Wednesday, December 31, 2003

Thở với muộn phiền

2003

dúm dó muộn phiền xa xăm chiều nay về đập cửa inh ỏi
át cả tiếng chuông nhà thờ truyền tin ở tầng cao
đều đặn mệt mỏi
hơi thở muộn phiền dữ dội đạp trên mọi hơi thở khác đang trình hiện
có gì ngoài hơi thở

cài then
không cho cánh cửa mình bung ra
người ta bản năng vô thức hành hương trong ước muốn bình yên
cố chung sống hòa bình với phần lớn nỗi đau
may còn hiện diện – hiếm hoi từ người – khái niệm hạnh phúc
vẫn hít thở điều hòa ngửa nghiêng thực tế
vẫn thi thoảng muộn phiền xưa trở chứng hiếu chiến dồn dập

bức màn phông trắng được căng ra
không gian mênh mông ú ớ
thức giấc nửa đêm chẳng biết đang cười hay khóc
thảng thốt

sáng nay thấy dáng người lảo đảo trên phố
lảo đảo trong tiếng chuông giáo đường cũ rích uyên nghiêm rắn rỏi
dúm dó muộn phiền nhăn nhó
thăng bằng không cũng một đời người
có gì ngoài hơi thở?
Chờ khi hơi thở tan ra…

Tú Trinh

Thursday, December 25, 2003

Trao giải cuộc thi Thơ Bút Mới lần 5

VĂN HỌC
Thứ Tư, 24/12/2003, 08:41 (GMT+7)
Trao giải cuộc thi Thơ Bút Mới lần 5

Tú Trinh (giải nhất, bìa phải) và các tác giả tại lễ trao giải Thơ Bút Mới lần 5

TT (TP.HCM) - Khá đông bạn trẻ và người yêu thơ đã đến tham dự lễ trao giải cuộc thi Thơ Bút Mới lần 5 do báo Tuổi Trẻ tổ chức vào tối hôm qua 23-12 tại hội trường Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM.

Có bảy tác giả ở TP.HCM đã đến nhận giải (các tác giả ở tỉnh xa sẽ được ban tổ chức gửi giải thưởng qua đường bưu điện) và được các nhà thơ Nguyễn Duy, Đỗ Trung Quân, Lê Minh Quốc, Nguyễn Thái Dương, nhà văn Nguyễn Đông Thức cùng một số cây viết trẻ từng đoạt giải Bút Mới trước đây như Danh Lam, Nguyễn Hữu Hồng Minh... cùng lên sân khấu chúc mừng và chung vui.

Tú Trinh, cô gái 20 tuổi đoạt giải nhất, xuất hiện với bộ váy trắng xinh xắn đọc tặng khán giả bài Du ca, bên cạnh nhiều tiết mục thơ nhạc do CLB Văn học trẻ NVH Thanh niên biểu diễn.

Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Dương Thành Truyền nhận định “Bút Mới là cuộc chơi của những người trẻ yêu thơ” và mời gọi các bạn trẻ tiếp tục tham gia Bút Mới do báo Tuổi Trẻ tổ chức vào năm 2005, bên cạnh các cuộc vận động sáng tác khác như cuộc thi viết về mẹ, cuộc thi viết phóng sự - ký sự đang diễn ra.  
                                               
 TR.N.

Link

Friday, December 12, 2003

Gặp lại nhau

Mùa tưng 2002, 2003

tất cả rồi cũng tít tắp trôi
ngày xưa
em mong từng phút giây hiện diện anh, được nhình thấy anh, được nghe anh nói
tim non sẽ đập rộn rã
tim non đã có nhiều bài hát cho riêng mình mà suối nguồn là anh - trọn vẹn
những ca từ đi qua tuổi hồn nhiên và khát khao

phải xa nhau
em lẻ loi vẫn mong từng phút giây…
nhưng tim, bây giờ chắc vẫn non dẫu muôn ngàn vết rạn, đập nhịp lạ lẫm
nhịp đôi
hy vọng, mong ngóng
đóng băng, kìm nén, khinh khỉnh chống phá thứ tình yêu mang dư âm vĩnh viển

em van xin bàn chân đừng quen tìm về chốn cũ
em lạy mình đừng cào ngực thanh xuân
em cười mím chi với nhu mì

quay đi
và tha thiết
hoà bình với những cái rùng mình từ vòng tay gió

Tú Trinh

Tuesday, December 2, 2003

Ngày cũ

Khum tay loi lẻ gọi chiều
hoàng hôn đáp lại
đồng vọng qua ngày, ru ngày, lẩn khuất vào ngày
thế giới dư thừa mê mải
tôi đi

Anh - đường phố, đôi khi
tôi gặp lại mình ngày hun hút cũ
có gì nhiều đâu?
thêm một lần khóc
đường phố dưới chân tít tắp trên đầu

Phố nhớ nụ hôn sâu
căn phòng thèm những đêm thâu
ta ngồi nhìn đêm và thấy nhau lấp lánh
ngày trải thảm rớt lại chút sóng sánh
cho đêm bất tận xanh

Ký ức căng đêm thành dây đàn
rồi kỷ niệm bấm tay: tính tình tang
nhạc réo rắt gọi
tôi ở đâu?
bức tường bồi hồi vọng lại…

Tú Trinh
2003

Link

Monday, December 1, 2003

một bài thơ khác về niềm tin

hơi thở duy trì sự hiện hữu ở chợ trời thông tin
ngoi ngóp góp nhặt, phân loại, tổng hợp, rồi quyết định
làm sao tin được ai khi chẳng thể tin nổi chính mình

không cùng thời với đại gia S. Freud
bác sĩ tâm lí lắc đầu năm em 12 tuổi
có gì lạ đâu, khiếm khuyết là con dao hai lưỡi
động lực của tiến hoá và nguy cơ cho thoái hoá
sau người là gì? không biết…
ngược về người Homo habilis để khỏi có khái niệm yêu nhau

một sớm mai nhiều gió
có anh ở đấy không?
dắt tay em đi trên đường bình minh mướt cỏ
hạnh phúc non kéo tấm rèm nhìn xuống
chỉ có chân là song đôi

niềm tin đột ngột mồ côi
nó đi hoang trong tiếng nấc

lục tung sách vở, vay mượn mọi triết thuyết để tin
rồi trút hơi thở cuối cùng trên những xác chữ vô hồn đó
chiếc quan tài tống tiễn một linh hồn còn nhiều điều bỏ ngõ

nhạc rock metal làm biệt khúc
thắt nơ trắng lên quan tài
nhờ con mọt sách cầu nguyện
thêm ít rượu cho quỷ thần nhận diện

giật mình, ta còn ta để đưa tang

đành sống cho hết kiếp này
thì lay lắt nhé!
hoang mang cuống cuồng
liên tục đầu hàng trong những lần suy gẫm suýt… ngộ!
thấy niềm tin sau hàng rào trong con mắt người-dưng
cũng lấp la lấp lánh

rất lâu rồi mà mộ cỏ vẫn chưa xanh

Tú Trinh
ngày đâu đó, lẩn quẩn 2003

Sunday, November 30, 2003

Này anh…

cuối 2003

oxeye daisy

sao lại quay đi nhanh thế?
(sẽ đổi phút anh đứng chờ em vào cổng bằng… nụ hôn)
hẻm thành phố vừa đủ dài và tối
hẻm vừa đủ sáng cho anh nhìn
em sẽ ló đầu ra chỉ để vẫy tay và nhoẻn cười lần nữa
bức tường rưng rưng, lẽ nào an tâm về
anh không sợ gã say rượu nào đó ngang em bắt mất?

rực rỡ thuở ban đầu
anh hay gõ cửa nhà em khi trời vừa sáng
hai đứa vòng vèo tiễn chân màng sương
hai đứa líu lo rung rinh ôm hoa cúc
buổi sáng mới tinh ly cà phê cũ không đường

cũng lâu rồi anh không chào bình minh
(anh thức đêm rất khuya nhưng… mỗi người một quận)
con gái đỏng đảnh giận hờn rồi phải… tự hết?
và những cái nắm tay ấp úng chắc phải vào bảo tàng?

lâu rồi hai đứa không cười vang…
lời yêu thương đang “hắt xì” vì đóng bụi

Tú Trinh

Friday, November 28, 2003

Và em ráp chữ...

VĂN HÓA - GIẢI TRÍ
Thứ Năm, 27/11/2003, 09:01 (GMT+7)
Tú Trinh - giải nhất cuộc thi thơ bút mới "Lục bát và đất nước" của Báo Tuổi Trẻ


Và em ráp chữ...

TT - Tú Trinh làm thơ từ thời còn học phổ thông. Bạn bè trên dưới vài thế hệ ở Trường THPT Năng khiếu TP.HCM vẫn nhớ cô bạn học lớp chuyên văn, người nhỏ nhắn mà thơ thì “lợi hại” vô cùng. Năm lớp 12 Trinh viết những câu về phố, rất lạ, lạ hơn nhiều cặp mắt đang yêu khác:


Em bỗng nghe bàn chân nhớ phố
Sài Gòn ngoằn ngoèo, nỗi nhớ cong cong
Miền Trung xa quanh bốn bề sóng vỗ
Anh có nghe gió gửi lời mong?

Và điều đặc biệt là Trinh không làm thơ lục bát. “Em không chịu được sự kìm hãm của niêm luật, em thấy mình không có khả năng làm lục bát”. Mà quả thật, từ lúc biết làm thơ cho đến khi gia nhập Vòm Me Xanh với cái tên Me Hạc, kể cả đến bây giờ, khi đã viết cho Mực Tím, Khăn Quàng Đỏ, đã “ăn nhuận bút vòng vòng các báo” rồi, quĩ thơ lục bát của Tú Trinh đến trước khi có cuộc thi “Lục bát và đất nước” chỉ vỏn vẹn hai bài. “Một bài em viết về Chí Phèo, một bài em viết về Kiều. Cả hai bài lục bát trước đó chỉ như những bài tập hồi em học phổ thông thôi” - Tú Trinh bộc bạch.

Thế mà Trinh đến với cuộc thi này bắt đầu từ “một sự ganh tị”, Trinh bảo thế. “Người ta dự thi lục bát được, tại sao mình không tham gia?”. Và Trinh gửi bài, vào gần cuối hạn dự thi. Khi chùm thơ ba bài của Trinh vào đến chung khảo, ban giám khảo nhận ra đây là những bài thơ mang tứ lạ.

Nhà thơ Nguyễn Thái Dương cho rằng “thơ của Trinh có nhiều ý tứ mới, bài nào cũng có tứ lạ và hay. Đó là cơ sở để ban giám khảo cân phân với các bài của đối thủ nặng ký Nguyễn Linh ở Hà Nội”.

Mà quả thật, thơ Trinh lạ lắm. Câu lục bát như nhấn vào quê hương một cái nhìn đau đáu:


Người đi chân đất mỏi mòn
đầu làng nhớ đỏ gạo son thì về
nắng mưa gió cát là quê
cánh diều chưa mất lời thề sợi dây.

Cảm nhận về quê như thế, ít ai ngờ xuất phát từ tâm hồn của một cô bé sinh ra và lớn lên giữa thị thành. Và lạ, còn phải kể đến những tứ thơ:


Người ngang dọc
mùa đi vòng
Tìm về chim ngói cánh đồng reo ca...

Hay bạo liệt bất ngờ:


Người che mưa ướt cong mi
cho ta trú dưới nhu mì của em

Và, một chút ngọt ngào với phố:


Sài Gòn mưa ướt trời đêm
tiếng dương cầm chảy ướt mềm vòng xe.

Lại hồn nhiên, trong trẻo:


Đôi khi đại lộ thênh thang
mình đi cứ ngỡ hai hàng cây đi...

Bây giờ Trinh vẫn đi học, vừa viết cho mấy tờ báo Mực Tím, Khăn Quàng Đỏ, Nhi Đồng, thảng hoặc gửi bài đăng tạp chí Văn, kể cả tuần báo Giác Ngộ. “Em tự lo học phí cho mình bằng những món tiền còm gom góp từ trang viết như thế, có thú vị không?”. Trinh cười hồn nhiên, nhưng có lẽ chính sự vất vả và cả những nỗi đau khó có người chia sẻ kia cũng góp một phần vào chất sáng tác của Trinh.

Trinh thuận tay viết cả truyện ngắn. “Có lẽ em sẽ sống với những trang viết này một thời gian, và đời người cũng chỉ là thời gian thôi, có phải không?”. Nhưng Trinh vội vã nói thêm: “Ồ, em nói nghe to tát thế, nhưng thật ra với thơ em chỉ làm động tác ráp chữ thôi, may quá nó là thơ” - Trinh nhoẻn miệng cười.

Tự nhiên thấy tin vào thơ. Ừ có khối người hăm hở lao vào làm thơ, kêu gọi nhau làm thơ nhưng hóa ra là anh đang ráp chữ. Cũng có người bắt tay vào là nghĩ mình đang ráp chữ, cuối cùng lại hóa ra thơ. Sáng tác là thế, ảo tưởng ư?

LAM ĐIỀN



Tin bài liên quan: Kết quả cuộc thi Thơ Bút Mới lần 5 "Đất nước và lục bát"

Link

Kết quả cuộc thi Thơ Bút Mới lần 5 "Đất nước và lục bát"

VĂN HÓA - GIẢI TRÍ
Thứ Năm, 27/11/2003, 05:36 (GMT+7)
Kết quả cuộc thi Thơ Bút Mới lần 5 "Đất nước và lục bát"

TT - Cuộc thi Thơ Bút Mới lần 5 “Đất nước và lục bát” do báo Tuổi Trẻ tổ chức từ ngày 15-6 đến 31-10-2003 đã kết thúc với 1.610 bài thơ dự thi (chỉ kể những bài hợp lệ) của 595 tác giả trẻ từ khắp các tỉnh thành trên cả nước. Một oái oăm thú vị: hai tác giả đoạt giải cao nhất trong cuộc thi thơ lục bát kỳ này đều là dân thành thị.

Nguyễn Linh (1979), ở gác 3, nhà 73 Hàng Gà, Hà Nội. Tú Trinh (1983), nhà 322/8 Nguyễn Tất Thành, Q.4, TP.HCM. Cũng phảng phất hồn quê, tình quê đó thôi, nhưng hai “tay đua” này trội hẳn lên bằng lối chơi lời quê điệu nghệ hơn những người trong cuộc đua.

Nguyễn Linh mơ hồ:

Tuổi thơ nhặt lá xếp thuyền
Tuổi thơ đánh chắt 
chơi chuyền... tuổi thơ...
Bao giờ cho tới ngày xưa
Bao giờ trở lại ngày chưa biết gì.


(Bao giờ cho tới ngày xưa)

Tú Trinh lãng đãng:


Đôi khi đại lộ thênh thang
Mình đi cứ ngỡ hai hàng cây đi...


Vỉa hè rượu uống không say
Giọt mưa mang nỗi 
buồn bay về trời...
Sài Gòn mưa ướt trời đêm
Tiếng dương cầm chảy 
ướt mềm vòng xe
Chân trần tránh xác lá me...


(Một ngày mưa trên phố)

Tới vòng chót cuộc đua thì “lục bát phố phường” của Tú Trinh qua mặt “lục bát đồng quê” của Nguyễn Linh mà đoạt lấy giải nhất, ấy là nhờ hồn thơ mới hơn và xác chữ cũng mới hơn. Cùng có nội lực và tài nghệ sàn sàn nhau, ai mới hơn thì người đó thắng.

NGUYỄN DUY


Tôi thích những vần thơ thể hiện rõ bản lĩnh của người trẻ tuổi, dù xa quê, nhớ quê nhưng họ vẫn cố gắng hội nhập cuộc sống mới mà họ đã lựa chọn. Về thi pháp, tôi phân vân ghê gớm giữa hai “thí sinh” Nguyễn Linh và Tú Trinh.

Cả hai đã chinh phục được tôi cách thể hiện nhuần nhuyễn, “có nghề” trong thể loại thơ tưởng rằng “ai làm cũng được”. Nhưng cuối cùng tôi chọn Tú Trinh. Bởi lẽ Tú Trinh đã thể hiện được những điều mà tôi mong đợi, bằng cách nói chân thật của một người quê lên phố, không mặc cảm: Chân trần tránh xác lá me/Mới hay mình cũng nửa quê nửa mùa hoặc tìm cách làm mới của thể thơ này: Bê nằm mơ rạ rơm bay/Hồn quê vẫn đứng trên đầy bát cơm.

Viết về quê nhà như thế quả là giỏi, tôi thích chữ “đứng” quá! Nhưng đứng ở đâu? Tú Trinh đã trả lời câu hỏi ấy theo suy nghĩ chín chắn của một người trẻ tuổi, và rõ ràng thơ ấy đã vượt qua các ngưỡng của thơ ô - mai - học - trò...

LÊ MINH QUỐC




Ngày 23-11, ban giám khảo gồm các nhà thơ: Nguyễn Duy (thay thế nhà thơ Ý Nhi), Đỗ Trung Quân, Lê Minh Quốc đã họp và bình chọn kết quả sau đây:

* Giải 1: Nguyễn Phạm Tú Trinh (sinh năm 1983, TP.HCM) với các bài: Hát lên trong chiều, Du ca, Một ngày mưa trên phố.

* Giải 2 (chỉ có một giải): Nguyễn Linh (1979, Hà Nội) với các bài: Bao la, Ngọn nguồn ca dao, Trung du, Chèo.

* Giải 3 (bốn giải, thay vì ba):

- Phan Dương (1981, TP.HCM) với các bài: Đồng hương, Nhớ tuổi, Cuối mùa.
- Hà Huy Tuấn (1979, Hà Nội) với các bài: Thăm Cổ Loa, Nghe người thổi sáo, Bên đường.
-  An Đà (1980, TP.HCM) với các bài: Xanh, Hết mùa, Xin về.
- Trọng Tuấn (1979, Cần Thơ) với các bài: Về, Trở về, Gửi bạn ca xưa.

* 9 giải khuyến khích (thay vì 10):

- Phạm Thị Thanh Nga (1982, TP.HCM) với bài Hỏi thăm cây khế.
- Đinh Hạ (1982, Huế): Dân ca.
- Thục Linh (1983, TP.HCM): Ngược sóng đêm.
- Trần Hoàng Nhân (1980, TP.HCM): Gặp ga ngày tha hương.
- Phan Anh (1980, TP.HCM): Lạc.
- Nguyễn Yên Du (1979, Ninh Thuận): Quê phố.
- Trần Lê Tú (1979, TP.HCM): Về thôi.
- H.Du (1979, Cần Thơ): Mồ côi.
- Phan Danh Hiếu (1982, Huế): Chợ làng.

Buổi lễ trao giải và giới thiệu tác giả, đọc thơ giao lưu sẽ được diễn ra tại hội trường A Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM vào lúc 19g30 ngày 22-12-2003, kết hợp trong một đêm thơ của CLB Sáng tác trẻ Thành đoàn TP.HCM (sẽ có thư mời riêng đến từng tác giả trúng giải).

BAN BIÊN TẬP BÁO TUỔI TRẺ

Tin bài liên quan: Và em ráp chữ....

Link

Tuesday, September 30, 2003

những dòng sông mưa

09/2003

mưa thảng thốt dụi đầu vào lòng phố
mắt người thao thiết
mắt lá ơ hờ
hàng cổ thụ run trong từng mạch gỗ
chìa nhành trơ tìm hơi ấm sắp tàn tro

và dòng sông theo mưa về phố
xênh xang sông che khuất lối mùa
bàn chân khóc
không tìm ra nẻo nhớ
lạc mãi một chiều, bước thấp với bình yên

sông không sóng làm sao ra biển?
sông sau mưa chẳng xanh biếc màu trời
vất vả từng chuyến xe cố rướn người về trước
lại gặp mình hối hả
đánh rơi khuôn mặt người

rồi dòng sông cũng theo mưa về vô tận
trả lại phố phường những ngược xuôi
lá ngân ngấn nước
hàng cây ngơ ngác bước
người an nhiên không, sau những dòng sông mưa?

Tú Trinh

Sunday, September 28, 2003

Bên ngoài kinh Qur’an [chuyên đề VĂN NGHỆ HẬU HIỆN ĐẠI]

Hoàng Ngọc-Tuấn


I. Căn phòng
Đúng năm giờ mười. Đám mây vừa lọt vào bên trái khung cửa sổ. Chó sủa vu vơ dưới sân. Bản Folios của Takemitsu bắt đầu vào chương III (nốt móc=120-146). Chích choè xanh kêu khẽ trong những khóm cây dủ dẻ. Bức nhiếp ảnh Mardi Gras của Hồ Tiết treo trên khoảng tường xám bên phải khung cửa sổ. Trên khoảng tường đối diện là ấn bản bức tranh La Mano Ubbidisce all’Inteletto của Carlo Maria Mariani. Ngay dưới đó là bộ máy vi tính đang nhận điện thư. Chiếc modem kêu bíp bíp nho nhỏ. Bức điện thư mở ra trên màn hình.
                Subject: from Fatimah
                Date: Fri, 6 Nov 98 13:17:18 +1000
                From: “Fatimah”
                To: “Nhan”
Dearest Nhan,
Last night I got a nightmare. Not really a nightmare but it’s strange and sad. I remember these lines in Kieu:
“As I interpret what the dream portends,
my life in days ahead won’t come to much!”
It’s a dream, anyway.
Fatimah[*]

II. Chiêm bao và ảo ảnh
. . . chìm sâu vào mềm mại thịt da người thơm tóc thơm hơi thở thơm môi thơm răng thơm bầu ngực mềm mại chìm vào chìm sâu vào da chìm sâu vào thịt mùi trầm hương mùi lá non mùi đất cát nghìn năm gieo từng hạt cây từng hạt cây thẳm sâu cơn mưa xối mãi xối mãi dòng nước ngọt lóng lánh thớ đất uống say ngất hoan lạc cỏ vươn lên cây vươn lên đại thụ vươn lên mặt đất rùng mình ngây ngất mùi anh túc mùi kim ngân xanh biếc vùng ảo giác . . .
. . . nắng thiêu đốt sáng chói trên sa mạc . . . . . . . . . . dằng dặc cát vàng nóng bỏng . . . . . . không một bóng người . . . . . . tại sao tôi đến chốn này . . . . . . . . . . . không một cơn gió . . . . . . . . . . nắng thiêu đốt sa mạc khát nước . . . . . . . . . . . . . . . khát nước quá . . . . cát lún cháy bỏng . . . . . . im lặng ngạt thở . . . . . . . . . tôi đi về đâu đi về đâu chân ngập trong cát lún bước mãi . . . . . .về đâu . . . . . . . . . . đường chân trời dằng dặc xa . . . . . . khát nước quá . . . . . . . . . . dằng dặc mờ xa nắng thiêu đốt cát vàng sa mạc nóng bỏng . . . . . trùng trùng bóng đen nhô lên mạng đen che mặt . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . trùng trùng mạng đen che mặt dẫm lên tôi không tiếng động . . . . . . . . . . . kéo nhau về ốc đảo lấp lánh nước . . . . . . lấp lánh ồ nước . . . . . .ồ nước trong lấp lánh cho tôi nước . . . . . lấp lánh . . . . . . cho tôi nước trùng trùng bóng đen mạng đen che mặt kéo nhau về chân trời xa . . . . tôi bò qua cát lún . . . lấp lánh . . . . . bò tới cho tôi nước . . . bò tới . . . . . . ốc đảo nước trong lấp lánh . . . . bò tới . . . . . . . . bò tới . . . . . gục đầu xuống nước ôi nước . . . . . ôi nước chảy vào cuống họng tôi cơn khát kiệt cùng sao mặn chát . . .
. . . sân bay vắng vẻ lạ thường trời lạnh cắt thịt hai bàn tay ôm chặt một chiếc lá màu xanh lạnh quá gió thổi dữ dội chạy mãi không biết về đâu hai bàn tay chụm lại ôm chặt một chiếc lá màu xanh chim sơn ca ở đâu gào như khóc gió thổi lạnh cắt thịt trên sân bay vắng vẻ lạ thường chạy mãi chạy mãi như bị rượt đuổi lạnh quá sợ quá sao nhiều tiếng chim sơn ca gào đến thế mệt quá rồi chạy không nổi nữa mặt đất sao cứ lún xuống mãi hai bàn chân nhấc lên không nổi gió cứ thổi dữ dội lạnh như cắt ruột hai bàn tay cứ ôm chặt một chiếc lá màu xanh đôi chân rã rời sụp xuống lạnh quá gió thổi dữ dội sao nhiều tiếng chim sơn ca gào đến thế nghe tiếng trẻ sơ sinh khóc thét như ngạt hơi giữa hai lòng bàn tay gió lạnh cắt ruột trẻ sơ sinh khóc thét giãy giụa chiếc lá màu xanh đâu mất rồi cái gì nhầy nhụa giãy giụa giữa hai lòng bàn tay chiếc lá màu xanh không còn nữa mở hai bàn tay ra thấy bào thai nhầy nhụa trần truồng gió không còn thổi nữa trời lạnh cắt ruột bào thai nhầy nhụa không còn khóc nữa sao khuôn mặt giống tôi khuôn mặt giống tôi khuôn mặt giống tôi hai bàn tay khép lại gào nức nở. . .

III. Những đoạn nhật ký đáng lưu ý
Chủ Nhật, 14/12/97. Đã sắp đến kỳ ramadan. Fatimah tặng mình cuốn kinh Qur’an.
. . .
Thứ Hai, 22/12/97. Một số chữ cần nhớ: hibah (tặng vật); sarmad (sự vĩnh cửu của thánh linh); zaman (thời gian); khalq (sự sáng tạo);jadid (mới); wahy (cảm hứng); kafir (kẻ phản Chúa); tawbah (sám hối).
Chủ Nhật, 11/1/98. Một vài điều cần biết:
- Allah tha thứ cho Adam tội không vâng lời. (Ăn trái cấm mà khỏi mang nguyên tội. Thật thích.)
- Satan không vâng lời Allah để cùng các thiên thần quỳ lạy Adam. Do đó, y bị đuổi ra khỏi hàng ngũ thiên thần. Kinh Qur’an cho rằng Satan phạm tội kiêu ngạo. Sau khi bị trục xuất, Satan nổi loạn và tìm cách dẫn dắt con cháu của Adam vào sai lầm và tội lỗi. Y là biểu tượng của con người đương thời (nghĩa là con người từ thế kỷ thứ 7 đến nay?), và hành động nổi loạn của y chỉ chấm dứt ở Ngày Cuối Cùng. (Chuyện này thật thú vị!)
. . .
Thứ Bảy, 14/2/98. Fatimah nói nàng yêu mình rất nhiều nhưng không thể để mất ihsan. Nàng nói theo Islam thì chỉ sau khi cưới hai người mới thành quần áo của nhau. “Each other’s garments”: một ẩn dụ ngộ nghĩnh. Mình đùa: “Theo luật Muslim, mỗi người đàn ông được có một lúc bốn bộ quần áo bốc lửa như thế. Thật khoái! Có lẽ vì thế anh sẽ theo Islam.” Nàng có vẻ không vui. Mình phải xin lỗi.
. . .
Thứ Bảy, 28/2/98. Mùng một Tết. Fatimah tặng mình bản Anh ngữ cuốn Moallakat của Imr-ul-Kais. Nàng nói người Ả Rập thế kỷ thứ 4 mà đã lãng mạn đến thế. Nhưng đùa rằng nàng không muốn mình bắt chước Imr-ul-Kais, một kẻ quá nhiều vợ.
. . .
Chủ Nhật, 8/3/98. Fatimah đem đến một xâu tràng hạt, nói của bà nội gửi cho mình. Nàng nói cụ đã câm từ trước khi nàng ra đời. Cụ tử tế biết bao. Mình gửi tặng cụ một bó hoa.
. . .
Thứ Bảy, 18/4/98. Màu xanh lá cây: biểu tượng của niềm hoan lạc thánh linh.
. . .
Thứ Sáu, 8/5/98. Năm mới của Muslim. Tại sao mấy câu này trong Moallakat cứ ám ảnh mình:
Nàng xinh đẹp biết bao, người con gái sau tấm mạng che mặt, kín đáo biết bao! Nhưng nàng đã mời gọi ta đến.
Ta đã lách qua những dây thừng cột lều - biết đâu chừng anh trai nàng đang mai phục trong bóng tối chờ đâm ta chết, bọn chúng toàn là loài khát máu.
. . .
Thứ Hai, 15/6/98. (Đây là một trang nhật ký không chữ viết, chỉ có một bức vẽ một cô gái khỏa thân, mặt mang tấm mạng che, bên cạnh một chàng trai khỏa thân ôm cây đàn rabab)
. . .
Thứ Bảy, 20/6/98. Thích mấy câu thơ trong Moallakat:
Hông nàng gọn nhỏ - sợi thừng bện chặt khó sánh vẻ chắc săn.
Đôi chân nàng suông dài như đôi cây sậy mọc lên từ bờ nước ...
Bàn tay nàng êm ả - những ngón tay nhỏ vuốt nhẹ trên da thịt ta như những con sâu nước, láng mịn như những con rắn của Thobya . . .
Khuôn mặt nàng xinh đẹp - không bẽn lẽn ửng hồng - toát ra vẻ cao sang,
đôi vú sáng ngời như thủy tinh, phô trần dưới dây chuyền lấp lánh.
Nàng như chiếc ngọc trai trinh tân, thấp thoáng dưới đáy biển sâu tỏa sáng, trong ngần, không thể nào vói tới . . .”
. . .
Thứ Sáu, 26/6/98. Chim sơn ca: biểu tượng của linh hồn. Hoa hồng: biểu tượng của vẻ đẹp toàn bích của Allah.
. . .
Chủ Nhật, 16/7/98. Thích câu này của Ibn al-Arabi: “Tôi theo tôn giáo của tình yêu bất cứ nơi nào bầy lạc đà của tình yêu đưa tôi đến.”
. . .
Chủ Nhật, 23/8/98. Jihad: thánh chiến, cuộc đấu tranh của người Muslim để bảo vệ chân lý của Allah. Mục đích của jihad không phải là để bắt buộc đối thủ phải theo Islam, nhưng để làm chủ sức mạnh chính trị của xã hội mà tinh thần Islam là tôn chỉ. Jihad có thể vận dụng sức mạnh quân sự trong trường hợp cần thiết.
. . .
Thứ Tư, 14/10/98. Dạo này mình khó ngủ. Cứ thấy toàn ác mộng. Kinh Qur’an ghi: số 40 là chiều dài của thời gian sám hối, chịu đựng, dọn mình và chay tịnh. (40 ngày, 40 tháng hay 40 năm?)
. . .
Thứ Sáu, 6/11/98. Sinh nhật Fatimah 22 tuổi. Suốt đêm qua không ngủ được. Đọc mãi kinh Qur’an. Sẽ gửi những lời này đến với Fatimah: “In the name of Allah, the Beneficent, the Merciful. Praise be to Allah, Lord of the Worlds, the Beneficent, the Merciful, Owner of the Day of Judgement. Thee alone we worship; Thee alone we ask for help. Show us the straight path, the path of those whom Thou hast favoured; not the path of those who earn Thine anger nor of those who go astray.” Và những lời này cho riêng mình: “Ngài phán rằng: Hỡi con trai của ta! Đừng nói cho anh em ngươi biết điều ngươi nhìn thấy, kẻo bọn chúng âm mưu hại ngươi. Hãy nhìn kìa! Satan là kẻ thù hiển nhiên của con người.” [**]

IV. Jihad
.... con khốn nạn kia mày lại đây cho tao bảo cái này... từ ngày mày quen
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . Fatimah lại cho ba mày dạy . . . . ông phải dạy cho
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . Fatimah mày còn chần chừ gì nữa . . . ba phải dạy
cái thằng người Việt chó đẻ đó trông mày không còn ra cái gì cả . . .
nó nghe điều phải trái . . . . . con này càng lớn càng khó dạy . . . ông ngậm cái ống
cho nó biết con gái Muslim phải sống ra sao . . . . . . . . . . . còn cái thằng người
mày muốn đi lúc nào thì đi về lúc nào . . . . . . . . . thì về . . . .
tẩu để tôi châm lửa cho . . . . con gái như thế còn mặt mũi nào mà sống với ummah
Việt chó đẻ đó ba cứ để con trừng trị . . . . . . . . . . hôm thứ sáu tuần trước con lên trên mosque
mày gầm mặt xuống mà nghe tao nói . . . đừng có trố mắt ra như thế . . . nhà
. . . tôi đã nói to nói nhỏ biết bao nhiêu mà nó cũng không nghe . . . . . mấy bà
mấy đứa bạn hỏi chừng nào thì em gái mày biết vò spring roll . . . nghe mà muốn tự tử . . . .
này là nhà có danh giá trong ummah . . . là nhà có iman . . . mày có nghe rõ
nhà Ibrahim bắt đầu xầm xì con nhỏ nhà này sắp bỏ nhà theo trai . . . . . . . .
. . . . con phải bẻ cổ cái thằng người Việt chó đẻ đó . . . . . . . . . .
không . . . mẹ mày nói với tao người ta đồn mày ốm nghén . . . mặt mũi mày
. . . mày có nghe rõ không . . . người ta nói mày là đồ qadhf . . . làm sao mà tôi sống
. . . . còn mặt mũi nào mà sống với ummah được chứ . . . . . . . . con người có học mà ngu như
dạo này xanh xao phờ phạc . . . tại vì học thi à . . . mày mà còn học hành gì
được hả trời . . . nhục ơi là nhục . . . học cái gì mà học . . . bao nhiêu chỗ khá giả mày
vậy . . . đi theo cái thằng người Việt chó đẻ . . . ba cho con hút một hơi . . . .
nữa . . . . mày nói thật cho tao nghe mày đã quan hệ với thằng chó đẻ đó tới
có chịu đâu . . . lại đâm đầu đi theo cái thằng người Việt đó . . . . . . . . . .
. . . phải giết cái thằng chó này . . . người mình chết hết rồi hay sao mà đi theo cái thằng đó . .
mức nào rồi . . . mày nói đi . . . bà để cho nó nói . . . mày im đi để cho nó nói
. . . . . . . . . . . . mày nói thật với ba mày đi . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . mày nói thật đi . . . . . . . .. . . . . . . . . . mày nói thật đi . . . . . . . . . . . . . .
. . . mày nói đi . . . hả . . . mày nói sao . . . mày muốn cưới nó hả . . . . . bà có
. . . . . . . . . hả . . . . . . . . . .mày nói cái gì . . . . cưới thằng đó hả . . . mày có
. . . . . .. . hả . . . . . .. . . . . . mày nói cái gì . . . . . . cưới thằng chó đó . . . trời
nghe nó nói gì không . . . nó muốn làm vợ thằng chó đẻ đó . . . mày giỡn với
điên không . . . . ông có nghe nó nói gì không . . . trời ơi là trời con ơi là con
ơi . . . ba có nghe nó nói gì không . . . tát cho nó vỡ mặt ra . . . . mày dám nói giỡn hả con kia . . .
tao hả . . . sao . . . cái gì . . . mày nói thật hả con đĩ kia . . . . . tao cắt cổ mày
nhục ơi là nhục . . . sao . . . cái gì . . . mày nói thật sao . . . hả . . . cái con đĩ kia
. . . mày dám nói như thế hả . . . cái gì . . . mày nói thật hả . . . tao đánh vỡ mặt mày ra bây giờ
. . . thằng Sadi bế bà nội mày vào phòng ngủ để tao giết con đĩ mất dạy này
. . . . . . . mẹ nín đi chứ việc gì mẹ phải khóc . . . để tụi tôi dạy nó chứ . . . Sadi bế bà nội vào
. . . bà nội . . . sao bà khóc . . . sao bà lại bênh nó . . . để ba tôi dạy nó chứ . . . bà để tôi bế vào
. . . bà khóc lóc như thế thì tôi dạy nó thế nào . . . cái con đĩ này con đĩ này
phòng ngủ . . bà cứ bênh nó như thế thì còn dạy dỗ gì được . . . cái con đĩ mất dạy
. . . bà đừng có giãy giụa như thế . . . lúc nào đụng đến nó thì bà lại khóc lóc
tao chôn sống mày mày dám nói như thế hả con đĩ con đĩ con đĩ con đĩ con
mày dám nói như thế sao . . . ông chôn sống nó đi . . . đồ đĩ đồ đĩ đồ đĩ đồ đĩ đồ đĩ
mày dám nói như vậy à . . . chôn sống nó đi . . . quá nhục nhã . . . tao phải giết cái thằng chó
đĩ đồ đứng đường đồ súc vật tao đánh mày nát xương con đĩ con đĩ con đĩ . .
. . . trời ơi . . . trời ơi . . . giết cái thằng chó đẻ đó đi giết cái thằng chó đẻ đó đi giết . .
đẻ đó cái thằng chó đẻ tao cắt cổ nó tao lột da nó tao bằm xương nó tao chặt đầu nó chẻ sọ nó . .

V. Những đoạn nhật ký đáng lưu ý
Thứ Ba, 4/11/97. Ngày mốt là sinh nhật thứ 21 của mình. Mình không cần quà, chỉ cần có Nhân. Mình muốn đưa Nhân đi xem cái mosqueở Lakemba rồi về nhà mình để gặp bà nội, bố mẹ và anh Sadi.
. . .
Thứ Năm, 6/11/97. Một ngày vui không trọn vẹn. Nhân tặng mình bản Anh ngữ cuốn The Tale of Kiều của Nguyễn Du. Mình thích lắm. Sẽ gắng đọc. Nhân nói mosque ở Lakemba không tạo được không khí huyền bí như anh ấy tưởng tượng. Bố mẹ và anh Sadi có vẻ lãnh đạm đối với Nhân. Anh Sadi cứ nhìn chăm chăm vào mặt Nhân. Thật lạ. Bà nội ngồi lặng lẽ lần tràng hạt suốt bữa tiệc, và trước khi Nhân ra về, cụ hôn anh ấy thật dịu dàng. . .
. . .
Thứ Hai, 24/11/97. Cuộc đời Kiều bắt đầu sao buồn quá. Cô ấy vừa đẹp vừa tài mà phải bán mình để trả nợ cho cha. Dẫu sao cô ấy tự nguyện làm thế. Ở xã hội Muslim, cha bán con gái là chuyện thường.
. . .
Chủ Nhật, 7/12/97. Tại sao Thượng Đế lại ghen với nhan sắc của Thuý Kiều? Ai lại có thể đẹp hơn đoá hoa hồng của Allah? Nhân nói đùa người nào đẹp thì số phận cay nghiệt lắm. Nhưng mình đâu có đẹp, dù anh ấy cứ bảo mình đẹp.
. . .
Thứ Sáu, 19/12/97. Cuối cùng rồi Thuý Kiều cũng lại đoàn tụ với Kim Trọng. Đọc đến đây lại thấy vui. Nhưng câu chuyện giả tạo làm sao. Mình không tin cuộc đời tan nát của Kiều lại ngẫu nhiên kết thúc có hậu như thế. Văn chương Muslim cũng vậy, tan nát đến thế nào rồi kết thúc cũng tốt đẹp. Nhưng cuộc sống thật hiếm khi có như thế. Thế giới Muslim cứ khổ mãi, mà cứ đọc mãi chuyện tốt lành giả tưởng.
Chủ Nhật, 11/1/98. Nhân nói đời anh ấy đã khổ quá nhiều và anh không tin vào bất cứ tôn giáo nào nữa. Anh chỉ đọc sách tôn giáo như đọc văn chương, triết học. Anh nói mình phải làm chủ đời mình. Nghe thế mình chợt thấy hơi lo sợ, nhưng không biết sợ điều gì.
. . .
Thứ Bảy, 24/2/98. Nhân cuồng nhiệt và đáng yêu quá. Nhưng mình phải cứng rắn. Nếu không thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
. . .
Thứ Năm, 26/2/98. Người Việt và người Muslim đều tin vào số mệnh. Nhưng nếu quả có số mệnh thì cứ thong thả tuân theo số mệnh, chứ việc gì phải lo lắng khổ sở. Kiều muốn tự tử cũng có người cứu vớt, và cuối cùng rồi cũng đoàn tụ với Kim Trọng.
. . .
Chủ Nhật, 8/3/98. Bà nội đưa mình xâu tràng hạt, ra hiệu bảo mình đưa cho Nhân. Không biết có phải cụ muốn Nhân theo Islam không? Nhân gửi tặng cụ một bó hoa hồng lớn. Cụ vui lắm.
. . .
Thứ Sáu, 17/4/98. Người thầy bói nói mình sẽ lấy chồng dị chủng và sẽ sống một đời hạnh phúc. Mình muốn tin như thế. Nhất định phải như thế.
. . .
Thứ Bảy, 18/4/98. Nhân đã đưa mình đến một thế giới khác. Cảm ơn Nhân. Cảm ơn Nhân. Mình không thể diễn tả thành lời. Mình sẽ yêu Nhân mãi mãi.
. . .
Thứ Bảy, 25/4/98. Ba mẹ và anh Sadi không muốn thấy Nhân đến nhà mình nữa. Mình khóc rất nhiều mà mẹ vẫn không lay chuyển. Mình hãy kiên nhẫn. Hãy cầu nguyện thật nhiều.
. . .
Thứ Sáu, 8/5/98. Năm mới của Muslim. Năm mới của đời mình.
. . .
Thứ Hai, 15/6/98. Mình cứ lo sợ vẩn vơ một điều gì đó không rõ. Đêm ngủ cứ giật mình mãi. Tại sao thế?
. . .
Thứ Sáu, 19/6/98. Mình có nên cho Nhân biết không?
. . .
Thứ Bảy, 17/7/98. Nhân nói đúng. Mình phải làm chủ đời mình. Mà ngay cả nếu quả thật đã có số mệnh thì còn gì mà lo lắng.
. . .
Thứ Sáu, 31/7/98. Hôm qua mình vào bệnh viện thăm Nhân. Không thể nói được một lời, mình khóc trên ngực Nhân rất lâu. Trước khi ra về, mình nói: “Hãy tha thứ cho em.” Nhưng Nhân lại nói: “Không, em không có lỗi. Hãy tha thứ cho anh.”
. . .
Thứ Tư, 14/10/98. Đã mấy tháng rồi, mình không thể gặp Nhân. Chỉ còn chuyện trò qua điện thư. Mình không còn muốn viết nhật ký nữa.
. . .
Thứ Năm, 5/11/98. Nếu mình nhảy xuống sông, có ai sẽ vớt mình lên không? Nhân bảo chuyện của chúng mình chẳng qua chỉ là một câu chuyện đã được viết xong rồi, nhưng chúng mình không phải là tác giả nên sẽ không thể biết trước đoạn kết. Nhưng ai là tác giả? Không biết tác giả có đem một nữ tu vào câu chuyện này không?
. . .

VI. Chiêm bao và ảo ảnh
. . . bầy lạc đà nối nhau trùng trùng lưng đầy lễ vật vàng bạc đồng chỉ tím chỉ đỏ điều chỉ đỏ sậm vải gai mịn lông dê da chiên đực nhuộm đỏ da cá nược cây si tim dầu thắp các thứ hương liệu bích ngọc hoa tai nhẫn khâu kiềng bạch mã kiêu ngạo đi từng bước chậm giơ vó cao nhạc trống naqqarah và nuqayrat nhạc kèn buq và nafir nhạc dây ud và rabab bầy ca nhi qaynat véo von ngợi ca ngày hôn lễ trùng trùng lạc đà trùng trùng lễ vật vàng bạc đồng chỉ tím chỉ đỏ điều chỉ đỏ sậm vải gai mịn lông dê da chiên đực nhuộm đỏ da cá nược cây si tim dầu thắp các thứ hương liệu bích ngọc hoa tai nhẫn khâu kiềng nhưng hoàng tử đâu rồi hoàng tử ơi hoàng tử ơi bàng hoàng gào khản tiếng . . .
. . . bầu trời xanh màu lá cây . . . hoa hồng nở rộ từng đoá . . . . . . . . . từng đoá rồi muôn triệu đoá . . . . bước chân lướt trong không khí không tiếng động . . . . . . ồ bay lên . . . bay lên . . . bay mãi vào bầu trời xanh lá cây bát ngát . . . bay mãi . . . . bay mãi . . . ồ bay mãi . . . ồ trời xanh biếc . . . . . . . thêm xanh . . . . thêm xanh . . . . thêm xanh sắc chàm tím thẫm dần kinh dị đổ sụp xuống cơn mưa tím ngập ngụa sao không còn bay nữa chân tay cuống quýt ngập ngụa cơn mưa tím . . . ngập ngụa . . . chim sơn ca kêu thét hãi hùng trong bụng . . . rơi xuống . . . . . trôi xuống đổ ào xuống triệu đoá hoa hồng tơi tả rụng đỏ rực đất chim sơn ca kêu thét giãy giụa trong bụng giãy giụa giãy giụa trong bụng hoa máu tơi tả rụng đầm đìa thân thể . . .
. . . khi mặt trời bị đánh gục và khi tinh tú rụng rơi và khi núi đồi dời chuyển và khi đàn lạc đà mang thai bị ruồng bỏ và khi dã thú được chăn dắt thành bầy và khi các đại dương chồm dậy và khi những linh hồn được đoàn tụ và khi đứa bé gái bị chôn sống được hỏi vì tội lỗi gì mà phải tử vong và khi những trang sách mở ra và khi bầu trời bị xé rách và khi địa ngục được thắp sáng lên và khi vườn cây được mang đến gần thì mỗi linh hồn sẽ biết nó đã sẵn sàng cho điều gì ôi nhưng ta đến để làm chứng cho những hành tinh những vì sao nhô lên và lặn xuống và đêm tàn và hơi thở của rạng đông hắt lên trung thực như ngôn từ của người mang sứ điệp đầy vinh hạnh . . .

VII. Căn phòng
Đúng năm giờ mười. Không một đám mây lọt vào khung cửa sổ. Chó sủa vu vơ dưới sân. Chích choè xanh kêu khẽ trong những khóm cây dủ dẻ. Mấy con búp bê cũ kỹ và nhỏ bé ngồi trên thành cửa sổ bất động, mắt hạt cườm không chớp. Ba khoảng tường trắng. Khoảng tường còn lại có treo ấn bản bức tranh Hoàng tử Humay dừng ngựa bạch trước lâu đài Humayun của Junayd. Ngay dưới đó là chiếc giường nhỏ. Một xâu tràng hạt và cuốn The Tale of Kiều nằm ngay ngắn trên gối. Chiếc máy hát từ phòng khách dưới nhà vẳng lên điệu sầu ca huda, điệu nhạc của người lữ hành ngày xưa trên lưng lạc đà thường xướng lên để đuổi những jinn - hồn ma hoang lang thang trên sa mạc.

Sydney, 10/11/98

_________________________
Chú thích:
[*]Nội dung bức điện thư ở chương I:
Nhân yêu quý nhất đời,
Đêm qua em thấy một ác mộng. Không phải hoàn toàn là một ác mộng nhưng nó lạ lùng và buồn. Em nhớ mấy hàng này trong Kiều:
“Cứ trong mộng triệu mà suy,
Thân con thôi có ra gì mai sau!”
Dẫu sao, nó chỉ là một giấc mộng.
Fatimah
 
(Hai câu Kiều bằng Anh ngữ được trích từ bản dịch của giáo sư Huỳnh Sanh Thông nhan đề The Tale of Kiều, do viện đại học Yale xuất bản năm 1983.)
 
[**]Nội dung đoạn tiếng Anh ở cuối chương III:
“Vinh danh đấng A-la, đấng ban Phước Lành, đấng ban Ân Huệ. Chúng con đồng ngợi ca A-la, Chúa của các Thế Giới, đấng ban Phước Lành, đấng ban Ân Huệ, đấng Chủ Tể của Ngày Phán Xét. Chúng con chỉ thờ phượng Ngài; chúng con chỉ cầu xin Ngài phù hộ. Cầu xin Ngài chỉ cho chúng con con đường ngay thẳng, con đường của những người từng được Ngài ban ân sủng; không phải con đường của những kẻ làm Ngài bất bình hay của những người lạc lối.”

Saturday, August 30, 2003

Hát lên trong chiều | Một ngày mưa trên phố | Du ca

2003


Hát lên trong chiều


ai quên đóng cửa buổi chiều
để hoàng hôn lạc
cánh diều đi hoang
tôi thành một chú Bê ngoan
hương quê trong cỏ lẫn thoang thoảng mùa

mẹ đi gánh hết giông mưa
quê nghèo thiếu cả chỉ thừa khói lam
tuổi thơ tôi
chú cánh cam
đậu cây cháy héo mơ ngàn cây xanh

sáo diều trời đất để dành
chiều nay rót xuống
thơm nhành lúa non
người đi chân đất mỏi mòn
đầu làng nhớ đỏ gạo son thì về

nắng mưa cát gió là quê
cánh diều chưa mất lời thề sợi dây
Bê nằm

rạ rơm bay
hồn quê vẫn đứng trên đầy bát cơm.


Một ngày mưa trên phố


Sài Gòn mưa ướt trời đêm
xuýt xoa!
may ấm mắt em đèn vàng
đôi khi đại lộ thênh thang
mình đi cứ ngỡ hai hàng cây đi
người che mưa ướt cong mi
cho ta trú dưới nhu mì với em!

Sài Gòn mưa ướt trời đêm
bỗng dưng phố xá thật hiền trên tay
vỉa hè rượu uống không say
giọt mưa mang nỗi buồn bay về trời
người đi cho kịp đêm trôi
ta đi cho kịp nụ cười môi em

Sài Gòn mưa ướt trời đêm
tiếng dương cầm chảy ướt mềm vòng xe
chân trần tránh xác lá me
mới hay mình cũng nửa quê nửa mùa
Sài Gòn còn một đêm mưa
người quê, kẻ phố kịp giờ nhập đôi.


Du ca


Chiều
Ai nhóm bếp củi ngo
khói lam đan sợi níu đò triền sông
người ngang dọc
mùa đi vòng
tìm về
chim ngói, cánh đồng reo ca.

Thương bờ cúc dại quanh nhà
huây hoai hương rạ len qua tuổi tình
hát khi ngồi với bình minh
chuông chùa hòa khúc yên bình từ tâm
hình như...
tha thiết trăng rằm
một lần thơ dại được cầm tay em.

Sương khuya gầy ảo dáng hiền
Mẹ cho vóc hạc khắp miền lãng du
về gối đầu với mùa thu
hoang vu còn ấm lời ru nửa đời.

Quê ơi,
khao khát lở bồi
cắm sào cúi nhặt bóng tôi bên Người

Tú Trinh

Link

Saturday, August 2, 2003

Thơ cho bé Nấm

cho những đứa trẻ tên Nấm của ngày mai

cha đặt tên khai sinh
(tên để dành đi học)
lúc bé còn trong nôi
gọi con là Nấm nhé!
thơm lừng giữa rạ rơm
đẫm hương quê tên bé
đi suốt đời không quên

con đang ngủ hay thức đấy bé con?
môi hoa chúm chím vừa rời vú mẹ
xinh như vì sao vừa nhú
đêm của con rạng rỡ hai mặt trời hồng đôi má
giấc con mơ ngoan, tay chân như cây lúa, huơ múa
thắp ánh nhìn trìu mến từ dấu chân chim khoé mắt ông bà
mẹ biết mà,
mi khép hờ thôi, bé con của mẹ đang nghe đấy
lời quê hương à ạ bên cánh nôi

bé con của mẹ đang mỉm cười với lời ru
lời ru trắng cánh cò chở gió
hong khô mồ hôi lưng áo người nông dân
lời ru xanh bước chân lộp ộp lún sình
đánh thức cánh đồng mỗi mùa trĩu hạt
lời ru thủng thỉnh trưa hè
lũy tre làng hát ru bọn trẻ
lời ru âm vang
điệu hò ướp hương ngai ngái đồng chiều
lời ru tí tách bếp lửa

bé con ạ, con thức rồi phải không?
mẹ vẫn hát ầu ơ cho con vui nhé!
đất nước thanh bình con không phải nghe tiếng súng thét bom rền
quê hương trong bé con của mẹ bắt đầu từ những điều bình dị nhất
tinh túy của rơm rạ
của cánh đồng sau mùa
“Nấm”
mẹ đang gọi tên bé con đấy!
từ cánh nôi êm…
mai nhé, mỗi khi gọi tên mình,
con sẽ nhớ, bắt đầu từ cánh đồng quê hương…

Tú Trinh
2003
--


Và câu chuyện tình bạn, và tạo hóa kỳ diệu, 02/08/2011, bé Nấm, 8 năm sau là con của bé Nhiên ;-) Thơ được chuyển giao cùng niềm vui và tin yêu :)


Bé Nấm một tuổi như con mèo nhỏ...

Thursday, July 31, 2003

Thơ cho bình yên

2003

nhiệt độ cao nên giấc mơ phải thấp để bù lại
cánh đồng cà rốt thật bình yên
đêm qua ta thấy mình là thỏ
sáng nay cơn sốt bỏ đi rồi
nụ cười lập tức mượn ngay đôi môi chưa kịp hồng với nắng
những chiếc răng chào mặt trời
và ta nghiêng người
gặp bình yên vài ngày nấp trong túi cà rốt bạn để bên thềm cửa

nỗi buồn thì đáng thương, người ta thấy nó xấu
còn cá sấu thật dễ thương trong tivi quán cà phê
đừng để ý cổ tích,
alligator! đầm lầy bình yên!
ta mang giấc mơ cá sấu duỗi mình sưởi nắng
bạn chở về ngoại ô trốn nỗi buồn
tung tóe bùn vào nhau
mấy ngày nữa bình yên theo tiếng bùn lộp ộp

“như con cá măng nghiêng giấc ngủ giữa khóm lau, ánh mắt vẫn đầy trăng…” (*)
cá không bị sâu răng nên mặt trăng khuyết hay tròn cũng bình yên
ta sẽ là con cá lưu manh để quẫy đạp trong trăng mà chẳng e dè chị Hằng chú Cuội
giấc mơ con cá không thèm thấy trăng cao
và cá thì chẳng thể leo trèo
đâu có ai nói cá té
bạn làm cho ta chiếc lồng đèn hình ông trăng
nến lung linh giữ bình yên đôi ngày

quên mất giấc mơ con người
nên bình yên chỉ mấy ngày, vài ngày, đôi ngày
vẫn cơn sốt, cái răng sâu và nỗi buồn chia ca trực
quên cả siết tay bạn rồi
nên bình yên bỏ đi ấm ức…

Tú Trinh
(*) thơ V.Basơ (Đức)

Wednesday, July 30, 2003

Mưa rừng

hè 2003


lều bạt ưỡn ngực phồng căng với gió
người nấp mình trong những cái nấm-ni-lông
mưa diễn thời trang lá cỏ
hoạ tiết những dấu giày

người Mạ đeo gùi nói tiếng Mạ
mưa nói tiếng mưa
em nói tiếng sợi tóc
kết chuỗi thành hiên mưa
rưng rưng kẽ chân người lạ

vách tranh ngậm tiếng lá
đất vang tiếng côn trùng
sâu ngún ngoảy lá mục
nấm tròn xoe đợi thức
melody rừng

chiếc máy ảnh jump vào hồn nhiên ngày mới lớn
bỏ quên đôi bướm ngoài mưa
hiên mưa nói tiếng mưa
cổ thụ trầm tiếng gỗ
jazz thiên nhiên tiếng nấm
lịch kịch tiếng click chưa xưa

Tú Trinh

Tuesday, July 8, 2003

hè phố

2003

mù nắng
không nhận ra mình nữa rồi
thắc thỏm giữa dòng lấp lóa trôi
là suối – sông, là thác – ghềnh, hay là biển phố?

mù gió
phố xiêu vẹo tiếng ồn, đèn đường tung toé xanh đỏ
cái chun mũi dài
que kem dỗi hờn chẳng kịp níu thêm tí ngọt êm trên môi cô bé
gió thổi tung những hơi lạnh vừa tan

mù mưa
cho đàn ve thỏa thê vốc ngụm nước trời dịu cây vĩ cầm xíu nữa thôi luyến láy
mưa ngân mùi cỏ xanh non
ve mỉm cười ngơ ngác
mưa nhảy chân sáo tung tăng trong bàn tay người xoè ra
cố hứng trọn mùa hè

mùa hạ mù mù trong cái so vai.

Tú Trinh

Saturday, June 28, 2003

Hò hẹn với dạ thưa

6/2003

Cả tháng sáu email gào lên: Huế!
Mãnh liệt chi O, Huế vốn thâm trầm
Cứ len lén nhớ ngọt chùm hoa khế
Điệu nam bằng tha thiết một lần thăm

Sóng Hương Giang vỗ ngọt lừ răng rứa
Rường cột thâm cung nạm ngọc thời gian
Đụn rơm mùa này thẹn thùng nhớ lửa
Thắp dáng O lồng lộng đồi Thiên An

Đêm mái Huế cong trời vòm cổ kính
Phố mòn chân răng lạc một trầm tư
Để mặc tuổi thơ hẹn hò mắt ướt
Quán cóc quen chừ lạ lẫm, dường như…

Cỏ cố đô còn ríu ran lễ hội
Tiếng chuông chiều ngân khuyết chút bình yên
Nắng bao dung
Thâm trầm về tắm gội
Lãng đãng sương chưa kịp ngâu mưa hiền

Message gửi O chần chừ tạ lỗi
Hẹn sang thu Huế đón lời dạ thưa!

Tú Trinh

Link

Friday, May 30, 2003

Niềm tin báo tử

2003

không ai công đồn
không có kẻ địch
cuộc sống ôn tồn

những thành quách của niềm tin từ khi nào thất thủ
tôi cúi đầu trước liêu xiêu hồn mình
những mũi tên không nhằm trúng ai cả
bay lơ lửng quanh đây
trở thành món trang sức đắt tiền của sự hoài nghi

thành quách hoang tàn nên cà phê không còn vị
nhà cao tầng khuất lấp lối về quán cóc – nơi cuối cùng chi viện niềm tin
úp mặt xuống đất tìm tôi trong lòng đất
đất quay lưng bằng nền đá hoa cương bóng loáng rợp dấu chân người
chẳng là thú để quay về suối cũ

đành ngẩng cao đầu bằng thằng người hoài nghi
thằng người thua trận đứng dậy ngã xuống lại đứng dậy ngã xuống
rón rén thắp nén linh hương cho sự thất thủ
chẳng phân biệt nổi thằng người nào là tôi

Tú Trinh

Wednesday, April 30, 2003

niềm vui

2003

mỗi bình minh, em vẫn chọn một niềm vui
niềm vui nhân danh con chữ
em cầm bút, tiếp tục cuộc hành trình về phía cánh đồng trắng
bắt kịp một tia nắng
thăng hoa
reo ca
ừ, rất xa.

mỗi ngày em có một niềm vui
niềm vui có tên gọi và số thứ tự
em không giữ cho riêng mình mà sẽ chia cho người khác
không mới
niềm vui còn hiện diện để chọn cho mình một niềm vui cũ.

em hay đi loanh quanh góp nhặt niềm vui
của em, của anh, của người con gái anh yêu
của người vừa quen biết, của người qua đường xa lạ
để có một lần em thả trọn niềm vui về đất
cho con giun ngọ nguậy chạy tìm – đất xốp và lộc xanh non.

em vẫn hẹn hò với góc phố có trường học trẻ con
chiều trong vắt ánh nhìn chờ mẹ
chiều giòn tan nụ cười bong bóng
gọi về niềm vui xưa

niềm vui thường đỏng đảnh
trốn tìm ở đâu sau lớp hương mùa
Sài Gòn mùa không mưa
sao mắt em ướt thế?

Tú Trinh

Friday, April 4, 2003

Đôi Khi

04/03

Đôi khi sáng một mình
Em thanh thản soi gương
Mi, mắt, má, mũi đều xinh
Sao em chỉ thể hôn đôi môi hồng
Vết son nhòe kiếng, nhạt thếch

Đôi khi trưa
Phần cơm đẹp mắt đủ vị chua mặn ngọt
Lách cách muỗng nĩa với bạn bè
Đánh lưỡi thiếu một vị gì không rõ

Đôi khi chiều vội vã
Về kê cằm vào con thú nhồi bông mềm mại
Tưởng tượng bờ vai em vẫn thèm gục đầu vào đó
Thao thiết…
Rắn rỏi hơn
Thịt da hơn
Hít, thở, mồ hôi em ngạt bởi những sợi tơ mềm óng ánh thú nhồi bông

Đôi khi buồn
Em tìm anh trong bóng tối
Không có anh trong bóng tối em
Anh mắt trượt dài đồng lõa giấc ngủ
Em mơ thấy bàn tay
Sờ soạng cố níu

Đôi khi không có đêm.

Tú Trinh

Sunday, March 30, 2003

Lên đồi

2003

Gọi mùa hoa cũ
Trên lưng chừng đồi
Vàng phai hoa rũ
Có chờ em đâu?

Ngọn đồi hay nghĩ
Nên cỏ bạc đầu
Tìm xưa, hơi ấm
Gom về mắt nâu

Long lanh góc nhớ
Cỏ um nỗi niềm
Bạc về hơi thở
Xanh tìm hoang sơ

Hương lưng chừng tóc
Em lưng chừng thì
Hoa vàng nén khóc
Em cười, đôi khi

Tú Trinh

Thursday, January 30, 2003

Sáng

giêng 2003

Nhành lan tím nghiêng góc 23,5 độ trong cái bình không niên đại
con cá mở mắt quẩy mình trong đầu người phụ nữ
chào bàn phím ngày đầu năm, những ám ảnh chữ
quanh năm van não cứ rằm

giữ cho lòng mình những cơn bão ý tưởng
ngồi ghế gỗ và mơ ngựa gỗ
mơ về ngõ nhỏ đầy hoa
vô thức chắt chiu cho đời mình thêm 365 ngày để yêu thương và hờn dỗi

Tú Trinh

Friday, January 10, 2003

theo gót hài

01/03

những chiếc hài trong câu chuyện mẹ kể ngày xưa
những chiếc hài biết lang thang tìm công chúa
giấc ngủ ấu thơ tôi vươn vai thành hoàng tử
cùng quân sĩ đi khắp đất trời “loa… loa… loa…”

chiếc hài hôm qua
vẫn lặng im trong ngăn bàn cổ tích
em để quên bàn chân tinh nghịch
lại mang theo trái tim cậu học trò - tôi
em ơi, đi đâu mà vội…

những chiếc hài
e ấp cánh hoa lan
trốn tìm nhau chờ mùa trẩy hội

phố rộn ràng cánh én cõng mùa sang
“xuân lan, thu cúc…”
chiếc hài lan vườn tôi khoe thắm môi cười
nhành lộc nõn bâng khuâng lời chúc
trẩy hội
hài tôi
vừa chân em – cổ tích nhân từ.

Tú Trinh

Thursday, January 2, 2003

Trước gương

cho T20, giêng 2003

cô gái bồi hồi những ngón tay
hạt nút cuối cùng rơi tõm xuống lòng sông trong vắt
kênh một viên sỏi
lấp loá giọt mưa đêm
nhắm mắt
soi gương

ngón tay miết núi đồi đương thì con gái
trắng nhợt từ góc khuất kính vạn hoa
cỏ xanh ngoằn nghèo ngã rẽ
ghé mắt, thảng thốt
gương soi

mím môi hôn tuổi gầy phía gió
tóc tơ mềm những vệt cọ
kiễng chân
hun hút chờ sớm mai.

Tú Trinh