy rồi, ba má?
— Nó học lớp ba trường tiểu học. Suốt ngày, nó cứ vẽ hình hoài và cho tiền bao nhiêu nó đều lấy đi mua sách đọc. Thôi con ạ, con hãy về ăn Tết với ba má. Con không biết rằng ba má thương con lắm.
— Không, ba má chỉ…
— Đừng nói vậy, con ạ. Ba má đều cưng bằng nhau. Đứa nào cũng như đứa nào…
— Bây giờ nghèo rồi, ba má mới lo đến con, mới thương con. Chứ hồi ba má còn giàu sang, ba má đã bỏ con – bỏ quên con. Ba má không hề lo đến con. Ba má không hề lo đến con. Ba má chỉ lo đến anh hai.
— Con vẫn nói mãi như vậy. Không phải thế đâu.
— Thôi ba má về đi, con không về đâu.
— Con ạ, con không hiểu ba má.
— Ba má cũng không hiểu con.
— Con ạ.
— Dạ.
— Nhiều lúc, giữa lúc khuya, ba mầy bỗng thức dậy và quỳ xuống trước bàn thờ Đức Mẹ mà đọc kinh cầu nguyện cho mầy với anh mầy. Ba mầy thì thầm lạy xin đức Mẹ cho chúng mầy vẫn khoẻ mạnh. Ba mầy vẫn nói với má rằng ngày nay ông chỉ sống được là nhờ hai đứa bây. Mấy em đều nhỏ dại. Chỉ có hai anh em bây là lớn. Ai cũng bảo ba má rằng ba má phải hãnh diện. Vì người ta ở Mỹ Tho đều nghe tiếng con và phục tài con. Anh hai con cũng phục tài con. Anh hai con nó cũng học giỏi. Ai cũng khen ngợi ba má. Từ ngày gia đình mình sụp đổ tiêu tan thì họ bắt đầu khinh bỉ gia đình mình, nhưng họ vẫn đều kính trọng hai con và vẫn luôn luôn khen ngợi ba má. Tủi thân lắm con ơi. Khi mình giàu sang nhà lầu xe Huê kỳ thì họ đều sợ mình. Giờ đây, gia đình mình tan nát thì họ bàn tán lắm, nhưng họ nói là nhờ phúc đức của ba mầy mà gia đình mình còn hai đứa con trai học giỏi như vậy. Ba má chỉ còn an ủi nơi hai con. Thằng anh con nó ở Pháp chắc còn lâu mới về. Không biết chừng nào nó mới lấy xong tiến sĩ? Còn con, bây giờ anh ở xa, chỉ có con là lớn khôn và ở gần nhà cha mẹ, tại sao con lại không về sống với cha mẹ mà lại cứ sống lông bông vô định mãi như thế này? Tao nói mà bây không chịu nghe lời tao thì tao chết đi rồi ăn năn hối hận nhé.
— Dạ… Dạ… thôi con chịu về. Ba má về trước đi, rồi ngày mai, con về sau.
— Thôi đi con, về luôn với ba má bây giờ đi.
— Dạ… con còn lo sửa soạn đồ.
— Mai, con về nhé. Đừng để cha mẹ đợi. Đừng nói láo với cha mẹ…
— Dạ…
Hắn vừa bước đi và tưởng tượng đến ngày mai, ngày hắn về Mỹ Tho. Hắn thấy một con đường hiu hắt. Một thành phố hiu hắt. Hắn thấy một dãy nhà lầu nhiều tầng. Nơi đó, mấy năm trước, lúc còn sống sung sướng thừa thãi cùng cha mẹ, có nhiều lần đứng trên lầu cao, hắn muốn nhảy xuống. Hư vô. Hắn thù ghét giàu sang. Hắn chỉ thấy ti tiện. Hư vô. Giờ đây gia đình đã bị phá sản tơi bời. Xe cộ bán đi. Dãy nhà cao (đầy hư vô ấy) đã bị sai áp. Nhưng cha mẹ và mấy em còn được ở tạm nơi ấy. Gia đình bị phá sản tận gốc. Nhưng hắn không buồn. Và hắn cũng không vui. Vẫn trơ trơ. Rồi từ đó, hắn đi dạy học và dạy thật nhiều để nuôi gia đình. Hai ba năm trôi qua. Hắn chỉ cỏn lại một thân thể bệnh hoạn. Cả người hắn chỉ là một cái máy. Tâm trí hắn mất cả quân bình. Hắn thấy hắn đã chết đi, tàn tạ và khô héo đi giữa cuộc đời. Cha mẹ hắn vẫn than một bầy em đông quá và ông ngoại lại bệnh nặng phải nằm nhà thương, thành ra tiền lương dạy học của hắn có nhiều đến đâu, cũng không thể nuôi đủ cả gia đình. Hắn dạy thêm nữa. Cha mẹ hắn vẫn than khổ. Hắn dạy cả ngày lẫn đêm. Hắn mới được khoảng hai mươi tuổi. Thế mà hắn đã quên cười từ lâu. Người hắn bơ phờ ra. Hắn thù ghét nghề dạy, nhưng càng thù ghét lại càng bị bắt buộc phải dạy thật nhiều. Mỗi tuần, tuần nào cũng như tuần nào, hắn phải xuống Sài òn, dạy 3 ngày rồi lại lên Đà Lạt dạy 3 ngày, hắn làm việc hơn một con trâu. Hắn chôn tuổi trẻ. Thế mà gia đình hắn vẫn than khổ. Hắn bơ phờ. Tâm thần hắn dấy loạn cả lên. Hai mươi tuổi: đổ vỡ. Tình yêu không có, hắn nhớ lại rằng cha mẹ hắn ngày xưa không thương yêu hắn. Ông bà chỉ lo làm giàu. Tiền. Tiền. Tiền. Hắn phẫn nộ. Hắn nhớ lại rằng ngày trước cha mẹ có tiền của đầy ứ như vậy, mà mỗi lần hắn xin tiền mua sách thì hắn lại bị rầy la. Đọc gì mà đọc mãi vậy? Đọc gì mà đọc nhiều thế? Đọc sách có ích lợi gì? Đọc cho nhiều rồi cứ ngồi đó mà khinh chê tiền bạc. Tiền bạc là trên hết. Nếu tao không có tiền làm gì mày ăn sung mặc sướng và có tiền mua sách đọc? Đồ học nhiều rồi ngu. Tiền là trên hết. Có tiền mua tiên cũng được. Hắn nhớ lại những lời trên. Những lời mà mẹ hắn thường mắng hắn, lúc gia đình còn giàu sang phú quý. Hắn muốn điên lên. Tiền. Tiền. Cha mẹ chỉ dạy con thế! Tiền. Hắn phẫn nộ. Vâng, nếu cha mẹ đừng mê tiền thì ngày nay gia đình không đến nỗi đổ vỡ tang thương như thế này, ngày nay hắn không đến nỗi phải bơ phờ thác loạn vì phải dạy học cực khổ như vậy. Nếu cha mẹ đừng mê tiền mà lo để ý đến chúng con một chút thì ngày nay dù có nghèo khổ, con cũng cảm thấy được hạnh phúc ấm áp. Con đang quá bơ vơ đau khổ. Con cảm thấy thiếu thốn quá nhiều. Ngay đến tình mẫu tử, con cũng không có. Cha mẹ đã thương yêu tiền bạc nhiều hơn là con. Người ta không thể sống được nếu không có chân trời. Tình yêu ban đầu đổ vỡ. Tình cha mẹ: không có. Con muốn chết. Ý nghĩ tự tử ám ảnh con. Con chôn vùi tuổi thơ con trong sách vở. Cha mẹ đã rầy mắng con khi thấy con thức suốt đêm này đến đêm nọ để mê mải đọc sách. Tuổi trẻ của con đã đi qua trên từng đống sách. Vâng, cha mẹ đâu có bao giờ biết rằng con đã quá bơ vơ lạc lõng đến nỗi con phải có ý định tự tử. Ý định ấy quá hồn nhiên. Con muốn thức suốt đêm, thức suốt tháng nọ đến tháng này để đọc sách, đọc, đọc, đọc cho đến mệt, đến gục đầu thở thì thào trên trang giấy, đọc cho đến gầy yếu cả người và đọc sách cho đến chết mòn tắt thở trên trang giấy. Con ngây ngô lắm. Con muốn tự tử bằng cách ấy. Cha mẹ nào hiểu. Kết quả của sự tự tử hụt ấy là phổi con bị nám. Khi con được lành bệnh thì sách vở đã trở thành hơi thở dinh dưỡng. Con không dùng sách để làm phương tiện tự tử như hồi xưa. Sách trở thành một nơi nương náu cho tâm hồn cô độc của con. Con trú ẩn trong sách. Sách thay thế cha mẹ. Sách thay thế cha mẹ mà chăm sóc con và thương yêu con. Con bắt đầu thấy rằng cuộc đời có ý nghĩa và đáng sống. Thế rồi bỗng nhiên gia đình phá sản. Con không được quyền sống với sách vở nữa, con phải đi dạy học để cung phụng gia đình. Con phải dạy suốt ngày và dạy cả đêm. Dạy xong thì cả người mệt thừ ra, con nằm sải tay sải chân, thở hổn hển, ngủ thiếp đi trong ác mộng. Sách xa con: tình yêu xa con: tình cha mẹ xa con. Con chỉ còn lại một cái xác không hồn. Tâm hồn con trở nên thác loạn. Con không còn hiểu gì hết. Con muốn chết. Con thấy sự chết đẹp quá. Con thù ghét cả mọi người. Con thù ghét cả nhân loại. Con thù ghét trường học. Bước vào lớp dạy, con mắng chửi học trò con. Con hầm hừ với hiệu trưởng. Con hậm hực với mọi người. Và một hôm, con bỏ trường mà đi. Con nghỉ dạy, con sống lông bông ở Saigon. Nghèo. Không tiền ăn cơm. Bạn con giúp con. Con sống lây lất. Chán. Đen tối. Mệt. Đau khổ. Lang thang khắp đường phố. Không nhà. Ăn xổi ở thì. Tủi nhục.
Đi ăn mày từng đồng bạc với mấy thằng bạn. Con thù ghét lòng nhân đạo của chúng nó. Viết báo để sống. Nhưng không có phòng để viết. Nghèo túng. Lo sợ. Thao thức. Lang thang. Bước vào thư viện để viết. Nhưng lại viết không được. Viết không ra. Vì đầu óc đầy chán chường khắc khoải. Không làm gì được, thấy vô dụng. Rồi chẳng đi về đâu. Thôi, chết đi cho rồi. Con thù ghét mọi người. Xã hội: Merde. Văn chương triết học: Caca. Trách nhiệm: Merde! Đen tối. Chết. Nặng. Chóng mặt. Rien. Nhiều lúc con sợ con điên. Nhiều lúc con lại thích điên. Nhiều lúc con muốn vào tù, để sống một đời mới. Hạnh phúc? Xa xôi. Con cười, rồi con khóc. Nhiều lúc nước mắt không chảy ra. Sương mù. Hoàng hôn. Hư vô. Tâm hồn lạnh lùng. Khô khan. Hết biết giận ghét. Hết biết nhớ thương. Trơ trơ lạnh lạnh. Thản nhiên một cách nguy hiểm.
Và bây giờ, cha mẹ bảo con về sống với cha mẹ ư?
— Không, con không thề về. Con sẽ không bao giờ trờ về. Thôi ba má trở về đi, con không thể nào về được.
Đôi mắt của cha mẹ tôi rưng rưng muốn khóc. Tôi lạnh lùng. Cha tôi nhét vào túi tôi một tấm giấy một trăm đồng và ông bà thn thờ bước đi, hai người dắt tay nhau băng qua đường phố. Hai người ấy là ai? Tôi thấy xa xôi quá. Nắng vàng lên hai mái tóc hơi bạc. Tôi đứng trơ trơ im lặng nhìn theo.
Tối đêm ấy, thần kinh tôi bị khủng hoảng và tôi rú suốt đêm như một oan hồn
Tôi gục đầu giữa những bàn ghế ở thư viện
Đôi mắt nhìn theo tờ lịch tàn nhẫn mưa vẫn còn rơi hay đã dứt tại sao tôi cứ nói mãi hai chữ cuộc đời. Cuộc đời là trời mưa lấy bàn tay dơ bẩn che tôi cận thị cho khỏi ướt nước mưa để có thể trông thấy đường đi đông xe cộ ở giữa Saigon
Tôi bước vào thư viện một thư viện ở đường Nguyễn Huệ rồi bây giờ là thư viện ở đường Gia Long tôi ngồi nhìn người con gái trả sách đi về tôi nhìn với đôi mắt của một người chết đuối giữa những ngày chim kêu ầm lên cả mái nhà thư viện mỗi thư viện là mỗi cô gái giang hồ bạc phước mà tôi là người khách dâm đãng thường năng lui tới để trốn gió trú mưa để quên đi rằng tôi là tôi để quên rằng tuổi trẻ quá buồn
Tuổi trẻ buồn như người thổi kèn mỗi khi chờ đợi đến lúc trỗi nhạc thường hay ho húng hắng có lẽ người thổi kèn mắc bệnh lao mà vẫn phải thức suốt đêm để thồi kèn mua cơm cho một bầy con
Tuổi trẻ buồn như nàng ca sĩ thướt tha cất giọng triền miên để rồi không ai vỗ tay ca ngợi
Tuổi trẻ buồn như điếu thuốc đốt cháy cháy đi cháy đi cháy đi cháy đi hỡi thanh xuân hãy cháy đi và sau cùng cuộc đời rút lại chỉ là một đống tro trong một đồ gạt tàn thuốc im lặng tôi ngồi đây đọc từng trang Plexus của Henry Miller tiếng còi của người cảnh sát ở dưới đường phố hoà lẫn cùng tiếng ca tha hương nhí nhảnh của Connie Francis tôi nhớ lại những dàn nhạc đêm khuya đèn tối có hai ba bốn người trai thường ngồi hút thuốc uống bia hay cà phê và nghe tiếng hát của cuộc đời mỗi người vi vu trong mắt trong môi trong tóc của nàng ca sĩ Liêu Trai
Lôi nó xuống lôi nó xuống
Đừng để nó nằm đây
Lôi nó xuống
Tôi đang nằm ngủ nửa mơ nửa tỉnh và nghe tiếng nói của quỷ ma gọi tôi thức dậy và tôi ngó ra cửa sổ mây trắng tràn lan làm tôi nghẹn hơi thở của tôi tôi cố mỉm cười tự nói rằng tôi hạnh phúc tôi tự nói rằng tôi yêu đời
Đừng than thân trách phận
Đừng than thân trách phận
Tuổi trẻ quá buồn nhưng tôi không còn đau khổ tôi hết than đau khổ
Lôi nó xuống
Lôi nó xuống
Sáng nay tôi nhìn ra cửa sổ trông thấy một bầy quạ bay đậu trên trái tim tôi nói rằng cuộc đời hôm nay đã tốt đẹp vô cùng bầy quạ ấy màu đen chứ không phải màu trắng tôi đi tìm màu đen để sơn ngôi nhà tương lai cho hậu thế tươi cười đón đợi gió trời thổi tự nghĩa trang mang về biển sâu thuyền đi lốm đốm sóng nhỏ lao xao một bầy chuột rừng múa hát tôi chạy theo thanh bình trốn thoát chiến tranh ngủ vùi mắt mỗi đêm mộng thấy trường học quái ác cứ muốn ám ảnh tâm hồn non dại của người sợ hãi cửa trường nghiêm nghị tôi hằn học với mọi người chỉ có tôi quan trọng tiếng lá tự do nô đùa đêm dài mang nặng hờn oan xanh đậm tiếng thợ thầy cãi cọ lôi thôi tôi muốn trườn mình sống hết ngày hôm nay cho vẹn nghĩa nắng thành thị sơn mái nhà im lặng tôi không im lặng vì cuộc đời giải phóng một người thi sĩ không thích làm thơ lục bát em anh
Cuộc đời đi hoang giữa phố
Khuya chăng?
Cuộc đời dưa hấu đỏ tươi
Khuya chăng?
Lá me ôi lá me xanh từng chùm bông gòn thắm màu nhuộm áo người con gái của thuở ban đầu xanh lá cây
Mấy con kiến nhỏ đi hoang trên bờ cỏ xanh
Cuộc đời ngồi giữa ngả ba đường
Khuya chăng?
Mỗi chiếc xích lô chở nỗi niềm cô đơn của người gái giang hồ trở về ngủ vùi trong đêm tối lá me
Khuya chăng?
Cuộc đời trở về thức nghe gió về trên những lá me li ti tóc nàng con gái ban đầu
Khuya chăng?
Cuộc đời truy hoan với những lá me trên hè phố nửa đêm
Khuya chăng?
Con kiến ngơ ngác ngồi trên lá me vàng úa rũ rượi nằm dài trên đất mơ màng thức giấc nửa đêm đi hoang ngoài phố
Khuya chăng?
Nắng nằm thoải bên giường
Nắng đổ mồ hôi
Nắng thở
Gió lủa tủa trên mùng
Gió lạnh mồ hôi
Gió thở
Rừng bay lên đồi
Rừng ướt mồ hôi
Rừng thở
Một người con trai
Nằm nhớ tương lai
Vụt tắt thở
Thôi xin từ giã những đoá hoa xanh đỏ trên trần nhà
Thôi xin từ giã những bóng đèn xanh đỏ trong trà thất này
Thôi xin giã từ đôi mắt câm lặng của người hầu bàn tủi nhục xin giã từ điệu kèn chua chát của xin từ giã tiếng hát nước mắt của xin từ giã hai bàn tay của xin từ giã điếu thuốc của
Thôi xin từ giã mười ngón tay khói thuốc của
Ngày mai tôi chết cho của
Ngày mai anh chết cho của
Ngày mai ông chết cho của
Ngày mai em chết cho của
Ca đi em cho ngày mai chết thôi của
Thương cuộc đời tôi xin từ giã hôm nay tôi xin từ giã
Thương cuộc đời em hát đi em anh về anh về
Thôi xin từ giã nắng chiều
Tôi xin vỗ tay đưa tiễn giọng hát mù sương của em trở về hư vô xin vỗ tay đưa tiễn giọng hát của em trở về nghĩa địa mù sương xin vỗ tay đưa tiễn giọng hát của em trở về khói đen xin vỗ tay đưa tiễn đêm nay trở về lòng mộ anh về anh về anh về mù sương
Xin chiều mưa biên giới hỡi Thanh Thuý xin chiều mưa biên giới phù hộ tôi hôm nay. Xin chiều mưa biên giới
Xin Paloma xin Autumn Leaves xin Tristesse Chopin phù hộ tôi hôm nay
Những chiều Sài Gòn
Muôn năm thi ca
Những chiều Sài Gòn anh về
Muôn năm
Thi ca muôn năm
Những chiều Sài Gòn anh về
Thu hoàng hôn lá về
Giã từ
Xin chết
Quê hương ở đâu rồi? Tìm làm chi? Đừng nên tìm kiếm gì cả?
Chán. Buồn. Đen tối. U ám. Tôi sợ những hoàng hôn.
Tôi ngồi đây. Đèn mờ mờ. Gác trọ tồi tàn. Nghèo nàn. Hoàng hôn u ám. Chết bao vây.
Tôi sợ Noel. Tôi sợ Tết. Tôi không có tình yêu. Tôi vẫn than khổ.
Bao giờ cho hết buồn? Sống được bao nhhiêu năm trên đời mà cứ khổ mãi?
Cười đi. Hãy cười cười đi. Cười to đi.

*

Những lúc chán đời, những lúc mà hắn nhận thấy sự điên loạn và sự quân bình trí não chỉ còn cách nhau bằng sợi dây bé nhỏ, lúc bấy giờ chỉ còn có cách trốn thoát vào quyển tự điển ấy. Quyển tự điển ấy thoáng hiện dưới mắt hắn như là cả một vũ trụ bao la; hắn đi lạc vào vũ trụ này, trố mắt nhìn những sự vật mà từ lâu hắn không hề để ý tới và cũng không hề biết. Hắn thấy hắn không còn lạc lõng trong sa mạc hoang lạnh nữa, hắn thấy chung quanh hắn còn biết bao nhiêu người và vạn vật màu sắc, hắn thấy cuộc đời phức tạp và quá đẹp, cả những điều xấu xa nhất cũng trở thành đẹp, hắn miên man đi tìm ý nghĩa của từng sự vật, hắn đi tìm sự giao cảm giữa hắn và sự vật trần gian. Trong khi làm như vậy hắn đã vô tình đi tìm ý nghĩa cuộc đời. Đã bao nhiêu lần hắn đã đi tìm ý nghĩa cuộc đời bằng đủ lối, bằng đủ mọi cách, hắn đã im lặng tìm kiếm trong bao nhiêu sách, trong bao nhiêu tư tưởng. Hắn đã lầm. Tự điển là một quyển sách tầm thường nhất. Sách triết học vẫn được người đời coi là giá trị hơn… Thế mà hắn đã tìm được ý nghĩa cuộc sống trong quyển tự điển tầm thường này. Hắn đã say mê đọc hết trên 1.500 trang của quyển tự điển. Hắn say mê đọc đi đọc lại nhiều lần. Khi hắn đọc xong quyển tự điển ấy rồi cuộc đời không còn xuất hiện lạnh lùng dưới đôi mắt hắn như trước kia. Bây giờ cuộc đời thu hút hắn với bao nhiêu ý nghĩa; hắn bắt đầu để ý đến mọi sự. Trước kia, hắn chỉ để ý có một hoặc hai. Giờ đây, hắn để ý đến tất cả. Mọi sự vậy ở trần gian đều mang một tên, hắn để ý đến từng tên một như một đứa trẻ để ý từng màu sắc của những con bướm. Khi đọc xong quyển tự điển ấy hắn tự tìm thấy một đường sống cho hắn. Con đường ấy rất đơn giản: cứ để ý đến tất cả. Lúc hắn biết để ý đến tất cả mọi sự là lúc hắn cảm thấy không còn cô độc nữa, hắn sẽ thấy chung quanh còn muôn vạn màu sắc lung linh, muôn vạn sự vật khác nhau, muôn vạn chân trời mông lung; đôi mắt hắn sẽ mở ra bao quát vũ trụ, hắn sẽ không còn tự nhốt mình trong những giới hạn chật hẹp của tư tưởng bệnh hoạn. Lúc hắn biết để ý đến tất cả là lúc hắn không còn khổ nữa và không còn cô đơn nữa, hắn sẽ không còn than thân trách phận nữa. Như vậy, hắn sẽ tìm được ý nghĩa và vô nghĩa cuộc sống.
Nó ôm tự điển trong tay, bước về phố chợ để tìm chỗ ngồi chờ sáng. Thành phố trở nên im lặng lạ thường. Bây giờ khoảng chừng 3 giờ khuya. Lâu lâu tiếng chó sủa. Rồi vài tiếng guốc khua động trên đường vắng.
Nó ngồi dưới cột đèn. Ánh sáng mờ mờ. Nó ngồi dựa vào cột và dở tự điển ra đọc. Nó đọc tự điển như đọc tiểu thuyết kiếm hiệp.
Nó mới đến thành phố này hồi chiều. Nó đã ngủ ở bãi biển. Bây giờ, nó không cần ngủ nữa. Nó đọc tự điển như đọc thư tình. Vài ba chiếc lá khô rơi trên trang tự điển. Tuổi trẻ nó rơi theo mấy chiếc lá đó. Cả thành phố đang ngủ. Chỉ có một người còn thức với một cuốn tự điển.
Hãy vươn mình lên cao, như chim chóc, như núi đồi, vì con người sinh ra là để trỗi dậy, vươn lên, vươn lên mãi.
Hôm nay chiều ba mươi Tết, tôi bước lang thang vào một nghĩa địa ở Đà Lạt – mộ địa ấy nằm trên một ngọn đồi xa vắng, gió vọng hiu hắt, cỏ may tràn đầy lối đi. Hoàng hôn rồi. Nắng quái lưa thưa mơ hồ. Chiều cuối năm, tất cả mọi người đều bỏ quên thế giới hoang vu này. Có kẻ cũng nhớ nhưng họ muốn quên đi mọi ý nghĩ đen tối vào những ngày đầu xuân. Còn tôi, mùa xuân này tôi chẳng biết đi về đâu, vì tôi là một kẻ lông bông… không nhà, không cửa, không gia đình, không quê hương. Lòng buồn mênh mông, tôi muốn đi vào nghĩa địa để cho nỗi buồn ấy mênh mông thêm nữa. Chung quanh tôi là những nấm mồ. Vài ba con chim đậu trên ấy. Một cơn gió nhẹ nhàng. Vài ba chiếc lá rơi thêm. Một cánh hoa anh đào rụng dưới chân tôi. Tôi ngồi xuống bên một nấm mộ đầy cỏ. Tôi nghĩ đến cái chết của mình. Tôi hình dung đến nấm mồ của tôi sau này. Tôi cười. Chưa bao giờ tôi thấy yêu đời như vậy. Suốt đêm, tôi ngồi trong nghĩa địa. Tôi bước ra khỏi nghĩa địa vào lúc sáng sớm, như một xác người vừa mới được hồi sinh và bước ra khỏi mộ để trở lại thế giời loài người giữa lúc mùa xuân đang trổ hoa trên lá. Gió buốt lạnh. Tôi ôm chặt quyển tự điển vào lòng, cho ấm.
Từ nghĩa địa đi ra, từ con đường trên đồi cao dẫn đến thành phố, tôi thấy một thế giới loài người thoáng hiện dưới một màu sắc kỳ lạ, thế giới huy hoàng vô cùng, thực là đẹp triền miên. Nắng sắp lên. Chưa bao giờ tôi thấy nắng đẹp như vậy. Chưa bao giờ tôi yêu trần gian này đến thế. Tôi tự nói với lòng: “Ngày hôm nay, và cả những ngày sắp đến, bắt đầu bằng niềm thanh bình vô hạn của tâm hồn.”
— Em ơi, hãy trông sang đồi thông. Hoa anh đào nở hồng cả sườn đồi. Đẹp xuống trần.
— Hôm nay nhiều mây trắng quá em nhỉ?
— Trắng như áo người ta yêu nhau phải không anh?

3 - X - 1961

------------------------------------------------------------------------------
Trong cuốn Bay đi những cơn mưa phùn của Phạm Công Thiện
(Sài Gòn: nxb Phạm Hoàng, 1970)
Phạm Công Thiện