Tú Trinh | ảnh Sơn Ý
“Hương Yên tức là... khói hương đó!” - Trinh cười: “Nhiều khi thấy mình sân si quá, muốn viết một cái gì đó thật yên bình cho Giác Ngộ. Còn cái tên Hương Yên, không phải bé Trinh đùa đâu, mà bé Trinh thích mùi khói hương thật đó!”. Hàng ngày, cô bé... bé như cái kẹo nhưng có “chân đi” đó hễ về đến nhà thì lại nũng nịu vơi mẹ, bảo mẹ đốt hương trầm lên cho thơm. Mẹ sợ con gái ngửi khói hương nhiều không tốt, vậy nhưng vẫn cố tìm cho con loại hương nào có mùi thơm thật dịu. Trinh kể: “Bác biết không, có lần bé Trinh vào quán chè với nhỏ bạn, bỗng nghe thoang thoảng một mùi khói hương quen thuộc. Vậy là reo ầm lên. Người ta tưởng con nhỏ này... điên!”.
Trinh là một cô bé thành phố chính hiệu. Nhưng, nhờ những giấc mơ phiêu du và cái ham muốn “đi vạm vỡ” ấy nên Trinh có những trang viết rất xúc động về cuộc sống ở làng quê:
“Mẹ đi gánh hết giông mưa
Quê nghèo thiếu cả chỉ thừa khói lam”
hay:
“nắng mưa gió cát là quê
cánh diều chưa mất lời thề sợi dây
bê nằm
mơ
rạ rơm bay
hồn quê vẫn đứng trên đầy bát cơm”
và:
“lời ru trắng cánh cò chở gió hong khô mồ hôi lưng áo người nông dân
lời ru xanh bước chân lộp ộp lún sình đánh thức cánh đồng mỗi mùa trĩu hạt
lời ru thủng thỉnh trưa hè lũy tre làng hát ru bọn trẻ
lời ru âm vang điệu hò ướp hương ngai ngái đồng chiều”
Thơ Trinh là thế, nhẹ nhàng sâu lắng nhưng không ít bất ngờ:
“người ngang dọc
mùa đi vòng
tìm về
chim ngói, cánh đồng reo ca”
nhiều khi cũng lại rất triết lý:
“hơi thở muộn phiền dữ dội đạp trên mọi hơi thở khác đang trình hiện
có gì ngoài hơi thở”
Vào những buổi “chiều chớp mi, chiều thiên thanh nâu sòng” ấy, lắm khi Trinh lại “nghĩ về chuyện đốn ngộ trần gian”. Như trong một bài thơ, Trinh viết:
“dúm dó muộn phiền nhăn nhó
thăng bằng không cũng một đời người
có gì ngoài hơi thở?”
hay: “tình tôi là hạt bụi một lần ghé dưới đế chiếc guốc bàn bên vô thức nhịp”
Đọc thơ Trinh, ít ai nghĩ rằng năm nay Trinh vừa tròn 20 tuổi. Có điều, Trinh không tự dễ dãi với cái tuổi 20 của mình. Trinh miệt mài thức đêm viết văn, làm thơ, viết báo để “tự cấp” cho mình - tiền học phí, tiền sách vở. Trinh luôn đọc và đọc, “vì không đọc, mình sẽ không biết người ta đang viết gì, viết thế nào. Và, dĩ nhiên, không đọc, mình cũng sẽ không viết được cái gì mới”, Trinh nói. Thỉnh thoảng, Trinh cũng dịch những tài liệu nho nhỏ từ mấy quyển sách tiếng Anh chuyên ngành cho khỏi “lụt nghề” và cũng để tặng bạn bè cùng lớp tham khảo.
Cô sinh viên khoa Văn năm thứ ba ấy hiện nay vẫn luôn làm thơ trên máy vi tính. Trinh chủ yếu làm thơ tự do. Với lục bát, thể loại Trinh đạt giải nhất, Trinh cho là mình không có khả năng; Trinh chỉ “ráp chữ”, theo cái kiểu “sử dụng từ điển” để tìm vần ấy thôi! “Bác biết không, tay trái bé Trinh gõ bàn phím, tay phải cầm bút liệt kê tất cả những vần cần sử dụng”, Trinh cười hồn nhiên.
Có thể có người sẽ bị... sốc. Nhưng, đó là sự thật. Và, có phải ai ráp vần cũng thành thơ đâu?
Trước khi “đăng quang” giải nhất cuộc thi thơ Bút mới lần V - “Lục bát và đất nước” của báo Tuổi Trẻ, Tú Trinh đã từng “ẵm” khá nhiều giải khuyến khích của các cuộc thi: Những bài văn hay nhất lớp - báo Mực Tím (1998); Thơ Bút mới lần IV - báo Tuổi Trẻ (2001); Chân dung tuổi mới lớn - thơ, báo Mực Tím (2002).
Chợt nhớ có lần nhà dịch giả lão thành Dương Tường nhận xét rằng: những nhà văn, nhà thơ ở Việt Nam ta hiện nay có thể đọc được nguyên tác tác phẩm văn học nước ngoài chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Vì vậy, có thể hy vọng chăng việc Tú Trinh sẽ cất cánh bay lên như một cánh “Hạc chiều”?
Đỗ Thiền Đăng
No comments:
Post a Comment