Thay mặt thượng đế, tôi là thượng đế của chính mình, cho mình cái quyền được lựa chọn, quyền được có quyền.
Cho mình được quyền viết, kể từ phút giây khá muộn của hôm nay, sau một buổi chiều cứ cắm đầu chạy mãi theo một tia nắng cuối ngày, giữa sự đông đúc, ồn ào vật chất giờ cao điểm của Saigon-không-thuộc-về-mình. Sao không phải là một cơn gió nhỉ? Chắc sẽ để dành gió lúc khác. Tia nắng cuối ngày ấy, có thật không, hay chỉ hư ảo như làn khói mỡ trâu Yak trong cung Potala phía uyên nghiêm huyền bí Tây Tạng. Tia nắng cuối ngày ấy có mùi không? Mùi khói xe động cơ hai bánh hăng hắc trên khắp nẻo đường, có lẽ là mùi khoai tây nghiền của tiệm KFC góc phố Duy Tân cũ, hay mùi hoa sứ trắng ngát hương vòng con dốc ngôi trường không bình thường trong kí ức? Tia nắng cuối ngày ấy có vị không? Nồng nồng như một hôm bỗng nổi cơn dữ tợn ăn thịt hoa cúc xanh, hay khăm khẳm như mùi biển Cà Ná đêm mùa hạ vội vàng lướt qua, hoặc vị ấy sẽ phức tạp như món Pooh ướp mồ hôi chan soup chocolate? Chẳng biết nữa, hình như tia nắng cuối ngày của hôm nay bị đột biến, nó to bất thường, như một tấm chăn đổ trùm lên cơ thể mình theo phương thẳng đứng. Ờ há, chưa thử trùm cái chăn tia nắng cuối ngày ấy theo phương nằm ngang, có lẽ mình vẫn chưa hào hứng lắm với cái việc nằm sấp giữa cái nơi không thuộc về mình đó. Đừng hỏi tại sao lại là nằm sấp nhé, đơn giản là vì 23 năm qua chưa thích nằm ngửa, thế thôi.
Sẽ bắt đầu một dãy những kết quả của sự lảm nhảm không tuyến tính, không phi tuyến tính nhưng tự hứa là đầy nghiêm túc với cảm xúc của mình, đến đây lại phải xét lại xem có bao giờ mình nghiêm túc với cảm xúc của mình chưa? Có lẽ có, có lẽ không, chẳng biết nữa, tại sao cứ phải biết nhiều việc quá vậy, nhưng ít nhất câu trả lời là… đã từng, có nên mừng vì điều đó không nhỉ? Bỗng nhớ một câu của anh T.: “Cuộc đời, có gì mà quan trọng hoá vậy em!”, ừ, lại mô tả mình bằng câu của người khác, bác S.: “thân nhẹ nhàng như mây”…
Chẳng thèm loay hoay với sự nghiêm túc, đến lúc phải đi mua tủ thôi, tủ có nhiều hộc, nhiều ngăn kéo để nhốt chúng lại, những dòng ý nghĩ hay cảm xúc chi đó bỗng đến và đi trong não mình, về những chuyện đã xảy ra trên trái đất này, trong cuộc đời mình hay ít nhất là đã từng xảy ra trong trí tưởng tượng của mình. Mà, có lẽ trí tưởng tượng của mình mạnh quá, nó uy hiếp cả sự-diễn-ra-vật-chất làm mình nhầm lẫn, kệ nó, vật chất hay phi vật chất, cũng nhốt vào những ngăn tủ, không cần phải khoá bằng mấy ống khoá kỹ thuật cao nặng trịch hay bấm bấm dãy số, khép nhẹ lại cho gọn gàng một chút thôi, cho ai đó nếu tình cờ ghé ngang hay cố ý tìm kiếm có thể bắt gặp chúng với sự sống riêng chúng kể từ ngày định cư nơi hộc tủ ấy. Có lẽ cũng cần mua thêm một cái giường, một cái kệ sách, ừm, mình đang sống ở nước nhiệt đới, thôi thì đi mua cả một cái tủ lạnh, sẵn tiện mua thêm một cái lò sưởi nữa, chắc chẳng cần tiết kiệm quá làm gì, gom góp lại chắc vẫn còn dư một ít mà, những cảm xúc từ xứ sở nhễ nhại mồ hôi hay là những câu chuyện của mùa đông lạnh cóng cũng cần có nơi trú ngụ.
Cái giường sẽ dành cho những cô nàng kí ức đỏng đảnh, cứ một hai chọn tướng ngồi xoè váy, hay là dành cho một vài câu chuyện đến hồi kiệt sức cần nằm sấp vì muốn từ chối cái trần nhà, bầu trời hay ánh đèn một thời gian, các cô gái của G.G. Marquez chắc cũng cần nằm nghỉ ngơi một chút nơi này. Cái kệ sách bằng gỗ nâu cũ kĩ nhé, cho những triết lí mắc bệnh nghiêm trọng có liên quan đến F. Nietzsche, S. Freud, hay những chi tiết ngông cuồng hiện sinh của P.C. Thiện, chót vót tượng trưng của A. Rimbaud, rồi hoa hồng của U. Eco hay di chúc của M. Kundera cũng sẽ ở đây cho xứng cái tầm vừa là thuốc độc vừa là thuốc chữa bệnh của chúng. Nếu bé Tốt-tô-chan hay Pi-pi Lăng-stơ-rum hay Đô-rê-mon thích cũng có thể thu mình sắp xếp vào đây, nhưng mình nghĩ chúng thích chạy nhảy loanh quanh từ nơi này qua nơi khác hơn là ở yên một chỗ, ừ, cứ thoải mái mà tung tăng đi các bé, khi mệt thì ngồi bệt xuống đất, ngại gì. Còn cái tủ lạnh, chắc nhiều mảnh rời trí nhớ muốn tìm đến nó lắm, Việt Nam nóng quá mà, tươi mát ai mà chẳng thích, sao cũng được, nhưng mình sẽ ưu tiên dành chỗ cho mấy con chim của P. Gallico kẻo tội nghiệp chúng. Cái lò sưởi ư, chắc L.M. Silko cần đến cho cái lễ hội mặt trời xuyên suốt, ừm, dành cho cả ngôi làng có chàng thi sĩ và con Platero của J.R. Jimenez nữa, chẳng hiểu sao mình muốn cái làng đó ấm áp quanh năm. Nói đến đây thì chẳng biết phải cất mấy đại lộ (boulevard), vỉa hè Paris, lề đường Tự Do, ngôi trường Tô-mô-e, cul-de-sac 47 ở đâu nữa. Từ từ, mình tin là trước sau gì mình cũng sắp xếp được một chỗ cho chúng thôi, còn như mình bất lực, chúng sẽ biết tự thân vận động mà. Lo gì! Mọi sự quy hoạch, sắp xếp, phân chia trên cũng chỉ là ví dụ, nếu mà kể được hết ra đây hay đúng y chang như dự định thì… viết làm cái quái gì nữa, và cuộc đời giống như một game-online phiên bản cuối với các khả năng được dự đoán và lập trình hoàn hảo.
Tóm lại thì cũng nên xin lỗi những cái tên riêng bị và chưa bị nhắc đến từ nãy đến giờ, đã bảo là không cố ý mà, tên hiện ra trong não thì tay lọc cọc gõ phím lại thôi. Nhắc đến tay, lại thèm. Phải chi có ai đó, cho mình mượn một cánh tay, một chút lực nữa, làm ơn đẩy mình xuống một cái đi, hành động phải dứt khoát nhé, cám ơn mà. Mình đang cheo leo lắm nè, ngoài kia là một hốc đêm đen ngòm có mưa, một trạng thái môi trường lý tưởng cho sự rơi, nếu được rơi, mình sẽ ước gì trước khi rơi mình hoá thành cái gì đó tròn tròn, nhỏ nhỏ, trái banh chẳng hạn, banh ping-pong hay banh tennis ấy, khi tiếp đất lại tưng lên, lại rơi, lại tưng lên. Đúng là lòng tham của con người, muốn rơi lại muốn rơi. Mình không quan tâm lắm đến cảm giác tưng lên đâu, mặc nó, mình chỉ thích rơi. Lúc chưa kịp rơi, trái banh, ping-pong, khi đó thì ai đó có ý định ôm mình sẽ không còn nỗi e dè bị sốc xương nữa rồi, như vậy thì có ôm không và có quyết định rơi tiếp không nhỉ? Chắc là vẫn có, mình thích rơi mà. Mà cũng không chắc chắn lắm.
Tóm lại lần nữa, quay trở lại với chuyện mua sắm và sắp xếp, tủ hộc, giường, tủ lạnh, lò sưởi sẽ được yên vị trong một gian phòng lơ lửng đâu đó, có thể không có cửa ra vào nhưng chắc chắn một điều, đó là gian phòng có cửa sổ. Mấy thứ được cất trong gian phòng này chắc cũng giống mình, thích đi lại, chạy nhảy, bò trườn, ra vào, tung tăng hay trầm tư gì đó bằng lối cửa sổ. Lúc này thì thích nhất và nhìn quanh một cái thì thấy nhiều nhất là những thứ không bắt đầu, không kết thúc. Những chuyện ấm ớ thế này cũng hợp với cửa sổ.
Trí nhớ lúc này ư?
Những mảnh rời không rõ hình dạng, nhưng một điều chắc chắn là nó có hình dạng, đã gọi là mảnh mà, có khi nào nó giống như một chiếc răng không nhỉ, mà ngay cả khi đó là một chiếc răng thì đó là răng sữa, răng sún, răng thỏ, răng hạt bắp, răng khểnh, biết được chính xác là loại nào thì cũng còn xa lắm mới xác định được hình dạng mà. Những âm thanh ư, rất rõ nhưng chịu, chẳng biết là tiếng gì, tiếng thét xé lòng từ chối một sự sống nhu nhú của đứa con gái trên bàn mổ hay lời thầm thì của một đôi tình nhân nào đó dưới bóng cây ngọc lan, cũng hệt như nhau, cũng từ rất xa vẳng lại nhưng rõ ràng rành mạch thế nào ấy. Tự dưng, như nghe được, như cảm được thê thiết tiếng kêu phá vỡ sự im lặng một đêm mưa tháng 4 của nhân vật Naoko, nghe bằng lỗ tai của H. Murakami thì đó là “âm thanh cực cảm buồn thảm nhất” mà ông đã từng nghe. Không biết Chí Phèo và Thị Nở, cái đêm trăng ấy có cái thanh âm nào đáng nhớ không, dù gì thì cũng là lần đầu tiên mà. Thôi đi, cố làm gì chuyện đó, xác định rõ ràng mọi thứ chưa hẳn là một điều tốt, ít nhất là vào lúc này.
Vụt hiện lúc nào trong đêm mưa sẽ cố gắng ghi lại lúc ấy, theo một cách mà lúc ấy tự nhiên có, sẽ chăm chỉ ghi trong mùa mưa này, vì sợ mai thôi, trí nhớ suy tàn.
Sao mà mình vẫn thèm rơi.
Tú Trinh
10.08.2006