Thursday, January 22, 2009

dù mùa xuân có về hay không

Những ngày giáp Tết ở nhà, ở đây không có chút gì mùi Tết, lại nghĩ về những ngày thời sinh viên và những khuôn mặt quen thuộc, mùa này bận rộn tất bật thế nào cũng ráng giành thời gian khuya khuya chút, quán ven đường, quán lọt thỏm phố phường, ngồi với nhau thêm dăm buổi (dù trong năm ngồi với nhau suốt rồi) trước khi quê đứa nào đứa nấy về. cái tình bạn bè rất thật, cái cảm giác chia xa ảo (năm sau mới gặp lại nhau mà), cái sự gắn bó ngày mười chín, đôi mươi giữa những đứa cù bất cù bơ, nó vậy! Thương không? Thương lắm!

Những đứa trẻ ngày xưa cũng phải lớn lên, dăm đứa đi xa bất lực với khoảng cách và nỗi nhớ, những đứa ở lại cũng chai sạn đi ít nhiều qua những lần đau, và cơn lốc cơm áo, và rồi người ta cũng phải dành thời gian tìm và cho một người khác phái nào đó, không phải bạn. Trong hệ quy chiếu quay ấy, lực ly tâm quăng mỗi đứa về một phía. Vợ/chồng/người yêu tất nhiên của mình, bạn bè vẫn là của mình, nhưng sao cái thương kia không còn vẹn nguyên nữa, ừ thì… chia xa, lần này có vẻ chia xa thật, dù mùa xuân có về hay không, quê mình, quê người!

Những động tác khác ngày xưa, không câu sáu câu tám trong tin nhắn, không điện thoại à ơi, không tụ tập chỉ để nhìn mặt nhau cười cười hay chạm người nhau bằng một ngón tay, nhưng biết là thương còn đó, còn hoài. Ở trường học bao nhiêu là “perspectives of communication for development”, trong trường hợp này tất cả vô dụng một nửa, vì đặc trưng của đối tượng tương tác thông tin và không gian mặc định của đối tượng không cần phát triển. Tuổi mười chín, thuở hai mươi xanh tươi những con người ấy giữ của nhau đã đóng khung vĩnh cửu.

Một sự thật là con người không thể không tương tác thông tin. Ngay cả khi người ta im lặng. Luôn có ít nhất một thông điệp giữa mọi người. Nhưng vì khởi nguồn của mọi giao tiếp thông tin ấy là sự mặc định khép vĩnh viễn, ở dạng thức nào đi chăng nữa, thông điệp giữa chúng mình sẽ cứ luôn chứa đựng tình yêu thương. Dù ngoài kia, mùa xuân có về hay không, quê mình, quê người!

Và hãy cứ thầm thì một đoạn văn mùa xuân của gã thi sĩ xứ Moguer trong những ngày bâng khuâng thế này, để dẫu im lặng hay nói năng, mắt căng nhìn hay đóng khép, thì mùa xuân và cái tình ngày cũ vẫn cứ lên ngôi, hân hoan reo ca trong mình.

Vẻ diễm tuyệt của ban mai! Mặt trời đổ xuống đất niềm hoan lạc kim ngân; đàn bướm muôn màu đùa giỡn tít tận đằng xa, giữa khóm hoa, trong nhà, ngoài nhà, trên suối.
Khắp nơi làng mạc mở lòng trong tiếng vỡ oà, ra rả, trong một cảnh sôi sục sự sống trong lành tinh khôi.
Tưởng như ta đang lọt vào bên trong ổ ánh sáng lớn, giữa một đoá hồng nồng nàn, mênh mông và ấm cúng. (*)

Trinh Nguyễn

(*): trích trong Con lừa và tôi, Juan Ramón Jiménez, Bửu Ý dịch.


--

It is a fact that we cannot not communicate! Even in silence there is a message. There is always at least a message between us. But, because the starting-point of communication is a perpetual enframing, whatever the format is, our messages forever pregnant with love. No matter the spring comes or not out side, in our homeland, in a foreign land.
răng mà nhớ nhà, nhớ bạn bè rứa

No comments:

Post a Comment