Monday, August 27, 2012

Poemas de Olvidanzas y Baladas de Primavera [Chúng ta nghĩ mọi thứ đã... | Tôi đã bắn vào lý tưởng | Tháng Tư | Khúc ca đêm]

JUAN RAMÓN JIMÉNEZ
(1881-1958)
Bản dịch của Tú Trinh 



photo by Tú Trinh | Saigon 07.2007



Chúng ta nghĩ mọi thứ đã...

Chúng ta nghĩ mọi thứ đã
đổ vỡ, tan hoang, và nhơ nhuốc...
– Nhưng, trong đó, hiện thực
đã mỉm cười, và chờ đợi chúng ta.

Những giọt nước mắt, đẫm máu và còn ấm
rơi lên những tấm kính phủ đầy sương giá...
– Nhưng, bên trong, hiện thực
đã mỉm cười, và chờ đợi chúng ta.

Ngày đen tối ấy tiến gần đến kết thúc,
rối tung trong mớ khổ đau ảm đạm
– Nhưng, bên trong, hiện thực
đang mỉm cười, đợi chúng ta –



Tôi đã bắn vào lý tưởng

Tôi đã bắn vào lý tưởng,
nghĩ rằng sẽ không trúng đích.
– Phát đạn đen ngòm kia, cú giật ngược của mi
đã làm tan nát tâm hồn ta đến chừng nào!

Màn đêm, sau phát súng
chẻ đứt chính hiện hữu của nó,
đột nhiên lặng thinh, chuyển sang
màu lục thẫm, vầng trán nó xanh xao.

Và tôi nghe, tận sâu thẳm trái tim mình,
đang co đập, chờ đợi nó,
tiếng ngã uỵch đột ngột của một bầu trời,
chết với đôi cánh xếp.



Tháng Tư
             (Ngày ấy và Robert Browning)

Chim thanh tước trong cây dương
– Và gì khác?
Cây dương trên nền trời xanh
– Và gì khác?
Bầu trời xanh trong nước
– Và gì khác?
Nước nơi phiến lá non
– Và gì khác?
Cánh hoa mới trong đoá hồng
– Và gì khác?
Đoá hồng mới trong tim tôi.
– Và gì khác?
Và tim tôi trong tim bạn!



Khúc ca đêm

Này đây mùi hương
của hoa hồng!
Hãy giữ chặt nó trong nỗi mê ly của em!

Này đây ánh sáng
của mặt trăng!
Hãy giữ chặt nó trong sự tràn đầy của em!

Này đây khúc ca
của dòng suối!
Hãy giữ chặt nó trong quyền tự do của em!



----------------------
Dịch từ bản tiếng Anh [“We thought that everything was...”], [“I fired at the ideal”], “April” và “Night Song” của Eloïse Roach, thơ của Juan Ramón Jiménez, trích từ phần Olvidanzas (1906-1907) và Baladas de Primavera(1907), trong cuốn Three Hundred Poems 1903-1953, do Eloïse Roach chọn, dịch và giới thiệu (Austin: University of Texas Press, 1962).

Những ý nghĩ châu Âu – 1959

thơ Gregory Corso 
bản dịch của Hoàng Ngọc Biên 

Gregory Corso
Acropolis, Athens, Hi-lạp 1959, LIFE.



Những ý nghĩ châu Âu – 1959
 
Nếu như không bao giờ có một mái nhà để trở về
thì lúc nào cũng có một mái nhà để không trở về
Tôi biết rõ như vậy thời còn nhỏ đi bụi đời
Tôi ngủ trong xe điện hầm
và xe luôn ngừng
ở ngay nhà ga nơi có ngôi nhà trước đấy tôi đã bỏ đi
Đấy chính là nỗi buồn cay đắng nhất ôi đúng là vậy
 
Sẽ ra sao nếu tôi
chạy sà vào từng người tôi gặp trên đường đi
và hớn hở nở một nụ cười tươi nói:
“Mọi chuyện trên đời quả tốt đẹp!”
Hay chạy ào vào một nhà hàng đông khách và la lên:
“Chúc ai nấy ngon miệng!”
 
Khi các bà ở Đức thời kết thúc chiến tranh
đứng giữa đống gạch ngói ngổn ngang băn khoăn về các ông chồng
và những người già lục lọi trong đống gạch vụn tìm lại ngôi nhà mình
chẳng lẽ họ không nhìn thấy chữ vạn nhiều cạnh
như một con trùng chui dưới đống gạch ngói
chứa nặng sự bình an?
Dường như mười lăm năm sau, hôm nay, trẻ em
nước Đức vẫn không được miễn trừ
nỗi đớn đau những đống gạch vụn ấy.
Chữ Merde[*] có thể nghe gây sốc hơn chữ ?
Và những thứ như MỸ CÚT VỀ NƯỚC
ALGERIA THUỘC PHÁP hay HÃY NHỚ HUNGARY
những thứ đó có thật là tệ hơn MERDE?[*]
Và Hi-lạp là một đất nước tuyệt vời
nhưng tất nhiên tôi không tuyệt vời ở đấy
bởi vì con người sinh ra để chịu khổ ở một nơi hạnh phúc
khi anh ta hạnh phúc quá quá nhiều hạnh phúc
ở một nơi không thể nào chịu đựng được.




[*]Merde [tiếng Pháp trong nguyên tác]: Đồ cứt ỉa.
 
 
------------------
“Những ý nghĩ châu Âu – 1959” dịch từ nguyên tác “European Thoughts – 1959” trong Gregory Corso, trong Gregory Corso, Long Live Man (New York: New Directions, 1962).


Sunday, August 19, 2012

Hẹn bạn không thân




Bỗng nhiên Yuki hẹn. Mục đích cuộc hẹn hò giống những lần trước: gặp nhau. Lần này không hẹn ở trạm xe điện nữa. Tôi tự mình đi đến Darling Habour. Sau giờ làm, Yuki đợi sẵn. Một cột đèn xanh đỏ. Chúng tôi thấy nhau rồi mới cúp điện thoại. Vẫy tay. Tôi chờ đèn và băng qua đường.

Câu đầu tiên, Yuki nói: “Cuối cùng mày cũng tự đến được!” Chúng tôi cười vang. Trong đầu lúc này, chúng tôi đang nghĩ đến khả năng định hướng đường sá. Hai đứa ôm cái bằng ‘học lái’ đến năm thứ ba rồi. Vẫn chưa đủ can đảm thi lên P đỏ. Giấy phép tạm thời lái xe, không khó. Nhưng đó là với người bình thường. Chúng tôi bất thường. Hết sức tự nhiên, hai đứa ôm nhau. Văn hoá ôm này, chúng tôi thích nghi. Câu thứ hai tôi nói: “Nửa năm nhỉ!”.

Lần đầu, một quán ăn Thái. Ánh đèn vàng ấm. Sắc trắng chủ đạo. Giản dị sạch sẽ. Chọn dãy bàn gợi nhớ trường: kéo suốt chiều dài cửa tiệm, không có phân cách. Mấy em gái chạy bàn tràn trề năng lượng. Một em đồng tính. Chờ em đến gần, tôi gọi thức ăn. Cũng là em lúc tính tiền ra về. Một đồ nướng, một canh, một cơm, một tráng miệng. Chất đạm của bữa ăn là thịt gà. Định nếm thử bia Lào, nhưng vẫn đang mùa Ramadan.

Tiếng Anh làm mọi thứ không quá gần gũi. Cũng không quá xa lạ.

Những người bạn chung. Diana kết hôn, không đứa nào biết, đến khi thấy hình trên facebook. Valere sắp rời Sydney, một thời gian thật dài. Ừm, tôi có chút nhớ Valere! Đời sống tẻ nhạt. Mùa đông lạnh, lười, chỉ thích ngủ vùi. Hai bạn chung phòng mê thịt, không chịu ăn rau củ. Bữa giờ còn nướng bánh không? Những di chuyển. Về nhà. Ước mơ một chuyến đi con gái với nhau sang New Zealand. Tại sao là New Zealand thì không biết. Chắc vì nó gần.

Ra khỏi quán, bắt đầu xuýt xoa vì lạnh. Cùng đi bộ ra trạm Town Hall. Gió từ biển thổi vào lồng lộng. Chúng tôi nói về văn hoá hai thành phố không mấy liên quan gì nhau. Cùng ở Thái Bình Dương. Nơi chúng tôi sinh ra, lớn lên. Nhưng không còn thuộc về nữa. Những quán cà-phê dịu dàng của ký ức. Những hiệu sách làm quên mất thời gian. Những quán kem của tuổi thơ nhiệt đới thèm khát. Những năm tháng lớn lên tự cho phép mình “hưởng thụ”.

Ôm nhau một cái nữa. Xe điện hướng nhà tôi đến trước. Không có yếu tố kỳ lạ nào. Rào cản mãi còn đó.



Sydney, 08.2012.
Tú Trinh