- Hù! Bắt quả tang nha…
- A! Cái ông này, tui mà đứng tim chết là má tui bắt đền… má ông ráng chịu!
- Làm như bà dễ chết lắm vậy! Giải đề mấy rồi mà đọc truyện tranh đó?
- Hì hì, đợi ông ra làm chung.
Cuộc đối thoại đến đó thì chỉ có tiếng loạt xoạt lật sách vở. An lôi từ trong ba lô chiếc đồng hồ để bàn hình con Mickey (đúng là con gái, điệu thiệt), chỉnh giờ chuông reo, lẩm bẩm: “Bây giờ là hai giờ, bốn giờ rưỡi nộp bài nhé!”, Hòa gật đầu rồi cả hai đứa im lặng, cắm cúi bấm máy tính, viết viết vẽ vẽ vào giấy…
Mới có tháng mười hai thôi mà hai đứa đã giải gần hết ba bộ đề, chắc sẽ kịp giải lại lần thứ hai trước khi thi tốt nghiệp. Vậy chứ quay qua quay lại là thấy mùa hạ liền cho coi, nhanh lắm, không học từ bây giờ sẽ muộn mất. Hai đứa thân nhau, chắc vì giống nhau ở chỗ, không làm thì thôi, làm thì sẽ cố gắng hết mình. Ví dụ cụ thể nhất là chuyện học hành nè, mười một năm liền là học sinh giỏi. Lên lớp 12, buổi sáng đến trường như bao bạn đồng trang lứa khác, tuần ba buổi chiều hai đứa vác tập vở ra đây học với nhau.
Không theo đạo nhưng từ nhỏ hai đứa hay đòi ba mẹ dẫn đến nhà thờ này. Lúc đó, hai đứa chỉ thích nhà-thờ-của-ngày-chủ-nhật thôi. Đi riết, hai đứa phát hiện ra điều đặc biệt của nhà thờ này là ít có ai đi lễ một mình, cả gia đình già trẻ lớn bé cùng đi lễ nên giáo đường rộng thênh thang lúc chưa cất lên lời kinh cầu nguyện đã rất ấm áp rồi. Thích nhất là lúc tan lễ, vừa thoát khỏi không khí trang nghiêm bó buộc, cả bọn trẻ cùng ào ra giống như một bầy chim non lít chít. Cổng nhà-thờ-của-ngày-chủ-nhật là một bức tranh rực rỡ, trẻ con trong những bộ quần áo lắm màu sắc bu quanh mấy chiếc xe đạp bán bong bóng, chong chóng cũng lắm sắc màu, chúng í ới đòi ba mẹ mua cho cái này cái kia… Hai đứa cũng hoà vào dòng trẻ con đó. Mỗi tuần hai đứa được mua chung một món đồ chơi. Có lần An thấy thằng bé kia đứng nhìn mấy cái bong bóng say mê mà má nó không cho tiền mua, tội nghiệp quá nên nhét sợi dây bong bóng vô tay nó. Tự dưng bị mất bong bóng bay bay, vậy là Hòa khóc um sùm. Đến lượt Hòa tặng cái chong chóng cho con bé mắt to mặc cái áo đầm trắng giống An thì An khóc nức nở. Hai người mẹ là bạn thân của nhau chẳng biết có hò hẹn với nhau không mà đặt tên đứa An đứa Hòa, ráp lại thành “an hòa” rất có ý nghĩa. Mẹ Hòa và mẹ An cứ hay kể lại những chuyện ngày xưa của hai đứa, cũng giống như tên hai đứa ghép lại, nhẹ nhàng và bình yên. Kỉ niệm thơ ấu, lạ thật, chẳng mất đi, chẳng trôi qua, nó cứ hiện diện trong cuộc sống từng ngày cũng giống như nắng, như mưa, như sương của ông trời cao cao trên kia. Nắng tốt, mưa hay và sương dễ thương sẽ làm cỏ hoa đâm chồi nảy lộc nên những rừng cây bát ngát, đồng cỏ mênh mông, đồi hoa ngút ngàn…
Hết còn trẻ con, cũng chưa là người lớn, lưng chừng như bây giờ thì Hòa không khóc nhè nữa, An vẫn mít ướt chút chút và hai đứa thích nhà-thờ-của-sáu-ngày-còn-lại hơn là chủ nhật. Đúng là rắc rối. Hai đứa vẫn đi nhà thờ, không đi sẽ nhớ cái tháp chuông bằng gỗ cao thật là cao mà hồi xưa Hòa mới trèo lên một chút đã mếu máo vì không biết làm cách nào trèo xuống, sẽ nhớ mấy hàng ghế gỗ đen bóng nước thời gian phía ngoài hành lang đã một lần làm An té và để lại vết sẹo nhỏ ở chân, sẽ nhớ các souer đẹp hơn bà tiên trong truyện cổ tích vì souer hay cho hai đứa ăn bánh. Mấy năm trước, hai đứa ghé nhà thờ một buổi trưa nào đó trong tuần, sau khi tan học. An phụ các souer mấy việc lặt vặt trong bếp, Hòa cũng làm mấy việc lặt vặt như đóng cây đinh, thay cái bóng đèn, cắt lại cái thảm cỏ trước nhà thờ…
Lên lớp 12 thì hai đứa trực chiến ở đây mỗi tuần ba buổi chiều ngày lẻ. Hình như trong không khí cổ kính và trang nghiêm thế này, con người ta thông thái hơn hay sao đó, hai đứa đem mấy bộ đề thi tuyển sinh ra đây giải thì kết quả tốt hơn là… ở nhà. Buổi trưa, nhà thờ bình yên như tòa lâu đài trong rừng sâu đang chở che nàng công chúa ngủ say mặc ngoài kia là một thành phố nhộn nhịp. Các souer đã lui vào sâu nhà nguyện. Cỏ cây và nắng mở cuộc thi im lặng với nhau, chắc là sợ “nàng công chúa ngủ say trong rừng sâu” kia thức giấc. Thỉnh thoảng có chú chim vui miệng cất tiếng líu lo kể chuyện gì đó nhưng cũng nhanh chóng im lặng. Gió thổi luồng qua tiếng chim, qua khe nắng, qua hương hoa rì rào phụ hoạ. Bây giờ, ngoài vết sẹo, còn có chuyện “mài thêm mấy cái quần” sẽ làm hai đứa nhớ hàng ghế gỗ đen bóng ngoài hàng lang nhà thờ nữa. Hai đứa ngồi học ở hàng ghế này có sẵn bàn để viết và có mái hiên tránh được cái nắng chiều. Những lúc sắp chóng mặt vì những con số, An hay nhìn lên cái tháp chuông, mỉm cười vì nhớ đến khuôn mặt trẻ con của Hòa mếu máo trên đó rồi An luôn có cảm giác như mình sắp bay lên, bị hút vào cái hố chuông sâu thăm thẳm kia, vừa sợ, vừa thích. Không biết Hòa có ở trên đó không ta?
Mỗi lần nghĩ đến đó là An đã bị Hoà giật giật đuôi tóc, cằn nhằn:
- Bà kia, làm bài đi, mơ mộng gì đó, tui sắp xong rồi nè!
An quay qua kéo kéo lại mấy cọng tóc ngắn ngủn của Hòa cho đỡ… tức. Con gái mà chọn học khối A thì phải chăm thôi, kẻo lại thua… con trai thì xấu hổ lắm, nghĩ vậy nên An cắm cúi vào bài trở lại. Có một chuyện An không biết, sau khi “la lối” An xong thì đến phiên Hoà “mơ mộng”. Hòa nhìn An thật lâu rồi nhìn quanh quất, dãy hành lang vẫn bàn ghế và những cây cột gỗ đen bóng như lúc chứng kiến hai đứa chơi trò đuổi bắt, giờ thì hai đứa đã cao và to hơn ngày xưa nhiều lắm rồi. Nắng. Hòa nheo mắt một cái. Hình như đứng cạnh Hòa trong dãy hành lang êm đềm thân quen là một cô gái mặc áo đầm trắng dài phủ gót chân có kết hoa trắng, hình như… hình như… hình như là An. Hòa nhắm mắt, lắc lắc đầu, cố xua tan hình ảnh rất đẹp vừa rồi dù cảm thấy rất luyến tiếc. Còn một bài nữa là xong rồi…
Cái đồng hồ hình con chuột Mickey kêu tít tít tít tít liên tục. Bốn giờ rưỡi rồi, An và Hòa dừng bấm máy tính, đổi bài cho nhau. An trịnh trọng để bài xuống bàn, cầm cuốn truyện tranh lên và tuyên bố:
- Nghỉ giải lao mười phút thôi, tui mệt quá rồi, từ từ sửa!
- Bà lười quá đi! Sửa bài xong về sớm ăn cơm, tui đói bụng rồi.
An không thèm trả lời, lôi ra từ ba lô thêm một cuốn Lucky Luke nữa đưa cho Hòa. Không gian lại im ắng thêm mười phút nữa, cho đến lúc Hòa đọc xong ba trang truyện tranh thì hai đứa cùng cầm viết lên bắt đầu râm ran, bài này dạng mới phải làm cách này nè, đáp số này tui thấy kì kì, công thức này đúng hơn chứ… Cứ thế cho đến lúc chiều thật chiều…
***
Hai đứa đều nhất trí khoảng thời gian từ trưa đến chiều tối là lúc nhà thờ đẹp nhất trong ngày, An bảo một trong những lý do đó là “có mặt An” rồi cười hì hì. Những lúc chơi trò “khen và tự khen” như thế, Hòa thấy mặt An rất dễ thương và cũng rất buồn cười. Hòa còn nhớ lần mẹ An mới may cho An cái áo, suốt ngày hôm đó An mặc áo mới đi qua đi lại trước mặt Hoà hoài đến nỗi Hoà gắt lên:
- Bà kia, bà làm tui chóng mặt quá. Làm ơn ngồi yên một chỗ cho tui nhờ!
Chỉ vậy thôi mà một hồi nhìn qua đã thấy An rơm rớm nước mắt, Hoà quýnh lên, rối rít xin lỗi. Mất… mười phút thì biết lý do, An thút thít:
- Tui mặc áo mới mà ông hổng phát hiện ra, cũng hổng khen đẹp, bạn bè gì mà hổng quan tâm đến nhau gì hết trơn!
Nghe xong thì Hòa phải quay đi chỗ khác một lúc để không cười ra tiếng, An-mít-ướt giận nữa thì khổ. Lúc đó chắc mặt Hoà buồn cười cũng không kém An đâu, môi mím mím, mặt nhăn nhó ra vẻ có lỗi, cái vai run run cố nín cười:
- Đẹp mà, tại bà có nhiều áo màu trắng quá nên tui khó nhận ra. Mắc công khen hoài một cái áo thì người ta nói tui nịnh An!
Nói xong Hòa nhịn không nổi, cười phá lên. An cũng không khóc nổi nữa, sắp cười rồi, chạy qua đấm thùm thụp lên lưng Hòa, Hòa tiếp tục chọc:
- Vừa khóc vừa cười ăn mười…
Hòa nói đến đây thì An không thèm đánh Hoà nữa, dậm chân giận dỗi bỏ về ghế của mình ngồi chuẩn bị… khóc tiếp thì Hòa mở ba lô lấy ra một nắm kẹo đặt trước mặt An rồi dỗ dành:
- Nín đi. Ăn mười cục kẹo thì có gì đâu mà khóc. Bà mặc áo trắng mới hay cũ gì cũng đẹp hết, được chưa!
Chuyện đó xảy ra hồi xa lắc, giờ An đỡ mít ướt hơn, nhưng cũng thuộc loại mau nước mắt nhất trong những người Hoà biết từ lúc mẹ sinh Hòa ra trên đời. Hòa cũng chẳng phải là thằng con trai nhiều chuyện nhưng sao cứ thích chọc cho An tức lên rồi quýnh quáng dỗ. An giờ… kinh nghiệm hơn. Mỗi lần Hòa chọc đến câu “Vừa khóc vừa cười ăn mười…” là An dù đang khóc cũng nói liền “mười cục kẹo” rồi xoè bàn tay có năm ngón thon dài ra đòi kẹo cho bằng được. Hòa không có thì cho… nợ, hôm sau phải mang lên lớp. Cũng vui. Cả lớp cứ ghép đôi hai đứa mãi mà nói như giọng điệu của lớp trưởng là: “hai đứa nó cứ trơ ra”, riết rồi chán. Hai đứa, An và Hòa tự hào vì mình đang sở hữu một tình bạn thanh thoát, trong ngần như tiếng chuông nhà thờ cứ ngân lên đúng năm giờ ba mươi mỗi buổi chiều. Tiếng chuông ngân lên ngày qua ngày trong không gian tĩnh lặng của nhà thờ là của chung tất cả mọi người, của cha, của các souer, của cả thành phố này, và dĩ nhiên của hai đứa nữa. Từ bao giờ chẳng biết, mỗi buổi chiều nghe tiếng chuông nhà thờ, phản xạ tự nhiên của Hòa là hướng về phía An. Những ngày lẻ, đó là lúc hai đứa đã buông sách vở xuống, đã thôi tranh luận với nhau về cách giải, công thức và những con số. Hai đứa đã ngồi phệt xuống đất, ngắm cả một vùng trời rộng đang chơi trò ảo thuật với màu sắc, lặng im, mỗi đứa đang mải miết đuổi theo một dòng suy nghĩ riêng. Chẳng biết An sẽ nghĩ gì vào lúc đó, cái công ty nào đó An sẽ làm việc sau này, giảng đường đại học với những người bạn mới, bài kiểm tra ngày mai, tuổi thơ của hai đứa hay… Còn Hòa, hình như tiếng chuông nhà thờ và hoàng hôn thành phố làm An đã dễ thương lại càng dễ thương hơn. Hòa nghe một cái gì đó cứ xao xuyến cứ xôn xao biết mấy trong lòng mình những buổi chiều như thế này…
***
Hôm nay hai đứa có vẻ không tập trung, làm bài xong rất muộn, không kịp sửa bài thì ánh sáng đã không cho phép rồi, tháng mười hai, trời vẫn tối rất nhanh. Như mọi buổi chiều muộn ngày lẻ khác, hai đứa đang ngồi phệt bậc tam cấp nhà thờ, im lặng mải miết đuổi theo dòng suy nghĩ riêng.
An nhớ lại chuyện sáng nay, tự nhiên Huy tặng An cái kẹp tóc, ừm, cái kẹp tóc cũng đẹp, giống loại An hay xài, chắc là Huy có để ý nên mới biết. Huy có lý do là chúc mừng An tháng này đứng nhì lớp (Hòa dành hạng nhất rồi) nhưng An vẫn thấy ngại ngại sao đó. Chẳng biết là Hòa có biết chuyện này không, hình như lúc đó có Hòa ở trong lớp. Cũng sáng nay đầu giờ An thấy Nhung ngồi tỉ mỉ bao một cuốn tập, giờ ra chơi thì Hòa cầm cuốn tập đó. Lúc đi ăn chung ở căn tin trường, An mở ra mới biết là tập của Hòa. Chắc Nhung bao lại để cám ơn vì Hòa cho mượn tập. Chuyện nhỏ như con thỏ vậy mà An cũng nhớ đến giờ này, thiệt là…
Hình như có chú chim nào đi lạc bầy hay quên đường về tổ mà kêu líu lít mấy tiếng trên ngọn cây, cũng hình như có tiếng chim đáp lại lít rít trên nóc nhà thờ rồi lại hình như một đoạn nữa líu lo nữa lơ lửng giữa trời. Hình như hôm nay có nhiều cái hình như. Một trong những cái hình như An cảm thấy được là Hòa đang ngồi rất gần An, đến nỗi An nghe được trong gió hơi thở của bạn mình…
Không phải hình như nữa mà là thật. Hoà bất ngờ nắm bàn tay trái của An. An run lên nhè nhẹ. Một dòng ấm len lỏi rất nhanh tỏa khắp cơ thể An, không phải vì mặt trời buổi chiều đâu, má An đang nóng ran lên. An đang nhìn trời mà, bỗng nhiên bầu trời bị thu nhỏ lại và đường chân trời bị đẩy ra xa hơn. Có tiếng Hoà vẳng lại nhẹ nhàng thôi, gần thôi nhưng An không còn nghe được nữa. Sao lại nắm tay An nhỉ? Hai đứa chơi với nhau từ nhỏ thì chuyện đánh nhau, đụng chân tay đâu có gì là lạ, sao An lại bối rối đến thế? An phải làm gì bây giờ?
Không biết bao nhiêu lâu đã trôi qua rồi An từ từ rút tay ra khỏi tay Hoà, mặt vẫn còn nóng bừng. Đến lúc này Hòa cũng giật mình, rụt nhanh tay lại. Hai đứa không nhìn nhau, cúi đầu thu dọn sách vở.
Trên đường về, hai đứa không tíu tít như mọi hôm, Hòa không pha trò chọc ghẹo An nữa, An cũng lạ, tự dưng trong đầu trống rỗng, không tìm ra chuyện gì để nói với Hòa cả. An mong sao đoạn đường hôm nay ngắn hơn, ngắn hơn… Mỗi đứa một chiếc xe, vẫn như thường lệ, Hoà đưa An về nhà rồi mới quẹo đầu xe lại về nhà mình. Buổi cơm chiều hôm đó, hai bà mẹ không hiểu tại sao hai đứa con bình thường rất háu đói của mình ăn chỉ qua quít một chén cơm thôi…
***
Khối 12 bắt đầu thi học kỳ, ngày thi, ngày nghỉ ở nhà ôn thi nên không còn lên trường thường xuyên nữa. Hôm xảy ra “chuyện xấu hổ” đó là ngày thứ năm, thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật được nghỉ, thứ hai đi thi môn Văn và Lý. Hòa không đợi đến ngày thứ hai, xa quá, chỉ mong trưa ngày thứ bảy đến mau mau, Hòa sẽ chạy ù ra nhà thờ thật sớm, để đợi An, để cùng An ngồi làm bài tập và để nói một chuyện rất quan trọng với An nữa…
Thứ bảy, không phải đi làm, ở nhà, mẹ Hòa bỗng thấy ngạc nhiên, sao Hòa cứ thấp thỏm nhìn đồng hồ rồi đến lúc ăn cơm trưa xong, nghe điện thoại của An bảo muốn ở nhà ôn bài Văn nên không ra nhà thờ một bữa, chỉ vậy thôi, thì cái mặt lại tiu nghỉu, buồn xo.
Bài vở thì học xong rồi, ngồi ở nhà hoài cũng nhớ nên Hòa quyết định chạy ra nhà thờ.
Dãy hành lang và bàn ghế buồn hiu trong buổi trưa vắng dáng hai đứa ngồi học. Chắc An giận Hòa thật rồi, mà lỗi cũng tại Hòa. Sáng thứ năm thấy Huy vừa tặng kẹp cho An vừa nhìn An lâu như vậy, Hòa đã thấy lòng mình lạ lạ, hình như là khó chịu. Cứ tưởng sẽ qua rồi chứ. Ai ngờ đâu buổi chiều cảm giác khó chịu ấy lại ùa về, Hòa chỉ định nói với An là trong những người đồng trang lứa, Hòa quý An nhất trên đời, chắc cũng chỉ nói được vậy thôi chứ trong lòng Hòa thì tình cảm đã là cấp độ gia thừa của “quý” rồi. Nhưng chẳng biết bị cái gì xui khiến mà Hòa đã nắm tay An nữa, chắc Hòa làm An sợ. Thật ra lúc đó Hòa cũng sợ, Hoà cũng bị nóng bừng cả người lên rồi ngồi đó chết trân, không biết phải làm sao nữa. Sắp mười tám tuổi, Hoà cho phép mình có những hồi xôn xao với người Hòa cảm mến chứ, nhưng chỉ ở trong lòng Hòa thôi. Lỡ bộc lộ ra ngoài, Hòa thấy mình có lỗi quá đi. Nhưng lẽ nào An chơi với Hòa từ nhỏ đến lớn mà không hiểu Hòa, mà nỡ giận Hòa lâu vậy? Hai ngày nay Hòa đã suy nghĩ nhiều lắm, quyết định sẽ xin lỗi An vì “chuyện xấu hổ” đó để lại cùng học bài, cùng đọc truyện tranh Xì Trum và Lucky Luke…
Năm giờ ba mươi phút, chuông nhà thờ đã ngân cả không gian buổi chiều thứ bảy vang theo những hồi thanh thoát của tiếng chuông cuối ngày. Hòa vẫn còn ngồi trên bậc cửa nhà thờ đến khi souer Nghiêm xuất hiện, souer hỏi:
- An đâu mà Hoà ngồi một mình?
Hoà chỉ lí nhí trả lời:
- Dạ, An ở nhà ôn bài mai thi ạ! Con chào souer Nghiêm con về!
Tự dưng Hòa nhớ hai câu thơ đã đọc ở đâu đó “tan lễ lâu rồi mà hắn còn nấn ná/ mẹ đợi cơm chiều còn hắn đợi người dưng” (*), ông thi sĩ đó lúc làm hai câu thơ này bằng tâm trạng thật đây, sao Hòa thấy đúng quá trời. Nhưng nghĩ lại cũng không đúng lắm. An đâu phải là “người dưng”. Hòa và An có chung với nhau một tuổi thơ rất đẹp, như mây, như nắng, như sương của ông trời, có chung như vậy là nhiều lắm và thân thiết lắm rồi chứ. Sáng mai, lúc tiếng chuông đầu tiên của nhà thờ ngân lên, nhất định Hòa sẽ xuất hiện ở nhà An để nói cho hết lòng mình…
***
- An ơi!
- Sớm vậy Hòa?
Bảo sớm nhưng chưa đầy năm phút sau An đã xuất hiện trước cửa, An mặc bộ pijama màu xanh mạ khoát thêm chiếc áo lạnh trắng. Tháng mười hai, hơn năm giờ sáng rồi mà trời vẫn còn tối lắm. Những hạt hơi nước li ti cứ bay bay trong không khí, choàng tay nhau giăng thành những bức rèm thiên nhiên nửa che khuất tầm nhìn của người ta, nửa làm mọi vật lung linh và huyền ảo hơn.
- Có gì không Hoà?
- An đợi chút nữa thôi.
Hai đứa đứng đối diện và nhìn nhau. An thấy chuyện này là lạ, trước giờ Hòa có thế đâu, đợi gì nhỉ? Qua màn sương, chiếc áo khoác trắng của An cứ lung linh lung linh như những giọt nắng đi học sớm.
Đúng năm giờ ba mươi phút sáng, chuông nhà thờ ngân lên những tiếng thanh tao nhất dành cho ngày mới. Đợi cho tiếng chuông tan ra với mây trời và mây trời bay đi, Hòa nói:
- An cho Hoà mượn cánh tay phải, giơ ra cho Hòa mượn nhé!
- Chi vậy Hòa?
Hỏi là hỏi vậy nhưng An đã chìa tay phải ra rồi.
Hoà nhẹ nhàng đưa bàn tay phải của mình về phía bàn tay phải của An, lần này không phải là nắm tay để rồi hai đứa nóng ran khắp người nữa. Mà là một cái bắt tay đàng hoàng nhé, hơi giống như các vị nguyên thủ quốc gia trên tivi, nhưng thân thiết hơn và trẻ trung hơn nhiều lắm. An cũng thấy vui vui, hay hay, bắt tay à, ừ…
Phải cố gắng lắm Hoà mới nói được những câu thế này:
- Hai đứa không phải chỉ có chung kỉ niệm thơ ấu, mà hai đứa sẽ có chung kỉ niệm niên thiếu rồi kỉ niệm những ngày sắp lớn nữa. Vừa bắt tay xong, tụi mình thành người lớn, à còn có chung những ngày đã lớn nữa, phải không An!
An tiếp lời, suýt phì cười vì nhắc lại “triết lý” chung của hai đứa mà:
- Những điều đó hiện diện trong cuộc sống từng ngày cũng giống như nắng, như mưa, như sương của ông trời cao cao trên kia, phải không?
- Chuyện hôm chiều thứ năm sẽ là giọt sương nha An! Sương rất dễ thương, sương che mắt người ta, làm người ta run nhưng chính những giọt sương là điều tinh khiết nhất của ngày mới. Nắng lên thì sương tan đi…
An bắt đầu nheo mắt, tinh nghịch trở lại:
- Cái bắt tay sương mù à? Sương mù đồng bằng nữa chứ! An đâu có giận gì đâu mà! Nhưng… còn chương trình gì nữa không?
- Còn chứ, bây giờ Hòa sẽ chạy về nhà, đợi nắng lên rồi gọi điện thoại cho An, đi ăn sáng! Nắng cũng dễ thương…
Nói rồi để mặc An đứng đó, Hòa đã chạy mất. Vừa quẹo khỏi hẻm nhà An là Hòa hát là lá la, la lá là cho đến lúc về đến nhà ngồi đợi… nắng lên. Bỗng nhiên Hòa thấy hai đứa sến sến làm sao đó, cứ Hòa Hòa An An, không bình thường lắm! Chút nữa chạy qua lại nhà An, Hòa sẽ xưng hô tui tui, bà bà như cũ, như vậy dễ chọc ghẹo An hơn.
Còn An, An thấy sáng chủ nhật hôm nay bắt đầu cho một điều gì đó lung linh, mới mẻ và dễ thương nữa, giống như những trái thông nhiều màu sắc An sắp treo lên cây thông trong nhà mình. Cái bắt tay sương mù à, hay hay, tay Hòa vẫn còn run run khi chạm tay An. Hì hì, chắc là đang cố gắng làm ra vẻ người lớn đây. Thay đồ, chuẩn bị đi ăn sáng thôi, không biết là Hòa đã xem lại xong môn Văn chưa ta?
***
Mai là bắt đầu kỳ thi học kì một của khối lớp 12, tác giả của truyện này tin rằng hai nhân vật của mình sẽ thi tốt vì “chúng nó” học giỏi quá mà. A, còn chuyện này tác giả muốn làm rõ với bạn đọc nữa. Cái bắt tay sương mù ấy mà, nhanh thôi, bắt tay xong là bỏ ra liền chứ không phải giữ tay đó mà thoại hết một đống câu kia thì… truyện này chán lắm!
TÚ TRINH
(*) thơ Thục Linh
(Trích trong tập truyện ngắn “Bắt tay sương mù”, tác giả Tú Trinh, tủ sách "Tuổi mới lớn", nhà xuất bản Kim Đồng 2004, tái bản 2005)
Tuesday, October 19, 2004
Monday, October 18, 2004
Buổi chiều trên đầu ngọn trúc
Ngoài kia, chiều đang chín mọng trên ngọn trúc. Cây trúc trồng từ hồi nhà Cầm mới chuyển về đây, năm đó Cầm mười hai tuổi, giờ đã thành một bụi rậm rạp, có vẻ hạp thổ nên ngày càng vươn cao xanh tốt, chuyện hiếm hoi ở sân nhà thành phố. Chẳng tị nạnh gì với người bà con tên “tre” làm nên chiến công lịch sử, xuất hiện trong ca dao, đi vào điệu hát… Lá trúc cứ hồn nhiên xôn xao với gió…
Châu chạy ào vô nhà Cầm rồi ngồi dựa lưng vô tường thở hổn hển. Khắp người mồ hôi nhễ nhại, mặt mũi thì đỏ bừng. Không vội vàng biết chuyện gì đang xảy ra, Cầm ngước đôi mắt rất đẹp của mình nhìn Châu, ánh nhìn xuất phát từ một đôi mắt có hàng mi dài và dày như một bức rèm quyến rũ để khoe đôi mắt to và sáng, lúc nào cũng ươn ướt, long lanh, dù là lúc Cầm vui nhất thì đôi mắt ấy cũng phảng phất chút gì đó buồn rượi xa, ánh mắt ấy như muốn nói: hít sâu vô, thở ra chầm chậm nào… Hơi thở của Châu đang từ từ dịu lại. Cầm ấn vào tay Châu một chai nước lọc để lạnh và với tay nhấn nút cho cái quạt máy bắt đầu quay vù vù đủ làm mái tóc dài mượt đang cột cao của Châu tung tẩy.
- Ba má tao đang cãi nhau ầm ầm như sấm! Lại doạ bỏ nhau nữa chứ. Trước đây còn cố nhịn mỗi lần có tao ở nhà, giờ tao mất tác dụng rồi. Tao chịu không nổi, đã mở hết công suất loa rồi nhét headphone vào tai mà vẫn không nghe được nhạc nhẽo gì, chỉ nghe giọng ba má tao nhủng nhẳng. Kinh khủng. Tao có cái lỗ tai không biết nghe lời, bực thiệt. May còn nhà mày cho tao chạy về, nếu không tao chết mất.
Nói liền một hơi rồi Châu tu nước ừng ực. Ngày mới biết Châu, Cầm cứ nghĩ là Châu phải khác hơn, mạnh mẽ, quyết đoán và thực tế lắm. Nghĩ vậy mà không phải vậy, so sánh, liên tưởng trong đầu óc của Châu thì ngồ ngộ, cách ăn nói cũng ngồ ngộ theo, nửa thực tế, nửa mơ mộng, nửa quyết đoán, nửa mạnh mẽ, nửa… Tóm lại là dự đoán tính tình của Cầm về Châu tất cả đều chỉ đúng có một nửa thôi, vậy cũng hay, cuộc sống hấp dẫn hơn vì còn nhiều điều mới mẻ, khám phá những điều tưởng chừng như quen thuộc ấy cũng là một một thú vị trong đời. Chán cảnh phải bị tra tấn lỗ tai bởi những cuộc cãi nhau ầm ĩ của ba má, dạo này Châu gần như dọn qua ở hẳn trong nhà Cầm, cũng vui, có bạn có bè.
Cột tóc lại cho gọn gàng rồi Châu bắt đầu đàn, cũng may còn cây đàn làm Châu dịu lại. Cầm thấy Châu lật sách bài “Những con mắt trần gian” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trong mắt Cầm những con chữ cạnh khuôn nhạc đang nhảy múa những điệu van xin như cảm xúc của nó, những con mắt trần gian xin nguôi vết nhục nhằn, những con mắt muộn phiền xin gây lại niềm tin… Lần nào bực bội chuyện gì đó, Châu cũng lật sách ra đúng bài này, có lẽ nó hợp với tâm trạng Châu hay là một lý do nào khác đại loại thế. Cầm cũng thích bài này, nhưng Cầm tin là mỗi đứa có một lý do khác nhau và “cảm” bài này theo cách khác nhau. Từ nhỏ, ba đã bảo Cầm giống bà cụ non, làm gì cũng từ tốn. Châu thì ngược lại, làm cái gì cũng mang cái vẻ vội vã, gấp gáp. Như trường hợp chiều nay là thường xuyên, lần đầu tiên Cầm còn lo lắng, riết rồi quen. Chỉ đến nhà Cầm chơi thôi Châu cũng như một cơn lốc nhỏ, ào đến, ào đi. Duy nhất một trường hợp là Châu không mang theo bên mình dáng vẻ “lật đật” đó, ấy là lúc Châu đụng đến cây đàn guitar. Từ từ so dây lại, kiểm tra xem sáu dây có sợi nào bị lạc không rồi sửa lại tướng ngồi, tay phải bắt đầu tạo ra âm thanh trên khoảng dây ngay cái cửa ngỏ tròn vo của thùng đàn, tay trái chạy dây trên cần đàn, nhanh nhưng lại rất khoan thai. Sau khi chơi đàn là lúc Châu ít “lật đật” nhất, hình như sự từ tốn, điềm đạm trong phong cách lúc chơi đàn còn sót lại chút ít. Tính tình thế mà có thể ngồi “mọc rễ” và nhận nhiều giải thưởng với cây đàn guitar, nhiều người thấy chuyện đó của Châu rất lạ lẫm, trừ Cầm.
Đàn xong Châu ngồi thừ một lúc rồi bật tivi lên, bấm đổi kênh liên tục rồi lại tắt. Có lẽ Châu định tìm một thứ âm thanh nào đó đỡ ngột ngạt một chút nhưng rồi rất nhanh, lại chán nghe mấy cô phát thanh viên nói xí xô xí xào bản tin thời sự, có thể làm Châu liên tưởng đến những âm thanh cãi vã xủng xoẻng của ba má khi nãy. Kéo Cầm nằm lăn ra giường, Cầm di di ngón tay trên mặt Châu chổ những ả mụn đang có xu hướng bành trướng. Châu chạy lại xăm xoi khuôn mặt mình trong gương rồi quay qua cười nhe răng với Cầm. Chán, lục lọi ba lô Châu mới biết mình để quên mấy cuốn sách giáo khoa ở nhà, lại hối hả chạy về nhà lấy, mai ở trường có tiết kiểm tra. Chạy ào xuống lầu thì gặp mẹ Cầm, chắc cô mới đi làm về đang loay hoay tưới bụi trúc, tiếng nước nghe rào rào, mới nghe thôi đã cảm thấy mát, phải chi giờ này đang đứng dưới vòi sen trong nhà tắm thì thích nhỉ!
- Cô ơi, cô tưới con luôn đi, con bị thiếu nước nè! Nói xong Châu đã phóng xe chạy mất nhưng cũng biết phía sau lưng mình là một nụ cười hiền lành và câu mắng yêu nào đó của mẹ Cầm.
***
Về đến là Châu đi thẳng vào nhà tắm, tiếng nước tưới cây của mẹ Cầm vẫn còn đủ sức quyến rũ Châu. Nhẹ hẳn người, Châu vừa lau tóc cho khô vừa đi quanh nhà. Nhà không còn ai, ba má bỏ đi đâu rồi, vậy cũng tốt, Châu cũng cần ít thời gian yên tĩnh cho mình, ở nhà mình, trong phòng mình – chứ không phải ở nhà Cầm. Nằm trên cái giường thân yêu, Châu khoan khoái thưởng thức sự tĩnh lặng hiếm hoi này. Không thể hiểu nổi, sao ba má lại… Quyết định chuyển suy nghĩ sang hướng khác thôi, sao mà người lớn phức tạp quá, Châu ước chi mình đủ thờ ơ để không phải nghĩ về chuyện hục hặc giữa ba má, lần nào nghĩ đến chuyện này Châu cũng bị cơn đau đầu hành hạ kéo theo bực bội, gắt gỏng. Mai ở trường kiểm tra Văn một tiết, Châu lại ước, mới có mấy phút thôi mà Châu đã ước đến hai điều rồi, như thế có gọi là hoang phí không nhỉ? Thôi kệ, miễn là điều ước đó xứng đáng, Châu ước phải chi Châu và Cầm còn học chung…
Điện thoại nhà đổ chuông inh ỏi, Châu cầm máy nhưng không nghe ai nói gì cả, chỉ nghe xa xa vọng lại mấy câu hát ôm cuộc sống trong tay, bên đời quá rộng, tuổi đời mênh mông quá… Châu biết ai gọi mình rồi, đã quy ước với nhau thế mà. Liếc nhìn đồng hồ, tám giờ kém, đến giờ cơm rồi, nghĩ đến cơm Châu bỗng nghe bụng đói cồn cào. Soạn nhanh sách vở cho ngày mai rồi Châu co giò phóng thẳng ra khỏi nhà.
***
Xung quanh một màu trắng toát, sau một giấc ngủ dài hai ngày đêm, đó điều đầu tiên Cầm nhận biết. Cầm cựa mình, nghe sột soạt, mẹ chạy vô rồi gương mặt lộ vẻ vui mừng, ôm chầm lấy Cầm. Cầm thấy nóng hổi trên người mình những giọt nước mắt của mẹ nhưng Cầm không nghe tiếng mẹ khóc. Bác sĩ vô phòng nói chuyện với mẹ. Cầm biết được điều đó vì thấy môi của hai người chuyển động. Cầm mở miệng định hỏi mẹ chuyện gì đã xảy ra nhưng lưỡi cứng lắm, khó khăn lắm mới đẩy được cái lưỡi đi theo những điều mình muốn nói, nhưng cả Cầm cũng không nghe được mình nói gì… Hình như mẹ khóc nấc lên, Cầm cảm nhận được nhịp nức nở của mẹ và thoáng thấy dáng mẹ chạy ra khỏi phòng. Nhìn hết một lượt mọi người, không thấy Châu đâu cả, phải đợi Châu thôi, may ra Châu hiểu được chuyện gì và nói cho Cầm nghe với… Cầm quay mặt vô tường và nước mắt bắt đầu chảy dài trên gương mặt. Cầm nhớ rồi, tan học ngày thứ hai, Cầm đang đi bộ về nhà, qua khúc lề đường đông đúc người ta bày bán nhiều thứ và để xe chật kín, Cầm phải bước xuống đi dưới lòng đường. Trí nhớ của Cầm dừng lại ở chỗ đó…
Đến chiều thì Châu ghé, thấy Cầm đã mở mắt ra, Châu vui hẳn. Việc Châu làm đầu tiên là kéo tay Cầm ra ô cửa sổ của phòng bệnh rồi hai đứa cùng nhìn xuống khoảng sân phía dưới. Khá đông bệnh nhân đang tha thẩn đi dạo quanh thảm cỏ mướt xanh, người nghệ nhân đã khéo léo cắt tỉa cả một thảm cỏ dài và rộng thành những đường lượn sóng ngắn dài khác nhau như chập chùng sóng biển ngoài khơi ùa vào đây. Lác đác hoa trong những cái bồn cao cao tươi xinh trong nắng mới, mỗi lần nhìn thấy cỏ hoa xúng xính trên đất, Cầm có cùng một cảm giác, Cầm thấy cuộc sống này rộng ra… Châu dìu Cầm trở lại giường ngồi, theo phản xạ tự nhiên, Cầm nói chuyện, lặp lại y chang cái cảm giác ban sáng, Cầm ôm miệng mình… Châu xót xa lắm, niềm vui ít ỏi lúc vừa bước vô phòng đã tắt ngấm, chần chừ một lúc rồi quyết định đưa Cầm xem bệnh án. Chữ bác sĩ bay nhảy, tuy khó đọc nhưng Cầm cũng kịp hiểu lõm bõm sợi dây thần kinh nào đó do bị va chạm mạnh quá đã đè lên một số dây thần kinh khác, kết luận gọn lỏn, Cầm bị mất khả năng nghe nói tạm thời. Những giọt nước mắt thi nhau chảy dài xuống gương mặt. Bệnh nhân Nguyễn Thiên Cầm, cây-đàn-trời từ nay không thể tạo ra thanh âm bằng sức lực tự nhiên của mình, cũng từ nay không tiếp nhận bất kì âm thanh từ bên ngoài nữa. Hết rồi, ước mơ thi vào nhạc viện chấm dứt rồi, Cầm không còn ước mơ nào khác đâu, mà sống không có mục tiêu và mơ ước thì sống để làm gì? Tiếng nấc không thanh âm mới ngột ngạt bức bối làm sao. Châu quay đi. Buổi chiều rồi tối rồi những buổi sớm mai và ban trưa âm u trong đôi mắt ướt long lanh của Cầm, từ bây giờ, đôi mắt lúc sinh ra đã ngân ngấn buồn ấy lại phải gánh thêm một nỗi buồn số phận, đôi mắt ấy sẽ kiêm luôn công việc của cái tai nghe…
***
Mất gần cả năm Cầm mới quen với những thay đổi lớn lao này: không thể đi học văn hoá được nữa, đi học đàn lại càng không, không tự chạy xe, không giao tiếp với mọi người bằng hai hàng động nói và nghe… Mất thêm một năm nữa để cảm giác hụt hẫng của cây-đàn-trời nhỏ dần và nỗi buồn lắng xuống nhẹ nhàng hơn. Cầm từ chối đi học ở trường khiếm thính, với Cầm mọi thứ đang bình thường trở lại, Cầm biết tự chăm sóc bản thân mình, cũng may mẹ là cô giáo cấp ba nên Cầm đề nghị mẹ dạy tiếp chương trình học cho mình, mẹ và con thường trao đổi với nhau bằng cách viết giấy, những cuộc bút đàm ấy cũng dần dần thay thế được đối thoại của hai mẹ con. Bạn bè thỉnh thoảng ào đến thăm, cười nói huyên thuyên, Cầm và các bạn đang tuổi ăn tuổi nói mà. Mỗi lần như thế Cầm không buồn, chỉ mở mắt rất to, nhìn mọi người rất sâu rồi cười nhẹ nhàng. Rồi bạn bè vắng dần, ngôi nhà lại càng lặng lẽ hơn. Đôi lúc Cầm nhớ mấy cái CD nhạc cũ, đi tìm nó rồi bật lên, ngồi đó, những lúc như thế Cầm tưởng tượng quanh mình là một dòng âm thanh đang thao thiết chảy tràn, rồi lại vuốt ve cây đàn guitar cũ, thế nào chút nữa Cầm cũng sẽ nhắc Châu chơi bài gì đó cho cây đàn đỡ nhớ. Cầm hoàn toàn có thể chơi đàn theo quán tính cho đỡ nhớ chứ, nhưng Cầm không làm như vậy, còn có Châu mà. Có lần vô tình, Cầm đụng vào dây đàn, dây đàn rung lên, có lẽ nó đã phát ra thanh âm rồi và Cầm cũng rung lên bần bật. Từ đó, Cầm đi đứng khẽ khàng hơn, đặt vật này lên vật kia cũng rất nhẹ tay, Cầm sợ mình tạo ra tiếng động. Cũng từ đó, Châu chơi guitar không phải vì mình hoàn toàn, một nữa là vì Cầm.
Càng ngày đôi mắt Cầm càng đẹp, đôi mắt có hàng mi dài và dày như một bức rèm quyến rũ để khoe đôi mắt to và sáng, lúc nào cũng ươn ướt, long lanh, dù là lúc Cầm vui nhất thì đôi mắt ấy cũng phảng phất chút gì đó buồn rượi xa. Châu cũng cảm thấy mình được an ủi ít nhiều vì điều đó. Cầm tự dưng bị lấy mất thanh âm, đôi mắt có đẹp cách mấy cũng là bất công với Cầm, nhưng với đôi mắt còn lại Cầm đến với cuộc sống bình thường. Lúc đầu hơi khó khăn, Châu nói rồi viết ra từ ngữ, câu văn mình vừa nói để Cầm nhận ra khẩu hình. Có nhiều câu nói đùa làm Cầm cười-không-âm-thanh, những lúc đó, mắt Cầm cũng cười nhưng sao không thoát khỏi nỗi buồn âm u trong đó, Châu thấy nghèn nghẹn. Giờ thì Cầm có thể ít nhiều nghe mọi người nói bằng mắt, đi đâu, làm gì, Cầm cũng mở to mắt như cố thu vào mình tất cả để bù đắp cho đôi tai khiếm khuyết của mình. Chắc là từ đó, Châu và Cầm cùng thích bài “Những con mắt trần gian”, những mắt biếc cỏ non xanh cây trái địa đàng, nhìn lại nhau con mắt lo âu xin vỗ về muôn yêu dấu… Mỗi lần nghe lại bằng cách đọc lời và cố nhớ giai điệu của bài hát, Cầm vẫn không hiểu hết bài hát, chỉ thấy mình còn may nhiều thứ lắm, Cầm còn đôi mắt, Cầm đã từng nghe được bài hát này “trọn vẹn” trước kia…
***
Chiều nay Châu sẽ ghé nhà Cầm để ăn mừng, lại vừa được thêm một giải thưởng guitar cấp thành phố. Những năm cấp 2 còn học chung, Cầm và Châu là đôi song tấu guitar ấn tượng nhất trong bảng thi đấu của trẻ em, giờ còn lại mình Châu thôi…
Châu lại chạy vô cái ào, không có cặp sách, chắc đã về nhà rồi mới ghé Cầm. Chưa kịp thở xong Châu đã gào lên:
- Chắc tao điên quá mày ơi, cứ về đến nhà là nghe ba má tao cãi nhau chí choé, không có loại nhạc nào có thể rửa tai của tao nữa rồi. Đôi lúc tao ước chi người bị tai nạn là tao, để tao gánh chịu chuyện đó cho, tai tao bây giờ chỉ nghe những âm thanh chát ngầm vô bổ thôi…
Cầm lờ mờ hiểu ra, chắc ba má Châu lại cãi nhau một trận to, chuyện này kéo dài mấy năm nay rồi. Chỉ biết đưa cho Châu một chai nước lọc thật lạnh để cô nàng hạ hỏa. Cầm chợt nghĩ đến gia đình mình, ba đi làm ở nước ngoài chứ nếu ba cũng ở nhà, không biết hai ngưới lớn có cãi nhau ầm ĩ như nhà Châu không! Đối thoại giữa ba và hai mẹ con Cầm là email đều đặn mỗi tuần một lần, ba không gửi thư, không dám gọi điện thoại về Việt Nam sợ tốn tiền, ba đang tiết kiệm từng đồng cắt một suốt ba năm ròng. Cuối năm nay thì đủ tiền đưa Cầm sang nước ngoài phẫu thuật. Cầm lấy tờ giấy ghi dòng chữ “Ăn nói lung tung thế, không hay đâu, Châu mà bị tai nạn nữa thì ai đi thi guitar chứ?”. Châu đã bình tĩnh trở lại, không nói năng gì cả, nhìn Cầm cười một cái như đứa trẻ con biết lỗi rồi lại bật tivi lên, chuyển hết kênh này qua kênh khác… Chút nữa thôi, thế nào Châu cũng sẽ lôi cây đàn guitar xuống nghêu ngao bài “Những con mắt trần gian” cho coi.
Cầm lại nghĩ về người ba nhạc công của mình, cuộc sống chắt chiu của ba suốt ba năm qua và những cái email nhen lên trong Cầm một tia hy vọng, giúp Cầm không chạy trốn cuộc sống này, cám ơn ba nhiều lắm, ba ạ, dù kết quả phẩu thuật của Cầm cuối năm nay thế nào…
Ngoài kia, chiều như mọi chiều đang chín mọng trên đầu ngọn trúc. Lá trúc cứ hồn nhiên xanh, hồn nhiên lao xao với gió… Ước mơ của Cầm bây giờ bình dị lắm, Cầm mong sau một giấc ngủ dài trong bệnh viện, Cầm lại trở về đây với ngôi nhà thân yêu của mình có mẹ, có Châu, nghe được lời của lá trúc hồn nhiên…
TÚ TRINH
(*) những chữ in nghiêng là ca từ của nhạc Trịnh Công Sơn
(Trích trong tập truyện ngắn “Bắt tay sương mù”, tác giả Tú Trinh, tủ sách "Tuổi mới lớn", nhà xuất bản Kim Đồng 2004, tái bản 2005)
Châu chạy ào vô nhà Cầm rồi ngồi dựa lưng vô tường thở hổn hển. Khắp người mồ hôi nhễ nhại, mặt mũi thì đỏ bừng. Không vội vàng biết chuyện gì đang xảy ra, Cầm ngước đôi mắt rất đẹp của mình nhìn Châu, ánh nhìn xuất phát từ một đôi mắt có hàng mi dài và dày như một bức rèm quyến rũ để khoe đôi mắt to và sáng, lúc nào cũng ươn ướt, long lanh, dù là lúc Cầm vui nhất thì đôi mắt ấy cũng phảng phất chút gì đó buồn rượi xa, ánh mắt ấy như muốn nói: hít sâu vô, thở ra chầm chậm nào… Hơi thở của Châu đang từ từ dịu lại. Cầm ấn vào tay Châu một chai nước lọc để lạnh và với tay nhấn nút cho cái quạt máy bắt đầu quay vù vù đủ làm mái tóc dài mượt đang cột cao của Châu tung tẩy.
- Ba má tao đang cãi nhau ầm ầm như sấm! Lại doạ bỏ nhau nữa chứ. Trước đây còn cố nhịn mỗi lần có tao ở nhà, giờ tao mất tác dụng rồi. Tao chịu không nổi, đã mở hết công suất loa rồi nhét headphone vào tai mà vẫn không nghe được nhạc nhẽo gì, chỉ nghe giọng ba má tao nhủng nhẳng. Kinh khủng. Tao có cái lỗ tai không biết nghe lời, bực thiệt. May còn nhà mày cho tao chạy về, nếu không tao chết mất.
Nói liền một hơi rồi Châu tu nước ừng ực. Ngày mới biết Châu, Cầm cứ nghĩ là Châu phải khác hơn, mạnh mẽ, quyết đoán và thực tế lắm. Nghĩ vậy mà không phải vậy, so sánh, liên tưởng trong đầu óc của Châu thì ngồ ngộ, cách ăn nói cũng ngồ ngộ theo, nửa thực tế, nửa mơ mộng, nửa quyết đoán, nửa mạnh mẽ, nửa… Tóm lại là dự đoán tính tình của Cầm về Châu tất cả đều chỉ đúng có một nửa thôi, vậy cũng hay, cuộc sống hấp dẫn hơn vì còn nhiều điều mới mẻ, khám phá những điều tưởng chừng như quen thuộc ấy cũng là một một thú vị trong đời. Chán cảnh phải bị tra tấn lỗ tai bởi những cuộc cãi nhau ầm ĩ của ba má, dạo này Châu gần như dọn qua ở hẳn trong nhà Cầm, cũng vui, có bạn có bè.
Cột tóc lại cho gọn gàng rồi Châu bắt đầu đàn, cũng may còn cây đàn làm Châu dịu lại. Cầm thấy Châu lật sách bài “Những con mắt trần gian” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trong mắt Cầm những con chữ cạnh khuôn nhạc đang nhảy múa những điệu van xin như cảm xúc của nó, những con mắt trần gian xin nguôi vết nhục nhằn, những con mắt muộn phiền xin gây lại niềm tin… Lần nào bực bội chuyện gì đó, Châu cũng lật sách ra đúng bài này, có lẽ nó hợp với tâm trạng Châu hay là một lý do nào khác đại loại thế. Cầm cũng thích bài này, nhưng Cầm tin là mỗi đứa có một lý do khác nhau và “cảm” bài này theo cách khác nhau. Từ nhỏ, ba đã bảo Cầm giống bà cụ non, làm gì cũng từ tốn. Châu thì ngược lại, làm cái gì cũng mang cái vẻ vội vã, gấp gáp. Như trường hợp chiều nay là thường xuyên, lần đầu tiên Cầm còn lo lắng, riết rồi quen. Chỉ đến nhà Cầm chơi thôi Châu cũng như một cơn lốc nhỏ, ào đến, ào đi. Duy nhất một trường hợp là Châu không mang theo bên mình dáng vẻ “lật đật” đó, ấy là lúc Châu đụng đến cây đàn guitar. Từ từ so dây lại, kiểm tra xem sáu dây có sợi nào bị lạc không rồi sửa lại tướng ngồi, tay phải bắt đầu tạo ra âm thanh trên khoảng dây ngay cái cửa ngỏ tròn vo của thùng đàn, tay trái chạy dây trên cần đàn, nhanh nhưng lại rất khoan thai. Sau khi chơi đàn là lúc Châu ít “lật đật” nhất, hình như sự từ tốn, điềm đạm trong phong cách lúc chơi đàn còn sót lại chút ít. Tính tình thế mà có thể ngồi “mọc rễ” và nhận nhiều giải thưởng với cây đàn guitar, nhiều người thấy chuyện đó của Châu rất lạ lẫm, trừ Cầm.
Đàn xong Châu ngồi thừ một lúc rồi bật tivi lên, bấm đổi kênh liên tục rồi lại tắt. Có lẽ Châu định tìm một thứ âm thanh nào đó đỡ ngột ngạt một chút nhưng rồi rất nhanh, lại chán nghe mấy cô phát thanh viên nói xí xô xí xào bản tin thời sự, có thể làm Châu liên tưởng đến những âm thanh cãi vã xủng xoẻng của ba má khi nãy. Kéo Cầm nằm lăn ra giường, Cầm di di ngón tay trên mặt Châu chổ những ả mụn đang có xu hướng bành trướng. Châu chạy lại xăm xoi khuôn mặt mình trong gương rồi quay qua cười nhe răng với Cầm. Chán, lục lọi ba lô Châu mới biết mình để quên mấy cuốn sách giáo khoa ở nhà, lại hối hả chạy về nhà lấy, mai ở trường có tiết kiểm tra. Chạy ào xuống lầu thì gặp mẹ Cầm, chắc cô mới đi làm về đang loay hoay tưới bụi trúc, tiếng nước nghe rào rào, mới nghe thôi đã cảm thấy mát, phải chi giờ này đang đứng dưới vòi sen trong nhà tắm thì thích nhỉ!
- Cô ơi, cô tưới con luôn đi, con bị thiếu nước nè! Nói xong Châu đã phóng xe chạy mất nhưng cũng biết phía sau lưng mình là một nụ cười hiền lành và câu mắng yêu nào đó của mẹ Cầm.
***
Về đến là Châu đi thẳng vào nhà tắm, tiếng nước tưới cây của mẹ Cầm vẫn còn đủ sức quyến rũ Châu. Nhẹ hẳn người, Châu vừa lau tóc cho khô vừa đi quanh nhà. Nhà không còn ai, ba má bỏ đi đâu rồi, vậy cũng tốt, Châu cũng cần ít thời gian yên tĩnh cho mình, ở nhà mình, trong phòng mình – chứ không phải ở nhà Cầm. Nằm trên cái giường thân yêu, Châu khoan khoái thưởng thức sự tĩnh lặng hiếm hoi này. Không thể hiểu nổi, sao ba má lại… Quyết định chuyển suy nghĩ sang hướng khác thôi, sao mà người lớn phức tạp quá, Châu ước chi mình đủ thờ ơ để không phải nghĩ về chuyện hục hặc giữa ba má, lần nào nghĩ đến chuyện này Châu cũng bị cơn đau đầu hành hạ kéo theo bực bội, gắt gỏng. Mai ở trường kiểm tra Văn một tiết, Châu lại ước, mới có mấy phút thôi mà Châu đã ước đến hai điều rồi, như thế có gọi là hoang phí không nhỉ? Thôi kệ, miễn là điều ước đó xứng đáng, Châu ước phải chi Châu và Cầm còn học chung…
Điện thoại nhà đổ chuông inh ỏi, Châu cầm máy nhưng không nghe ai nói gì cả, chỉ nghe xa xa vọng lại mấy câu hát ôm cuộc sống trong tay, bên đời quá rộng, tuổi đời mênh mông quá… Châu biết ai gọi mình rồi, đã quy ước với nhau thế mà. Liếc nhìn đồng hồ, tám giờ kém, đến giờ cơm rồi, nghĩ đến cơm Châu bỗng nghe bụng đói cồn cào. Soạn nhanh sách vở cho ngày mai rồi Châu co giò phóng thẳng ra khỏi nhà.
***
Xung quanh một màu trắng toát, sau một giấc ngủ dài hai ngày đêm, đó điều đầu tiên Cầm nhận biết. Cầm cựa mình, nghe sột soạt, mẹ chạy vô rồi gương mặt lộ vẻ vui mừng, ôm chầm lấy Cầm. Cầm thấy nóng hổi trên người mình những giọt nước mắt của mẹ nhưng Cầm không nghe tiếng mẹ khóc. Bác sĩ vô phòng nói chuyện với mẹ. Cầm biết được điều đó vì thấy môi của hai người chuyển động. Cầm mở miệng định hỏi mẹ chuyện gì đã xảy ra nhưng lưỡi cứng lắm, khó khăn lắm mới đẩy được cái lưỡi đi theo những điều mình muốn nói, nhưng cả Cầm cũng không nghe được mình nói gì… Hình như mẹ khóc nấc lên, Cầm cảm nhận được nhịp nức nở của mẹ và thoáng thấy dáng mẹ chạy ra khỏi phòng. Nhìn hết một lượt mọi người, không thấy Châu đâu cả, phải đợi Châu thôi, may ra Châu hiểu được chuyện gì và nói cho Cầm nghe với… Cầm quay mặt vô tường và nước mắt bắt đầu chảy dài trên gương mặt. Cầm nhớ rồi, tan học ngày thứ hai, Cầm đang đi bộ về nhà, qua khúc lề đường đông đúc người ta bày bán nhiều thứ và để xe chật kín, Cầm phải bước xuống đi dưới lòng đường. Trí nhớ của Cầm dừng lại ở chỗ đó…
Đến chiều thì Châu ghé, thấy Cầm đã mở mắt ra, Châu vui hẳn. Việc Châu làm đầu tiên là kéo tay Cầm ra ô cửa sổ của phòng bệnh rồi hai đứa cùng nhìn xuống khoảng sân phía dưới. Khá đông bệnh nhân đang tha thẩn đi dạo quanh thảm cỏ mướt xanh, người nghệ nhân đã khéo léo cắt tỉa cả một thảm cỏ dài và rộng thành những đường lượn sóng ngắn dài khác nhau như chập chùng sóng biển ngoài khơi ùa vào đây. Lác đác hoa trong những cái bồn cao cao tươi xinh trong nắng mới, mỗi lần nhìn thấy cỏ hoa xúng xính trên đất, Cầm có cùng một cảm giác, Cầm thấy cuộc sống này rộng ra… Châu dìu Cầm trở lại giường ngồi, theo phản xạ tự nhiên, Cầm nói chuyện, lặp lại y chang cái cảm giác ban sáng, Cầm ôm miệng mình… Châu xót xa lắm, niềm vui ít ỏi lúc vừa bước vô phòng đã tắt ngấm, chần chừ một lúc rồi quyết định đưa Cầm xem bệnh án. Chữ bác sĩ bay nhảy, tuy khó đọc nhưng Cầm cũng kịp hiểu lõm bõm sợi dây thần kinh nào đó do bị va chạm mạnh quá đã đè lên một số dây thần kinh khác, kết luận gọn lỏn, Cầm bị mất khả năng nghe nói tạm thời. Những giọt nước mắt thi nhau chảy dài xuống gương mặt. Bệnh nhân Nguyễn Thiên Cầm, cây-đàn-trời từ nay không thể tạo ra thanh âm bằng sức lực tự nhiên của mình, cũng từ nay không tiếp nhận bất kì âm thanh từ bên ngoài nữa. Hết rồi, ước mơ thi vào nhạc viện chấm dứt rồi, Cầm không còn ước mơ nào khác đâu, mà sống không có mục tiêu và mơ ước thì sống để làm gì? Tiếng nấc không thanh âm mới ngột ngạt bức bối làm sao. Châu quay đi. Buổi chiều rồi tối rồi những buổi sớm mai và ban trưa âm u trong đôi mắt ướt long lanh của Cầm, từ bây giờ, đôi mắt lúc sinh ra đã ngân ngấn buồn ấy lại phải gánh thêm một nỗi buồn số phận, đôi mắt ấy sẽ kiêm luôn công việc của cái tai nghe…
***
Mất gần cả năm Cầm mới quen với những thay đổi lớn lao này: không thể đi học văn hoá được nữa, đi học đàn lại càng không, không tự chạy xe, không giao tiếp với mọi người bằng hai hàng động nói và nghe… Mất thêm một năm nữa để cảm giác hụt hẫng của cây-đàn-trời nhỏ dần và nỗi buồn lắng xuống nhẹ nhàng hơn. Cầm từ chối đi học ở trường khiếm thính, với Cầm mọi thứ đang bình thường trở lại, Cầm biết tự chăm sóc bản thân mình, cũng may mẹ là cô giáo cấp ba nên Cầm đề nghị mẹ dạy tiếp chương trình học cho mình, mẹ và con thường trao đổi với nhau bằng cách viết giấy, những cuộc bút đàm ấy cũng dần dần thay thế được đối thoại của hai mẹ con. Bạn bè thỉnh thoảng ào đến thăm, cười nói huyên thuyên, Cầm và các bạn đang tuổi ăn tuổi nói mà. Mỗi lần như thế Cầm không buồn, chỉ mở mắt rất to, nhìn mọi người rất sâu rồi cười nhẹ nhàng. Rồi bạn bè vắng dần, ngôi nhà lại càng lặng lẽ hơn. Đôi lúc Cầm nhớ mấy cái CD nhạc cũ, đi tìm nó rồi bật lên, ngồi đó, những lúc như thế Cầm tưởng tượng quanh mình là một dòng âm thanh đang thao thiết chảy tràn, rồi lại vuốt ve cây đàn guitar cũ, thế nào chút nữa Cầm cũng sẽ nhắc Châu chơi bài gì đó cho cây đàn đỡ nhớ. Cầm hoàn toàn có thể chơi đàn theo quán tính cho đỡ nhớ chứ, nhưng Cầm không làm như vậy, còn có Châu mà. Có lần vô tình, Cầm đụng vào dây đàn, dây đàn rung lên, có lẽ nó đã phát ra thanh âm rồi và Cầm cũng rung lên bần bật. Từ đó, Cầm đi đứng khẽ khàng hơn, đặt vật này lên vật kia cũng rất nhẹ tay, Cầm sợ mình tạo ra tiếng động. Cũng từ đó, Châu chơi guitar không phải vì mình hoàn toàn, một nữa là vì Cầm.
Càng ngày đôi mắt Cầm càng đẹp, đôi mắt có hàng mi dài và dày như một bức rèm quyến rũ để khoe đôi mắt to và sáng, lúc nào cũng ươn ướt, long lanh, dù là lúc Cầm vui nhất thì đôi mắt ấy cũng phảng phất chút gì đó buồn rượi xa. Châu cũng cảm thấy mình được an ủi ít nhiều vì điều đó. Cầm tự dưng bị lấy mất thanh âm, đôi mắt có đẹp cách mấy cũng là bất công với Cầm, nhưng với đôi mắt còn lại Cầm đến với cuộc sống bình thường. Lúc đầu hơi khó khăn, Châu nói rồi viết ra từ ngữ, câu văn mình vừa nói để Cầm nhận ra khẩu hình. Có nhiều câu nói đùa làm Cầm cười-không-âm-thanh, những lúc đó, mắt Cầm cũng cười nhưng sao không thoát khỏi nỗi buồn âm u trong đó, Châu thấy nghèn nghẹn. Giờ thì Cầm có thể ít nhiều nghe mọi người nói bằng mắt, đi đâu, làm gì, Cầm cũng mở to mắt như cố thu vào mình tất cả để bù đắp cho đôi tai khiếm khuyết của mình. Chắc là từ đó, Châu và Cầm cùng thích bài “Những con mắt trần gian”, những mắt biếc cỏ non xanh cây trái địa đàng, nhìn lại nhau con mắt lo âu xin vỗ về muôn yêu dấu… Mỗi lần nghe lại bằng cách đọc lời và cố nhớ giai điệu của bài hát, Cầm vẫn không hiểu hết bài hát, chỉ thấy mình còn may nhiều thứ lắm, Cầm còn đôi mắt, Cầm đã từng nghe được bài hát này “trọn vẹn” trước kia…
***
Chiều nay Châu sẽ ghé nhà Cầm để ăn mừng, lại vừa được thêm một giải thưởng guitar cấp thành phố. Những năm cấp 2 còn học chung, Cầm và Châu là đôi song tấu guitar ấn tượng nhất trong bảng thi đấu của trẻ em, giờ còn lại mình Châu thôi…
Châu lại chạy vô cái ào, không có cặp sách, chắc đã về nhà rồi mới ghé Cầm. Chưa kịp thở xong Châu đã gào lên:
- Chắc tao điên quá mày ơi, cứ về đến nhà là nghe ba má tao cãi nhau chí choé, không có loại nhạc nào có thể rửa tai của tao nữa rồi. Đôi lúc tao ước chi người bị tai nạn là tao, để tao gánh chịu chuyện đó cho, tai tao bây giờ chỉ nghe những âm thanh chát ngầm vô bổ thôi…
Cầm lờ mờ hiểu ra, chắc ba má Châu lại cãi nhau một trận to, chuyện này kéo dài mấy năm nay rồi. Chỉ biết đưa cho Châu một chai nước lọc thật lạnh để cô nàng hạ hỏa. Cầm chợt nghĩ đến gia đình mình, ba đi làm ở nước ngoài chứ nếu ba cũng ở nhà, không biết hai ngưới lớn có cãi nhau ầm ĩ như nhà Châu không! Đối thoại giữa ba và hai mẹ con Cầm là email đều đặn mỗi tuần một lần, ba không gửi thư, không dám gọi điện thoại về Việt Nam sợ tốn tiền, ba đang tiết kiệm từng đồng cắt một suốt ba năm ròng. Cuối năm nay thì đủ tiền đưa Cầm sang nước ngoài phẫu thuật. Cầm lấy tờ giấy ghi dòng chữ “Ăn nói lung tung thế, không hay đâu, Châu mà bị tai nạn nữa thì ai đi thi guitar chứ?”. Châu đã bình tĩnh trở lại, không nói năng gì cả, nhìn Cầm cười một cái như đứa trẻ con biết lỗi rồi lại bật tivi lên, chuyển hết kênh này qua kênh khác… Chút nữa thôi, thế nào Châu cũng sẽ lôi cây đàn guitar xuống nghêu ngao bài “Những con mắt trần gian” cho coi.
Cầm lại nghĩ về người ba nhạc công của mình, cuộc sống chắt chiu của ba suốt ba năm qua và những cái email nhen lên trong Cầm một tia hy vọng, giúp Cầm không chạy trốn cuộc sống này, cám ơn ba nhiều lắm, ba ạ, dù kết quả phẩu thuật của Cầm cuối năm nay thế nào…
Ngoài kia, chiều như mọi chiều đang chín mọng trên đầu ngọn trúc. Lá trúc cứ hồn nhiên xanh, hồn nhiên lao xao với gió… Ước mơ của Cầm bây giờ bình dị lắm, Cầm mong sau một giấc ngủ dài trong bệnh viện, Cầm lại trở về đây với ngôi nhà thân yêu của mình có mẹ, có Châu, nghe được lời của lá trúc hồn nhiên…
TÚ TRINH
(*) những chữ in nghiêng là ca từ của nhạc Trịnh Công Sơn
(Trích trong tập truyện ngắn “Bắt tay sương mù”, tác giả Tú Trinh, tủ sách "Tuổi mới lớn", nhà xuất bản Kim Đồng 2004, tái bản 2005)
Sunday, October 17, 2004
Mưa phố gần xa
Ai đó đã nói rằng: "Âm nhạc chuyển hóa những khoảnh khắc trở thành vĩnh cửu”, với hai nhân vật này, điều đó nhẹ nhàng hơn… Cũng như một ít trang sách này, chữ làm nhiệm vụ nhẹ nhành hơn chữ trong một truyện ngắn…
1.
Sài Gòn vào đêm thật đẹp, thật quyến rũ, đó là một bức tranh được vẽ bằng tất cả những gam màu phong phú của cuộc sống. Góc sáng ồn ào náo nhiệt đan xen vào góc tối lặng lẽ im lìm. Những sắc màu đối lập đứng kế nhau một cách hài hòa làm tâm trạng người ta cũng đổi thay khi ngang qua từng dãy phố. Thoáng vui vẻ, ấm áp, thoáng buồn bã, lẻ loi ….
Lâu rồi, Phong không xuống phố với đầu óc thảnh thơi như thế. Những bản vẽ, những con số, những công trình, trên thực tế và những con số công trình ảo ảnh ở trường kiến trúc…. Chúng cuốn anh vào, không chừa chút thời gian nào cho riêng anh. Đêm nay, anh quyết định gác lại tất cả những công việc bừa bộn ấy, để cho lòng mình bình yên và rảo chân trên phố.
Trời se se lạnh, cái se lạnh của một ngày thu Sài Gòn ….
2.
Học lớp chuyên Văn của một trường nổi tiếng trong thành phố, khuôn mặt có chiếc kính cận và nụ cười răng khểnh, ngày ngày vẫn bình dị áo trắng quần xanh đến trường, riêng ngày thứ bảy lại xinh xinh trong tà áo dài truyền thống. Đó là tất cả những gì thuộc về vẻ ngoài của Di mà Phong được biết từ một người bạn. Di dễ tiếp xúc, cô bé có lối nói chuyện khá là thông minh và thu hút.
- Anh Phong giống con cú mèo quá!
- Sao lại giống cú mèo? Người Việt Nam không thích đâu! Nhưng mặt tôi xấu lắm sao?
- Nhưng người phương Tây rất thích, biểu tượng của sự thông thái đó!
Di đang khen Phong kiểu thông minh vậy đó. Nhưng ở cô bé còn có một thế giới khác ngoài những thứ ấy, anh nhận ra điều này từ nụ cười răng khểnh của cô ngay lần gặp đầu tiên.
3.
Điều làm Phong ngạc nhiên đầu tiên là Di có học võ, mà lại là môn Judo nữa. Con gái lớp Văn học võ? Dáng người nhỏ xíu, cô bé chỉ cao đúng một mét bốn mươi chín phân khi đi chân trần thì làm sao đánh được người ta? Phong không tin khi lướt ngang qua thời khóa biểu của Di. Và anh lặng lẽ quan sát.
Tối thứ bảy, lò võ nóng hầm hập mặc hai chiếc quạt trần đang gắng sức quay tít. Giữa những sắc đai đủ màu, anh nhận ra Di. Cô bé mang đai xanh, đang nhanh nhẹn tập vô đòn… “rầm”, đối thủ bị quật ngã xuống thảm. Tất cả chỉ xảy ra trong tích tắc. Nhìn thấy Phong, cô bé hơi bối rối nhưng ngay sau đó nhoẻn cười chào anh rồi quay vào tập tiếp. Phong đành phải tin vào mắt mình. Anh bắt đầu cảm thấy cô bé thật thú vị.
4.
Di học giỏi đều tất cả các môn. Tuy học lớp chuyên Văn nhưng cô bé lại chọn học đội tuyển Địa để thi toàn quốc. Di bảo học Địa con người ta sẽ trẻ trung hơn, học Địa, người ta khát khao đi hơn. Phong không tham gia vào đề tài Địa lý của Di được, anh chỉ thấy những con số dù ở trong xây dựng hay địa lý đều làm nười ta nhức đầu. Thời gian biểu của Di khá khít khao, sáng chiều học ở trường, tối học anh văn và nhu đạo. Một thời khóa biểu của những cư dân thành phố thực thụ. Cứ tưởng học như vậy thì đã kín hết thời gian, nhưng không, Di còn tham gia văn nghệ ở trường. Phong biết điều đó nhưng chưa bao giờ cô bé chịu hát trước mặt anh. Phong cũng mong lắm, một cơ hội, một ngày nào đó vậy.
Hôm cô bé đi thi văn nghệ ở trường, Phong có lên xem nhưng không thấy Di hát. Trên đường về, Di bảo mai mới tới lượt cô bé thi và cô bé hát. Đó là một buổi tối mùa thu, mưa li ti rất nhỏ, đường phố vắng lặng. Tiếng hát Di cất lên, trong trẻo, vút cao …. Cô bé nhỏ nhắn vừa đạp xe, vừa hát giữa ánh đèn đêm dìu dịu lan tỏa, mái tóc chấm vai cứ bay bay trong gió ….. Hình như đây là lần đầu tiên
Phong cảm nhận sự tuyệt dịu của âm nhạc là mênh mông, là ấm áp đến vậy. Và đó cũng là lần đầu tiên anh tìm thấy giữa cuộc đời một bức tranh đẹp như thế.
Mưa phố …. chiều nay phố lạ, nhỏ …. dễ thương dạ thưa… Đường mưa phố nằm, nghe nồng ấm trên bờ vai. Giọt giọt nghe rất lạ, mưa và nắng đan vào nhau.
5.
Phong tìm gặp ở Di, ngoài những tài năng nho nhỏ dễ thương kia là một tâm hồn đa cảm. Cô bé lãng mạn lắm, thoắt vui thoắt buồn nhanh như sự chuyển đổi hình dạng của các đám mây. Tâm hồn ấy được Di đem vào những vần thơ mộc mạc của mình, lúc thanh tao trầm lắng, lúc trẻ trung tinh nghịch, nó phong phú như tâm hồn cô bé vậy. Đọc thơ Di trên tờ báo trường thôi, Phong thấy lòng mình dịu lại, anh vui buồn theo từng nhịp thơ của cô bé. Di yêu mùa thu – mùa có những cơn mưa bất chợt – mùa có cầu vồng bảy sắc lung linh – mùa có vạt nắng tinh khôi tà áo trắng. Trong thơ văn cô bé, trong những bài cô bé hát, Phong nhận ra thấp thoáng bóng hình cơn mưa phố.
Phong là một người đa cảm, anh cũng rất yêu những cơn mưa bất chợt – điểm tương đồng giữa anh và Di. Nhưng khác với cô bé, anh lại cố giấu kín điều đó với mọi người nhưng với Di, anh không thể. Đôi lúc, anh không thể nói được những điều mình nghĩ nhưng Di làm được điều đó giúp anh. Với khả năng ăn nói hoạt bát cùng vốn văn chương của cô bé, đôi lúc Di làm Phong có cảm giác cô bé hiểu anh hơn cả anh nữa.
Ngược lại, đằng sau cặp kính cận và nụ cười răng khểnh kia, đối với Phong là cả một thế giới huyền bí. Ở đó có những vần thơ mềm mại, có mùa thu tí tách hạt mưa, có những đòn thế của môn võ Judo, có một giọng hát trong trẻo, vút cao.
6.
Một buổi tối nọ, Phong đưa Di về. Hai chiếc xe đạp song song – bình yên. Bất chợt cô bé hỏi :
- Anh Phong nè, có khi nào đây là lần cuối anh đưa bé Di về không ?
Phong chỉ cười :
-Trừ khi bé Di đổi nhà, mình đi đường khác thôi. Sẽ không có lần cuối cùng đâu.
Cô bé chỉ mỉm cười để nhô ra chiếc răng khểnh xinh xinh.
Hình như tóc Di đang rối. Một buổi tối mùa thu lành lạnh….
7.
Rồi ngày kia, cô bé lặng lẽ theo gia đình rời xa thành phố, để lại cho Phong vài bài thơ nho nhỏ, bài hát “Mưa phố” ngày xưa và một nụ cười răng khểnh. Lúc ấy anh đang ở tận Hà Nội để lo việc thi cử.
Ngôi nhà nho nhỏ với giàn hoa lan tím ngày xưa vốn đã yên ả giờ lại càng vắng lặng hơn. Đằng sau những con phố, ngôi nhà là nơi gần nhất và xa nhất, với Phong.
Đó là một ngày thu buồn, mưa nhu trút nước.
8.
Đã qua sáu năm rồi nhưng mỗi lần nghe lại “Mưa phố” Phong thấy lòng mình bỗng xôn xao bao nhiêu là kỉ niệm: thế võ judo, những cơn mưa, nụ cười răng khểnh…. Không cần đó phải là những tác phẩm bất hủ, hay nổi tiếng thế giới, âm nhạc vẫn kì diệu, có thể chỉ do một người bình thường viết ra, người nghe cũng chỉ tình cờ… Giờ đã là một kiến trúc sư trẻ bận rộn, bên cạnh những nét sắc cứng trong bản vẻ kỹ thuật, anh còn là một người nghệ sĩ với nét vẽ bút chì thật mềm mại và uyển chuyển. Đã nhiều lần cầm bút lên định vẽ bức tranh xưa nhưng lại thôi. Anh muốn giữ trong tim mình, có như vậy bức tranh mới đẹp mãi mãi.
Phong đã đi hết một con phố, anh mỉm cười vu vơ và lững thững quay về. Vừa đi, anh vừa khe khẽ hát : mưa phố, chiều nay phố lạ, nhỏ …. dễ thương dạ thưa.
Đang đi, bất chợt Phong dừng lại.
Chiếc kính cận, mái tóc chấm vai, dáng người nhỏ nhắn … những hình ảnh lướt qua đầu anh thật trùng với kí ức.
Anh định quay đầu lại nhưng nghĩ chắc mình đang mơ …
- Anh Phong !
Gió thu se se lạnh, trời lất phất mưa – những hạt mưa phố li ti ….
9.
Sẽ là những khoảng lặng để một ngày nào đó, ai đó có thể biết được rằng mưa phố gần hay mưa phố xa…
TÚ TRINH
1998
(*) những chữ in nghiêng là ca từ trong bài hát “Mưa phố”, tác giả Thảo Linh.
(Trích trong tập truyện ngắn “Bắt tay sương mù”, tác giả Tú Trinh, tủ sách "Tuổi mới lớn", nhà xuất bản Kim Đồng 2004, tái bản 2005)
1.
Sài Gòn vào đêm thật đẹp, thật quyến rũ, đó là một bức tranh được vẽ bằng tất cả những gam màu phong phú của cuộc sống. Góc sáng ồn ào náo nhiệt đan xen vào góc tối lặng lẽ im lìm. Những sắc màu đối lập đứng kế nhau một cách hài hòa làm tâm trạng người ta cũng đổi thay khi ngang qua từng dãy phố. Thoáng vui vẻ, ấm áp, thoáng buồn bã, lẻ loi ….
Lâu rồi, Phong không xuống phố với đầu óc thảnh thơi như thế. Những bản vẽ, những con số, những công trình, trên thực tế và những con số công trình ảo ảnh ở trường kiến trúc…. Chúng cuốn anh vào, không chừa chút thời gian nào cho riêng anh. Đêm nay, anh quyết định gác lại tất cả những công việc bừa bộn ấy, để cho lòng mình bình yên và rảo chân trên phố.
Trời se se lạnh, cái se lạnh của một ngày thu Sài Gòn ….
2.
Học lớp chuyên Văn của một trường nổi tiếng trong thành phố, khuôn mặt có chiếc kính cận và nụ cười răng khểnh, ngày ngày vẫn bình dị áo trắng quần xanh đến trường, riêng ngày thứ bảy lại xinh xinh trong tà áo dài truyền thống. Đó là tất cả những gì thuộc về vẻ ngoài của Di mà Phong được biết từ một người bạn. Di dễ tiếp xúc, cô bé có lối nói chuyện khá là thông minh và thu hút.
- Anh Phong giống con cú mèo quá!
- Sao lại giống cú mèo? Người Việt Nam không thích đâu! Nhưng mặt tôi xấu lắm sao?
- Nhưng người phương Tây rất thích, biểu tượng của sự thông thái đó!
Di đang khen Phong kiểu thông minh vậy đó. Nhưng ở cô bé còn có một thế giới khác ngoài những thứ ấy, anh nhận ra điều này từ nụ cười răng khểnh của cô ngay lần gặp đầu tiên.
3.
Điều làm Phong ngạc nhiên đầu tiên là Di có học võ, mà lại là môn Judo nữa. Con gái lớp Văn học võ? Dáng người nhỏ xíu, cô bé chỉ cao đúng một mét bốn mươi chín phân khi đi chân trần thì làm sao đánh được người ta? Phong không tin khi lướt ngang qua thời khóa biểu của Di. Và anh lặng lẽ quan sát.
Tối thứ bảy, lò võ nóng hầm hập mặc hai chiếc quạt trần đang gắng sức quay tít. Giữa những sắc đai đủ màu, anh nhận ra Di. Cô bé mang đai xanh, đang nhanh nhẹn tập vô đòn… “rầm”, đối thủ bị quật ngã xuống thảm. Tất cả chỉ xảy ra trong tích tắc. Nhìn thấy Phong, cô bé hơi bối rối nhưng ngay sau đó nhoẻn cười chào anh rồi quay vào tập tiếp. Phong đành phải tin vào mắt mình. Anh bắt đầu cảm thấy cô bé thật thú vị.
4.
Di học giỏi đều tất cả các môn. Tuy học lớp chuyên Văn nhưng cô bé lại chọn học đội tuyển Địa để thi toàn quốc. Di bảo học Địa con người ta sẽ trẻ trung hơn, học Địa, người ta khát khao đi hơn. Phong không tham gia vào đề tài Địa lý của Di được, anh chỉ thấy những con số dù ở trong xây dựng hay địa lý đều làm nười ta nhức đầu. Thời gian biểu của Di khá khít khao, sáng chiều học ở trường, tối học anh văn và nhu đạo. Một thời khóa biểu của những cư dân thành phố thực thụ. Cứ tưởng học như vậy thì đã kín hết thời gian, nhưng không, Di còn tham gia văn nghệ ở trường. Phong biết điều đó nhưng chưa bao giờ cô bé chịu hát trước mặt anh. Phong cũng mong lắm, một cơ hội, một ngày nào đó vậy.
Hôm cô bé đi thi văn nghệ ở trường, Phong có lên xem nhưng không thấy Di hát. Trên đường về, Di bảo mai mới tới lượt cô bé thi và cô bé hát. Đó là một buổi tối mùa thu, mưa li ti rất nhỏ, đường phố vắng lặng. Tiếng hát Di cất lên, trong trẻo, vút cao …. Cô bé nhỏ nhắn vừa đạp xe, vừa hát giữa ánh đèn đêm dìu dịu lan tỏa, mái tóc chấm vai cứ bay bay trong gió ….. Hình như đây là lần đầu tiên
Phong cảm nhận sự tuyệt dịu của âm nhạc là mênh mông, là ấm áp đến vậy. Và đó cũng là lần đầu tiên anh tìm thấy giữa cuộc đời một bức tranh đẹp như thế.
Mưa phố …. chiều nay phố lạ, nhỏ …. dễ thương dạ thưa… Đường mưa phố nằm, nghe nồng ấm trên bờ vai. Giọt giọt nghe rất lạ, mưa và nắng đan vào nhau.
5.
Phong tìm gặp ở Di, ngoài những tài năng nho nhỏ dễ thương kia là một tâm hồn đa cảm. Cô bé lãng mạn lắm, thoắt vui thoắt buồn nhanh như sự chuyển đổi hình dạng của các đám mây. Tâm hồn ấy được Di đem vào những vần thơ mộc mạc của mình, lúc thanh tao trầm lắng, lúc trẻ trung tinh nghịch, nó phong phú như tâm hồn cô bé vậy. Đọc thơ Di trên tờ báo trường thôi, Phong thấy lòng mình dịu lại, anh vui buồn theo từng nhịp thơ của cô bé. Di yêu mùa thu – mùa có những cơn mưa bất chợt – mùa có cầu vồng bảy sắc lung linh – mùa có vạt nắng tinh khôi tà áo trắng. Trong thơ văn cô bé, trong những bài cô bé hát, Phong nhận ra thấp thoáng bóng hình cơn mưa phố.
Phong là một người đa cảm, anh cũng rất yêu những cơn mưa bất chợt – điểm tương đồng giữa anh và Di. Nhưng khác với cô bé, anh lại cố giấu kín điều đó với mọi người nhưng với Di, anh không thể. Đôi lúc, anh không thể nói được những điều mình nghĩ nhưng Di làm được điều đó giúp anh. Với khả năng ăn nói hoạt bát cùng vốn văn chương của cô bé, đôi lúc Di làm Phong có cảm giác cô bé hiểu anh hơn cả anh nữa.
Ngược lại, đằng sau cặp kính cận và nụ cười răng khểnh kia, đối với Phong là cả một thế giới huyền bí. Ở đó có những vần thơ mềm mại, có mùa thu tí tách hạt mưa, có những đòn thế của môn võ Judo, có một giọng hát trong trẻo, vút cao.
6.
Một buổi tối nọ, Phong đưa Di về. Hai chiếc xe đạp song song – bình yên. Bất chợt cô bé hỏi :
- Anh Phong nè, có khi nào đây là lần cuối anh đưa bé Di về không ?
Phong chỉ cười :
-Trừ khi bé Di đổi nhà, mình đi đường khác thôi. Sẽ không có lần cuối cùng đâu.
Cô bé chỉ mỉm cười để nhô ra chiếc răng khểnh xinh xinh.
Hình như tóc Di đang rối. Một buổi tối mùa thu lành lạnh….
7.
Rồi ngày kia, cô bé lặng lẽ theo gia đình rời xa thành phố, để lại cho Phong vài bài thơ nho nhỏ, bài hát “Mưa phố” ngày xưa và một nụ cười răng khểnh. Lúc ấy anh đang ở tận Hà Nội để lo việc thi cử.
Ngôi nhà nho nhỏ với giàn hoa lan tím ngày xưa vốn đã yên ả giờ lại càng vắng lặng hơn. Đằng sau những con phố, ngôi nhà là nơi gần nhất và xa nhất, với Phong.
Đó là một ngày thu buồn, mưa nhu trút nước.
8.
Đã qua sáu năm rồi nhưng mỗi lần nghe lại “Mưa phố” Phong thấy lòng mình bỗng xôn xao bao nhiêu là kỉ niệm: thế võ judo, những cơn mưa, nụ cười răng khểnh…. Không cần đó phải là những tác phẩm bất hủ, hay nổi tiếng thế giới, âm nhạc vẫn kì diệu, có thể chỉ do một người bình thường viết ra, người nghe cũng chỉ tình cờ… Giờ đã là một kiến trúc sư trẻ bận rộn, bên cạnh những nét sắc cứng trong bản vẻ kỹ thuật, anh còn là một người nghệ sĩ với nét vẽ bút chì thật mềm mại và uyển chuyển. Đã nhiều lần cầm bút lên định vẽ bức tranh xưa nhưng lại thôi. Anh muốn giữ trong tim mình, có như vậy bức tranh mới đẹp mãi mãi.
Phong đã đi hết một con phố, anh mỉm cười vu vơ và lững thững quay về. Vừa đi, anh vừa khe khẽ hát : mưa phố, chiều nay phố lạ, nhỏ …. dễ thương dạ thưa.
Đang đi, bất chợt Phong dừng lại.
Chiếc kính cận, mái tóc chấm vai, dáng người nhỏ nhắn … những hình ảnh lướt qua đầu anh thật trùng với kí ức.
Anh định quay đầu lại nhưng nghĩ chắc mình đang mơ …
- Anh Phong !
Gió thu se se lạnh, trời lất phất mưa – những hạt mưa phố li ti ….
9.
Sẽ là những khoảng lặng để một ngày nào đó, ai đó có thể biết được rằng mưa phố gần hay mưa phố xa…
TÚ TRINH
1998
(*) những chữ in nghiêng là ca từ trong bài hát “Mưa phố”, tác giả Thảo Linh.
(Trích trong tập truyện ngắn “Bắt tay sương mù”, tác giả Tú Trinh, tủ sách "Tuổi mới lớn", nhà xuất bản Kim Đồng 2004, tái bản 2005)
Nói mấy dòng dừng lại rượu say
Không từng uống giọt rượu nào trên tay mà cuối cùng vẫn thấy ngây ngây cả người. Đọc chữ cũng như uống rượu vậy. Có lúc như nhâm nhi, ngập ngừng từng chữ, lại cũng có lúc ừng ực nuốt lấy hết cả một dòng, một trang, với niềm đam mê không thể hiểu được. Kỳ lạ thật, bỗng dưng tưởng tượng ra cả một nền monitor tràn trề tứa ra toàn rượu vang đỏ, hay máu, hơi sệt quánh lại khi tuôn rơi xuống bàn. Những con chữ trong thư sóng sánh một chất rượu nhẹ nhàng mà cũng thật nồng nồng khó tả. Say, say mất rồi, chếnh choáng theo con chữ của người nào ở xa, rất xa.
Ở Sài Gòn những quán bar không thiếu, ngay những phòng trà quán café cũng sẵn thứ rượu thông thường khi bạn cần uống. Tôi không rành rẽ lắm về rượu nhưng khi cầm một cái menu cũng liếc qua cho hết. Những tên rượu đập nhẹ vào mắt, whisky, rum, cognac, vin,…rồi những cocktail nhiều vị nhiều màu. Không uống được rượu. Hình như trước giờ tôi cũng chỉ nhấp môi qua có vài loại. Và cũng hình như chỉ có vin mới dung nạp, mới chấp nhận nổi tôi. Với rum, với whisky tôi cảm giác hình như mình bị dị ứng. Hơi buồn một chút. Nhớ cái lần uống rum ở một quán café gần trường. Thấy nhịp tim bắt đầu đập loạn xạ, nóng bừng cả người lên. Chất men, có một cái gì đó quyến rũ lạ kỳ. Nhìn nó như một kẻ đói, như một đứa trẻ con ngước nhìn thứ đồ mình không được phép chạm đến.
Bọn da đỏ gọi rượu là nước có lửa. Du hành, di hành theo những bước chân người đi khai phá đất viễn tây chắc là rượu whisky rồi. Nghe đâu whisky được gọi tếu là chất nước của cuộc sống. Rượu cứ cất trong những chai bé xíu xiu, lâu lâu thèm thì mở ra nốc một ngụm.
“Không phải quyền hạn của mày.” Đó là lời nói mà tôi nghe được mỗi khi chạm đến một cái menu tên rượu. “Không phải chuyện của mày, mày uống đi, cứ nốc vào đi, rồi thì chuyện gì đến sẽ đến. Cầm trên tay cốc rượu cũng không biện hộ được là mày chỉ uống cho đỡ thèm nhớ một cái gì khác chứ không phải rượu.” Ái chà, nguỵ biện quá. Rượu ơi, mày có giận tao vì tao đã uống như kẻ khốn nạn trốn tránh, một con mụ hèn nhát, trốn tránh ngay cả việc tìm đường để trốn không. Hành lộ nan, đa kỳ lộ, kim an tại. Câu thơ vui nhỉ? Tao thích nghĩ ra cảnh mình sẽ dang rộng tay đứng giữa trời mà gào toáng lên, gào đến khản giọng câu thơ này. Chỉ là tưởng tượng thôi. Tao bao giờ cũng chỉ tưởng tượng, tao chả dám làm cái gì hết. Đến rượu tao cũng không dám uống kia mà. Thật tình nhiều lúc tao thèm nốc một cốc rượu đầy kinh khủng. Tao đã ngồi yên lặng suốt cả đêm 30 tết, cứ ngồi yên trên ghế thôi, và mở mắt trừng trừng nhìn những chiếc ly pha lê Bohemia xinh đẹp trong tủ kính. Tao tưởng tượng mà không cần nhắm mắt lại. Trước mắt tao là hình ảnh tao cầm chiếc ly trong trẻo ấy, bây giờ ngập tràn ánh đỏ của chất vin sóng sánh. Rồi tao lại thèm được đập nát những chiếc ly kia để cầm lấy chai vin mà ngửa cổ uống. Ha, một hình ảnh trong phim tao thường thấy. Ngay cả tưởng tượng của tao cũng rẻ tiền! Và tao đứng dậy, tắt đèn trong phòng khách, đi ngủ. Tao đã nằm trên giường tiếp tục nghĩ đến hình ảnh tao đập nát cái chai vin kia ra thành từng mảnh vụn như thế nào. Tao uống trong suốt giấc ngủ của tao.
Bây giờ lại nghĩ đến một ly rượu màu vàng nhàn nhạt, nhạt hơn cả màu nắng, đựng trong một cái ly thon dài. Không nhớ Dung gọi nó là rượu gì nhỉ? Dùng một chiếc tăm đầu bạc để khuấy. Chỉ cảm giác là nó rất trong, trong veo và nhàn nhạt, như màu hổ phách nhạt vậy. Mùi vị rượu nào khi uống vào cũng làm tao cảm thấy hơi đắng đắng một chút. Chất men nào cũng đắng, ngay cả men ái tình. Hà, lại triết lý rẻ tiền nữa rồi. Cuộc đời này thì đếch cần những loại triết lý kiểu như ta, và cũng đếch cần những người rẻ tiền như ta. Nhớ đến Dung ngay lúc này. Bây giờ đang ở đâu đấy Dung? Chẳng biết được một điều tối thiểu là ở chỗ Dung bây giờ sáng hay tối nữa. Sao cứ mãi hình dung ra hình ảnh Dung trên cánh đồng nho đỏ nhỉ? Nắng chói chang, những thửa đất vàng nâu, khô khô, cằn cằn. Ha, lại bị ám ảnh bởi bức tranh của Van Gogh đây mà. Cái gì cũng quy về những điều đã có sẵn cả, ngay suy nghĩ cũng chỉ còn là những motif. Chán thật.
Bây giờ cũng thèm được nghĩ ra hình ảnh mình với ly rượu. Có ước mơ được uống. Kỳ thật, ước mơ gì quái thế này! Mình uống. Uống là một động từ. Phải đi kèm với complement, uống nước lọc, uống coca, uống sirop,… Để không thôi, chẳng có túc từ, hừm, mình uống, đấy là uống rượu. Ngầm hiểu. Chẳng biết quy luật này ai đặt ra nữa. Cũng hay, giản dị. Mình uống. Vậy là đủ, chẳng cần phải là mình uống rượu, mình uống bia,… Giản dị với chất cồn.
Sao không sống giản dị như thế nhỉ? Có một người luôn tự nhận rằng hắn là người giản dị. Quái đản, đó là thằng phức tạp nhất mà mình từng biết. Hắn hình như cũng đang tự mị bản thân rồi. Hắn ba láp đầy những câu chữ, hoặc cũng có thể hắn rất chân thành nghĩ hắn giản dị thật. Cầu mong hắn thực sự tin như thế. Còn nếu chính hắn cũng biết hắn đang tự mỵ bản thân thì thương cho hắn lắm. Làm gì đây nhỉ? Uống một ly đi nào!
Tôi cũng gọi Dung giản dị là Dung. Chỉ là Dung thôi, chả là Giả Dung, Lưu Dung hay Dung Dung Dung nhi gì hết. Chỉ là Dung thôi. Dung, giống như tên gọi của một người đã biết. Thà đừng quen, chỉ nên biết. Tôi biết trên đời này có một người mà tôi gọi là Dung. Trong vòng 7 tỷ con người lổm ngổm sống trên địa cầu này có một người tôi gọi là Dung.
Công nhận là quẩn quanh, định viết cho em về những ly rượu để đáp lời Dung, cuối cùng cô em ơi, cô em xa xôi ơi, ta viết gì đây thế này hở em? Nàng ngồi phương xa, nàng chải đầu, nàng rũ tóc, nàng ngơ ngẩn, nàng khóc nàng cười. Chiều xuống rồi, nàng ơi! Cô nàng của tôi, em không uống được rượu. Em cũng không thích tôi uống, mỗi lần tôi bảo không sao, mới uống chút xíu thôi à, không sao mà, thể nào em cũng bắt đầu kể chuyện sự tích chiếc bao tử của Dung. Tôi cười thôi, một cái cười nhếch mép nhẹ nhàng, không thể để cho em có cảm giác tôi đang nhếch mép cười qua chiếc điện thoại được. Tôi cũng chỉ muốn nói với em rằng, nếu tôi là Dung, tôi cũng sẽ uống như thế thôi! Tôi thà làm một con người chết trẻ trong ly rượu còn hơn sống cái kiếp sống lưu đày vĩnh viễn mạt hạng này. Chán lắm em. Tôi thèm được là Dung.
Ngày ấy nghe điện thoại, trách Dung sao lại ra đi. Không hiểu gì hết. Bây giờ đọc lại lá thư về những ly rượu xứ xa xôi, tôi mới cảm nhận được. Nếu tôi là Dung có lẽ tôi cũng sẽ ra đi, mà có lẽ còn ra đi sớm hơn nữa kìa. Tôi không có một người như em để ngóng trông hộ tôi phần ký ức của tôi. Ôi, tỉnh mộng chưa, đại mộng của ta. Phù du triệu sinh mộ tử. Tôi muốn được làm một con phù du, nhẹ nhàng lả lơi rơi xác xuống ly rượu vàng hổ phách kia. Dù rằng sau đó, người ra sẽ hất đi ra hè phố không thương tiếc, thậm chí có thể còn khuyến mãi thêm vài câu nguyền rủa. Cũng hay. Đầy màu sắc. Một cuộc đời sôi động.
Em biết gì về phố Sài Gòn, em? Sao người ta cứ nài ta kể về phố phường Sài Gòn mãi thế? Ta sống thay, sống hộ, sống thêm một đời sống cho một người khác ở Sài Gòn này. Chưa bao giờ lại thấy gắn bó với nó như vậy. Những con đường, những ngõ hẻm, cả những cái cây nữa. Cứ đi qua là nhớ! Giống người ta nghĩ về sài Gòn, người ta ở xa Sài Gòn nên người ta mơ về Sài Gòn; tôi chưa từng đến Paris nên tôi mơ về Paris. Tôi cứ nghĩ mãi về những hè phố ở Paris. Ôi lại bắt đầu từ những bộ phim đã xem, những tấm bưu thiếp đã biết. Có hai gã say lục thùng rác tìm chai rượu cũ. Nốc một chút rượu thừa cặn còn sót lại ở đáy chai. Trước cửa những nhà hàng sang trọng, hay những ngôi nhà quý tộc, người ta không vét cạn đến giọt cuối cùng như chúng ta. Em đến khu Paris 5 bao giờ chưa? Hai người ăn mày lang thang, hai gã say tội nghiệp của tôi đang ở đấy. Những dãy tường nhà mùa đông cũng như mùa hè lúc nào cũng cảm nhận được hơi lạnh phả ra, và còn cả hơi lạnh từ khuôn mặt xinh đẹp của người phụ nữ xa lạ quý phái kia nữa. Khuôn mặt kia, đôi mắt kia chắc là bừng bừng đầy lửa khi thân nằm gọn trong vòng siết của người tình chứ chẳng yên lặng rắn chắc đanh lại như mặt hồ đóng băng thế kia đâu em. Đôi mắt đi qua, không bao giờ nhìn xuống mũi giày. Hai gã ăn mày lẳng lặng trải giấy báo, ngồi chuẩn bị bữa tiệc thịnh soạn. Một ít cặn vang còn sót lại, một ít giò sống còn vương ở giấy lót. Ừm, tôi bất ngờ nhớ đến con Bim trắng tai đen. Em ghét truyện Nga nên chắc không biết nó. Nó cũng hay lục thùng rác. Ha, hai nhân vật của tôi… cũng y hệt như những con chó thế này à? Ha, hay, kiếp người. Nhục thật, nhục! Mà cũng lại sang, vét cho cạn giọt vang cuối cùng trong đáy chai đi, đừng để sót lại giọt nào, nhớ lắc chai, dốc dốc, vỗ đáy, và lại còn phải lè lưỡi liếm cho sạch chất vang còn sót lại nơi vành cổ chai, phải nuốt nước bọt ừng ực trong cổ đang trào lên vì thèm. Thô tục không em? Em đừng bĩu môi như thế chứ. Tôi không thể tưởng tượng ra một cái gì hơn đâu. Rượu của tôi là rượu khát mà em, không có trăng, không có tuyết, không có nến lãng mạn như truyện đâu em. Tôi cũng không phóng khoáng đến độ cho hai gã lang thang của tôi được tranh luận về rượu như hình ảnh của ông đạo diễn người Nhật mà Dung từng nói đến. Tuy nhiên em yêu ạ, tôi sẵn lòng bố thí cho hai gã sự yên lặng. Tôi thích nhìn hai gã im lặng uống, không thốt ra thanh âm nào cả. Cặn rượu thì không đủ say, cứ im mà uống. Cảm giác còn chưa đến được mức lưng lửng của say. Tôi ưng nó như thế.
Mà có lẽ thế là xong kịch bản của tôi. Một kết thúc đẹp, cho hai gã lang thang. Lang thang mà không rách rưới. Lang thang mà không nhiều lời. Paris của tôi không có những gã lang thang ca bài ca du mục giữa đêm khuya đâu em. Cảnh sát sẽ đến hốt tất cả vào đồn thôi. Paris của tôi cũng không có mưa kiểu Apollinaire. Đi trên cầu sông Seine thì phải yên lặng, tôi sợ những thanh âm bất giờ sẽ kéo giật con người ta đâm đầu xuống nước mất. Tự tử ở sông Seine thì ngu lắm. Không thích. Dù con sông thì bao giờ cũng chảy phăng đi thôi. Sông, nước lã, chứ có phải rượu đâu nhỉ? Cớ gì mà thằng cha Trích Tiên lại đâm đầu xuống?
Thôi, thôi, có lẽ một kết thúc đẹp cho em vậy. Tôi sẽ cho hai gã lang thang nốc cạn chai vang rồi im lặng đi khuất dần khỏi đại lộ nhé. Một góc quay đẹp. Ánh sáng mờ dần rồi tắt hẳn. Cắt hết cảnh quay. Happy ending, for you and me!
SG, 12h48 am, 29/8/04
Mạn Vũ
Saturday, October 16, 2004
Những âm khúc tìm thấy
Tặng những ai có dính dáng đến câu chuyện này…
Năn nỉ chị Hai đổi “bài hát yêu thích” hoài mà không được, bé Út tức, đi đâu, gặp ai, cũng méc là chị Hai cứ suốt ngày “ò e í, í e ò”. Con nhỏ này, ăn hiếp chị quá đáng! Lúc bé Út từ năm này qua năm kia rống lên: “sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì, em biết không…” thì nó thấy… chuyện bình thường, vì nó cũng thích, lúc hứng thú còn gào lên phụ hoạ. Có đi “méc” lung tung đâu!
Hồi đầu năm, nó kiếm đâu ra cái máy nghe băng nhỏ nhỏ, chắc cũng rẻ rẻ thôi rồi đập ống heo mua một cái earphone xinh xinh, cái này thì mắc mắc à nha, vậy là có mà nghe. Lúc buồn thì mở cuộn băng có giọng ông Bắc Mỹ đọc mấy bài luận dài liên tu bất tận, lúc vui thì vớ được cuộn băng gì nghe đó, miễn có liên quan đến giai điệu, bất kể pop, rock, hip-hop… Tự nhiên nghe đến bài Zombie của The Cranberries, nó đâm ra khoái chí, khoái cả dòng gothic rock luôn. Nhập tâm quá, cố lắm cũng chỉ nghe ra vài chữ hát theo kiểu ò e í í e ò. Lặn lội lên net kiếm song lyric, điệp khúc mà nó lải nhải dài hơn lúc trước: But you see, it’s not me, it’s not my family/ In your head, in your head, they are fighting/ With their tanks and their bombs… Nghe cũng tha thiết lắm chứ bộ. Bé Út thì cứ khăng khăng: “Em đầu hàng. Chẳng thể hiểu nổi nhạc rock có cái gì mà Hai thích nữa!”. Không tranh cãi với con nhỏ chỉ có duy nhất chú Trịnh Công Sơn trong phần tim dành cho âm nhạc.
Nói về cái vụ nhạc nó cũng thuộc loại tàm tạm, nghĩa là không quá “trùm”, cũng không quá ngố. Nó tự hào là mình lớn lên trong nhạc Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Văn Cao… mà, rồi luôn đứng đầu môn Anh văn trong trường nhờ… ghiền classic pop thập niên 60-80. Gần đây thì nó còn quan tâm đến R&B và world music nữa, nói chung, để không lạc hậu với “tình hình thế giới” thôi. Nhưng nó phát giác ra là mình cực kì lạc hậu ở Việt Nam, nó chẳng thuộc nổi một bài nhạc trẻ nào cả. Có thể nghe thì thấy quen quen, chắc tại mấy quán cà phê gần nhà mở nhạc lớn quá, ảnh hưởng đến thần kinh của nó. Từ đây thì hết rồi nhé, cái earphone đã giải thoát cho nó, nó thích nghe gì là chuyện của riêng nó, bất khả xâm phạm…
***
Đại ca rủ đi cà phê rock, nó gật đầu liền, đi thì đi chứ sợ ai, sinh viên năm nhất rảnh lắm. Nó nghe tụi bạn đồn đại rocker, rockfan rất dữ, toàn là “quái kiệt giang hồ” thôi. Lúc đầu nó cũng sợ sợ, nhưng có đại ca – sinh viên trường An ninh thì hoàn toàn an tâm.
Buổi chiều, quán vắng, chỉ lác đác vài bàn có người ngồi. Đại ca chọn cái bàn trong góc để người ta không chú ý nhiều, sau này mới biết lý do: con gái mà ghé quán này đã là chuyện hiếm, đi nghe rock mà mặc cái áo trắng tinh lại càng hiếm… Nó buồn cười, trời, đại ca để ý chi mấy chuyện không đâu, có ai cấm con gái nghe rock đâu, mà nghe rock thì phải mặc đồng phục đen thui sao?
Đúng như thời khóa biểu, giờ này quán mở rock ballad, nó nhận ra nhạc The Scorpions, cũng nhẹ nhàng. Dàn âm thanh ở đây đã tai thật, nghe rõ từng tiếng dùi nện lên trống, từng tiếng móc guitar bass… Một trong những ước mơ của nó là sau này lớn lên đi làm có nhiều tiền, nó sẽ mua một dàn âm thanh cực xịn để nghe mọi thứ nhạc trên đời mà nó thích. Đã nghe rock thì không tán gẫu, vì có gào lên thì người đối diện cũng không mảy may hay biết. Đại ca bắt đầu gật gật cái đầu theo nhạc. Đến khi quán đổi một cái đĩa khác thì tay trái đại ca giơ ra bấm bấm vào không gian, mấy ngón tay phải làm như thể đang khảy đàn, rất tự nhiên. Ganh tị thật, con gái dù có “cảm” nhạc đến thế nào cũng không “bốc” được vậy đâu. Gần hai tiếng ngồi trong quán, nghe được một mớ nhạc với dàn âm thanh tốt, không nói với đại ca lời nào, kết luận chung là nó thấy vui vui. Chuyện bực mình duy nhất là mùi thuốc lá trong quán nồng nặc quá, làm cả người nó ám khói. Phải về nhà tắm ngay kẻo mẹ lại nghi ngờ nó có… bồ thì khổ. May đại ca không hút thuốc, không rượu chè, nếu vướng vào mấy thứ đó, còn lâu nó mới đi cùng.
Về đến nhà, vẫn còn dư âm rock, nó gào lên điệp khúc quen thuộc, mới một câu thôi đã thấy bà cụ non Út xuất hiện, nhăn nhó:
- Chị Hai có để em yên không? Ò e í hoài, làm ơn thích bài khác dùm cho em nhờ!
Nói rồi bé Út lập tức chạy lên gác, để lại nó với cục tức to bằng ổ bánh mì mẹ để trên bàn ăn. Thì ăn cho đỡ tức chứ sao. Vừa ăn nó vừa nghĩ, rockfan cũng dễ thương, như nó, như đại ca chẳng hạn.
Nghe nhạc nước ngoài quen, nó hiếm khi coi liveshow lắm, trừ một vài trường hợp ngoại lệ, ví dụ: thỉnh thoảng cùng gia đình đi phòng trà ATB nghe cô Anh Tuyết hát. Chỉ có vậy nó mới chịu đi, nó gọi cô Ánh Tuyết là Celine Dion Việt Nam mà. Trường hợp ngoại lệ thứ hai sẽ diễn ra vào tối thứ năm tuần sau: đi coi rock liveshow với đại ca. Chắc nó cũng hồi hộp giống như lần đầu mấy đứa bạn hò hẹn với người yêu vậy đó. Nó và đại ca chắc chắn không yêu nhau rồi, nó hồi hộp vì đại ca hứa dẫn nó ra đằng sau sân khấu tiếp xúc với rocker. Trong đầu nó bắt đầu tưởng tượng lung tung thứ, họ thế nào nhỉ, dữ dằn không, gầm gừ không… Đến với nhạc, trước giờ, đối với nó, đa số nghe bằng tai thôi, lần này vừa nghe, vừa xem, chắc cảm xúc sẽ rất mới mẻ đây.
***
Đông nghẹt người, nó mừng như tìm được đồng minh, một nữa khán giả là con gái. Con trai, con gái như nhau, đa số mặc áo đen và mang giày thấp. Nó đi sớm, vào hậu trường để tận mắt chứng kiến các rocker. Các nhóm nhạc rock có vẻ ngoài hơi lầm lì, thích trang phục màu tối, tự chơi nhạc, đi diễn mang vác nhạc cụ theo rất lỉnh kỉnh. Hít thở một hơi thật sâu, nó chọn anh chàng có vẻ rock nhất để làm quen. Nó đã không chọn lầm người. Anh tên Hưng, nói chuyện hiền khô, giọng trầm trầm, tay trống của nhóm gì đó, đến đây thì bắt đầu ồn, nó không nghe được nữa. Chương trình bắt đầu, các nhóm chờ diễn ngồi ở một góc sân khấu có thể xem luôn chứ không núp sau cánh gà. Nó còn kịp làm quen một cô gái nữa, ca sĩ của một nhóm khác, nói chuyện dễ thương, giọng hào sảng, chống tay hít một cái là bay từ dưới hội trường lên sân khấu, rất mạnh mẽ. Nó nghĩ, chơi nhạc rock mà khoẻ khoắn, tự nhiên như vậy thì thích thật.
Thì ra xem rock liveshow người ta không ngồi, khán giả đứng san sát nhau, trước sân khấu và huơ tay, múa chân, khen chê thẳng thắn. Con trai con gái gục gặc đầu, nhảy lưng tưng theo nhạc, cũng ngộ. Nhiều bảo vệ quá. Nó kéo tay đại ca, quyết định xuống chỗ khán giả. Chiều cao của nó hơi bị khiêm tốn, đứng dưới chẳng thấy gì cả. Rockfan khá ga lăng, thấy nó nhỏ con, người này, người kia lách qua nhường lối đi, thêm đại ca giỏi chen lấn nữa. Không khó khăn lắm nó và đại ca đã chen được lên phía trên. Trong bụng nó thấy nhạc rock Việt Nam cũng dễ thương.
Yên vị rồi thì mạnh ai nấy lo, đại ca gục gặt đầu rất nhanh rất nhuyễn theo điệu nhạc. Nhìn lên sân khấu, anh chàng ca sĩ cũng vừa hát vừa lắc cái đầu liên tục. Nhạc càng ngày càng sôi động, không còn là rock ballad nữa, chuyển qua alternative rock rồi. Nó chưa quen cảm nhạc theo cách đó, nhiều lắm là nhịp chân thôi. Cũng hay, nó đứng đây vừa coi được chương trình, vừa quan sát mọi người.
Đến giữa chương trình thì nó thấy buồn buồn, vì… tạm gọi đó là văn hoá khán giả vậy. Chẳng phải vì mấy tiếng chửi thề quen miệng của lũ con trai mới lớn. Bên cạnh bàn tay với ngón cái, ngón trỏ, ngón út giơ lên, kí hiệu của thông điệp I love you nó còn thấy những bàn tay giơ lên chỉ trơ trọi một ngón giữa. Nếu nó không lầm thì thông điệp từ bàn tay ấy là fuck you, một tiếng chửi thề. Nó dụi mắt mấy lần nhìn cho rõ. Nhìn rõ rồi thì tiếp tục buồn buồn. Người ta dễ dàng nói lời yêu thương nhau, cám ơn cuộc đời. Nhưng sao người ta cũng dễ dàng sỉ vã, thoá mạ và chửi nhau đến thế nhỉ. Chỉ là thưởng thức ca nhạc thôi mà, có thể bạn trai bạn gái ấy không thích nhóm nhạc, không thích bài hát trên sân khấu nhưng biểu hiện bằng cách giơ tay thế thì… Đại ca vẫn say sưa theo từng nhịp rung của dàn loa trong khán phòng, gục gặt đầu điệu nghệ, đang rock metal dồn dập.
Nó chấp nhận được chuyện con trai thỉnh thoảng quen miệng chửi thề, không ủng hộ, cũng không chê trách nặng nề chi. Nhưng giữ câu chửi ấy thành một thông điệp và duy trì nó một cách có ý thức như những cánh tay giơ lên kia thì… Chắc là nó phong kiến quá, cổ lỗ sĩ quá. Nóng hầm hập. Nó lấy tay tự quạt quạt cho mình. Một cánh tay đưa ngang người chạm vào tay nó làm nó giật mình, một chai nước suối. Nó gật đầu cám ơn, nhận lấy, tu liền một hơi. Đỡ hơn một chút. Nó quyết định chú tâm vô nhạc thôi. Có một vài bài rock hát tiếng Việt các nhóm tự sáng tác nghe cũng được.
Trên đường về, nó cứ im im. Đại ca pha trò:
- Lần nào coi rockshow về anh cũng bị đau cổ. Tính rẻ cho em thôi, tiền vé cộng tiền xe ôm là một miếng salonpas loại tốt đó!
Nó cười cười, xoè nguyên bàn tay ịn vào cổ đại ca nghe cái “bộp” rồi rút tay ra. Đại ca cũng cười, lấy tay xoa xoa cổ. Chỉ vậy rồi im lặng cho đến lúc về đến nhà. Hình như đại ca định nói gì với nó nhưng lại thôi. Đại ca phải về sớm, mai thi cử gì đấy trong trường.
Bé Út đợi cửa chị Hai. Thấy mặt nó không có vẻ gì là hớn hở vui thích như lúc đi,cũng không gào lên giai điệu ò e í í e ò như mỗi khi về đến nhà thì hỏi thăm:
- Hai sao vậy, có chuyện gì buồn hả? Nói em nghe đi, hết buồn liền à!
Nó lắc lắc đầu. Cũng định nói cho bé Út nghe nhưng chuyện này chẳng hay ho gì, mắc công làm hư bé Út nữa. Thay đồ xong, nó thấy trên bàn còn một ổ bánh mì. Khác với hôm trước, lần này cạp bánh mì mà nó không nghĩ ra được chuyện gì dễ thương cả…
***
Nó hẹn đại ca ra quán Hoa Anh Đào. Quán là một công trình từ thiện, tạo việc làm và sự hoà đồng xã hội cho các em thiểu năng. Có em bệnh nặng hơn, có em bệnh nhẹ hơn, tùy theo khả năng mà cô chủ phân công việc. Từ ngày phát hiện ra quán này, nó thích ngồi một mình để nói chuyện với mấy em… Nó đang phân vân, ngồi bàn con gấu, con mèo, trái táo, trái cà hay… Nó quyết định ngồi xuống bàn con cọp.
- Bé Na em khoẻ không?
Bé Na mang cho nó một ly trà đá, một nụ cười rồi lững thững bỏ đi về quầy. Bé Việt chạy ào tới.
- Sao lâu quá chị không ghé! Việt nhớ chị lắm!
Nó cười, nắn nót đánh dấu vào tờ giấy: cà phê đá, số lượng một, ghi chú không đường; rồi đưa cho Việt.
- Chị phải đi học mà. Dạo này Việt có khoẻ không?
- Dạ khoẻ. Chị ơi, sắp tới sinh nhật của Việt rồi. Việt muốn mời chị đi dự sinh nhật của Việt. Việt sẽ đãi sinh nhật ở quán. Chị nhớ tặng quà cho Việt là một cái đĩa gốc của Cẩm Ly nha. Ca sĩ Cẩm Ly đó, chị biết không. Chị nhớ mang máy chụp hình nữa nha. Việt muốn chị chụp hình cho Việt và bạn Việt nhân ngày sinh nhật của Việt.
- Chị nhớ rồi, chị sẽ đến mà!
Nó phải khẳng định lần nữa thì Việt mới chịu an tâm làm việc. Lần nào nó đến đây, Việt cũng nói đúng mấy câu đó, nội dung đó. Nghe hoài mà nó không chán, lần nào cũng thấy thương thương cho Việt và tự nhắc mình tháng mười hai phải đến đây mang theo món quà và máy chụp hình. Chắc là Việt sẽ vui lắm. Nhìn Việt, không ai nghĩ em bị khuyếm khuyết, và cũng không ai nỡ bắt nạt em đâu. Việt chân chất, dễ thương thế mà. Nó nhìn quanh tìm bé Nụ, bé Quang…
Đại ca vừa đến, câu đầu tiên đã chọc nó:
- Trời, sao chọn bàn con cọp vậy em? Định cắn anh à?
Chưa kịp trả lời thì… chị ngồi ở bàn bên cạnh nói với qua:
- Anh ơi, cho hỏi mấy giờ rồi?
Nó cười, cái tội chảnh. Mua đồng hồ được tuần lễ thì nổi hứng tháo mặt đồng hồ ra, thích đeo dây không vậy đó. Bà con cứ thế “bé cái lầm”. Đại ca giơ giơ cái tay đen thui ra, phân bua:
- Cái này không phải đồng hồ, chị thông cảm! Chắc khoảng bốn giờ hơn…
Đại ca uống một ly cà phê đá. Nó im lặng ngần ngừ hoài không biết phải nói thế nào. Nữa tiếng sau thì đại ca tằng hắng:
- Em không thích thái độ của mấy đứa rockfan chứ gì?
- Sao đại ca biết?
- Nhìn em tối hôm đó là anh biết liền! Em coi rock live lần đầu nên sốc cũng dễ hiểu.
- Đến bây giờ em vẫn khó chịu. Và em nghĩ em sẽ còn khó chịu dài dài…
- Họ trẻ và muốn tỏ ra thẳng thắn, khen ngợi và chê bai, nhưng không có kí hiệu văn hoá của riêng mình. Họ mượn hay nói đúng hơn là bắt chước nước ngoài, vậy đó em! Riết cũng quen thôi em ơi!
- Chẳng lẽ em phải chung sống và chấp nhận những điều em cho là không đúng, là xấu à? – Nó bắt đầu cáu lên.
- Cuộc sống là sự tương đối. Không phải rockfan nào cũng vậy, vẫn còn những người rất dễ thương mà… Em cũng không cần phải ép mình chấp nhận, em không thích thì đừng đi coi live nữa. Em đâu có đến với rock bằng vài hành động của rockfan và anh tin em cũng không bỏ rock đi vì điều đó!
Nó xịu mặt xuống. Đại ca hôm nay không có cái đầu gật gật lắc lắc để rồi than đau cổ như mấy hôm hai anh em đi nghe rock. Trước mặt nó hiện giờ là một ông anh sinh viên điềm đạm triết lý rất có lý. Vậy đi, cứ tương đối một chút cuộc sống sẽ dễ chịu hơn. Nhưng sao lòng nó vẫn thấy còn cái gì đó nằng nặng. Ừm, cũng phải từ từ chứ… Giải quyết xong chuyện làm nó khó chịu mấy ngày nay, nó vẫn không buồn nói chuyện. Đại ca lại bắt đầu:
- Nếu chỉ nhìn khuôn mặt bé Na và bé Nụ, em có phân biệt được không?
- Em chưa thử, nhưng người bệnh down thì gương mặt giống nhau lắm…
- Không đâu em. Mỗi hạt cát vô tri ngoài kia còn khác nhau thì hai con người do hai con người khác rứt ruột sinh ra sao giống nhau được. Em nhìn Việt đang chọc bé Na bé Nụ cười kìa. Em thấy không, niềm vui của Na ríu rít hơn, gương mặt bé dãn ra nhiều hơn Nụ…
Nó quan sát bé Na bé Nụ. Đúng thật ha, vậy mà trước giờ nó không nhận ra, bé Nụ hình như trầm hơn, cười mà miệng không mở to như Na đâu. Lúc hai bé cười, dễ thương thiệt…
Sau những ầm ầm trống đàn hôm rock liveshow, hình như chiều nay nó tìm thấy từ đại ca ít nhất là hai âm khúc dịu dàng. Gọi là âm khúc vì nó chẳng lộ ra ngoài, mà nó âm ỉ thao thiết trong bề nổi rộn rã của cuộc sống, len lỏi vươn sâu hơn, xa hơn những âm thanh kỹ thuật số hiện đại… Âm khúc “tương đối” với rock, âm khúc bé Na bé Nụ cười… Nó thấy buổi chiều bỗng nhẹ như bông, buổi chiều bay bay lửng lơ trong những thanh âm tạm gọi là âm khúc…
- Nghĩ gì mà cười cười đó?
- Hì hì… Nhìn lại thì đại ca không giống sinh viên trường An ninh lắm, cũng không giống một cảnh sát tương lai. Đại ca giống Triết gia hơn! Chừng nào Triết gia mới chịu có bồ đây?
- Con nít nhiều chuyện! Chừng nào có người “rước” em đi thì lúc đó tính…
Nó đỏ mặt chống chế:
- Tính sớm đi đại ca! Anh tuổi thân, em tuổi hợi, đi chung nhau hoài xui lắm, tứ hành xung đó…
Đại ca nghe xong thì ôm bụng cười ha ha. Nó vẫn chưa hết đỏ mặt, gào lên nho nhỏ một đoạn điệp khúc trong bài Zombie:
In you head, in your head, zombie, zombie, zombie, hey hey hey, what’s in your head…
Bé Út mà thấy mặt nó đỏ thế này chắc sẽ tưởng nó say rượu. Nó thì biết nó chỉ hơi say nắng chiều nay thôi…
TÚ TRINH
(Trích trong tập truyện ngắn “Bắt tay sương mù”, tác giả Tú Trinh, tủ sách "Tuổi mới lớn", nhà xuất bản Kim Đồng 2004, tái bản 2005)
Năn nỉ chị Hai đổi “bài hát yêu thích” hoài mà không được, bé Út tức, đi đâu, gặp ai, cũng méc là chị Hai cứ suốt ngày “ò e í, í e ò”. Con nhỏ này, ăn hiếp chị quá đáng! Lúc bé Út từ năm này qua năm kia rống lên: “sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì, em biết không…” thì nó thấy… chuyện bình thường, vì nó cũng thích, lúc hứng thú còn gào lên phụ hoạ. Có đi “méc” lung tung đâu!
Hồi đầu năm, nó kiếm đâu ra cái máy nghe băng nhỏ nhỏ, chắc cũng rẻ rẻ thôi rồi đập ống heo mua một cái earphone xinh xinh, cái này thì mắc mắc à nha, vậy là có mà nghe. Lúc buồn thì mở cuộn băng có giọng ông Bắc Mỹ đọc mấy bài luận dài liên tu bất tận, lúc vui thì vớ được cuộn băng gì nghe đó, miễn có liên quan đến giai điệu, bất kể pop, rock, hip-hop… Tự nhiên nghe đến bài Zombie của The Cranberries, nó đâm ra khoái chí, khoái cả dòng gothic rock luôn. Nhập tâm quá, cố lắm cũng chỉ nghe ra vài chữ hát theo kiểu ò e í í e ò. Lặn lội lên net kiếm song lyric, điệp khúc mà nó lải nhải dài hơn lúc trước: But you see, it’s not me, it’s not my family/ In your head, in your head, they are fighting/ With their tanks and their bombs… Nghe cũng tha thiết lắm chứ bộ. Bé Út thì cứ khăng khăng: “Em đầu hàng. Chẳng thể hiểu nổi nhạc rock có cái gì mà Hai thích nữa!”. Không tranh cãi với con nhỏ chỉ có duy nhất chú Trịnh Công Sơn trong phần tim dành cho âm nhạc.
Nói về cái vụ nhạc nó cũng thuộc loại tàm tạm, nghĩa là không quá “trùm”, cũng không quá ngố. Nó tự hào là mình lớn lên trong nhạc Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Văn Cao… mà, rồi luôn đứng đầu môn Anh văn trong trường nhờ… ghiền classic pop thập niên 60-80. Gần đây thì nó còn quan tâm đến R&B và world music nữa, nói chung, để không lạc hậu với “tình hình thế giới” thôi. Nhưng nó phát giác ra là mình cực kì lạc hậu ở Việt Nam, nó chẳng thuộc nổi một bài nhạc trẻ nào cả. Có thể nghe thì thấy quen quen, chắc tại mấy quán cà phê gần nhà mở nhạc lớn quá, ảnh hưởng đến thần kinh của nó. Từ đây thì hết rồi nhé, cái earphone đã giải thoát cho nó, nó thích nghe gì là chuyện của riêng nó, bất khả xâm phạm…
***
Đại ca rủ đi cà phê rock, nó gật đầu liền, đi thì đi chứ sợ ai, sinh viên năm nhất rảnh lắm. Nó nghe tụi bạn đồn đại rocker, rockfan rất dữ, toàn là “quái kiệt giang hồ” thôi. Lúc đầu nó cũng sợ sợ, nhưng có đại ca – sinh viên trường An ninh thì hoàn toàn an tâm.
Buổi chiều, quán vắng, chỉ lác đác vài bàn có người ngồi. Đại ca chọn cái bàn trong góc để người ta không chú ý nhiều, sau này mới biết lý do: con gái mà ghé quán này đã là chuyện hiếm, đi nghe rock mà mặc cái áo trắng tinh lại càng hiếm… Nó buồn cười, trời, đại ca để ý chi mấy chuyện không đâu, có ai cấm con gái nghe rock đâu, mà nghe rock thì phải mặc đồng phục đen thui sao?
Đúng như thời khóa biểu, giờ này quán mở rock ballad, nó nhận ra nhạc The Scorpions, cũng nhẹ nhàng. Dàn âm thanh ở đây đã tai thật, nghe rõ từng tiếng dùi nện lên trống, từng tiếng móc guitar bass… Một trong những ước mơ của nó là sau này lớn lên đi làm có nhiều tiền, nó sẽ mua một dàn âm thanh cực xịn để nghe mọi thứ nhạc trên đời mà nó thích. Đã nghe rock thì không tán gẫu, vì có gào lên thì người đối diện cũng không mảy may hay biết. Đại ca bắt đầu gật gật cái đầu theo nhạc. Đến khi quán đổi một cái đĩa khác thì tay trái đại ca giơ ra bấm bấm vào không gian, mấy ngón tay phải làm như thể đang khảy đàn, rất tự nhiên. Ganh tị thật, con gái dù có “cảm” nhạc đến thế nào cũng không “bốc” được vậy đâu. Gần hai tiếng ngồi trong quán, nghe được một mớ nhạc với dàn âm thanh tốt, không nói với đại ca lời nào, kết luận chung là nó thấy vui vui. Chuyện bực mình duy nhất là mùi thuốc lá trong quán nồng nặc quá, làm cả người nó ám khói. Phải về nhà tắm ngay kẻo mẹ lại nghi ngờ nó có… bồ thì khổ. May đại ca không hút thuốc, không rượu chè, nếu vướng vào mấy thứ đó, còn lâu nó mới đi cùng.
Về đến nhà, vẫn còn dư âm rock, nó gào lên điệp khúc quen thuộc, mới một câu thôi đã thấy bà cụ non Út xuất hiện, nhăn nhó:
- Chị Hai có để em yên không? Ò e í hoài, làm ơn thích bài khác dùm cho em nhờ!
Nói rồi bé Út lập tức chạy lên gác, để lại nó với cục tức to bằng ổ bánh mì mẹ để trên bàn ăn. Thì ăn cho đỡ tức chứ sao. Vừa ăn nó vừa nghĩ, rockfan cũng dễ thương, như nó, như đại ca chẳng hạn.
Nghe nhạc nước ngoài quen, nó hiếm khi coi liveshow lắm, trừ một vài trường hợp ngoại lệ, ví dụ: thỉnh thoảng cùng gia đình đi phòng trà ATB nghe cô Anh Tuyết hát. Chỉ có vậy nó mới chịu đi, nó gọi cô Ánh Tuyết là Celine Dion Việt Nam mà. Trường hợp ngoại lệ thứ hai sẽ diễn ra vào tối thứ năm tuần sau: đi coi rock liveshow với đại ca. Chắc nó cũng hồi hộp giống như lần đầu mấy đứa bạn hò hẹn với người yêu vậy đó. Nó và đại ca chắc chắn không yêu nhau rồi, nó hồi hộp vì đại ca hứa dẫn nó ra đằng sau sân khấu tiếp xúc với rocker. Trong đầu nó bắt đầu tưởng tượng lung tung thứ, họ thế nào nhỉ, dữ dằn không, gầm gừ không… Đến với nhạc, trước giờ, đối với nó, đa số nghe bằng tai thôi, lần này vừa nghe, vừa xem, chắc cảm xúc sẽ rất mới mẻ đây.
***
Đông nghẹt người, nó mừng như tìm được đồng minh, một nữa khán giả là con gái. Con trai, con gái như nhau, đa số mặc áo đen và mang giày thấp. Nó đi sớm, vào hậu trường để tận mắt chứng kiến các rocker. Các nhóm nhạc rock có vẻ ngoài hơi lầm lì, thích trang phục màu tối, tự chơi nhạc, đi diễn mang vác nhạc cụ theo rất lỉnh kỉnh. Hít thở một hơi thật sâu, nó chọn anh chàng có vẻ rock nhất để làm quen. Nó đã không chọn lầm người. Anh tên Hưng, nói chuyện hiền khô, giọng trầm trầm, tay trống của nhóm gì đó, đến đây thì bắt đầu ồn, nó không nghe được nữa. Chương trình bắt đầu, các nhóm chờ diễn ngồi ở một góc sân khấu có thể xem luôn chứ không núp sau cánh gà. Nó còn kịp làm quen một cô gái nữa, ca sĩ của một nhóm khác, nói chuyện dễ thương, giọng hào sảng, chống tay hít một cái là bay từ dưới hội trường lên sân khấu, rất mạnh mẽ. Nó nghĩ, chơi nhạc rock mà khoẻ khoắn, tự nhiên như vậy thì thích thật.
Thì ra xem rock liveshow người ta không ngồi, khán giả đứng san sát nhau, trước sân khấu và huơ tay, múa chân, khen chê thẳng thắn. Con trai con gái gục gặc đầu, nhảy lưng tưng theo nhạc, cũng ngộ. Nhiều bảo vệ quá. Nó kéo tay đại ca, quyết định xuống chỗ khán giả. Chiều cao của nó hơi bị khiêm tốn, đứng dưới chẳng thấy gì cả. Rockfan khá ga lăng, thấy nó nhỏ con, người này, người kia lách qua nhường lối đi, thêm đại ca giỏi chen lấn nữa. Không khó khăn lắm nó và đại ca đã chen được lên phía trên. Trong bụng nó thấy nhạc rock Việt Nam cũng dễ thương.
Yên vị rồi thì mạnh ai nấy lo, đại ca gục gặt đầu rất nhanh rất nhuyễn theo điệu nhạc. Nhìn lên sân khấu, anh chàng ca sĩ cũng vừa hát vừa lắc cái đầu liên tục. Nhạc càng ngày càng sôi động, không còn là rock ballad nữa, chuyển qua alternative rock rồi. Nó chưa quen cảm nhạc theo cách đó, nhiều lắm là nhịp chân thôi. Cũng hay, nó đứng đây vừa coi được chương trình, vừa quan sát mọi người.
Đến giữa chương trình thì nó thấy buồn buồn, vì… tạm gọi đó là văn hoá khán giả vậy. Chẳng phải vì mấy tiếng chửi thề quen miệng của lũ con trai mới lớn. Bên cạnh bàn tay với ngón cái, ngón trỏ, ngón út giơ lên, kí hiệu của thông điệp I love you nó còn thấy những bàn tay giơ lên chỉ trơ trọi một ngón giữa. Nếu nó không lầm thì thông điệp từ bàn tay ấy là fuck you, một tiếng chửi thề. Nó dụi mắt mấy lần nhìn cho rõ. Nhìn rõ rồi thì tiếp tục buồn buồn. Người ta dễ dàng nói lời yêu thương nhau, cám ơn cuộc đời. Nhưng sao người ta cũng dễ dàng sỉ vã, thoá mạ và chửi nhau đến thế nhỉ. Chỉ là thưởng thức ca nhạc thôi mà, có thể bạn trai bạn gái ấy không thích nhóm nhạc, không thích bài hát trên sân khấu nhưng biểu hiện bằng cách giơ tay thế thì… Đại ca vẫn say sưa theo từng nhịp rung của dàn loa trong khán phòng, gục gặt đầu điệu nghệ, đang rock metal dồn dập.
Nó chấp nhận được chuyện con trai thỉnh thoảng quen miệng chửi thề, không ủng hộ, cũng không chê trách nặng nề chi. Nhưng giữ câu chửi ấy thành một thông điệp và duy trì nó một cách có ý thức như những cánh tay giơ lên kia thì… Chắc là nó phong kiến quá, cổ lỗ sĩ quá. Nóng hầm hập. Nó lấy tay tự quạt quạt cho mình. Một cánh tay đưa ngang người chạm vào tay nó làm nó giật mình, một chai nước suối. Nó gật đầu cám ơn, nhận lấy, tu liền một hơi. Đỡ hơn một chút. Nó quyết định chú tâm vô nhạc thôi. Có một vài bài rock hát tiếng Việt các nhóm tự sáng tác nghe cũng được.
Trên đường về, nó cứ im im. Đại ca pha trò:
- Lần nào coi rockshow về anh cũng bị đau cổ. Tính rẻ cho em thôi, tiền vé cộng tiền xe ôm là một miếng salonpas loại tốt đó!
Nó cười cười, xoè nguyên bàn tay ịn vào cổ đại ca nghe cái “bộp” rồi rút tay ra. Đại ca cũng cười, lấy tay xoa xoa cổ. Chỉ vậy rồi im lặng cho đến lúc về đến nhà. Hình như đại ca định nói gì với nó nhưng lại thôi. Đại ca phải về sớm, mai thi cử gì đấy trong trường.
Bé Út đợi cửa chị Hai. Thấy mặt nó không có vẻ gì là hớn hở vui thích như lúc đi,cũng không gào lên giai điệu ò e í í e ò như mỗi khi về đến nhà thì hỏi thăm:
- Hai sao vậy, có chuyện gì buồn hả? Nói em nghe đi, hết buồn liền à!
Nó lắc lắc đầu. Cũng định nói cho bé Út nghe nhưng chuyện này chẳng hay ho gì, mắc công làm hư bé Út nữa. Thay đồ xong, nó thấy trên bàn còn một ổ bánh mì. Khác với hôm trước, lần này cạp bánh mì mà nó không nghĩ ra được chuyện gì dễ thương cả…
***
Nó hẹn đại ca ra quán Hoa Anh Đào. Quán là một công trình từ thiện, tạo việc làm và sự hoà đồng xã hội cho các em thiểu năng. Có em bệnh nặng hơn, có em bệnh nhẹ hơn, tùy theo khả năng mà cô chủ phân công việc. Từ ngày phát hiện ra quán này, nó thích ngồi một mình để nói chuyện với mấy em… Nó đang phân vân, ngồi bàn con gấu, con mèo, trái táo, trái cà hay… Nó quyết định ngồi xuống bàn con cọp.
- Bé Na em khoẻ không?
Bé Na mang cho nó một ly trà đá, một nụ cười rồi lững thững bỏ đi về quầy. Bé Việt chạy ào tới.
- Sao lâu quá chị không ghé! Việt nhớ chị lắm!
Nó cười, nắn nót đánh dấu vào tờ giấy: cà phê đá, số lượng một, ghi chú không đường; rồi đưa cho Việt.
- Chị phải đi học mà. Dạo này Việt có khoẻ không?
- Dạ khoẻ. Chị ơi, sắp tới sinh nhật của Việt rồi. Việt muốn mời chị đi dự sinh nhật của Việt. Việt sẽ đãi sinh nhật ở quán. Chị nhớ tặng quà cho Việt là một cái đĩa gốc của Cẩm Ly nha. Ca sĩ Cẩm Ly đó, chị biết không. Chị nhớ mang máy chụp hình nữa nha. Việt muốn chị chụp hình cho Việt và bạn Việt nhân ngày sinh nhật của Việt.
- Chị nhớ rồi, chị sẽ đến mà!
Nó phải khẳng định lần nữa thì Việt mới chịu an tâm làm việc. Lần nào nó đến đây, Việt cũng nói đúng mấy câu đó, nội dung đó. Nghe hoài mà nó không chán, lần nào cũng thấy thương thương cho Việt và tự nhắc mình tháng mười hai phải đến đây mang theo món quà và máy chụp hình. Chắc là Việt sẽ vui lắm. Nhìn Việt, không ai nghĩ em bị khuyếm khuyết, và cũng không ai nỡ bắt nạt em đâu. Việt chân chất, dễ thương thế mà. Nó nhìn quanh tìm bé Nụ, bé Quang…
Đại ca vừa đến, câu đầu tiên đã chọc nó:
- Trời, sao chọn bàn con cọp vậy em? Định cắn anh à?
Chưa kịp trả lời thì… chị ngồi ở bàn bên cạnh nói với qua:
- Anh ơi, cho hỏi mấy giờ rồi?
Nó cười, cái tội chảnh. Mua đồng hồ được tuần lễ thì nổi hứng tháo mặt đồng hồ ra, thích đeo dây không vậy đó. Bà con cứ thế “bé cái lầm”. Đại ca giơ giơ cái tay đen thui ra, phân bua:
- Cái này không phải đồng hồ, chị thông cảm! Chắc khoảng bốn giờ hơn…
Đại ca uống một ly cà phê đá. Nó im lặng ngần ngừ hoài không biết phải nói thế nào. Nữa tiếng sau thì đại ca tằng hắng:
- Em không thích thái độ của mấy đứa rockfan chứ gì?
- Sao đại ca biết?
- Nhìn em tối hôm đó là anh biết liền! Em coi rock live lần đầu nên sốc cũng dễ hiểu.
- Đến bây giờ em vẫn khó chịu. Và em nghĩ em sẽ còn khó chịu dài dài…
- Họ trẻ và muốn tỏ ra thẳng thắn, khen ngợi và chê bai, nhưng không có kí hiệu văn hoá của riêng mình. Họ mượn hay nói đúng hơn là bắt chước nước ngoài, vậy đó em! Riết cũng quen thôi em ơi!
- Chẳng lẽ em phải chung sống và chấp nhận những điều em cho là không đúng, là xấu à? – Nó bắt đầu cáu lên.
- Cuộc sống là sự tương đối. Không phải rockfan nào cũng vậy, vẫn còn những người rất dễ thương mà… Em cũng không cần phải ép mình chấp nhận, em không thích thì đừng đi coi live nữa. Em đâu có đến với rock bằng vài hành động của rockfan và anh tin em cũng không bỏ rock đi vì điều đó!
Nó xịu mặt xuống. Đại ca hôm nay không có cái đầu gật gật lắc lắc để rồi than đau cổ như mấy hôm hai anh em đi nghe rock. Trước mặt nó hiện giờ là một ông anh sinh viên điềm đạm triết lý rất có lý. Vậy đi, cứ tương đối một chút cuộc sống sẽ dễ chịu hơn. Nhưng sao lòng nó vẫn thấy còn cái gì đó nằng nặng. Ừm, cũng phải từ từ chứ… Giải quyết xong chuyện làm nó khó chịu mấy ngày nay, nó vẫn không buồn nói chuyện. Đại ca lại bắt đầu:
- Nếu chỉ nhìn khuôn mặt bé Na và bé Nụ, em có phân biệt được không?
- Em chưa thử, nhưng người bệnh down thì gương mặt giống nhau lắm…
- Không đâu em. Mỗi hạt cát vô tri ngoài kia còn khác nhau thì hai con người do hai con người khác rứt ruột sinh ra sao giống nhau được. Em nhìn Việt đang chọc bé Na bé Nụ cười kìa. Em thấy không, niềm vui của Na ríu rít hơn, gương mặt bé dãn ra nhiều hơn Nụ…
Nó quan sát bé Na bé Nụ. Đúng thật ha, vậy mà trước giờ nó không nhận ra, bé Nụ hình như trầm hơn, cười mà miệng không mở to như Na đâu. Lúc hai bé cười, dễ thương thiệt…
Sau những ầm ầm trống đàn hôm rock liveshow, hình như chiều nay nó tìm thấy từ đại ca ít nhất là hai âm khúc dịu dàng. Gọi là âm khúc vì nó chẳng lộ ra ngoài, mà nó âm ỉ thao thiết trong bề nổi rộn rã của cuộc sống, len lỏi vươn sâu hơn, xa hơn những âm thanh kỹ thuật số hiện đại… Âm khúc “tương đối” với rock, âm khúc bé Na bé Nụ cười… Nó thấy buổi chiều bỗng nhẹ như bông, buổi chiều bay bay lửng lơ trong những thanh âm tạm gọi là âm khúc…
- Nghĩ gì mà cười cười đó?
- Hì hì… Nhìn lại thì đại ca không giống sinh viên trường An ninh lắm, cũng không giống một cảnh sát tương lai. Đại ca giống Triết gia hơn! Chừng nào Triết gia mới chịu có bồ đây?
- Con nít nhiều chuyện! Chừng nào có người “rước” em đi thì lúc đó tính…
Nó đỏ mặt chống chế:
- Tính sớm đi đại ca! Anh tuổi thân, em tuổi hợi, đi chung nhau hoài xui lắm, tứ hành xung đó…
Đại ca nghe xong thì ôm bụng cười ha ha. Nó vẫn chưa hết đỏ mặt, gào lên nho nhỏ một đoạn điệp khúc trong bài Zombie:
In you head, in your head, zombie, zombie, zombie, hey hey hey, what’s in your head…
Bé Út mà thấy mặt nó đỏ thế này chắc sẽ tưởng nó say rượu. Nó thì biết nó chỉ hơi say nắng chiều nay thôi…
TÚ TRINH
(Trích trong tập truyện ngắn “Bắt tay sương mù”, tác giả Tú Trinh, tủ sách "Tuổi mới lớn", nhà xuất bản Kim Đồng 2004, tái bản 2005)
Friday, October 15, 2004
Bình yên ở trong lòng bàn tay
Cho khanhdung_pooh và những ngày ở trọ trần gian…
Hôm nay vui, mẹ lại vừa cho tiền rủng rỉnh, bé quyết định rủ bà chị yêu dấu của mình ngồi cà phê ở một cái quán nào đó, lạ một chút, sang một chút, phong cách một chút, những cái quán mà hằng ngày hai đứa đi ngang, dù thích lắm nhưng vẫn cương quyết không… đạp thắng xe. Là lá la… la lá là… gọi điện thoại nào.
Bà chị yêu dấu của bé đúng là cầm tinh con… con… chắc là con người, rề rà đến khiếp! Bé dừng xe trước cổng trường lâu lắm rồi, giờ hẹn cũng trôi qua rồi mà vẫn chưa thấy bóng dáng “nàng” xuất hiện. Nửa vòng kim đồng hồ rồi nghen, bắt bé đợi lâu quá là bé… xù à! Trăm lần như một.
Bà chị yêu dấu kia rồi, vừa đi, vừa tung tẩy cái ba lô, miệng thì cứ nói huyên thuyên với… anh bạn đi bên cạnh. Híc híc (cười chứ hổng phải khóc đâu à nha), người gì mà lùn có một khúc, lại không chịu mang giày cao gót nữa, đứng chỉ tới vai bé và anh bạn kia thôi. Lêu lêu.
Thấy bé vẫy tay, anh bạn hỏi:
- Bạn hả? Học trường nào vậy?
Chị cười, nháy mắt tinh nghịch:
- Em tui đó! Bye nghen, mai nhớ đem tập cho tui mượn nghen, không là tui giận đó!
Nói rồi leo lên xe, vòng tay qua ôm bé. Bé gật đầu chào rồi vọt thẳng. Bé biết, phía sau lưng hai chị em là ánh mắt ngơ ngác…
Quán xinh xắn từ lúc ở ngoài nhìn vào đến lúc ngồi xuống nhâm nhi nước và chắc đến lúc ra về, quán vẫn cứ xinh, xinh toàn diện, góc nào cũng xinh. Hai chị em chọn ngồi cạnh một mảng tường rêu vừa lốm đốm xanh, chân tường là những bông hoa túy quỳnh li ti. Nhạc hoà tấu dịu dàng. Chị ngồi, cứ xuýt xoa mơ ước: Mai này chị sẽ mở một quán cà phê dễ thương như vầy! Bé chỉ cười cười, biết tỏng tòng tong, bà chị mình sắp mở một ngân hàng… mơ ước. Cái gì cũng đòi làm, từ nhà nghiên cứu động vật học đến một nhà phê bình sân khấu, rồi sứ giả thiện chí hoà bình, và đến bây giờ là một bà chủ quán cà phê! Tham quá trời trời. Từ một ước mơ chủ quán, câu chuyện đi sang trường học, hôm nay bé chỉ học có bốn tiết thôi, hai tiết dùng để kiểm tra môn Văn rồi, cô cho đề khó quá trời. Tối qua bé vừa ôm con Pooh, vừa học bài kĩ lắm, sáng nay viết tốc kí mới kịp hai đôi giấy. Chị nhớ cho bé mượn thêm sách viết về tác giả này nha, bé còn ôn để thi tốt nghiệp nữa đấy, bé muốn học đều và thi tốt nghiệp đạt loại giỏi mà. Chị gật gù, gì chứ sách thì chị nhiều lắm, bé chịu đọc sách văn là chị thuê xe tải chở cả kệ qua nhà bé liền. Nhắc đến sách mới nhớ, chị đem ra khoe với bé một cuốn truyện thiếu nhi bìa đã vàng, chắc chị vừa mua ở một tiệm sách cũ. Chị nói về nó một cách say mê, rằng từ ngày nhỏ xíu đã mê tác giả này lắm, chị đã mua nó về nhà nhưng bạn nào mượn rồi quên, vậy là mất tiêu cuốn sách. Bây giờ mua lại được cuốn sách, đúng năm đó xuất bản, đúng cái bìa đó, chị vui như gặp người bạn cũ. Xem nào, vụng quá, bàn tay bé dính rêu rồi. Lau tay đi. A để chị coi chỉ tay cho. Trầm ngâm. Sao mà rối rắm vậy bé! Thầy bói chưa rành nghề, không coi nữa đâu. Tới lượt bé háo hức nói về những vị kem dâu, bạc hà, sôcôla, rồi những viên kẹo ở căn-tin trường…
Cứ vậy đấy, vèo một cái, hai tiếng đồng hồ. Chị lắc lắc tay bé: Đi học Anh văn thôi! Ra khỏi quán, leo lên xe cho bé chở. Tuy là chị, nhưng chị mảnh khảnh lắm, hơi lùn và ốm, đi trong chiều thành phố, cứ sợ gió thổi bay mất. Bé nhỏ hơn chị đến ba tuổi mà to cao, còn phải hỏi, bé nằm trong đội tuyển bóng ném mà. Bé là học sinh lớp mười hai mà người ta cứ ngỡ bé là sinh viên đại học. Còn chị thì… sinh viên năm ba rồi mà mọi người cứ bảo học sinh cấp hai. Mà ngộ hen, người ta nói cùng cực thì đẩy nhau, nhưng chị với bé lại hút nhau mới… kì! Chẳng hiểu sao hai đứa lại khắng khít nhau đến vậy. Bé còn nhớ, năm đó bé học lớp sáu, chị học lớp chín. Hai đứa đều là nhân vật nổi tiếng trong trường chuyên cấp hai của quận, cùng học giỏi, sinh hoạt Đội giỏi, rồi tự nhiên thân nhau và thương nhau từ đó. Lớp mười, chị đi học xa, hai đứa vẫn liên lạc với nhau bằng đủ mọi cách. Từ điện thoại đến thư tay, rồi email… lãng mạn vô cùng. Hì hì, hà hà… ngày xưa ấy mà…
***
Quay về thì hiện tại tiếp diễn đi. Mà sao chị rầu rầu. Nhà bé là một công ty may tư nhân. Nhà thì rộng lắm, nhiều phòng ốc, nhưng quá trời lúc bé chẳng có lấy một chỗ để “dung thân”. Tình hình nghiêm trọng đến vậy đó. Phòng mẹ thì hay bị khoá, bạn trai của chị Hai hay ghé nhà buổi trưa và buổi tối, bé… ngại lắm. Phòng giám đốc thì mẹ ngồi làm việc, tiếp khách hàng, phòng của bé bây giờ biến thành kho hàng tạm thời luôn rồi. Nhiều phòng liên tiếp nữa là xưởng cắt may và phòng ở của công nhân. Nhiều hôm phải nhập và xuất hàng, ngay cả cái xó cầu thang còn sót lại, bé cũng không ngồi được. Vậy là bé lại leo lên xe đi ra đường dù lúc ấy không có giờ học, không chạy show thì chạy long nhong.
Bé gọi chị, không có giờ học ở trường là chị đi với bé liền, từ thư viện đến công viên rồi quán chè, quán cà phê cóc vỉa hè… đủ cả. Nhu cầu cấp bách về một chỗ ngồi học và khao khát có một chỗ nằm để nghỉ ngơi, sao mà khó quá không biết nữa! Chị lo lắng nhất là năm nay bé phải học rất nhiều, còn thi đại học nữa. Bé học ngành tự nhiên, cần một chỗ tươm tất để ngồi làm bài tập mà những hàng quán vỉa hè thì… chỉ dư thừa lộn xộn thôi. Ước gì chị là chị Hai của bé, chị hứa sẽ quan tâm đến bé hơn. A ha, lại góp vốn cho ngân hàng mơ ước nữa rồi! Đã vậy, góp thêm một ước mơ vào tài khoản nhé, chị sẽ làm nhà kinh doanh địa ốc, tặng bé một căn phòng nhé, có bàn học, có nhà vệ sinh, có mấy cái gối hình con gấu Pooh mà bé thích. Chịu không? Trời ơi, sao mà cười toe toét và gật đầu cái rụp nhanh vậy?
Trưa nay, hai chị em hẹn nhau ở gần trường chị, ngồi cạp bánh mì, chờ ca học buổi chiều. Dạo này bé sao đó. Vui buồn thất thường lắm, mà nỗi buồn thì cứ ăn hiếp niềm vui. Bé ít cười, cái răng khểnh trốn chui trốn nhủi đâu mất trong cái miệng xinh, lúc nào cũng mím mím lại như ngăn một điều gì đó đang chực trào ra. Bé thích gọi chị là: Mập. Cứ Mập ơi, Mập à suốt ngày, ngược đời chưa, người ta ốm như cây củi ấy, nhưng cũng vui. Chị giả vờ tức giận, gọi bé là Pooh. Bé thích chí lắm, bé mê nhất là con gấu Pooh áo đỏ trong phim hoạt hình mà, vậy là cười tít mắt. Bất ngờ chị đánh vần: u bờ u bu. Vậy là cười vang. Nỗi buồn ơi, chào mi! Kể chuyện nghe nhé, đúng như bé và chị dự đoán, anh bạn của chị hôm trước cứ theo chị hỏi bé là ai miết. Bảo hai đứa là chị em, anh chàng không tin, tiếp tục hỏi chị em thế nào. Chị nghiêm chỉnh:
- Thì ông nội tui gọi ông nội của bé là… mày!
Anh bạn gật gù rồi giật mình: ơ… Chị cười phá lên, giòn tan. Kể lại cho bé nghe, hai đứa lại cười giòn tan lần nữa, cười rung rinh cả buổi chiều bận rộn, còn một ca học nữa mới được về nhà. Cố lên!
***
Hu hu. Nhưng ở đời có những chuyện đáng ghét. Kẻ mình muốn tống khứ đi thì cứ lì lợm ở lại. Nỗi buồn là một trong những kẻ lì lợm nhất trong những kẻ lì lợm đó. Chị ghét nó. Bé ghét nó.
Mẹ và chị Hai to tiếng với nhau vì chuyện kinh doanh của gia đình. Rồi tránh mặt nhau, rồi năn nỉ, rồi hoà, rồi to tiếng… Vòng tròn. Chị Hai sau giờ làm việc là rúc trong phòng riêng với bạn. Bé yêu mẹ nhất nhà. Nhưng bé không bao giờ có thể hiểu được mẹ, biểu đồ tâm trạng của mẹ là những đường cong không dự đoán trước, xuống lên theo sự đến đi, đĩnh đạc, đứng đắn của những người mà bé gọi bằng chú.
Mỗi bình minh, bé ra khỏi nhà, mang những thanh âm cãi vã, những giọt nước mắt giận hờn theo trong cái cặp táp vốn đã rất nặng nề sách vở cho một ngày học tập. Mỗi chiều tối, bé trở về nhà với cái tâm trạng mệt mỏi, cả ngày học và chạy loanh quanh ngoài đường, về đến nhà chỉ muốn nằm ngủ thôi. Nhưng mai còn nhiều bài tập lắm, thèm gặp mẹ một chút lắm, thèm một cái xoa đầu, thèm một chút bình yên cuối ngày lắm. May mà cửa phòng mẹ chưa khoá, bé còn một chỗ để nằm, lâu rồi, bé không được ôm con Pooh của bé ngủ. Ua, mẹ đâu rồi? Bé quờ tay tìm con Pooh của mình, không đợi mẹ được nữa rồi, mắt bé díp lại rồi. Ngủ ngủ, Pooh… Pooh…
***
Hai chị em lại chọn chỗ ngồi cũ, bức tường bây giờ đã xanh hơn màu rêu phủ, mấy bông hoa túy quỳnh trưa nay bỗng khép nép bé nhỏ hơn giữa cái nắng chang chang không rõ mùa gì. Người chủ quán tinh ý đặt một chiếc dù trắng từ sớm, nắng chia bình hoa trắng trên bàn thành hai nửa không có tên gọi. Bé, lại nhìn xa xăm, lại mím mím môi như đang cố kìm nén để khỏi chực tuôn ra một điều gì đó bi kịch lắm, điều gì đó có thể làm buổi trưa níu chặt vào chân tường, có thể làm cho niềm vui của bé bị tắt ngấm, có thể (hay đã) làm nỗi buồn cười ngạo nghễ, đắc thắng.
Rồi môi xinh của bé cũng chịu cựa mình. Bé nói trong nghèn nghẹn buổi trưa… Không có nước mắt, những giọt nước nong nóng ấy không hào phóng dỗ dành bé. Nói rồi lại im, lại nhìn xa xăm chân trời. Bà chị yêu dấu bắt đầu bày trò:
- Đưa bàn tay coi nào?
Bé hỏi:
- Chi?
Rồi cũng đưa tay ra. Bà chị yêu dấu cầm bàn tay phải của bé, di di ngón tay của mình rồi phán lung tung. Trò coi chỉ tay này tuy cũ xì nhưng cũng làm cho bé vui chút ít. Có một người cầm tay mình và nói nhảm. Hihi. Bất ngờ, chị nắm chặt tay bé, xiết chặt lắm, đến mức bé có cảm giác những cái xương của bàn tay gầy guộc kia đang cạ cạ vào những cái xương ù ù ú ú của bàn tay bé. Chị lại xoè bàn tay bé ra, đặt vào đó một… lọ thủy tinh nhỏ. Cái gì đấy? A, hủ mật của con gấu Pooh. Chị lại huyên thuyên:
- Con Pooh lúc nào cũng bình yên. Bình yên với Pooh nghĩa là được ăn suốt ngày. Tặng bé sự bình yên của con Pooh nè.
Lòng bàn tay bé, ngọt ngào (trong tưởng tượng vì hủ mật), ấm ấm vì bàn tay nhỏ xíu của chị. Hình như bình yên đang về, bé nhỏ và bình dị trong nắng trưa chói chang, những bông hoa túy quỳnh trắng xíu xiu đang ngủ gật trong bước chân bình yên đó.
Mà ngộ quá hen, coi bói gì mà kì vậy nè? Hà hà. Ngân hàng mơ ước của chị lại được góp vốn, bé có niềm tin, bà chị của mình là một bà thầy bói tài ba, một bà thầy bói không coi được số mạng, nhưng lại bói ra sự bình yên… là lá la…
Bé và chị, từ rất lâu, luôn bắt đầu bằng những câu chuyện không đâu, và cũng kết thúc bằng những câu chuyện không đâu…
TÚ TRINH
(Trích trong tập truyện ngắn “Bắt tay sương mù”, tác giả Tú Trinh, tủ sách "Tuổi mới lớn", nhà xuất bản Kim Đồng 2004, tái bản 2005)
Hôm nay vui, mẹ lại vừa cho tiền rủng rỉnh, bé quyết định rủ bà chị yêu dấu của mình ngồi cà phê ở một cái quán nào đó, lạ một chút, sang một chút, phong cách một chút, những cái quán mà hằng ngày hai đứa đi ngang, dù thích lắm nhưng vẫn cương quyết không… đạp thắng xe. Là lá la… la lá là… gọi điện thoại nào.
Bà chị yêu dấu của bé đúng là cầm tinh con… con… chắc là con người, rề rà đến khiếp! Bé dừng xe trước cổng trường lâu lắm rồi, giờ hẹn cũng trôi qua rồi mà vẫn chưa thấy bóng dáng “nàng” xuất hiện. Nửa vòng kim đồng hồ rồi nghen, bắt bé đợi lâu quá là bé… xù à! Trăm lần như một.
Bà chị yêu dấu kia rồi, vừa đi, vừa tung tẩy cái ba lô, miệng thì cứ nói huyên thuyên với… anh bạn đi bên cạnh. Híc híc (cười chứ hổng phải khóc đâu à nha), người gì mà lùn có một khúc, lại không chịu mang giày cao gót nữa, đứng chỉ tới vai bé và anh bạn kia thôi. Lêu lêu.
Thấy bé vẫy tay, anh bạn hỏi:
- Bạn hả? Học trường nào vậy?
Chị cười, nháy mắt tinh nghịch:
- Em tui đó! Bye nghen, mai nhớ đem tập cho tui mượn nghen, không là tui giận đó!
Nói rồi leo lên xe, vòng tay qua ôm bé. Bé gật đầu chào rồi vọt thẳng. Bé biết, phía sau lưng hai chị em là ánh mắt ngơ ngác…
Quán xinh xắn từ lúc ở ngoài nhìn vào đến lúc ngồi xuống nhâm nhi nước và chắc đến lúc ra về, quán vẫn cứ xinh, xinh toàn diện, góc nào cũng xinh. Hai chị em chọn ngồi cạnh một mảng tường rêu vừa lốm đốm xanh, chân tường là những bông hoa túy quỳnh li ti. Nhạc hoà tấu dịu dàng. Chị ngồi, cứ xuýt xoa mơ ước: Mai này chị sẽ mở một quán cà phê dễ thương như vầy! Bé chỉ cười cười, biết tỏng tòng tong, bà chị mình sắp mở một ngân hàng… mơ ước. Cái gì cũng đòi làm, từ nhà nghiên cứu động vật học đến một nhà phê bình sân khấu, rồi sứ giả thiện chí hoà bình, và đến bây giờ là một bà chủ quán cà phê! Tham quá trời trời. Từ một ước mơ chủ quán, câu chuyện đi sang trường học, hôm nay bé chỉ học có bốn tiết thôi, hai tiết dùng để kiểm tra môn Văn rồi, cô cho đề khó quá trời. Tối qua bé vừa ôm con Pooh, vừa học bài kĩ lắm, sáng nay viết tốc kí mới kịp hai đôi giấy. Chị nhớ cho bé mượn thêm sách viết về tác giả này nha, bé còn ôn để thi tốt nghiệp nữa đấy, bé muốn học đều và thi tốt nghiệp đạt loại giỏi mà. Chị gật gù, gì chứ sách thì chị nhiều lắm, bé chịu đọc sách văn là chị thuê xe tải chở cả kệ qua nhà bé liền. Nhắc đến sách mới nhớ, chị đem ra khoe với bé một cuốn truyện thiếu nhi bìa đã vàng, chắc chị vừa mua ở một tiệm sách cũ. Chị nói về nó một cách say mê, rằng từ ngày nhỏ xíu đã mê tác giả này lắm, chị đã mua nó về nhà nhưng bạn nào mượn rồi quên, vậy là mất tiêu cuốn sách. Bây giờ mua lại được cuốn sách, đúng năm đó xuất bản, đúng cái bìa đó, chị vui như gặp người bạn cũ. Xem nào, vụng quá, bàn tay bé dính rêu rồi. Lau tay đi. A để chị coi chỉ tay cho. Trầm ngâm. Sao mà rối rắm vậy bé! Thầy bói chưa rành nghề, không coi nữa đâu. Tới lượt bé háo hức nói về những vị kem dâu, bạc hà, sôcôla, rồi những viên kẹo ở căn-tin trường…
Cứ vậy đấy, vèo một cái, hai tiếng đồng hồ. Chị lắc lắc tay bé: Đi học Anh văn thôi! Ra khỏi quán, leo lên xe cho bé chở. Tuy là chị, nhưng chị mảnh khảnh lắm, hơi lùn và ốm, đi trong chiều thành phố, cứ sợ gió thổi bay mất. Bé nhỏ hơn chị đến ba tuổi mà to cao, còn phải hỏi, bé nằm trong đội tuyển bóng ném mà. Bé là học sinh lớp mười hai mà người ta cứ ngỡ bé là sinh viên đại học. Còn chị thì… sinh viên năm ba rồi mà mọi người cứ bảo học sinh cấp hai. Mà ngộ hen, người ta nói cùng cực thì đẩy nhau, nhưng chị với bé lại hút nhau mới… kì! Chẳng hiểu sao hai đứa lại khắng khít nhau đến vậy. Bé còn nhớ, năm đó bé học lớp sáu, chị học lớp chín. Hai đứa đều là nhân vật nổi tiếng trong trường chuyên cấp hai của quận, cùng học giỏi, sinh hoạt Đội giỏi, rồi tự nhiên thân nhau và thương nhau từ đó. Lớp mười, chị đi học xa, hai đứa vẫn liên lạc với nhau bằng đủ mọi cách. Từ điện thoại đến thư tay, rồi email… lãng mạn vô cùng. Hì hì, hà hà… ngày xưa ấy mà…
***
Quay về thì hiện tại tiếp diễn đi. Mà sao chị rầu rầu. Nhà bé là một công ty may tư nhân. Nhà thì rộng lắm, nhiều phòng ốc, nhưng quá trời lúc bé chẳng có lấy một chỗ để “dung thân”. Tình hình nghiêm trọng đến vậy đó. Phòng mẹ thì hay bị khoá, bạn trai của chị Hai hay ghé nhà buổi trưa và buổi tối, bé… ngại lắm. Phòng giám đốc thì mẹ ngồi làm việc, tiếp khách hàng, phòng của bé bây giờ biến thành kho hàng tạm thời luôn rồi. Nhiều phòng liên tiếp nữa là xưởng cắt may và phòng ở của công nhân. Nhiều hôm phải nhập và xuất hàng, ngay cả cái xó cầu thang còn sót lại, bé cũng không ngồi được. Vậy là bé lại leo lên xe đi ra đường dù lúc ấy không có giờ học, không chạy show thì chạy long nhong.
Bé gọi chị, không có giờ học ở trường là chị đi với bé liền, từ thư viện đến công viên rồi quán chè, quán cà phê cóc vỉa hè… đủ cả. Nhu cầu cấp bách về một chỗ ngồi học và khao khát có một chỗ nằm để nghỉ ngơi, sao mà khó quá không biết nữa! Chị lo lắng nhất là năm nay bé phải học rất nhiều, còn thi đại học nữa. Bé học ngành tự nhiên, cần một chỗ tươm tất để ngồi làm bài tập mà những hàng quán vỉa hè thì… chỉ dư thừa lộn xộn thôi. Ước gì chị là chị Hai của bé, chị hứa sẽ quan tâm đến bé hơn. A ha, lại góp vốn cho ngân hàng mơ ước nữa rồi! Đã vậy, góp thêm một ước mơ vào tài khoản nhé, chị sẽ làm nhà kinh doanh địa ốc, tặng bé một căn phòng nhé, có bàn học, có nhà vệ sinh, có mấy cái gối hình con gấu Pooh mà bé thích. Chịu không? Trời ơi, sao mà cười toe toét và gật đầu cái rụp nhanh vậy?
Trưa nay, hai chị em hẹn nhau ở gần trường chị, ngồi cạp bánh mì, chờ ca học buổi chiều. Dạo này bé sao đó. Vui buồn thất thường lắm, mà nỗi buồn thì cứ ăn hiếp niềm vui. Bé ít cười, cái răng khểnh trốn chui trốn nhủi đâu mất trong cái miệng xinh, lúc nào cũng mím mím lại như ngăn một điều gì đó đang chực trào ra. Bé thích gọi chị là: Mập. Cứ Mập ơi, Mập à suốt ngày, ngược đời chưa, người ta ốm như cây củi ấy, nhưng cũng vui. Chị giả vờ tức giận, gọi bé là Pooh. Bé thích chí lắm, bé mê nhất là con gấu Pooh áo đỏ trong phim hoạt hình mà, vậy là cười tít mắt. Bất ngờ chị đánh vần: u bờ u bu. Vậy là cười vang. Nỗi buồn ơi, chào mi! Kể chuyện nghe nhé, đúng như bé và chị dự đoán, anh bạn của chị hôm trước cứ theo chị hỏi bé là ai miết. Bảo hai đứa là chị em, anh chàng không tin, tiếp tục hỏi chị em thế nào. Chị nghiêm chỉnh:
- Thì ông nội tui gọi ông nội của bé là… mày!
Anh bạn gật gù rồi giật mình: ơ… Chị cười phá lên, giòn tan. Kể lại cho bé nghe, hai đứa lại cười giòn tan lần nữa, cười rung rinh cả buổi chiều bận rộn, còn một ca học nữa mới được về nhà. Cố lên!
***
Hu hu. Nhưng ở đời có những chuyện đáng ghét. Kẻ mình muốn tống khứ đi thì cứ lì lợm ở lại. Nỗi buồn là một trong những kẻ lì lợm nhất trong những kẻ lì lợm đó. Chị ghét nó. Bé ghét nó.
Mẹ và chị Hai to tiếng với nhau vì chuyện kinh doanh của gia đình. Rồi tránh mặt nhau, rồi năn nỉ, rồi hoà, rồi to tiếng… Vòng tròn. Chị Hai sau giờ làm việc là rúc trong phòng riêng với bạn. Bé yêu mẹ nhất nhà. Nhưng bé không bao giờ có thể hiểu được mẹ, biểu đồ tâm trạng của mẹ là những đường cong không dự đoán trước, xuống lên theo sự đến đi, đĩnh đạc, đứng đắn của những người mà bé gọi bằng chú.
Mỗi bình minh, bé ra khỏi nhà, mang những thanh âm cãi vã, những giọt nước mắt giận hờn theo trong cái cặp táp vốn đã rất nặng nề sách vở cho một ngày học tập. Mỗi chiều tối, bé trở về nhà với cái tâm trạng mệt mỏi, cả ngày học và chạy loanh quanh ngoài đường, về đến nhà chỉ muốn nằm ngủ thôi. Nhưng mai còn nhiều bài tập lắm, thèm gặp mẹ một chút lắm, thèm một cái xoa đầu, thèm một chút bình yên cuối ngày lắm. May mà cửa phòng mẹ chưa khoá, bé còn một chỗ để nằm, lâu rồi, bé không được ôm con Pooh của bé ngủ. Ua, mẹ đâu rồi? Bé quờ tay tìm con Pooh của mình, không đợi mẹ được nữa rồi, mắt bé díp lại rồi. Ngủ ngủ, Pooh… Pooh…
***
Hai chị em lại chọn chỗ ngồi cũ, bức tường bây giờ đã xanh hơn màu rêu phủ, mấy bông hoa túy quỳnh trưa nay bỗng khép nép bé nhỏ hơn giữa cái nắng chang chang không rõ mùa gì. Người chủ quán tinh ý đặt một chiếc dù trắng từ sớm, nắng chia bình hoa trắng trên bàn thành hai nửa không có tên gọi. Bé, lại nhìn xa xăm, lại mím mím môi như đang cố kìm nén để khỏi chực tuôn ra một điều gì đó bi kịch lắm, điều gì đó có thể làm buổi trưa níu chặt vào chân tường, có thể làm cho niềm vui của bé bị tắt ngấm, có thể (hay đã) làm nỗi buồn cười ngạo nghễ, đắc thắng.
Rồi môi xinh của bé cũng chịu cựa mình. Bé nói trong nghèn nghẹn buổi trưa… Không có nước mắt, những giọt nước nong nóng ấy không hào phóng dỗ dành bé. Nói rồi lại im, lại nhìn xa xăm chân trời. Bà chị yêu dấu bắt đầu bày trò:
- Đưa bàn tay coi nào?
Bé hỏi:
- Chi?
Rồi cũng đưa tay ra. Bà chị yêu dấu cầm bàn tay phải của bé, di di ngón tay của mình rồi phán lung tung. Trò coi chỉ tay này tuy cũ xì nhưng cũng làm cho bé vui chút ít. Có một người cầm tay mình và nói nhảm. Hihi. Bất ngờ, chị nắm chặt tay bé, xiết chặt lắm, đến mức bé có cảm giác những cái xương của bàn tay gầy guộc kia đang cạ cạ vào những cái xương ù ù ú ú của bàn tay bé. Chị lại xoè bàn tay bé ra, đặt vào đó một… lọ thủy tinh nhỏ. Cái gì đấy? A, hủ mật của con gấu Pooh. Chị lại huyên thuyên:
- Con Pooh lúc nào cũng bình yên. Bình yên với Pooh nghĩa là được ăn suốt ngày. Tặng bé sự bình yên của con Pooh nè.
Lòng bàn tay bé, ngọt ngào (trong tưởng tượng vì hủ mật), ấm ấm vì bàn tay nhỏ xíu của chị. Hình như bình yên đang về, bé nhỏ và bình dị trong nắng trưa chói chang, những bông hoa túy quỳnh trắng xíu xiu đang ngủ gật trong bước chân bình yên đó.
Mà ngộ quá hen, coi bói gì mà kì vậy nè? Hà hà. Ngân hàng mơ ước của chị lại được góp vốn, bé có niềm tin, bà chị của mình là một bà thầy bói tài ba, một bà thầy bói không coi được số mạng, nhưng lại bói ra sự bình yên… là lá la…
Bé và chị, từ rất lâu, luôn bắt đầu bằng những câu chuyện không đâu, và cũng kết thúc bằng những câu chuyện không đâu…
TÚ TRINH
(Trích trong tập truyện ngắn “Bắt tay sương mù”, tác giả Tú Trinh, tủ sách "Tuổi mới lớn", nhà xuất bản Kim Đồng 2004, tái bản 2005)
Thursday, October 14, 2004
Đi qua mùa thu
Diễm chạy ùa vào nhà, ríu ran như một chú chim sẻ non sau một ngày bay đi tự kiếm ăn về tổ tìm mẹ lúc trời nhá nhem chiều. Nhưng bây giờ mới là trưa thôi, trưa thứ bảy, trưa mùa thu, ngoài kia nắng vẫn còn gay gắt lắm. Bà bảo thầy đang nằm nghỉ trưa ở nhà trong. Mặc Hân loay hoay dựng chống xe và chào bà, Diễm đã vào đến chỗ thầy, lay lay thầy dậy. Thầy dụi dụi mắt, quờ tay tìm cái mắt kính dày cộp đeo vào, thấy Diễm, thầy cười.
- Thầy ui, con về rồi nè. Con có quà mừng sinh nhật thầy nè!
- Con đi đâu mà về? - Thầy tháo kính, lấy tay dụi dụi mắt lần nữa - Còn nhớ hả Ốc Tiêu?
- Sao quên được thầy! Nhưng năm nào con cũng mừng sinh nhật thầy trễ đúng một ngày. Hì, tại năm nào con cũng kẹt công việc chứ bộ. Thầy coi đi thầy, dễ thương lắm!
Diễm giục thầy mở gói quà ra. Thầy thì lúc nào lại chẳng chiều lòng đứa học trò cưng của mình. Con bé được thầy gọi là Ốc Tiêu từ hồi phổ thông lên đại học vẫn cao chừng đó, vẫn lém lỉnh và liến thoắng chừng đó, không lớn hơn chút nào cả. Con bé là đứa học trò nữ duy nhất được cái đặc quyền chạy long nhong từ nhà trên xuống nhà dưới rồi mệt quá, nằm ngủ một giấc no say trong phòng thầy, được má thầy may áo dài cho mặc đi học và nấu súp cho ăn, và được đứa cháu gọi thầy bằng cậu mê tít. Hai đứa nó mà gặp nhau là nhà không thể nào yên, nói cười, chạy nhảy, chộn rộn ồn ào như một cái trường mầm non. Con bé có cái chân đi, đi gần gần thôi, nhưng mà đi hoài. Lần nào về, con bé cũng lên nhà trình diện thầy kèm theo một thứ gì đó, ví dụ như vài cục đá ngộ nghĩnh nhặt ở biển, vài mẫu lá cây ép khô đặc trưng của rừng và dạo sau này, lúc con bé cầm được cái máy cơ với ước mơ làm một nhiếp-ảnh-gia-ốc-tiêu thì quà cho thầy có khi là những bức ảnh phong cảnh, ảnh sinh hoạt của người dân vùng đất con bé đặt chân đến.
Quà sinh nhật năm nay Diễm tặng thầy là một đóa hoa san hô trắng, to gấp ba lần bàn tay xòe ra, vẫn còn khăm khẳm mùi biển. Thầy vừa ngắm nghía món quà vừa cười. Diễm thì líu lo kể chuyện cô nàng đã cùng Hân chạy xe máy đi về quãng đường Phan Rang - Cà Ná với tốc độ tám mươi cây số một giờ chỉ để rinh bó san hô này và đã ôm khư khư nó trong lòng khi ngồi xe băng đêm về lại thành phố. Diễm mới về Sài Gòn lúc trời tờ mờ sáng nay thôi, kịp ngủ một chút, ăn một chút rồi chạy lên nhà thầy ngay. Diễm tiếp tục say sưa về những điều trông thấy, những điều thú vị và say sưa cả với những câu than thở về tình hình đất nước như những nhà nghiên cứu thực thụ. Thầy đã ngồi dậy, hai thầy trò đi ra nhà ngoài, thầy hỏi:
- Con đi gì lên đây?
Tiếng bà từ nhà ngoài vọng vào:
- Nó bắt thằng Hân chở lên rồi bắt thằng nhỏ ngồi đợi ngoài này nè!
Thầy kéo ghế ngồi, giọng hỏi thăm đầy thông cảm:
- Hân mới về hồi sáng luôn hả? Còn mệt không? Hân xui rồi, bị con Ốc Tiêu của thầy đì. Chắc kiếp trước có lỗi nặng lắm...
Thầy nói chưa dứt câu thì Hân đã nheo mắt tinh nghịch tiếp lời:
- Có lỗi với vợ phải không thầy?
Cả bà và thầy đều cười. Diễm bí mật liếc xéo và đưa bàn tay hình nắm đấm về phía Hân rồi phản đòn:
- Tất cả chúng ta đều là những kẻ sai vặt của cuộc đời này, thầy ạ!
Huyên thuyên kể chuyện trên trời dưới đất với bà thêm một lát nữa rồi Diễm đứng dậy, khoanh tay chào bà, chào thầy rồi về. Thầy muốn giữ hai đứa lại ăn cơm nhưng Diễm khăng khăng về. Sau một cuộc hành trình dài, đặt chân lên đất Sài Gòn là bình yên một phần tư, chui vô căn nhà thân yêu của mình, bình yên thêm một phần tư, gặp được thầy rồi, lại bình yên thêm một phần tư nữa. Tổng cộng là ba phần tư rồi nhé, chờ chiều nay ba má đi làm về, ăn bữa cơm gia đình nữa thì bình yên trong Diễm mới trọn vẹn. Bây giờ phải về nhà ngủ một giấc thật say để chiều nay tươi tỉnh chào đón trọn vẹn bình yên chứ!
Định bụng vậy đó, nhưng sao mà Diễm không buồn ngủ chút nào hết, lòng cứ chộn rộn những... hình như là niềm vui. Ngồi sau xe Hân, Diễm lại bắt đầu những câu chuyện rời rạc quen thuộc, những câu chuyện thi vị, ngây ngô Hân nghe hoài, nghe hoài mà vẫn không chán. Hân lắng nghe những câu chuyện nho nhỏ Diễm kể tùy hứng rồi Hân dần dần ghép nối chúng lại với nhau, hình dung thêm một chút là cơ bản phác họa được những ngày tháng trước khi Hân gặp Diễm ở trường đại học.
***
Một ngày mùa thu không xưa lắm, lúc đó Diễm học lớp mười một, lon ton đi học đội tuyển môn địa lý. Trường mời thầy về dạy. Buổi học đầu tiên, Diễm cứ len lén nhìn thầy, bị thầy bắt gặp, lập tức cúi đầu vào trang sách giả đò chăm chỉ lắm. Chưa bao giờ Diễm gặp một người dáng vừa cao vừa ốm như vậy. Khuôn mặt cũng đặc biệt như dáng người, Diễm có cảm tưởng như đó là một hình trái xoan dài nhất mà trái xoan có thể dài được, có cả một bờ biển phẳng lì trên đỉnh đầu, trơ trọi vài lọn tóc. Trái xoan đó có hai cái vực mà sâu nhất là cặp mắt hấp háy, trên miệng vực là hai miếng ve chai dày cộm. Còn cái mũi nữa chứ, rất cao, chóp mũi nhọn hơi chúi xuống, nhìn giống như... bà tiên két trong phim Tiểu Long Nhân vậy. Không thể đoán ra tuổi của thầy, bốn mươi hay năm mươi, mơ hồ. Thỉnh thoảng lúc giảng bài thầy cười, trời ơi, thầy có răng khểnh, mà những hai cái ở hai bên của hàm trên mới ghê chứ. Ai mà làm vợ thầy chắc là phải can đảm lắm nhỉ! Cảm giác của Diễm lúc đó, chỉ một chữ diễn tả thôi: sợ.
May là nỗi sợ ấy giống như mây khói mùa thu thôi, dễ bồng bềnh nhưng cũng tan rất mau. Buổi học thứ hai trở đi, Diễm đã hoàn toàn bị cuốn hút theo những lời giảng trầm ấm của thầy. Từ thuở hồng hoang, vỏ trái đất nâng lên hạ xuống hình thành châu lục và đại dương đến sự di chuyển của các dòng hải lưu và gió mùa... rồi tình hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam những năm gần đây... Diễm ngồi mê mẩn nghe cả buổi, không kịp chép bài, cũng không biết bên ngoài trời ầm ì mưa bão. Mỗi tuần học một buổi bốn tiết, hết giờ rồi mà cả bọn cứ ngẩn ngơ, hổng hiểu sao giờ học trôi qua nhanh vậy. Năm đó, Diễm rinh về một cái giải nhất trong kỳ thi học sinh giỏi địa lý.
Thầy bận túi bụi nhưng luôn dành thời gian cho Diễm. Diễm hay ghé nhà thầy, thân với mọi người trong nhà thầy, buồn vui đều hót râm ran với thầy. Diễm biết mọi bí mật về thầy, kể cả chuyện bà phàn nàn vì đến giờ này thầy chưa chịu dắt cô nào về nhà cả. Chuyện lấy vợ của thầy là đề tài duy nhất làm bà nổi giận, còn lại thì thầy rất... ngoan. Thầy trò có nhiều tiết mục hấp dẫn lắm, đọc truyện tranh Xì trum, đi ăn tất cả những món mà thầy trò nghĩ ra, ngồi nhâm nhi cà phê. Mỗi lần Diễm mượn được chiếc xe cub của ba là chạy vèo qua nhà rủ thầy. Trăm lần như một, dù trưa nắng hay đêm giông bão, thầy cũng sẽ mặc một cái áo lạnh, đội nón, đem theo một cái áo mưa và chào bà: “Thưa má con đi!”. Lên lớp mười hai, Diễm không học đội tuyển địa nữa, thầy trò vẫn thân càng thân. Từ lúc Hân biết Diễm, Hân hay cùng Diễm lên thăm thầy và đi ăn uống bộ ba. Hân thấy mối quan hệ này dễ thương và hay hay.
***
Sáng chủ nhật, Diễm lon ton lên nhà thầy. Chương trình hôm nay là chở thầy đi dự buổi tổng kết cuộc thi đố vui mà thầy là người cho đề và Diễm có chân trong ban tổ chức. Giấy mời đã gửi từ sớm, cả tuần nay không gặp thầy, chẳng biết thầy có nhớ không?
Trời đất, nhà thầy lộn xộn kinh khủng, ngổn ngang thùng các tông và giấy tờ sách vở. Đứa cháu gái gọi thầy bằng cậu đang phụ mẹ nó dọn những chiếc thùng lên chiếc xe tải nhỏ trước cổng.
- Đi thôi kẻo muộn thầy ơi!
- Thầy bận lắm, không đi được đâu! Thầy sắp lấy vợ!
Diễm sợ mình nghe nhầm hay thầy đang nói đùa cho vui, ngờ vực:
- Thầy nói gì?
- Thầy chuẩn bị đám cưới!
Diễm quay sang bà.
- Thiệt đó, có ai nói giỡn với con đâu! Thứ bảy tuần sau thầy cưới. Bận rộn muốn chết nè!
Đến lúc này thì Diễm đứng chết trân, không biết phải suy nghĩ gì cho đúng, không biết phải tỏ thái độ thế nào mới phải. Bất ngờ quá, đau tim quá, Diễm... có nằm mơ cũng không hình dung ra được chuyện này. Trước đây, Diễm có nhen nhóm nghĩ tới, nhưng rồi lướt qua rất nhanh. Bao năm qua, Diễm điềm nhiên tung tăng tới lui căn nhà này và cảm thấy thoải mái đơn giản vì thầy là thầy và thầy là của lũ học trò, dĩ nhiên Diễm là đứa được cưng nhất. Kể từ bây giờ, thầy sẽ là của vợ thầy thôi, một người phụ nữ đã xuất hiện và hóa phép, thầy không còn là của lũ học trò, không còn là của Diễm nữa. Tự dưng Diễm thấy xót xa kinh khủng, như thể mình vừa mất đi một cái gì đó thân thuộc lắm. Cảm giác lồng ngực chật chội, cái gì đó đang lèn qua tâm mình và bứt rứt. Được một lúc rồi Diễm thấy mình vô duyên. Ơ hay, thầy lấy được vợ thì phải mừng cho thầy chứ, sao lại phân bì và ghen tị với cô? Ơ hay, Diễm vô duyên chưa!
Thấy Diễm đứng bần thần, thầy bỏ tay đi vào nhà sau, phòng thầy, nơi mà ngày xưa Diễm có thể nằm ngủ một giấc tròn trước khi bà gọi dậy để ăn cơm. Diễm theo sau. Diễm nhìn thầy, cái nhìn trực diện, chờ đợi một ánh nhìn đáp trả chứ không len lén như ngày xưa. Thầy nói về cô, cô nhỏ tuổi thôi, cũng lý lắc và gương mặt trái xoan, cũng ôm ốm và hơi lùn, cũng biết chụp ảnh... Thầy còn nói nhiều nhiều, nhưng tai Diễm không còn nghe được. Nó lùng bùng, ngoài sự kiểm soát của Diễm rồi. Cuối cùng nó chỉ cho phép thêm một câu lọt vào: “Cô giống con lắm...”. Diễm quay mặt vô tường, cố kìm lại tất cả mọi thứ đang có khuynh hướng trào ra bất kể nó là cảm xúc, nước mắt, hay niềm vui, nỗi buồn.
Im lặng.
- Cô sẽ đứng vị trí thứ sáu. Thứ nhất là sách giáo khoa, thứ hai là sách giáo viên, thứ ba là công trình của bộ, thứ tư là công trình của sở và thứ năm là công việc của trường.
- Vậy còn những người học trò cũ?
- Đó là những khoảng trời riêng!
Im lặng.
- Thầy ơi, thầy có bình yên không?
- Không, lòng thầy đang nổi sóng! - Lần đầu tiên, thầy trả lời “không” với câu hỏi này của Diễm.
Im lặng.
- Bây giờ thầy ghi chữ Ốc Tiêu vô thiệp nha!
- Sao cũng được, thầy!
- Nếu hôm nay con không ghé, khi nào thầy mới báo con biết hay thầy không nói luôn?
- Thầy định thứ sáu sẽ gọi con. Thầy không muốn con chuẩn bị gì trước.
***
Trên thiệp đủ cả họ và tên khai sinh của Diễm, bao năm rồi, thầy vẫn nhớ... Diễm chạy xe về mà có cảm giác mình đang bay. Những suy diễn có vẻ ích kỷ cứ lướt đi trong Diễm rồi lại giật thót, thấy mình vô duyên... Gọi Hân ra quán vì cần có người chia sẻ, Diễm từ tốn kể mọi chuyện, rồi kết luận gọn lỏn: rất buồn!
Im lặng cả một buổi chiều.
Hân nhìn Diễm rồi nhát gừng, rồi ấp úng, rồi cuối cùng cũng nói thành câu:
- Diễm buồn vì thầy nói cô giống Diễm chứ gì? Thầy... yêu Diễm phải không?
- Ha ha, chuyện này lớp Diễm đã nói trước Hân từ lâu rồi. Hân không hiểu Diễm...
Diễm thở hắt ra, mệt mỏi và giận dỗi. Ánh mắt Hân tha thiết và chờ đợi, anh chàng chờ đợi ở Diễm điều gì?
- Nếu Hân có một người cha thân thiết và đột ngột, cha của Hân đi lấy vợ. Tưởng tượng ra không? Hân sẽ biết cảm giác của Diễm lúc này.
Hình như, chỉ hình như thôi, phía bàn đối diện của Diễm – Hân, vừa nhẹ nhõm một tiếng thở dài...
***
Ba nói sẽ chở Diễm đi đám cưới thầy. Ông biết, người đó yêu thương con gái ông chẳng kém gì ông. Sẵn tiện nhìn mặt thầy luôn. Ông nghe con gái “quảng cáo” về thầy lâu rồi mà chưa có dịp gặp. Hôm đó, nhất định thầy sẽ rất đẹp và rất hạnh phúc.
Còn Hân hứa sẽ chở Diễm đi mua quà cho thầy và đón Diễm về. Hân không cần hứa Diễm cũng tin là Hân không bỏ mặc Diễm mà. Buổi tối mùa thu đó, Diễm đã hai mươi tuổi, nhất định Diễm sẽ nói với Hân chuyện này, rằng một phần tư bình yên ở chỗ thầy, Diễm sẽ ký gởi qua Hân...
Tú Trinh
(Trích trong tập truyện ngắn “Bắt tay sương mù”, tác giả Tú Trinh, tủ sách "Tuổi mới lớn", nhà xuất bản Kim Đồng 2004, tái bản 2005)
- Thầy ui, con về rồi nè. Con có quà mừng sinh nhật thầy nè!
- Con đi đâu mà về? - Thầy tháo kính, lấy tay dụi dụi mắt lần nữa - Còn nhớ hả Ốc Tiêu?
- Sao quên được thầy! Nhưng năm nào con cũng mừng sinh nhật thầy trễ đúng một ngày. Hì, tại năm nào con cũng kẹt công việc chứ bộ. Thầy coi đi thầy, dễ thương lắm!
Diễm giục thầy mở gói quà ra. Thầy thì lúc nào lại chẳng chiều lòng đứa học trò cưng của mình. Con bé được thầy gọi là Ốc Tiêu từ hồi phổ thông lên đại học vẫn cao chừng đó, vẫn lém lỉnh và liến thoắng chừng đó, không lớn hơn chút nào cả. Con bé là đứa học trò nữ duy nhất được cái đặc quyền chạy long nhong từ nhà trên xuống nhà dưới rồi mệt quá, nằm ngủ một giấc no say trong phòng thầy, được má thầy may áo dài cho mặc đi học và nấu súp cho ăn, và được đứa cháu gọi thầy bằng cậu mê tít. Hai đứa nó mà gặp nhau là nhà không thể nào yên, nói cười, chạy nhảy, chộn rộn ồn ào như một cái trường mầm non. Con bé có cái chân đi, đi gần gần thôi, nhưng mà đi hoài. Lần nào về, con bé cũng lên nhà trình diện thầy kèm theo một thứ gì đó, ví dụ như vài cục đá ngộ nghĩnh nhặt ở biển, vài mẫu lá cây ép khô đặc trưng của rừng và dạo sau này, lúc con bé cầm được cái máy cơ với ước mơ làm một nhiếp-ảnh-gia-ốc-tiêu thì quà cho thầy có khi là những bức ảnh phong cảnh, ảnh sinh hoạt của người dân vùng đất con bé đặt chân đến.
Quà sinh nhật năm nay Diễm tặng thầy là một đóa hoa san hô trắng, to gấp ba lần bàn tay xòe ra, vẫn còn khăm khẳm mùi biển. Thầy vừa ngắm nghía món quà vừa cười. Diễm thì líu lo kể chuyện cô nàng đã cùng Hân chạy xe máy đi về quãng đường Phan Rang - Cà Ná với tốc độ tám mươi cây số một giờ chỉ để rinh bó san hô này và đã ôm khư khư nó trong lòng khi ngồi xe băng đêm về lại thành phố. Diễm mới về Sài Gòn lúc trời tờ mờ sáng nay thôi, kịp ngủ một chút, ăn một chút rồi chạy lên nhà thầy ngay. Diễm tiếp tục say sưa về những điều trông thấy, những điều thú vị và say sưa cả với những câu than thở về tình hình đất nước như những nhà nghiên cứu thực thụ. Thầy đã ngồi dậy, hai thầy trò đi ra nhà ngoài, thầy hỏi:
- Con đi gì lên đây?
Tiếng bà từ nhà ngoài vọng vào:
- Nó bắt thằng Hân chở lên rồi bắt thằng nhỏ ngồi đợi ngoài này nè!
Thầy kéo ghế ngồi, giọng hỏi thăm đầy thông cảm:
- Hân mới về hồi sáng luôn hả? Còn mệt không? Hân xui rồi, bị con Ốc Tiêu của thầy đì. Chắc kiếp trước có lỗi nặng lắm...
Thầy nói chưa dứt câu thì Hân đã nheo mắt tinh nghịch tiếp lời:
- Có lỗi với vợ phải không thầy?
Cả bà và thầy đều cười. Diễm bí mật liếc xéo và đưa bàn tay hình nắm đấm về phía Hân rồi phản đòn:
- Tất cả chúng ta đều là những kẻ sai vặt của cuộc đời này, thầy ạ!
Huyên thuyên kể chuyện trên trời dưới đất với bà thêm một lát nữa rồi Diễm đứng dậy, khoanh tay chào bà, chào thầy rồi về. Thầy muốn giữ hai đứa lại ăn cơm nhưng Diễm khăng khăng về. Sau một cuộc hành trình dài, đặt chân lên đất Sài Gòn là bình yên một phần tư, chui vô căn nhà thân yêu của mình, bình yên thêm một phần tư, gặp được thầy rồi, lại bình yên thêm một phần tư nữa. Tổng cộng là ba phần tư rồi nhé, chờ chiều nay ba má đi làm về, ăn bữa cơm gia đình nữa thì bình yên trong Diễm mới trọn vẹn. Bây giờ phải về nhà ngủ một giấc thật say để chiều nay tươi tỉnh chào đón trọn vẹn bình yên chứ!
Định bụng vậy đó, nhưng sao mà Diễm không buồn ngủ chút nào hết, lòng cứ chộn rộn những... hình như là niềm vui. Ngồi sau xe Hân, Diễm lại bắt đầu những câu chuyện rời rạc quen thuộc, những câu chuyện thi vị, ngây ngô Hân nghe hoài, nghe hoài mà vẫn không chán. Hân lắng nghe những câu chuyện nho nhỏ Diễm kể tùy hứng rồi Hân dần dần ghép nối chúng lại với nhau, hình dung thêm một chút là cơ bản phác họa được những ngày tháng trước khi Hân gặp Diễm ở trường đại học.
***
Một ngày mùa thu không xưa lắm, lúc đó Diễm học lớp mười một, lon ton đi học đội tuyển môn địa lý. Trường mời thầy về dạy. Buổi học đầu tiên, Diễm cứ len lén nhìn thầy, bị thầy bắt gặp, lập tức cúi đầu vào trang sách giả đò chăm chỉ lắm. Chưa bao giờ Diễm gặp một người dáng vừa cao vừa ốm như vậy. Khuôn mặt cũng đặc biệt như dáng người, Diễm có cảm tưởng như đó là một hình trái xoan dài nhất mà trái xoan có thể dài được, có cả một bờ biển phẳng lì trên đỉnh đầu, trơ trọi vài lọn tóc. Trái xoan đó có hai cái vực mà sâu nhất là cặp mắt hấp háy, trên miệng vực là hai miếng ve chai dày cộm. Còn cái mũi nữa chứ, rất cao, chóp mũi nhọn hơi chúi xuống, nhìn giống như... bà tiên két trong phim Tiểu Long Nhân vậy. Không thể đoán ra tuổi của thầy, bốn mươi hay năm mươi, mơ hồ. Thỉnh thoảng lúc giảng bài thầy cười, trời ơi, thầy có răng khểnh, mà những hai cái ở hai bên của hàm trên mới ghê chứ. Ai mà làm vợ thầy chắc là phải can đảm lắm nhỉ! Cảm giác của Diễm lúc đó, chỉ một chữ diễn tả thôi: sợ.
May là nỗi sợ ấy giống như mây khói mùa thu thôi, dễ bồng bềnh nhưng cũng tan rất mau. Buổi học thứ hai trở đi, Diễm đã hoàn toàn bị cuốn hút theo những lời giảng trầm ấm của thầy. Từ thuở hồng hoang, vỏ trái đất nâng lên hạ xuống hình thành châu lục và đại dương đến sự di chuyển của các dòng hải lưu và gió mùa... rồi tình hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam những năm gần đây... Diễm ngồi mê mẩn nghe cả buổi, không kịp chép bài, cũng không biết bên ngoài trời ầm ì mưa bão. Mỗi tuần học một buổi bốn tiết, hết giờ rồi mà cả bọn cứ ngẩn ngơ, hổng hiểu sao giờ học trôi qua nhanh vậy. Năm đó, Diễm rinh về một cái giải nhất trong kỳ thi học sinh giỏi địa lý.
Thầy bận túi bụi nhưng luôn dành thời gian cho Diễm. Diễm hay ghé nhà thầy, thân với mọi người trong nhà thầy, buồn vui đều hót râm ran với thầy. Diễm biết mọi bí mật về thầy, kể cả chuyện bà phàn nàn vì đến giờ này thầy chưa chịu dắt cô nào về nhà cả. Chuyện lấy vợ của thầy là đề tài duy nhất làm bà nổi giận, còn lại thì thầy rất... ngoan. Thầy trò có nhiều tiết mục hấp dẫn lắm, đọc truyện tranh Xì trum, đi ăn tất cả những món mà thầy trò nghĩ ra, ngồi nhâm nhi cà phê. Mỗi lần Diễm mượn được chiếc xe cub của ba là chạy vèo qua nhà rủ thầy. Trăm lần như một, dù trưa nắng hay đêm giông bão, thầy cũng sẽ mặc một cái áo lạnh, đội nón, đem theo một cái áo mưa và chào bà: “Thưa má con đi!”. Lên lớp mười hai, Diễm không học đội tuyển địa nữa, thầy trò vẫn thân càng thân. Từ lúc Hân biết Diễm, Hân hay cùng Diễm lên thăm thầy và đi ăn uống bộ ba. Hân thấy mối quan hệ này dễ thương và hay hay.
***
Sáng chủ nhật, Diễm lon ton lên nhà thầy. Chương trình hôm nay là chở thầy đi dự buổi tổng kết cuộc thi đố vui mà thầy là người cho đề và Diễm có chân trong ban tổ chức. Giấy mời đã gửi từ sớm, cả tuần nay không gặp thầy, chẳng biết thầy có nhớ không?
Trời đất, nhà thầy lộn xộn kinh khủng, ngổn ngang thùng các tông và giấy tờ sách vở. Đứa cháu gái gọi thầy bằng cậu đang phụ mẹ nó dọn những chiếc thùng lên chiếc xe tải nhỏ trước cổng.
- Đi thôi kẻo muộn thầy ơi!
- Thầy bận lắm, không đi được đâu! Thầy sắp lấy vợ!
Diễm sợ mình nghe nhầm hay thầy đang nói đùa cho vui, ngờ vực:
- Thầy nói gì?
- Thầy chuẩn bị đám cưới!
Diễm quay sang bà.
- Thiệt đó, có ai nói giỡn với con đâu! Thứ bảy tuần sau thầy cưới. Bận rộn muốn chết nè!
Đến lúc này thì Diễm đứng chết trân, không biết phải suy nghĩ gì cho đúng, không biết phải tỏ thái độ thế nào mới phải. Bất ngờ quá, đau tim quá, Diễm... có nằm mơ cũng không hình dung ra được chuyện này. Trước đây, Diễm có nhen nhóm nghĩ tới, nhưng rồi lướt qua rất nhanh. Bao năm qua, Diễm điềm nhiên tung tăng tới lui căn nhà này và cảm thấy thoải mái đơn giản vì thầy là thầy và thầy là của lũ học trò, dĩ nhiên Diễm là đứa được cưng nhất. Kể từ bây giờ, thầy sẽ là của vợ thầy thôi, một người phụ nữ đã xuất hiện và hóa phép, thầy không còn là của lũ học trò, không còn là của Diễm nữa. Tự dưng Diễm thấy xót xa kinh khủng, như thể mình vừa mất đi một cái gì đó thân thuộc lắm. Cảm giác lồng ngực chật chội, cái gì đó đang lèn qua tâm mình và bứt rứt. Được một lúc rồi Diễm thấy mình vô duyên. Ơ hay, thầy lấy được vợ thì phải mừng cho thầy chứ, sao lại phân bì và ghen tị với cô? Ơ hay, Diễm vô duyên chưa!
Thấy Diễm đứng bần thần, thầy bỏ tay đi vào nhà sau, phòng thầy, nơi mà ngày xưa Diễm có thể nằm ngủ một giấc tròn trước khi bà gọi dậy để ăn cơm. Diễm theo sau. Diễm nhìn thầy, cái nhìn trực diện, chờ đợi một ánh nhìn đáp trả chứ không len lén như ngày xưa. Thầy nói về cô, cô nhỏ tuổi thôi, cũng lý lắc và gương mặt trái xoan, cũng ôm ốm và hơi lùn, cũng biết chụp ảnh... Thầy còn nói nhiều nhiều, nhưng tai Diễm không còn nghe được. Nó lùng bùng, ngoài sự kiểm soát của Diễm rồi. Cuối cùng nó chỉ cho phép thêm một câu lọt vào: “Cô giống con lắm...”. Diễm quay mặt vô tường, cố kìm lại tất cả mọi thứ đang có khuynh hướng trào ra bất kể nó là cảm xúc, nước mắt, hay niềm vui, nỗi buồn.
Im lặng.
- Cô sẽ đứng vị trí thứ sáu. Thứ nhất là sách giáo khoa, thứ hai là sách giáo viên, thứ ba là công trình của bộ, thứ tư là công trình của sở và thứ năm là công việc của trường.
- Vậy còn những người học trò cũ?
- Đó là những khoảng trời riêng!
Im lặng.
- Thầy ơi, thầy có bình yên không?
- Không, lòng thầy đang nổi sóng! - Lần đầu tiên, thầy trả lời “không” với câu hỏi này của Diễm.
Im lặng.
- Bây giờ thầy ghi chữ Ốc Tiêu vô thiệp nha!
- Sao cũng được, thầy!
- Nếu hôm nay con không ghé, khi nào thầy mới báo con biết hay thầy không nói luôn?
- Thầy định thứ sáu sẽ gọi con. Thầy không muốn con chuẩn bị gì trước.
***
Trên thiệp đủ cả họ và tên khai sinh của Diễm, bao năm rồi, thầy vẫn nhớ... Diễm chạy xe về mà có cảm giác mình đang bay. Những suy diễn có vẻ ích kỷ cứ lướt đi trong Diễm rồi lại giật thót, thấy mình vô duyên... Gọi Hân ra quán vì cần có người chia sẻ, Diễm từ tốn kể mọi chuyện, rồi kết luận gọn lỏn: rất buồn!
Im lặng cả một buổi chiều.
Hân nhìn Diễm rồi nhát gừng, rồi ấp úng, rồi cuối cùng cũng nói thành câu:
- Diễm buồn vì thầy nói cô giống Diễm chứ gì? Thầy... yêu Diễm phải không?
- Ha ha, chuyện này lớp Diễm đã nói trước Hân từ lâu rồi. Hân không hiểu Diễm...
Diễm thở hắt ra, mệt mỏi và giận dỗi. Ánh mắt Hân tha thiết và chờ đợi, anh chàng chờ đợi ở Diễm điều gì?
- Nếu Hân có một người cha thân thiết và đột ngột, cha của Hân đi lấy vợ. Tưởng tượng ra không? Hân sẽ biết cảm giác của Diễm lúc này.
Hình như, chỉ hình như thôi, phía bàn đối diện của Diễm – Hân, vừa nhẹ nhõm một tiếng thở dài...
***
Ba nói sẽ chở Diễm đi đám cưới thầy. Ông biết, người đó yêu thương con gái ông chẳng kém gì ông. Sẵn tiện nhìn mặt thầy luôn. Ông nghe con gái “quảng cáo” về thầy lâu rồi mà chưa có dịp gặp. Hôm đó, nhất định thầy sẽ rất đẹp và rất hạnh phúc.
Còn Hân hứa sẽ chở Diễm đi mua quà cho thầy và đón Diễm về. Hân không cần hứa Diễm cũng tin là Hân không bỏ mặc Diễm mà. Buổi tối mùa thu đó, Diễm đã hai mươi tuổi, nhất định Diễm sẽ nói với Hân chuyện này, rằng một phần tư bình yên ở chỗ thầy, Diễm sẽ ký gởi qua Hân...
Tú Trinh
(Trích trong tập truyện ngắn “Bắt tay sương mù”, tác giả Tú Trinh, tủ sách "Tuổi mới lớn", nhà xuất bản Kim Đồng 2004, tái bản 2005)
Wednesday, October 13, 2004
Nẻo về lời thương
Đêm qua bất chợt một giấc mơ hình cánh cung, vành vành nhấp nhô thanh âm từ thuở xa xăm nào mà… gần lắm. Giấc mơ giọt tan vào ban mai, đọng lại lời nhớ, lời quên, lời thì thầm ngọt ngào của mùa. Đêm qua ta mơ mình nhỏ lại! (Em đừng vội cười, “…và cũng đủ lớn để mong mình trẻ lại” mà). Đêm qua ta mơ thấy con-người-bé-con, thuở chưa lọt lòng mẹ cơ!
Trong bụng mẹ thì… tối lắm! Mắt chưa thấy gì đâu, mũi chưa ngửi gì đâu, chỉ có… đôi tai bé bỏng đang lắng nghe. Dù chưa bắt tay làm quen (theo kiểu người lớn) nhưng bố mẹ vẫn trò chuyện cùng bé con đấy! Mẹ bảo bé con sẽ khóc khi lần đầu nói “xin chào” với mặt trời, còn mọi người nhìn ngắm trong nụ cười và chúc mừng, bố hứa làm ngựa cho bé con nhong nhong khắp nơi, bố còn nói sẽ dạy bé con cách yêu thương cuộc đời… Bé con còn nhớ cả lời vị bác sĩ có khuôn mặt hiền hậu và đôi mắt biết cười sau cặp kính nữa: Khi ở trong bụng mẹ, bé con nào cũng giống nhau, cũng nằm chúc đầu xuống giống như hình cái… tai. Hi hi, bé con nào cũng có cái tai, nhờ cái tai biết lắng nghe mà bé con biết “thế giới bên ngoài bụng mẹ” thật to, thật vui…
Ta thức dậy trong đêm, trong trìu mến ánh nhìn của những vì sao, trong tiếng cười hi hi của bé con – ta ngày xưa. Thời gian tĩnh lặng bên ngoài cửa sổ. Ta nhắm mắt và đưa tay bịt hai tai, đố em đấy, ta nghe được gì? Trời ơi, ta nghe ầm ì tiếng sóng biển, nghe vi vút gió đồi thông, nghe trong vắt em cười hiền lành, nghe hương đêm mùa xuân ngọt lành, ta còn nghe cái nóng thót người mỗi khi bị bỏng, ta tự nhiên giơ tay nắm hai tai… Những thanh âm chấp chới, những âm thanh không lời đưa ta đến một câu chuyện (của một người lớn, đi rất xa, biết rất nhiều và viết rất hay) về cái tai rằng… Ở núi non Tây Nguyên, một đứa bé lọt lòng mẹ chỉ được xem là Con Người khi người ta thổi linh hồn vào cho nó. Vậy nên có lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh. Một người phụ nữ (thiên chức người phụ nữ là giữ giềng mối của sự sống mà, phải vậy không em?) đứng tuổi sẽ nhai nát gừng rồi phun vào cuộn chỉ bông lấy từ chiếc xa quay, sau đó thổi bảy lần vào cuộn chỉ đặt sát tai đứa bé, vừa thổi vừa khấn một số câu gì gì đó! Ta chỉ nhớ loáng thoáng rằng: Thông lỗ mũi/ tỉnh lỗ tai/ phun gừng/ tai trái/ nhớ lấy ruộng rẫy/ tai phải/ nhớ lấy công việc/ làm người, hãy nhận lấy hồn người đây… Người Tây Nguyên tin rằng sau lễ thổi tai, lễ truyền cái nhớ, lễ truyền sự sống, đứa bé sơ sinh mới chính thức là Người. Phải vậy không em, từ ngàn xưa, khi con người chưa có chữ viết, chưa có… báo chí thì lời nói, sự nghe quan trọng đến chừng nào!
Em có bao giờ dùng bàn tay để cảm nhận lỗ tai chưa? Tai vành vành hình cánh cung đấy, em có chợt liên tưởng dãy núi cánh cung phía Bắc đón gió cho đồng bằng? Cái tai thì xíu xiu (núi cũng xíu xiu trên bản đồ) nhưng lối vào trải rộng thênh thang! Cả một-đời-nghe, em sẽ nghe rất nhiều, cũng như miền Bắc nước mình là một vực gió. Nhưng mỗi người chỉ có một đôi tai bé nhỏ và em biết không, mỗi đôi tai chọn một cách lắng nghe khác nhau. Có những đôi tai chỉ quen nghe lời ngọt ngào, có những đôi tai biết nghe cả những lời thật – dẫu chát chua, cay đắng… Có những đôi tai biết nhớ, tai nghe rồi tai biết sự nghe hôm nay là dòng chảy vĩnh hằng của sự nối tiếp câu chuyện thế hệ. Có những đôi tai suốt đời vẫn bấp bênh kinh kệ, có những đôi tai vừa chớm nghe tiếng chuông chùa buổi sáng đã lún ngún xanh cỏ thiền… Có những đôi tai vô tư thanh âm rồi thôi, lại có những đôi tai biết nghĩ, biết lắng nghe cả những lời-không-phải-là-thanh-âm… Đêm vẫn sâu sau cánh của phòng. Em có lắng nghe (trong giấc ngủ) câu chuyện giữa ta và em, ta và giấc mơ, ta và con-người-bé-con? Ta có làm em tư lự không? Ta tin rằng một chút tư lự sẽ làm em tươi xinh hơn trong mùa xuân mới.
Sớm mai, ta (và cả em nữa nhé!) dành riêng cho đôi tai mình những phút trong trẻo nhất của ngày mới, nằm trên giường nhắm mắt và lắng nghe. Ta nghe giấc mơ đêm qua reo ca trên ngọn đồi phía xa, nghe hơi thở mùa xuân đang tô màu cho mặt đất bằng những nhát cọ xanh, nghe tiếng chim ngây ngất bước chân mẹ đi chợ về, nghe cả tiếng cười thân quen của em bao năm thơm thoảng trong gió. Cả một thế giới diệu kì khi em biết lắng-nghe, miền bình yên lời thương trong bụng mẹ, miền gập ghềnh cái nhớ, cái quên vơi đầy theo tuổi.
Ta nghe chiếc xích đu ngoài hiên đang cất lên giai điệu quen thuộc em hay hát hồn nhiên… Ta nghe năm mới rón rén bên thềm…
***
- A di đà Phật!
- A di đà Phật!
- Hi hi…
Nghe được tiếng cười “hi hi” của em thì tôi chắc chắn đất trời đã vào xuân thật rồi, mùa xuân đang đi những bước khoan thai quanh tôi chứ không còn rón rén như đêm qua nữa. Nhưng mới sáng mùng một tết em đã làm tôi giật mình, cứ tưởng Phật tử trẻ con nào đi lạc vào phòng tôi chứ. Sống trong chùa nhiều năm, câu chào “A di đà Phật” đã thành phản xạ, gặp ai cũng “A di đà Phật”. Nhiều lúc ở trường quen miệng, gặp thầy giám thị, gặp cô chủ nhiệm cũng “A di đà Phật” làm các thầy cô chọc quá trời, còn nói tôi có căn tu nữa. Nhưng với em thì không, đây là lần đầu tiên em và tôi chào nhau như vậy…
- Sao Phương không ở nhà chúc tết ông bà lấy lì xì, qua chùa sớm vậy, lúc về mất phần thì đừng có khóc nhè đầu năm nghen!
- Em chúc tết ông bà, ba mẹ xong rồi. Em qua đây đòi lì xì của anh đó! Em bắt đầu chúc Tết anh đây, chúc Tết xong thì phải có lì xì nha!
Sáng nay em mặc một cái quần tây trắng và một chiếc áo xanh trời, em thu nhỏ cả bầu trời ngoài kia rồi quàng lên người mình hả Phương? Bầu-trời-nhỏ ơi, em làm tôi bối rối. Tôi đã nhìn khắp lượt căn phòng nhỏ xíu chỉ toàn sách là sách của mình. Trong phòng không có một phong đỏ nào và trong người tôi hình như cũng không còn tiền. Phương ơi, em đòi chi lì xì của tôi, lì xì thường là ít, mỗi năm chỉ một lần, còn em thì luôn xứng đáng được nhiều hơn mà! Hay là lì xì em cái tùy bút hồi đêm…
- Anh chuẩn bị xong chưa? Em chúc nha…
- Phương ra ngoài xích đu ngồi đợi tôi một chút, sẽ có lì xì cho Phương mà, an tâm nhé!
Em ngoan ngoãn nghe lời tôi ra sân ngồi chơi với chiếc xích đu, đều đặn tung tẩy người xuống lên. Từ cửa phòng tôi nhìn ra là mảnh sân sau của chùa. Cuối sân là một cái cổng gỗ, chỉ cao chừng bằng em thôi. Cổng này thông ra một con hẻm nhỏ như bao nhiêu con hẻm khác của thị xã, những sự việc nơi đây dễ thương cũng có và muộn phiền cũng có. Mảnh sân có lót gạch tàu đỏ đỏ, vuông vuông, rêu rêu, cũ cũ… chỉ có bàn chân em hay chạy nhảy trong sân là mới hơn qua mỗi ngày nắng lên. Góc sân có mấy chậu hoa quỳnh, mấy chậu cúc, mấy giò lan và một nẹp đất dọc theo vách tường tha hồ cho rau càng cua, hoa cúc dại, cỏ dại chen nhau mọc lên, nhìn nẹp đất đó là có vẻ đông vui nhất trong cái sân chùa cổ kính này.
May quá, tôi tìm được cái túi đựng đồng xu rồi. Thích mấy cái đồng xu kêu lanh canh, tôi đổi cả túi xu năm trăm đồng để dành gửi xe đạp đi học. Mỗi lần đặt đồng xu vô tay ai đó, tôi có cảm giác lạ lắm, không chỉ đơn giản là xin-cho, bán-mua… Còn đúng mười hai đồng xu, may quá, năm nay em cũng mười hai tuổi.
- Phương ơi, vào đây. Phương muốn chúc gì tôi?
- Em chúc anh năm mới sẽ học giỏi nè, mạnh khoẻ nè, vui thật vui và có nhiều tiền lì xì nữa!
Tôi cười mỉm mỉm. Em hồn nhiên quá đến mức không nhớ tôi già rồi sao. Tôi học cao hơn lớp mười hai rồi, em ạ! Từ rất lâu tôi đã quên mất chuyện nhận lì xì và trước em, tôi chưa bao giờ phải lì xì cho ai đó. Chưa đầy một tiếng đồng hồ sáng mùng một, em mang đến cho tôi cả hai chuyện đầu tiên: Adi đà Phật và lì xì. Chắc còn nữa phải không em?
Tôi trao cho em phong bao lì xì dã chiến tôi vừa gấp bằng tờ giấy tập rồi quẹt vài nhát cọ màu đỏ lên. Trông nó xấu xí thế mà em lại thích thú, cười thật tươi, cứ cố ý tạo ra âm thanh leng keng leng keng rộn ràng cả buổi trưa mùng một đang đến.
- Em sẽ giữ tiền lì xì của anh làm kỉ niệm chứ không xài đâu! Nhưng anh phải chúc tết lại cho em chứ!
- Phương muốn tôi chúc gì?
- Năm ngoái em chưa chuyển đến đây nên chưa được anh chúc tết. Anh chúc gì gì cũng được nhưng chúc gấp đôi nhé!
Em ạ, em biết không, tôi sẵn sàng dành cho em tất cả những lời chúc tốt đẹp nhất mà tôi có thể nghĩ ra. Không phải chỉ có năm ngoái thôi, em có thể nghe nó suốt mười hai mùa xuân, kể từ cái Tết đầu tiên em hiện diện trên đời này.
- Chúc Phương luôn vui, luôn mạnh khoẻ, học giỏi suốt đời luôn, chịu không!
- Dạ chịu. Nhưng năm sau em chạy qua thì anh vẫn chúc tết em nhé. Anh không được nói là đã chúc suốt đời rồi đấy!
- Tôi không có ăn gian vậy đâu. Phương cứ yên tâm!
Em cười hiền lành và thích thú. Sợ gì không sợ, lại sợ năm sau không được chúc tết nữa. Chắc chỉ có em thôi…
Em loanh quanh chơi với tôi đến hết buổi sáng mùng một. Khi thì đong đưa xích đu, khi thì lúc lắc cái bao lì xì giấy cho mấy đồng xu nhảy lên kêu leng keng, lúc lại chạy đuổi theo con bướm trắng nhỏ xíu nào đó chỗ nẹp đất um tùm rau, cỏ dại… Đến trưa, chắc là em bắt đầu thấm mệt và đói bụng thì em xin phép tôi ra về. Tạm biệt em. Cám ơn em đã tặng tôi một buổi sáng mùng một tết bối rối, thú vị và hạnh phúc, tôi được lì xì cho em, được em chúc tết, được chúc tết lại em, được nhìn ngắm em tung tăng… Tôi lại bắt chước hồn nhiên em rồi, tôi không tham lam quá đâu, tôi chỉ ước mỗi năm có mười hai ngày mùng một thôi.
Tết năm nay chùa vắng lặng, các thầy đã lên một ngôi chùa trên Đà Lạt hết rồi. Chỉ còn tôi – gã học sinh ở nhờ nhiều năm và thầy Hải ở lại giữ hương mấy ngày xuân cho chùa. Phật tử cũng vài người đến lau chùi quét dọn. Thường thì mọi người ít ra tới mảnh sân sau này và cũng không ra vào bằng cổng sau. Vậy đó, nên bước chân em lò cò trong sân là cứ mới tinh sau mỗi ngày nắng lên…
Đêm qua trở dậy ngồi viết một mạch, không đầu không đuôi. Cũng định lì xì cho em bài viết khai bút rồi chứ nhưng lại thôi, để dành đó cũng là cho em mà. Chắc em sẽ cùng gia đình về quê mấy ngày tết. Tôi sẽ trông ngày em tựu trường lại. Mỗi chiều, em sẽ mang tập vở qua đây, rón rén mở cách cổng sau rồi ào vô chiếc xích đu ngồi đu đưa. Tôi sẽ giúp em học bài, làm bài tập trong lớp. Tôi sẽ lại ngạc nhiên vì em thông minh quá. Và tôi sẽ thích thú chia sẻ với em chuyện đôi tai kỳ diệu. Em có thể phán đoán chính xác khoảng cách bằng đôi tai mình. Một chú ong bị thương nhé, ong bị té xuống đất nhưng cánh vẫn phát ra thanh âm. Không ai khác hơn là em có thể tìm ra chú ong tội nghiệp đó rồi đưa ong về tổ. Và em có thể nghe được những khúc vĩ thanh mà tôi chỉ biết cúi đầu thán phục. Một buổi sáng rước giờ đến trường, em hớt hải chạy ra báo cho tôi biết em nghe tiếng hoa khóc. Em níu tôi ra chỗ mấy chậu hoa. Hình như đêm qua nơi đây là chiến trường của hai con mèo, hoa quỳnh, hoa cúc trơ cánh xơ xác, cái nẹp đất bị bới tung lên, bẹp nhẹp đất bùn… Em rươm rướm nước mắt. Tôi phải năn nỉ em mau đến trường kẻo muộn giờ học và đích thân tôi sẽ đưa mấy cây hoa đi bác sĩ… Em vừa đi, vừa ngoái lại thút thít khóc… Tôi nhìn theo em mà cứ ngỡ đó là một thiên thần. Em ạ! Tôi viết vài dòng đêm qua là để tặng em và đôi tai bé nhỏ, mùa xuân năm sau tôi sẽ tặng em nhé…
***
Em lên thành phố chơi suốt mùa hè lớp sáu. Cuối tháng tám, em về lại thị xã, tôi vui như tết. Em vẫn thế, chẳng cao hơn bao nhiêu, nước da ngăm hơn nhưng trông em khoẻ mạnh hơn. Em ghé chùa thăm tôi vào một buổi chiều. Tôi nhìn em từ căn phòng nhỏ xíu của mình, em vẫn ngồi trên cái xích đu, đu đưa đu đưa, trong tai em là một cái earphone, hình như em đang nghe nhạc. Thấy tôi, em vui ríu rít từ trong ánh mắt.
Em kể cho tôi nghe về mọi thứ trên thành phố, hồi hộp, lạ lẫm, tiện nghi và cả những nỗi sợ sệt nữa. Em khoe em đã biết sử dụng vi tính rồi, em có thể gõ một đoạn thơ trong sách giáo khoa lên máy tính và em còn biết chơi games nữa, trò chơi có cái rổ chạy qua chạy lại hứng trứng. Em được mẹ cho đi học hát ở nhà thiếu nhi, em hát cho tôi nghe một đoạn bài hát thiếu nhi mới, em khoe cái bìa CD nhạc teen-pop rực rỡ màu sắc em đang nghe có giọng ca gì đấy rất nổi tiếng ở thành phố… Tôi cũng vui vui, mừng cho em nhanh thích nghi được với nhịp sống sôi động của thành phố. Rồi em sẽ đi xa hơn, vươn khỏi cái thị xã bé nhỏ này, em sẽ bay cao tung tăng trong bầu trời một thành phố hiện đại nào khác nữa. Có thể, nơi đó, rất xa, cách mảnh sân chùa bé nhỏ có chiếc xích đu này cả triệu triệu chiếc cánh ong, cách ngày hôm nay cả một khoảng trời của những bước chân sáo an nhiên, có thể người ta không dùng chung loại tiếng nói mà tôi và em đang trò chuyện… Em sẽ lớn lên…
- Hôm nay em qua chùa chào tạm biệt anh, chín tháng lận. Em sẽ lên thành phố học và mùa hè năm sau lại về đây chơi với anh nhé!
Mắt em thấp thoáng chút xíu, xíu xiu buồn thôi rồi rất nhanh, ánh lên những tia long lanh cũ, những tia háo hức mới. Tôi và mảnh sân chùa này trong em, vừa thoáng qua mất rồi…
- Phương đi học ở thành phố thật là ngoan nhé! Tôi chúc Phương học giỏi và mau có nhiều bạn mới…
Em cười trong vắt, ừm, cũng lạ, em thích nghe những lời chúc, chẳng biết có phải từ tất cả mọi người không, hay chỉ từ mảnh sân có nẹp đất um tùm cây cỏ dại này. Nhưng Phương ơi, em lại làm tôi bối rối nữa rồi. Tôi mong bối rối trong tôi cũng sẽ thoáng qua thôi như mắt em thoáng buồn khi nói với tôi lời chia tay…
Đó là buổi chiều em ngồi lại chiếc xích đu rất muộn cùng tôi. Trời đã lác đác những vì sao mà em vẫn chưa muốn về nhà, em ngồi đến lúc cụm hoa quỳnh man mác, bắt đầu tỏa hương nhẹ nhàng quyến luyến.
- Phương chưa đói bụng à, mẹ Phương đang đợi cơm đó! Khi nào về thăm nhà cũ thì ghé thăm tôi luôn nhé, chiếc xích đu này vẫn chờ Phương. Phương sẽ học thật giỏi, sẽ thật vui ở trường mới nhé Phương!
- Dạ. Em sẽ về tham anh và chơi xích đu nữa! Em về đây! Tạm biệt anh!
Em ngồi thêm một lúc nữa rồi kéo cánh cổng gỗ ở phía sau về nhà. Cũng tối, tôi muốn đưa em về lắm nhưng chẳng hiểu sao lại đứng im đó nhìn theo bóng em cho đến lúc em khuất đằng sau cánh cửa nhà em. Tôi đi tha thẩn trong sân rồi ngồi ngồi cạnh mấy bụi hoa. Đêm bắt đầu dày hơn.
Thoáng bối rối trong tôi ban chiều đang trở lại trong màn đêm. Đôi tai có thể lắng nghe những siêu thanh đó, chắc sẽ không còn lâu nữa đâu, em ạ! Khi em ở một thành phố sôi động, nhạc teen-pop, âm thanh công nghiệp, giao thông choáng hết những phần trong trẻo của mọi thanh âm khác. Em hát hay lắm Phương ạ, mọi người sẽ thích tiếng hát em, nhưng khi em hát thì em sẽ không còn nghe được những khúc vĩ thanh phát ra từ những chiếc cánh côn trùng, em sẽ vội lắm mà không còn nghe được hoa cỏ thầm thì cười khóc. Em sẽ bị cuốn đi, như con chim non sẽ lao theo đàn, dẫu biết em sẽ thích nghi và sẽ nhanh chóng trở thành một trong những con chim đầu đàn mới, em giỏi thế cơ mà! Nhưng tôi thích em có một không gian trong trẻo dành cho đôi tai mình hơn, tôi thích niềm vui trong em khi em – bằng đôi tai của mình cứu được đôi cánh ong, cánh kiến đang bị thương… Tôi thích em nghe được hồn nhiên rồi em khóc hồn nhiên theo giọt nước mắt cỏ hoa khóc… Lũ côn trùng có cánh và cỏ hoa trong sân chùa này từ nay vắng em…
Em biết không, Phương, nếu bé Hương, em ruột tôi đó, không bị cơn lũ cuốn đi, chắc giờ cũng cao bằng em và có gương mặt lấp lánh y như em vậy. Ngày năm tuổi, bé Hương cũng bằng đôi tai xíu xiu của mình, cứu được những cánh bướm bị thương bên bờ cúc dại nhà tôi…
Một chút luyến tiếc khi tôi chẳng tặng em những suy ngẫm ngồ ngộ về cái tai hôm đầu năm. Một chút thôi rồi cũng sẽ qua… Dù bé Hương, bé Phương đang ở góc khuất nào của cuộc sống đa không gian này đi nữa, tôi biết, chỉ cần có sự hiện diện của hai em, nơi đó sẽ là nẻo về của những lời thương chân thành nhất…
Tú Trinh
(Trích trong tập truyện ngắn “Bắt tay sương mù”, tác giả Tú Trinh, tủ sách "Tuổi mới lớn", nhà xuất bản Kim Đồng 2004, tái bản 2005)
Trong bụng mẹ thì… tối lắm! Mắt chưa thấy gì đâu, mũi chưa ngửi gì đâu, chỉ có… đôi tai bé bỏng đang lắng nghe. Dù chưa bắt tay làm quen (theo kiểu người lớn) nhưng bố mẹ vẫn trò chuyện cùng bé con đấy! Mẹ bảo bé con sẽ khóc khi lần đầu nói “xin chào” với mặt trời, còn mọi người nhìn ngắm trong nụ cười và chúc mừng, bố hứa làm ngựa cho bé con nhong nhong khắp nơi, bố còn nói sẽ dạy bé con cách yêu thương cuộc đời… Bé con còn nhớ cả lời vị bác sĩ có khuôn mặt hiền hậu và đôi mắt biết cười sau cặp kính nữa: Khi ở trong bụng mẹ, bé con nào cũng giống nhau, cũng nằm chúc đầu xuống giống như hình cái… tai. Hi hi, bé con nào cũng có cái tai, nhờ cái tai biết lắng nghe mà bé con biết “thế giới bên ngoài bụng mẹ” thật to, thật vui…
Ta thức dậy trong đêm, trong trìu mến ánh nhìn của những vì sao, trong tiếng cười hi hi của bé con – ta ngày xưa. Thời gian tĩnh lặng bên ngoài cửa sổ. Ta nhắm mắt và đưa tay bịt hai tai, đố em đấy, ta nghe được gì? Trời ơi, ta nghe ầm ì tiếng sóng biển, nghe vi vút gió đồi thông, nghe trong vắt em cười hiền lành, nghe hương đêm mùa xuân ngọt lành, ta còn nghe cái nóng thót người mỗi khi bị bỏng, ta tự nhiên giơ tay nắm hai tai… Những thanh âm chấp chới, những âm thanh không lời đưa ta đến một câu chuyện (của một người lớn, đi rất xa, biết rất nhiều và viết rất hay) về cái tai rằng… Ở núi non Tây Nguyên, một đứa bé lọt lòng mẹ chỉ được xem là Con Người khi người ta thổi linh hồn vào cho nó. Vậy nên có lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh. Một người phụ nữ (thiên chức người phụ nữ là giữ giềng mối của sự sống mà, phải vậy không em?) đứng tuổi sẽ nhai nát gừng rồi phun vào cuộn chỉ bông lấy từ chiếc xa quay, sau đó thổi bảy lần vào cuộn chỉ đặt sát tai đứa bé, vừa thổi vừa khấn một số câu gì gì đó! Ta chỉ nhớ loáng thoáng rằng: Thông lỗ mũi/ tỉnh lỗ tai/ phun gừng/ tai trái/ nhớ lấy ruộng rẫy/ tai phải/ nhớ lấy công việc/ làm người, hãy nhận lấy hồn người đây… Người Tây Nguyên tin rằng sau lễ thổi tai, lễ truyền cái nhớ, lễ truyền sự sống, đứa bé sơ sinh mới chính thức là Người. Phải vậy không em, từ ngàn xưa, khi con người chưa có chữ viết, chưa có… báo chí thì lời nói, sự nghe quan trọng đến chừng nào!
Em có bao giờ dùng bàn tay để cảm nhận lỗ tai chưa? Tai vành vành hình cánh cung đấy, em có chợt liên tưởng dãy núi cánh cung phía Bắc đón gió cho đồng bằng? Cái tai thì xíu xiu (núi cũng xíu xiu trên bản đồ) nhưng lối vào trải rộng thênh thang! Cả một-đời-nghe, em sẽ nghe rất nhiều, cũng như miền Bắc nước mình là một vực gió. Nhưng mỗi người chỉ có một đôi tai bé nhỏ và em biết không, mỗi đôi tai chọn một cách lắng nghe khác nhau. Có những đôi tai chỉ quen nghe lời ngọt ngào, có những đôi tai biết nghe cả những lời thật – dẫu chát chua, cay đắng… Có những đôi tai biết nhớ, tai nghe rồi tai biết sự nghe hôm nay là dòng chảy vĩnh hằng của sự nối tiếp câu chuyện thế hệ. Có những đôi tai suốt đời vẫn bấp bênh kinh kệ, có những đôi tai vừa chớm nghe tiếng chuông chùa buổi sáng đã lún ngún xanh cỏ thiền… Có những đôi tai vô tư thanh âm rồi thôi, lại có những đôi tai biết nghĩ, biết lắng nghe cả những lời-không-phải-là-thanh-âm… Đêm vẫn sâu sau cánh của phòng. Em có lắng nghe (trong giấc ngủ) câu chuyện giữa ta và em, ta và giấc mơ, ta và con-người-bé-con? Ta có làm em tư lự không? Ta tin rằng một chút tư lự sẽ làm em tươi xinh hơn trong mùa xuân mới.
Sớm mai, ta (và cả em nữa nhé!) dành riêng cho đôi tai mình những phút trong trẻo nhất của ngày mới, nằm trên giường nhắm mắt và lắng nghe. Ta nghe giấc mơ đêm qua reo ca trên ngọn đồi phía xa, nghe hơi thở mùa xuân đang tô màu cho mặt đất bằng những nhát cọ xanh, nghe tiếng chim ngây ngất bước chân mẹ đi chợ về, nghe cả tiếng cười thân quen của em bao năm thơm thoảng trong gió. Cả một thế giới diệu kì khi em biết lắng-nghe, miền bình yên lời thương trong bụng mẹ, miền gập ghềnh cái nhớ, cái quên vơi đầy theo tuổi.
Ta nghe chiếc xích đu ngoài hiên đang cất lên giai điệu quen thuộc em hay hát hồn nhiên… Ta nghe năm mới rón rén bên thềm…
***
- A di đà Phật!
- A di đà Phật!
- Hi hi…
Nghe được tiếng cười “hi hi” của em thì tôi chắc chắn đất trời đã vào xuân thật rồi, mùa xuân đang đi những bước khoan thai quanh tôi chứ không còn rón rén như đêm qua nữa. Nhưng mới sáng mùng một tết em đã làm tôi giật mình, cứ tưởng Phật tử trẻ con nào đi lạc vào phòng tôi chứ. Sống trong chùa nhiều năm, câu chào “A di đà Phật” đã thành phản xạ, gặp ai cũng “A di đà Phật”. Nhiều lúc ở trường quen miệng, gặp thầy giám thị, gặp cô chủ nhiệm cũng “A di đà Phật” làm các thầy cô chọc quá trời, còn nói tôi có căn tu nữa. Nhưng với em thì không, đây là lần đầu tiên em và tôi chào nhau như vậy…
- Sao Phương không ở nhà chúc tết ông bà lấy lì xì, qua chùa sớm vậy, lúc về mất phần thì đừng có khóc nhè đầu năm nghen!
- Em chúc tết ông bà, ba mẹ xong rồi. Em qua đây đòi lì xì của anh đó! Em bắt đầu chúc Tết anh đây, chúc Tết xong thì phải có lì xì nha!
Sáng nay em mặc một cái quần tây trắng và một chiếc áo xanh trời, em thu nhỏ cả bầu trời ngoài kia rồi quàng lên người mình hả Phương? Bầu-trời-nhỏ ơi, em làm tôi bối rối. Tôi đã nhìn khắp lượt căn phòng nhỏ xíu chỉ toàn sách là sách của mình. Trong phòng không có một phong đỏ nào và trong người tôi hình như cũng không còn tiền. Phương ơi, em đòi chi lì xì của tôi, lì xì thường là ít, mỗi năm chỉ một lần, còn em thì luôn xứng đáng được nhiều hơn mà! Hay là lì xì em cái tùy bút hồi đêm…
- Anh chuẩn bị xong chưa? Em chúc nha…
- Phương ra ngoài xích đu ngồi đợi tôi một chút, sẽ có lì xì cho Phương mà, an tâm nhé!
Em ngoan ngoãn nghe lời tôi ra sân ngồi chơi với chiếc xích đu, đều đặn tung tẩy người xuống lên. Từ cửa phòng tôi nhìn ra là mảnh sân sau của chùa. Cuối sân là một cái cổng gỗ, chỉ cao chừng bằng em thôi. Cổng này thông ra một con hẻm nhỏ như bao nhiêu con hẻm khác của thị xã, những sự việc nơi đây dễ thương cũng có và muộn phiền cũng có. Mảnh sân có lót gạch tàu đỏ đỏ, vuông vuông, rêu rêu, cũ cũ… chỉ có bàn chân em hay chạy nhảy trong sân là mới hơn qua mỗi ngày nắng lên. Góc sân có mấy chậu hoa quỳnh, mấy chậu cúc, mấy giò lan và một nẹp đất dọc theo vách tường tha hồ cho rau càng cua, hoa cúc dại, cỏ dại chen nhau mọc lên, nhìn nẹp đất đó là có vẻ đông vui nhất trong cái sân chùa cổ kính này.
May quá, tôi tìm được cái túi đựng đồng xu rồi. Thích mấy cái đồng xu kêu lanh canh, tôi đổi cả túi xu năm trăm đồng để dành gửi xe đạp đi học. Mỗi lần đặt đồng xu vô tay ai đó, tôi có cảm giác lạ lắm, không chỉ đơn giản là xin-cho, bán-mua… Còn đúng mười hai đồng xu, may quá, năm nay em cũng mười hai tuổi.
- Phương ơi, vào đây. Phương muốn chúc gì tôi?
- Em chúc anh năm mới sẽ học giỏi nè, mạnh khoẻ nè, vui thật vui và có nhiều tiền lì xì nữa!
Tôi cười mỉm mỉm. Em hồn nhiên quá đến mức không nhớ tôi già rồi sao. Tôi học cao hơn lớp mười hai rồi, em ạ! Từ rất lâu tôi đã quên mất chuyện nhận lì xì và trước em, tôi chưa bao giờ phải lì xì cho ai đó. Chưa đầy một tiếng đồng hồ sáng mùng một, em mang đến cho tôi cả hai chuyện đầu tiên: Adi đà Phật và lì xì. Chắc còn nữa phải không em?
Tôi trao cho em phong bao lì xì dã chiến tôi vừa gấp bằng tờ giấy tập rồi quẹt vài nhát cọ màu đỏ lên. Trông nó xấu xí thế mà em lại thích thú, cười thật tươi, cứ cố ý tạo ra âm thanh leng keng leng keng rộn ràng cả buổi trưa mùng một đang đến.
- Em sẽ giữ tiền lì xì của anh làm kỉ niệm chứ không xài đâu! Nhưng anh phải chúc tết lại cho em chứ!
- Phương muốn tôi chúc gì?
- Năm ngoái em chưa chuyển đến đây nên chưa được anh chúc tết. Anh chúc gì gì cũng được nhưng chúc gấp đôi nhé!
Em ạ, em biết không, tôi sẵn sàng dành cho em tất cả những lời chúc tốt đẹp nhất mà tôi có thể nghĩ ra. Không phải chỉ có năm ngoái thôi, em có thể nghe nó suốt mười hai mùa xuân, kể từ cái Tết đầu tiên em hiện diện trên đời này.
- Chúc Phương luôn vui, luôn mạnh khoẻ, học giỏi suốt đời luôn, chịu không!
- Dạ chịu. Nhưng năm sau em chạy qua thì anh vẫn chúc tết em nhé. Anh không được nói là đã chúc suốt đời rồi đấy!
- Tôi không có ăn gian vậy đâu. Phương cứ yên tâm!
Em cười hiền lành và thích thú. Sợ gì không sợ, lại sợ năm sau không được chúc tết nữa. Chắc chỉ có em thôi…
Em loanh quanh chơi với tôi đến hết buổi sáng mùng một. Khi thì đong đưa xích đu, khi thì lúc lắc cái bao lì xì giấy cho mấy đồng xu nhảy lên kêu leng keng, lúc lại chạy đuổi theo con bướm trắng nhỏ xíu nào đó chỗ nẹp đất um tùm rau, cỏ dại… Đến trưa, chắc là em bắt đầu thấm mệt và đói bụng thì em xin phép tôi ra về. Tạm biệt em. Cám ơn em đã tặng tôi một buổi sáng mùng một tết bối rối, thú vị và hạnh phúc, tôi được lì xì cho em, được em chúc tết, được chúc tết lại em, được nhìn ngắm em tung tăng… Tôi lại bắt chước hồn nhiên em rồi, tôi không tham lam quá đâu, tôi chỉ ước mỗi năm có mười hai ngày mùng một thôi.
Tết năm nay chùa vắng lặng, các thầy đã lên một ngôi chùa trên Đà Lạt hết rồi. Chỉ còn tôi – gã học sinh ở nhờ nhiều năm và thầy Hải ở lại giữ hương mấy ngày xuân cho chùa. Phật tử cũng vài người đến lau chùi quét dọn. Thường thì mọi người ít ra tới mảnh sân sau này và cũng không ra vào bằng cổng sau. Vậy đó, nên bước chân em lò cò trong sân là cứ mới tinh sau mỗi ngày nắng lên…
Đêm qua trở dậy ngồi viết một mạch, không đầu không đuôi. Cũng định lì xì cho em bài viết khai bút rồi chứ nhưng lại thôi, để dành đó cũng là cho em mà. Chắc em sẽ cùng gia đình về quê mấy ngày tết. Tôi sẽ trông ngày em tựu trường lại. Mỗi chiều, em sẽ mang tập vở qua đây, rón rén mở cách cổng sau rồi ào vô chiếc xích đu ngồi đu đưa. Tôi sẽ giúp em học bài, làm bài tập trong lớp. Tôi sẽ lại ngạc nhiên vì em thông minh quá. Và tôi sẽ thích thú chia sẻ với em chuyện đôi tai kỳ diệu. Em có thể phán đoán chính xác khoảng cách bằng đôi tai mình. Một chú ong bị thương nhé, ong bị té xuống đất nhưng cánh vẫn phát ra thanh âm. Không ai khác hơn là em có thể tìm ra chú ong tội nghiệp đó rồi đưa ong về tổ. Và em có thể nghe được những khúc vĩ thanh mà tôi chỉ biết cúi đầu thán phục. Một buổi sáng rước giờ đến trường, em hớt hải chạy ra báo cho tôi biết em nghe tiếng hoa khóc. Em níu tôi ra chỗ mấy chậu hoa. Hình như đêm qua nơi đây là chiến trường của hai con mèo, hoa quỳnh, hoa cúc trơ cánh xơ xác, cái nẹp đất bị bới tung lên, bẹp nhẹp đất bùn… Em rươm rướm nước mắt. Tôi phải năn nỉ em mau đến trường kẻo muộn giờ học và đích thân tôi sẽ đưa mấy cây hoa đi bác sĩ… Em vừa đi, vừa ngoái lại thút thít khóc… Tôi nhìn theo em mà cứ ngỡ đó là một thiên thần. Em ạ! Tôi viết vài dòng đêm qua là để tặng em và đôi tai bé nhỏ, mùa xuân năm sau tôi sẽ tặng em nhé…
***
Em lên thành phố chơi suốt mùa hè lớp sáu. Cuối tháng tám, em về lại thị xã, tôi vui như tết. Em vẫn thế, chẳng cao hơn bao nhiêu, nước da ngăm hơn nhưng trông em khoẻ mạnh hơn. Em ghé chùa thăm tôi vào một buổi chiều. Tôi nhìn em từ căn phòng nhỏ xíu của mình, em vẫn ngồi trên cái xích đu, đu đưa đu đưa, trong tai em là một cái earphone, hình như em đang nghe nhạc. Thấy tôi, em vui ríu rít từ trong ánh mắt.
Em kể cho tôi nghe về mọi thứ trên thành phố, hồi hộp, lạ lẫm, tiện nghi và cả những nỗi sợ sệt nữa. Em khoe em đã biết sử dụng vi tính rồi, em có thể gõ một đoạn thơ trong sách giáo khoa lên máy tính và em còn biết chơi games nữa, trò chơi có cái rổ chạy qua chạy lại hứng trứng. Em được mẹ cho đi học hát ở nhà thiếu nhi, em hát cho tôi nghe một đoạn bài hát thiếu nhi mới, em khoe cái bìa CD nhạc teen-pop rực rỡ màu sắc em đang nghe có giọng ca gì đấy rất nổi tiếng ở thành phố… Tôi cũng vui vui, mừng cho em nhanh thích nghi được với nhịp sống sôi động của thành phố. Rồi em sẽ đi xa hơn, vươn khỏi cái thị xã bé nhỏ này, em sẽ bay cao tung tăng trong bầu trời một thành phố hiện đại nào khác nữa. Có thể, nơi đó, rất xa, cách mảnh sân chùa bé nhỏ có chiếc xích đu này cả triệu triệu chiếc cánh ong, cách ngày hôm nay cả một khoảng trời của những bước chân sáo an nhiên, có thể người ta không dùng chung loại tiếng nói mà tôi và em đang trò chuyện… Em sẽ lớn lên…
- Hôm nay em qua chùa chào tạm biệt anh, chín tháng lận. Em sẽ lên thành phố học và mùa hè năm sau lại về đây chơi với anh nhé!
Mắt em thấp thoáng chút xíu, xíu xiu buồn thôi rồi rất nhanh, ánh lên những tia long lanh cũ, những tia háo hức mới. Tôi và mảnh sân chùa này trong em, vừa thoáng qua mất rồi…
- Phương đi học ở thành phố thật là ngoan nhé! Tôi chúc Phương học giỏi và mau có nhiều bạn mới…
Em cười trong vắt, ừm, cũng lạ, em thích nghe những lời chúc, chẳng biết có phải từ tất cả mọi người không, hay chỉ từ mảnh sân có nẹp đất um tùm cây cỏ dại này. Nhưng Phương ơi, em lại làm tôi bối rối nữa rồi. Tôi mong bối rối trong tôi cũng sẽ thoáng qua thôi như mắt em thoáng buồn khi nói với tôi lời chia tay…
Đó là buổi chiều em ngồi lại chiếc xích đu rất muộn cùng tôi. Trời đã lác đác những vì sao mà em vẫn chưa muốn về nhà, em ngồi đến lúc cụm hoa quỳnh man mác, bắt đầu tỏa hương nhẹ nhàng quyến luyến.
- Phương chưa đói bụng à, mẹ Phương đang đợi cơm đó! Khi nào về thăm nhà cũ thì ghé thăm tôi luôn nhé, chiếc xích đu này vẫn chờ Phương. Phương sẽ học thật giỏi, sẽ thật vui ở trường mới nhé Phương!
- Dạ. Em sẽ về tham anh và chơi xích đu nữa! Em về đây! Tạm biệt anh!
Em ngồi thêm một lúc nữa rồi kéo cánh cổng gỗ ở phía sau về nhà. Cũng tối, tôi muốn đưa em về lắm nhưng chẳng hiểu sao lại đứng im đó nhìn theo bóng em cho đến lúc em khuất đằng sau cánh cửa nhà em. Tôi đi tha thẩn trong sân rồi ngồi ngồi cạnh mấy bụi hoa. Đêm bắt đầu dày hơn.
Thoáng bối rối trong tôi ban chiều đang trở lại trong màn đêm. Đôi tai có thể lắng nghe những siêu thanh đó, chắc sẽ không còn lâu nữa đâu, em ạ! Khi em ở một thành phố sôi động, nhạc teen-pop, âm thanh công nghiệp, giao thông choáng hết những phần trong trẻo của mọi thanh âm khác. Em hát hay lắm Phương ạ, mọi người sẽ thích tiếng hát em, nhưng khi em hát thì em sẽ không còn nghe được những khúc vĩ thanh phát ra từ những chiếc cánh côn trùng, em sẽ vội lắm mà không còn nghe được hoa cỏ thầm thì cười khóc. Em sẽ bị cuốn đi, như con chim non sẽ lao theo đàn, dẫu biết em sẽ thích nghi và sẽ nhanh chóng trở thành một trong những con chim đầu đàn mới, em giỏi thế cơ mà! Nhưng tôi thích em có một không gian trong trẻo dành cho đôi tai mình hơn, tôi thích niềm vui trong em khi em – bằng đôi tai của mình cứu được đôi cánh ong, cánh kiến đang bị thương… Tôi thích em nghe được hồn nhiên rồi em khóc hồn nhiên theo giọt nước mắt cỏ hoa khóc… Lũ côn trùng có cánh và cỏ hoa trong sân chùa này từ nay vắng em…
Em biết không, Phương, nếu bé Hương, em ruột tôi đó, không bị cơn lũ cuốn đi, chắc giờ cũng cao bằng em và có gương mặt lấp lánh y như em vậy. Ngày năm tuổi, bé Hương cũng bằng đôi tai xíu xiu của mình, cứu được những cánh bướm bị thương bên bờ cúc dại nhà tôi…
Một chút luyến tiếc khi tôi chẳng tặng em những suy ngẫm ngồ ngộ về cái tai hôm đầu năm. Một chút thôi rồi cũng sẽ qua… Dù bé Hương, bé Phương đang ở góc khuất nào của cuộc sống đa không gian này đi nữa, tôi biết, chỉ cần có sự hiện diện của hai em, nơi đó sẽ là nẻo về của những lời thương chân thành nhất…
Tú Trinh
(Trích trong tập truyện ngắn “Bắt tay sương mù”, tác giả Tú Trinh, tủ sách "Tuổi mới lớn", nhà xuất bản Kim Đồng 2004, tái bản 2005)
Subscribe to:
Posts (Atom)