Saturday, January 31, 2004

Thơ cho cái card màn hình…

2004

Ư, thì card màn hình bị hư
Restart lần thứ n
Như những ngày đã qua,
Mọi cố gắng setting đều trở nên vô vọng
Trả lại em 16 màu truyền thống

Đỏ là đỏ, không có đỏ tươi, đỏ bầm, đỏ huyết dụ, đỏ thẫm…
Trắng lá trắng chứ không trắng nhợt, trắng xoá, trắng tinh, trắng toát, trắng…
Cỏ cây cũng thôi xanh trong thế giới em này
Trời cũng chẳng thể xanh
Em thèm xanh ngút ngàn ơi, xanh…
Ư, trả nỗi buồn về vẹn nguyên nỗi buồn.
Nỗi buồn có truyền thống không anh?

Màn hình đơn điệu
Wallpaper hình khối
Chẳng tìm đâu ra một giải pháp giữa đêm
Đầu đau quá, não đòi ôxy kìa em
Chẳng thể khác hơn cho năm 2006 mà em vẫn ngồi bên cửa sổ những năm 1995
Version Window 95
Loay hoay giữa những hiểu và không-hiểu
16 bit, 16 màu
chỉ 16 màu thôi

16, nhiều thế cơ à, cho 1 nỗi buồn rất cũ…
16, lắm thế cơ à, cho cơn đau đầu cuồng đêm
lọt thỏm vào cái hố thẳm đời mình
thương tích run rẩy mắt môi dù đã dự cảm từ hoang sơ
ừ, trả tất cả về đen

Tú Trinh

Giấc mơ sang mùa

Hoang mang trước sự gấp gáp của nhịp người
giấc mơ co mình trong gian phòng hẻm nhỏ
giấc mơ lành như người bạn vong niên năm cũ
ấm áp cái xoa đầu và lời hỏi han…

mỗi ngày mặt trời minh chứng rõ ràng sự tỉnh thức của chúng ta
công việc nồng nàn sáng, trưa, chiều, tối
tin tức hằng ngày về chiến tranh, hoà bình, cái chết và sự thánh thiện
mã hóa rồi giải mã
tôi nghi ngờ trạng thái mình

nghe mưa một ngày bạc tiếng dương cầm
con ngựa tuổi thơ vẫn còn rong ruổi trên cánh đồng nào xa lắm
tôi lạc lõng giữa cao ốc và bụi khói
cố nhoẻn cười lấy năng lượng sống mỗi bình minh
uốn mình cong bông lúa như trẻ nhỏ

hình như giấc mơ đang duỗi ra theo mùa
tôi thấp thoáng những chuyến đi vạm vỡ
tôi ẩn hiện những chuyến bay mê mãi

bắt chước người lớn thủng thỉnh châm trà buổi sớm mai
theo lọn khói bắt gặp nhành mai vàng thao thức
tôi mong chờ một sự hóa thân

Tú Trinh
1/2004, một ngày ba nghỉ làm ở nhà

Link

Friday, January 30, 2004

cánh đồng sang mùa


đối thoại với Thục Linh, mùa xuân 2004

tôi cắm sâu mình vào cánh đồng
hít vào
khen khét đất cằn vẫn ngủ quên hun hút
ít cọng rơm khô chẳng kịp đốt mùa tàn
thở ra
bồng bềnh lam khói nhàu hiện thực
buốt vết thương song sinh với nhịp thở kí ức
tôi hay chiều vỡ tung triệu mảnh hoang vu

vẳng nghe tiếng chim ngói giữa mơ hồ tỉnh thức
có điều gì về theo thảng thốt một chồi mưa
cánh đồng nằm với tôi trọn cơn mơ thỏa thuê nước
tôi bay
ban mai nhẹ hẫng hay đêm không trọng lượng
liêu xiêu đứng dậy đã ngã xuống
đã tấp tênh một phần ba đời người
dưới lưng rêu kịp lún ngún xanh với mặt trời

tôi vàng vọt mắt tìm đồng minh…
thân cây ruỗng mục hôm qua đã chết sần sùi trôi nổi ụ trắng xám
sáng nay xoè vài hoa nấm
mươn mướt mưa cùng lốm đốm nắng so vai
nấm độc hay không cũng từ chắt chiu máu gỗ và ân tình hoang dại
tôi quyết định tự mang cho mình vài nhịp thở rộn rã mùa hồi sinh

Tú Trinh
(ngày hạn năm 2005, đọc lại, một cách chờ mưa…)

Thursday, January 15, 2004

Lục bát mùa nhớ

2004

xoay tìm… dáng núi hình sông
quê bồi lở với mênh mông địa cầu

cổ tích đời thắm trầu cau
cánh cò trắng vỡ đất nâu xanh mùa
lúa non vui ngậm nhành mưa
mục đồng thủng thỉnh đồng trưa sáo diều

chung trà thơm ngâm vịnh Kiều
mắt người hồng ánh lửa xiêu góc nhà
dạ thưa… ngọt nắng mưa pha
bình yên e ấp thật thà tuổi rơi

mứt gừng má gửi ấm môi
vị cay xuân mộc bồi hồi ban sơ
cha cầm tay vẽ bến bờ
tảo tần quang gánh hồn thơ theo về

đứng trên đất chẳng là quê
ngón tay tha thiết di về phương Nam
giữa tuyết trắng, mơ khói lam…

Tú Trinh

Friday, January 2, 2004

Tú Trinh - cô bé... khói hương

Giải nhất cuộc thi thơ Bút mới “Lục bát và đất nước” của báo Tuổi Trẻ

Tú Trinh | ảnh Sơn Ý 

Tham gia Bút nhóm Vòm Me Xanh báo Mực Tím với cái tên Me Hạc, cô bé có dáng vẻ bề ngoài rất “hạc” này luôn mỉm cười: “Không phải bé Trinh cho rằng mình là một cánh Hạc đâu, tại vì bé Trinh mê câu chuyện Hạc chiều của nhà văn Kinoshita Junji thôi!”. Song, có một điều mà bạn bè của Trinh rất ít ai ngờ, đó là việc Trinh thỉnh thoảng vẫn tham gia cộng tác cho báo Giác Ngộ với cái tên rất “độc”: Hương Yên...

“Hương Yên tức là... khói hương đó!” - Trinh cười: “Nhiều khi thấy mình sân si quá, muốn viết một cái gì đó thật yên bình cho Giác Ngộ. Còn cái tên Hương Yên, không phải bé Trinh đùa đâu, mà bé Trinh thích mùi khói hương thật đó!”. Hàng ngày, cô bé... bé như cái kẹo nhưng có “chân đi” đó hễ về đến nhà thì lại nũng nịu vơi mẹ, bảo mẹ đốt hương trầm lên cho thơm. Mẹ sợ con gái ngửi khói hương nhiều không tốt, vậy nhưng vẫn cố tìm cho con loại hương nào có mùi thơm thật dịu. Trinh kể: “Bác biết không, có lần bé Trinh vào quán chè với nhỏ bạn, bỗng nghe thoang thoảng một mùi khói hương quen thuộc. Vậy là reo ầm lên. Người ta tưởng con nhỏ này... điên!”.

Trinh là một cô bé thành phố chính hiệu. Nhưng, nhờ những giấc mơ phiêu du và cái ham muốn “đi vạm vỡ” ấy nên Trinh có những trang viết rất xúc động về cuộc sống ở làng quê:
“Mẹ đi gánh hết giông mưa
Quê nghèo thiếu cả chỉ thừa khói lam” 


hay:
“nắng mưa gió cát là quê
cánh diều chưa mất lời thề sợi dây
bê nằm
mơ 
rạ rơm bay
hồn quê vẫn đứng trên đầy bát cơm” 


và:
“lời ru trắng cánh cò chở gió hong khô mồ hôi lưng áo người nông dân
lời ru xanh bước chân lộp ộp lún sình đánh thức cánh đồng mỗi mùa trĩu hạt
lời ru thủng thỉnh trưa hè lũy tre làng hát ru bọn trẻ
lời ru âm vang điệu hò ướp hương ngai ngái đồng chiều” 


Thơ Trinh là thế, nhẹ nhàng sâu lắng nhưng không ít bất ngờ:
“người ngang dọc
mùa đi vòng
tìm về
chim ngói, cánh đồng reo ca”


nhiều khi cũng lại rất triết lý:
“hơi thở muộn phiền dữ dội đạp trên mọi hơi thở khác đang trình hiện
có gì ngoài hơi thở”


Vào những buổi “chiều chớp mi, chiều thiên thanh nâu sòng” ấy, lắm khi Trinh lại “nghĩ về chuyện đốn ngộ trần gian”. Như trong một bài thơ, Trinh viết:
“dúm dó muộn phiền nhăn nhó 
thăng bằng không cũng một đời người 
có gì ngoài hơi thở?”


hay: “tình tôi là hạt bụi một lần ghé dưới đế chiếc guốc bàn bên vô thức nhịp”


Đọc thơ Trinh, ít ai nghĩ rằng năm nay Trinh vừa tròn 20 tuổi. Có điều, Trinh không tự dễ dãi với cái tuổi 20 của mình. Trinh miệt mài thức đêm viết văn, làm thơ, viết báo để “tự cấp” cho mình - tiền học phí, tiền sách vở. Trinh luôn đọc và đọc, “vì không đọc, mình sẽ không biết người ta đang viết gì, viết thế nào. Và, dĩ nhiên, không đọc, mình cũng sẽ không viết được cái gì mới”, Trinh nói. Thỉnh thoảng, Trinh cũng dịch những tài liệu nho nhỏ từ mấy quyển sách tiếng Anh chuyên ngành cho khỏi “lụt nghề” và cũng để tặng bạn bè cùng lớp tham khảo.

Cô sinh viên khoa Văn năm thứ ba ấy hiện nay vẫn luôn làm thơ trên máy vi tính. Trinh chủ yếu làm thơ tự do. Với lục bát, thể loại Trinh đạt giải nhất, Trinh cho là mình không có khả năng; Trinh chỉ “ráp chữ”, theo cái kiểu “sử dụng từ điển” để tìm vần ấy thôi! “Bác biết không, tay trái bé Trinh gõ bàn phím, tay phải cầm bút liệt kê tất cả những vần cần sử dụng”, Trinh cười hồn nhiên.

Có thể có người sẽ bị... sốc. Nhưng, đó là sự thật. Và, có phải ai ráp vần cũng thành thơ đâu?

Trước khi “đăng quang” giải nhất cuộc thi thơ Bút mới lần V - “Lục bát và đất nước” của báo Tuổi Trẻ, Tú Trinh đã từng “ẵm” khá nhiều giải khuyến khích của các cuộc thi: Những bài văn hay nhất lớp - báo Mực Tím (1998); Thơ Bút mới lần IV  - báo Tuổi Trẻ (2001); Chân dung tuổi mới lớn - thơ, báo Mực Tím (2002).

Chợt nhớ có lần nhà dịch giả lão thành Dương Tường nhận xét rằng: những nhà văn, nhà thơ ở Việt Nam ta hiện nay có thể đọc được nguyên tác tác phẩm văn học nước ngoài chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Vì vậy, có thể hy vọng chăng việc Tú Trinh sẽ cất cánh bay lên như một cánh “Hạc chiều”?

Đỗ Thiền Đăng

Thursday, January 1, 2004

giao thừa thảo nguyên

1/2004

có biết không, em khát khao nghe nụ cười mượt xanh cỏ
em cao quá mà cỏ thì thấp dưới chân thảo nguyên
nằm xuống, em xíu xiu như cỏ nhé
khe khẽ cựa mình, cỏ hay em nõn dậy thì len lỏi
đàn giun giương mắt, dỏng tai, ngơ ngác hiền

em khum tay gọi mặt trời về xum họp với thảo nguyên
thinh không đáp tiếng vọng bát ngát núi
ngây ngất bình minh ùa về như lũ quét
ngây ngất cỏ cười
cỏ nâng em ngửa mặt uống biêng biếc trời
hoa văn của mùa xuân tạc lên phập phồng đồng ngực trẻ

gió rấp rinh khảm hồn nhiên em vào cỏ
ban mai hồng nõn phố
thảo nguyên theo em về, ấp úng môi son

Tú Trinh

với trăng

2003

thắp cùng trăng một ánh nhìn
giữa đêm phương Nam bạt ngàn tiếng sóng
nghe trăng sần sùi trên lớp bùn nhão nhoét đám bần non
xuồng ai rẽ nhánh sông?
ngửa cổ đón điệu hò
dăm câu sót lại
mượt mà

góp cùng trăng lũ trẻ con phố thị suýt già
chiếc bóng bọn tôi hí hửng mừng vui, soi dòng trăng, khỏa thân tắm mát
trăng tròn vạnh trên cao
nước nhập nhoè bóng người
nước tượng hình bóng trăng lúc vuông, tròn, tam giác
ngơ ngác những vì sao

đêm phương Nam chuyền tay trái bắp lùi
chuyền tay trăng mênh mông vừa độ

Tú Trinh

Nẻo về lời thương

Đêm qua bất chợt một giấc mơ hình cánh cung, vành vành nhấp nhô thanh âm từ thuở xa xăm nào mà… gần lắm. Giấc mơ giọt tan vào ban mai, đọng lại lời nhớ, lời quên, lời thì thầm ngọt ngào của mùa. Đêm qua ta mơ mình nhỏ lại! (Em đừng vội cười, “…và cũng đủ lớn để mong mình trẻ lại” mà). Đêm qua ta mơ thấy con-người-bé-con, thuở chưa lọt lòng mẹ cơ!

Trong bụng mẹ thì… tối lắm! Mắt chưa thấy gì đâu, mũi chưa ngửi gì đâu, chỉ có… đôi tai bé bỏng đang lắng nghe. Dù chưa bắt tay làm quen (theo kiểu người lớn) nhưng bố mẹ vẫn trò chuyện cùng bé con đấy! Mẹ bảo bé con sẽ khóc khi lần đầu nói “xin chào” với mặt trời, còn mọi người nhìn ngắm trong nụ cười và chúc mừng, bố hứa làm ngựa cho bé con nhong nhong khắp nơi, bố còn nói sẽ dạy bé con cách yêu thương cuộc đời… Bé con còn nhớ cả lời vị bác sĩ có khuôn mặt hiền hậu và đôi mắt biết cười sau cặp kính nữa: Khi ở trong bụng mẹ, bé con nào cũng giống nhau, cũng nằm chúc đầu xuống giống như hình cái… tai. Hi hi, bé con nào cũng có cái tai, nhờ cái tai biết lắng nghe mà bé con biết “thế giới bên ngoài bụng mẹ” thật to, thật vui…

Ta thức dậy trong đêm, trong trìu mến ánh nhìn của những vì sao, trong tiếng cười hi hi của bé con – ta ngày xưa. Thời gian tĩnh lặng bên ngoài cửa sổ. Ta nhắm mắt và đưa tay bịt hai tai, đố em đấy, ta nghe được gì? Trời ơi, ta nghe ầm ì tiếng sóng biển, nghe vi vút gió đồi thông, nghe trong vắt em cười hiền lành, nghe hương đêm mùa xuân ngọt lành, ta còn nghe cái nóng thót người mỗi khi bị bỏng, ta tự nhiên giơ tay nắm hai tai… Những thanh âm chấp chới, những âm thanh không lời đưa ta đến một câu chuyện (của một người lớn, đi rất xa, biết rất nhiều và viết rất hay) về cái tai rằng… Ở núi non Tây Nguyên, một đứa bé lọt lòng mẹ chỉ được xem là Con Người khi người ta thổi linh hồn vào cho nó. Vậy nên có lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh. Một người phụ nữ (thiên chức người phụ nữ là giữ giềng mối của sự sống mà, phải vậy không em?) đứng tuổi sẽ nhai nát gừng rồi phun vào cuộn chỉ bông lấy từ chiếc xa quay, sau đó thổi bảy lần vào cuộn chỉ đặt sát tai đứa bé, vừa thổi vừa khấn một số câu gì gì đó! Ta chỉ nhớ loáng thoáng rằng: Thông lỗ mũi/ tỉnh lỗ tai/ phun gừng/ tai trái/ nhớ lấy ruộng rẫy/ tai phải/ nhớ lấy công việc/ làm người, hãy nhận lấy hồn người đây… Người Tây Nguyên tin rằng sau lễ thổi tai, lễ truyền cái nhớ, lễ truyền sự sống, đứa bé sơ sinh mới chính thức là Người. Phải vậy không em, từ ngàn xưa, khi con người chưa có chữ viết, chưa có… báo chí thì lời nói, sự nghe quan trọng đến chừng nào!

Em có bao giờ dùng bàn tay để cảm nhận lỗ tai chưa? Tai vành vành hình cánh cung đấy, em có chợt liên tưởng dãy núi cánh cung phía Bắc đón gió cho đồng bằng? Cái tai thì xíu xiu (núi cũng xíu xiu trên bản đồ) nhưng lối vào trải rộng thênh thang! Cả một-đời-nghe, em sẽ nghe rất nhiều, cũng như miền Bắc nước mình là một vực gió. Nhưng mỗi người chỉ có một đôi tai bé nhỏ và em biết không, mỗi đôi tai chọn một cách lắng nghe khác nhau. Có những đôi tai chỉ quen nghe lời ngọt ngào, có những đôi tai biết nghe cả những lời thật – dẫu chát chua, cay đắng… Có những đôi tai biết nhớ, tai nghe rồi tai biết sự nghe hôm nay là dòng chảy vĩnh hằng của sự nối tiếp câu chuyện thế hệ. Có những đôi tai suốt đời vẫn bấp bênh kinh kệ, có những đôi tai vừa chớm nghe tiếng chuông chùa buổi sáng đã lún ngún xanh cỏ thiền… Có những đôi tai vô tư thanh âm rồi thôi, lại có những đôi tai biết nghĩ, biết lắng nghe cả những lời-không-phải-là-thanh-âm… Đêm vẫn sâu sau cánh của phòng. Em có lắng nghe (trong giấc ngủ) câu chuyện giữa ta và em, ta và giấc mơ, ta và con-người-bé-con? Ta có làm em tư lự không? Ta tin rằng một chút tư lự sẽ làm em tươi xinh hơn trong mùa xuân mới.

Sớm mai, ta (và cả em nữa nhé!) dành riêng cho đôi tai mình những phút trong trẻo nhất của ngày mới, nằm trên giường nhắm mắt và lắng nghe. Ta nghe giấc mơ đêm qua reo ca trên ngọn đồi phía xa, nghe hơi thở mùa xuân đang tô màu cho mặt đất bằng những nhát cọ xanh, nghe tiếng chim ngây ngất bước chân mẹ đi chợ về, nghe cả tiếng cười thân quen của em bao năm thơm thoảng trong gió. Cả một thế giới diệu kì khi em biết lắng-nghe, miền bình yên lời thương trong bụng mẹ, miền gập ghềnh cái nhớ, cái quên vơi đầy theo tuổi.

Ta nghe chiếc xích đu ngoài hiên đang cất lên giai điệu quen thuộc em hay hát hồn nhiên… Ta nghe năm mới rón rén bên thềm…

Tú Trinh
(tùy bút này in trên báo Giác Ngộ, sau đó phát triển thành truyện ngắn...)