Monday, August 15, 2011

Những mảnh ý nghĩ về sự im lặng


1.
Sự im lặng là gì? Hãy thử giở một cuốn từ điển. Sự im lặng (danh từ): 1/ Trạng thái bất động và không có âm thanh. 2/ Sự không hiện hữu của âm thanh. 3/ Khoảng thời gian không có tiếng nói hay tiếng động. 4/ Sự từ chối hay bất khả phát ngôn.

2.
Lỗ tai của con người bình thường chỉ có thể nghe những âm thanh trong khoảng 20Hz đến 20.000 Hz. Tất cả những âm thanh có tần số thấp hơn và cao hơn khoảng ấy đều được xem là không hiện hữu trước lỗ tai của con người, vì mặc dù chúng có âm lượng lớn đến đâu, chúng cũng không thể làm rung động màng nhĩ của con người. Lỗ tai của con người cũng không thể nghe những âm thanh nhẹ hơn 0 decibel. Như thế, phải chăng bất kỳ âm thanh gì không làm màng nhĩ chúng ta rung động thì đều là sự im lặng?

3.
Ngày 29 tháng Tám năm 1952, tại Woodstock, New York, nhạc sĩ David Tudor trình diễn bản 4'33” của John Cage bằng cách ngồi trước chiếc đàn piano đúng 4 phút 33 giây, hoàn toàn không chơi một nốt nhạc nào. Tất nhiên, trong khoảng thời gian đó, nếu thật sự lắng nghe, khán giả có thể nhận ra rất nhiều âm thanh ngẫu sinh phát ra từ mọi chuyển động chung quanh mình. Tuy nhiên, mọi người đều cho rằng 4 phút 33 giây ấy là sự im lặng. Thế nhưng, 4 phút 33 giây im lặng ấy nói lên điều gì?

4.
Trang Tử: “Thuyên giả sở dĩ tại ngư, đắc ngư nhi vong thuyên; đế giả sở dĩ tại thố, đắc thố nhi vong đế; ngôn giả sở dĩ tại ý, đắc ý nhi vong ngôn. Ngô an đắc phù vong ngôn chi nhân nhi dữ nhi ngôn tai.” Có lời là vì ý, được ý hãy quên lời. Trang Tử muốn tìm được kẻ biết quên lời để cùng nhau đàm luận. Đàm luận trong sự im lặng? Nhưng, phải chăng “ý” thì im lặng? Hay “ý” lại chính là điều ồn ào nhất?

5.
Mặc như lôi. “Im lặng như sấm sét” của Mañjuśrī (Văn Thù Sư Lợi) là gì? Phải chăng đó chỉ là sự chấm dứt hoàn toàn của ngôn từ? Hay đó cũng là sự chấm dứt hoàn toàn của tư tưởng?

6.
Bức ảnh chụp — bất động và im lặng — cảnh một cô bé bị cháy phỏng vì bom napalm, chạy trần truồng trên một con đường ở Việt Nam, là một trong những bức ảnh ồn ào nhất về chiến tranh Việt Nam. Bức ảnh chụp — bất động và im lặng — cảnh một ông tướng, mặc quân phục, đang lạnh lùng bắn một viên đạn súng lục xuyên qua màng tang một kẻ thù, mặc thường phục, đang co rúm vì sợ hãi, là một trong những bức ảnh ồn ào nhất về chiến tranh Việt Nam.

7.
Trong Blue Octavo Notebooks, cuốn 3, trong đoạn văn ghi ngày 24 tháng 10 năm 1917, Franz Kafka kể một chuyện hư cấu về sự im lặng của bầy Nhân Ngư. Ông kể rằng Odysseus đã nhét sáp vào hai lỗ tai và tự trói mình vào cột buồm khi tiến đến gần bầy Nhân Ngư, hy vọng không nghe giọng hát cám dỗ của họ, và nếu lỡ nghe thì không thể thoát khỏi dây trói để lao về phía họ và bị ăn thịt. Odysseus không ngờ rằng giọng hát của bầy Nhân Ngư có thể đi xuyên qua bất kỳ thứ gì, và sức cám dỗ của họ có thể làm gãy đổ mọi thứ. Thế nhưng, rốt cuộc Odysseus vẫn đến gần được bầy Nhân Ngư, và chàng tin rằng chàng đã chiến thắng vì chất sáp đã ngăn cản được giọng hát của họ lọt vào tai chàng. Thế nhưng, sự thật thì ngược lại: bầy Nhân Ngư cảm thấy kinh ngạc khi thấy vẻ mặt sung sướng và ánh mắt khải thắng của Odysseus — lần đầu tiên họ thấy một vẻ mặt và một ánh mắt như thế của một con mồi — vì thế họ đã quên cất lên tiếng hát.

8.
Trong “Reflections on Sin, Suffering, Hope and the True Way”, Franz Kafka đã viết đoạn văn sau đây, rồi gạch bỏ đi:
Bạn không cần rời khỏi ngôi nhà này. Hãy ngồi lại tại cái bàn ấy và lắng nghe. Thậm chí đừng lắng nghe, mà chỉ chờ đợi. Thậm chí đừng chờ đợi, mà hãy giữ hoàn toàn im lặng và cô đơn. Thế giới sẽ tự trao nó cho bạn để được tháo gỡ chiếc mặt nạ; nó không thể làm cách nào khác; trong cơn cực khoái xuất thần nó sẽ quằn quại trước mắt bạn.
Đoạn văn này viết về sự im lặng trước khi một con người chứng ngộ một điều gì đó về thế giới. Nhưng Kafka đã gạch bỏ đoạn văn này, và không hề viết lại. Phải chăng sự gạch bỏ này diễn tả một sự im lặng khác, triệt để hơn? Một sự im lặng phủ định một sự im lặng? Và cái gì còn lại?

9.
Sự im lặng có thể là khoảnh khắc để lấy lại hơi thở. Chẳng hạn, trong một bài hát, những khoảng im lặng chính là lúc hơi thở của người hát được phục hồi. Sự im lặng là khoảng lấy sức để tiếp tục sống và phát ra âm thanh. Và, như thế, sự im lặng chứa đựng hạt mầm của sự sinh động. Hãy nghĩ đến sự im lặng trước một cơn bão.
Nhưng, sự im lặng cũng có thể là khoảnh khắc kiệt sức sau khi hơi thở đã cạn. Hãy nghĩ đến sự im lặng sau một cơn bão.

10.
Sự im lặng có phải là sự trống rỗng? Hay sự im lặng cũng có thể là sự đầy ắp? Sau một cuộc làm tình cuồng nhiệt, hai người nằm bên nhau trong sự im lặng. Sau khi thốt lên những lời tuyệt tình tàn nhẫn và cay đắng nhất, hai người đi về hai chốn khác nhau và nằm xuống, nhắm mắt lại trong sự im lặng. Sự im lặng nào là sự trống rỗng? Sự im lặng nào là sự tràn đầy?

11.
Có vô số sự im lặng khác nhau. Có sự im lặng trước khi lảy cò súng, và sự im lặng sau khi viên đạn đã thoát khỏi nòng và đâm xuyên qua thân xác của kẻ thù. Có sự im lặng trong lúc rình rập tấn công kẻ thù, và sự im lặng sau khi hoà bình đã được tái lập. Có sự im lặng trước khi một tác phẩm được viết ra, và sự im lặng sau khi một tác phẩm đã hoàn tất. Có sự im lặng trước một ngày lễ hội, và sự im lặng sau một ngày lễ hội. Có sự im lặng trước khi một núi lửa bùng nổ, và sự im lặng sau khi một một núi lửa đã tắt...

12.
Nếu trước mọi hiện hữu đã có sự im lặng, thì sự im lặng đó đã dài bao lâu? Nếu sau mọi hiện hữu sẽ có sự im lặng, thì sự im lặng đó sẽ dài bao lâu? Nếu cả vũ trụ này nằm trong một chu trình tái điệp “im lặng — hiện hữu — im lặng — hiện hữu ...” thì những khoảng im lặng ấy và những khoảng hiện hữu ấy có phải là một sự lặp lại nguyên thể không? Hay chúng hoàn toàn khác nhau? Và bây giờ hãy nhìn lại chính mình, và tự hỏi: Trước khi tôi được sinh ra, phải chăng tôi đã ở trong sự im lặng? Sau khi tôi chết, phải chăng tôi sẽ trở về trong sự im lặng? Hai sự im lặng đó — cái trước khi tôi được sinh ra và cái sau khi tôi chết — chỉ là một, hay là hai cái khác nhau? Có phải thật sự cả hai đều là sự im lặng? Hay cả hai đều không phải là sự im lặng?

Lê Liễu Chi


------------------------
ghép lại từ những mảnh ý nghĩ ngẫu nhiên và rời rạc trong nhật ký của những năm qua

No comments:

Post a Comment