Sunday, May 1, 2011

Mùa thu — merde à la la la

o

Ngâm bột, tôi nghe từng hạt bụi bột gạo, bột đậu xanh, bột nghệ li ti kia hoà lẫn vào nhau rồi reo vui trong nước mát. Xả đông tôm và thịt, tôi nghe tôm và thịt nói chuyện với nhau về những những phút giây ngắn ngủi khoe mình trên chiếc giường đá cục trong tủ kiếng quầy thịt và quầy hải sản phố Bankstown. Lặt rau, rau đắng có vẻ thích chí khi phát hiện là mình chứ không phải người bạn giông giống mình (rau ngò ôm) đang nằm bò lăn bò toài chung với tía tô, dắp cá, húng lủi, xà lách và cải bẹ xanh; rồi cả bọn lại thầm thì tâm sự những chuyện bí mật trong những tháng ngày sống hoà thuận với nhau nơi khu vườn nho nhỏ vùng Revesby bình yên. Dầm nước mắm, trái cà chua luộc chín lăn quay cam cam, mùi tinh dầu từ vỏ chanh thơm xộc vào mũi, vị đường ngọt ngào trấn áp, nước mắm cá cơm mằn mặn dịu dàng, tô nước mắm tự thân nó hôm nay đây quyết định đẫm hương một nền văn minh sông ngòi, biển cả. Dọn chén đũa, ồ, cái chén này, hoa văn này, quen quen, hình như ở nhà ông già mình cũng có một lố y hệt như vậy thì phải, chắc bữa ăn sẽ ngon hơn vì cái hoa văn trên chén bao bọc mình ấm áp trong một trường không gian quen thuộc mang tên “ông già mình”. Đổ bánh xèo, xèo, xèo, xèo, xèo.

Ăn.

Sao không phải là đúc bánh căn nhỉ?

Cơ bản đó là sự lựa chọn của B.

Cơ bản đó là sự lựa chọn.

Xứ kangaroo nhảy lưng tưng xuống đường làm kẹt cả đám mỗi dịp holiday, mùi vị của bánh xèo home-made ngon với người không hề có thu nhập, và chắc có lẽ là cũng ngon tương tự với người có thu nhập hơn trăm ngàn. Rau đắng sau vườn mùa này ngọt ngào như giai điệu còn thương... thương gì, thương ai, thương như thế nào, thương chừng nào thôi... có gì đâu mà phải quan trọng và phiền phức vậy em? Chỉ có mấy cọng giá định khóc vì lỡ chuyến đò hoá kiếp đậu xanh, rồi nghĩ lại, lại hí hửng vì đến lúc biến mất vẫn đang trong tình trạng mọng nước, nõn nà.



oo

Khi mùa thu đến, con sâu chán chê tấn công giàn ớt chuông và giàn dưa leo nhà Q. thì nó chuyển qua trạng thái chết vì béo phì hay vì ớt chuông cũng cay như bao nhiêu loại ớt khác mà con sâu không có trà đá để chữa cay, Q. không biết và Q. không bao giờ biết hoặc Q. chẳng thèm biết.

Khi mùa thu đến, ban đêm tôi nghĩ về những con sâu đã chết, những con sâu đã đi qua cuộc đời tôi, những con sâu đã làm phiền muộn ông già tôi và sau cùng, tôi nghĩ về những con sâu còn ẩn nấp rình rập đâu đó trong cái vườn cây xinh xinh trên một cái ban-công tầng một của con đường Lansdowne mà chúng tôi đã có lần ngồi quây quần để nghe ngài Bách Khoa Toàn Thư nói về sự an lạc trong đạo Phật và về Paulo Neruda trong khi nhâm nhi rượu đỏ.

Một đêm trong chuỗi đêm hôm khuya khoắc đó, quả là tôi có lần thấy một người đang đứng chỏng chơ, cô độc giữa một con đường (không tên đường, không postcode, không thuộc bất cứ quận hay vùng nào) lặng lẽ, vắng ngắt, buồn hiu hắt, không có những chiếc xe nôi, xe đẩy trẻ con quen thuộc và bãi cát không bị quần nát bởi những trò chạy nhảy, rượt đuổi của bọn trẻ đang độ tuổi ăn tuổi lớn. Trong thùng rác bên lề đường, không có dấu vết của những bao giấy bao bì mấy loại kẹo thơm lừng và nhiều màu sắc mà trẻ con hay vòi vĩnh để được ăn, không có cả những nùi khăn giấy dơ nhầy và ẩm ướt nước mũi của trẻ con. Người đứng đó, mồ hôi lạnh túa ra. Nhưng tôi có quen người không, hở người?

Quen hay không, người ơi, quen nhau không, người ơi? Người ơi, người ơi! Sao nỡ bỏ nhau mà đi! Người cũng đã bỏ nhau mà ra đi, không còn đứa trẻ nào trên đường, không còn đứa trẻ nào trong dạ con, không còn đứa trẻ nào trên hành tinh trái đất, không còn đứa trẻ nào, ngay phút giây dấu yêu và nghiệt ngã này của đời sống.

Đó, à không, bây giờ là một chiều thu quạnh quẽ, có lẽ rồi sẽ như mọi chiều thu khác. Và buồn...



ooo

Trên đường đi về chiều nay, trên tay cầm quyển tuyển thơ của Anna Akhmatova vừa mượn của ngài Bách Khoa Toàn Thư, sách đang mở đúng trang 18, lưng chừng câu chuyện không đốt đèn cầy, không đóng cửa một đêm xứ lạnh lẽo và tăm tối nọ; trong cơn trống bụng vỗ bì bùm và kèn ruột réo ót ét, trong đầu khi ấy đang nghĩ đến Anna Akhmatova rằng “liệu nàng có chút phức cảm lesbian nào trong người không”; thì tôi thấy Rimbaud tóc dài ngồi thẫn thờ nhưng đầy kiêu hãnh nơi một góc công viên. Dưới chân chàng là nét phấn còn mới, còn ướt.

“Merde à Dieu”.

Tôi lục khắp người tìm vài đồng tiền cắc, tiền vàng chứ không phải tiền trắng nhé, dù gì thì cũng phải tôn trọng (dù mình cũng nghèo đói) cái gã cô độc tài hoa, khốn khổ khốn nạn và là ông chủ của một cái địa ngục có những mùa hoa thơm lừng địa cầu như chàng, lộn tung cái lớp vải lót hai túi trước đùi không có, hai túi sau mông cũng không có. Nghi hoặc. Thinh lặng. Và tất nhiên là đứng im. Một lát sau thì tôi mới sực nhớ mình có đeo một cái giỏ be bé trên vai. Và tôi lục được tờ giấy thanh mảnh, mộc mạc polymer, tím yêu kiều trị giá 5 đô la Úc kim. Không biết là chàng biết xài tiền Úc không.

Tôi đưa cho Rimbaud. Biết rõ chàng như biết cái bụng mập của mình chính xác size nào mỗi lần phải mua quần áo may sẵn để che thân. Mà đúng y chang, Rimbaud cầm tiền chạy đi mua thuốc hút. Tôi cầm ngay viên phấn, viết bên cạnh dòng chữ:

“Merde à Trinh”.

Tôi viết, viết, viết, lặp đi lặp lại đúng câu đó thôi, trong hoan hỷ sướng vui, kín cả một khoảng sân không bị cỏ và lá vàng của cây phong phủ lấy. Trong đầu mơ màng nhớ rằng, à, bây giờ cũng là tháng tư, tháng tư này gọi tháng tư kia, vùng trời này gọi vùng trời kia, người yêu này gọi người yêu kia, cơn điên loạn này gọi cơn điên loạn kia. Và, đã, một vùng trời tháng tư Paris, Thiện (thói quen buộc tôi chú thích rằng ông là Phạm Công Thiện, nhưng với tôi, Thiện thôi là đủ, đủ cho tất cả tháng tư và tháng mười trong phần đời tôi được sống) cũng thấy Rimbaud trong công viên, trong một buổi chiều chới với.[1]

Tôi ở Sydney, không phải Paris. Tôi là tôi, Thiện là Thiện, và hai chúng tôi không là một. Tháng tư năm 2011 và tháng tư năm 1966 không ăn nhập gì nhau, vậy thì tại sao tôi và Thiện cùng thấy Rimbaud trong công viên và làm chuyện giông giống nhau. Tôi chắc ăn mình bị ảnh hưởng bởi Thiện, nhiều lắm, và chuyện này dài dòng không kể được ngay bây giờ. Chỉ khác là Rimbaud của tôi và Rimbaud của Thiện không thực là giống nhau, và Thiện khi ấy viết “Merde à Rimbaud”. Còn tôi thì... tự nguyền rủa mình. Tôi xứng đáng mà, mùa thu và những chiếc lá vàng và màu trời ảm đạm cũng xứng đáng mà.

Tôi đứng đó. Không chờ đợi và cũng không thấy Rimbaud quay lại. Vũ trụ của tôi câm lặng để cho tôi lên tiếng. Tôi thì thào, những tiếng gì không ai rõ, có lẽ tôi đang hát “soft kitty, warm kitty, little ball of fur, happy kitty, sleepy kitty, purr, purr, purr...”[2]

Đêm cũng lâu rồi. Thì cứ đêm, chứ sao!

Tú Trinh
Sydney, 04.2011


_________________________

[1]Một chi tiết trong truyện “Trời tháng tư” của tác giả Phạm Công Thiện.


[2]Một bài hát trong series phim hài truyền hình “The Big Bang Theory”.

No comments:

Post a Comment