cuồng dại mùa đông vì cái thứ khí nóng đặc ân của quê mẹ nhiệt đới. ngôn từ oằn theo dải phân cách lãnh hải trên những phiên bản bản đồ sơ khởi chờ đọc. không cần biết chữ cũng đọc được bản đồ.
uất nghẹn mùa đông vì những hành động [không-làm-gì hoặc tụ tập múa may, hát hò, giao lưu… chắc chắn cũng là hành động] liên quan việc đọc bản đồ nơi quê cha.
dậy sóng mùa đông vì chừng 1000 người xuống-đường [biểu-tình, to demonstrate, tất nhiên là hành động] chống đối cách đọc bản đồ của những thằng mang trong lòng chúng cái túi f [chạy từ 3 đến +∞] gang. cổ tích thật là vô dụng trong việc liên tưởng và so sánh trường hợp này.
mỗi thằng đọc bản đồ bằng một cách. kinh nghiệm lịch sử rằng cùng kiểu chứng minh thư thường đọc bản đồ giống nhau. chắc lần này ngoại lệ. có thêm những người không buồn đọc [đọc để làm gì, qua cái thời đi học, đâu ai bắt trả bài môn địa lý].
ngày phát hiện ra làm công dân một đất nước không có bản đồ chính thức [công nhận phải đi cùng với đổ máu đổ chất xám ra mà bảo vệ chứ], phó thường dân [chỉ đối tượng này thôi, đối tượng không có “quyền công nhận” và đang mất luôn các “quyền” còn lại], không phân biệt giới tính, nhận thức và bức bối ở trong tình trạng bất-lực.
làm ơn đừng hỏi nữa, câu: tao/tui/tôi/tớ/anh/em phải làm gì đây!
vì chính cái thằng đang viết [một số đang đọc] cũng không biết đâu, bất lực mà!
tao/tui/tôi/tớ/anh/em đang bận tìm chỗ chôn mấy cái bản đồ trong atlas Việt Nam, để dành kể chuyện cho con cháu nghe, không phải cổ tích, nhưng vẫn bắt đầu bằng: ngày xửa, ngày xưa...
tao/tui/tôi/tớ/anh/em bây giờ chỉ muốn ngủ, đêm dịu dàng ôm vào lòng rồi và ít ra là được “quyền nằm mơ” về cái bản đồ Việt Nam cha ông vẽ bằng máu và những họng súng không rõ thời đại.
15.12.2007
Khinh Ca
Tuesday, December 18, 2007
Saturday, December 15, 2007
Bơ vơ [chuyên đề VIẾT CHO HOÀNG SA & TRƯỜNG SA]
Bạn có yêu nước không?
Lúc em ra chào đời, mẹ cho một trái tim để yêu. Líu lo ca lời đầu, quê hương trong lòng đó em... [1]
Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi. Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người... [2]
(tất nhiên ai cũng trả lời có)
Bạn làm gì để thể hiện lòng yêu nước đó?
Dậy mà đi, dậy mà đi hỡi đồng bào ơi... [3]
Tiến lên, cùng tiến lên, nước non Việt Nam ta vững bền... [4]
(câu này khó hơn nhưng rồi các thí sinh cũng trả lời được)
không phải vòng thi chung kết hoa hậu hay phỏng vấn học bổng,
Hoàng Sa – Trường Sa, những ngày thông tin cuồn cuộn sóng
em chiều nay ngờ vực hỏi mình
mày có yêu nước không?
em sẽ xác nhận lập tức: có!
mày làm gì thể hiện lòng yêu nước đó?
lắp bắp rồi im bặt: em, em...
(ngoan lắm nên chỉ kêu “ặc ặc”, ngăn mình không nói từ có cùng vần)
không điều gì tuyệt vọng như tình yêu
em mở giáo đường ngay trong đầu mình
xưng tội với ngọn nến mang đốm sáng hình cái-lưỡi-bò đầy mùi thuốc súng
lỗi tại em
sinh ra và lớn lên trong hoà bình vá víu
lỗi tại em
sinh ra và lớn lên trong hỗn độn ngấm ngầm
em có ngồi Google hay vượt tường lửa suốt đời
em vẫn chỉ biết một điều cũ rích và ảo diệu:
em biết chút xíu
(ví dụ: sự khác nhau rõ ràng giữa biểu-tình với tụ-tập-đông-người)
và em không biết mọi thứ!
ai chở linh hồn em trên chuyến xe tang chiều mưa
khuôn mặt nào ẩn nấp hồn nhiên trong sợi gân li ti máu đỏ
tạ ơn cánh đồng không dò hỏi tên tuổi và quốc tịch, những ngày
em không biết hôm qua đất nước mình ra sao
em không biết hôm nay sao nhiều quá tiếng gầm gừ
em tất nhiên không biết ngày mai quê hương mình thế nào
em không có năng lực tiên tri hạnh phúc
(nhân loại sẽ vồn vã đón chào mà, chắc cũng chẳng cần báo trước)
nên em học đòi nói về cái chết, nấm mộ là hợp thời trang hơn cả
chừng nào, chưa biết, chắc chắn trên ngôi mộ có một vài bông hoa...
chằm chằm soi mình nghi ngại xuyên đêm
gặp chính em buồn nôn dù dạ con trống rỗng
thèm bào thai một phương Nam mặt trời chói lọi
em khẳng định mình yêu nước một cách bế tắc
(làm công dân một quốc gia không dễ chút nào!)
yêu nước không có hành động hữu ích đi kèm
là lỗi tại em
... thuộc về một-thế-hệ-bơ-vơ-giữa-các-giá-trị
mồ hôi rịn ra hay em tan chảy nhầy như chất tạo dựng thế giới
tin tức căng nhận thức thành sợi dây đàn
khuất đêm đen, chữ dân tộc hay em lầm lũi đóng cọc neo mình
một ngày mùa đông nắng vàng ban ngày và gió se se khi đêm về
em sẽ hát là lá la và tung tẩy người theo một giai điệu nào đó
em hào hứng tưởng tượng em đang nằm dưới cỏ...
trước đó, em đã cẩn thận tự khắc bia mộ cho mình bằng tiếng Việt hoàn chỉnh:
“Nơi đây an nghỉ một người từ lúc sinh ra đến khi chết đi vẫn không biết làm thế nào để thể hiện tình yêu nước.”
Tú Trinh
15.12.2007
----------------
Friday, November 30, 2007
FJWZ
chúng ta không cần dao nhọn
những vết đâm tự hiện hình
chúng ta là những nghệ nhân tài hoa chạm khắc
những vết xước quét lên da bằng ánh mắt
độ sâu tính bằng đơn vị năm
năm
có hẳn một mùa người tự nhắc người mang dòng máu nóng
chạm hồn nhau bằng những giao tiếp nồng nàn
loại tương tác mang nhiệt độ âm trang trọng
những vết phỏng ra đời từ lạnh cóng
như con người, chúng cần tên
những cái tên vẫn còn lang thang đâu đó
ngày lạnh
những vết thương hở miệng thời đại số
không mưng mủ, không trồi cao, không trũng sâu
người ta bình thường vội vàng đi qua nỗi đau
chẳng y học nào ngờ vực,
sẽ bị cho là điên nếu nạo vét hay bồi đắp những tàn tích phẳng
lèn chặt hơi thở mình trong kính thưa những vết thương
phân loại và đặt tên
F sẽ tận cùng bằng “ca”, dùng được mọi dạng thức, cho ngập ngụa người
đồng hạng
J
W
Z
một kí tự, những bắt đầu không có trong tiếng Việt
một kí tự, cho tất cả, bao gồm ngơ ngáo ngợm
ngày lạnh
nâng niu
F
J
W
Z
tha hồ mà suy diễn
Monday, November 26, 2007
Ô hay Sài Gòn là con gái
Sài Gòn bây giờ chẳng ai còn băn khoăn, “hắn” rõ ràng là một thiếu nữ! Mỗi độ gió chuyển hướng hay mưa nắng khác đi, Sài Gòn yêu kiều cài hoa lên hơi thở trẻ trung của mình.
Ngày tôi trẻ con, Sài Gòn nam tính lắm! Dõi mắt tìm hoa xuyên thành phố, bùng binh chỏng chơ trụ xi-măng lạnh, những dãi đường phân cách loe hoe cây cổ thụ, xanh ở tít trên cao, làm sao có hồng vàng đỏ tím cho tầm mắt mà ước mơ?
Lớn hơn nghĩa là chân sẽ bước nhanh hơn qua những nẻo đường, mắt có thể bỏ quên điều gì đó, vậy mà không thể vì… Sài Gòn từ hôm nào đã khoác áo hoa níu bước chân người vội vã. Vòng xoay rập rờn bướm, dãi đường phân cách khum khum những viên đá xoay thành vòng, ôm trọn hoa vào lòng, giữ hoa với phố. Hoa thanh tú trắng, hoa mỏng tang vàng, hoa dung dị tím, hoa chúm chím hồng, hoa e ấp đỏ…
Tháng ba à, ngày của phụ nữ (biết đâu cũng là ngày của Sài Gòn?), nhà hát thành phố kết hoa nguy nga như một cung điện thời trẻ con tôi vẫn hình dung khi nghe kể chuyện cổ tích, trong đó ắt hẳn có rất nhiều công chúa và hoàng tử… Điện thoại reng reng, a lô, đi chụp hình hả, ủa có dịp gì đặc biệt, à không, vì nhà hát thành phố mặc áo hoa… Thế là “click”, “click” va “click” không còn đếm được nữa. Ban đầu còn ngại ngùng, nhưng… hơ, sao nhiều bạn giống mình…
Tết à, cho một mùa mới, hoa tung tăng về phố, hồn nhiên như cô gái thanh xuân, lúc đẹp hoang vu, lúc ngời hiện đại. Đào e thẹn, mai e ấp, bí ngô khoai sắn chuyện trò trên xe cút kít chờ xuân, vạn thọ nằm lắc lư trên chõng tre, sen mím mím cười trong ao, hướng dương đung đưa theo nhịp vó xe thổ mộ, cúc bập bềnh trong đôi quang gánh, mạ xanh dập dềnh theo những chiếc xuồng mộc… Những ngày giáp Tết, tôi thả bộ ven đường Nguyễn Huệ, ở trong kia hoa đang loay hoay tìm chỗ đứng ngồi, bỗng nghe được lần đầu tiên: mồ hôi hoa… Chiều 30 Tết rực rỡ, hoa có vị mồ hôi nên sẽ thơm hoài da diết cả những mùa sau!
Sau những nhịp tim hân hoan bắt gặp Sài Gòn thiếu nữ, những bức ảnh “hắn” lung linh hoa… tôi thấy những bóng áo xanh, những khuôn mặt lấm lem đất cát, những bàn tay chăm chút cho Sài Gòn của tôi yêu kiều hoa mỗi độ nắng gió khác đi…
Nghe mồ hôi hoa trầm ấm rất gần, rất xa…
Sài Gòn, hoa, và con gái…
TÚ TRINH
Ngày tôi trẻ con, Sài Gòn nam tính lắm! Dõi mắt tìm hoa xuyên thành phố, bùng binh chỏng chơ trụ xi-măng lạnh, những dãi đường phân cách loe hoe cây cổ thụ, xanh ở tít trên cao, làm sao có hồng vàng đỏ tím cho tầm mắt mà ước mơ?
Lớn hơn nghĩa là chân sẽ bước nhanh hơn qua những nẻo đường, mắt có thể bỏ quên điều gì đó, vậy mà không thể vì… Sài Gòn từ hôm nào đã khoác áo hoa níu bước chân người vội vã. Vòng xoay rập rờn bướm, dãi đường phân cách khum khum những viên đá xoay thành vòng, ôm trọn hoa vào lòng, giữ hoa với phố. Hoa thanh tú trắng, hoa mỏng tang vàng, hoa dung dị tím, hoa chúm chím hồng, hoa e ấp đỏ…
Tháng ba à, ngày của phụ nữ (biết đâu cũng là ngày của Sài Gòn?), nhà hát thành phố kết hoa nguy nga như một cung điện thời trẻ con tôi vẫn hình dung khi nghe kể chuyện cổ tích, trong đó ắt hẳn có rất nhiều công chúa và hoàng tử… Điện thoại reng reng, a lô, đi chụp hình hả, ủa có dịp gì đặc biệt, à không, vì nhà hát thành phố mặc áo hoa… Thế là “click”, “click” va “click” không còn đếm được nữa. Ban đầu còn ngại ngùng, nhưng… hơ, sao nhiều bạn giống mình…
Tết à, cho một mùa mới, hoa tung tăng về phố, hồn nhiên như cô gái thanh xuân, lúc đẹp hoang vu, lúc ngời hiện đại. Đào e thẹn, mai e ấp, bí ngô khoai sắn chuyện trò trên xe cút kít chờ xuân, vạn thọ nằm lắc lư trên chõng tre, sen mím mím cười trong ao, hướng dương đung đưa theo nhịp vó xe thổ mộ, cúc bập bềnh trong đôi quang gánh, mạ xanh dập dềnh theo những chiếc xuồng mộc… Những ngày giáp Tết, tôi thả bộ ven đường Nguyễn Huệ, ở trong kia hoa đang loay hoay tìm chỗ đứng ngồi, bỗng nghe được lần đầu tiên: mồ hôi hoa… Chiều 30 Tết rực rỡ, hoa có vị mồ hôi nên sẽ thơm hoài da diết cả những mùa sau!
Sau những nhịp tim hân hoan bắt gặp Sài Gòn thiếu nữ, những bức ảnh “hắn” lung linh hoa… tôi thấy những bóng áo xanh, những khuôn mặt lấm lem đất cát, những bàn tay chăm chút cho Sài Gòn của tôi yêu kiều hoa mỗi độ nắng gió khác đi…
Nghe mồ hôi hoa trầm ấm rất gần, rất xa…
Sài Gòn, hoa, và con gái…
TÚ TRINH
Wednesday, October 10, 2007
Thursday, August 9, 2007
Từ những mùa thơ ấu
Cuối thập niên 80, khi máy tính cá nhân là một cái gì đó quá xa xỉ thì game đã hiện diện trong lòng bọn nhóc đô thị chúng tôi ngày ấy đầy thân thuộc và gần gũi như tiếng trống trường, như gói xôi gói bằng lá chuối, như ổ bánh mì nóng giòn, như ly sữa đậu nành ngọt mát, như ánh mắt long lanh cô bạn nhỏ bàn trên.
Thuở ấy game được gọi là “trò chơi điện tử”, là niềm say mê của trẻ con và là sự đau đầu của phụ huynh (người lớn khi ấy lạc hậu lắm, họ chưa biết… chơi game!). Ít gia đình nào khá giả để sắm một bộ riêng để trong nhà gồm tivi, một đầu máy, 2 bảng vuông vuông điều khiển và những cuộn băng chứa game. Vậy càng vui, muốn chơi điện tử thì phải ra tiệm, mà đã ra tiệm thì con nít ít khi nào đi một mình, có từ hai đứa trở lên đi với nhau là vui rồi. Lòng vòng những con hẻm nhỏ, đặc biệt là khu vực quanh trường học, nơi nào thấy con nít tụ tập đông một chút, ồn ào cười nói rộn ràng thì chính là tiệm trò chơi điện tử, chẳng thể sai. Tiệm nhỏ thì một, hai cái tivi, tiệm lớn thì có khi lên đến hơn chục cái tivi. Giờ cao điểm thì bao nhiêu cái tivi cũng không đủ. Muốn chơi à, phải nói trước với chủ tiệm là chơi bao nhiêu thời gian và đưa tiền trước nhé, không có vụ muốn ngồi bao lâu thì ngồi, con nít làm gì có nhiều tiền, và thế nào cũng có đứa đang chờ đến lượt mình “bấm điện tử”.
Khác với bây giờ, hồi xưa số lượng con gái mê game ít hơn con trai nhiều. Con gái có chơi thì cũng không đến nỗi trốn học như con trai, và chơi những trò chơi có đồ họa đẹp và rất lành tính: hái nấm (hóa thân anh chàng thợ sửa ống nước lùn lùn tròn tròn tên Mario lên đường cứu công chúa Peach), làm xiếc (điều khiển nhân vật ngồi trên con sư tử nhảy qua vòng lửa). Con trai thì dữ dội hơn: bắn máy bay, đấu võ đài, đua xe các loại… Nhìn con trai chơi game thật là thú vị, ánh mắt mê say dán chặt vào màn hình tivi nhiều màu sắc, tay cầm bảng điều khiển, xuống lên, trái phải, đặt bom, bắn súng, ra đòn lanh lẹ. Ngày ấy thích nhau, con gái cũng theo con trai ra tiệm điện tử, ngồi xem anh chàng của mình chơi với ánh mắt ngưỡng mộ, còn anh chàng thì gắng biểu diễn những màn đẹp mắt và chiến thắng để làm anh hùng trong mắt nàng. Đồng điệu hơn nữa là cả hai cùng chơi, thú vị vô cùng, đặc biệt là trò hái nấm. Anh chàng cứ tha hồ giết quái vật nhé, bay nhảy qua đầu mấy con kênh kênh, mở đường, cô nàng (trong game vẫn là anh chàng Mario) chỉ việc tèng teng đi sau lượm tiền, ngắm cảnh, hoặc lấy nấm do anh chàng nhường. Quên cả thời gian! Nhiều lần đang chơi hăng say thế thì… mẹ anh chàng ở đâu thình lình xuất hiện giữa lúc trò chơi đang đến hồi gây cấn, mặc kệ cô bạn cạnh bên giương mắt nhìn lo ngại, anh chàng bị mẹ đét vào mông và bị nắm lỗ tai kéo xềnh xệch về. Cảnh này xem riết thành thân quen, hôm nào tiệm trò chơi điện tử không có đứa bị đòn rồi lôi xềnh xệch về chắc chủ tiệm sẽ thấy thiếu thiếu! Mai đi học, anh chàng có chút gì mắc cỡ rồi vài hôm sau vẫn lại hẹn hò nhau ở tiệm điện tử, anh chàng lại là anh hùng trong game, cô nàng lại nhìn anh chàng đầy ngưỡng mộ. Rời tiệm trò chơi điện tử sẽ là tiết mục cóc ổi, mía ghim rồi ra về. Ký ức tuổi thơ cứ kéo dài ra mãi cho đến một ngày con gái thấy mình lớn phỗng ra và thôi hẹn hò con trai ở tiệm điện tử, còn con trai vô tâm không nhận thấy, vẫn cứ loay hoay với trò bắn máy bay bùm bùm chíu chíu…
Mấy tiệm trò chơi điện tử đồng loạt lên đời, không còn là chiếc tivi và đầu máy cũ kỹ, mấy cuộn băng nhiều màu nữa mà chuyển thành máy tính với bàn phím, lúc này đã gọi là “game”, tiệm vẫn đông, con trai và những lứa con trai, con gái nhỏ hơn. Rất nhanh sau đó là sự đổ bộ của internet, những quán game ngày xưa hoặc nâng cấp, hoặc lui vào dĩ vãng. Ra tiệm, người ta online, nói chuyện, làm quen rồi tán tỉnh nhau nhiều hơn là chơi game. Lúc này máy tính bắt đầu phổ biến trong gia đình, trẻ con nhanh nhạy thì tất nhiên, người lớn cũng làm quen với máy tính nhiều, bật lên chơi game gỡ mìn, xếp bài, đổ kẹo, xây dựng… Game khi này không còn là độc quyền của trẻ con.
Đứa con gái và con trai ngày xưa bây giờ đã lớn, mỗi đứa một nơi, đi học, đi làm ngồi trong văn phòng, thi thoảng vẫn giết thời gian bằng những trò chơi có sẵn trong computer, lòng vẫn còn mê mãi về ngày xưa, trò chơi điện tử bấm bấm đầy màu sắc, đầy sôi động và yên ả trong tuổi thơ mình. Game online quá nhiều, đôi lúc cũng rộn ràng vì những câu chuyện bạn bè tán gẫu, những cái tên kiêu kì hoặc buồn cười, những chiêu pháp và cấp bậc… Vốn đã bận rộn với thế giới thật, và cả hai tìm mãi chưa thấy game nào có nhân vật tròn tròn xinh xinh như trò chơi điện tử năm cũ, cho đến khi anh chàng thấy nhân vật Bé Bỏng của game Boom.
Một ngày nọ cô nàng ngạc nhiên khi thấy theme của blog anh chàng bỗng trở nên nhí nhảnh đầy màu sắc, những nhân vật tròn tròn ngộ nghĩnh như những nhân vật trong truyện tranh, trong trò chơi điện tử ngày xưa. Cô nàng lui cui đăng kí một cái nick chơi thử, bật cười khanh khách vì con quái vật trong game đội nón ngược hệt như khuôn mặt tròn ú của anh chàng. Dùng cú pháp đơn giản nhất “/where…”, không hẹn mà gặp trong game, khi cả hai dùng đúng nick cũ đã gắn với họ suốt một quãng đời thơ ấu. Không tham gia đại chiến hay thi đấu, không quan tâm lắm đến những khuyến mãi, sự kiện của game, luôn chọn kênh vắng nhất, cũng kiên quyết không chơi một mình, chỉ khi nào cùng online và cùng chơi. Anh chàng chọn nhân vật Bé Bỏng nhanh nhẹn thêm chiếc mũ nồi đỏ, cô nàng chọn nhân vật Mắt Xanh trong bộ áo đầm trắng xinh xinh, cứ núp sau nhân vật của anh chàng mà lượm tiền hoặc diệt những quái vật ít hung dữ hơn. Kí ức ngày xưa rộn ràng kéo về như mới ngày hôm qua, hai nhân vật cùng chạy loanh quanh trên một màn hình, nàng vẫn trố mắt nhìn chàng di chuyển, đặt bom một cách thuần thục, cùng gào lên khi bị sặc nước, cùng cười hihi khi qua tiếp màn sau, chỉ khác là hai đứa ngồi cách nhau hơn 2000 km, và âm thanh đó phải dùng thêm một chương trình khác hỗ trợ. Sau những phút giây giải trí với game, hai người hình như có nhiều điều để trò chuyện hơn, quan tâm hỏi thăm nhau nhiều hơn, và hay nhắc đến kỷ niệm ngày xưa hơn.
Cho đến một hôm anh chàng đi công tác, giao password cho cô nàng vào lấy 2 cây kim miễn phí mỗi ngày thì cô nàng phát hiện ra, trong trang bị của anh chàng có một cặp nhẫn cưới. Chỉ là nhẫn cưới trong game thôi, mà sao bồi hồi và xúc động đến vậy, như một lần trong tiệm điện tử ngày xưa, Mario cứu được công chúa Peach từ tay quái vật, có đôi mắt tha thiết nhìn sang khi màn hình là đám cưới hai nhân vật chính…
Gần hai mươi năm để trò chơi điện tử năm cũ thành ký ức, thành đồ cổ, để game phát triển thành một ngành công nghiệp riêng, phong phú với các loại thiết bị mới, thể loại nhập vai trực tuyến được ưa thích. Nhưng những nhân vật tròn tròn to to, thân thiện, không gian 2D, cách chơi mang nét cổ điển vẫn luôn là game hay nhất trong tôi, vì nó gợi lại và tiếp nối quãng thời gian ấu thơ đầy niềm vui giản dị trong một cộng đồng những đứa con gái, con trai chúng tôi ngày ấy…
CHIÊU NGUYỄN
Thuở ấy game được gọi là “trò chơi điện tử”, là niềm say mê của trẻ con và là sự đau đầu của phụ huynh (người lớn khi ấy lạc hậu lắm, họ chưa biết… chơi game!). Ít gia đình nào khá giả để sắm một bộ riêng để trong nhà gồm tivi, một đầu máy, 2 bảng vuông vuông điều khiển và những cuộn băng chứa game. Vậy càng vui, muốn chơi điện tử thì phải ra tiệm, mà đã ra tiệm thì con nít ít khi nào đi một mình, có từ hai đứa trở lên đi với nhau là vui rồi. Lòng vòng những con hẻm nhỏ, đặc biệt là khu vực quanh trường học, nơi nào thấy con nít tụ tập đông một chút, ồn ào cười nói rộn ràng thì chính là tiệm trò chơi điện tử, chẳng thể sai. Tiệm nhỏ thì một, hai cái tivi, tiệm lớn thì có khi lên đến hơn chục cái tivi. Giờ cao điểm thì bao nhiêu cái tivi cũng không đủ. Muốn chơi à, phải nói trước với chủ tiệm là chơi bao nhiêu thời gian và đưa tiền trước nhé, không có vụ muốn ngồi bao lâu thì ngồi, con nít làm gì có nhiều tiền, và thế nào cũng có đứa đang chờ đến lượt mình “bấm điện tử”.
Khác với bây giờ, hồi xưa số lượng con gái mê game ít hơn con trai nhiều. Con gái có chơi thì cũng không đến nỗi trốn học như con trai, và chơi những trò chơi có đồ họa đẹp và rất lành tính: hái nấm (hóa thân anh chàng thợ sửa ống nước lùn lùn tròn tròn tên Mario lên đường cứu công chúa Peach), làm xiếc (điều khiển nhân vật ngồi trên con sư tử nhảy qua vòng lửa). Con trai thì dữ dội hơn: bắn máy bay, đấu võ đài, đua xe các loại… Nhìn con trai chơi game thật là thú vị, ánh mắt mê say dán chặt vào màn hình tivi nhiều màu sắc, tay cầm bảng điều khiển, xuống lên, trái phải, đặt bom, bắn súng, ra đòn lanh lẹ. Ngày ấy thích nhau, con gái cũng theo con trai ra tiệm điện tử, ngồi xem anh chàng của mình chơi với ánh mắt ngưỡng mộ, còn anh chàng thì gắng biểu diễn những màn đẹp mắt và chiến thắng để làm anh hùng trong mắt nàng. Đồng điệu hơn nữa là cả hai cùng chơi, thú vị vô cùng, đặc biệt là trò hái nấm. Anh chàng cứ tha hồ giết quái vật nhé, bay nhảy qua đầu mấy con kênh kênh, mở đường, cô nàng (trong game vẫn là anh chàng Mario) chỉ việc tèng teng đi sau lượm tiền, ngắm cảnh, hoặc lấy nấm do anh chàng nhường. Quên cả thời gian! Nhiều lần đang chơi hăng say thế thì… mẹ anh chàng ở đâu thình lình xuất hiện giữa lúc trò chơi đang đến hồi gây cấn, mặc kệ cô bạn cạnh bên giương mắt nhìn lo ngại, anh chàng bị mẹ đét vào mông và bị nắm lỗ tai kéo xềnh xệch về. Cảnh này xem riết thành thân quen, hôm nào tiệm trò chơi điện tử không có đứa bị đòn rồi lôi xềnh xệch về chắc chủ tiệm sẽ thấy thiếu thiếu! Mai đi học, anh chàng có chút gì mắc cỡ rồi vài hôm sau vẫn lại hẹn hò nhau ở tiệm điện tử, anh chàng lại là anh hùng trong game, cô nàng lại nhìn anh chàng đầy ngưỡng mộ. Rời tiệm trò chơi điện tử sẽ là tiết mục cóc ổi, mía ghim rồi ra về. Ký ức tuổi thơ cứ kéo dài ra mãi cho đến một ngày con gái thấy mình lớn phỗng ra và thôi hẹn hò con trai ở tiệm điện tử, còn con trai vô tâm không nhận thấy, vẫn cứ loay hoay với trò bắn máy bay bùm bùm chíu chíu…
Mấy tiệm trò chơi điện tử đồng loạt lên đời, không còn là chiếc tivi và đầu máy cũ kỹ, mấy cuộn băng nhiều màu nữa mà chuyển thành máy tính với bàn phím, lúc này đã gọi là “game”, tiệm vẫn đông, con trai và những lứa con trai, con gái nhỏ hơn. Rất nhanh sau đó là sự đổ bộ của internet, những quán game ngày xưa hoặc nâng cấp, hoặc lui vào dĩ vãng. Ra tiệm, người ta online, nói chuyện, làm quen rồi tán tỉnh nhau nhiều hơn là chơi game. Lúc này máy tính bắt đầu phổ biến trong gia đình, trẻ con nhanh nhạy thì tất nhiên, người lớn cũng làm quen với máy tính nhiều, bật lên chơi game gỡ mìn, xếp bài, đổ kẹo, xây dựng… Game khi này không còn là độc quyền của trẻ con.
Đứa con gái và con trai ngày xưa bây giờ đã lớn, mỗi đứa một nơi, đi học, đi làm ngồi trong văn phòng, thi thoảng vẫn giết thời gian bằng những trò chơi có sẵn trong computer, lòng vẫn còn mê mãi về ngày xưa, trò chơi điện tử bấm bấm đầy màu sắc, đầy sôi động và yên ả trong tuổi thơ mình. Game online quá nhiều, đôi lúc cũng rộn ràng vì những câu chuyện bạn bè tán gẫu, những cái tên kiêu kì hoặc buồn cười, những chiêu pháp và cấp bậc… Vốn đã bận rộn với thế giới thật, và cả hai tìm mãi chưa thấy game nào có nhân vật tròn tròn xinh xinh như trò chơi điện tử năm cũ, cho đến khi anh chàng thấy nhân vật Bé Bỏng của game Boom.
Một ngày nọ cô nàng ngạc nhiên khi thấy theme của blog anh chàng bỗng trở nên nhí nhảnh đầy màu sắc, những nhân vật tròn tròn ngộ nghĩnh như những nhân vật trong truyện tranh, trong trò chơi điện tử ngày xưa. Cô nàng lui cui đăng kí một cái nick chơi thử, bật cười khanh khách vì con quái vật trong game đội nón ngược hệt như khuôn mặt tròn ú của anh chàng. Dùng cú pháp đơn giản nhất “/where…”, không hẹn mà gặp trong game, khi cả hai dùng đúng nick cũ đã gắn với họ suốt một quãng đời thơ ấu. Không tham gia đại chiến hay thi đấu, không quan tâm lắm đến những khuyến mãi, sự kiện của game, luôn chọn kênh vắng nhất, cũng kiên quyết không chơi một mình, chỉ khi nào cùng online và cùng chơi. Anh chàng chọn nhân vật Bé Bỏng nhanh nhẹn thêm chiếc mũ nồi đỏ, cô nàng chọn nhân vật Mắt Xanh trong bộ áo đầm trắng xinh xinh, cứ núp sau nhân vật của anh chàng mà lượm tiền hoặc diệt những quái vật ít hung dữ hơn. Kí ức ngày xưa rộn ràng kéo về như mới ngày hôm qua, hai nhân vật cùng chạy loanh quanh trên một màn hình, nàng vẫn trố mắt nhìn chàng di chuyển, đặt bom một cách thuần thục, cùng gào lên khi bị sặc nước, cùng cười hihi khi qua tiếp màn sau, chỉ khác là hai đứa ngồi cách nhau hơn 2000 km, và âm thanh đó phải dùng thêm một chương trình khác hỗ trợ. Sau những phút giây giải trí với game, hai người hình như có nhiều điều để trò chuyện hơn, quan tâm hỏi thăm nhau nhiều hơn, và hay nhắc đến kỷ niệm ngày xưa hơn.
Cho đến một hôm anh chàng đi công tác, giao password cho cô nàng vào lấy 2 cây kim miễn phí mỗi ngày thì cô nàng phát hiện ra, trong trang bị của anh chàng có một cặp nhẫn cưới. Chỉ là nhẫn cưới trong game thôi, mà sao bồi hồi và xúc động đến vậy, như một lần trong tiệm điện tử ngày xưa, Mario cứu được công chúa Peach từ tay quái vật, có đôi mắt tha thiết nhìn sang khi màn hình là đám cưới hai nhân vật chính…
Gần hai mươi năm để trò chơi điện tử năm cũ thành ký ức, thành đồ cổ, để game phát triển thành một ngành công nghiệp riêng, phong phú với các loại thiết bị mới, thể loại nhập vai trực tuyến được ưa thích. Nhưng những nhân vật tròn tròn to to, thân thiện, không gian 2D, cách chơi mang nét cổ điển vẫn luôn là game hay nhất trong tôi, vì nó gợi lại và tiếp nối quãng thời gian ấu thơ đầy niềm vui giản dị trong một cộng đồng những đứa con gái, con trai chúng tôi ngày ấy…
CHIÊU NGUYỄN
Tuesday, July 10, 2007
Hẹn nhau một nụ cười | Đom đóm | Màu kết thúc | Đồng thoại
Giữa những làn xe
Ào ạt
Nụ cười không dừng lại mà trôi
Người đi xuôi ngược
Hẹn nhau một cái gật đầu
Mỗi lần đi ngang ô cửa
Bao giờ cũng tưởng tượng
Hoa tầm xuân giăng biếc góc đường
Hẹn nhau một cơn mưa xuân
Chiếc dù đỏ chói chang chặn bao lời bất tận
Bài hát đành là giai điệu nằm yên
Đợi
hẹn nhau một điều không thể
Hôm qua, hôm nay
Terrasse và tôi chiều từ ban mai
Nụ cười thành đoá hoa bất thần
Nở giữa đi về dào dạt
Tôi cắm trong bình
tôi
Ngày mai
Mùa còn đến kịp
7.05
Đom đóm
Ở đâu đó trên đồng hoa cúc
Màu vàng chết trôi
Từ ranh giới này đến ranh giới kia
Tôi bất động tìm mình
Những khuôn mẫu đã mòn
Biết gối đầu vào đâu đây?
Đồng cúc vàng đã úa mù
Tôi còn biết tìm đâu rực rỡ
Không còn tìm thấy thậm chí cái bình an tôi vẫn hay nhờ cậy
Những khi tối lửa tắt đèn
Có một lần tôi trông thấy bầy đom đóm
Chút ánh sáng yếu ớt đủ soi được ngón út của bàn tay
Buổi tối dài đến mức tôi chỉ còn có thể nghĩ ra đủ trò để chơi đùa với ngón tay mình
Ngày cũng tắc phải không?
Và đom đóm đã chết ngạt
Không chờ
Màu kết thúc
Không kịp nữa rồi
Chấp chới tà áo
Vấp
Khoảng trống
Chấp chới tôi
Người bay
Mặt đất chông chênh
Mùa xanh nhảy múa
Xác hoa trên hè phố
Rực vàng
Rực vàng như lần sau chót
Giã từ
Giã từ trùng trùng mây trắng
Trời bình yên trôi lẳng lặng quây quần
Đừng nhìn theo những đám mây đưa tôi đi
Những đám mây màu kết thúc
Chẳng có tôi trong những tiếng cười trên phố
Cũng chẳng có tôi trong những cái nhìn sầu muộn kia
Trong giọt nước mắt ngắn dài kia
Đừng tin những lời hẹn gặp
Đừng tin
Đừng tin
Đồng thoại
Như những con bướm vàng chẳng bao giờ đợi nổi nắng tháng ba
Tôi chỉ thấy quanh mình hoa mùa xuân và cỏ mật
Thôi ước làm chi một đời bất tận
Chỉ mong một ngày biết nắng tháng tư
Chẳng bao giờ tôi dám ước mơ
Được một lần sống trong đời nhau sống hết
Chỉ xin làm con phù du đơn độc
Một lần bay chạm mặt bình minh
Tôi đã hát những đêm đông xám buốt, những trưa vàng
Hát trên đầu ngọn sóng, hát dưới đồi sỏi xanh
Hát bằng nỗi sợ hãi của chú ve
Dưới sân khấu chỉ có mùa hè mặc áo đen làm thính giả
Chỉ giản đơn thôi mà bị phạt
thành những đám mây không mang nổi chính mình lang thang cuối bể đầu sông
Để khi nhẹ nhàng chạm đất
Là cơn mưa trọn đời không nhớ nổi tiền thân
TRẦN LÊ SƠN Ý
Sunday, July 8, 2007
Cơn ngạt thở tình cờ của Ny
Tập thơ không có lấy một hình minh họa, sách in khổ vuông nho nhỏ, vừa một bàn tay khép, hình thức giản dị như những câu thơ chân thành của Sơn Ý trong lòng nó. Tập thơ đầu tay, như cách mà Sơn Ý bộc bạch, là chuyến xe bất ngờ đi qua quãng đường dài hơn 10 năm. Mỗi gương mặt trên chuyến xe đó, cuộc đời, nỗi muộn phiền, sự hân hoan của họ dắt tay Sơn Ý đi tiếp, không toan tính, suy tư và tưởng tượng, thành thơ.
Là một “người lạ”: Không đợi ngày tất cả điện thoại có trong phonebook đều khóa/ tôi đã thành người lạ/ ngồi nghe nắng chảy râm ran; là những cô gái ở “nơi đó”: Những cô gái mang linh hồn của kẻ hành hương/ điểm trang lòng mình bằng nỗi buồn…; là “hoàng tử bé” của S. Exupéry: Hãy cứ là hoàng tử bé trong veo/ …hãy cứ băn khoăn cả những điều đơn giản nhất như người ta không nên nhốt lại một con cừu…; là người đóng vai “rối ngày chủ nhật”: Tôi, người lớn đi một mình xiêu vẹo/ đến một ngày các em nắm lấy tay tôi/ chạm vào nước mắt chú hề. Sau rộn ràng, sau vang vọng, sau trầm lắng kia, Sơn Ý thấy mình và tin là độc giả cũng thấy mình trước những nhân vật thơ như thế: tôi thấy tôi ôm tôi vào lòng; tôi mù quáng xao đôi bàn chân bỏng rộp; tôi nghe thấy những tiếng chân mơ hồ đi lại trong tim; tôi thấy mình nhỏ như từ lòng mẹ bước ra; là em chỉnh tề hài xanh với nắng; em nhận ra niềm vui kia mang gương mặt nỗi buồn.
Sơn Ý làm thơ không nhiều, thơ đến từ những câu bất chợt, ánh mắt lướt qua, thanh âm rơi lại, cái chạm khẽ khàng trên chuyến xe… để rồi những “cơn ngạt thở tình cờ” gõ cửa, nhảy múa; Sơn Ý ghi lại, thành thơ, cho mình, cho bình yên mình tìm kiếm, cho yêu thương quanh mình. Gia đình, bạn bè gọi Sơn Ý là Sony, từ từ còn mỗi chữ Ny, tập có vài bài cho Ny nguồn cơn là vậy. Những câu thơ có Ny cảm xúc tinh tế và dịu dàng quá: Này Ny/ Tôi lại nghe nắng ngoài hiên nhỏ giọt/ Lòng tôi đã mơ hồ lâu lắm – không chắc gì những nhớ quên/ Nhưng…có ai như tiếng em cười trong lá ấy/ Tôi hối hả – Tôi hối hả – gặp tim mình thắt lại/ Khi thấy bộn bề rặt một màu xanh.
Thêm vài dòng khác cho Ny: Gọi đi Ny và những âu lo sầu muộn của em sẽ cuốn đi/ đi đi Ny đừng cười như thế/ đôi mắt em làm tôi nhớ tiếng chuông chùa/ gọi mưa về đi Ny, cây ngọc lan và những nụ mướt xanh sẽ trở lại/ Và tiếng hát em sẽ trở lại… Khép tập bằng những câu tinh khôi như thế, mơ sao các cô gái trên cuộc đời này có những giây phút xanh trong thơ, như Ny.
Tú Trinh
07/2007
Wednesday, April 25, 2007
Đêm đen cấp độ 1
Tìm kiếm mình trong một đêm đen,
chỉ hiện về chiếc răng nanh lung lay năm cũ, đúng cái thời khắc nó qua đời vì cú hích căng sợi chỉ, mẹ hú mèo hú chuột đâu đó trên nóc nhà rồi vung tay
bắt đầu một cuộc hóa thân của chiếc răng dài đến ghê người mà không cần sự can thiệp từ bàn tay lấp lánh ánh kim loại của ông nha sỹ, cùng với đoạn chỉ may mẹ chọn, từ đây chúng mày se duyên mới, đứa nào là đực đứa nào là cái thì tùy chúng mày thu xếp với nhau nhé
kịp nghe một thanh âm rắn, nhanh, khô khốc
a ha, âm thanh dẫn truyền
cuối cùng cũng gặp được thằng tôi của ngày bị bẻ răng, cái mặt tròn xoe, miệng hơi rướm máu, đôi mắt nhíu nhíu thành đường thẳng, còn ngân ngấn nước mắt vì đau, còn lơ ngơ, chắc vẫn nghĩ về chuyến đi của cái răng từng làm con bé nhà bên trố mắt nhìn suốt một mùa mèo hoang thảm thiết hoang hoải đêm đen.
Tìm kiếm mình trong một đêm đen,
tôi thấy mình đứng chênh vênh đầu vực một khe mây, bên kia là một đứa nhỏ có vẻ ngoài rất giống tôi, dụi mắt và nhìn kỹ lần nữa rồi tự hỏi, mẹ có sinh ra đứa nào rơi rớt trong đời không hở trời
à, nói cho đúng thì có khác cũng kha khá nhiều, vì thằng đó lại trong hình dạng một con bé, nó mặc một cái áo đầm trắng, tay áo phồng phồng, cổ áo cũng bồng bồng bềnh bềnh như được viền mây, cái váy dài đến chân hình như cũng nhẹ và êm như mây nữa, cả người nó như là không chạm đất
ganh tị, tôi ganh tị với nó được làm con gái, được mặc áo đầm như nhiên, an nhiên như thế, tôi nhớ mình từng xỏ hai cánh tay vào một cái áo đầm na ná như thế của chị rồi lúng túng tháo ra, bóng mẹ thấp thoáng, tim đậm mạnh, sợ hãi đi kèm nỗi thèm muốn được khoác trên cơ thể mình chiếc áo kia, mãnh liệt và quay quắt
nỗi thèm muốn được khoác trên cơ thể mình chiếc áo kia, mãnh liệt và quay quắt, nên tôi cứ hay diễn đi diễn lại nỗi nhớ ấy với những chiếc áo khác trong những hốc kín, và tối
ganh tị hóa ra thù hằn, hình như thế, chẳng biết nữa, tôi muốn con bé đó tan biến, hốc mắt tôi là một họng súng đen ngòm
bênh kia vực mây, thằng đó trong hình dạng một con bé, nó đang mặc một cái áo đầm trắng, tay áo phồng phồng, cổ áo cũng bồng bồng bềnh bềnh như được viền mây kìa, nó đang xênh xang váy trắng và cười, nụ cười thiếu mất một cái răng
tôi suýt lao tới trong khoảnh khắc nhận ra đứa mặc áo đầm kia chính là tôi, rồi khoảnh khắc ngay sau đó, quay đi… lao tới thì chẳng còn ai là hiện thân vật chất cho cái khát khao mặc áo đầm kia trú ngụ
mây vẫn trắng đến đau lòng trong đêm đen
Mỏi mệt
tôi thôi cái trò tìm kiếm mình trong đêm đen, vì có lần gặp một đứa thật hơn chính mình.
Khinh Ca
chỉ hiện về chiếc răng nanh lung lay năm cũ, đúng cái thời khắc nó qua đời vì cú hích căng sợi chỉ, mẹ hú mèo hú chuột đâu đó trên nóc nhà rồi vung tay
bắt đầu một cuộc hóa thân của chiếc răng dài đến ghê người mà không cần sự can thiệp từ bàn tay lấp lánh ánh kim loại của ông nha sỹ, cùng với đoạn chỉ may mẹ chọn, từ đây chúng mày se duyên mới, đứa nào là đực đứa nào là cái thì tùy chúng mày thu xếp với nhau nhé
kịp nghe một thanh âm rắn, nhanh, khô khốc
a ha, âm thanh dẫn truyền
cuối cùng cũng gặp được thằng tôi của ngày bị bẻ răng, cái mặt tròn xoe, miệng hơi rướm máu, đôi mắt nhíu nhíu thành đường thẳng, còn ngân ngấn nước mắt vì đau, còn lơ ngơ, chắc vẫn nghĩ về chuyến đi của cái răng từng làm con bé nhà bên trố mắt nhìn suốt một mùa mèo hoang thảm thiết hoang hoải đêm đen.
Tìm kiếm mình trong một đêm đen,
tôi thấy mình đứng chênh vênh đầu vực một khe mây, bên kia là một đứa nhỏ có vẻ ngoài rất giống tôi, dụi mắt và nhìn kỹ lần nữa rồi tự hỏi, mẹ có sinh ra đứa nào rơi rớt trong đời không hở trời
à, nói cho đúng thì có khác cũng kha khá nhiều, vì thằng đó lại trong hình dạng một con bé, nó mặc một cái áo đầm trắng, tay áo phồng phồng, cổ áo cũng bồng bồng bềnh bềnh như được viền mây, cái váy dài đến chân hình như cũng nhẹ và êm như mây nữa, cả người nó như là không chạm đất
ganh tị, tôi ganh tị với nó được làm con gái, được mặc áo đầm như nhiên, an nhiên như thế, tôi nhớ mình từng xỏ hai cánh tay vào một cái áo đầm na ná như thế của chị rồi lúng túng tháo ra, bóng mẹ thấp thoáng, tim đậm mạnh, sợ hãi đi kèm nỗi thèm muốn được khoác trên cơ thể mình chiếc áo kia, mãnh liệt và quay quắt
nỗi thèm muốn được khoác trên cơ thể mình chiếc áo kia, mãnh liệt và quay quắt, nên tôi cứ hay diễn đi diễn lại nỗi nhớ ấy với những chiếc áo khác trong những hốc kín, và tối
ganh tị hóa ra thù hằn, hình như thế, chẳng biết nữa, tôi muốn con bé đó tan biến, hốc mắt tôi là một họng súng đen ngòm
bênh kia vực mây, thằng đó trong hình dạng một con bé, nó đang mặc một cái áo đầm trắng, tay áo phồng phồng, cổ áo cũng bồng bồng bềnh bềnh như được viền mây kìa, nó đang xênh xang váy trắng và cười, nụ cười thiếu mất một cái răng
tôi suýt lao tới trong khoảnh khắc nhận ra đứa mặc áo đầm kia chính là tôi, rồi khoảnh khắc ngay sau đó, quay đi… lao tới thì chẳng còn ai là hiện thân vật chất cho cái khát khao mặc áo đầm kia trú ngụ
mây vẫn trắng đến đau lòng trong đêm đen
Mỏi mệt
tôi thôi cái trò tìm kiếm mình trong đêm đen, vì có lần gặp một đứa thật hơn chính mình.
Khinh Ca
Saturday, February 17, 2007
Displace 1
xoá một tôi năm cũ bằng cuộc trốn chạy có chủ đích, dõng dạc tuyên bố ra đi trong tiếng rít xé mây của động cơ máy bay. ừ, tôi đi, ừ tôi bay. lại thèm như chim. tiếng vỗ cánh kiêu hãnh của loài chim di trú bé nhỏ nghe kiêu hùng trong siêu âm. những thanh âm hình hạt cát.
treo giữa ngàn mục đích trần gian, lý do tôi bay chìm nghỉm giữa vô vàn những mục đích từ đớn hèn đến sang trọng khác. ai quan tâm. hốc mắt hất những tia nhìn hờ hững bất cần chậm rãi quét qua từng khuôn mặt người. viễn tượng về những hộp sọ cho ánh sáng xuyên qua tạo khối lạ, tôi giơ camera rồi bẽ bàng một tiếng click.
hải quan tra hỏi gắt gao, mặc kệ sự thờ ơ trong tôi với đất nước tạm dừng chân như quán bên đường, tôi đành dùng số tiền người ta nhờ chuyển bảo đảm cho danh dự của sự ra đi là trở về của mình. mùi thuốc súng. đi hay về cũng một họng súng đen ngòm chĩa lạnh toát sau gáy, thích thú với trò rượt đuổi thú vị, từ bao giờ tôi thành kẻ phiêu lưu, tất nhiên là bất tận.
năm mới náo loạn vì các loại lịch âm, lịch dương, lịch hành chính, lịch sử đô hộ và vị trí địa lí các quốc gia… thích khi nào là năm mới thì sẽ là chính nó. quyết định xoá thêm một tôi năm mới khi năm mới vừa chớp mắt làm quen. những tin nhắn chúc mừng thừa thãi được trân trọng trả về cho đám network vô hình rối rắm. cân bằng não mình bằng vài software quen.
chào một thằng tôi chẳng mới chẳng cũ. xoá một thằng tôi bị sự đếm thời gian ràng buộc. tôi không tuổi ngồi với chiếc máy tính và đám ngôn ngữ chưa từng có khái niệm tuổi tác. tự code giấc mơ cho mình, một khu vườn đầy những con sâu mắt một mí khiêu vũ điệu tango trên sân khấu hoa cúc, nằm xuống và bắt đầu...
Subscribe to:
Posts (Atom)