39 năm sau 30/4/1975, ĐỖ TRUNG QUÂN nói về bài thơ "TẠ LỖI TRƯỜNG SƠN" qua cuộc phỏng vấn do Tú Trinh (Vietnamese Program, SBS Radio, Australia) thực hiện.
Sau biến cố 30/04/1975 một thời gian, những người nghệ sỹ đã nghĩ gì khi họ chọn đi "đường ngược chiều" trong sáng tác, và những nguồn cơn nào đã khiến nhận thức họ thay đổi?
Sinh năm 1955 tại Sài Gòn, Đỗ Trung Quân vừa là bút danh vừa là tên thật của anh. Năm 1976, anh tham gia phong trào thanh niên xung phong và bắt đầu sáng tác. Một số bài thơ "đi đúng chiều" của anh rất nổi tiếng thời đó như "Hương Tràm", "Chút Tình Đầu" được Vũ Hoàng phổ nhạc thành "Phượng Hồng", "Bài Học Đầu Cho Con" được Giáp Văn Thạch phổ nhạc thành bài "Quê Hương".
Suốt hơn 10 năm sau biến cố 30/04/1975, những sáng tác văn nghệ được phép xuất bản hay lưu hành tại Việt Nam, từ ca khúc đến thơ đến truyện, cả ngàn sáng tác như một, chỉ theo đường một chiều, nhằm tuyên truyền cho những chính sách của chế độ chính trị thời đó.
Bài thơ "Tạ Lỗi Trường Sơn" (sáng tác năm 1982) của nhà thơ Đỗ Trung Quân như một chuyến xe đi "ngược chiều".