“Merdisme, Anti-Merdisme...”
Cái khó khăn của việc bắt đầu, càng lúc càng thấy thấm thía. Sáng nay, tôi thức dậy. Trông rất giản dị, chỉ thức dậy, đứng lên, đi và nói. Có cái gì chưa chịu chạy, có một cái gì chưa muốn chạy, đó là cái gì? Có lẽ tiếng nói đầu tiên trong ngày? Hồi khuya, đang ngủ ngon, tôi bỗng giựt mình ngồi dậy, ừ, bên ngoài có tiếng động cạy cửa. À, té ra ăn trộm. Đèn cầy ở đâu? Tôi cố khua động cái bàn để tìm bao diêm, tôi muốn làm ồn để cho ăn trộm chạy trốn: tôi muốn bắt ăn trộm mà vẫn tỏ ra rằng mình muốn cho ăn trộm chạy trốn. Nghĩa là muốn bắt và không muốn bắt. Tông cửa sau ra, tôi đưa đèn lên cao và thấy con mèo trắng ló đầu trên mái nhà tắm. Tại sao con mèo trắng mà không là con mèo đen? Tôi đứng đái trong nhà cầu và suy tư dữ dội theo dòng máu đang chuyển vận mạnh trong thân thể: có lẽ con mèo trắng là con ma? Càng già lên thì tôi càng thích nghe chuyện ma, mặc dù tôi chưa gặp ma lần nào cả. Thường khi gặp ai, dù lạ hay quen, tôi cũng đều hỏi: có thấy ma chưa? Tôi thất vọng: không ai nói là có thấy ma: họ chỉ “nghe kể lại”. Hồi tôi còn nhỏ, ông ngoại tôi hay kể lại rằng chính ông đã đánh lộn với ma, tôi vốn đa nghi và nhiều lần hỏi lại mẹ tôi thì bà cũng xác nhận rằng ông ngoại tôi thường đánh lộn với ma. Tôi là kẻ vốn mang nặng “tinh thần khoa học” dù “tinh thần khoa học” ấy chẳng qua là thứ “khoa học” mà mấy ông thầy bói gọi trại là “khoa học huyền bí”. Vì nặng “tinh thần khoa học” cho nên tôi cần nhiều sự chứng minh: tôi hỏi lại tất cả mấy bà dì tôi về chuyện đánh lộn với ma của ông ngoại tôi. Tất cả đều đồng thanh: “Chẳng những ông ngoại đánh lộn với ma mà ngoại còn rủ ma đi chơi nữa”. Bây giờ, ông ngoại tôi đã chết, một buổi trưa nóng ở Sàigòn, lúc tôi đang còn ngủ trưa trên một cái gác trọ ở đường Võ Tánh, đối mặt với con đường xe lửa: mẹ tôi leo lên lầu và đánh thức tôi dậy: “Ông ngoại con đã chết đêm qua”. Tôi theo mẹ đến nhà bà dì ở Thủ Đức; ông ngoại tôi nằm nhắm mắt và miệng há ra, cứng đơ và mềm mềm, tôi khoanh tay đứng ngó, không buồn không vui, có lẽ tần ngần thì đúng hơn, vì đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy người thân chết; hồi tôi còn nhỏ, hai đứa em trai kế tôi cũng chết, nhưng lúc ấy tôi còn nhỏ quá và cũng chẳng nhớ gì rõ ràng lắm, có lẽ tôi chỉ nhớ rằng người nhà đậy khăn trắng trên mặt chúng, từ ngày chúng chết đi cho đến nay đã được trên hai chục năm rồi mà tôi không bao giờ thấy chúng về dù là hiện về trong mộng. Có những cái chết là chết hẳn. Nhưng đối với ông ngoại tôi thì khác, tôi không tin rằng ông chết, dù tôi thấy ông nằm chết trước mắt tôi. Thỉnh thoảng trong giấc ngủ, tôi vẫn thấy ông sống. Có một lần ở Paris, tôi bị ông anh ruột đuổi đi một cách khéo léo, rồi sau đó vì chịu đói không nổi, tôi liền chạy lại ông cậu ruột của tôi, em út của mẹ tôi; tôi được ông nuôi vài ngày, rồi lại bị đuổi đi nữa và đành phải ngủ ngoài vỉa hè, nơi nào gần lỗ cống thì mới ấm: cống xông hơi lên, đầy khói. Sau một thời gian sống với những tên ăn mày ở Paris, bọn “clochards”, thì tôi lại xáp vào nhập bọn với đám beatniks (lúc ấy chỉ có beatniks, chứ chưa có hippies), tôi được chúng chia bánh mì, cà phê và thuốc lá, và quan trọng nhất là được một tên chỉ cho chỗ xin súp bình dân mỗi chiều vào lúc 7 giờ tối, ở đằng sau nhà thờ Saint Séverin. Sau một thời gian long đong đói lạnh thì tôi được một hoạ sĩ Việt Nam đem về nuôi trong phòng vẽ của hắn (cách đây một tháng tôi có trở lại Paris và nghe tin rằng bây giờ hắn vất vả lắm — hãy để cho tôi chúc hắn được “tai qua nạn khỏi”), hắn nuôi tôi được một lúc, rồi lại đuổi khéo, tôi vốn sinh ra mang “máu anh hùng” dù là “anh hùng rơm”, do đó gần lửa tàn thì vẫn dễ cháy. Tôi lại xách áo ra đi, trong túi không có một đồng quan nào cả; không nhà, không bà con nào nhờ cậy được, không bạn bè, không nghề ngỗng gì ráo. Buổi chiều hôm đó, hắn đã cho tôi uống rượu thật say, rồi sau cuộc rượu ấy là sự đuổi khéo: “Tao sắp đi Marốc, thôi mầy đi tìm chỗ khác ở, tao trả phòng lại”, tôi nói: “Cảm ơn” và xách áo đi thẳng, không muốn ngó lại (ừ, có đứng lại và đái dài hơn trong nhà cầu dưới lầu). Buổi tối đêm đó thực đúng như nhan đề quyển tiểu thuyết của Céline, đầu đêm hay cuối đêm?, tôi không biết gì hết chỉ biết bước đi loạng choạng như thằng say rượu (mà quả là say rượu thật, chứ không như) và tôi đã nhìn thấy ông ngoại tôi; tôi gọi “ông ngoại, ông ngoại!”, nhưng sau đó tôi dụi mắt và đoán ngầm rằng mình đã say, vì quá say, nên thấy loạn xạ hết cả.
Tôi nói về cái gì? Ừ, cái khó khăn của việc bắt đầu. Sáng nay, tôi thức dậy. Tôi thấy con mèo trắng, nghĩ đến ma, rồi nhớ đến ông ngoại, sau cùng lại nhớ đến thời gian long đong ở Paris. Và bây giờ, tôi có thể viết tiếp đến bao nhiêu trang giấy nữa thì cũng không hết chuyện dù câu chuyện cũng có thể chấm dứt nơi đây. Nhưng tôi chưa muốn chấm dứt nơi đây, vì chấm dứt nơi đây có điều bất lợi: tôi sẽ không nói hết điều tôi muốn nói.
Về điều bất lợi thì quả là bất lợi. Tôi vẫn luôn luôn muốn nói hết điều tôi muốn nói. Nhưng nói hết là nói hết thế nào? Chẳng hạn sáng nay, tôi thức dậy. Làm gì nói hết được những gì xảy ra trong đầu tôi khi tôi vừa mới thức dậy? Vừa muốn nói điều này thì điều khác lại chạy sờ tới, hấp dẫn hơn, đáng nói hơn điều mình muốn nói. Thế là mình lại nói đến điều hấp dẫn kia và quên đi điều muốn nói. Hồi sáng, tôi muốn nói về sự khó khăn của việc bắt đầu, mà chưa nói đến sự khó khăn ấy thì nói đến con mèo trắng rồi lại nói đến ma, đến ông ngoại và sau cùng đến điều bất lợi. Và bây giờ tôi lại muốn nói: “Phải viết văn như thế nào?” Người ta nói rằng viết văn thì phải cần có kỹ thuật và kỷ luật; viết văn thì phải có nghệ thuật; viết văn thì phải có ý tưởng, hay cao hơn, phải có tư tưởng; viết văn thì phải có “thái độ” và “lập trường”. Hồi tôi còn nhỏ, học trường thầy dòng, đến giờ viết “dissertation” thì thường nghe thầy dạy như vậy; lúc ấy, tôi đã bắt đầu đa nghi dữ dội và muốn đưa tay lên trả lời: “Viết văn là đi đái, viết tuôn trào như nước đái, nóng, sôi, reo lên xè xè như tiếng ve bãi trường”. Nhưng tôi lại không dám đưa tay, và khi dám đưa tay thì lại nói ngược lại điều mình muốn nói: “Viết văn là diễn tả những gì thành thật nhứt trong ý nghĩa của mình, bằng tất cả xúc cảm và tưởng tượng, để nói lên những gì đè nặng trong tâm tư, bằng một ngôn ngữ khúc triết mạch lạc để sống trong sự có mặt của mình và kẻ khác”. Tôi đã đưa tay lên và nói rởm như vậy, và được thưởng bằng một khuyên tròn “très bien!” Liền sau đó, nói như Freud, tôi liền phản ứng lại bằng sự trả thù của bản năng, tôi liền đứng dậy, đi thẳng lên bàn thầy và xin đi đái, (mà không thể nói là “đi đái” mà phải nói “đi việc cần”!)
Dám và không dám, bây giờ, đối với tôi, viết văn chỉ có thế. Dám viết hay không dám viết. Có cái người ta dám nói mà mình không dám viết, có cái người ta không dám nói mà mình dám viết. Nhưng dám có nghĩa gì? Người điên có dám không? Người say rượu có dám không? Tất nhiên dám chỉ có ý nghĩa với hạng người tỉnh trí, quân bình. Người ta chỉ dám khi trí óc người ta còn biết đến sự nguy hiểm. Sự nguy hiểm không có nghĩa gì hết đối với hạng người được an toàn trong cơn điên hoặc cơn say. Tất cả mọi người đều điên (một nhà phân tâm học nào đã nói thế? Norman Brown hay Wilhelm Reich?). Như thế thì không ai có thể tự nói rằng mình có thể dám hay không có thể dám. Trong một quyển sách nhan đề La fonction de l’Orgasme (tạm dịch dài ra là: tác dụng của việc sướng nhất trong sự giao cấu), Wilkelm Reich viết về Peer Gynt của Ibsen như vầy: “Người ta làm xong bổn phận và giữ kín miệng. Từ lâu rồi người ta đã thanh toán Peer Gynt trong lòng mình. Nếu không thế thì cuộc đời sẽ quá khó khăn và nguy hiểm” (trang 42). Tôi không được dịp học vở kịchPeer Gynt của Ibsen nhưng đó dường như tấn kịch về một con người không thể tìm thấy được trái tim của mình, một con người cô đơn bị một xã hội chà đạp, giẫm nát, đến nỗi sức sống càng lúc càng tàn tạ phôi pha đi và mất hẳn. Peer Gynt có dám không? Mà dám cái gì? Dám cái này thì không dám cái kia, dám tất cả thì không dám một cái gì hết. Dám hay không dám, hữu hình hay vô hình, bên trong hay bên ngoài, có hay không có, hữu thể hay hư vô, nghệ thuật hay phi nghệ thuật, thực ra tất cả những thứ lý luận “hay... hay...” này chỉ là một điếu thuốc cháy hay không cháy. Thuốc cháy thì bị cancer, thuốc không cháy thì bị buồn trống, nghĩa là còn nguy hiểm hơn cancer. Không bị cancer thì cũng bị cancer: nguy hiểm / an toàn = an toàn / nguy hiểm, sự lên xuống của an toàn và nguy hiểm giống như “tác dụng của sự sướng ngất...”: “La fonction de l’Orgasme”.
Bây giờ trời đang mưa, mặt trời đã chìm đi và chỉ còn một mớ kỷ niệm, ồ, “đoạn trường ai có qua cầu mới hay.” Mùa hè đã qua, nhưng mặt trăng, vân vân và vân vân.
Những bức thư tình đại khái đều có giọng văn ăn tiền như trên. Thỉnh thoảng tôi cũng thường viết với giọng cà cưa như vậy (vừa hút thuốc vừa thả khói một cách rất đểu giả), nhưng lúc nào thoải mái hơn, thì tôi loi moi đi tìm cuốn tiểu thuyết Justine của Lawrence Durrell và bắt chước giọng văn rất tình và rất khan như khí hậu tình khan của thành phố Alexandrie:
“Tôi chỉ ghi lại đôi điều này để tìm lại cả một phần đời đã chìm lún trong biển. Ôi hỡi em! Melissa! Melissa!”
(... Je note simplement ces choses pour retrouver toute une partie de ma vie qui s’est engloutie dans la mer. Melissa! Melissa!...)
Tôi muốn viết một truyện ngắn và muốn bắt chước mở đầu một đoạn văn “khan khan giọng tình” như vậy. Melissa! Melissa! Nhưng điều đáng buồn là tôi chẳng có Melissa nào để gọi hay là có quá nhiều Melissa để không dám gọi, vì tôi không muốn bắt chước Lawrence Durrell để viết thêm ở đầu câu truyện: “Những nhân vật của tiểu thuyết này, cũng như nhân vật kể truyện, đều thuộc về tiểu thuyết, không có thực. Chỉ có thành phố là thực.”
Đôi lúc mất bình tĩnh hơn, tôi tự hỏi: “Tại sao không dám nói: chỉ có sự nói láo là thực?” Có một sự thực, thực hơn tất cả sự thực, đó là... là cái gì?
Tình yêu là gì? Làm sao cắt nghĩa được tình yêu? Có nghĩa gì đâu một buổi chiều... vân vân, chẳng gặp nhau mà đã biệt ly, hồn anh theo dõi..., vân vân.
Tôi không hiểu tại sao hồi nhỏ tôi thích đọc những câu thơ “đểu giả” như trên. Bây giờ tôi không dám đọc nữa. Vì sao? Tại sao ngày xưa, chỉ là ngày xưa, ôi Melissa! Melissa!
Nhưng văn chương khô hay văn chương ướt, văn chương hợp thời hay văn chương lỗi thời, văn chương xám hay văn chương hồng thì cũng lệ thuộc vào “fonction de l’orgasme”. Văn chương của “orgasme”, ừ, đúng rồi: “la littérature de l’orgasme”. Có lẽ đó là nhan đề một quyển sách khác mà Wilhelm Reich chưa kịp viết thì đã chết trong tù (trong một nhà tù Hiệp Chủng Quốc, “made in U.S.A.”).
Tôi rất đau lòng là đã viết bốn trăm trang rồi mà vẫn chưa biết rằng mình viết về cái gì. Nhưng nếu một truyện ngắn có nghệ thuật, có kỹ thuật mới mẻ, với giọng văn đầy tính chất văn nghệ sáng tác một trăm phần trăm, thì điều ấy không khác gì anh đã quen uống whisky mà tôi lại bắt anh uống bia hay tôi đã quen uống cà phê mà anh bắt tôi uống coca-cola.
Mặt trời đang đỏ dần sau núi, khi máy bay đáp xuống phi trường thì thành phố đã ngả màu chiều. Tôi buớc xuống cầu thang một tay cầm passe-port, một tay rờ lấy cái ví đựng tiền sau túi, vì tôi sợ cái ví rơi đi thì bảy trăm năm chục dollars sẽ bay về một nơi không hò hẹn. Với bảy trăm năm chục dollars ấy, tôi sẽ đi được một vòng nghèo quanh thế giới, từ Á châu đến Mỹ châu, từ Mỹ châu đến Âu châu; lúc máy bay Pan Am cất cánh từ Bangkok qua Manila thì mấy cô chiêu đãi viên “xinh như mộng” đã cho tôi uống hai chai coca-cola và bây giờ khi máy bay đáp xuống Guam thì tôi cảm thấy “chuyển bụng”, bụng của tôi chuyển theo vòng chuyển của mặt trời, Guam có mấy cây dừa cũng chuyển động theo tôi. Tôi bước vào phòng đợi phi trường, tìm một W.C. để rửa mặt và đi đái và làm mọi việc cần thiết. khi tôi bước ra thì Guam bỗng trở nên xanh đen và đẹp kỳ lạ, dù Guam chẳng có gì để gọi là đẹp, trừ ra một bầy dân da nâu, ăn mặc màu xanh màu đỏ, “made in U.S.A.” Tôi mò đến một hiệu tạp hoá ở phi trường, thấy quyển Knight’s Gambit của Faulkner, mua và dở “bói kiều” ngay trang 7:
Anselm Holland came to Jefferson many years ago. Where from, no one knew. But he was young then and a man of parts, or of presence at least, because within three years he had married the only daughter of a man who owned two thousand acres of some of the best land in the country, and he went to live in his father-in-law’s house, where two years later his wife bore him twin sons and where a few years later still the father-in-law died and left Holland in full possession of the property, which was now in his wife’s name. But even before that event, we in Jefferson had already listened to him talking a trifle more than loudly of “my land, my crops”...
Tôi nhìn thấy Faulkner viết trọn cả trang chữ đặc mà không xuống hàng, thực là mệt mắt, nhất là loại sách bỏ túi chữ in rất nhỏ trên giấy quá xấu. Tôi vội nhét cuốn sách vào túi áo imperméable và với tay chụp lấy quyển The Deer Park của Norman Mailer, dở ra “bói kiều” một lần nữa, gặp nơi trang 265:
“...very conceited at bottom. I want to give you the best example of how stupid I am...”
Đọc tới đó, tôi liền móc túi trả tiền và đi ra ngoài ngồi trên chiếc băng đá, nhìn trời, nhìn đất và chờ máy bay cất cánh qua Hạ-uy-di. Khi ngồi trên băng dài, tôi nghĩ vớ vẩn, độc thoại nội tâm: “Faulkner và Norman Mailer? Hai anh chàng viết văn lù dù như bồ câu đực động cỡn. Người ta gọi hai con bồ câu đực ấy là thiên tài. Thiên tài? Đúng là thiên tài? Nhưng không có thiên tai thì làm gì có thiên tài? Chữ tài liền với chữ tai một vần. Nguyễn Du cũng là thiên tài. Chỉ uống có hai chai coca-cola trên máy bay mà đã chuyển bụng muốn chết rồi. Coca-cola quả là thiên tai. Thiên tài cũng phải đi tiêu và đi tiểu chứ. Mà uống hai chai coca-cola vô bụng thì đầy hơi và chẳng muốn làm gì nữa hết. Tại sao phải viết văn như bồ câu đực động cỡn? Tại sao không thể viết về việc uống hai chai coca-cola trên máy bay? Chỉ cần để gaz đầy bụng là thiên tài chỉ còn là một cái bao tử thê lương. Chỉ cần uống hai chai coca-cola thì vũ trụ này chỉ là... chỉ là gì? Faulkner uống rượu nhiều, cho nên viết văn như thằng say rượu; Norman Mailer hút thuốc nhiều đến nỗi bác sĩ cấm hút thuốc và anh chàng lại viết văn như thằng thiếu chất nicotine. Ừ, tiểu thuyết là cái quái gì? Mà lại có chuyện nouveau roman và anti-roman, mấy cái thằng Tây đều bị constipation cho nên hay bày đặt chuyện lộn xộn: structuralisme, anti-structuralisme, merde, anti-merde...”. Ống loa ở phi trường lên tiếng gọi hành khách tiếp tục hành trình. Máy bay vù vù trên biển Thái bình dương. Ồ, Melissa! Melissa! Thái bình dương! Thái bình dương!
Máy bay rù rù cà cựa đáp xuống phi trường Honolulu, bước xuống cầu thang máy, hai túi áo tôi cồm cộm, một bên nhét cuốn Faulkner, một bên nhét cuốn Norman Mailer, một tay xách áo ấm, một tay xách cặp đựng passe-port và giấy vệ sinh nhân tạo, tôi đi “hiên ngang” vào cổng Honolulu. Honolulu đón chào tôi bằng một tiếng “Aloha”. Tôi lại độc thoại nội tâm theo điệu đối thoại trong tiểu thuyết trinh thám: “A lô Hà... A lô! Hà... em vẫn mạnh chứ, con chó cắn em đã được bác sĩ thử máu rồi...” Tôi vèo một chiếc taxi chạy thẳng vào hotel Tropicanna. Tropicanna hay Tristes Tropiques? Tropicanna hay Tropique du cancer? Cởi truồng ra, lấy khăn lông dài cuộn vào mình, tôi leo lên giường, nằm thả thừ người ra, hút thuốc. Nằm trướn người lên, tôi lấy chân khều khều cái cặp da, kẹp bổng nó lên lưng chừng bụng và chìa tay móc lấy cuộn vé máy bay. Cuộn vé được cô bán vé ghi lại cẩn thận, trong vé ghi: Honolulu-San Francisco, San Francisco-New York, New York-Mexico, Mexico-New York, New York-Frankfurt, Frankfurt-Vienne, Vienne-Paris, Paris-Londres, Londres-Paris, Paris-Athènes, Athènes-Bangkok, Bangkok-Saigon. Thế là tôi phải leo lên máy bay trên cả chục lần nữa, nghĩa là có lẽ sẽ phải uống mấy chục chai coca-cola nữa. Tôi phát ngấy. Nước nào cũng như nước nấy, xứ nào cũng y như xứ nấy, cũng coca-cola, cũng hút thuốc, cũng uống cà phê, cũng ăn và tiêu hoá hay không tiêu, cũng đi, ngồi, đứng và đi, ngủ và thức, hai mắt ngó tới đằng trước, hai mắt vẫn ngó tới đằng trước, giả vờ như có một cái gì, nhưng thực ra chỉ là ngó tới đằng trước, ngó tới trước khoảng trống trơn, trống trơn hơn cả vỏ ốc khô.
Melissa! Melissa!
Tâm hồn anh là lỗ trống của con ốc khô. Honolulu đẹp một vẻ đẹp của con ốc khô, được tình cờ rưới vào đó một chút nước biển đen và dơ.
Bãi biển Waikiki và buổi chiều, mặt trời và mặt trăng, vân vân.
Tôi viết những dòng trên vào một phong bì, dán một con tem có hình Lincoln và đề địa chỉ, theo điệu thơ mới, mới hơn tất cả loại thơ của Henri Michaux:
Nguyễn thị Rớt, tự là Melissa-Melissa
số 1969, đường con ốc ma, tự là coca-cola
ở nước không tên, tự là Nada-Nada
Và tôi ghi rõ hơn dưới con tem những dòng chữ tô đậm: “By Air Mail”. Tôi đem lại nhà bưu điện và xin gởi bảo đảm; người công chức bưu điện hỏi tôi bằng tiếng Anh:
— Ông gửi thư đi đâu?
— “Nước không tên” (tôi đọc y giọng Việt), rồi thêm hai chữ “Nada-Nada”.
— Ở đâu?
— Tôi trả lời rồi.
— Xin lặp lại, tôi nghe không kịp.
— Được rồi, gửi chỗ xa nhất nước Mỹ thì phải trả bao nhiêu tiền?
Ông công chức bưu điện ngó tôi với vẻ khó hiểu, rồi lấy biểu kê giá tiền, đẩy gọng kính viễn thọ lên sống mũi:
— Ở Bắc cực thì phải trả... còn ở Nam cực thì phải trả...
— Thôi được rồi, tôi xin trả giá bằng giá Nam cực và Bắc cực cộng lại.
Ông công chức bưu điện có vẻ tò mò:
— Xin lỗi ông, ông là người nước nào?
— Đố ông tôi ở nước nào?
— Nghe giọng ông nói thì chắc ông là người Nhật.
— Nầy nhé, để ông nghe lại tôi nói tiếng tôi và ông đoán thử tiếng ấy là tiếng gì?
Tôi liền moi óc cố tìm ra một loạt tên văn sĩ Nhật và nói luôn một tràng bất tận:
— Yukio Mishima Yasunari Kawabata Basho Issa Okakura Kakuzo...
— Thôi được, đúng là tiếng Nhật rồi, chứ còn tiếng gì nữa, những âm o và a...
— Ông thông minh lắm, xin lỗi ông, ông cho tôi hỏi, ở Honolulu này ở đâu có bác sĩ trị bệnh chó cắn?...
Ở ngoài nhà bưu điện, trời đang mưa, tôi vội vàng đi ra cửa. Điều mình muốn nói vẫn luôn luôn là điều mình không bao giờ nói hết được. Tại sao có một loại ốc chưa chết mà có tên là ốc ma?
------------------------------------------------------------------------------
Trong cuốn Bay đi những cơn mưa phùn của Phạm Công Thiện
(Sài Gòn: nxb Phạm Hoàng, 1970)
Phạm Công Thiện
No comments:
Post a Comment