Tuesday, March 2, 2004

Bà Bé ở ngõ sau

Tôi lớn lên đã thấy cuối bếp nhà mình có cái ngõ sau thông ra một con hẻm phố Tây của Sài Gòn, nơi đó có một người đàn bà gầy gầy, dong dỏng cao hay la mắng tôi nhưng liền sau đó lại nói nhẹ nhàng như chưa có chuyện gì xảy ra. Thỉnh thoảng buổi xế chiều, bà hay dắt tay tôi ra cái chợ chồm hổm thông với ngõ sau nhà, kéo ghế ấn tôi ngồi xuống, gọi cho tôi một tô phở, lúc tôi xì xụp thì bà đã trả tiền cho tôi và đi về trước.

Từ lúc sinh ra đến ba tuổi, bạn chưa kịp có ký ức nhưng tôi tin chắc đó là giai đoạn thú vị nhất trong cuộc đời mỗi người, thời gian ấy bạn được "để mắt" tới nhiều nhất và nó để lại những vết hằn đầu tiên trong não bộ, cho bạn một chỗ dựa vững chắc để sống những năm tháng tiếp theo. Mẹ ruột tôi kể, tôi sinh thiếu ký nên yếu lắm, mẹ phải đi làm từ sáng tới tối mịt mới về khi tôi mới hai tháng tuổi, vậy là tôi được giao cho bà Bé - chị ruột của mẹ tôi - chăm.

Xa hơi mẹ mà tôi không khóc, ngược lại còn cười toe toét khi được bà Bé ẵm bồng. Chỉ khi trong tầm nhìn non nớt của tôi không có hình dáng bà (dĩ nhiên trừ lúc ngủ), tôi sẽ khóc ré lên, rất bền và rất… phong cách, cứ e… e… e… Bà Bé đặt tôi cái tên Kèn E từ thanh âm đó.

Bất kể bà làm gì, hoặc là bà phải ẵm tôi trên tay hoặc là tôi phải ngồi trong một cái ghế bành êm êm có thanh chắn của trẻ con cách chỗ bà đang làm việc… nửa mét, miễn tôi nhìn thấy bà. Ngày đầu tiên đi nhà trẻ, bà giao tôi cho cô giáo còn bà nấp sau cánh cửa. Một tiếng đồng hồ trôi qua, mặc cô giáo làm đủ mọi cách dỗ dành, tôi cũng không nín, tôi khóc dai dẳng đến nấc cụt mà vẫn lì. Xót cháu, bà ẵm tôi về. Chia tay nhà trẻ nhé!

Ngay cả chuyện ăn uống, bú mớm, đi đứng của tôi cũng hành bà Bé. Bận rộn với cả núi việc nhà và chăm ba đứa nhỏ, tôi và hai đứa con ruột của bà (lớn hơn tôi chừng chục tuổi) nhưng cả năm ròng trưa nào bà cũng lội bộ hai cây số đi về ẵm tôi lên cơ quan mẹ tôi đúng vào giờ nghỉ trưa, để tôi được bú. Cộng với tất cả những gì tốt đẹp nhất về thức ăn bà dành cho tôi, bà tin sữa mẹ sẽ làm tôi bớt ốm yếu hơn. Mười sáu tháng, tôi vẫn chưa chịu đi, chỉ lết, lết và lết. Ba mẹ hỏi thăm tùm lum bác sĩ, sợ tôi bị liệt nhưng có lẽ người hoảng nhất là bà Bé. Bà thắp nhang tụng kinh trước bàn thờ bà ngoại mỗi đêm. Sau này mẹ hay so sánh, bà Bé tụng kinh để cầu nguyện cho tôi bền ngang với mức độ… Kèn E khóc. May, bốn tháng sau tôi biết đi và đi nhanh như chạy, tôi không còn lết theo níu ống quần nữa mà chuyển sang chạy lon ton làm vướng chân bà Bé.

Bốn tuổi, tôi bắt đầu có ký ức. Bà Bé ở ngõ sau là một vết hằn trong não tôi, như thể nó đã ở đó từ… kiếp trước. Bất kể lúc nào nếu ai hỏi tôi: bà Bé đâu rồi, tôi sẽ trả lời liền: bà Bé ở ngõ sau. Bà Bé là người phụ nữ của việc nhà nên ngõ sau gắn liền với bà là điều dễ hiểu và cũng vì một lý do nữa: bà luôn đi ra khỏi nhà bằng ngõ sau.

Suốt ngày trong bếp núc, nhưng khi bà “ra phòng khách” cũng… lợi hại lắm, tuổi thơ tôi nhiều lần trố mắt nhìn bà (vì hổng hiểu gì hết trơn) nói chuyện bằng tiếng Anh ro ro với mấy ông Tây balô đi lạc vô ngõ sau. Bà Bé nóng tính kinh khủng, hay la mắng con cháu trong nhà nhưng năm phút sau là… quên ngay và cho... ăn ngay. Chịu ảnh hưởng cái văn - hóa - yêu - thương của miền Nam rất nặng, với những người bà thương bà cho ăn suốt ngày - cái bánh, viên kẹo, trái ổi… Lúc ấy nhà nghèo khổ, cơm với canh rau muống rau đay, nhưng hễ có thịt cá là bà dành hết cho lũ nhỏ trong nhà, có dư được ít xíu tiền chợ là bà dắt tôi ra ngõ sau ăn phở: trong quan niệm của bà, sau sữa mẹ phở là thức ăn bổ dưỡng nhất.

Tôi đã lớn lên nhờ "quen hơi" của bà (tôi đeo bà chặt như sam ấy) cùng những câu la mắng, bằng cơm, canh, bánh, kẹo… và phở ở ngõ sau. Bà Bé không đi họp phụ huynh cho tôi, không là người bắt nằm xuống đánh đòn mỗi khi tôi phạm lỗi, bà cũng không là người dạy tôi phải sống thế này, thế nọ, lại càng không can thiệp vào sự lựa chọn tương lai của tôi… Bà quan niệm việc ấy đã có ba mẹ tôi làm. Bà yêu thương tôi theo cách của riêng bà, đơn giản lắm - lúc nhỏ chăm tôi và khi tôi lớn lên, bà dõi theo từng bước tôi đi vào cuộc sống từ cái… ngõ sau của bà.

Vậy đấy, mới tuần trước, bà gọi mẹ ruột tôi lại hỏi một cách hoàn toàn nghiêm túc: tôi có bị "ô-môi" không? Xin các bạn đừng cười! Bà có lý do của bà, tôi vốn nghịch ngợm, tính khí lỳ và phá như con trai, không quan tâm đến chuyện làm đẹp, tôi lại toàn dẫn con gái về nhà, đi chơi thì ngồi sau yên xe con gái chở… Tôi dở khóc dở cười, vừa thấy… "bi thảm" cho mình, vừa thương bà Bé của tôi quá đỗi! Trong mắt ba mẹ tôi, trong mắt bà Bé, tôi lúc nào cũng bé bỏng, làm sao tôi dám… Vài hôm nữa, thế nào tôi cũng phải dắt "chàng" về nhà cho bà Bé yên cái bụng.

Tôi chưa bao giờ gọi bà Bé là mẹ, léo nhéo hơn hai chục năm nay một "bà Bé", hai cũng "bà Bé". Bà Bé của tôi không ấn tượng như những bà mẹ khắc khổ buôn gánh bán bưng hay tảo tần hi sinh… Bà Bé của tôi là một người phụ nữ bình thường trong cuộc sống hôm nay. Nhưng trong tôi, não đã hằn sẵn đẳng thức: bà Bé = mẹ = tình yêu rất to. Bà chăm tôi những năm tháng còn quấn tã, từ cái "chiều chiều ra đứng… ngõ sau" mà suốt đời bà gắn bó, bà nâng tôi đi qua những "cổng chính" của cuộc đời. Mỗi lần mỏi mệt, tôi lại tìm về cái ngõ sau nhà mình, tôi biết chắc bà Bé của tôi đang ở đó, yêu thương của tôi ở đó…

Tú Trinh
3/2004. with love forever, it is indicated to my bà Bé :*


Link

2 comments:

  1. tự nhiên trong đầu chị mường tượng hình ảnh bà Bé đơn độc,không chồng con :(

    ReplyDelete
  2. :D không chị ơi, trời thương nên bà Bé không phải là người cô độc

    ReplyDelete