Monday, December 26, 2005

Quán mùa đông

12/2005

phố của mùa chưa từng ký ức
nên có một người chọn tâm thế co ro

chẳng thể duỗi ra theo mùa
mưa đông buốt một bên não phải
giấc mơ chiều lạc miền cỏ dại
thêm một lần lần lữa với hoang vu

quán rất rộng nên mùa đông về thật lắm
hạt mưa vỡ ngang những tiếng thầm
hình như bàn bên có hai người tìm được vành môi

mình tôi ngồi Sài Gòn thiêm thiếp khói
mình tôi ngồi
mình tôi ngồi
mình tôi ngồi nỗi nhớ dậy thì tâm bão
mình tôi
mình tôi
ước mong manh chiếc ghế hồn nhiên hóa vành nôi
cho tôi chọn ủ ấm bằng áo len của mẹ

cà phê chiều nay thả giọt êm lạ
quán rất vắng một tiếng rơi của lá

mùa đông ngồi ghế mùa thu
mộng du phố hát chuyện tình
mộng du tôi hát chuyện mình

Tú Trinh


Friday, December 23, 2005

Hội thảo văn học “Sáng tác cho tuổi mới lớn hiện nay” (1)

VĂN HỌC
Thứ Năm, 22/12/2005, 14:55 (GMT+7)
Tìm tác phẩm hay cho tuổi mới lớn


Nhà thơ Cao Xuân Sơn (trái) và cây bút trẻ Tú Trinh trao đổi trên đường về dự hội thảo - Ảnh: Lam Điền

TTO - Khi tủ sách Tuổi mới lớn của NXB Kim Đồng chuẩn bị ra đến tựa thứ 300, một hội thảo văn học dành cho  tuổi teen vừa tổ chức tại An Giang với mục đích tìm kiếm tác phẩm hay hơn. Bởi sách hay của lứa tuổi này đang... khát.

Nhà văn chưa theo kịp bạn đọc

Điều bất cập này ít khi nào được giới sáng tác - vốn có nhiều tự ái - thừa nhận. Nhưng tại hội thảo lần này, nội dung trên được đưa ra và đã gặp những ý kiến tán đồng.

Lâu nay, các nhà văn vẫn thừa nhận với nhau về mặt “lý thuyết” rằng: thời đại @ bây giờ khiến cho suy nghĩ của các em rất khác, các em có những nhu cầu, những quan niệm về thị hiếu thẩm mỹ, những sở thích và đòi hỏi… không giống như cách hình dung về độ tuổi mới lớn vào thuở xa xưa của các nhà văn chuyên nghiệp hiện nay.

Thừa nhận như thế là để nhắc nhau viết cho tuổi mới lớn bây giờ cần đổi mới, đổi khác, nhưng đổi mới như thế nào vẫn là vấn đề còn bàn thảo và mỗi nhà văn vẫn hiểu khác nhau.

Cây bút trẻ Tú Trinh đã đặt ra một vấn đề thẳng thắn và “khó xử” là việc chuyển tải nội dung tình dục, giới tính trong các tác phẩm hiện nay dành cho tuổi mới lớn.

Vấn đề này không mới, bằng chứng là văn học các nước đã xử lý chuyện nay từ xưa đến nay. Nhưng các tác giả Việt Nam vẫn còn lúng túng khi đề cập nội dung này trong các tác phẩm cho tuổi mới lớn.

Tú Trinh dẫn ra các tác phẩm từ Buồn ơi chào mi của Francois Sagan từ 1960 đến quyển sách gây xôn xao Trung Quốc Búp bê Bắc Kinh của Xuân Thụ mới đây, để nhấn mạnh rằng: tình dục ở tuổi mới lớn trong các sách nước ngoài được giải quyết tình huống như thế nào để đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc và trở nên hấp dẫn với số đông công chúng như vậy.

Đồng ý với ý kiến này, nhà văn Nguyễn Trí Công cho rằng “tuổi mới lớn hiểu về tình dục rất sớm. Tuy nhiên, người viết lại không dám động tới lãnh vực nhạy cảm và dễ bị “xử” này khiến các em thờ ơ với tác phẩm viết cho lứa tuổi của mình”.

Rõ ràng vấn đề tính dục là một quan tâm rất lớn của các em ở độ tuổi teen, bởi độ tuổi này đang đối diện với các đổi thay về tâm, sinh lý. Thế nhưng, đề tài này lại chưa được các nhà văn khai thác xử lý, làm cho các emcó cảm giác “tác phẩm chưa theo kịp với nhu cầu của mình” cũng là hệ quả tất yếu.

Cây bút trẻ Quân Thiên Kim cho rằng lực lượng sáng tác cho tuổi mới lớn hiện nay đang gặp phải mâu thuẫn giữa năng lực sáng tác và vốn sống thực tế, và cô mạnh dạn lên tiếng cảnh báo về một nguy cơ quan liêu trong sáng tác văn chương.

Sự việc được diễn đạt có vẻ trầm trọng, nhưng sự thực thì chính khoảng cách giữa nhà văn và bạn đọc luôn là mối quan tâm của những người làm văn chương. Một khi người viết được giao cho sứ mệnh phải đồng hành, thậm chí phải đi trước bạn đọc về mặt tư tưởng, mà anh lại thừa nhận rằng anh đang tụt lại phía sau, rõ ràng là bất ổn.

Hãy viết một cuốn nhẹ và mỏng...

Có nhiều ý kiến bàn về công tác quảng bá sách, cách trả nhuận bút, đầu tư sáng tác… tựu trung cũng là vì mục đích muốn tìm cách để có được tác phẩm hay, và phải đưa tác phẩm hay đến tay người đọc. Những vấn đề này nằm ở môi trường văn chương trong nước, mà nhà văn vẫn thường va phải.

Anh Phước Thảo ở Đồng Tháp đặt vấn đề về nhuận bút cho một tác phẩm tuổi mới lớn hiện nay không cao, nhà văn Nguyễn Thái Hải ở Đồng Nai muốn tìm cách “ràng buộc” giữa NXB và nhà văn bằng ý tưởng: các NXB nên chăng chọn lựa, ký hợp đồng với các nhà văn, có thể trả lương hàng tháng, ứng trước tiền nhuận bút… để nhà văn có động lực viết.

Nhà văn Thu Trân cũng hy vọng môi trường văn chương có thể được cải thiện hơn nếu như hội thảo lần này có các “nhà ra quyết định” – những lãnh đạo hội nhà văn, giám đốc nhà xuất bản - tham gia.

Tuy nhiên, bản thân những điều kiện đó vốn không phải là yếu tố quyết định để có được tác phẩm hay. Một tác phẩm hay chỉ có được khi có nhà văn hay, điều kiện để có được một nhà văn hay hòan toàn không có công thức, chỉ biết rằng: nhà văn hay có thể sáng tác mà không cần các điều kiện “phụ liệu” kia.

Nhà văn Anh Đào nhấn mạnh điều này bằng một khẳng định: “Tôi không nghĩ vì có quá nhiều phương tiện giải trí khác mà các em xao nhãng việc đọc sách. Ta thiếu sách hay cho các em”.

Nhà văn Nguyên Hương nêu thực tế về các giải thưởng văn học hàng năm của Hội nhà văn Việt Nam “cả chục năm nay không hề xét giải cho bất kỳ truyện nào viết về tuổi mới lớn”. Điều này có thể có hai nguyên do: ta không có tác phẩm tuổi mới lớn xứng tầm; và tầm của giải thưởng văn học Việt Nam không không xét đến tác phẩm tuổi mới lớn.

Dù sao, thực trạng này cho thấy các tác phẩm dành cho tuổi vẫn chưa có vị trí trong làng văn học đất nước. Đã vậy, nhà văn Trần Quốc Tòan nêu ra một khoảng trống trong văn học tuổi mới lớn ở ta là thơ. Thể loại văn học này thiếu hẳn trong các tủ sách tuổi mới lớn, nó báo hiệu một sự phát triển bất thường của đời sống văn chương.

Và như thế, để có tác phẩm hay cho lứa tuổi teen, nhà thơ Cao Xuân Sơn lại cất cao lời kêu gọi các nhà văn chuyên và không chuyên nghiệp hãy “viết ít nhất một cuốn sách mỏng mà không nhẹ cho lứa tuổi này”.

LAM ĐIỀN
Link

Thursday, December 22, 2005

Hội thảo văn học “Sáng tác cho tuổi mới lớn hiện nay” (2)

Đời sống văn nghệ
Thứ tư, 21/12/2005, 09:45

Dòng văn học tuổi mới lớn VN chờ ngày lớn
Thanh Vân

Ngày 19/12, hội thảo về “Sáng tác văn học dành cho tuổi mới lớn” đã diễn ra tại phường Núi Sam, Châu Đốc, An Giang. Lần đầu tiên, tình hình phát triển và thực trạng sáng tác của dòng văn học viết cho tuổi teen được 50 nhà văn trên cả nước phân tích mổ xẻ.

Hội thảo họp mặt đông đảo gương mặt nhà văn, nhà thơ. "Lão thành" có Lưu Thị Lương, Trần Quốc Toàn, Đoàn Thạch Biền, Trịnh Bửu Hoài, Cao Xuân Sơn, Mai Bửu Minh... Tầm "trung trung tuổi" thì có Nguyên Hương, Nguyễn Trí Công, Nguyễn Thu Phương, Chu Quang Mạnh Thắng. Lê Đình Vũ. Trên dưới 30 là Vũ Đình Giang, Phan Hồn Nhiên... Thế hệ 8X góp mặt với Tú Trinh, Võ Thu Hương, Ngô Thị Hạnh, La Thị Ánh Hường, Đoàn Phương Huyền. 20 tham luận trình bày trong hội thảo là đầy ắp những ý kiến, đề nghị và trăn trở của những cây bút thuộc nhiều thế hệ.

Nhà văn Lưu Thị Lương cho rằng, tuổi mới lớn của con người là giai đoạn quan trọng nhất để bắt đầu hình thành nhân cách, tự khẳng định mình, tập ý thức về vai trò và trách nhiệm của mình. Theo bà, nhà văn viết về tuổi mới lớn không nên mang mặc cảm mình đang viết về loại đối tượng thấp nhỏ. Rất nhiều nhà văn ở tuổi "hết lớn nữa" như Lưu Thị Lương, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Thị Minh Ngọc... có những tác phẩm rất hay về tuổi "teen". Thế nhưng, hầu hết các nhà văn "già" viết tác phẩm cho tuổi mới lớn để kể lại một thời đã xa, một không gian và thời gian đã lùi vào quá khứ. Trong khi đó, tuổi mới lớn hôm nay có vô vàn sự lựa chọn đến với các loại hình nghệ thuật khác, lựa chọn giữa các tác phẩm trong nước, giữa tác giả này với tác giả kia. Vì thế, yêu cầu hiện đại hóa không gian, thời gian, ngôn ngữ tác phẩm là hết sức cần thiết. Điểm qua những đầu sách cho tuổi mới lớn, dễ thấy một điều: các nhà văn chỉ mới chạm vào vài khía cạnh trong đời sống tâm hồn, tinh thần rất phức tạp, nhạy cảm của các cô bé, cậu bé, vốn chưa phải là người lớn nhưng cũng không còn là trẻ con.

Cây bút trẻ, nhà thơ Tú Trinh táo bạo đưa ra ý kiến: sex trong những sáng tác chọn tuổi mới lớn làm trung tâm vẫn còn bị bỏ ngỏ. Không ít độc giả tuổi "teen" đã đọc những tác phẩm: “Buồn ơi chào nhé” của Francois Sagan, “Lolita” của Vladimir Nabocov, “Búa đe” của Christine Falkenland, “Búp bê Bắc Kinh” của Xuân Thụ, “Đi qua hoa cúc” của Nguyễn Nhật Ánh… Đây được xem là những tác phẩm hấp dẫn vì đã mang lại nhiều cảm xúc trái ngược, phong phú: dữ dội, trần trụi, dễ thương, lãng mạn. Nếu lúc nào cũng quan niệm: sách cho tuổi mới lớn là phải đề cao lý tưởng, ngại ngần đề cập về vấn đề giới tính, viết giống nhau gần như một công thức, một khuôn mẫu, ngập tràn hoa lá mộng mơ thì đơn điệu, nhàm chán là điều dễ hiểu.

Bên cạnh những tham luận được chuẩn bị chu đáo là những tranh luận ngoài lề sôi nổi. Họa sĩ thiết kế, nhà văn trẻ Vũ Đình Giang cho rằng không nên đặt ra những vấn đề cũ kỹ kiểu như: Nên hay không nên đưa yếu tố sex vào văn học tuổi mới lớn? Làm sao để văn học tuổi mới lớn Việt Nam bắt kịp văn học tuổi mới lớn thế giới? Thực tế, những tác phẩm văn học được bạn đọc tuổi teen thế giới đón nhận luôn đầy đủ những hỷ nộ ái ố và những lĩnh vực cấm kỵ. Vấn đề ở đây là nói như thế nào cho hay, cho thuyết phục với liều lượng vừa đủ, văn phong thích hợp và đúng với hoàn cảnh xã hội Việt Nam.

Chuyện về nhuận bút, về sự chưa chuyên nghiệp, chưa phát triển đồng đều của các cậy viết cũng được đem ra tranh luận sôi nổi. Hiện nay, tại các Hội văn học nghệ thuật nhiều tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, Quảng Ngãi…, số lượng người viết và trang viết cho tuổi mới lớn rất hiếm hoi. Tìm kiếm một thành viên trẻ trong lực lượng sáng tác văn học cho tuổi này không mấy dễ dàng, trong khi Hà Nội và TP HCM liên tục đón nhận nhiều cây bút trẻ về hội tụ. Phải cần rất nhiều thời gian nữa mới có thể lấp đầy khoảng trống lớn này.

Buổi tối cùng ngày, đoàn nhà văn đã có buổi giao lưu với hàng trăm học sinh trường phổ thông trung học Thủ Khoa Nghĩa, thị xã Châu Đốc. Cuộc giao lưu giữa những nhà văn đến từ các tỉnh thành xa xôi và các bạn học trò xứ núi diễn ra thật vui nhộn, cảm động. Các độc giả nhí cho thấy vốn đọc của mình không phải xoàng khi "xoay" các nhà văn ra trò. Có bạn cho biết không bỏ sót truyện nào của nhà văn Vũ Đình Giang, kể cả những truyện không phải cho tuổi mới lớn. Điều đó cho thấy tuổi ô mai không chỉ thích đọc những câu chuyện nhẹ nhàng, hồn nhiên kiểu "mới lớn" mà đã tìm đến những tác phẩm vượt tuổi. Đó là một thực tế đáng chú ý cho các nhà văn.

Nhà thơ Cao Xuân Sơn, "ông bầu" của Tủ sách Văn học tuổi mới lớn NXB Kim Đồng đặt hàng đề tài cho các cây bút ngay trong chuyến đi. Không ít bạn trẻ 8X hăng hái hưởng ứng đăng ký những kế hoạch cụ thể. Hội thảo khép lại với nhiều vấn đề vẫn còn chưa được tranh luận đến tận cùng. Tuy nhiên, nhìn lại lực lượng sáng tác thuộc nhiều độ tuổi đang ngày càng đông đảo, nhìn lại những đầu sách đang ngày càng phong phú, có thể khẳng định: Viết cho tuổi mới lớn là một trong những đề tài đang được quan tâm, dòng văn học này sẽ dần đi đến sự ổn định. Và để trả lời câu hỏi: "Bao giờ dòng văn học này lớn mạnh?" còn tùy thuộc vào sự chung tay không chỉ riêng những nhà văn mà của cả một dây chuyền: Người viết - người làm công tác xuất bản - phát hành - tiếp thị sách và cả xã hội.