Thursday, July 3, 2008

Mặt trời vẫn còn đó


Thành phố ấy có lẽ là thành phố lớn nhất ở khắp thế giới; thành phố không có tên, không lịch sử, một thành phố gồm có mười triệu người, theo bản thống kê gần đây của một Viện Quốc Tế về Phát Triển Đô Thị. Mỗi buổi sáng, lúc ông thức dậy thì một triệu người cũng thức dậy đồng lúc với ông, chín triệu người khác vẫn còn nằm ngủ; lúc ông đứng dậy mở cửa sổ thì một triệu người bắt đầu mở mắt theo cánh cửa sổ vừa mở; lúc ông đi vào phòng rửa mặt và mở máy nước chảy thì một triệu người khác nữa lại bắt đầu tỉnh thức khi ánh sáng tuôn chảy tràn lan theo tiếng nước róc rách bên hàng xóm. Buổi sáng ấy trời rơi bão, cơn bão ban mai đánh vào cánh cửa sổ phần phật, đập vào tất cả những cánh cửa sổ ở thành phố. Bão càng lúc càng nổi lên lùng bùng trong không khí, vừa lúc cơn mưa lớn đổ ào xuống những thì gần hết bảy triệu người còn ngủ giật mình thức dậy, tất cả gần mười triệu người ở thành phố đều thức dậy cả, chỉ còn lại có bốn người vẫn còn say ngủ. Người thứ nhất là một cô gái giang hồ, người thứ hai là một ông thầy tu, người thứ ba là một ông già cụt tay và người thứ tư là một ông mù mắt. Cô gái giang hồ nằm ngủ, ôm con chó Nhật bản ngọ nguậy trên giường, tiếng nhạc dịu phát ra từ máy phát thanh ở đầu giường vẫn còn du dương thật nhẹ những bản tình ca lãng mạn, cô đã để máy chạy suốt từ khuya và nằm ngủ mệt nhọc hững hờ. Bão đập vào cửa từng lúc như tiếng đập cửa của vài ba người khách đi tìm cô vào những giờ khuya khoắt; cô nằm mệt nhoài và ông có thể đoán cô đang mơ mộng, một giấc mộng đám cưới, một đám cưới có cô dâu mặc áo trắng và có một chàng mặc áo đen đứng ở cuối phố ngó theo. Bão đập vào bức màn đỏ treo ở cửa sổ phòng ngủ, con chó cựa mình nhảy vọt xuống nằm tiu nghỉu bên cạnh đôi dép của cô, ngậm một chiếc dép đi vào phòng tắm, đái một vũng trên chiếc khăn tắm của cô bỏ rơi trên sàn gạch. Cách phòng ngủ của cô gái giang hồ chừng năm cây số, trên một ngọn đồi trọc, không cây, không lá, một ngôi chùa gãy đổ loang lổ, ông thầy tu vừa mới thức dậy và nằm đọc kinh Kim Cang trên giường, ông lười ngồi dậy, và lười gõ mõ tụng kinh trước bàn thờ Phật; ông nằm dài trên giường trải chiếc chiếu xám, vừa đọc kinh vừa ngáp, chỉ thức được vài phút rồi ông ngủ say lại, không còn biết trời đất gì nữa. Cơn bão không tài nào đánh thức ông dậy nổi, các ngài có thể đoán rằng ông đang nằm chiêm bao thấy một hòn đảo nổi lên giữa biển xanh, một cù lao mọc lên xanh rì với từng đám cỏ đen, giữa hòn cù lao có một con sông nhỏ kẽ qua, nước chảy nhỉ nhỉ như tiếng thủ thỉ của mộng, hoạn, bào ảnh, sương, điện, hay ánh chớp loè của trời đất. Cuốn kinh Kim Cang rơi nhoài xuống đất và ấp trên chiếc guốc cây nặng nề, tạo thành một bức tranh tĩnh vật mà hoạ sĩ phải là một kẻ không biết vẽ thì mới thấy đó là một cơn lốc của nghệ thuật trong sự xung đột giữa bước chân và con đường. Dưới chân đồi, các ngài có thể thấy một cụ già cụt tay ngồi trước cửa, ngủ gà ngủ gật dựa vào vách xi măng mới sơn trắng, mộng thấy mình đang giương tay bắn cung, tiếng tên bay vèo qua dĩ vãng và thực tại, hai bàn tay dang ra xa và chiếc tên bắn ra thành một chiếc tay, chiếc tay độc nhất bay vụt trong không gian vô tận như một con chó cụt đuôi phóng chạy vào đêm tối. Người thứ tư là ông mù mắt, ông không có tuổi tác, người ta cho rằng ông được khoảng hai mươi tám tuổi, nhưng nhìn thoáng qua nét mặt của ông, đôi khi người ta thấy ông chỉ chừng mười tuổi, đôi lúc ông chỉ chừng bốn mươi, đôi lúc ông lại khoảng chừng tám chục tuổi, nhưng chính ông mù thì ông chỉ biết ông ra đời cách đây hai mươi tám năm, nhưng ông hiểu rằng ông già hơn trái đất, và non như buổi sáng sớm có bão thổi lùng bùng trên từng con trôn xoáy vù vù. Ông ngồi trên ghế bên cửa sổ, một con chim sâu rỉa lông bên thành cửa và coi ông mù như không có, hay nếu có đi nữa thì chỉ có như một cây trụi lá, bất động như cuộc đời và vô tri như ý thức của một người điên không biết ngủ.
Bão lại vụt tắt, mưa bỗng vụt ngừng lại, không khí đứng khựng lại như sa mù, cô gái giang hồ, ông thầy tu và cụ già cụt tay đã thức dậy. Chín triệu chín trăm chín mươi chín người đã thức dậy, chỉ còn lại ông mù là chưa thức giấc, có ai hiểu nổi là ông đang chiêm bao thấy gì? Lắm lúc, tay ông giật giật lên, chân ông giật giật xuống, môi ông giật giật ra, tóc ông căng căng lên, ông đang mơ thấy mình đang đứng trên một hý trường bao la, trước hàng ngàn dãy ghế trống không người, ông đang cúi đầu, hất đầu, gật đầu điều khiển một ban nhạc vĩ đại, gồm hai trăm nhạc công và nhạc sĩ đủ loại, tất cả đều biến thành một, mọi sự được lùa vào nhau, xô vào nhau, chảy vào nhau như muôn ngàn con sóng toé bọt, đập ầm vào ghềnh đá, sầm sầm, xé nát, vỡ toang, bản Đại hoà tấu thứ năm của Beethoven giựt giựt chỉ một lần, tiếng đập cửa, tiếng đập của lửa, tiếng đập của vầng trăng rơi vào óc của một thằng điên ở một tu viện nào đó. Con chim sâu tỉa vào một chiếc lá khô nằm thiu thỉu bên thành cửa sổ, ông mù vẫn nằm chiêm bao, khi giấc mộng đại hoà tấu vừa dứt thì ông tiếp tục nằm mơ thấy màu đỏ và màu vàng, ông thấy ông đang quì lạy trước bàn thờ: trên bàn thờ không có tượng Phật hay tượng Chúa gì cả, mà chỉ có hai vòng tròn, một vòng đỏ ở trên và một vòng vàng ở dưới, giấc mộng kéo dài suốt ngày hôm đó cho mãi đến chiều tối, kéo dài cho đến khuya, rồi tiếp tục cho đến hai giờ sáng, lúc chín triệu chín trăm chín mươi chín người trong thành phố đã ngủ say hết thì chỉ còn ông mù là vừa mới thức dậy. Ông mở cửa sổ ra, chiếc lá khô bật bay giựt ra ngoài cánh cửa. Con chim bay đi đâu? Ông cũng không hề biết sự có mặt hay vắng mặt của con chim thân ái ấy. Nước chảy rào rào trong cuối gian phòng, ông mù ho sặc sặc, rồi nhổ phọt một búng nước miếng xuống lỗ phòng rửa. Ông đẩy cửa và bước thật chậm đi xuống một trạm xe lửa hầm gần đấy, ông đeo đôi kính đen và bước đi không cần gậy, vì mỗi lần bước xuống hầm xe lửa, ông chỉ cần quẹo qua hướng trái, khi xe chạy, lúc ngồi trên xe lửa, ông chỉ cần ngồi im kể lại trong óc một câu chuyện có những động tác và diễn biến nhất định, lúc câu chuyện trong óc ông vừa chấm dứt thì lúc đó xe lửa cũng vừa ngừng lại để ông bước xuống, rồi bước lên trên những bậc đá, quẹo qua hướng trái, đi chừng vài bước, quẹo thêm một lần trái nữa là ông đến trước phòng ngủ mà ông muốn đi đến. Ông leo lên thang máy, bấm nút cuối cùng thì ông đến nơi tầng lầu quen thuộc. Mỗi ngày, bất luận đêm tối hay sáng trăng, trong tám năm trời rồi, ông đã đi trên lộ trình quen thuộc ấy: trong tám năm trời, mỗi lần ngồi trên xe lửa, ông cũng quẹo trái hai lần như vậy: trong tám năm trời, đứng trước cánh cửa phòng kia, ông cũng chỉ cần gõ một tiếng, đứng đợi một giây thì cửa mở và trước khi bước vào phòng ông cũng đứng lại một giây và đánh diêm lên hút điếu thuốc đầu tiên; trong tám năm trời, khi bước vào phòng, ông cũng vào thẳng phòng rửa, rồi phun vọt một búng nước miếng vào lỗ cầu, rồi bước chậm đến ghế kế bên cửa sổ, ngồi lẳng lặng hút thuốc thả khói bồng bềnh, đang lúc ấy, cô gái giang hồ cũng lẳng lặng bước vào phòng rửa mặt và hÊt khẽ một điệu quen thuộc mà cũng trong tám năm rồi cô cũng chỉ hát khẽ một điệu ấy vào hoàn cảnh như vậy, với những cử chỉ và động tác như vậy, cùng với sự có mặt thường lệ của ông mù trên ghế bành bên cạnh cửa sổ.
— Câu chuyện anh viết trong đầu đã kết thúc chưa?
— Vẫn kết thúc mỗi lần anh bước xuống xe lửa.
— À, anh thì vẫn thế.
— Mọi câu chuyện gì cũng đều kết thúc như thế.
— Bữa nay anh vẫn nói điều ấy chứ.
— Cũng vẫn chỉ có điều ấy thôi.
— Đi ngủ đi anh.
— Đi ngủ đi em.
— Sáng mai anh và em sẽ đến đó như thường lệ.
— Lại cuối tuần nữa.
— Anh vẫn không để ý gì hết.
— Em phải để ý cho anh.
— Có thể nào người ta nằm mộng trên tám năm mà cũng chỉ một giấc mộng duy nhất?
— Chỉ còn hai năm nữa là mười năm phải không?
— Nghĩa là còn bảy trăm ba chục ngày.
— Thì mộng sẽ dứt.
— Không có gì dứt hết.
— Câu chuyện vẫn tiếp tục.
— Và kết thúc trong mười năm.
— Để rồi tiếp tục nữa.
— Tiếp tục trong những người khác, trong tất cả những người đã gặp anh và đã nghe anh.
— Chỉ nghe một điều trong mười năm.
— Hay là không nghe gì hết và có chăng chỉ là một giấc mộng.
— Thực hơn là tất cả sự thực.
— Đi ngủ đi em.
— Dạ.
Cánh màn cửa sổ được kéo che lại khung trống, một người mù và cô gái giang hồ ôm nhau nằm dài trên giường, tiếng thở càng lúc càng trở nên đều đều, nhẹ nhẹ, không còn gì nữa, chỉ một lần, chỉ một lần, đêm và ngày, sáng và tối, nàng và chàng, thức và ngủ, nửa vầng trăng nầy tìm nửa vầng trăng kia.

------------------------------------------------------------------------------
Trong cuốn Bay đi những cơn mưa phùn của Phạm Công Thiện
(Sài Gòn: nxb Phạm Hoàng, 1970)
Phạm Công Thiện

No comments:

Post a Comment