Sunday, November 30, 2003

Này anh…

cuối 2003

oxeye daisy

sao lại quay đi nhanh thế?
(sẽ đổi phút anh đứng chờ em vào cổng bằng… nụ hôn)
hẻm thành phố vừa đủ dài và tối
hẻm vừa đủ sáng cho anh nhìn
em sẽ ló đầu ra chỉ để vẫy tay và nhoẻn cười lần nữa
bức tường rưng rưng, lẽ nào an tâm về
anh không sợ gã say rượu nào đó ngang em bắt mất?

rực rỡ thuở ban đầu
anh hay gõ cửa nhà em khi trời vừa sáng
hai đứa vòng vèo tiễn chân màng sương
hai đứa líu lo rung rinh ôm hoa cúc
buổi sáng mới tinh ly cà phê cũ không đường

cũng lâu rồi anh không chào bình minh
(anh thức đêm rất khuya nhưng… mỗi người một quận)
con gái đỏng đảnh giận hờn rồi phải… tự hết?
và những cái nắm tay ấp úng chắc phải vào bảo tàng?

lâu rồi hai đứa không cười vang…
lời yêu thương đang “hắt xì” vì đóng bụi

Tú Trinh

Friday, November 28, 2003

Và em ráp chữ...

VĂN HÓA - GIẢI TRÍ
Thứ Năm, 27/11/2003, 09:01 (GMT+7)
Tú Trinh - giải nhất cuộc thi thơ bút mới "Lục bát và đất nước" của Báo Tuổi Trẻ


Và em ráp chữ...

TT - Tú Trinh làm thơ từ thời còn học phổ thông. Bạn bè trên dưới vài thế hệ ở Trường THPT Năng khiếu TP.HCM vẫn nhớ cô bạn học lớp chuyên văn, người nhỏ nhắn mà thơ thì “lợi hại” vô cùng. Năm lớp 12 Trinh viết những câu về phố, rất lạ, lạ hơn nhiều cặp mắt đang yêu khác:


Em bỗng nghe bàn chân nhớ phố
Sài Gòn ngoằn ngoèo, nỗi nhớ cong cong
Miền Trung xa quanh bốn bề sóng vỗ
Anh có nghe gió gửi lời mong?

Và điều đặc biệt là Trinh không làm thơ lục bát. “Em không chịu được sự kìm hãm của niêm luật, em thấy mình không có khả năng làm lục bát”. Mà quả thật, từ lúc biết làm thơ cho đến khi gia nhập Vòm Me Xanh với cái tên Me Hạc, kể cả đến bây giờ, khi đã viết cho Mực Tím, Khăn Quàng Đỏ, đã “ăn nhuận bút vòng vòng các báo” rồi, quĩ thơ lục bát của Tú Trinh đến trước khi có cuộc thi “Lục bát và đất nước” chỉ vỏn vẹn hai bài. “Một bài em viết về Chí Phèo, một bài em viết về Kiều. Cả hai bài lục bát trước đó chỉ như những bài tập hồi em học phổ thông thôi” - Tú Trinh bộc bạch.

Thế mà Trinh đến với cuộc thi này bắt đầu từ “một sự ganh tị”, Trinh bảo thế. “Người ta dự thi lục bát được, tại sao mình không tham gia?”. Và Trinh gửi bài, vào gần cuối hạn dự thi. Khi chùm thơ ba bài của Trinh vào đến chung khảo, ban giám khảo nhận ra đây là những bài thơ mang tứ lạ.

Nhà thơ Nguyễn Thái Dương cho rằng “thơ của Trinh có nhiều ý tứ mới, bài nào cũng có tứ lạ và hay. Đó là cơ sở để ban giám khảo cân phân với các bài của đối thủ nặng ký Nguyễn Linh ở Hà Nội”.

Mà quả thật, thơ Trinh lạ lắm. Câu lục bát như nhấn vào quê hương một cái nhìn đau đáu:


Người đi chân đất mỏi mòn
đầu làng nhớ đỏ gạo son thì về
nắng mưa gió cát là quê
cánh diều chưa mất lời thề sợi dây.

Cảm nhận về quê như thế, ít ai ngờ xuất phát từ tâm hồn của một cô bé sinh ra và lớn lên giữa thị thành. Và lạ, còn phải kể đến những tứ thơ:


Người ngang dọc
mùa đi vòng
Tìm về chim ngói cánh đồng reo ca...

Hay bạo liệt bất ngờ:


Người che mưa ướt cong mi
cho ta trú dưới nhu mì của em

Và, một chút ngọt ngào với phố:


Sài Gòn mưa ướt trời đêm
tiếng dương cầm chảy ướt mềm vòng xe.

Lại hồn nhiên, trong trẻo:


Đôi khi đại lộ thênh thang
mình đi cứ ngỡ hai hàng cây đi...

Bây giờ Trinh vẫn đi học, vừa viết cho mấy tờ báo Mực Tím, Khăn Quàng Đỏ, Nhi Đồng, thảng hoặc gửi bài đăng tạp chí Văn, kể cả tuần báo Giác Ngộ. “Em tự lo học phí cho mình bằng những món tiền còm gom góp từ trang viết như thế, có thú vị không?”. Trinh cười hồn nhiên, nhưng có lẽ chính sự vất vả và cả những nỗi đau khó có người chia sẻ kia cũng góp một phần vào chất sáng tác của Trinh.

Trinh thuận tay viết cả truyện ngắn. “Có lẽ em sẽ sống với những trang viết này một thời gian, và đời người cũng chỉ là thời gian thôi, có phải không?”. Nhưng Trinh vội vã nói thêm: “Ồ, em nói nghe to tát thế, nhưng thật ra với thơ em chỉ làm động tác ráp chữ thôi, may quá nó là thơ” - Trinh nhoẻn miệng cười.

Tự nhiên thấy tin vào thơ. Ừ có khối người hăm hở lao vào làm thơ, kêu gọi nhau làm thơ nhưng hóa ra là anh đang ráp chữ. Cũng có người bắt tay vào là nghĩ mình đang ráp chữ, cuối cùng lại hóa ra thơ. Sáng tác là thế, ảo tưởng ư?

LAM ĐIỀN



Tin bài liên quan: Kết quả cuộc thi Thơ Bút Mới lần 5 "Đất nước và lục bát"

Link

Kết quả cuộc thi Thơ Bút Mới lần 5 "Đất nước và lục bát"

VĂN HÓA - GIẢI TRÍ
Thứ Năm, 27/11/2003, 05:36 (GMT+7)
Kết quả cuộc thi Thơ Bút Mới lần 5 "Đất nước và lục bát"

TT - Cuộc thi Thơ Bút Mới lần 5 “Đất nước và lục bát” do báo Tuổi Trẻ tổ chức từ ngày 15-6 đến 31-10-2003 đã kết thúc với 1.610 bài thơ dự thi (chỉ kể những bài hợp lệ) của 595 tác giả trẻ từ khắp các tỉnh thành trên cả nước. Một oái oăm thú vị: hai tác giả đoạt giải cao nhất trong cuộc thi thơ lục bát kỳ này đều là dân thành thị.

Nguyễn Linh (1979), ở gác 3, nhà 73 Hàng Gà, Hà Nội. Tú Trinh (1983), nhà 322/8 Nguyễn Tất Thành, Q.4, TP.HCM. Cũng phảng phất hồn quê, tình quê đó thôi, nhưng hai “tay đua” này trội hẳn lên bằng lối chơi lời quê điệu nghệ hơn những người trong cuộc đua.

Nguyễn Linh mơ hồ:

Tuổi thơ nhặt lá xếp thuyền
Tuổi thơ đánh chắt 
chơi chuyền... tuổi thơ...
Bao giờ cho tới ngày xưa
Bao giờ trở lại ngày chưa biết gì.


(Bao giờ cho tới ngày xưa)

Tú Trinh lãng đãng:


Đôi khi đại lộ thênh thang
Mình đi cứ ngỡ hai hàng cây đi...


Vỉa hè rượu uống không say
Giọt mưa mang nỗi 
buồn bay về trời...
Sài Gòn mưa ướt trời đêm
Tiếng dương cầm chảy 
ướt mềm vòng xe
Chân trần tránh xác lá me...


(Một ngày mưa trên phố)

Tới vòng chót cuộc đua thì “lục bát phố phường” của Tú Trinh qua mặt “lục bát đồng quê” của Nguyễn Linh mà đoạt lấy giải nhất, ấy là nhờ hồn thơ mới hơn và xác chữ cũng mới hơn. Cùng có nội lực và tài nghệ sàn sàn nhau, ai mới hơn thì người đó thắng.

NGUYỄN DUY


Tôi thích những vần thơ thể hiện rõ bản lĩnh của người trẻ tuổi, dù xa quê, nhớ quê nhưng họ vẫn cố gắng hội nhập cuộc sống mới mà họ đã lựa chọn. Về thi pháp, tôi phân vân ghê gớm giữa hai “thí sinh” Nguyễn Linh và Tú Trinh.

Cả hai đã chinh phục được tôi cách thể hiện nhuần nhuyễn, “có nghề” trong thể loại thơ tưởng rằng “ai làm cũng được”. Nhưng cuối cùng tôi chọn Tú Trinh. Bởi lẽ Tú Trinh đã thể hiện được những điều mà tôi mong đợi, bằng cách nói chân thật của một người quê lên phố, không mặc cảm: Chân trần tránh xác lá me/Mới hay mình cũng nửa quê nửa mùa hoặc tìm cách làm mới của thể thơ này: Bê nằm mơ rạ rơm bay/Hồn quê vẫn đứng trên đầy bát cơm.

Viết về quê nhà như thế quả là giỏi, tôi thích chữ “đứng” quá! Nhưng đứng ở đâu? Tú Trinh đã trả lời câu hỏi ấy theo suy nghĩ chín chắn của một người trẻ tuổi, và rõ ràng thơ ấy đã vượt qua các ngưỡng của thơ ô - mai - học - trò...

LÊ MINH QUỐC




Ngày 23-11, ban giám khảo gồm các nhà thơ: Nguyễn Duy (thay thế nhà thơ Ý Nhi), Đỗ Trung Quân, Lê Minh Quốc đã họp và bình chọn kết quả sau đây:

* Giải 1: Nguyễn Phạm Tú Trinh (sinh năm 1983, TP.HCM) với các bài: Hát lên trong chiều, Du ca, Một ngày mưa trên phố.

* Giải 2 (chỉ có một giải): Nguyễn Linh (1979, Hà Nội) với các bài: Bao la, Ngọn nguồn ca dao, Trung du, Chèo.

* Giải 3 (bốn giải, thay vì ba):

- Phan Dương (1981, TP.HCM) với các bài: Đồng hương, Nhớ tuổi, Cuối mùa.
- Hà Huy Tuấn (1979, Hà Nội) với các bài: Thăm Cổ Loa, Nghe người thổi sáo, Bên đường.
-  An Đà (1980, TP.HCM) với các bài: Xanh, Hết mùa, Xin về.
- Trọng Tuấn (1979, Cần Thơ) với các bài: Về, Trở về, Gửi bạn ca xưa.

* 9 giải khuyến khích (thay vì 10):

- Phạm Thị Thanh Nga (1982, TP.HCM) với bài Hỏi thăm cây khế.
- Đinh Hạ (1982, Huế): Dân ca.
- Thục Linh (1983, TP.HCM): Ngược sóng đêm.
- Trần Hoàng Nhân (1980, TP.HCM): Gặp ga ngày tha hương.
- Phan Anh (1980, TP.HCM): Lạc.
- Nguyễn Yên Du (1979, Ninh Thuận): Quê phố.
- Trần Lê Tú (1979, TP.HCM): Về thôi.
- H.Du (1979, Cần Thơ): Mồ côi.
- Phan Danh Hiếu (1982, Huế): Chợ làng.

Buổi lễ trao giải và giới thiệu tác giả, đọc thơ giao lưu sẽ được diễn ra tại hội trường A Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM vào lúc 19g30 ngày 22-12-2003, kết hợp trong một đêm thơ của CLB Sáng tác trẻ Thành đoàn TP.HCM (sẽ có thư mời riêng đến từng tác giả trúng giải).

BAN BIÊN TẬP BÁO TUỔI TRẺ

Tin bài liên quan: Và em ráp chữ....

Link